Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Từ trong tro muội

Từ trong tro muội

Kể ra ở vào tuổi tôi mà đi Đà Lạt thưởng thức hoa tháng Chạp cũng lạ. Thật ra toàn bộ chuyến đi của tôi do người luôn coi tôi ân nhân tài trợ. Về hưu mấy năm rồi, con cái đã trưởng thành, tôi không vướng bận gì đến mức không hưởng thụ cuộc sống một phen. Người luôn coi tôi là ân nhân thuyết phục mãi, cuối cùng vợ chồng tôi quyết định cúng ông bà vào hai bảy tháng Chạp để trưa hôm sau có mặt ở Đà Lạt.
“Hoa mai anh đào năm nay nở sớm, đẹp không tưởng”, Hương nhắc điều này cả chục lần như sợ tôi từ chối chuyến đi. Đà Lạt quá lạnh so với cái thành phố miền biển quê tôi. Cái lạnh cứ xuyên qua mọi kẽ hở của chiếc áo khoác, lùa lên mặt, hai bàn tay. Gần trưa vẫn lạnh. Vừa đến Đà Lạt, một chiếc xe UAZ tân trang trờ tới. Điện thoại rung. Là Hương. “Tài xế chiếc U-oát này là chỗ quen của con. Cô chú lên xe nhé, mai anh đào của Lạc Dương mới là đỉnh của chất chú à”.
Vậy là tiếp tục lên xe làm cuộc hành trình ngắn nữa. “Mai anh đào của Lạc Dương mới là đỉnh của chất”, thôi ráng, nghề chơi cũng lắm công phu mà. Bà xã tôi gật gù ngủ rồi mở mắt ra lúc xe rẽ vào một con đường khá xấu. Trước mắt là núi, ba phía núi bao quanh một bình nguyên. Đẹp quá anh ơi, đẹp quá xá! Bà xã tôi thốt lên.
Đúng là đẹp quá xá. Con đường men theo một dãy núi, phía dưới là cánh đồng. Cả một trời mai anh đào. Cả không gian nhuộm phấn hồng. “Con ở đây năm nào cũng thấy mà còn mê, cô chú à”, anh tài xế kiệm lời lúc này cũng đưa chuyện. Xe quành mấy đoạn nữa thì dừng trước một ngôi nhà trệt sơn trắng có kiến trúc rất lạ. Hương, người luôn coi tôi ân nhân, ra đón vợ chồng tôi. Tự nhiên nước mắt tôi giàn giụa. Trong một thoáng, tôi nghe tiếng ve lúc đầu khe khẽ, sau lớn dần. Tôi chợt rùng mình, chết thật, có khi nào mình bị tăng huyết áp, do vội đi nên quên mang theo đồ đo, biết sao giờ. Nhưng liền ngay đó tôi tự trấn an: Chắc có lẽ do chênh lệch độ cao cộng với tuổi tác nên váng vất chút đỉnh. Tiếng ve mỗi lúc một to và nước mắt tôi tiếp tục giàn giụa. Hương và con gái vồn vã: Con chào cô chú, cháu chào ông bà. Ô kìa, người luôn coi tôi là ân nhân cũng khóc.
Tiếng ve nuốt hết mọi âm thanh khác trong không gian vào giữa một buổi sáng khi tôi đi công tác ở một huyện miền núi gần hai mươi năm trước. Đó là một cuộc tập huấn nghiệp vụ do tòa án tỉnh tổ chức. Ban tổ chức cho tòa án một huyện đăng cai địa điểm cũng hay, nhờ vậy anh em trong ngành có điều kiện đi đây đi đó. Giờ giải lao, tôi vù ngay ra ngoài để gọi cho thư ký tòa vì trong khi tập huấn, cậu ta nhắn cái tin “anh gọi em liền nha”. Cậu thư ký tòa hổn hển: “Anh ơi, cô vợ nguyên đơn trong vụ án ly hôn mà mình chưa thể tuyên đã tự tử”. Tôi lặng đi mấy giây. Tiếng ve của một trường học gần đó trùm lên tất cả. Tôi kê điện thoại sát vô miệng để hét lên: “Tự tử ở đâu, tình hình ra sao rồi? Em chịu khó nói to lên, xung quanh đây ồn quá”.  Tiếng hét ở đầu bên kia: “Cô ta ra ngoài biển, chỗ mấy tảng đá ở Thương Chánh. May mà có mấy tay bơi giỏi cứu được, đang được trợ sức ở bệnh viện tỉnh”.
Ngày tập huấn trôi qua trong dàn giao hưởng tiếng ve chát chúa. Theo lịch, đợt tập huấn còn một ngày nữa dành cho tự nghiên cứu. Đêm đó, tôi bật đèn ngồi viết một mạch bản thu hoạch một số vấn đề về án hôn nhân trong giai đoạn hiện nay, phần cuối có phần dự báo mang tính cá nhân về vấn đề này trong thời gian tới. Giữa buổi sáng, trong khi các đồng nghiệp dành thời gian còn lại để đi thăm thú mấy cảnh đẹp loanh quanh cái huyện đó thì tôi vù ngay về nhà. Sốt ruột quá đỗi. Xe chạy gần mười cây số tôi mới nhận ra thứ cây được trồng thẳng tắp hai bên đường là cây cao su. Theo tin nhắn của thư ký tòa án, tôi đến ngay bệnh viện tỉnh. Có điều tôi chưa được gặp nguyên đơn là người tự tử ở bãi biển đang nằm cấp cứu. Theo bác sĩ trực, người phụ nữ trẻ này được cứu hơi muộn, cần duy trì sự mở phế nang để đảm bảo nồng độ oxygen và theo dõi thường xuyên nhiệt độ. Bác sĩ còn nói gì gì đó về điện giải, thông khí áp lực…nhưng tôi nghe như nghe ngoại ngữ. Tôi đành phải về. Thấy tôi có vẻ thất vọng, bác sĩ trực an ủi: “Với tình hình này, chiều tối mai, anh vô thăm bệnh nhân được”.
Đêm đó tôi gần như thức trắng và mơ đủ thứ. Đó là những giấc mơ đơn điệu vì chúng chỉ là sự tái hiện những gì tôi mường tượng. Tôi thấy mình lang thang trên bãi biển Thương Chánh mùa hè. Người đông như kiến. Bất chợt có tiếng la chết đuối, chết đuối. Người chết đuối là một phụ nữ trẻ. Mấy thanh niên bơi giỏi lao xuống cứu. Rồi có ai đó thề thốt là thấy cô này nhảy từ trên tảng đá xuống. Dân xứ biển rất rành về những cú nhảy. Nhất định cú nhảy đó là của người tự tử chứ không phải bị trượt chân.
Ngày hôm sau tôi không thể giải quyết được việc gì cho tới nơi tới chốn vì tôi hiểu động cơ của cú nhảy. Và tôi buồn vì bất lực, tự thấy bản thu hoạch nộp cho ban tổ chức đợt tập huấn sao mà nhạt nhẽo. Tôi chỉ mong sao mặt trời lặn sớm để tranh thủ vào gặp nguyên đơn.
Khi tôi đến bệnh viện thì nguyên đơn đang nằm trên giường, đứa con gái đâu chừng ba tuổi nằm bên vuốt tóc mẹ. Hai mẹ con đã trải qua những tháng ngày hôn nhân địa ngục. Gần hai mươi năm rồi nên tôi không thể nhớ hết chi tiết. Tôi chỉ nhớ là tôi nói ngay sau khi ngồi xuống cái ghế nhựa cũ kỹ mốc meo trong phòng cấp cứu: “Hương cứ nằm nghỉ, chú tìm ra lối thoát cho con rồi…”. Hương gật đầu lia lịa và ứa nước mắt: “Nếu được vậy thì suốt đời này con không bao giờ quên ơn chú”.
Kết quả giám định ADN đã trả lại danh dự cho nguyên đơn. Và tôi dễ dàng tuyên án ly hôn. Đứa bé là con của chồng Hương. Có nghĩa Hương là một người vợ đoan chính chứ không như lời vu khống độc địa của bà mẹ chồng người Huế. Hương được giải thoát, không còn suốt ngày phải nghe bà mẹ chồng càu nhàu đàn bà tuổi Dần ám chồng, hãm tài và lăng loàn. Hồ sơ vụ ly hôn đó là một tập dày bất thường, dù về hưu mấy năm nhưng tôi nhớ rõ là nó nằm trong tủ số 7. Nó rắc rối nhất trong các vụ ly hôn mà tôi từng xử. Xung đột của vụ án không phải vì kinh tế hay vì cá tính, cũng không vì sự tha hóa của một trong hai phía đối ngẫu hay đời sống hôn nhân mất sức hấp dẫn. Tất cả chỉ vì con dâu tuổi Dần. Điều đó gieo vào bà mẹ chồng đồng bóng nỗi sợ về sự không an toàn cho tương lai của gia đình bà. Và bà quyết trục xuất “con cọp cái” ra khỏi nhà với một vụ lăng loàn do bà tưởng tượng. Bà quả quyết đứa cháu nội gái không có một nét nào giống cha. Một lần, không chịu đựng nổi, con dâu là Hương nói lại: “Mẹ, con thấy Hằng cũng đâu có nét nào giống ba, mẹ đâu. Con của con mới hơn hai tuổi, nét mặt của nó chưa định hình mà mẹ”. Hằng là em kế của chồng Hương. Vậy là “chiến tranh” xảy ra. Hương phải chịu đựng những trận đòn khủng khiếp của anh chồng đẹp trai và luôn nghe lời mẹ tuyệt đối. Cô chủ động ly hôn. “Đối phương” đồng ý với điều kiện hồ sơ phải ghi là Hương ngoại tình. Đó là động cơ của cú nhảy xuống biển. Cú nhảy bế tắc.
Hương xăng xái xách vali đồ của vợ chồng tôi vô nhà. Tiếng ve tự nhiên biến mất. Cô để vali của tôi lên cái bàn gỗ bên dưới cái ti vi màn hình phẳng treo tường và gọi:
– Cô Chinh ơi, ân nhân đến rồi.
Từ dưới bếp, một người đàn bà sải bước lên phòng khách, hồ hởi:
– Chào anh, mẹ con em chờ anh suốt từ sáng đến giờ.
– Cô là… – Tôi chưng hửng – Tôi…
Hương cười tít mắt:
– Dạ, bây giờ ăn cơm đã, lửa đốt trong bụng rồi. Rồi tụi con sẽ lại nói lời tạ ơn ân nhân.
Nháy mắt bữa cơm đươc dọn ra trong phòng khách. Toàn những món đặc sản của cao nguyên. Đó là bữa cơm dài nhất trong đời tôi. Mấy lần tôi phải cắn môi thật chặt để kìm nước mắt khi nghe câu chuyện về cuộc đời của Chinh, người đầu tiên tôi gặp trong đời và cũng tự xem tôi là ân nhân.
Hóa ra Chinh cũng là đồng hương của tôi và Hương. Nhà cũ của Chinh ở cái phường giáp ranh với phường tôi đang ở. Con hẻm đó tôi đi lại biết bao lần. Cái thị xã miền biển giờ là thành phố của tôi ốm nhỏ như chiếc lá tre ấy mà. Vậy mà tôi và Chinh vời vợi nghìn trùng. Mấy li vang nho Đà Lạt như thứ dung môi xúc tác bôi trơn các nếp mao mạch quăn queo của ký ức để dẫn lối về cho biết bao chuyện cũ. Đó là những ngày tháng bao cấp quá đỗi khó khăn. Thị xã không đủ củi nấu. Xóm tôi có nhiều người đu tàu chợ lên Suối Kiết kiếm củi. Có hôm bị kiểm lâm tịch thu thì trở về tay không. Hai giờ sáng lên tàu và tối mịt hôm sau về nhà với mấy ôm củi khô, dùng không hết thì mang đi bán lén bán lút. Tôi và Chinh cũng ở đâu đó trên những con tàu chợ thời bao cấp ấy. Rồi tôi viết đơn tình nguyện đi bộ đội ở Campuchia. Còn Chinh sau đó lấy chồng là bộ đội phục viên chuyển ngành, anh ấy hiền lành, lại mồ côi. Hai người gặp nhau trong một lần giao lưu văn nghệ giữa hai công ty.. Một hôm, chồng Chinh bàn với vợ cho một cô gái đồng hương của anh ở tạm trong nhà một thời gian để tìm việc, khi nào cô ta có việc và được cơ quan cho ở nhà tập thể thì sẽ dọn đi. Thương chồng và thương người, Chinh gật đầu như đồng ý cho hàng xóm ngắt vài trái ớt, lá rau trong cái thùng tôn trước cửa nhà.
Uống vang Đà Lạt tại Đà Lạt mới cảm nhận hết cái ngon của nó. Nhưng giấc ngủ sau đó lại không ngon chút nào. Tôi vừa thiu thiu trong cái lạnh xế trưa thì giật mình tỉnh dậy vì tiếng khóc của đứa trẻ, dù trong ngôi nhà của Hương không có đứa trẻ nào. Không, đó là tiếng khóc của Hồ mấy chục năm trước.
Cô gái đồng hương của chồng Chinh thua Chinh hai tuổi, độc thân. Ngôi nhà nhỏ xíu có thêm một người lạ kể cũng bất tiện nhưng Chinh chịu được hết. Hồi ấy Chinh đang làm ở công ty lương thực. Nghe nói công ty sắp giải thể, Chinh lo đến mức sẩy thai. Những ngày cuối cùng của cái công ty quốc doanh đang hấp hối, không khí thật ngột ngạt vì không biết mai này ai sẽ đi đâu, về đâu. Một buổi chiều giữa những ngày đó, Chinh đau bụng nên xin tổ trưởng cho về sớm. Mùa hè nóng như lửa đốt. Khi Chinh dựng chiếc xe đạp sét rỉ và bước vào ngôi nhà nhỏ thấp lè tè tối om, có người đang “đóng vai Chinh” ngay trên chiếc giường của Chinh. Đó chính là cô gái đồng hương của chồng Chinh.
“Hỏi thật nhé, lúc đó cảm xúc của em như thế nào? Anh hỏi chỉ vì máu nghề nghiệp nổi lên thôi. Nếu thấy bất tiện thì thôi nhé. – Tôi nhấp nhẹ một ngụm rượu vang và nhìn Chinh như thôi miên, với hy vọng bắt được cảm xúc của người đàn bà nhiều chục năm trước.
– Dạ, làm sao quên được anh. Cái thời đi Suối Kiết lấy củi mà anh và em mới ôn lại suốt trong bữa cơm, có lần một cành cây khô bất ngờ bị gãy và rớt trúng ngay đầu em. Choáng đến mê man. Ai nấy mất hồn, tưởng em chết. Rồi em tỉnh lại như không có chuyện gì. Những gì xảy ra trong buổi chiều đó cũng vậy. Em lặng lẽ đi vo gạo và nấu cơm cho cả ba người ăn.
Ngày tháng lặng lẽ trôi. Cô gái đồng hương của chồng Chinh sinh con. Một đứa con trai kháu khỉnh. Mấy tháng sau, chồng Chinh và cô gái đồng hương biến mất. Nhưng họ để con của họ lại. Đó là Hồ, chàng trai hơn ba mươi tuổi đang ngồi trước mặt tôi đây.
– Có thể anh không tin – Chinh nhìn ra một ngọn núi xa, nói – Em linh cảm được chuyện đó. Có điều nó xảy ra vào những ngày tháng khốn khổ nhất của đời em.
Không ai nói một lời nào. Ai cũng có suy nghĩ riêng của mình. Có lẽ không để không khí bữa cơm trưa nặng nề, Chinh kể: Đó cũng là lúc công ty lương thực chỗ em làm giải thể. May sao có lớp đào tạo giáo viên tiểu học cấp tốc, em đăng ký ngay. Những ngày tháng đó, em chỉ biết rau muống, thứ rau muống ruộng nước bò quanh nhà mà người ta hay cắt về nấu với cám cho heo ăn, để dành hết số tiền ít ỏi nuôi “con”. Trầy lên trật xuống em mới làm được khai sinh cho thằng Hồ. Kết thúc khóa cấp tốc, em được phân công đi dạy ở vùng khó khăn nhất của thị xã, nơi mùa khô có khi đào và vét cả tiếng đồng hồ mới được vài ca nước để nấu nướng và vắt khăn lau người. Vùng xa, học trò thường xuyên bỏ học. Nhiều bữa, đang đọc chính tả, đang đọc mẫu tập đọc thì nghe tiếng thằng Hồ khóc, em bỏ lớp chạy vô với “con” thì thằng nhỏ mình mẩy nổi u nổi cục vì bị kiến cắn. Vậy mà trời thương, thằng Hồ bú nhờ một cô giáo mới sinh con và uống nước gạo vẫn lớn được.
Tôi giả vờ bị cay do cắn trúng ớt, luôn miệng xuýt xoa để nén tiếng khóc. Tôi chuyển ý câu chuyện cho đỡ bi thương: Chinh à, thời gian đó, từ Campuchia trở về, anh được cử đi học lớp quân chính, nhưng sau đó anh xin chuyển ngành vì sức khỏe không tốt, cuối cùng đi học luật và về tòa án công tác cho đến khi nghỉ hưu.
Không ngủ được, tôi bèn rủ cả nhà đi ngắm mai anh đào. Buổi chiều, chụp ảnh về hướng đông không bị ngược sáng. Hồ đi trước tôi, tay cầm máy ảnh loại xịn dùng cho dân chuyên săn mây. Tôi nhìn mãi chàng trai vạm vỡ từng trải qua những ngày sống được nhờ bú thép một cô giáo mới sinh con và uống nước gạo. Và tôi nhìn qua Chinh, “mẹ” của Hồ. Câu chuyện cuối bữa cơm theo hơi rượu vang nho trở lại trong đầu tôi.
Gần bảy năm sau, Chinh mới được chuyển về dạy học trong thị xã. Nuôi heo, may gia công ban đêm và làm đủ thứ công việc khác nữa để sống. “Trời thương”, câu này của Chinh, thằng Hồ học giỏi và đậu đại học, ra trường và ở lại Sài Gòn, làm ăn khá, khuyên “mẹ” nghỉ hưu non để đền bù cho “mẹ”. Nhưng dù đã làm hết cách, nó vẫn không thể nào thuyết phục “mẹ” rời ngôi nhà bé xíu, nơi nó chào đời và bị bỏ rơi lúc năm tháng tuổi. Nơi ấy giờ không còn những sợi rau muống nước bò ngang dọc trên đường, những chuyến tàu rời ga chạy ngang qua khiến ly chén trên bàn khua lanh canh hòa với tiếng rung của sàn nhà và vách, liếp mục ruỗng. Ga đã được dời ra ngoại ô. Tốc độ đô thị hóa khiến vùng đất từng gần như bị bỏ quên bỗng hầm hập trong cơn sốt vô phương hạ nhiệt. Chính quyền họp dân nói về giải tỏa để làm đại lộ xuyên tâm. Nơi ấy một buổi chiều hè, Chinh bị số phận đánh với độ đau của một cành cây khô rơi trúng ngay đầu. Số phận thường không thể biết trước. Bỗng đâu chồng Chinh và mụ đồng hương xuất hiện như thể họ vừa từ một quán cà phê nào đó từ đầu hẻm trở về. Về để nhận con. Nhưng qua câu chuyện thì lý do chính là miếng đất sẽ trở thành mặt tiền đại lộ. Chinh rơi vào những ngày mất ngủ. “Không phải vì nhà đất mà vì thằng Hồ”, Chinh đã nói với Hương như vậy khi hai người gặp nhau lần đầu như một dàn cảnh của số phận.
Mất ngủ mấy ngày, người lúc nào cũng lảo đảo như muốn té, Chinh đi Đà Lạt như một cái máy. Một mình. Cô ngồi xuống chiếc ghế đá ở một công viên ven hồ. Không hiểu nét mặt của cô thế nào mà một phụ nữ trẻ ngang qua thấy lạ, chạy nhào tới ôm chặt cô và nói to: “Cô đừng nghĩ quẩn và làm liều nha, chuyện đâu còn có đó”. Giọng nói của người xứ biển, dù đi xa bao nhiêu, thay đổi đến đâu vẫn không thể phai được. Chinh nói với người phụ nữ kia như nói với người nhà của mình: “Cô cám ơn con, cô nghĩ lại rồi”.
Hương giới thiệu chỗ cho Hồ và đôi vợ chồng kia đi xét nghiệm ADN. Đó là những ngày căng thẳng nhất đời Chinh. Không phải vì Chinh sợ sẽ mất đứa “con” yêu của mình mà vì thái độ hào hứng của Hồ khi đi xét nghiệm. Chinh là con người mà. Kết quả xét nghiệm: Dĩ nhiên Hồ là con của chồng Chinh và mụ đồng hương kia.
– Hương, vậy thì chú đâu phải là ân nhân của cô Chinh đây – tôi hỏi Hương.
– Dạ, một là chỗ xét nghiệm ADN uy tín là người quen của chú, hai là… thôi, Hồ nói đi!”
Hương cười, cho thêm mấy miếng bò một nắng lên vỉ than.
Và đây là câu chuyện của cõi sâu nhất trong lòng người: Từ nhỏ tới lớn, Hồ rất đau khổ khi có ai đó chọc ghẹo, móc méo rằng Hồ không phải là con đẻ của Chinh. Hồ không tin. Chỉ có mẹ đẻ mới yêu thương Hồ như vậy. Nhưng một ngày kia Chinh đã nói ra điều đó và Hồ đã tin. Càng tin bao nhiêu thì càng yêu thương “mẹ” Chinh bấy nhiêu. Bỗng nhiên đôi “vợ chồng” kia trở về kích thích trong Hồ một ý muốn mãnh liệt: Cầu trời họ đúng là người đã sinh ra Hồ. Để Hồ dứt khoát một lần trong đời với họ: Họ chỉ liên quan đến Hồ về sinh học và di truyền, còn về con người thì không bao giờ. Với hạng người đó, không bao giờ! Lúc đầu Chinh không hiểu nỗi lòng của Hồ nên rất buồn khi Hồ hào hứng đi xét nghiệm.
– Họ là hạng người không thể chung sống bác à. Hôm đi xét nghiệm cháu mới biết họ bỏ nhau một quãng thời gian bằng nửa số tuổi của cháu và chỉ trở lại với nhau sau khi biết tin về cái đại lộ sẽ ngang qua nhà mẹ Chinh.
Hồ cười và ôm vai “mẹ” Chinh.
– Ồ, tóc mẹ trắng hết rồi kìa!
Sau khi ly dị và thoát khỏi địa ngục trần gian, Hương – diễn viên múa đơn nổi tiếng một thời của đoàn ca kịch miền biển – đã đến cao nguyên để làm lại cuộc đời bằng công việc đại lý nước mắm. Cũng tại nơi đây, Hương đã gặp Chinh ở cái hồ nước giữa thành phố thơ mộng. Đại lộ xuyên tâm thành phố biển dưới kia hoàn thành, Chinh nhường hết nhà đất cho chồng cũ và tìm đến cao nguyên theo lời khuyên của Hương và Hồ. Ngôi nhà cũ dưới kia tọa lạc trên miếng đất khuất nẻo một thời mà ông già chủ đất nửa bán nửa cho hai vợ chồng với cái giá một chỉ vàng. Chỉ vàng đó là toàn bộ vốn liếng mà mẹ Chinh dành dụm cả một đời đi bán dạo bánh bò hấp có được. Giờ miếng đất đó có giá nhiều tỷ. Với Chinh, đó là nơi chất đầy kỷ niệm ngọt ngào của hai mẹ con. Nhưng sự trở về của chồng Chinh đã biến nơi ấy trở thành phế tích. Mẹ con Chinh đã dắt nhau chạy khỏi cái phế tích mà họ không có nhu cầu bảo tồn hay bảo tàng.
Vậy là vợ chồng tôi đón giao thừa với hai người đồng hương nơi xứ lạ. Một cái tết lạ chưa từng thấy. Và tôi nghĩ mãi về ADN. Thật ra nó không diệu kỳ như mọi người nghĩ. Nói cách khác, sự diệu kỳ của nó không có tính phổ quát mà chỉ gắn với mỗi phận người, mỗi mảnh đời cụ thể. Tôi hỏi Chinh:
– Em trả lời anh câu này, xét đến cùng, Hồ là một phần của phế tích, đúng không? Vậy thì Hồ luôn khiến em nghĩ về phế tích, em đâu thoát được dù bỏ xứ biển lên sống ở cao nguyên những ngày còn lại của đời mình?
– Cháu thì nghĩ khác, bác à – Tôi giật mình quay lại khi Hồ chợt bước dấn lên, để tay lên vai tôi – Cháu không khiến mẹ nhớ lại phế tích đó. Nếu mẹ nghĩ đến điều đó, đứa nhỏ chưa đến nửa tuổi là cháu chắc không còn sống đến bây giờ. Sự tồn tại của cháu chỉ khiến mẹ tin vào sự thiện lành của con người, ít nhất từ ngay trong con người của mẹ.
Buổi chiều gió rất lạnh. Gió ở đây khác gió ở xứ biển dưới xa kia. Phải chăng một khi Chinh không thích sự ồn ào của Sài Gòn nơi “con” đang sống thì đây là nơi rất tốt để rửa trôi những tàn bụi đớn đau của bao tháng ngày xa cũ? Nghĩ vậy, tôi dành phần chụp cho mẹ con cô mấy tấm ảnh. Trời chiều màu xám, càng về chiều càng gió, chắc gió từ chốn xứ phía đông dưới biển kia thổi lên. Trong tấm ảnh do tôi chụp, hai mẹ con cười rất tươi trong buổi chiều âm u lạnh giá ở cao nguyên.
Tôi chợt nghe tiếng khóc. Tiếng khóc của bé Hồ bị kiến cắn? Tiếng khóc của Hương lúc chuẩn bị nhảy xuống biển? Hay tiếng khóc vô thanh của Chinh? Không phải, đó là tiếng khóc của chính tôi.
22/9/2023
Đặng Ngọc Hùng
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đầu mùa Giáng sinh

Đầu mùa Giáng sinh Phi trường Heathrow ấm dần trong không khí nhộn nhịp vào những tuần đầu tiên của mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Cứ mỗi ...