Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Nghĩ về Quang Chuyền, nghĩ về thế hệ tôi

Nghĩ về Quang Chuyền,
nghĩ về thế hệ tôi…

Viết về bản thân, nhà thơ Phạm Tiến Duật có hai câu thơ, chưa hề in trong tập thơ nào: “Người làm thơ ấy đang trai/ Ra đi cổ áo mang hai lá cờ”. Hai lá cờ đây là hai miếng vải đỏ gắn một ngôi sao trên ve áo những chàng binh nhì – “đầu binh cuối cán”. Hai câu thơ này ứng với Quang Chuyền, ứng với anh em tôi…
Vào ngày 5.8.1964: Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Trước biến cố lớn lao ấy, như hàng triệu thanh niên, người trước người sau, Quang Chuyền và anh em tôi lên đường nhập ngũ. Và hình như chúng tôi cũng đặt bút viết những câu thơ, dòng văn đầu tiên vào chính thời điểm nơi nơi đang dâng trào cảm xúc lên đường đánh giặc  …
Mùa hè năm 1966, 50 vạn quân Mỹ đổ bộ vào bãi biển Sơn Trà, Đà Nẵng. Hội nghị Chính trị Hiệp thương (như một thứ hội nghị Diên Hồng) được triệu tập. Từ nơi đây,  Bác Hồ lại cất lên lời hiệu triệu Toàn quốc kháng chiến lần thứ 2: “Dù có phải đốt cháy cả dẫy Trường sơn, nhân dân Việt Nam quyết giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.
Vào thời điểm này, ở các quân binh chủng, những người viết văn làm thơ mặc áo lính như đã tập hợp thành đội ngũ. Không thành hội hè, không có tên xưng danh nhưng vẫn thành đội ngũ…
Tăng, thiết giáp: Hữu Thỉnh phất ngọn cờ đầu.
Pháo binh: Tô Hoàng, Tô Đức Chiêu.
Quân khu Việt Bắc: Triệu Bôn.
Quân khu IV: Cao Tiến Lê, Bá Đàn.
Quân khu III: Lê Lựu.
Đoàn Vận tải  559- Trường Sơn: Phạm Tiến Duật.
Binh chủng thông tin đông vui với những: Nguyễn Duy, Thụy Kha, Phạm Đức, Phạm Đình Trọng, Quang Chuyền…
Quân chủng Phòng không – Không quân đông vui, tấp nập hơn nhiều: Đỗ Chu, Thao Trường, Nguyễn Trí Huân, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Đình Ảnh, Duy Khán…
Anh em chúng tôi vẫn làm lính, vẫn bám đơn vị trong những hình huống chiến đấu căng thẳng, gay cấn. Viết là công việc… làm thêm.
Những mầm đọt thơ văn ấy may mắn có ngay những “bà mẹ đỡ đầu”. Đó là tờ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và Phòng Văn nghệ quân đội với các nhà thơ nhà văn: Xuân Hoàng, Vũ Cao, Văn An, Xuân Thiêm, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều…
Bài vở của anh em tôi dĩ nhiên được ưu tiên để mắt hơn. Đăng được một bài ký, một truyện ngắn, một bài thơ lập tức các bậc “đàn anh” mời ngay lên tòa soạn trò chuyện. Những căn phòng sàn lát gỗ tại số 4 Lý Nam Đế bỗng thành nơi hẹn hò vừa gần gụi vừa có gì đó thiêng liêng, huyền thoại.  Cả “thầy” lẫn “trò” ngồi xệp xuống sàn nhà lát gỗ và câu chuyện văn chương chữ nghĩa nở bung. Thuở ấy, ly cà phê là thứ xa sỉ. Được ấm trà ngon là quý rồi, còn thuốc lá cuốn, thuốc lá sợi là sản phẩm góp chung.
Mỗi năm 1, 2 lần chúng tôi được triệu tập về các trại sáng tác. Tại đây được tiếp cận với các trưởng lão văn chương: Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Bùi Huy Phồn, Nguyên Hồng, Đoàn Giỏi, Kim Lân… Vẫn là những lời khuyên nhủ, bảo ban chân tình; những kinh nghiệm viết lách được trao đổi thẳng thắn, cởi mở nhưng dĩ nhiên ở môt yêu cầu xa rộng hơn, từ một đẳng cấp cao hơn …
Ít lâu này, đọc báo, xem tivi thấy nói nhiều về vị trí văn hóa trong đời sống vật chất, tinh thần của xã hội. Rằng văn hóa còn thì dân tộc còn. Rằng văn hóa phải sóng bước nhịp nhàng, cân đối với kinh tế. Rằng văn hóa mang sức mạnh nội sinh… Ấy vậy, nhưng trong ký ức của anh em chúng tôi chính trong những năm tháng lửa đạn kia, văn hóa nói chung, văn học nói riêng thực sự trở thành món ăn tinh thần; sức mạnh không gì đo lường hết cái “sức mạnh nội sinh” kia trong việc  cổ vũ, động viên đối với người chiến sỹ nói riêng, bà con cô bác trong Nam, ngoài Bắc vượt qua thử thách, xông lên chiến đấu, chiến thắng kẻ thù.
Ngày ấy chưa hề có laptop, smartphone. Hai cơ sở “sản xuất” ra thơ văn chỉ có tờ Văn Nghệ Quân Đội và Văn Nghệ. Phương tiện chuyển tải trên sóng cũng chỉ có buổi “Đọc chuyện đêm khuya” và “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ấy vậy, những cứ hễ viết được bài nào, được đăng bài nào y như rằng cả nước biết tới. Ngồi ở Hà Nội, sống ở vùng đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh vẫn được nghe những bài ký, bài thơ, truyện ngắn của Cà Mau, Quân khu 9, Đông Nam Bộ… Ngược lại, những bài thơ, ký, truyện ngắn in ấn từ Hà Nội ngay lập tức chiến trường miền Trung, miền Nam đều biết tới…
Phải vắt óc lo chống trả với các chiến thuật, các thủ đoạn đánh phá luôn luôn đổi mới của đối phương; lo lụt lở trên tuyến đường trường Sơn; lo làm sao cho các trung đoàn sư đoàn đủ gạo ăn, đủ đạn được để đánh giặc; lo xăng nhớt cho xe chạy.  Ấy vậy nhưng trong các mặt hàng thiết yếu chi viện  cho các chiến trường không thể thiếu được Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, những tờ nhạc bướm, những bộ phim.
Được chăm nom, săn sóc, vun quén như vậy, nhưng anh em viết văn làm thơ trẻ mặc áo lính chúng tôi cũng được rèn cặp rất nghiêm khắc, “để mắt canh chừng” mọi lúc mọi nơi.
Bởi: Đại án Nhân văn Giai phẩm vừa mới kết thúc. Còn trên thế giới thì hai luồng tư tưởng diễn tiến hòa bình và giáo điều đang tranh giành ảnh hưởng.
Còn bởi những người cầm bút vừa được xem là một bộ phận của công tác chính trị trong quân đội cũng vừa được cảnh tỉnh bởi sự giao động, chung chiêng..
– Cùng tốt nghiệp đại học, đám tân binh Bách khoa, Y dược vừa nhập ngũ được phong ngay hàm Thiếu úy, Trung úy. Anh viết văn làm thơ phải cọc cách nhẩy lò cò từ Binh nhì, Binh nhất, qua Hạ sỹ, Trung sỹ, Thượng sỹ mà lên.
Các cây bút phê bình, các giáo sư, tiến sỹ đã viết nhiều về những nhà văn mặc áo lính, về tác phẩm của họ. Nhưng cho đến hôm nay, chưa một ai, chưa một bài viết nào nói tới “cuộc vượt vũ môn” nghiệt ngã này:
Anh đã có 5, 7 bài thơ in trên báo, phát qua sóng phát thanh; thậm chí anh đã có cả một tập thơ, tập truyện ngắn đi nữa, anh đã thành một tác giả ư? Công sức gom tích sẽ bị xóa sạch, tên tuổi như một tác giả của anh ngay lập tức cũng thành con số không tròn vo, nếu… Vâng, nếu anh từ chối  lệnh điều động vào chiến trường sâu; nếu ở nơi bom rơi đạn réo, chỉ cần anh một lần giật mình, tái mào gà, lủi vào hầm trước mọi người; trong một trận càn nào đó anh tỏ ra hoảng sợ, hãi hùng, lủi dần lại phía sau. Không có chuyện rút kinh nghiệm, góp ký kiến phê bình. Chỉ cần một bước sa xẩy ấy, vĩnh viễn sẽ  không còn những Lê Lựu, Thao Trường, Nguyễn Duy, Quang Chuyền… hôm nay nữa.
Nhưng may mắn phúc phận làm sao, xung quanh chúng tôi, từ anh lính đến các vị chỉ huy trung đoàn, sư đoàn; từ em gái giao liên chở đò cho chúng tôi qua sông, đến các bà má, các dì các cô ở những  vùng chiến sự ác liệt đều gan góc, can trường, đều không nề hà trước hòn tên mũi đạn, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Và người viết trẻ mặc áo lính chúng tôi tự biết răn mình, răn  nhau: Cố gắng  bình tĩnh, dũng cảm, vượt qua tất cả như đồng đội mình, như bà con cô bác mình!
Dũng cảm hay hèn nhát mới là thước đo số 1, cao hơn hẳn mọi giá trị nghệ thuật của bất cứ trang viết, bài văn nào.
Trong suốt 10 năm chiến tranh chỉ xẩy ra một trường hợp thoái thác, chạy sang hàng ngũ địch – đấy là nhà văn Xuân Vũ thuộc thê đội 1.
Thê đội 2 chúng tôi tuyệt nhiên không bị hư hao, tổn thất, rơi rụng!
Đồng đội Quang Chuyền ra sách mới trùng với lễ thương thọ 80 tuổi.
Tám mươi năm của một cuộc đời, xét thuần túy về mặt sinh học đã là điều quá mừng. Còn mừng hơn nhiều, mừng hơn thế nữa, bởi Quang Chuyền đến với chúng ta hôm nay vẫn với tâm thế và sự đĩnh đạc của một “dáng đứng Việt Nam”, của anh bộ đội Cụ Hồ. Còn những tập thơ của anh vẫn cuốn hút, hấp dụ bạn đọc vì thơ văn ấy đã được cấp quota bảo chứng của một người lính, người cán bộ đã từng trải, đã vững vàng trước mọi thử thách, mọi cám dỗ!.
20/9/2023
Tô Hoàng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...