Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Những khúc hát gọi trăng

Những khúc hát gọi trăng

Đã lâu rồi, bạn có nhìn thấy một vầng trăng vằng vặc, trong như ngọc, vẹn nguyên trên bầu trời lộng lẫy, không bị nhạt nhòa bởi ánh sáng điện không? Có được tắm mình dưới ánh trăng huyền ảo giữa thiên nhiên thanh bình, êm ả một đêm thu mát dịu, ngọt ngào, vườn tược, đồng quê, xóm làng như được dát bạc và sóng nước lấp lánh lao xao… không? Nhớ lắm những đêm trăng xưa dạt dào tiếng hát!
Đêm mùa thu, trăng bát ngát. Gió thoảng hương ổi chín từ khu vườn đêm nào đó. Heo may đưa tiếng hát bầy trẻ ngân nga bay đi khắp làng… Những ngọn tre đong đưa dịu dàng gật gù tán thưởng, bầy dế đêm quên tấu nhạc lắng nghe…
“Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ…
Lặng im ta nói Cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi…”
“Bóng trăng trắng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già/ Ôm một mối mơ…”. A… em hát cho Cuội nghe…
Bầy trẻ hát đi hát lại say mê không mỏi cái điệp khúc vòng tròn ấy trong ca khúc “Thằng Cuội” mà sau này tôi mới biết của nhạc sĩ Lê Thương, rồi rồng rắn kéo nhau trên con đường mịn màng, lênh loang trăng sáng trong đêm…
Đêm Trung thu thật là vui! Tiếng hát rộn vang khắp ngả: “Rước đèn ông sao sao năm cánh tươi màu/ cánh đây rất dài cánh cao quá đầu/ em cầm đèn sao em hát vang vang/ Dưới ánh trăng vàng của đêm Rằm liên hoan…” Tiếng hát chợt vang to hơn: “Tùng rinh rinh tùng tùng tùng rinh rinh/ đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời/ tùng rinh rinh… rinh rinh tùng rinh rinh/ ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi”… Những chiếc đèn ông sao, đèn con thỏ tự làm và những vòng lửa lép bép hạt bưởi phơi khô như sáng ngời thêm trong tay mỗi đứa trẻ, lung linh qua những khúc đường làng, tỏa về sân phơi hợp tác xã tràn ngập ánh sáng niềm vui.
Các cô bác trong hội phụ nữ và các anh chị đoàn viên thanh niên đã chuẩn bị đầy đủ cỗ đón Trung thu. Mấy chiếc đèn kéo quân to đang tỏa sáng, hút mắt lũ trẻ bởi những hình người sinh động chạy vòng quanh… Những mâm ngũ quả đẹp hấp dẫn với những trái quả quê quen thuộc mà biến ảo. Này là chú chó xồm làm bằng những múi bưởi trắng, hồng kết khéo léo có cặp mắt đen tròn là hai hột nhãn, mũi cũng đen hột nhãn, cái miệng ớt hoặc cà rốt đỏ tươi… Này là những đôi búp bê hề mồm rộng ngoác, đội mũ chóp giấy, thân bưởi bòng, đầu, tay là cam, na, quýt, hồng…với cái mũi dài ớt đỏ, mắt đỗ đen…Quanh những mâm  thị vàng ươm, thơm nức và những trái hồng chín mọng cà chua xếp cao hình chóp thật đẹp, còn có mâm rắc những chiếc kẹo lạc, vừng, kẹo dồi, những chiếc bánh khoai, bánh dợm và cốm, bỏng ngô… vừa nhìn đã thấy thòm thèm. Lũ trẻ hấp háy mắt, ứa nước miếng háo hức nhưng rồi quên ngay nỗi thèm khi tiếng trống ếch thì thùng nổi lên cùng đội múa lân có ông Địa mặt to như cái thúng, cười rộng ngoác mang tai, phưỡn bụng phe phẩy quạt. Đôi lần, còn có Tôn Ngộ Không cầm gậy nhảy nhót quậy tung hoành bên đàn lân uốn khúc múa may…
“Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình/ Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh/ Trung thu liên hoan trăng  sáng ngập đường làng/ dưới ánh trăng vàng đàn em cất tiếng hát vang…”
Tiếng trống vang dội khi đàn lân lấp lánh xanh, đỏ, vàng uyển chuyển vờn lượn sóng và đầu lân rung râu, tròn mắt, há miệng múa nhảy dưới ánh đèn nến và ánh trăng xanh mướt. Người lớn, trẻ con reo hò, nhảy nhót theo nhịp trống vòng quanh hồi lâu rồi cùng vui phá cỗ trông trăng…
Trăng lộng lẫy, trăng mênh mang toả ánh vàng trên sân kho hợp tác. Lũ trẻ thi nhau hát để được nhận nhiều quà. Những khúc ca hồn nhiên, thơ trẻ như nối gần bầu trời, mặt đất với những giấc mơ tuổi thơ bay bổng. Các bạn lớn thì hay hát bài hát dài, bài hát mới được phổ thơ như:  “Sân nhà em sáng quá/ Nhờ ánh trăng sáng ngời/ trăng tròn như cái đĩa/ lơ lửng mà không rơi/ Những hôm nào trăng khuyết/ trông giống con thuyền trôi/ em đi trăng theo bước/ như muốn cùng đi chơi…”… Những bé em thì véo von đếm sao, đếm trăng: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao/ Ba ông sao sáng sáng chiếu muôn ánh vàng/ Bốn ông sáng sao, kìa năm ông sao sáng/ kìa sáu ông sáng sao trên trời cao…”;
“Một bầu trời là một ông trăng, một ông trăng là hội trăng rằm/ mỗi một người có mấy ông trăng/ một ông trăng, hay nghìn ông trăng?… Hội trăng rằm là hội trăng rằm…”.
Có bé nghiêng đầu, tay áp má hát “Bé bé bằng bông, hai má hồng hồng”, “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ…”, rồi ” Đứng bên sông mà trông chú cò/ chân bước dài cò ta đi mò…”. Có bé con xíu xiu, lẫm chẫm đi, vẫy hai tay bụ bẫm: “Một con vịt xoè ra hai cái cánh/ Nó kêu rằng quác quác quác, quạc quạc quạc…”. Bé trai khác cầm cái kèn nhựa đỏ trong tay không chịu kém: “Te tò te đây là ban kèn hơi/ tò tò tò te tí có anh nào muốn chơi/ mau vào đây hát tiếng kèn tò tí/ tò tò to te tí bước đều chân cùng đi…”!
Và từ lúc nào, lũ trẻ tinh nghịch đồng thanh  cất tiếng hát khúc đồng dao vui vẻ:
“Ông Giẳng ông Giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mời ông xơi cỗ
Đánh nhau lỗ đầu!”…
Tiếng hát, tiếng cười, tiếng chóp chép nhai kẹo, bánh… cứ xôn xao nao nức cái sân rộng rạng rỡ ánh đèn nến, ánh trăng đêm Rằm Trung thu. Những cặp mắt xoe tròn đen láy cũng đẫm ánh trăng bên những cặp mắt ánh lên niềm vui của các mẹ, các chị sau một ngày làm việc vất vả.
Trăng càng lên cao càng mênh mông sáng, lấp lánh trên mắt, trên môi đám trẻ. Trăng vời vợi trên cánh đồng đêm dờn dợn sóng lúa… Trăng theo bọn trẻ trên con đường làng…Chạy đâu cũng thấy trăng… Tiếng trống múa lân cắc cắc… tùng tùng rộn rã lan xa rồi tan vào trăng khuya bát ngát…
Ôi! Yêu biết bao những đêm  trăng mùa thu thời xa xưa ấy, khi những mái nhà tranh chỉ leo lét ngọn đèn dầu, khi những vầng sáng điện thị thành còn xa lơ xa lắc trong mơ, chỉ có ánh trăng mênh mang hiện diện. Lũ trẻ chúng tôi cũng đếm ngày, đón trăng cùng người lớn: “Mồng một lưỡi trai/ mồng hai lá lúa/ mồng ba câu liêm/ mồng bốn lưỡi liềm/ mồng năm liềm giật/ mồng sáu thật trăng/ mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo/ mười bảy sảy giường chiếu/ mười tám rám trấu, mười chín đụn dịn, hai mươi giấc tốt, hăm mốt nửa đêm.”… Người lớn ngắm trăng quầng, trăng tán để lo mùa vụ; trăng xanh hay trăng máu để dự đoán chuyện hòa bình, chiến tranh. Các anh chị thanh niên ngắm trăng trong mắt nhau, véo von tiếng sáo, tiếng đàn và những bản tình ca thiết tha, thao thức. Trẻ con ngắm trăng để đợi đi chơi, chọn trò phù hợp…
Vào những ngày trăng tỏ, lũ trẻ hay rủ nhau ra đường, ra sân rộng. Những trò chơi dân gian với những khúc hát đồng dao bao đời truyền lại mà luôn hấp dẫn, mới mẻ. Lúc thì chúng tôi túm áo nhau, nối đuôi chơi rồng rắn lên mây, lúc chơi bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba, thả giẻ, bắn bùm, dung dăng dung dẻ…Tiếng hát non trẻ ríu ran trên đường trăng, toả ấm những con ngõ, những nếp nhà thân thuộc:
“Rồng rắn lên mây/ có cây núc nác/ có nhà hiển binh/ thầy thuốc có nhà hay không?”; ” Dung dăng dung dẻ/ dắt trẻ đi chơi/ đến ngõ nhà Trời… ù à ù ập, ngồi sập xuống đây…”…” Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ để trâu ăn lúa gọi cha ời ời/ cha còn cắt cỏ trên Giời/ mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên…”… Trăng cười rực rỡ  trên đầu, chạy lon ton theo bước chân con trẻ…
Phía sân to bên kia thấy tiếng hát: “Tập tầm vông/ con công nó múa/ nó múa làm sao/ nó chụm chân vào/ nó xòe cánh ra…”; ” Lộn cầu vòng/ nước trong nước chảy/ có cô mười bảy/ có chị mười ba/ hai chị em ta/ ra lộn cầu vòng…”; trồng trồng nụ, trồng trồng hoa…”; ” thả đỉa ba ba/ chớ bắt đàn bà/ phải tội liền ông…”... Những cánh tay vung lên gắn kết, xòe nở dưới ánh trăng với tiếng cười nắc nẻ… Tiếng chân chạy trốn tìm nhau dưới bóng trăng lao xao bóng lá…
Ngay bên hè cửa nhà ai đó cũng có mấy đứa nhỏ cùng các mẹ say sưa chơi, hết trò này sang trò khác, tiếng hát đồng dao thanh thanh: “Chi chi chành chành/ cái đanh nổi lửa/ con ngựa mất cương/ ba vương ngũ đế/ bắt dế đi tìm… ù à ù ập”;  “Nu na nu nống/ đánh trống phất cờ/ mở cuộc thi đua/ chân ai đẹp đẽ…”; ” Xỉa cá mè đè cá chép/ tay nào đẹp thì đi bẻ ngô/ tay nào to thì đi dỡ củ/ tay nào nhỏ đi hái đậu đen/ tay nhọ nhem eo ơi xấu xấu mau về rửa tay cho sạch” ; ” Kéo cưa lừa xẻ/ ông thợ nào khỏe/ về ăn cơm vua/ ông thợ nào thua/ về ăn cơm làng/ ông thợ loàng xoàng/ về bú tí mẹ… Hẳn là nhiều “ông thợ loàng xoàng” lắm nên cuối cuộc chơi, bé nào cũng đều nhoài về lòng mẹ với tiếng cười rúc rích đẫm thềm trăng…
Tôi gọi đó là những khúc hát gọi trăng. Những đêm trăng thần tiên thanh bình ngập tràn tiếng hát. Tiếng hát ngân nga lòng người, gọi niềm vui, đánh thức tâm hồn, trí tưởng tượng, ước mơ con trẻ… Ngày ấy mẹ cha hầu hết vất vả, đói nghèo mà đứa trẻ nào cũng nhanh biết nói, biết chạy, cứ như mèo tha chuột, lôi nhau đi chơi, hò hát cùng nhau, chữ “trẻ tự kỉ” chưa  từng bao giờ nghe thấy.
Chơi chán, chúng tôi thường ngồi mơ mộng, ngóng lên trời, tưởng tượng chú Cuội ngồi đâu dưới gốc cây đa Cung Quảng; ngắm phía trời tối hơn, dáng ông Thần Nông bên sông Ngân Hà đang làm gì, khom lưng cấy lúa hay ngả người nghỉ ngơi; dõi mắt tìm một vệt sáng sao băng; thích thú gọi nhau khi thấy một đốm sáng li ti di chuyển mà hình dung một vệ tinh, một con tàu vũ trụ…Những làn gió đêm thơm mát hương đồng như đưa tâm hồn chúng tôi bay bổng, mơ một ngày mình vút lên chinh phục không gian, đến thăm chị Hằng Nga xinh đẹp và những tinh cầu xa xôi…
Tuổi thơ dần xa… Những đêm trăng mơ mộng dần xa… Sao tiếng hát gọi trăng ngân nga còn mãi! Những đêm trăng phố quê, phố thị nhạt nhòa, còn mấy ai đối ẩm, thao thức cùng trăng? Màn hình điện thoại, máy tính dần thay cho bầu trời bát ngát trăng vàng. Những  trò chơi dân gian cũng dần đi về phía vườn cổ tích. Chỉ có những bài ca lắng đọng lại đáy tim.
Những khúc hát giản dị, hồn nhiên ngàn năm của dân tộc ngân lên cùng những khúc hát mới mẻ của cuộc sống hiện đại hôm nay. Xuyên qua thời gian, không gian, xuyên qua mọi nỗi lo buồn cuộc sống, những bài ca ngân nga khát vọng bình yên, gọi những đêm trăng thanh bình. Những khúc hát từ trái tim đến với mọi trái tim, vang lên từ những đôi môi non trẻ tựa cánh hồng, bay lên bầu trời bát ngát… Khúc hát gọi trăng!
“Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ…”
Tôi cũng đang “ôm một mối mơ”, muốn hát gọi vầng trăng tuổi thơ trong vắt, thanh bình nơi chân trời mênh mang kỉ niệm…
* Bài viết có sử dụng lời hát đồng dao dân gian và một số ca khúc thiếu nhi của các tác giả Lê Thương, Phạm Tuyên cùng nhiều nhạc sĩ khác. Tôi mong muốn những lời ca ấy luôn vang xa và lắng đọng trong mỗi tâm hồn!.
6/10/2023
Bùi Thanh Hà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn, anh là ai

Nhà văn, anh là ai? Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga. Chị là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, chị đã xuất bản các tác phẩm thơ như: “Sân...