Bông huệ trắng - Truyện ngắn của Hoài Vũ
Đang ngồi uống trà đá trong cái quán cóc ven đường thị
trấn Củ Chi, nghe tiếng rao có xe ngựa đi về An Tịnh, Sơn vọt ra ngay và nhảy
lên xe.
Anh là bộ đội, đang làm nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn sau ngày
đại thắng 30.4, được cấp trên cho về phép trong vòng 5 ngày, nay đã là ngày thứ
3. Việc anh hối hả lên xe, chẳng liên quan gì đến nỗi lo bị trễ phép, mà chính
là sự hấp dẫn của cái xe ngựa. Trước năm 1968, nghĩa là trước ngày anh đi bộ đội,
là một cậu con trai lớn lên ở thị trấn ven đường này, với nghề chính là bán đậu
phộng rang, anh đã quá quen với các cỗ xe ngựa; mỗi lần vọt lên nhảy xuống, động
tác thành thạo như một tài tử xiếc. Muốn sống lại những kỷ niệm khó quên của tuổi
thơ, mà anh vọt lên xe, lý do chỉ đơn giản như vậy, lại đâm ra rắc rối! Xe chật
quá, và đang đi vào chỗ có nhiều mấp mô. Sơn ngồi lọt thỏm giữa hai “gọng kìm”
khá vững chắc. Bên trái là một người đàn bà “phe phẩy”, láng mướt và phục phịch;
bên phải là một người đàn ông, có lẽ là nông dân, ngực để trần, lồng ngực vồng
lên như hai trái núi, một cánh tay ngồn ngộn những thịt câu qua vai anh chắc mẫm.
Ấy vậy, Sơn vẫn bị bật ra khỏi ghế như thường, và trong khi chới với, một cánh
tay anh hất chiếc giỏ xách ở hàng ghế trước mặt, lăn long lốc xuống sàn xe.
– Xin lỗi chị, tôi… tôi vô ý quá!
Sơn liếc nhanh người chủ của chiếc giỏ xách này, rồi ngồi thụp
xuống, vội vã nhặt lên thẻ nhang, bó hoa huệ trắng, chiếc khay đan bằng lá
buông, mấy trái cau đã bổ sẵn và mấy miếng trầu xanh đã têm sẵn. Người đàn bà lẳng
lặng ngồi xuống, định nhặt phụ với Sơn, nhưng anh đã đặt xong các thứ vào giỏ
và trao lại cho chị.
– Xin lỗi chị, tôi…tôi vô ý quá!
– Không có chi, tại đường xóc mà!
Sơn ngẩng mặt nhìn, thầm cảm ơn người đàn bà đang nở nụ cười độ lượng. Chị trạc 30 tuổi, có đôi mắt rất hiền, nhưng thỉnh thoảng ánh lên sắc sảo trên khuôn mặt trái xoan trắng trẻo, mịn màng.
Nắng đã lên, và gió lộng thổi trên cánh đồng An Tịnh. Người
trên xe lần lượt đổ xuống dọc đường, nên chỗ ngồi rộng thoáng hơn, và người đàn
bà cũng có dịp sắp xếp lại các thứ trong giỏ xách. Chị cúi xuống, một mái tóc
đen dài cũng xõa xuống, gần như che kín đôi má ửng hồng và vạt trước chiếc áo
cánh màu đen, rất hợp với thân hình nở nang của chị.
– Chị là người ở đây có phải không?
– Dạ không, nhà em ở dưới Sài Gòn- người đàn bà ngẩng đầu
lên, lấy một trái cam mời Sơn- Ăn cho mát đi anh! Nắng nôi như vầy, lúc nào
cũng thấy khát nước. À, anh tới đâu thì xuống?
– Tới ngã ba chị ạ. Còn chị?
– Dạ, cũng tới ngã ba.
– Chị có bà con ở đó?
– Dạ không- Người đàn bà đang vui, chợt sa sầm nét mặt- Em đi
thăm mộ má chồng em, vì hôm nay là ngày giỗ của bà!
Nghe tới đó, Sơn khẽ gật đầu, rồi ngồi lặng yên. Thực ra, đầu
óc anh đang nghĩ lung lắm! Hôm nay, anh lên đây để làm cái việc cũng giống
như người đàn bà nọ sắp làm: đi thăm mộ má mình. Má anh mất vào ngày này,
cách đây vừa đúng 4 năm. Về Sài Gòn sau ngày đại thắng, Sơn mới hay tin này một
cách sơ sài qua một người cùng làng. Anh định chạy lên An Tịnh viếng mộ má,
nhân thể hỏi cụ thể về cái chết của má, nhưng đơn vị đang làm nhiệm vụ quân quản
ở một thành phố lớn, nên không đi được. Nhiệm vụ cứ dằng dai, liên tục, chỉ có
lần này, nhân dịp giỗ má, anh mới được đơn vị cho phép về thăm gia đình. Tiếng
là gia đình, thực ra, anh chẳng còn ba má, anh chị, em út gì hết. Người xưa, cảnh
cũ cũng thay đổi quá nhiều, sau cuộc chiến tranh hủy diệt. Mấy ngày về phép,
Sơn sống tạm với người bạn nối khố, cũng phiêu bạt gần 5 năm trời ở Long Khánh,
nay mới trở về dựng nhà ở cặp đường thị trấn. Sáng nay, hai anh em định đi
Honda lên viếng mồ mả, song, do sự hấp dẫn của cái xe ngựa và một phần vì ngại
phiền bạn, anh đã vọt lên xe ngựa đi trước.
Xe đang đổ xuống một con dốc. Ngựa tung bờm trắng phau. Dây lục
lạc vòng qua cổ ngựa rung lên dữ dội như chuông sân khấu trước giờ mở màn. Người
đàn bà đang trầm tư, nghe cái âm thanh rộn rã ấy như bừng tĩnh lại. Chị mỉm cười,
quay sang Sơn:
– Thằng Lâm con em nghe lục lạc “leng reng” như vầy, thế nào
nó cũng đòi mua cho bằng được!
– Cháu thích như vậy, chị không thể mua cho cháu được sao?
– Nó vẫn có đó chớ!- Người đàn bà tần ngần một lát, rồi nói
tiếp- Hồi còn sống, bà nội đã cho nó một cái. Bây giờ nó vẫn còn giữ. Mà mệt
quá anh ơi! Nó rung cả ngày như người rao bán đậu phộng rang, nhức đầu nhức óc
không chịu được…
Sơn bỗng chột dạ, vì vô tình, người đàn bà đã gợi ra cái nghề
cơ cực trong tuổi thơ đói rách của anh, cái lục lạc, thùng đậu, chiếc nón nỉ
rách, và đôi chân trần lê lết dưới nắng gắt… Rồi theo luồng suy nghĩ đó, hình ảnh
má anh lại hiện về, trìu mến, nhớ thương, cứ vương vấn mãi trong lòng không gì
dứt ra được. Một đời má lận đận vì anh, ngày má qua đời, anh không có mặt, chín
cái giỗ đi qua, anh chẳng về đốt một nén hương trên ngôi mộ. Sơn bồn chồn, thấp
thỏm, đôi mắt nhìn đăm đăm ra đường, như thể tìm kiếm cái gì. Tới dãy quán đang
buôn bán tấp nập, bất chợt Sơn nói chủ xe cho dừng xe lại. Người đàn bà ngạc
nhiên hỏi anh:
-Anh nói tới ngã ba mới xuống kia mà?
– Tôi sẽ tới đó, nhưng đã lỡ hẹn với anh bạn, ngồi chờ ở đây
để cùng đi luôn chị à.
– Ồ tiếc quá!- Người đàn bà cười xẻn lẻn- Tưởng còn có anh,
thêm vui một chặng đường. Mong anh có dịp trở lại Sài Gòn, ghé qua nhà mẹ con
em cho biết.
– Cám ơn chị, thế nào tôi cũng tới.
Sơn gật đầu chào chủ xe, chào người đàn bà, rồi nhảy phóc xuống
xe, trong khi người đàn bà rướn người ra phía sau, nói lớn:
– Nhà em ở số 462 đường Minh Phụng. Nhớ đến nghen anh!
***
Trưa hôm sau, khi vừa xuống bến xe Phú Lâm, Sơn đã vội vã đi
tìm số nhà mà người đàn bà cho biết. Ngày phép đã sắp hết. Bình thường, Sơn ở lại
Củ Chi chơi với người bạn nối khố một ngày nữa, rồi đi thẳng về đơn vị. Việc đến
viếng mộ má buổi trưa hôm trước đã khiến anh phải thay đổi kế hoạch.
Trưa hôm đó, nói là xuống xe để chờ người bạn, thực ra, Sơn
đi lại dãy quán bên đường để mua mấy thẻ nhang và bó hoa huệ trắng- loại hoa mà
hồi còn sống, má anh rất ưa thích. Phải chật vật lắm, anh mới tìm được loại hoa
này. Khi trở ra đường, thì nắng đã lên gay gắt. Quãng đường từ quán đến nghĩa địa
không còn xa lắm, nhưng vắng tanh vắng ngắt. Không chờ xe được nữa, Sơn đành cuốc
bộ một mình, và nhờ trời cho đôi chân khá tốt, chẳng mấy chốc, anh đã tới ngã
ba rẽ vào nghĩa địa. Ngay lúc đó, bất chợt, anh nghe tiếng “lốc cốc” của một
chiếc xe ngựa, từ cổng nghĩa địa đi ra mối đường lớn. Ngẩng lên nhìn, Sơn nhận
ra ngay chiếc xe ngựa anh vừa ngồi. Lòng xe rộng thênh, chỉ có người đàn bà anh
vừa làm quen, đang gục đầu xuống gối, mái tóc đen dài che kín cả khuôn mặt. Đợi
chiếc xe trờ tới gần mình, Sơn vui vẻ cất tiếng chào, một tay tung cao và vẫy
qua vẫy lại bó hoa huệ trắng muốt. Người đàn bà đột ngột ngẩng đầu lên, nhìn
anh gượng cười, rồi vội lấy khăn ra lau nước mắt. Đúng là chị ấy đang khóc! Người
mẹ chồng đã vĩnh viễn nằm lại dưới mồ kia, hẳn là khi còn sống, đã có một mối
quan hệ đặc biệt với chị, và khi mất đi, đã để lại cho chị một nỗi đau cũng thật
đặc biệt! Như thương cảm tâm trạng người đàn bà giống hệt tâm trạng mình lúc
này, Sơn đứng tần ngần nhìn theo chiếc xe ngựa, cho đến khi nó chìm dần trong
đám bụi mù dưới chân dốc con lộ đỏ.
Sơn đi vào nghĩa địa. Chưa tìm ra mộ má, nhưng mắt anh đã cay
lên, mỗi lần đi qua từng ngôi mộ nằm im lìm dưới nắng. Bao nhiêu tên người, tên
đất ghi trên hàng bia, với những ngày tháng trùng nhau và gần nhau, đủ nói lên
cái ác liệt của chiến trường những năm đánh Mỹ. Sơn dừng lại trước một ngôi mộ,
cỏ lên xanh mịt và trông lạnh lẽo hơn các ngôi mộ khác. Nghĩ là mộ má mình, anh
cúi xuống chăm chú đọc hàng chữ khắc đậm trên bia đá, nhưng không phải, vì đó
là của một người đàn ông, quê ở Bến Cầu và chết từ năm 1961.
Nắng đang như đổ lửa xuống đầu, thực sự Sơn đã thấm mệt. Anh
định đi lại bóng cây cạnh đấy nghỉ mát chốc lát, chợt thấy ở chếch bên trái
nghĩa địa, khói nhang bay nghi ngút và mấy cành huệ trắng muốt đang vươn lên
sáng rực dưới nắng. Đúng là nơi người đàn bà vừa đến viếng. Do tò mò, và một phần
thực sự quý mến tấm lòng đôn hậu của người bạn đường mới quen biết, Sơn băm bổ
đi tới. Ngôi mộ hiện ra rõ dần trước mắt anh. Từ một nơi rất gần, anh đã có thể
nhìn thấy khối đá hoa màu hồng nhạt được xây cất chắc chắn và khá đẹp mắt; bên
cạnh bó hoa huệ trắng, thẻ nhang đang cháy, là cái khay bày đầy các quả cau
xanh, những miếng trầu xanh…
Sơn đã đến trước mộ, và cúi xuống đọc những dòng chữ ghi trên
bia: “Bà Lê Thị Bình, quê quán: thị trấn Củ Chi, mất ngày 28 tháng 5 năm 1971”.
– Trời ơi! Má! Má của con!
Sơn thảng thốt kêu lên mấy tiếng đó, rồi gục đầu lên tấm bia,
khóc nức nở. Nước mắt của nhớ thương, của trống trải và mất mát, cứ bện chặt
vào nhau, xoắn lấy nhau, chảy mãi, chảy mãi trên đôi má rám nắng của anh, rồi
nhỏ xuống tấm bia, nơi má Sơn đang nằm.
– Thằng Sơn của má đã về đây rồi! Má có nghe con nói không
má?
Ngôi mộ vẫn lặng yên. Chỉ có phảng phất mùi nhang và hương
hoa huệ nồng nàn…
Sơn cúi đầu lạy má, đi tới đặt hoa, cắm nhang bên cạnh bó hoa
và thẻ nhang của người đàn bà, rồi ngồi xuống bên mộ, vừa nhổ cỏ như nhổ tóc
sâu cho má, vừa đăm chiêu nghĩ ngợi…
… Căn nhà số 462 đường Minh Phụng đã hiện ra trước mắt. Ngôi
nhà thật dễ tìm, nhưng Sơn cứ đi qua đi lại mấy lần, như thể chưa tin đó lại là
ngôi nhà của người đàn bà mà mình định tìm. Thực ra, anh có thể bấm chuông báo
hiệu cho chủ nhà ra mở cổng, nhưng anh chưa muốn, vì đang là giờ nghỉ trưa, và
vì sau khi viếng mộ má, tâm thần anh bị xáo động mãnh liệt, anh chưa biết gặp
người đàn bà, sẽ hỏi những gì và nói những gì?
Từ lúc ngồi thừ bên mộ má cho đến bây giờ, Sơn đã tự đặt cho
mình bao nhiêu câu hỏi, rồi tự giải đáp. Nhưng anh vẫn cứ ngỡ ngàng, lúng túng,
không tin sự việc lại có thể diễn ra như vậy. Số phận nào đã đưa đẩy má anh- một
bà già nghèo khổ ở nông thôn đến nhập thân vào đời sống người đàn bà xa lạ ở đô
thị này? Và bằng cách gì, má anh đã có sức hút mạnh mẽ người đàn bà đến vậy? Thẻ
nhang nghi ngút cháy, bó hoa huệ trắng muốt tỏa hương nồng nàn, và cả người đàn
bà thùy mị, duyên dáng kia, tất cả đều rất thực; nhưng đối với Sơn, tất cả như
trong hư ảo. Lẽ nào… lẽ nào…
Vén tay áo xem đồng hồ, đã 1 giờ 30, Sơn đi đến bên cổng, thò
tay lên bấm chuông. Sau hồi chuông ngân dài, có tiếng lục lạc rung “leng reng”
trong nhà, rồi, một cháu trai khoảng 5 tuổi tròn trịa, kháu khỉnh xuất hiện ở
trước hè.
– Cháu Lâm đó phải không?- Sơn lên tiếng, khi thấy chú bé với
cái lục lạc trên tay, nhìn trân trối về phía mình.
Cháu bé nhoẻn miệng cười, khẽ gật đầu rồi vụt chạy vào nhà, vừa
rung lục lạc vừa la toáng lên:
– Má Trúc ơi, má Trúc! Có chú bộ đội hỏi nhà mình. Mà chú lại
kêu đúng tên con nữa mới ngộ chớ má!
Người đàn bà lẳng lặng đi ra cổng. Khi nhận ra Sơn, chị dừng
lại, rối rít chào anh, rồi vội vã tra chìa vào ổ khóa, mở cửa lách cách:
– Ôi anh! Thế là anh đã tới! May quá, mẹ con em vừa mới cúng
bà nội.
– Vậy hả chị?- Sơn gượng cười, cố giấu nỗi xúc động- Vậy là
tôi gặp may! Cái số của tôi nó cứ đỏ hoài hoài vậy đó chị!
Người đàn bà mỉm cười, chợt thấy thằng Lâm vừa túm ống quần
Sơn, vừa ngửa cổ nhìn cái mũ có đính ngôi sao lấp lánh trên đầu anh, lên tiếng
mắng yêu con:
– Muốn đi bộ đội lắm hả? Ờ, má cho đi đó, nhưng bây giờ, con
mời khách vô nhà, và phải ngoan mới được. Má xuống bếp nấu nước!
Theo sự chỉ dẫn của thằng Lâm, Sơn bước lên hè, tháo chiếc ba
lô “con cóc” đặt sang một bên giường, rồi đứng nhìn thẫn thờ ra sân, nơi mấy luống
huệ trắng muốt đang phô màu sáng rực dưới nắng. Sơn định đi lại nơi ấy, thì thằng
Lâm đã rung lục lạc, lôi sểnh anh vào nhà. Sơn trìu mến vuốt tóc nó, nựng má
nó, rồi hỏi khẽ:
– Ba đi đâu Lâm?
– Đi bộ đội giải phóng!
– Ba có thường về thăm Lâm không?
– Không! Ba đi miết, đi hoài, má biểu Lâm ngoan thì ba mới về!
Người đàn bà đã tất bật xách phích nước lên pha trà. Chị rót
một ly nước đầy, lẳng lặng đi lại phía tấm rèm xanh, và khi chị vừa kéo tấm rèm
sang một bên, đặt ly nước lên bàn thờ, thì Sơn đã vụt bật dậy khỏi ghế, nhìn
trân trối lên tấm ảnh phóng lớn, đặt sau lư nhang và bình hoa huệ trắng muốt.
Đúng là hình của má anh! Tấm hình chụp đầu năm 1968, má giữ lại một tấm và trao
cho anh một tấm để làm kỷ niệm ngày anh lên đường. Nhìn hình má trên bàn thờ
này, giữa đất Sài Gòn này, Sơn thấy lòng mình trào lên nỗi nhớ thương và niềm
xúc động tột độ. Anh đến đứng bên người đàn bà, đốt mấy cây nhang, cúi đầu lạy
má. Nước mắt chực trào ra, và ngay lúc đó, anh muốn kêu lên thật to, anh muốn
lao tới hôn lên hình má cho khuây khỏa nỗi đau đang cuồn cuộn dâng lên như
sóng, nhưng anh cố cắn răng kềm lại. Thằng Lâm đã đến túm lấy ống quần anh,
rung lục lạc “leng reng”, rồi chỉ tay lên tấm hình:
– Nội của Lâm đó chú. Cái này nữa nè, cũng là của nội cho
Lâm!- Thằng Lâm cầm cái lục lạc đưa cho Sơn, rồi nói nũng nịu- Nội nói là của
ba, chơi thì chơi, nhưng không được làm mất!
Thực sự đến lúc này, dù muốn kềm lại, Sơn không thể nào kềm nổi
những dòng nước mắt lăn xuống. Đúng là cái lục lạc, anh đã dùng suốt trong những
năm tháng đi bán đậu phộng rang, trên đường thị trấn Củ Chi. Cái lục lạc rung
“leng reng” những niềm vui, nỗi buồn, nhưng nỗi buồn là phần nhiều. Vì nghèo
khó, làm quần quật vẫn không đủ sức nuôi con, mà má anh, đã có biết bao buổi
chiều ra ngồi tựa cửa để chờ đợi, rồi khóc rưng rức khi nghe tiếng lục lạc của
anh rung “leng reng” ngoài quãng đường vắng, trước cổng nhà. Đã nhiều năm đi
qua, cái lục lạc lại trở về tay chủ. Chữ S. được anh khắc lên trên đó, có lẽ nhờ
thằng Lâm chịu khó giữ gìn, nên vẫn còn ngời bóng nét chữ.
Sơn cúi xuống, hôn hít mãi lên đầu thằng Lâm, và cứ để mặc những
dòng nước mắt nóng hổi lăn dài xuống tóc nó. Rồi, tuồng như không dằn lòng được
nữa, Sơn ngẩng mặt, nhìn trân trối lên tấm hình, kêu lớn:
– Má ơi! Thằng Sơn của má đã về đây má ơi! Má có nghe con nói
không má?
Nghe mấy tiếng đó, thằng Lâm đang cúi đầu, vụt bật dậy như
cái lò xo, nó đứng sang một bên, ngửa cổ nhìn đăm đăm lên khuôn mặt rám nắng của
Sơn, rồi lao tới ôm chặt lấy chân anh, kêu ríu cả lưỡi:
– Ba Sơn của con! Ba Sơn của con! -Nó lại quay mặt về phía
người đàn bà, ré lên thống thiết:
– Má Trúc ơi, má Trúc! Ba Sơn của con đây má! Ba Sơn của con
đã về đây má!
***
Không đợi con nhắc, từ lúc Sơn vừa kêu lên tên mình, người
đàn bà đã vụt ngẩng đầu lên, nhìn anh kinh ngạc, rồi gục đầu xuống, để mặc cho
những dòng nước mắt tuôn lả chả trên má. Buổi chiều ở đây yên ắng quá, nên tiếng
khóc của chị nghe càng xao động, da diết, nó như mũi khoan cứ xoáy mãi, xoáy
mãi vào giữa lòng người. Biết chẳng thể nào an ủi được người đàn bà lúc này,
Sơn ôm thằng Lâm vào lòng, đi lại ngồi xuống ghế, vừa khẽ vuốt mớ tóc rối bời của
nó, vừa nhìn bâng quơ ra sân, nơi mấy luống hoa huệ trắng muốt đang lay động
trước gió chiều. Thằng nhỏ trông dễ thương thật! Nó tựa đầu lên ngực Sơn, nhìn
trìu mến đôi má rám nắng của Sơn, rồi lấy tay vuốt nhẹ một vết sẹo chạy xéo ở
phía trái trán anh.
– Cái này là cái gì hả ba?
– Cái thẹo.
– Sao ba lại có cái thẹo?
– Giặc Mỹ bắn bị thương, con à!
Thằng nhỏ chớp mắt mấy cái, ấn ngón tay lên vết thẹo, rồi hỏi
khẽ:
– Ba còn thấy đau nữa không ba?
– Ôi con ngoan quá! Con ngoan quá! Chẳng còn đau nữa đâu con!
Sơn nén xúc động, vò đầu thằng bé, rồi áp má mình lên mớ tóc
của nó. Thằng bé ngã đầu vào lòng anh tin cậy. Không biết có phải vì đang có
gió mát, hay được hơi ấm nồng nàn của Sơn- cái chú bộ đội mà nó tự nhận là ba của
mình- nó ngủ thiếp đi. Một lát, nó đã ngáy pho pho, đôi chân soài rộng, tròn trịa,
săn chắc như hai cái chân ếch.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Sơn khẽ đặt thằng bé nằm dài trên ghế đệm, rồi lấy tờ báo xếp
tư, phe phẩy quạt trên má nó. Đã 30 tuổi, lẽ ra thông thường, Sơn đã được làm
cha như mọi người. Nhưng rồi chiến tranh ập đến và kéo dài liên miên, đến nay,
anh vẫn chưa có được cái diễm phúc đó. Cuộc đời cứ xê dịch mãi, hết chiến trường
này lại chuyển sang chiến trường khác. Nhiều lúc anh cũng nghĩ đến một mái ấm
gia đình, kiếm về cho má một nàng dâu hiền thảo, cho nội một cháu trai kháu khỉnh,
nhưng chưa kịp có niềm vui ấy thì má đã mất. Càng nghĩ, Sơn càng thấy xót xa
như muối xát. Và cũng chính vì vậy, anh quý trọng biết chừng nào tấm lòng đôn hậu
của người đàn bà này đối với má anh, những ngày tháng trong cảnh cơ hàn cho đến
khi má xuôi tay nhắm mắt.
Sơn nhìn đăm đăm về hướng người đàn bà, tự dưng lòng anh cuộn
lên một tình cảm mới mẻ, mãnh liệt, ngay đến bản thân anh, anh cũng chưa kịp hiểu
nổi.
– Đừng khóc nữa em!- Giọng Sơn nghe nhẹ như hơi thở.
Người đàn bà khẽ rùng mình, rồi ngẩng đầu lên, rút khăn ra
lau nước mắt. Chị thờ thẫn nhìn sang Sơn. Không biết vì thấy tờ báo xếp tư trên
tay anh vẫn đưa qua đưa lại một cách chăm chỉ trên đôi má bầu bĩnh của thằng
Lâm, hay vì tiếng xưng hô mới mẻ và thân thiết ấy đã bất chợt đánh thức nỗi niềm
da diết của mình, đôi mắt vốn hiền dịu và đầy sức quyến rũ của chị cứ long lanh
mãi, long lanh mãi luồng sáng kỳ ảo. Luồng sáng ấy, Sơn cảm nhận được, và tự
dưng cả hai người đều cảm thấy bối rối.
– Má mất như thế nào hả em?- Sơn nhìn lên ảnh má, rồi quay lại
hỏi Trúc- tên người đàn bà. Lại một lần nữa, cách xưng hô ấy cũng từ miệng Sơn
thốt ra, nhưng lại làm lòng anh xao xuyến khôn xiết. Tuồng như Trúc cũng nhận
ra được điều đó trong cử chỉ vụng về, lúng túng của anh, nhưng chị không còn cảm
thấy bối rối nữa. Chị lẳng lặng đứng dậy, đỡ lấy tờ báo xếp tư trên tay anh,
nhìn anh trìu mến:
– Để em quạt cho con. Ồ, em quên mất, nước trà nguội ngắt cả
rồi!
– Không sao đâu em! Anh tự lo được.
Trúc nhìn ra luống huệ đang xòe bông trắng muốt ngoài quãng
sân vắng, niềm vui vừa lóe lên, bất chợt vụt tắt trong đôi mắt đen mọng của chị.
– Má hy sinh anh dũng lắm anh à- Trúc nói nhỏ nhẹ- Trong một
chuyến công tác về bàn đạp của thành phố đặt ở An Tịnh, má bị tụi nó phục kích.
Mà em tiếc quá! Nếu em kịp báo cho má hay, thì không đến nỗi!
– Lúc đó em ở đâu, và vì sao em biết giặc định ám hại má?-
Sơn cắt ngang câu chuyện.
– Em lại phải kể lại từ đầu- Người đàn bà tần ngần nhìn Sơn,
một tay sò sè mớ tóc đang xõa xuống đôi má- Em tưởng là anh đã hay biết hết rồi!
– Không, anh không hay biết gì hết về má từ năm 68.
– Anh nói thiệt đó chớ?
– Thiệt.
– Cả về em nữa, anh cũng không hay biết gì sao?
– Cũng vậy, anh không biết gì hết!
– Năm 68 thì em lập gia đình anh à- Trúc bắt đầu câu chuyện-
Nói là lập, chớ thật ra là một sự bó buộc. Em là sinh viên, thằng chồng em cũng
là sinh viên, tưởng là người tử tế, nhưng sau khi về làm vợ nó và sắp có con với
nó, em mới biết nó là thằng giặc đội lốt học trò, đang làm việc cho một tổ chức
cảnh sát thám báo. Lúc đó, vì sắp sanh con, em cần người giúp đỡ, và may thay,
gặp được má đang sống lang thang, vô nghề nghiệp trên đất Sài Gòn. Má về ở với
em, chịu thương chịu khó hết mức. Má quý em như con, và em cũng quý má như má
ruột.
Rồi một hôm, thằng chồng em trở về nhà, mặt hầm hầm giận dữ.
Nó nói như quát vào mặt em:
– Phải đuổi cổ con mụ già khốn kiếp này ra khỏi nhà!
– Con mụ nào? Tại sao lại đuổi?- Em trố mắt ngạc nhiên hỏi
nó.
– Báo cho cô biết, con mụ là Việt cộng nằm vùng, giả dạng đi ở
để liên hệ với đám biệt động nội thành quấy phá chính phủ…
– Đừng có nói hàm hồ, chứng cớ ở đâu?- Em lại lên giọng thách
thức nó.
– Chứng cớ à? Cứ đi theo mụ lên An Tịnh thì biết!
À ra thế! Thằng chồng em nói cũng có lý. Em nhớ ra trong thời
gian ở với em, má thường đi về trên ấy, nói là đi thăm bà con. Em chẳng biết gì
về chính trị, nhưng nếu má là Việt cộng, thì Việt cộng quả là tốt quá, đáng yêu
quá! Dù sao, sự đe dọa của thằng chồng khiến em lo lắng, hoang mang tột độ.
Một đêm, lợi dụng lúc thằng chồng đi vắng, em rỉ tai má những
điều em hay được.
Má bảo:
– Má già rồi, còn sống bao lâu nữa mà lo. Má chẳng chống ai hết.
Nhưng nếu vì má ở đây mà liên lụy đến con, thì má đành ra đi vậy, con à!
– Không, má cứ ở lại với con- Em nói.
Trời ơi, anh có biết không? Em dại quá và ân hận quá! Nếu em
để má ra đi từ bữa đó, thì có khi má lại chẳng có chuyện gì.
– Tại sao bị lộ như vậy, má vẫn chần chờ làm gì?- Sơn cắt
ngang câu chuyện.
– Tại sao à? Tại em! Em đã đến kỳ sinh nở. Em lại một thân một
mình. Trước đó mấy ngày, qua gây gổ với em vì chuyện của má, thằng chồng em đã
bỏ nhà đi với một con bồ khác, và ở một chỗ khác. Sau này, em mới biết nó đã lấy
con đó làm vợ từ lâu, trước em, và đã có hai đứa con. Nó chính thức bỏ em.
Thương em lận đận những ngày sinh nở, và trước lời khẩn cầu tha thiết của em,
má đành ở nán lại đôi ba hôm, chăm lo em và thằng Lâm vuông tròn.
Rồi một hôm, thằng chồng em đường đột trở về. Vừa thấy em, nó
gặng hỏi:
– Con mụ già đi đâu?
– Má đi mua thuốc cho tôi.
– Đừng có láo lếu. Mụ ấy đi An Tịnh!
Nghe nó nói tới đó, em run cầm cập, người lạnh toát như sắp
lên cơn sốt. Đúng là má đã ra đi từ 5 giờ sáng. Lo lắng cho má quá, mặc dù căm
thù thằng chồng khốn kiếp cực độ, em phải dịu giọng năn nỉ nó:
– Bà ấy già rồi. Quốc gia nên thương người già để lấy tiếng ở
đời. Hành hạ vậy… tội nghiệp lắm!
– Hừ- Nó phì cười- Tội nghiệp! Phải, kể ra cũng đáng tội nghiệp
thật!
Nghe nó nói tới đó, tưởng nó xiêu lòng, em mừng quá, nói ríu
cả lưỡi:
– Các ông tha cho bà già chớ?
– Hừ- Nó lại cười- Trưa nay, con mụ già đó đã sa vào lưới
giăng sẵn ở trên đó rồi!
Trời! Em chỉ kêu lên một tiếng, rồi áp mặt vào đầu thằng Lâm,
khóc tức tưởi.
– Các người độc ác lắm, tàn nhẫn lắm! Tôi ghê tởm các người!
Tôi nguyền rủa các người!
Thằng khốn kiếp đó lại cười gằn, rồi tất bật đi ra khỏi nhà.
– Anh ơi, anh có biết không? Chiều hôm đó thì em đã được tin
má bị giặc bắn chết trên cánh đồng An Tịnh. Và mỉa mai thật, chính cái thằng khốn
kiếp đó đến báo. Mà lạ quá anh à!
– Em nói lạ cái gì?
– Hình như má có linh tính gì về chuyến đi này. Một đêm trước
đó, má không ngủ được, cứ đi ra đi vào. Chừng khuya lắm, má khẽ lay em dậy. Má
lấy ra một chiếc nhẫn, một cái lục lạc, rồi nói nhỏ vào tai em:
– Má nhờ con giữ cho má mấy thứ này. Chẳng giấu gì con, má có
thằng con độc nhất là Sơn, đi bộ đội giải phóng. Cái lục lạc là của nó, nó giữ
từ nhỏ đến lớn. Còn cái nhẫn này, má dành dụm cho nó. Nếu sau này, nó gặp ai vừa
ý, coi như quà cưới của má cho nó!
Em gục đầu vào lòng má, nói khẽ:
– Má ơi, má đặt tên thằng con đầu lòng cho con đi má!
Trầm ngâm một lát, má nói:
– Lấy tên nó là Lâm. Lâm là rừng. Ở trên rừng, ai ở và đang
có chuyện gì, con biết rồi!
Người đàn bà nói tới đó, cúi xuống hôn lên đôi má bầu bĩnh của
thằng Lâm, rồi nhìn thẫn thờ bàn tay nó, cái bàn tay múp míp đang khum lại, giữ
cái lục lạc. Chị lẳng lặng đưa tờ báo xếp tư cho Sơn, cất giọng trìu mến:
– Anh quạt cho con! Em đi lấy cái này!
Sơn hỏi khẽ:
– Sao thằng Lâm biết tên anh và biết anh đi bộ đội?
– Khi nó vừa nói bập bẹ, thì Sài Gòn đã được giải phóng. Thấy
anh em mình về Thành càng đông vui, rộn rịp, nó càng trông ngược trông xuôi tìm
kiếm ba nó. Nó cứ hỏi em ba đi đâu, chưa thấy về. Không thể để cái thằng chồng
khốn kiếp ấy ám ảnh vào đầu óc đứa con thơ ngây, tội nghiệp của mình, em bảo
con là ba đi bộ đội giải phóng. Còn tên anh- người đàn bà bất chợt quay mặt
sang hướng khác, cười ngượng nghịu- em cũng nói với con từ lúc đó. Lúc nào ai hỏi
nó về ba mình, nó hãnh diện trả lời: Ba Sơn của tui đi bộ đội giải phóng!
***
Nắng ngoài sân đã nhạt dần. Sáng mai, Sơn phải có mặt tại đơn
vị. Vì vậy, trông ánh nắng nhạt màu ấy, anh đâm ra bồn chồn, lo lắng. Dù lưu
luyến mãi, anh cũng phải rời khỏi ngôi nhà này. Thì giờ còn lại với anh, thực sự
là vàng ngọc.
Người đàn bà đã trở lại trong lúc Sơn bâng khuâng nhìn ra mấy
luống hoa huệ trắng muốt. Chị lẳng lặng đi tới, định trao chiếc nhẫn cho anh.
Anh quay lại, thì gặp ánh mắt đẫm đầy nước mắt của chị. Sơn nhận lấy chiếc nhẫn,
rồi khẽ nâng bàn tay người đàn bà lên, tròng vào ngón tay búp măng mềm mại của
chị.
– Em… Em thương yêu! Anh quý, anh yêu em biết chừng nào!
Sơn nói thì thầm như vừa đủ cho hai người nghe, rồi vòng tay
qua vai chị, cúi xuống hôn lên mái tóc mềm mướt của chị. Người đàn bà run lên,
và tưởng chừng có thể đổ xuống, đổ xuống mãi mãi, nếu không có cái bàn tay chắc
chắn và đáng tin cậy kia giữ lấy đôi vai này của chị.
– Anh! Anh yêu! Đừng bỏ mẹ con em, nghen anh…
Chị chỉ nói được từng ấy lời, rồi bất thần vòng tay sau lưng
anh, gục đầu lên ngực anh…
Sơn nắm tay người yêu siết thật chặt, rồi trở lại giường xốc
ba lô lên vai. Trước khi ra khỏi cửa, anh cúi xuống chiếc ghế đệm, khẽ hôn lên
đôi má bầu bĩnh của thằng Lâm, nói trìu mến:
– Ngủ ngon nghe con! Ba Sơn còn phải đi, nhưng thế nào cũng về
với má, với con. Nhất định sẽ là như vậy, con cưng của ba…
9/10/2023
Hoài Vũ
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét