Đường về - Ký của Thái Chí Thanh
Để tăng diện tích canh tác, dân phải dồn vô rừng, vô rú mà ở, mạ phải gieo trong sân vừa đỡ diện tích vừa ấm, cùng với chủ trương tránh thai, đặt vòng, lãnh đạo quê tôi đúc kết cho dễ nhớ, đặt tên là phong trào Ba vô: “mạ vô sân, dân vô rú, đ… vô vòng”. Nhớ lại, tôi suýt bật cười trong đêm…
1- Quan điểm là cái con mẹ gì? Tùm lum!
Đợt tôi được phục viên vào giữa năm 1976, tập trung ở Thủ Đức,
thuộc Sài Gòn – Gia Định.
Nhìn những chiếc xe khách của các hãng như Kim Quy, Phi Long…
to dài, trang trí rực rỡ, xếp hàng tăm tắp sẵn sàng đưa những người chiến thắng
về quê, ai chẳng háo hức. Cánh “xế”, “lơ” xe được hợp đồng thuê chở những người
lính ra quân cũng tỏ ra hào hứng lắm. Hầu hết họ mới lần đầu tiên được lái xe
xuyên đất nước, ra thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Họ cũng được tập trung quán
triệt, nói đúng hơn là dặn dò những quy định của chuyến đi. Truyền đạt cho họ vẫn
là trung tá tuyên huấn nói rặt giọng Nghi Lộc hay bị lộn dấu, đến anh em
ngoài Bắc còn nghe câu được, câu mất. Thế mà cánh xế được hỏi gì cũng cười cười
rồi gật đầu lia lịa, dạ dạ tràn cung mây, làm như hiểu lắm ấy…
Đoàn xe vượt qua mấy tỉnh đồng bằng Nam Bộ trù phú, bắt đầu
vào vùng đất miền Trung, đường quanh co nhiều đèo lắm dốc. Nhất là khi qua Phan
Thiết, Phan Rang, đầy viết tích chiến tranh, đường nham nhở, rất khó đi. Xe chở
tôi chẳng may bị “pan” giữa suối khi chạy đường tránh cây cầu bị đánh sập trên
đường Một. Lúc đầu là hai lơ xe xuống xem và vừa ngụp lặn, vừa moi nhặt những
hòn đá dưới bánh xe. Cũng không được. Tất cả chúng tôi xuống cho đỡ nặng và
cùng xúm vào đẩy. Xe chỉ nhúc nhích và lún sâu hơn… Lái xe bảo chúng tôi lên bờ,
để mấy lơ xe làm. Nhìn hai cậu lơ xe lấm lem, khi thì chui rúc dưới gầm xe, khi
hùng hục kích với đẩy, vẫn bị bác xế mắng té tát, lính mình động lòng thương.
Nhiều lái xe chờ phía sau sốt ruột, cũng đến xem và cho lơ xe của họ, toàn
thanh niên trẻ như hai lơ xe của xe tôi, đến cùng hợp sức. Phải công nhận những
lơ xe nhìn có vẻ ngổ ngáo, nhưng cực kỳ chịu khó, nhẫn nhục, ai cũng ướt đẫm nước,
lem luốc dầu mỡ, dù bị các chủ xe mắng nhiếc kiểu gì cũng chỉ biết “dạ… dạ”, chẳng
một lời phản ứng.
Trong lúc tôi và Đoàn tranh thủ lên hút thuốc trên một bãi cỏ
bỗng nghe ồn ào của đám lính ta với cánh lái xe, lơ xe. Một ai đó gào lên rất
to: “Các ông không được làm thế, không được bóc lột, không được ức hiếp người
lao động”. Tôi và Đoàn chạy đến, thấy mấy bố lính nhà mình đang bất bình, phê
phán kịch liệt cánh lái xe đang hành xử kiểu “Tư bản chủ nghĩa” với đám lơ xe.
Những lái xe bị ùn tắc phía sau cũng dồn lên, vây quanh chiếc xe bị pan. Nhiều
lái xe có vẻ ngạc nhiên, cứ ngơ ngơ ngác ngác hết nhìn những người lính trẻ
đang hùng hổ phê phán họ, rồi họ lại nhìn nhau, lắc đầu. Một ông lái xe, chắc
là bạn thân với lái xe chở tôi, mặt đỏ gay, tay chống nạnh, bỗng nổi cáu: “Bóc
lột cái chi… Con cháu bảo không nghe, làm hổng có được thì đập chết mẹ…”. “Mất
quan điểm! Đúng là chủ nghiã tư bản…”. Vẫn tiếng của mấy ông lính trẻ, mặt đỏ
tía lên vì bất bình cho đám lơ xe. Một lái xe có ria vểnh trông rất lãng tử, mắt
đỏ hằn lên, đốp lại: “Quan điểm là cái con mẹ gì? Tùm lum! Tùm lum! … “.
Thế là cuộc đấu khẩu chẳng rõ có ai nghe ai không, đủ giọng
Nghệ Tĩnh quê tôi và các bác xế Nam bộ lại bùng lên. Cứ tưởng ông lái xe của
tôi hiền, không thích cãi nhau, không ngờ, còn quyết liệt hơn. Ông cúi đầu, lùi
lũi đến trước mặt đám lính xứ Nghệ, giọng ráo hảnh, vẻ bất cần: “Mấy ông giải
phóng tự tìm xe mà zề nghen! Tui bị tăng xông, hổng lái nữa…”. Căng! Vậy là rất
căng rồi. May mà lúc đó, từ dưới xa ông trung tá tuyên huấn, xăm xăm bước đến.
Lính và cả đám lái xe tránh ra cho ông vào. Khác với thái độ khi lên lớp, kiểm
tra bài, lần này ông rất nhẹ nhàng, bắt tay mấy lái xe mặt mày đang đỏ gay, vẫn
giọng răn rẳn nói vừa nhanh vừa “nhầm dấu” của quê ông, bảo, chỉ là hiểu lầm,
chưa hiểu nhau. Bây giờ một nhà rồi, mọi người cần bình tĩnh… Tôi thấy
ông lái xe của tôi cứ gườm gườm nhìn vị trung tá rồi lại nhìn mọi người… “Ông
có hiểu không?” Có ai đó hỏi. Ông gật gật đầu, rồi vẫy một người lái xe trẻ
hơn, dục: “Thông ngôn đi… lẹ lẹ lên…”. Ông trẻ hơn, giọng pha Bắc, pha Nam, “dịch”
những từ cánh xế không hiểu. Ông lái xe của xe tôi gật gù… Trung tá giảng viên
rút bao thuốc Capstan ra mời, lại lấy zipo châm cho mấy lái xe, lơ xe và ra hiệu
cho cánh lính đang hăng máu đấu tranh lui ra. Đến ông “thông ngôn”, trung tá
nhìn như thôi miên làm ông ta bỗng tái mặt:
– Xin lỗi, khí không phải, có phải ông người xã Đoài quê mình
không?
Người được hỏi cũng sững lại, gật gật đầu:
– Phải… Tôi nghe tiếng cũng đoán … nhưng không dám nhận, vì sợ…
– Sợ chi… Trung tá reo lên… Ồ… Phải rồi, anh là Dân… Khác
quá… Tôi cùng là người xã Đoài đây… Trời ơi, hồi ấy bọn mình mới hơn mười tuổi…
– Phải …Phải… Người “thông ngôn” có tên là Dân mặt bỗng dãn
ra, tươi tắn hẳn lên, đưa hai tay vồn vã bắt tay trung tá… cười cười nói nói…
Qua câu chuyện của họ chúng tôi hiểu “thông ngôn” cùng quê xứ đạo với trung tá,
theo gia đình di cư vào Nam năm 1954…
Sau cuộc gặp tình cờ rất đặc biệt đó, tình hình có vẻ êm dần.
Chỉ lát sau, chúng tôi được huy động cùng với hàng trăm lính từ các xe khác xúm
nhau vừa đẩy vừa hò, chiếc xe mời hết “pan”, lên đường chính, tiếp tục cuộc
hành trình…
2- Bài ca đặt vòng
Đến Phú Yên, xe dừng để lính nghỉ đêm trong các nhà dân ở thị
trấn… Chủ nhà nhường giường cho anh em tôi, bế con ngủ trên một cái chõng. Phải
nói rằng bà con ở đây rất cực. Hai vợ chồng còn trẻ mà đã năm đứa con nheo
nhóc, trông cứ lít nhít, hai đứa nhỏ nhất èo uột như hai dẻo khoai, chẳng biết
đứa nào là anh, đứa nào là em, khóc ỉ eo suốt đêm, nghe nẫu cả ruột. Có lúc ông
chồng giỗ con không được, thốt lên, “không biết chính quyền mới có cái thuốc
chi khỏi phải đẻ nhiều chứ như ri cực quá đi”.
Tôi không ngủ nổi, nghĩ vẩn vơ. Tôi cũng không hiểu có phải
chế độ cũ người ta khuyến khích đẻ nhiều để có người đi lính không chứ chuyện
tránh thai, từ thời tôi còn bé, ở miền Bắc đã ứng dụng rất phổ biến. Gia đình
tôi trong tập thể bệnh viện huyện, tôi thấy bao nhiêu là bao cabot tránh thai,
phát không cho đồng bào, nhiều đến mức bọn trẻ chúng tôi lấy làm bóng bay, thổi
lên, dài thườn thưỡn như cái chim của người khổng lồ, làm cho các o dân quân thấy
ngượng tím mặt. Cùng với việc dùng bao cao su, phụ nữ đang tuổi sinh đẻ còn phải
đặt vòng tránh thai. Đang chiến tranh, quê toàn phụ nữ vì đàn ông đa phần ra mặt
trận, nhưng phong trào vẫn rầm rộ lắm. Đến các hội diễn văn nghệ quần chúng lần
nào cũng có tiết mục về tránh thai.
Tôi vẫn nhớ tiết mục đồng ca “Bài ca đặt vòng”, được giải nhất
văn nghệ quần chúng của huyện, chẳng rõ ai sáng tác mà nhiều người thuộc: “Chị
em môi thắm, má hồng, cầm tay, phấn khởi (đi) đặt vòng tránh thai… Ới hò
là hò dô… Dù có đi nơi mô, cũng nhớ về quê… đặt vòng… Điệp khúc: Rủ nhau ta đi
đặt vòng. Rủ nhau ta đi đặt vòng. Vòng số 8 hay vòng số 9. Vòng nào vừa thì ta
cứ đặt. Vòng chữ S hay vòng chữ U. Vòng nào vừa thì ta cứ chơi. Ai ơi… Ta đã đặt
vòng rồi! Thật diệu kỳ… làng nước ta ơi…”. Cũng hồi ấy, quê tôi đang xây dựng
cánh đồng năm tấn để lấy gạo nuôi quân. Để tăng diện tích canh tác, dân phải dồn
vô rừng, vô rú mà ở, mạ phải gieo trong sân vừa đỡ diện tích vừa ấm, cùng với
chủ trương tránh thai, đặt vòng, lãnh đạo quê tôi đúc kết cho dễ nhớ, đặt tên
là phong trào Ba vô: “mạ vô sân, dân vô rú, đ… vô vòng”. Nhớ lại, tôi suýt bật
cười trong đêm…
Tiếng khóc của đứa trẻ lại kéo tôi về thực tại. Ngẫm nghĩ,
tôi chạnh lòng, sao mà dân mình khổ thế. Họ nói vậy, chắc là họ đang mong, đang
hy vọng cuộc sống mới sau chiến tranh sẽ đỡ khổ, đỡ cực hơn…
Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy
3- Con gái quê “Bọ”
Hôm sau, cuộc hành trình lại tiếp tục, nhưng đến nam sông
Gianh, ai cũng ngán ngẩm khi thấy xe xếp hàng cả mấy cây số để chờ sang phà. Ít
nhất, chúng tôi cũng phải chờ hai ngày đêm, phải tự tìm chỗ trọ. Bộ đội dồn về
đông, nhà dân nào cũng đã chật người ở nhờ. Đúng là dân Quảng Bình, như có
duyên nợ với lính. Ngày chiến tranh, lính ta vào ra, dù đi hay về từ chiến trường
nào, đều đi qua mảnh đất ác liệt này, được người dân cưu mang. Nay hòa bình rồi,
hết chiến tranh rồi, thế mà cánh lính chúng ta vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của
các mạ, các bọ…
Tôi, Đoàn và ba người nữa trong nhóm Sư đoàn 304 thấy ngôi
nhà rìa làng, sát với những đồi cát trắng phau có áo cổ lá sen phơi trước sân,
khấp khởi xin vào trọ. Nhưng đón chúng tôi chỉ có bọ và mạ. Tôi chào họ rồi
hỏi: “Nhà mình các anh chị đi vắng ạ!”. Bọ chỉ lên bàn thờ, có hai tấm bằng Tổ
quốc ghi công, bảo: “Hai thằng thì vắng lâu rồi, còn đứa út đang bận công tác
dân quân ngoài bến phà”. Bọ mạ nhường cả gian ngoài cho chúng tôi, nhưng năm đứa
phải rải tăng mới có chỗ vì chỉ có mỗi cái chõng tre. Muỗi nhiều quá thể. Không
ngủ nổi, mấy đứa lại tán gẫu với nhau, hết khen đường xá trong Nam đẹp thế, đi
êm thế, còn đường ngoài mình thì xấu, đã hẹp lại toàn ổ gà, ổ trâu. Có đứa còn
vô tình khen con gái trong nứ răng mà đẹp, ăn diện phơi phới, trông cứ nõn nà.
Còn ra đến miền Bắc thì cô mô cũng quần đen áo thâm, cổ lỗ… Mấy đứa sơ ý chứ bọ
mạ nằm buồng trong, cách tấm phên nứa, nghe hết. Chắc là ngứa tai lắm, bọ “e
hèm” rồi nói vọng ra, vẫn tính cách bộc trực quê bọ: “Răng các chú mau quên rứa.
Nhân dân ngoài ni chịu cực, chịu hy sinh để giải phóng đất nước, vì đồng bào miền
Nam ruột thịt… Bây chừ, các chú quay lại, khen họ cái chi cũng đẹp, chê quê tui
cái chi cũng xấu là mần răng?”. Mấy đứa đang huyên thuyên, bỗng im bặt, sượng
sùng, xấu hổ.
Hôm sau, chúng tôi dậy sớm, đang tính cách xin lỗi bọ mạ thì
thấy một cô gái từ đâu về, treo khẩu súng K44 lên cột nhà, bẽn lẽn cúi chào
chúng tôi, tiếng nhỏ nhẹ: “Em chào mấy eng…”. Chẳng cứ tôi, mà tất cả năm đứa
trọ nhà bọ sững sờ, không tưởng tượng nổi dưới mái tranh nghèo của bọ mạ lại có
cô gái xinh đẹp đến thế… Khác với bọ mạ, làn da cô gái trắng mịn màng càng được
tôn lên trong chiếc áo cánh lụa nâu, quần phíp đen nuột nà, ôm sát thân hình
thon thả của cô gái vừa kín đáo mà vừa khiêu gợi; chiếc khăn voan màu tím nhạt,
khoác hờ trên đôi vai nhỏ như để khoe cái cổ cao cao, đầy vẻ kiêu sa của cô gái
thôn quê. Và nhất là khuôn mặt hình trái xoan có đôi mắt to và đen, có phần
hoang dại của cô gái như hút hồn mấy chàng lính chúng tôi. Chưa đứa nào kịp mở
mồm đáp lại thì bọ đã oang oang: “Con Hạnh mi ra chợ mua cái chi tươi tươi mời
các eng, nỏ mấy khi có khách quý”. Chẳng biết bọ nói vậy là có móc máy chi
không. Cô gái đáp nhẹ “Dạ” rồi lại như cơn gió thoảng, cũng như lúc về,
lướt nhanh ra khỏi nhà. Tôi chạy theo: “Hạnh … Hạnh… Cho anh nhờ… Tôi dúi
vào tay cô gái mấy tờ bạc – Em mua giúp bọn anh ít thức ăn và chai rượu”. Cô
gái lưỡng lự, rồi cầm tiền, đánh cặp mắt đầy ma mị sang tôi, nở nụ cười mê hồn:
“Em mua đồ nhậu, hỉ?”. Tôi gật đầu vì có cảm giác quai hàm bị cứng đơ, ngẩn người
nhìn bóng cô gái đang thon thón đôi gót hồng trên con đường làng phủ bóng phi
lao, lập lòa nắng và cát…
Bữa cơm tươi “tạ tội” của cánh lính chúng tôi với bọ mạ được
dọn ra. Tiếc là cô gái sau khi chuẩn bị bữa tươi xong lại vội vã khoác súng ra
bến phà sông Gianh. Cánh lính chúng tôi nhìn theo, tiếc ngẩn ngơ. Sau mấy tuần
rượu, không khí vui vẻ, một cậu tán: “Ước chi mấy đứa mình có ai lọt vô cặp mắt
huyền của con gái bọ mạ hề?”. Bọ dốc ngược chén rượu, cười: “Không dám! Con gái
quê tui quần đen, áo thâm, cổ lỗ quá đi, ai thèm lấy!”. Thì ra bọ cũng ăn miếng
trả miếng. Rượu vào lời ra, căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười… Cuối bữa, bọ đã là
ngà, bảo đứa mô thích thì bọ gả, vùng quê bọ đàn ông hy sinh nhiều quá, còn mấy
mống, khó tìm chồng lắm… Cả năm đứa chúng tôi đều giơ tay, làm bọ bật cười rất
vui, rất hiền…
Tiếc là lúc chia tay, chúng tôi vẫn không gặp lại cô gái xinh
đẹp của xứ Quảng…
4- Người thắng trận sao khờ khạo thế?
Trời đã gần tối, nhưng khá nhiều người của ty Thương binh và
Tỉnh đội chào đón chúng tôi. Đáng ra, chúng tôi vào các nhà nghỉ bố trí sẵn để
hôm sau còn làm các thủ tục xuất ngũ, chuyển sinh hoạt Đảng, Đoàn về địa
phương, nhưng đứa mô cũng sốt ruột, nỗi nhớ nhà, mong gặp người thân cứ sôi
lên, nên nhiều người xin đưa thẳng ra bến xe, còn thủ tục sẽ làm sau.
Bến xe Vinh vẫn chẳng khác chi thời chiến, ngoài hai bóng điện
lù mù ở cổng, lác đác đèn dầu của mấy hàng nước chè xanh, kẹo lạc ở góc sân,
còn lại tối thui. Năm thằng “lính 304” chúng tôi vẫn cụm với nhau, tìm chỗ
nghỉ trong dãy nhà chờ chật chội và ồn ã. Hành khách đi các nơi đang dồn ứ rất
nhiều. Hồi ấy, cả tỉnh Nghệ An chỉ duy nhất có bến xe Vinh, ai muốn đi về các tỉnh
trong cả nước, về các huyện của tỉnh đều phải mua vé, chờ ở đây. Xe đi Hà Nội,
hay Sài Gòn có mấy chuyến một ngày, chứ xe đi các huyện chỉ hai ba chuyến, nhất
là với xe đi Quỳ Châu của tôi, hay Con Cuông của Đoàn thì mỗi ngày chỉ duy nhất
một chuyến. Tôi hỏi thăm thì được biết, dẫu có ưu tiên cho bộ đội thì cũng phải
chờ, vì đang mùa ra quân, lính tráng đông lắm…
Tôi và Đoàn tìm mãi cũng không có chỗ mắc võng, đành rải ni
lông, cho hành lý vào giữa hai người để ngủ cho an toàn. Hôm sau, tờ mờ sáng,
chúng thay nhau kẻ giữ hành lý, kẻ mua vé.
Mãi đến khi cầm tấm vé trong tay, tôi mới yên tâm đi dạo một
vòng quanh bến xe. Bỗng có tiếng gọi rối rít: “Thanh ơi… Thanh! Lại đây! Lại
đây!”. Tiếng quen quá, nhưng tôi chưa nhận ra người gọi là ai. Khi biết đó là
Thông, một đồng đội tuy không cùng sư đoàn nhưng đã từng biết nhau thời nằm viện
ở Quảng Trị, đang trùm cái chăn mỏng trên võng, tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn cười,
hỏi:
– Ôi hay… Thông! Răng mà trời nóng mà mi nằm đắp chăn… Chắc
không bị chấn thương sọ não đấy chứ?
– Lại còn đùa… Thông ra vẻ nghiêm túc, vẫy tôi sát xuống gần
hơn – Ông cho tôi mượn bộ quần áo, chứ mình mất cắp hết rồi… Đang mặc mỗi quần
đùi rách…
Nói rồi, Thông lại đưa mắt nhìn mấy cô gái, chắc là sinh viên
về hè đang ngồi đầy mấy hàng ghế xung quanh. Thông kể sơ qua cho tôi là hôm
qua, ngủ đêm cuối cùng, chia tay với mấy thằng cùng Sư đoàn 325. Chật và nóng
quá, nên hắn chuồn sang đây cho đỡ ngột ngạt. Tìm được chỗ mắc võng, hắn cởi hết
đồ, chỉ mặc mỗi cái quần lót cho dễ ngủ. Đề phòng bị mất cắp, hắn cho hết vào
ba lô, chỉ lấy ra cái vỏ chăn trùm tránh muỗi, rồi cột quai ba lô mấy vòng vào
đầu dây võng cho chắc ăn. Ai dè hắn ngủ say quá, kẻ gian dùng dao cạo, cắt quai
ba lô, cuỗm đi hết. May mà cái đài ôm trong bụng vẫn còn để về làm quà cho cả
nhà… Vừa thương, vừa buồn cười. Tôi trở lại kể qua với Đoàn, hai đứa lấy ít quần
áo, góp ít tiền cho cậu ta mua vé về nhà…
Rồi Đoàn, người cùng đơn vị cuối cùng cũng chia tay tôi. Còn
một mình, tôi bỗng thấy buồn. Rồi hình như trống trải và cô đơn. Cô đơn giữa ồn
ào của bao người ngay trên quê nhà. Đời lính đã quá quen sống có đồng đội, có
đơn vị, nay không còn nữa nên cảm giác lạc lõng và hụt hẫng như thiêu thiếu cái
gì đó rất thân thuộc… Tìm được chỗ mắc võng, tôi đang nằm mở đài giết thời gian
thì một tốp ba thanh niên ăn mặc khác thường, quần loe, áo chẽn, đầu tóc bù xù
ào đến, ngồi xuống cạnh võng tôi. Tôi kín đáo xem lại hành lý vì nghi bọn này
có thể giở trò. Mà đúng là giở trò, nhưng không phải ăn cắp…
Thoạt đầu, chúng rải chiếc chiếu nhựa ra, lấy đồ nghề gồm bộ
bài tú lơ khơ và mấy cái đĩa cũng bằng nhựa. Một người phải vịn vai đồng bọn đi
sau, tay khuờ khuờ xuống chiếu, đưa cặp mắt toàn lòng trắng, chớp chớp nhìn một
vòng, chẳng rõ vì theo thói quen hay để ai cũng thấy mình khiếm thị. Anh ta xoa
xoa tay rồi sờ sờ xuống chiếu, tìm được bộ bài, rồi bỗng nhanh nhẹn khác thường,
xóc bài rất điệu nghệ, rồi tung các quân bài nối thành vòng cung từ bàn tay này
sang bàn tay kia như làm xiếc. Trước con mắt thán phục của những người xung
quanh, gã thanh niên “mắt toàn lòng trắng” lia quân bài ra, xếp thành hàng thẳng
tăm tắp, thỉnh thoảng hắn vẩy một con ra đúng đĩa. Những động tác đó đến người
sáng mắt chắc gì đã làm được, huống chi… Chia hết bài, hắn sờ sờ ba con bài
trên đĩa, vừa lật vừa nói: “Át cơ nè… Át rô nè…. Át nhép nè…”. Trúng phóc! Tài
thật. Tiếng trầm trồ rộ lên và vòng người ngồi xem xung quanh mỗi lúc một đông.
Tôi đã cảnh giác với trò lừa đảo ở bến xe, mà cũng bị cuốn
vào. Thằng chia bài, đảo cặp mắt toàn lòng trắng một vòng rồi tỏ ra cực kỳ lễ
phép: “Dạ… Có ai muốn chơi hông?”. Không ai nói gì, hắn cười: “Chơi cho
vui, trúng thì có thưởng, trật thì hổng có sao”. Hắn lật ba con át lên cho mọi
người xem, rồi úp xuống, tráo vòng quanh mấy vòng, mỗi lúc một nhanh nhưng tôi
và hẳn nhiều người xung quanh vẫn nhận ra vị trí từng con. Để mọi người suy
nghĩ mấy giây, hắn chỉ một con: “Ai đoán trúng con ni được thưởng 5 đồng, trật
thì hổng mất tiền”. Thế thì ngon ăn quá. Một người ngồi phía ngoài len vào, đưa
tay đè con bài, nói luôn: “Át cơ!”. Hắn lật lên. Đúng át cơ. Chẳng ngần ngại, một
tên trong đồng bọn lấy một tờ 5 đồng đưa cho người đoán đúng. Tiếng xầm xì bắt
đầu như tằm ăn dỗi. Người dồn về chen chúc, vây quanh chiếu bài.
Bỗng có hai người lạ hoắc, không phải lính phục viên, cũng
không phải dân vùng quê tôi, len vào chơi, lúc đầu chỉ mười đồng, sau chơi nhiều
dần, thấy thắng nhiều, thua ít. Nếu cứ vậy thì bọn này bày ra trò cờ bạc làm gì
cho mất tiền? Tôi nghĩ vậy vì đâu có biết được đấy là đồng bọn, là trò cò mồi,
để lừa đảo cờ bạc, mới xuất hiện ở quê tôi từ sau ngày giải phóng.
Một người lính, chắc là phục viên đợt này, một tay giữ khư
khư cái đài treo trước bụng, một tay nhào xuống, chỉ một con bài úp dưới cái
đĩa, bảo: “Tui thích con ka cơ, lật coi!”. Thằng “mắt toàn lòng trắng” hỏi:
“Anh đánh bao nhiêu, xuống tiền đi!”. Người lính không nói, móc ra đếm hai mươi
đồng, đặt vào đĩa. Bọn chúng cũng đặt vào đĩa hai mươi đồng. Tên “mắt
toàn lòng trắng” lật ngửa con bài lên, đúng là con ka cơ. Mọi người lại ồ lên.
Dân tình xúm lại, trầm trồ mỗi lúc một ồn ào. Người lính mỗi lúc một phẫn
khích. Lại chơi. Lại trúng. Những con bạc xung quanh cũng xông vào, thả xuống
đĩa và phần nhiều họ thắng. Người lính phục viên hăng máu, đánh lớn dần. Cái
túi áo bộ đội bạc màu của cậu ta căng ních. Một tên trong đồng bọn bỗng đứng dậy,
nói: “Thôi cái chú ni đang hên, không được chơi nữa”. Lập tức người lính không
chịu, gào lên: “Hèn… Cờ bạc không được ăn non”. Bọn kia hỏi: “Có dám chơi 200 đồng
hông?”. Người lính gật, móc đến gần nhẵn tiền trong túi mới đủ. Con bài lại lật
lên. Nhưng lần này người lính bị thua. Cay cứ, bần thần giây lát, anh ta đặt
cái đài National panasonic hai băng, hai pin đại, là loại đài lính mình rất
thích thời đó, gào lên:
– Tao đặt cái đài… Ba trăm đồng đấy!
Một tên cầm xem, bỉu môi chê:
– Trời… cái đài ni chỉ hai trăm thôi.
Người lính giật cái đài lại:
– Ba trăm tao mua ở chợ Tam Hiệp, lừa chúng mầy làm chi.
– Thôi được … Ba trăm thì ba trăm.
Rồi mặc cho mọi người can ngăn, người lính như con thiêu
thân, oằm cả người lên chiếu, căng mắt nhìn tên “mắt toàn lòng trắng” tráo ba
con bài xoay quanh như mọi lần. Mọi người nén thở, nhìn người lính run run tay
cầm bát úp vào một con bài, tiếng lạc đi: “Ka nhép!”.
Tên “mắt toàn lòng trắng” mở bát úp, cũng là lúc người lính
rú lên, không phải phát điên vì thắng bạc mà tiếng rú của tuyệt vọng. Anh ta
đang như chết đứng thì tên “mắt toàn lòng trắng” vơ vội cái đài bán dẫn, nhảy
ra khỏi xới bạc, lao rất nhanh ra cổng bến xe và mất hút. Người lính thua bạc định
nhào theo nhưng có mấy tên của đồng bọn chặn lại, miệng bảo: “Đừng theo… Hắn có
súng!”. Sau đó, chỉ trong chớp mắt, xới bạc tan luôn. Người lính tức tưởi, đau
đớn trở về với chiếc ba lô sờn của mình vì trắng tay trong cơn bạc khác nước.
Ôi… Đồng đội của tôi. Người lính thắng trận sao lại khờ khạo quá. Đúng là, giận
thì giận mà thương lại càng thương…
5- Vàng ơi…
Hôm sau, từ tinh mơ, tôi đã yên vị trên chiếc xe ca cũ kỹ, nhọc
nhằn chở tiếp chặng cuối cùng của đời lính để về với gia đình. Xe càng gần đến
nhà, tôi càng bồi hồi. Tôi may mắn hơn nhiều lính khác, vì đây không phải là lần
đầu tiên tôi trở về từ chiến trường. Hai năm trước, 1974, tôi có dịp ghé về
thăm quê trong đợt đi tập huấn toàn quân ở Hà Nội. Cũng chính lần ấy, tôi mới
hiểu được nỗi lòng cha mẹ, các em mình ở nhà vật vã trong nỗi lo lắng, chờ mong
tin tôi như thế nào. Và cũng chính lần đó, tôi mới biết là Nguyễn Thiết – người
bạn thân học với nhau suốt thời phổ thông và cùng rủ nhau xung phong nhập ngũ,
đã hy sinh đầu chiến dịch năm 1972 ở Đắc Tô Tân Cảnh. Bà Thìn, mẹ Nguyễn Thiết
rất thân với gia đình tôi, một hôm mơ thấy Nguyễn Thiết hy sinh, đến kể với cha
tôi. Đúng khi đó, nhà tôi lại nghe một người lính là thương binh ở xã bên cạnh
kể là tôi cũng đã hy sinh, chính anh ta chôn tôi ở Quảng Trị.
Thế là từ hôm đó, bà Thìn và cha tôi, chiều nào cũng vậy, khi
nghe tiếng xe ca, chuyến xe khách duy nhất trong ngày từ Vinh lên, có chở thư
báo, xem có giấy bào tử không? Mãi cũng không thấy, nghĩ là dưới ty Thương binh
giữ lại để khỏi ảnh hưởng tư tưởng cho công tác tuyển quân. Rồi cha tôi và bà
Thìn cùng nhau xuống ty Thương Binh, lúc đó sơ tán ở gần Vinh. Kết quả họ thấy
giấy giáy báo tử của Nguyễn Thiết, còn của tôi không tìm được…
Không khí trong gia đình tôi buồn nẫu ruột, dù không có giấy
báo tử chính thức nhưng cha tôi khóc suốt, nhất là đêm, cái gối bị bục nát vì
nước mắt người cha. Mẹ tôi cứng rắn hơn, và chịu đựng giỏi nên giấu nước mắt
vào trong, để động viên cha tôi, các em tôi.
Sau thời gian tập huấn tôi được về thăm nhà ba ngày để trở lại
Thượng Đức, nơi đơn vị tôi đang ngày đêm quần nhau với địch. Không đợi được xe
ca, tôi hết bắt xe tải, đi bộ nên về đến nhà đã hơn mười giờ đêm. Tôi đứng lặng
trước cổng đan bằng tre quen thuộc… Một phút trấn tĩnh. Nhà vẫn còn ánh đèn dầu
le lói dưới bếp. Chắc là mẹ tôi vẫn như ngày xưa, lụi cụi một mình với trăm thứ
việc không tên. Có tiếng húng hắng của cha tôi… Bỗng có rên ư ử và một vật êm
êm cà vào chân tôi. Đó là con Vàng đang mừng rối rít, vừa hí hà khắp người tôi,
vừa ngáy tít cái đuôi dài như thuở nào. Tôi ôm nó, người bạn quý tôi nuôi từ thủa
học cấp hai, cũng đã già, là người đón tôi đầu tiên sau mấy năm cách biệt. Thôi
nào vàng ơi! Tôi vỗ vỗ vào cái lưng nó, mở cổng để vào. Đến lúc đó, con Vàng mới
rít rít mấy tiếng như báo cho mẹ và các em biết tôi đã về… Đầu tiên là Mẹ tôi,
lúc đó còn khỏe, rồi cha tôi, yếu hơn vì hay khóc và thương tôi… Ai cũng ngỡ
ngàng, cha tôi còn tưởng hồn tôi hiện về, sụt sùi: “Thanh ơi… Con sống khôn,
thác thiêng…”. Mẹ tôi ôm tôi, vừa quệt những giọt nước mắt, vừa bảo: “Cha mi đừng
nói gở… Hắn về thật rồi nầy…”.
Đêm đó hẳn là đêm hạnh phúc nhất của nhà tôi….
Còn lần này, tuy không biết chính xác nhưng tôi đã viết thư
báo trước, hẳn cha mẹ, các em tôi đang mong lắm… Rồi cả con Vàng, các em viết
thư bảo hồi này bị điếc, nghễnh ngãng lắm rồi… Liệu nó có phải là người đầu tiên
đón tôi như lần trước hay không… Vàng ơi…
8/10/2023
Thái Chí Thanh
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét