Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Đôi bờ - Truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường

Đôi bờ - Truyện ngắn
của Nguyễn Thế Tường

Sáng, lán khoa Ngoại vừa ăn điểm tâm xong, thương binh đang chuẩn bị ván bài “tiến lên” thì y tá Nhung thò đầu vào cửa, giọng trung tính:
– Sáng ni eng mổ.
– Đầu hay chân?
– Trôốc. Hì hì.
– Sao không báo từ tối qua?
– Báo để eng không ngủ được à. Tí nữa út tới đắc eng đi.
Ôi, Nhung! Xinh xắn, dễ thương đến cả giọng nói và ngôn từ tiếng địa phương. Cả lán nhìn Hưng nửa mừng nửa ái ngại. Mừng vì chấm dứt những ngày chờ đợi căng thẳng. Ái ngại vì cái chuyện “lên đĩa” bổ sọ không đơn giản, phần trăm sống sót cũng 50/50. Phim chụp còn lưu mảnh trong hộp sọ, thấu não hay không thì một hai tấm phim cũng chẳng nói được, chỉ thấy “vết chột trán trái” thì tay phải chân phải có hơi yếu đi nhưng cũng chưa đến nỗi “bán thân bất toại”. Hôm nay mổ, khắc biết. Hưng còn bị mấy vết thương nữa vào phần mềm ở chân đã kín miệng nhưng mảnh đạn chưa lấy ra. Anh thay quần áo lính, bộ quân phục thấm máu, thủng mấy lỗ đã được chị em y tá mạng lại, nhỡ có hy sinh trên bàn mổ cũng phải cho hoành tráng một chút. Nhung kêu:
– Ai cho eng mặc quân phục? Đổi lại quần áo viện đi!
Hưng cun cút nghe lời, cun cút đi theo Nhung cắt qua một nương ngô để đến phòng mổ. Lúc nãy, định nói vài ba câu từ biệt cho có vẻ lâm li bản lề như kiểu “Kinh Kha qua sông Dịch thủy”, nhưng nhìn chúng nó chúi mũi vào ván bài, nên thôi. Chỉ có lão “Thẩm áp xe” ngẩng lên nháy mắt với Hưng. Toàn những thằng mất dạy, coi chuyện sinh tử không bằng ván bài tiến lên. Nhung bắt đầu xoa bánh xà phòng 72% lên vùng tóc trước trán rồi cạo sạch cả lông tơ lẫn tóc, gượng nhẹ khi con dao lướt qua chỗ “vết chột”. Cô dùng cồn lau qua một lượt, lấy bông kỳ cọ cho thực sạch, lại xoa một lượt cồn 90 độ nữa. Dễ chịu quá. Hưng lim dim mắt những muốn nắm lấy bàn tay nhỏ ấy. Hai mươi mốt tuổi, hai năm đại học hai năm quân ngũ, một chiến dịch dài, chưa có cơ hội cầm nắm tay ai. Mà có cơ hội chăng cũng… nỏ dám. Hưng giật mình, hình như mình bắt đầu lai tiếng khu bốn. Ôi, mà Nhung đang làm gì thế này? Cô đang trói… Cuộn băng quấn nhiều vòng thít chặt hai chân Hưng vào bàn mổ. Hưng cười, trói làm gì? Tôi không cắn đâu! Lại nghĩ, trói cũng tốt, nhỡ trong cơn mê mình có vùng vẫy chăng?! Cứ phải đảm bảo cho chắc. Nhung mở một cuộn băng khác tiếp tục trói chặt hai tay. Thêm một cuộn băng nữa vòng nhiều lần qua cổ, níu xuống. Một nữ y tá cắm kim xiên xiên vào vùng trán. Thuốc nước chảy tràn mặt. Bác sĩ cầm dao mổ, hỏi:
– Xong chưa?
– Xong!
Hưng nhắm mắt để chìm vào cơn mê. Bất chợt Nhung túm chặt mái tóc anh ghì mạnh xuống. Tiếp đó là một cơn đau như xé thịt xiết ngang trán. Hưng thét:
– Khoan, tôi chưa mê! Chưa mê!
Không ai trả lời. Thêm một nhát rạch bỏng như có dùi lửa từ chân tóc kéo xuống. Hưng vùng mạnh bỗng cảm thấy tất cả các vòng dây đều xiết chặt. Hai bàn tay Nhung như hai gọng kìm thép ghì chặt mớ tóc dài của Hưng… Mẹ ơi, thảo nào tuần trước hộ lý cảnh báo không được cắt tóc. Bất giác Hưng hiểu ngay tình huống: Không hề có thuốc mê. Thứ chảy tràn trên mặt là Novocain đã không thể thấm vào da vào xương để giảm đau. Không ai động viên cậu lấy một tiếng. Im lặng đến tàn nhẫn. Chỉ có cơn đau khủng khiếp trên đầu là báo cho biết Hưng còn sống. Có tiếng của bác sĩ: – Khoan! Rồi có tiếng ro ro như ngày xưa ông thợ mộc khoan một cái lỗ trên tấm ván. Để cho đỡ đau thì chỉ có cách nhắm nghiền mắt và ưỡn người vùng vẫy trong tuyệt vọng. Khốn nạn nhất là không hiểu sao anh không ngất đi. Từng lúc từng lúc Hưng cảm nhận được toàn bộ sự hành hạ thể xác. Đau chết đi được. Mãi rồi cũng đến lúc người ta khâu lại. Kể cả cái đau qua từng mũi khâu cũng thật rõ rệt. Khốn kiếp! Nhung không hề báo trước để dự liệu. Cứ thế là lôi lên bàn mổ, tra tấn. Tấm gạc được đắp lên, vết mổ được băng lại, giọng bác sĩ:- “Đưa xuống hậu phẫu!”. Người ta đem băng ca đến. Hưng chồm dậy: – “Không cần!”, rồi chạy ra ngoài. May là không vấp ngã. Hưng hận Nhung, cô gái “Thạch Kim Thạch nhọn” (1) trong thơ.
Bốn mươi lăm năm sau!
Nhung ơi! Anh muốn tìm lại em chỉ hồn nhiên do ký ức réo gọi vậy thôi, không có ý gì đâu. Chiến tranh qua lâu rồi. Người lính nào đã hy sinh thì cũng không sống lại được. Người lính nào bị thương dẫu nặng dẫu nhẹ thì vết thương rồi cũng kín miệng. Chỉ có vết thương lòng đi cùng năm tháng thì mãi không bao giờ nguôi ngoai, lâu lâu thức dậy làm khổ trái tim những cựu chiến binh già như anh. Đúng là “Bạch đầu quân sĩ tại / Vãng vãng thuyết nguyên phong”(2). Vả chăng, anh cũng muốn biết được em có còn sống sót qua chiến tranh không, có được nên Bà nên Bác…
… Cái sự mổ sọ não không gây mê ấy chỉ được Nhung giải thích, rằng là, nếu gây mê thì thương binh chết lúc nào không biết. Quân y viện tuyến trước, phương tiện chuyên ngành thiếu, không cho phép theo dõi được sức khỏe thương binh trong quá trình phẫu thuật ngoài tiếng rên la, vùng vẫy. Nhưng, đến lần mổ thứ hai thì lại là chuyện khác. Bác sĩ khoan sọ không tìm được mảnh đạn đành khâu lại. Chỉ lạ là đến cả tuần vết thương vẫn không liền da. Nhung lại thò đầu vào lán:
– Sáng mai eng nạo dò.
– Nạo dò là nạo gì?
– Là cái vùng xương ấy bị mẻ, sần sùi nên thịt không bám vào được nên phải cạo cho nhẵn..
“- Trời đất, lại trói và không mê, tôi chả làm đâu! – Không nạo thì vết thương không lành, eng nờ. Ngoan đi rồi út mót khoai về luộc cho eng ăn. – Tôi có phải con nít đâu mà cô dụ dỗ. – Không, vì út biết eng thích ăn khoai lang luộc. Để út đi mượn cuốc đã”. Dọc đường ra bãi, câu chuyện vẫn nhẩn nha như thể không liên quan gì đến ca mổ một tuần trước và lần tra tấn tiếp vào sáng mai: “- Khi hôm trời mưa, mụt khoai mọc rồi. Ở nhà, hồi nhỏ, cứ chộ mưa là Mạ kêu út đi mót khoai của nông trường, được nhiều lắm. – Tức cười, mỗi lần luộc khoai chín còn bốc hơi, Mạ đặt lên giàn bầu nói là để bầu nhiều quả. – Mạ… – Sao câu chuyện toàn nhắc Mạ mà không thấy nói Ba? – Ba mất rồi, trên Trường Sơn. Biên thư về, Ba cứ nhắc Mạ cho út đi học trường Nghệ thuật. Út mới học được nửa năm thì xung phong đi ri đây….”
Cái nồi khoai lang luộc khiến cho thương binh khoa Ngoại rôm rả hẳn một buổi chiều. Ai cũng khen Hưng tán giỏi, được gái đẹp chiều chuộng, còn cái sự đau đớn bởi phải xử lý lại vết thương thì… đương nhiên chỉ một mình anh gắng chịu. Lần này thì Hưng đã biết Nhung nói dối: Quân y viện không hề có hay có nhưng tiết kiệm thuốc mê? Thực ra, chỉ là y tá nên Nhung cũng không thể biết cặn kẽ. Cô chỉ còn cách giải thích cho thương binh theo cách riêng của mình. Dù sao thì cả hai lần phẫu thuật cũng đều đã vượt qua, sống rồi.
Nhưng, chuyện chưa dừng lại ở đó. Lão Thẩm quê Hà Nội, bệnh binh Áp xe mông do một lần y tá tiểu đoàn tiêm ký ninh bất cẩn. Lão khá sành sõi trong đường tình ái đã kích ứng được thương binh trong lán xướng lên rằng, Nhung đã phải lòng Hưng. Rằng, chỉ có thằng ngu lâu mới không biết hái lấy một quả ngọt đã chín. Ban đầu Hưng cũng hơi hoang mang. Nhưng rồi trái tim chàng lính sinh viên Văn khoa cũng dần dần động cựa. Cái cảm giác lúc bàn tay mềm mại của Nhung xoa lên trán, cào nhẹ chân tóc. Ánh mắt lộ vẻ đau xót của cô trong khi hai tay túm chặt tóc Hưng ấn xuống thật lực. Cái hình ảnh đặt cuốc lên vai một cách thành thạo của cô gái quê, nhí nhảnh chân sáo, lâu lâu ngoảnh lại nhìn Hưng như khuyến khích trên đường ra đồng bãi. Khi nhát cuốc bật lên và một củ khoai hồng hồng lấm lem đất cát hiện ra. Trời ơi, trong trẻo biết chừng nào! Hình như hồi học cấp ba, Hưng cũng từng mơ có đứa em gái như thế. Đứa em gái để cậu bắt nạt, để thỉnh thoảng trộm tiền lẻ trong túi áo của nó sau mỗi buổi chợ. Mãi rồi Hưng cũng thấy người hơi ran ran, lòng nao nao. Và, khi vết nạo dò đã khô miệng, mỗi lần thay, miếng gạc dán trên chân tóc đã nhỏ hơn, chính Hưng đã hạ quyết tâm gặp Nhung để nói một điều gì đó. Điều gì, chính anh cũng chưa biết. Chiều nay chăng? Không, dù đã gần một tuần không xuất hiện ở lán khoa Ngoại nữa nhưng chắc Nhung cũng đang bận rộn với những thương bệnh binh khác, hãy để đến tối.
Đêm không trăng sao ở vùng chân thềm Trường Sơn càng tối mịt. Hưng dò dẫm từng bước về phía lán dành cho nhân viên phục vụ và nhà bếp. Đâu đó có những con đom đóm lập lòe. Một hai con chẫu chàng nhảy tủm xuống nước. Có cả tiếng cá ăn đêm dưới ruộng. Đây rồi, dường như cả dãy lán vắng người, chỉ một hai phòng có ánh đèn Hoa Kỳ hắt ra. Rồi bỗng, giữa đêm đen im ắng của núi đồi vang lên tiếng Phong cầm vọng ra từ một căn phòng. Vâng, tiếng đàn Ac coóc đê ông! Hưng sững người. Không ngờ, ở cái nơi khỉ ho cò gáy này, mới ngừng bắn được vài ba tháng mà đã có âm thanh của văn minh thế kia, chắc là một bác sĩ nào đó mới đi học Liên Xô về! Thốt nhiên cậu trở nên rón rén, bước chậm, tiếp cận căn phòng vách đất, lợp lá rừng. Từ ngoài nhìn vào, chỉ thấy dưới ánh đèn dầu mái tóc thiếu nữ buông xõa và đôi vai hơi cúi xuống dưới quai đeo của cây đàn. Ngọn đèn soi rõ một bản nhạc để trước mặt. Trời đã sang hè, ban đêm vẫn nóng, cô gái bất ngờ giơ ống tay áo quệt mồ hôi rồi bấm phím. Bản nhạc quen thuộc vang lên: “Đêm dài qua dưới mưa rơi em mong chờ anh tới. Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời…”. Ôi, bản nhạc “tủ” của sinh viên Hà Nội. Đêm tụ tập của sinh viên khóa 14 Ngữ văn đưa tiễn bạn cùng lớp lên đường nhập ngũ, Thúy Khanh đã hát bài này. Miệng nàng chúm chím mở ra rất giòn những âm tiết tiếng Nga. Mắt nàng ướt, lia qua năm sáu gương mặt những Tân binh nay mai và hình như có dừng lại chút đỉnh ở Hưng. Tiếng đàn vẫn dìu dặt, từng nốt nhạc vẫn vọng ra trong trẻo giữa đêm đen thanh vắng.
– “I xam ma i ve rin la xe rơ xu va vờ re ki. Mư xơ ta bôi đơ va be re ga u át nôi re ki…!”.
Tiếng đàn im bặt. Nhung giật mình la lên:
– Eng tới khi mô mà út nỏ biết?
– Mới đến thôi. Ngày mai còn “nạo dò” nữa không?
– Eng ni, cứ chọc út. Mà đó là út nhái tiếng chú Bác sĩ ngài Hà Nội đọ. Đúng ra là “nạo rò”. Người Bắc cứ nói rờ thành dờ. Mà eng học tiếng Nga à. Biết hát nựa. Eng dạy cho út với.
– Ủa, thì Nhung đang chơi bản nhạc “Đôi bờ” đấy thôi.
– Là út nói eng dạy út hát tiếng Nga. Mai mốt hết chiến tranh, út về lại trường, hát dọa mấy đứa bạn.
Nàng cười, tiếng cười giòn tan thánh thót như những mảnh thủy tinh lấp lánh rạch vào đêm đen. Ôi, nếu như không có chiến tranh, không còn chiến tranh, chắc ngày mai ngày kia thôi Hưng sẽ cùng Nhung đi mấy trăm cây số về trường Nghệ thuật của tỉnh, và, trong tiếng đàn Ac coóc đê ông, cậu sẽ hát nguyên vẹn ca khúc “Đờ va be re ga”, một tuyệt phẩm của nền âm nhạc Nga. Vâng, hát nguyên vẹn cả tiếng Việt lẫn nguyên bản tiếng Nga.
Nhưng, sự đời thật khó lường. Cũng có một cuộc đi của hai người dung dăng dung dẻ, nhưng không phải về trường Nghệ thuật mà là chỉ cuốc bộ hơn cây số sang khoa … Tâm thần.
Vẫn là anh chàng bệnh binh người Hà Nội, Thẩm áp xe. Hắn kiếm đâu được mấy lạng cà phê hạt bèn bày đặt rang xay. Cà phê thì, thực tình cánh thương binh gốc nông thôn trong lán cũng còn xa lạ. Với Hưng, cà phê là một thứ hành hạ tuổi trẻ. Những tháng ngày ở trường Đại học, suất cơm bếp tập thể sinh viên thật thảm hại. Lâu lâu có ly cà phê thì đó là dịp để chong mắt thâu đêm rì rầm nói chuyện phiếm và ngày mai lên giảng đường… gà gật. Nhưng sự đời, tuổi trẻ đôi khi làm những việc chỉ để tạo dáng. Thẩm phân công, hai tên đi mượn chảo của anh nuôi, nếu có thì xin ít mỡ gà tráng chảo. Hai tên vào xóm kiếm gạch bắc bếp. Hưng lãnh nhiệm vụ chẻ củi. Đang loay hoay chẻ bằng cây dao găm ngắn cũn của lính đặc công với que củi hơi to khiến cậu bực mình thì vang lên chát chúa tiếng bà hộ lý nổi tiếng khó tính. Cả bọn ngưng lại. Bà “la sát” tuổi sồn sồn lấy chân hất nghiêng mấy cục gạch, cầm chổi quét sạch những que củi của Hưng vừa chẻ nhỏ. Bực mình, cậu ném mạnh thanh củi rồi cũng tiện tay phóng cây dao cắm phập vào gốc cây hơi gần bà ta. Tưởng chỉ đơn giản thế, ai ngờ “bà La sát” tung tóe lên rồi mọi việc ra khỏi tầm kiểm soát, để ngay ngày hôm sau “chiến hữu” trong lán ngơ ngác tiễn Hưng sang khoa Tâm thần. Điều trớ trêu là, người “dẫn giải” thương binh đi bàn giao cũng chính là Nhung. Nỗi oan không đến mức ngút trời và lại kích hoạt trí tò mò của một tâm hồn lãng mạn nên cậu cũng không mấy buồn phiền khi chia tay các bạn thương binh trong lán. Ba lô quân trang đều nằm ở hậu cứ, hành lý mang theo chỉ gọn trong một tay nải nhỏ. Nhung, tay trái cầm bệnh án, tay phải ôm bọc quần áo để Hưng rảnh tay vung vẩy đùa với những cành cây chìa ra ven đường. Khung cảnh thanh bình hạnh phúc như một đôi tân hôn về thăm ngoại theo phong tục “lại mặt” sau ngày cưới. Quãng đường chỉ chừng cây số nhưng vòng vèo qua hai quả đồi thấp nên hai người cũng nói được khối chuyện:
– Nhung lãng mạn nhỉ, đi chiến trường mà còn “khiêng” được đàn theo.
– Lãng mạn chi. Ba cho út đọ. Ba út, trước cách mạng học ngoài Vinh có biết đàn sáo. Rồi Ba đi kháng chiến. Sau hòa bình Ba được đi bổ túc chi đó bên Liên Xô. Qua đó Ba mua cây đàn ni về cho con gái. Ba cứ bắt út vô trường Nghệ thuật. Ba hay hát bài “Đôi bờ”. Út nhớ Ba nên cố gắng tập. Lời ca hay hè, chúng ta như hai bờ của một con sông. Sông chảy mãi, rứa là không khi mô gặp nhau à? Mà, eng hứa rồi nghe, khi mô về lại khoa Ngoại thì tập cho út hát tiếng Nga với!
Vui miệng, Hưng kể lại chuyện cô giáo môn tiếng Nga đã dạy ca khúc “Đôi bờ” như thế nào. Hưng có giọng, phát âm chuẩn, hát được nhưng dịch thuật thì yếu vô cùng. Dịp trả bài thi trước ngày nhập ngũ, Hưng bị điểm kém, cô giáo nói tưng tửng, đợi sau chiến tranh về trả nợ cũng không muộn. Đó là còn sống trở về, nhược bằng chết thì… xù luôn. Nhung cũng kể rằng, Bác sĩ điều trị kết luận Hưng không bị tâm thần nhưng bà hộ lý quả quyết và khăng khăng cậu phóng dao găm giết bà, Bà này lại có chân trong cấp ủy mà Bác sĩ, không hiểu sao, lại mới chỉ là đối tượng Đảng.
– Sao Nhung không bênh tôi?
– Ai tin con y tá như út. Mà có khi… eng cũng hơi hơi tâm thần đó nghe.
– Này, thì tâm thần này…!
Hai người vui vẻ chạy đuổi nhau một quãng thì gặp cái mương nước. Bỗng, Hưng nhún người nhảy qua bờ mương hái một bông hoa trắng tinh khôi trở lại đặt lên ngang mũi Nhung.
– Ui, thơm, hoa trắng đẹp hè. Hoa chi ri anh?
– Nhung quê Hà Tĩnh mà không biết hoa này à? Tôi, khi đóng quân ở Lệ Thủy mới biết. Là hoa Zành zành, vị thuốc Nam đấy, hình như là chi tử. Tôi đã thấy bà con ở Lệ Thủy lấy quả chín đỏ làm màu để kho cá đồng.
– Zành zành, hay hè. Út cảm ơn eng. Sinh viên Văn các anh lãng mạn thiệt. Thôi, đi mau kẻo hết giờ làm việc buổi chiều.
Nhung nghiêng đầu để Hưng cài bông hoa lên cái kẹp tóc rồi rảo bước.
Đến được khoa Tâm thần thì mặt trời đã gác núi. Ở miền thượng du, hoàng hôn đến sớm. Đón thương binh ở khoa là một người đàn ông dong dỏng khá rắn rỏi, sau này Hưng nghe gọi là quân y sĩ. Lạ một nỗi, chẳng thấy có phòng làm việc, áo bờ lu trắng với y cụ gì cả. Anh ta đứng cạnh một căn phòng nhỏ có tấm cửa sắt mở sẵn. Nhung bàn giao bệnh án, mặt cúi cúi nói lý nhí gì đó Hưng nghe không rõ. Cô đi vào ánh hoàng hôn đỏ lựng đang sập xuống. Lúc này Hưng mới giật mình thấy chống chếnh và cô đơn. Cô ấy quay về thật sao. Từ nay, bên mình không còn Nhung, không còn Thẩm, không còn anh em trong lán khoa Ngoại… Hưng đứng như trời trồng nhìn theo cái dáng lủi thủi của Nhung sắp khuất vào quãng đường cong ven đồi. Bỗng, phía sau vang lên tiếng cười gằn của gã đàn ông cùng câu nói đầy vẻ khinh mạn, khiêu khích:
– Nhớ rồi hả, ông tướng?
Có một luồng điện xẹt qua như tia chớp, kích hoạt cơn giận dữ dồn lại từ những ngày qua, Hưng quay ngoắt lại nhằm thẳng mặt gã y sĩ phóng một quyền cực mạnh….
– Anh cứ vào chợ, tìm tới hàng quần áo. Em đã nhờ đứa bạn ở ngay thành phố Vinh hỏi rồi. Chị ấy là chủ sạp vải, quần áo hàng hiệu, buôn bán cũng được lắm.
Lời đoan chắc qua điện thoại của nữ Giám đốc Bảo tàng quân khu, chuyên gia hàng đầu trong việc tìm dấu tích liệt sĩ, khiến Hưng không còn nghi ngờ gì. Vinh, nóng 40 độ, không khó lắm cũng tìm tới được hàng quần áo hàng hiệu. Rất nhiều lời chào mời mua hàng nhưng hỏi bà Nhung thì ai cũng sẵn lòng chỉ cho. Nhung kia rồi. Hưng đứng lặng quan sát người phụ nữ đẫy đà đang giao dịch với khách cố tìm lại một nét quen thuộc đã chìm sâu vào ký ức gần nửa thế kỷ. Nhung đấy ư? Cô gái 19 tuổi tóc tết đuôi sam thò đầu vào lán, mắt như cười: – “Sáng ni eng mổ… tý nữa út tới đắc eng đi”. Nhung, vác dỏng dảnh cái cuốc trên vai, nhảy chân sáo, lâu lâu dừng lại chờ. Nhung, kêu lên lanh lảnh lật nhát cuốc bật lên củ khoai màu hồng hồng lấm lem đất cát. Nhung, nghiêng đầu cho Hưng cài bông hoa Zành zành lên kẹp tóc, Nhung, lủi thủi đi khuất sau chân đồi trong ánh hoàng hôn đỏ bầm như máu đang sầm xuống rất nhanh…
… Phải mấy ngày sau, Hưng mới hiểu vì sao gã y sĩ đứng nhận hồ sơ bệnh án và thương binh ngay cửa căn phòng mở sẵn…
… Nắm đấm phóng ra cực mạnh với tất cả sự giận dữ dồn nén từ hai lần lên bàn mổ và sự vu vạ của “mụ La sát” lắm lời. Hưng có hai năm kéo cần lái xe tăng, ăn uống đầy đủ và luyện tập thường xuyên. Cậu không hề nghi ngờ cái bản mặt kia sẽ vẹo đi. Nhanh không kém, gã y sĩ lắc đầu tránh được khiến nắm đấm của Hưng phóng mạnh vào bức tường gạch, đau tưởng gãy nát các ngón tay. Trong vài giây, gã y sĩ giỏi võ đã khống chế được Hưng, bẻ ngoặt tay đẩy mạnh vào căn phòng, đóng sập cửa lại. Nghe một tiếng ổ khóa bấm “cạch” và bước chân mạnh mẽ xa dần. Sau này Hưng mới nghe nói những y sĩ, y tá, hộ lý ở khoa Tâm thần đều được luyện võ hay tuyển từ các đơn vị đặc công sang để khống chế những thương binh có máu công thần điên điên dạng như Hưng. Sau một lúc lồng lộn trong phòng như một con báo đốm sập bẫy, Hưng bình tâm lại quan sát. Một chiếc giường sắt trải sẵn chiếu. Màn vải mắc trên tường. Đầu giường có gối và chăn gấp gọn. Góc phòng còn có một cái bô để tiểu tiện. Thôi rồi, Hưng đã bị nhốt. Trời tối hẳn, có ánh sáng đèn dầu gần đó hắt qua. Gã y sĩ xuất hiện đặt lên thành cửa sổ một tô cơm và một cái chai nhỏ đựng thuốc. Tô cơm chan sẵn canh có thịt nấu với bí đao. Chắc đây là suất cơm tối. Hưng chén, cũng đủ no và khá ngon. Cậu dốc cái chai nhỏ được hai viên thuốc màu trắng liền uống luôn. Từ xa, gã y sĩ quan sát thấy Hưng uống thuốc xong mới bỏ đi. Mười lăm phút sau, Hưng lăn ra ngủ, may mà kịp thả màn. Sáng hôm sau, vẫn gã y sĩ mặt lạnh như tiền đến mở cửa dẫn Hưng ra nhà xí, đẩy cậu vào rồi khóa trái lại, không một lời giải thích. Lúc sau, trở về phòng, ăn một tô cháo, uống hai viên Gác đi nan lại lăn ra ngủ. Ba ngày như thế thì Hưng được “ra ngoài”, người đờ đẫn hẳn đi
Đứng mãi một chỗ giữa chợ để nhìn một người đàn bà thì không phải bệnh nhân tâm thần cũng là kẻ vô duyên. Hưng chưa bao giờ là bệnh nhân tâm thần. Nhưng cái sự xa cách gần nửa thế kỷ, lại mất mấy năm tìm kiếm trên mạng xã hội để sắp được gặp lại “cố nhân”, nó khiến Hưng hồi hộp quá. Chỉ lát nữa thôi, người phụ nữ đứng tuổi bận rộn kia sẽ hóa thân lại thành y tá Nhung. Nhung, 19 tuổi, vén mớ tóc bết mồ hôi, những ngón tay mấy ngày trước mới túm chặt tóc Hưng ghì chặt, bây giờ mềm mại bấm hàng phím trên cây đàn Gió cho những âm thanh dìu dặt vang lên. Hưng bỗng thấy hơi khó thở. Tự dưng những ngày ở khoa Tâm thần hiện lên rõ mồn một như một trường đoạn phim tài liệu. Hưng được tự do đi lại trong khoa. Khác bên khoa Ngoại nhà phên đất lợp lá, ở đây nhà xây gạch chắc chắn. Các phòng đều có cửa sắt. Nhiều phòng khóa ngoài, bên trong có thương binh, đầu cạo trọc. Ngoài sân, một vài thương binh đi lại vật vờ, thỉnh thoảng mở miệng cười dài dại không thành tiếng. Có một cậu trông tương đối tỉnh táo hình như muốn làm quen. Hưng buột miệng nói câu đầu tiên sau bốn năm ngày im lặng:
– Đồng hương tên gì?
Người thương binh không trả lời mà lấy trong túi ra một mẩu bút chì và vỏ bao thuốc lá Tam Đảo, kê lên đầu gối viết một chữ rồi đưa cho Hưng. Thì ra cậu ấy bị câm. Hưng hỏi:
– Den hay Đen?
Cậu ta lại tô đậm cái gạch ngang thành chữ Đen.
– Đồng hương quê đâu?
Lại cắm cúi viết hai chữ: Hải Dương. Hỏi thêm vài câu nữa về huyện, xã thì Đen lắc đầu. Rồi đó, cậu ra hiệu cho Hưng đi theo mình ra một nơi văng vắng cách xa dãy nhà. Hưng hơi ngại nên không đi tiếp mà quay trở vào. Chiều hôm sau, vẫn là Đen chủ động rủ Hưng đi ra theo lối cũ. Cách chừng dăm chục mét, người ta xây những cái ô nhỏ liền nhau như ki ốt bán hàng ở chợ. Dãy ki ốt dựa lưng vào một lũy tre gai khá rậm. Đen dẫn Hưng vòng ra phía sau. Cậu chỉ lên một cái ô thông gió cách một tầm với. Tò mò, Hưng bấu tay vào co người lên, nhìn vào và chợt bàng hoàng. Trong lòng ki ốt rộng chừng hai mét vuông, có một người đàn ông trẻ tuổi trần truồng đang ngồi bó gối trên sàn xi măng, không tiều tụy lắm nhưng cái đầu trọc lốc. Gã ngồi nhìn đăm đăm vào bức tường. Từ tay Hưng, một hạt sạn rơi xuống. Người đàn ông ngẩng lên nhìn, ánh mắt dại dại. Đúng lúc ấy, cánh cửa sắt bật mở. Người y sĩ nhanh tay lấy cái tô trên sàn rồi thành thạo dội mạnh xô nước, rửa sạch sàn xi măng. Đặt vào một tô cơm canh, gã y sĩ khóa cửa lại rồi xách xô đi về phía giếng nước. Hưng thả tay rơi xuống. Đen nhìn với đôi mắt rất nhiều ý nghĩa rồi kéo Hưng di chuyển sang ki ốt khác. Trở lại phòng ăn, đã tới bữa cơm chiều, vừa nhai cơm chầm chậm Hưng tìm cách lý giải những điều nhìn thấy. Cũng không thể trách quân y viện được. Biết làm sao đây với những thương binh nặng đã hoàn toàn mất trí. Cuộc chiến vẫn đang hồi cam go, nhân tài vật lực của miền Bắc cũng cảm như gần cạn kiệt…. Nhưng, Hưng đã không còn bình tĩnh, không khéo ở đây lâu cũng thành ra tâm thần thật. Trong mấy tuần tiếp theo, cậu phải rất khó khăn mới tiếp cận chuyện trò và làm thân với gã y sĩ rồi ngỏ lời xin được trở về khoa Ngoại
Người phụ nữ lúc nãy chỉ quầy vải bà Nhung cho Hưng bỗng đi ngang qua, thấy ông vẫn đứng bần thần bèn hỏi với vẻ quan tâm:
– Răng eng, chưa gặp à? Mệ Nhung ơi, có Ôông mô hỏi Mệ nì.
Trời…! Cái giọng Nghệ khi cất cao lên sao cứ nghe như hát… ví dặm, như tiếng kêu lanh lảnh của Nhung khi xưa. Những khách hàng ở quầy vải đã dời đi và người phụ nữ tên Nhung đã ngẩng lên. Hưng cũng không còn lý do gì để chần chừ nữa. Ông tiến đến cố trấn tĩnh:
– Nhờ… ung, chị Nhung!
– Dạ, bác hỏi tui có chuyện chi à?
– Vâng, Nhung, à không, chị Nhung có nhớ tôi không?
– Dạ, bác là…ai?
Hưng bỗng luống cuống, cổ họng và cả khoang miệng khô khốc:
– Tôi là Hưng đây, Hưng thương binh khoa ngoại, quân y viện… Chị có nhớ … mùa hè năm bảy ba, hiệp định Pa ri mới ký kết… chị là y tá… Có phải chị có học ở trường Nghệ thuật tỉnh, học Ác coóc đê ông?
– Dạ … có…
– Chị kéo đàn… bài … Đôi bờ, nhạc Nga?
– Ùi, bác ơi, khôông phải mô. Cháu ngoại tui mới học nhạc… khi hôm mới đàn đúm ở nhà Ôông Mệ ngoại đó, là nhà tui ý. Tui sấp mặt với quầy vải ni mà không đủ thuế đây.
– Chị là chị Nhung?
– Dạ phải rồi, Nhung, là con tui tên Nhung. Tui tên Lài. Ở đây hay kêu theo tên con rứa đó.
Trời đất thiên địa ơi! Giám đốc Bảo tàng ơi là Giám đốc Bảo tàng! Chuyên gia tìm kiếm gì mà sơ suất đến thế, không hỏi cho kỹ lưỡng. Phen này thì Hưng bị điên thật rồi. Đáng thương thay cái lẩn thẩn của những cựu binh già! Cả cái cảm giác lúc này đây cũng gợi lại rõ ràng cơn choáng lúc trở về khoa Ngoại năm xưa… Ôm tập bệnh án, không khó để Hưng lần theo lối cũ. Đây rồi, cái mương nước. Chỉ hơn tháng mà những bông Zành zành đã nở hết và đang héo úa. Thêm một vòng qua chân đồi, Hưng chạy ào vào lán khoa Ngoại kêu tên lão Thẩm áp xe. Một vài thương binh đang nằm trên giường ngó ra, lạ hoắc. Chỉ còn một cậu quen cũ. Cậu chàng cho biết những thương binh nhẹ xuất viện về đơn vị rồi. Cả anh Thẩm cũng vậy. Hỏi Nhung, cậu ta bảo không thấy. Hưng chạy vội lên khoa thì biết Nhung đã được chuyển vào tuyến trong….
… Tìm lối trở ra cổng chợ, Ông Hưng đi như người mộng du, có lúc hình như không phải bước tới trước mà là… đi ngang. Ông cảm thấy có vài người đi ngược chiều nhìn chăm chăm vào ông rồi né ra một bên nhường lối. Và, hình như ông đã cười với họ… Ôi, nếu như người tài xế tắc xi không chạy vào tìm rồi dìu ông ra xe chở về khách sạn thì không biết sự thể sẽ thế nào. Cũng may, lúc nãy ông chưa trả tiền xe…
Đôi bờ! Sao ông không biết đôi bờ sông là hai đường song song không bao giờ gặp nhau. Thì ca từ chẳng phải cũng đã nói đó sao “Mư xờ ta bôi đơ va be re ga u át nôi re ki”. (Chúng ta mãi mãi là hai bờ của một dòng sông). Vậy mà cứ đi tìm như một lão già lẩm cẩm. Nên, cái sự năm xưa bị chuyển từ khoa Ngoại sang khoa Tâm thần cũng… nỏ oan tý nào.
Nhung ơi! Giờ này em ở đâu?.
Chú thích:
(1) Thạch Kim (Thạch nhọn) địa danh thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, trong thơ Phạm Tiến Duật.
(2) “Bạch đầu quân sĩ tại…”: Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên phong.
29/9/2023
Nguyễn Thế Tường
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...