Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Di ảnh người lính Gạc Ma

Di ảnh người lính Gạc Ma

Sài Gòn sáng sớm, luồng khí vẫn còn trong trẻo, thanh khiết, thong dong chưa kịp bắt nhịp sống tất bật của ngày mới.
Nằm gọn trong con hẻm trên cung đường tại trung tâm thành phố, khu phố của giới họa sĩ tồn tại rất nhiều phòng tranh, cửa hàng bán tranh. Những cửa hàng tranh ở đây được bày trí theo kiểu nhiều đẳng cấp. Bên ngoài Sài Gòn náo nhiệt là thế, nhưng nơi đây lại yên tĩnh đến lạ kỳ. Chị mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn về biển đảo và lính biển. Đợt triển lãm này, chị đã bán khá nhiều tác phẩm, nhưng một bức tranh chị không bao giờ bán, đó là hình ảnh người lính biển, đó là bức tranh có ghi dòng chữ: tranh không bán, chỉ trưng bày!
Khoảnh khắc nắng ấm, nhè nhẹ lan tỏa khắp không gian Sài Gòn. Dòng người vào xem tranh, nhộn nhịp, nhiệt tình:
– Cô đã khai thác một đề thật thú vị, biển, đảo và lính biển.
Chị mỉm cười hạnh phúc, nhưng nụ cười lại phảng phất buồn. Chị ân cần đón nhận những lời khen chê của khách đến phòng tranh. Khuất góc phòng, người đàn ông lớn tuổi, làn da cháy nắng sậm đen, đứng quan sát, chăm chú ngắm nhìn chị khá lâu. Ông bước đến cạnh bức tranh chân dung, bức tranh in dòng chữ “tranh không bán chỉ trưng bày”. Ông lặng người, đứng bất động. Chị bùi ngùi:
– Chú thích bức tranh này?
Người đàn ông vẫn nét mặt trầm ngâm.
– Những bức tranh này có một điểm chung, đều tĩnh lặng. Bức tranh phong cảnh biển kia, rồi đến bức tranh chân dung người lính này, đều đầy ắp tĩnh lặng. Cô là một họa sĩ tài năng và thú vị.
– Cháu cám ơn chú!
– Bức tranh phong cảnh biển, cô vẽ biển đang cảnh nổi gió dậy sóng, nhưng tôi không thấy một tiếng động nào.
Mắt chị sáng lên, chứa chan. Chị nhìn ông cúi đầu biết ơn những lời nhận xét chí tình chí nghĩa. Bởi, đời cầm cọ của chị, chị chưa được khách hàng quan tâm, nhận xét nhiệt tình như ông dành cho chị.
– Còn bức tranh này, cô vẽ chân dung người lính biển lẽ ra phải hiên ngang nhưng ở đây thế đứng của anh này rất thầm lặng. Tôi phục cô, bởi sự tĩnh lặng.
– Ý tưởng của cháu đơn giản lắm, cháu muốn hòa bình trên biển chú à!
Chị dứt lời, người đàn ông ngẩng đầu nhìn chị nhưng muốn nói điều gì, lại lặng im. Chị nhìn ông khó hiểu:
– Chú thích bức tranh chân dung này lắm?
– Tôi thích bức tranh này. Tôi không quá lời đâu, tôi chưa gặp họa sĩ trẻ nào như cô cả. Tôi không ngờ giữa tôi và cô có cùng một ý ưởng, một đồng điệu đến vậy. Những bức tranh của cô, tôi đều nhìn thấy mình trong đó.
Chị mĩm cười như đáp lại lời của ông. Chị theo nghề đã hơn 10 năm, nhưng đối với đồng nghiệp, chị vẫn còn là họa sĩ trẻ có triển vọng trong tương lai. Vì vậy, cuộc sống của chị gặp rất nhiều khó khăn, thiếu trước hụt sau. Nghề không ổn định, thu nhập bấp bênh, chồng chị cũng khổ theo chị vì cái nghề cầm cọ của vợ. Anh nhiều lần khuyên vợ gác cọ, tìm ngân hàng nào đó xin việc. Dù không phải là tiền của mình, nhưng làm việc, sống trong cảnh ngập tràn hương vị đồng tiền vẫn thấy yêu đời, an tâm sống hơn. Chị đáp lại lời chồng với sự lặng lẽ vẽ những bức tranh về biển. Chồng chị dần dần sinh chán vợ. Anh dị ứng với tranh. Anh kết tội chị điên rồ. Và rồi, anh quyết định chia tay chị. Chị vẫn vậy, yêu nghề và vẽ. Tôi càng quyết tâm bám nghề và vẽ mãi một chủ đề về biển đảo.
Thế là yêu nhau mười năm, cưới nhau một năm chia tay, chị không mấy đau khổ. Với chị, cuộc sống không có sự cảm thông, không có sự đồng cảm sẽ khó tồn tại. Vả lại, cầm cọ với chị là nghề đam mê từ bé. Biết con thích vẽ, yêu tranh, mẹ chị cho con đến học một người thầy là họa sĩ nổi tiếng nhất nhì thời đó ở thành phố này. Thầy chị một người khó tính, kém học trò, nhưng không hiểu sao ngay lần đầu gặp chị, ông lại kỳ vọng. Và ông cũng nói cho chị biết, nghề cầm cọ rất khắc nghiệt. Ông khuyên chị nên học để thỏa lòng yêu thích, chứ đừng chọn cây cọ tìm kế sinh nhai. Vậy mà, chị vẫn vẽ chân dung thuê cho giới showbiz. Nhiều nghệ sĩ chê chị vẽ, tranh không sắc nét bằng chụp ảnh. Chị vẫn ngậm ngùi vẽ thuê. Họ bảo chị vẽ họ được mỗi cái là sang. Chứ tuyệt tác ư! Chuyện này chắc mãi chỉ là giấc mơ đối với họ.
Cha chị hy sinh trên biển, chết vì bảo vệ biển. Yêu biển, chị càng yêu hơn từ ngày cha chị ở lại với biển. Từ đó, tác phẩm nào của chị cũng gắn với đề tài biển cả và người lính biển. Nhiều lúc mỗi mình, chị lều lĩnh mang tất cả đồ nghề nhảy lên tàu hỏa tiến thẳng ra vùng biển. Mà phải là mùa biển động, chị mới thích thú cầm cọ. Ở biển, chị say sưa vẽ quên cả ngày tháng. Có lẽ nhờ biển, tác phẩm của chị được nâng lên một tầm giá trị nghệ thuật. Biển giúp cho chị dạt dào cảm xúc sáng tạo. Biển giúp chị yêu nghề họa  đầy truân chuyên. Những cảm xúc về biển cả, về những con sóng đã dung nhập vào những bức tranh, chúng trở nên sống động như thật, tạo cho chị một phong cách riêng, lối sáng tạo riêng.
Đêm hôm đó, trời đã khuya, phòng tranh lại xuất hiện vị khách hôm trước. Người đàn ông nhiệt tình với tranh của chị xuất hiện. Lần này, chị mới có dịp quan sát ông kỹ hơn. Ông là một người tàn tật. Những bước chân lêu xêu đến tội nghiệp, lại rất nhanh nhẹn. Gương mặt sạm nắng, lại chi chít những vết sẹo hằn sâu. Chị đã bắt gặp ở đôi mắt sâu thăm thẳm, lại chất chứa nỗi buồn dịu vợi. Với chị nếu không bán được tranh, tiếp ông, chỉ nghe được những lời cảm xúc từ ông về tranh chị, cũng rất vui.
– Chú đến xem tranh?
– Không! Tôi mua tranh.
– Mời chú!
Ông lại tiến đến đến bức tranh có ghi dòng chữ: Tranh không bán chỉ trưng bày. Ông đứng lặng người trước bức tranh, ngắm khác lâu.
– Tôi muốn mua bức tranh này.
Chị ngạc nhiên:
– Bức tranh này, cháu đã từng nói với chú là không bán.
Nét mặt người đàn ông nhạt nhòa vì thất vọng.
– Cô vẽ tranh làm gì mà không bán cho tôi?
– Mỗi bức tranh này cháu không bán.
Ông vẫn đứng ngắm nhìn bức tranh, nét mặt mỗi lúc càng đượm buồn. Không gian phòng tranh trở nên vắng hẳn càng về khuya, chị ái ngại.
– Cháu sẽ vẽ một bức tranh khác cho chú. Còn bức tranh này, cháu sẽ không bán đâu, cháu sẽ vẽ tặng chú.
– Cám ơn cô! Tôi chỉ muốn mua bức tranh này, giá bao nhiêu tôi cũng mua.
– Chú mua với giá nào, cháu cũng không bán. Vì chân dung trong bức tranh này là cha cháu.
Người đàn ông thất thần. Ông đứng bất động nhìn chị. Không gian căn phòng chật hẹp vô tình trở nên ngột ngạt và căng thẳng. Chị ngập ngừng:
– Cha cháu là lính Gạc Ma! Bức ảnh này là linh hồn của cha cháu…
– Sao? Lính Gạc Ma à!
Dứt lời, ông như ngã gục bên chị cạnh. Chị nhanh tay dìu ông ngồi xuống ghế, lo lắng:
– Chú làm sao vậy?
– Chú cũng là lính Gạc Ma!
Ông lòm còm đứng lên, bước vội đến bức tranh. Dựa đầu vào bức tranh, ông mếu máo:
– Đồng đội của tôi đây mà! Đồng đội của tôi! Đôi mắt này tôi không thể quên được!
Ông nhìn chị với ánh mắt chứa chan…
May mắn sống sót và trở về an toàn trong trận chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma năm 1988, ông vẫn còn nhớ như in trận đánh ngày 14/3 năm đó. Đồng đội của ông, sáu mươi bốn chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh. Ông nhận lệnh lên tàu đoàn quân tăng cường cho Trường Sa làm nhiệm vụ cắm cột mốc trên đảo đảo Đá Lớn, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Đảo chìm Gạc Ma là những bãi san hô nổi lên giữa biển. Ông nhớ rất rõ những ngày tháng tuổi trẻ của mình trên những hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
Chính bức chân dung này, ông đã sống lại ngày tháng năm ấy.
– Chú ơi! Chú là lính Gạc Ma, vậy chú có biết ông Nguyễn Văn? Cha cháu là binh chủng hải quân theo truyền thống của gia đình. Cha cháu được đào tạo chuyên ngành cơ điện tại Cát Lái. Sau 9 tháng quân trường, cha cháu được đưa về làm thợ máy thuộc Lữ đoàn vận tải 125 đóng ở Tân Cảng thuộc thành phố này. Thời điểm ấy, tại quần đảo Trường Sa có nhu cầu xây dựng cơ bản để tạo nơi ăn chốn ở ổn định cho lính giữ đảo. Cha cháu nhận nhiệm vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, yếu phẩm cung ứng cho lính đảo Gạc Ma.
Ông ôm bức tranh đặt lên ngực, khóc. Chị đứng nhìn ông trông đợi, nghèn nghẹn.
– Cha cháu hy sinh khi cháu còn nằm trong bụng mẹ… Bức tranh này, cháu chỉ vẽ theo di ảnh…
Ông lầm bầm:
– Di ảnh người lính Gạc Ma…
Ông ngậm ngừng:
– Khoảng hơn sáu giờ sáng ngày hôm ấy, trong lúc chú và cha cháu đang đứng trước biển nhìn về phía chân trời, nhớ nhà. Tàu địch tiến sát theo đội hình áp đảo, yêu cầu tàu của ta rời đảo và tuyên bố đây là đảo của chúng.
Gương mặt người lính Gạc Ma mỗi một tái nhợt, vì xúc động, vì đau đớn.
– Anh em hải quân vẫn tiếp tục đổ bộ xuống đảo Gạc Ma để cắm mốc chủ quyền. Sau một hồi giằng cờ và uy hiếp tinh thần, tên sĩ quan chỉ huy phía địch chĩa thẳng súng vào bụng cha cháu.
Ông cúi đầu, ôm mặt khóc.
– Cha cháu ngã xuống biển, tay vẫn cầm lá cờ Tổ quốc.
Chị thảng thốt:
– Trời ơi! Đau đớn quá. Cháu vẫn chưa tìm được hài cốt của cha?
Giọng người lính Gạc Ma nghẹn lại, tiếng nất run rẩy không thành lời:
– Chú lênh đênh trên biển, chú thấy đồng đội chú còn sống rất nhiều. Thế nhưng cứ thấy đồng đội chú ngoi đầu lên, chúng bắn gục ngay trên biển.
– May quá! Chú còn đây…
– Nghe tiếng nổ đến gần, chú nín thở lặn sâu xuống biển, nhờ đó không bị bắn như cha cháu.
Xen giữa những câu chuyện đau thương của mấy mươi năm trước là những tiếng nấc nghẹn ngào của người ở lại. Những giọt nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt chị, nữ họa sẽ trẻ đam mê vẽ chân dung biển, lính biển. Những giọt nước mắt hôm nay, quyện với những giọt nước mắt của những người lính năm xưa. Ông khóc là vì không tìm được xác đồng đội đã hy sinh. Chị khóc vì thương cha nằm lại chiến trường, xương máu cha cháu hòa thêm cho nước biển Đông mặn mòi. Những giọt nước mắt đã rơi, những câu chuyện hào hùng năm xưa đã được ôn lại. Những cảm xúc sẽ mang theo suốt cuộc đời còn lại của nữ họa sĩ trẻ. Chị hiểu ra một chân lý, dù dòng thời gian có thay đổi như nào thì lòng yêu nước vẫn sẽ không bao giờ phai mờ qua các thế hệ. Cái chết của cha chị trên biển Đông. Số phận đồng đội của cha chị qua lời kể người lính sống sót trở về như một thời khắc như được châm lửa, bùng cháy mãnh liệt trong các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật của chị.
Chị cẩn thận trao bức tranh chân dung cha mình cho đồng đội.
– Cháu tặng bác bức tranh này!
Ông lính Gạc Ma khệ nệ ôm bức tranh vào lòng.
– Đồng đội tôi, anh nằm chốn nào trên biển cả? Anh linh của anh hãy về với con gái, dù trong mơ, để cháu có nhiều hơn nữa những bức tranh chân dung về lính biển tuyệt tác.
Ông ôm bức tranh bước đi trong đêm tĩnh mịch. Thành phố đã chìm vào giấc ngủ. Chị lặng lẽ từng bước nhẹ nhàng theo chân ông. Thành phố luôn khoát lên mình vẻ trẻ trung, năng động trong nhịp sống thường ngày. Đêm nay, thành phố dường như lại nép mình cho những khoảng không rất riêng, tạo nên những sự khác biệt của người mất mát. Người lính lầm lũi bước đi trong khoảng không vô định, hoài niệm về nỗi mất mát đồng đội. Con gái đồng đội âm thầm bước theo, mang nặng nỗi đau mất cha. Chị cố hòa mình trong luồng không khí vắng vẻ, dòng xe qua lại. Chị tưởng chừng đêm nay Sài Gòn quên ngủ.
Ông dừng chân trước căn nhà cũ, tạm bợ trong con hẻm sâu hun hút. Chị bất ngờ. Chị không ngờ ông lại có đời sống cơ hàn thế này. Ẩn mình trong bóng tối, chị quan sát. Cánh cửa bật ra, căn nhà của ông trưng bày kín trên tường những bức tranh chân dung lính biển với duy nhất một màu khói bút chì. Ông đặt bức tranh chân dung cha chị ở một nơi dễ nhìn nhất trong căn nhà. Chị ngậm ngùi bước đến.
– Những bức tranh này là chú vẽ sao?
– Chú vẽ đó. Chú vẽ không như cháu, không giống như họa sĩ… Nhưng lại là ký ức của chú để tưởng nhớ về họ, đồng đội của chú.
– Chú vẽ được nhiều như vậy à?
– Chú đã vẽ được sáu mươi ba đồng đội đã hinh sinh ở Gạc Ma, chỉ mỗi mình cha cháu chú không sao vẽ được, cầm cọ lên là nước mắt làm nhòa bản vẽ.
Chị nghẹn ngào.
– Chú ơi! Cha cháu?
– Cháu tặng chú bức tranh chân dung này, xem như chú đã có đủ sáu mươi bốn đồng đội. Họ sẽ cùng sống với chú trong nhà này.
– Con cháu chú sống ở đâu?
– Chú không có gia đình con gái à!
Chị ngã vào lòng ông.
– Hãy gọi lại một lần nữa. Hãy gọi con là con gái.
Ông xoa đầu chị, mắt ngấn lệ, chứa chan:
– Con gái của cha…
16/9/2023
Huỳnh Mẫn Chi
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...