Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Giáo làng dạy sử

Giáo làng dạy sử

Giáo làng dạy học trường làng. Đô thị hóa làng lên phố, trường làng thành trường phố. Mà trường làng hay trường phố, về cơ bản Giáo làng thấy mình vẫn là… một ông giáo làng!
Đầu tiên, Giáo làng dạy môn ngữ văn. Sau trường thiếu giáo viên, Giáo làng được phân công chuyển sang dạy môn lịch sử. Từ ngữ văn qua lịch sử dễ không dễ, mà khó cũng không khó. Kiến thức chuyên sâu, chuyên môn vững vàng, nên dù văn hay sử Giáo làng linh động được hết. Nhưng khổ, đám “nhứt quỉ nhì ma”, cùng một ông thầy mà giờ văn thì học chăm ngoan ngoãn, đến giờ sử lại ngáp ngắn ngáp dài. Giờ học sử cứ ngồi chóng tó mơ màng. Mắt liu riu ngó… Giáo làng mà tâm hồn lại lang thang ngoài… hàng trà sữa!
Ngáp! – Hành vi hết sức bình thường. Là hiện tượng sinh lý hết sức tự nhiên. Nhưng tình trạng lũ học trò cứ giờ học sử ngáp ngủ triền miên khiến Giáo làng cũng nhiều đêm mất ngủ. “Không chỉ là mất căn bản mà mất cả nền tảng, hỏng kiến thức cả một thế hệ, hệ lụy không lường chứ chẳng chơi! Cần phải có biện pháp, giải pháp ngăn chặn kịp thời cái sự ngáp ngủ có tính chất lây lan trong phạm vi rộng của đám “nhì ma nhất quỉ” này mới được” – Nhiều đêm nằm tréo chân trên ván, gác tay lên trán, Giáo làng cứ trăn đi trở lại những suy nghĩ…
Hễ đến tiết sử là đám học trò lại giở trò. Có mấy câu điệp khúc cứ kêu la rên rỉ: “Em bù ngủ quá thầy ơi…!”. “Dạ thưa thầy cho em đi… toi lét!”. “Dạ thưa thầy…!”. Đến có những đêm thức giấc mơ màng, Giáo làng còn nghe: “Dạ thưa thầy em mắc…toi lét”!
Chuông reo hết tiết, Giáo làng ôm cặp lang thang hành lang đếm từng bước… thời gian, rồi tự vấn: “Phải làm sao? Phải làm cách nào cho đám học trò chịu ngồi yên học môn lịch sử?”. Đồng nghiệp Toán chia sẻ nổi niềm với Giáo làng bằng ánh nhìn đồng cảm: “Thời buổi này, bản lĩnh cỡ thầy Nhơn mới đảm đương nổi bộ môn lịch sử”. Đồng nghiệp Hóa vỗ vai Giáo làng, động viên: “Tất cả vì đàn em thân yêu. Cố lên thầy!”. Đồng nghiệp Lý tha thiết, nhẹ nhàng: “Chỉ người có tình yêu quê hương đất nước bao la như thầy mới có thể truyền đạt kiến thức lịch sử cho thế hệ mai sau!”. Hiệu trưởng đặt trọn vẹn niềm tin vào Giáo làng: “Vì tương lai con em chúng ta! Tôi tin chắc, chỉ mỗi thầy mới khơi dậy niềm đam mê học môn lịch sử cho học sinh trường chúng ta!”.
Mấy học kỳ trôi vèo, xếp lên trán Giáo làng thêm vài nếp nhăn, do vắt óc vắt ác, nghĩ suy nát nước, mất ngủ triền miên, tuột bốn, năm ký lô mà Giáo làng vẫn chưa tìm ra được giải pháp khả thi để đối phó với cái sự ngủ gà ngủ gật trong giờ học lịch sử của lũ học trò. Chiều đó đi dạy về, buồn quá Giáo làng lang thang ra đầu làng – Mà làng dạo đó đã “lên đời” thành phố! Đầu óc Giáo làng lan man với một nùi những số liệu: ngày, tháng, năm, những trận mạc; những trận tiến công; những cuộc nổi dậy… – “Mình dạy mà còn muốn nhũn não thì nói gì học trò? Mà cái sự học của học trò thời nay đâu có nhẹ nhàng như cái thời mình học? Sáng trưa chiều tối, thứ bảy, chủ nhật. Từ chính khóa, phụ khóa, phụ đạo, bồi dưỡng, học thêm, rồi học năng khiếu. Cắm đầu cắm cổ chạy sô mà học. Học ngày học đêm. Học theo đúng tinh thần chủ nghĩa Mác – Lê nin! Học – Học nữa – Học mãi! Mà dạy theo kiểu mình đọc, nó chép. Cứ nhồi nhồi, nhét nhét. Đọc đọc, chép chép, thì cũng khác nào nước đổ lá khoai, nước trôi đầu vịt…”!
Giáo làng cứ miên man, miên man với những suy nghĩ… Bỗng giai điệu âm nhạc từ đâu nổi lên: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay… Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông…Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân…Thành Đồng ơi…!”. Âm nhạc làm Giáo làng nghe tinh thần phấn chấn hẳn lên! Giáo làng nhìn quanh quất. Phát hiện nhạc đang phát ra từ căn nhà phía sau hàng rào mai chiếu thủy xanh lá, mà Giáo làng đang đứng trước. Giáo làng khom người, đưa mắt nhìn qua những kẽ lá li ti, Giáo làng nhìn thấy một rừng cờ đỏ đang tung bay phấp pha phấp phới trên… màn hình ti vi bên trong căn nhà.
Tức thì, một suy nghĩ bỗng lóe lên trong đầu Giáo làng…
Sáng đó đến trường, ngoài cặp giáo án như mọi ngày, đồng nghiệp thấy Giáo làng vai còn nách thêm một ba lô nặng trịch. Vài đồng nghiệp nhìn Giáo làng bằng ánh nhìn ái ngại. Còn lại không để ý lắm. Như mọi ngày, hờ hững lướt qua Giáo làng.
Lên lớp, như thường lệ Giáo làng đảo mắt một lượt từ bàn đầu đến bàn cuối. Lũ học trò lớp 7, nửa lớn nửa nít, mỗi đứa, mỗi kiểu biểu cảm bắt đầu hành vi… ngáp! Đứa ý thức còn lịch sự đưa tay che miệng, ngáp! Đứa hồn nhiên hả họng, tỉnh bơ… ngáp! Giáo làng tỉnh tuồng làm mặt nghiêm, im im nhưng bụng phập phồng vì là ngày đầu tiên triển khai “phương pháp dạy học” mới! Một vài đứa không ngáp ngủ nhìn Giáo làng, rồi giơ tay… cà khịa:
– Dạ thưa thầy em sắp… bù ngủ!
– Dạ thưa thầy em mắc đi… vệ sinh!
– Dạ thưa thầy… Ủa, sao bữa nay thầy đi dạy mà vác ba lô giống như đi hành quân vậy thầy?
– Dạ thưa thầy…!
Giáo làng trong tâm thế giữ vững tinh thần, chậm rãi mở khóa kéo lôi từ chiếc ba lô cũ mèm ra nào Láp tóp, loa, dây điện nhùng nhằng. Loay hoay cắm nối, cắm phích, rồi Giáo làng… cắm cúi vô màn hình máy tính, cất tiếng:
– Các em cho thầy biết ai là tác giả bài hát “Giải phóng miền Nam”? Em nào trả lời đúng, lên trình bày bài hát, thầy cho mười điểm. Khỏi trả bài?
Từ cuối lớp, thằng Khải khò vừa thiu thiu chuẩn bị… ngủ, nghe ba chữ “khỏi trả bài” thì mừng húm! Cũng vì có tật ngủ gật mà còn gáy to, gáy khò khò nên chết luôn biệt danh: Khải khò. Trong vòng một nốt nhạc, Khải khò tỉnh ngủ! Gì chứ khoản hát hò, Khải khò rất khoái. Mà nhạc Đỏ thì một bụng:
– Dạ… em thầy! Em thầy… – Khải khò hăng hái giơ tay.
– Thầy mời bạn Khải!
– Dạ thưa thầy, tác giả bài hát “Giải phóng miền Nam” là cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Sau đây em xin phép lên trình bày bài hát ạ…!
Khải khò phóng thẳng lên bụt giảng, cất giọng hùng hồn: “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước… Thằng Bình bung đang gà gật chuẩn bị thả hồn bay bổng vào cơn mơ bỗng nghe… Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng… Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng… thì bừng tỉnh! Ngơ ngác ngó xung quanh. Vụ gì vậy ta? Bữa nay ông thầy sử bày trò mới gì vậy cà?
Nhưng không chỉ một mình Bình bung mà mấy chục cặp mắt tròn xoe vẽ hình dấu chấm hỏi, cùng hướng về phía bụt giảng. Ca sĩ Khải khò đang tư thế đứng nghiêm, giơ tay chào cờ, kết thúc dòng ca từ cuối cùng một cách bừng bừng khí thế: …Vận nước đã đến rồi… bình minh chiếu khắp nơi…Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời…
– Giỏi! Mười điểm! Thầy mời bạn Khải về chỗ ngồi. Bây giờ thầy mời các em nghe một sáng tác khác của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhé!
Giáo làng vừa dứt lời, cùng lúc giai điệu âm nhạc nổi lên từ hai chiếc loa hướng về phía dưới lớp học:“… Đây Bạch Đằng Giang… Sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng… Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…”. Lũ học trò đang còn ngơ ngác, chưa kịp hoàng hồn, lại tiếp tục ngơ ngác…
Giáo làng bắt đầu quan sát đám học trò từ đứa bàn đầu đến bàn cuối. Mặt đứa nào đứa nấy sáng trưng, không đứa nào lãng đãng mơ màng như mọi bữa. Âm nhạc có sức cuốn hút thật diệu kỳ! “Hú hồn! Mừng quá!”. Giáo làng nghe cảm giác lâng lâng. Giáo làng nghe trong lòng ngây ngất, ngây ngất…!
Tranh thủ đám học trò đang cơn hưng phấn cao trào, không bỏ lỡ thời cơ, vuột mất cơ hội, bài hát vừa dứt câu cuối cùng Giáo làng tắt nhạc, mở sách giáo khoa, vung thước, hô to:
– Hôm nay lớp chúng ta sẽ cùng nhau học bài: Chiến thắng Bạch Đằng!
Tiếng vỗ tay rần rần nổi lên:
– Hoan hô thầy…! Hoan hô thầy…!
– Hay quá thầy ui…!
– Hoan hô thầy…!
Giáo làng kềm nén cơn xúc động, nhẹ nhàng đi vào bài giảng. Lũ học trò nhốn nha nhốn nháo làm Giáo làng mém xíu nữa rớt nước mắt! Mấy chục cặp mắt tròn xoe, ngoan ngoãn ngồi nghe từng lời ông thầy sử mà như đang thưởng thức từng ngụm… trà sữa ngọt ngào. Mặt đứa nào đứa nấy nhìn tươi rói như đám bông ngoài đồng hé nụ hứng sương mai buổi sớm…
Tiết thử nghiệm áp dụng phương pháp lồng ghép âm nhạc vào bài giảng bước đầu coi như tạm thành công. Giáo làng ngộ ra, mỗi trận đánh, mỗi chiến công, đều có những ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác cổ vũ động viên tinh thần dân và quân gắn liền với mốc lịch sử trong từng giai đoạn. Vậy là ngày nghỉ, giờ nghỉ, Giáo làng tìm tòi, lục lọi you tube, nghe, chắt lọc, lựa chọn từng đoạn, từng câu hát, tìm các đoạn cờ lip, file ghi âm… sắp xếp một danh sách các bài hát phù hợp với từng bài giảng, áp dụng cho từng khối lớp…
– Em nào đọc cho thầy nghe câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự kiện Cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám…?
Tức thì một rừng cánh tay giơ lên, nhao nhao:
– Em thầy…
– Em thầy…
Giáo làng xúc động:
– Thầy mời bạn Bình!
– Dạ thưa thầy! Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự kiện Cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám, năm một ngàn chín bốn lăm, là: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”!
Giáo làng cao hứng tiếp luôn:
– Dù có nhọc nhằn, vất vả tới đâu, dù có thức ngày, thức đêm tìm phương án, nghĩ phương cách, thầy cũng nhất quyết truyền cảm hứng cho các em niềm đam với bộ môn lịch sử. Vì chỉ khi hiểu lịch sử, rõ cội nguồn. Yêu quê hương, đất nước, có lòng biết ơn tổ tiên, mai này lớn lên chúng ta mới có thể trở thành một người tử tế, có ích cho đất nước!
– Hoan hô thầy…!
– Hoan hô thầy…!
Bữa soạn “giáo án” bài Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Giáo làng lặn lội hết nhà mấy người quen, bạn bè tìm mượn cho bằng được một bộ quân phục. Đám “nhất quỉ nhì ma” vừa thấy Giáo làng xuất hiện với hình ảnh chú bộ đội vỗ tay rầm rầm. Tiết đầu, đám học trò tuổi ẩm ương lớp 9 bị Giáo làng “lôi kéo” vô bài học bằng giai điệu Hò kéo pháo của cố nhạc sĩ Hoàng Vân: “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo…Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi… Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi…”. Đến tiết cuối, kết thúc bài giảng, Giáo làng lồng ghép ca khúc của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận:“Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa này hoa nở miền… Ruộng đất chúng ta đã về vui mừng đón chúng ta tiến về Chiến sĩ Điện Biên. Thế giới đang đón mừng chiến dịch đại thắng lợi góp sức xây dựng hòa bình”.
Từ dạo áp dụng phương pháp dạy học mới, mỗi giờ lên lớp, vai Giáo làng lại nặng thêm bởi ba lô “đồ dùng dạy học”! Nhưng là nặng về nghĩa đen, vì lòng Giáo làng đã nghe nhẹ nhõm hẳn khi đám học trò, cả đứa làm biếng học nhất, cũng bắt đầu háo hức, trông đến giờ học môn lịch sử của Giáo làng.
Nhưng sự đời, được này lại mất kia. Kéo được đám học trò hứng thú học môn lịch sử, Giáo làng lại không được lòng đồng nghiệp. Đồng nghiệp Toán, Văn, thông cảm thì tế nhị, nhỏ nhẹ: “Hôm nào tui có tiết kế bên, thầy vặn vô lum nhỏ nhỏ dùm nghen, thầy!”. Đồng nghiệp Lý, Hóa, thì phản đối thẳng tưng: “Tui đề nghị thầy không được mở nhạc um sùm trong giờ học, ồn ào gây mất sự tập trung”.
Giáo Làng chạnh lòng! Biết vậy. Nhưng khó khăn vất vả lắm mới thay đổi được cái sự học môn lịch sử của học sinh, nên dù biết đồng nghiệp không hài lòng với phương pháp truyền đạt kiến thức kiểu tự biên tự diễn của mình Giáo làng cũng nín thinh ráng chịu. Mỗi giờ lên lớp sau đó Giáo làng ý thức chỉnh âm lượng vừa đủ không phiền các lớp bên cạnh.
Nhưng mấy chuyện phiền phức đó cũ mèm rồi! Đã hơn chục năm, giờ đồng nghiệp đã quá quen với kiểu dạy của Giáo làng, không thấy ai ca thán hay phàn nàn Giáo làng nữa. Cả cô Trầm Trầm, một đồng nghiệp từng có cái nhìn phiến diện, suy nghĩ cực đoan với bộ môn lịch sử bởi hàng đống số liệu ngày tháng năm sự kiện; trận mạc; số máy bay địch bị bắn rơi; số xe tăng bị bắn cháy; số quân địch bị tiêu diệt… Mà trận nào quân ta cũng tấn công, quân địch cũng bỏ chạy. Trận đánh nào bên ta cũng thắng, địch cũng thua… Đến khi tận mắt chứng kiến Giáo làng điều binh khiển được… đám “nhất quỉ nhì ma” háo hức chờ đợi đến giờ học môn lịch sử mới hết sức ngỡ ngàng! Từ ngỡ ngàng đến ngưỡng mộ! Đến “loan truyền” câu chuyện của ông thầy dạy sử trường làng ra đến tận Thủ đô…
Mấy chục năm với sự nghiệp trồng người. Từ một thầy giáo trẻ đến thành ông giáo già tóc lấm tấm sương mây sắp sửa tuổi hưu cuối cùng Giáo làng cũng được vinh danh! Niềm vinh dự là một thư mời tham dự lễ trao giải “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học tập và làm theo lời Bác”, mà Giáo làng là “nhân vật tấm gương sáng tạo”. Còn tác giả bài thi đoạt giải là cô Trầm Trầm.  Cuộc thi do một tờ báo Trung ương phối hợp Bộ G. tổ chức.
Lòng tràn ngập niềm hân hoan, Giáo làng mang “niềm vui” rảo bước lên phòng Ban giám hiệu. “Các thầy cô sẽ bất ngờ và vui lắm đây. Một trường tận vùng xa vùng sâu có giáo viên tài năng, đoạt giải cuộc thi lớn, đem vinh quang về cho trường, cho địa phương. Tự hào quá còn gì!”.
… Suốt đêm qua Giáo làng mất ngủ. 8 giờ sáng nay Lễ trao giải sẽ diễn ra. Ban tổ chức gửi thư mời tác giả và nhân vật tham dự nhưng bài thi đoạt giải, thứ hạng nào trong buổi lễ mới công bố! – “Dạ… thầy thông cảm! Quan điểm của Lãnh đạo Sở là cái vụ thi thố này do cá nhân tự đăng ký thi, vì thế Sở không thể cấp kinh phí, mà về phía Nhà trường cũng không thể giải quyết cho thầy và cô nghỉ phép…” – Giáo làng ngồi trước màn hình ti vi mà lòng nghe bổi hổi, bồi hồi…
Hôm đó Giáo làng sượng trân, người đơ ra như bức tượng! Tâm trạng đang từ rộn ràng, hân hoan chuyển sang bàng hoàng rồi… hụt hẫng! Là tại Giáo làng suy nghĩ giản đơn chứ sự đời đâu có đơn giản như Giáo làng nghĩ vậy chứ!? “Thôi, cô gọi điện báo Ban tổ chức ngoài đó là mình bận công việc không ra dự được, chứ mà nói không có tiền mua vé máy bay kỳ chết!”. “Hay để em mượn tiền mua vé máy bay… Ra đó lãnh giải về, coi thiếu đủ bao nhiêu, rồi lãnh lương em với thầy bù vô. Không đi được cũng buồn lắm thầy!”. “Thôi, cô! Mình ráng đi cũng được. Nhưng mà đi kiểu này thầy thấy cũng không vui vẻ gì!”. “Dạ, vậy thôi! Để em gọi điện trả lời Ban tổ chức để họ còn sắp xếp chương trình…”!
Hai tuần lễ thì đã là quá khứ, nhưng đã thành… lịch sử chưa? Giáo làng chỉ biết rằng, lịch sử từng là môn học “khó nhai, khó nhằn”! Mà bằng hết tấm lòng, tâm huyết, Giáo làng đã khơi dậy niềm đam mê, sự yêu thích môn học cho bao lứa học trò. Đó chính là phần thưởng lớn nhất với Giáo làng rồi! Vậy nên, giải thưởng hay tấm vé bay suy cho cùng chỉ là chuyện nhỏ! Rất nhỏ! Bận tâm chi mấy chuyện nhỏ nhặt cho thêm nặng lòng! – Giáo làng tự an ủi lòng mình vậy!
Buổi Lễ trao giải đang được lai trim trên website. Cả tuần lễ, Giáo làng và cô Trầm Trầm phải quay đi quay lại nhiều lần mới được đoạn cờ lip ưng ý để gửi ra Ban tổ chức. Đến phần công bố thứ hạng các tác phẩm đoạt giải. Màn hình đang phát đoạn cờ lip Giáo làng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, kinh nghiệm giảng dạy…
Đến phần Em xi công bố:
– Ban tổ chức chúng tôi xin được chúc mừng tác giả Trần Trầm Trầm, với tác phẩm: “Học sử qua những bài ca…”. Và thầy Lê Hữu Nhơn, nhân vật trong tác phẩm, đã đoạt giải nhất cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học tập và làm theo lời Bác”!
Điện thoại Giáo làng đổ chuông inh ỏi. Giọng cô Trầm Trầm hớn hở:
– Bài đoạt giải nhất thầy ơi… Em mừng quá! Biết vậy bữa mình mượn tiền mua vé máy bay, bay ra Thủ đô dự lễ trao giải, hen thầy…!
Giáo làng xúc động! Nghe cảm xúc trào dâng trong lòng… Công lao hơn 10 năm của Giáo làng cuối cùng cũng được xã hội ghi nhận. Nhưng ơ kìa…! Ngạc nhiên chưa? Trên màn hình ti vi bất ngờ xuất hiện… một người! Giáo làng ngỡ ngàng… Vị vét xì tông đĩnh đạc vừa bước lên sân khấu nhìn quen quá! Không hề là một sự nhầm lẫn… Giọng Em xi vang vang rõ ràng từng tiếng một:
– Xin được kính mời ông Nguyễn Văn Z, thứ trưởng bộ G. lên trao giải nhất cho ông D. cán bộ sở G., đại diện tác giả Trần Trầm Trầm và nhân vật Lê Hữu Nhơn, giáo viên trường Trung học cơ sở Sa Sa, thuộc thành phố Nhiều Bông, tỉnh Nhiều Đồng… Xin trân trọng kính mời!
Giáo làng vỡ òa! Vậy mà mấy nay Giáo làng cứ lo. Giáo làng lo… cánh đồng sẽ nở nhiều bông! Giáo làng cứ nghĩ, Sở thờ ơ, địa phương hững hờ, chứ Giáo làng có biết đâu lãnh đạo đã rất chu đáo sắp xếp cán bộ D. âm thầm làm chuyến bay ra Thủ đô, đại diện tác giả và nhân vật, lên nhận giải…
14/9/2023
Lê Ngọc Hạnh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...