Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Trên đỉnh Namsan ngắm mặt trời 000000000

Trên đỉnh Namsan ngắm mặt trời

Lời cảm ơn
lời nói đầu
Qua cuốn sách,
Con muốn gửi lời cảm ơn đến Mẹ – người đã sinh thành, nuôi nấng con khôn lớn; người đã luôn luôn cố gắng để con được bằng bạn bằng bè dù cho cuộc sống nhiều vất vả.
Mẹ là người mà mỗi lần nản chí, gặp khó khăn, thất bại, con luôn tìm về. Mỗi lần như vậy, mẹ luôn nói: “Không sao đâu con! Hỏng thì làm lại, sai thì sửa!”, “Con cứ làm điều gì con muốn và con cho là đúng!”, “Nếu thất bại thì lại về với mẹ!”
Mẹ! Tiếng gọi thân thương mà khi ở bên con không nhận ra. Chỉ đến khi bắt đầu cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người con mới thấm thía sự thiêng liêng và cao quý của hai chữ: Gia Đình.
Con yêu Mẹ!
Lời nói đầu
Tôi đã đặt chân đến Hàn Quốc vào tháng 9 năm 2013. Trời mùa thu trong xanh, gió se lạnh, mùa của lá phong đỏ thơ mộng như trong truyện Alice ở xứ sở thần tiên [1] Ngay từ khi nhận được kết quả của trường Kongju National University (Đại học Quốc gia Kongju), tôi đã bắt tay vào việc viết blog. Đây là nơi tôi chia sẻ những kinh nghiệm, thông tin đã góp nhặt được trong quá trình làm hồ sơ, sinh sống và học tập tại Hàn. Đây cũng là nơi tôi ghi lại những khoảnh khắc, cảm xúc khi bắt đầu cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người.
Với tôi, du học là một cuộc chiến với chính mình, một cuộc chiến giữa lý trí và con tim. Du học là trải nghiệm văn hóa, con người ở một xứ sở lạ. Du học là để khám phá nội lực của bản thân.
Có người đã từng nói với tôi rằng: “Muốn đi du học đôi lúc cần phải… điên!” Ngẫm lại tôi thấy mình quả thực đã có những lúc… điên rồ! Điên để giải phóng năng lượng, phá bỏ mọi giới hạn và được là chính mình. Bỗng thấy mình đã sống vì đam mê, dám hy sinh và thành công. Nhìn lại đúng là mình đã chẳng uổng công… điên.
Trên đỉnh Namsan ngắm mặt trời
Nếu ai đã từng đến Seoul chắc hẳn đều biết đến ngọn tháp Namsan tại 105, Namsangongwon-gil, Yongsan-gu, Seoul. Tháp Namsan là biểu tượng của sự lãng mạn và tình yêu vĩnh hằng. Thời điểm lý tưởng nhất để tham quan tháp Namsan chính là lúc hoàng hôn, khi ánh mặt trời vừa lặn, cả thành phố lên đèn sẽ dần trở nên rực rỡ đầy màu sắc và thu gọn trong tầm mắt của bạn.
Tình yêu của tôi đối với Hàn Quốc cũng đẹp, lãng mạn và vĩnh hằng như những ổ khóa tình yêu trên đỉnh tháp Namsan vậy.
Tôi mượn hình ảnh tháp Namsan và hình ảnh leo ngọn tháp ấy để nói về việc du học. Leo lên một ngọn tháp cao không phải là chuyện dễ dàng, có hạnh phúc, vui sướng, phấn khởi nhưng cũng có mệt mỏi nản chí. Leo bộ là một trong những cách giúp bạn rèn luyện để chiến thắng chính mình. Trải qua khó khăn, lên đến đỉnh tháp, bạn sẽ được nhìn thấy những điều tuyệt vời nhất. Đi du học cũng chính là một hành trình chinh phục những “đỉnh tháp” trong cuộc đời bạn.
Tôi viết cuốn sách này để dành tặng
Bản thân
Tôi muốn ghi lại một phần trong quãng tuổi trẻ của mình tại đất nước Hàn Quốc để khi về già, tôi có thể kể lại với con cháu mình rằng tôi đã sống và theo đuổi đam mê của mình như thế nào.
Trước khi giấc mơ du học thành hiện thực, tôi luôn tưởng tượng và vẽ ra trong đầu những dự định khi đặt chân lên đất nước Hàn Quốc xinh đẹp. Có những lúc khó khăn, tôi tự nhủ rằng có lẽ du học là viển vông. Lúc đó tôi nghĩ nếu không được đi du học thì tôi vẫn hạnh phúc vì ít ra tôi cũng đã có một “thứ gì đó” để yêu thương và theo đuổi. Và tôi đã làm được!
Gia đình và bạn bè
Họ là những người yêu quý tôi và tôi cũng yêu quý họ. Họ đang ở xa tôi, họ luôn muốn biết tôi đã và đang sống ra sao. Họ là những người quan trọng đối với tôi, chia sẻ cùng tôi niềm vui, nỗi buồn để tôi có thể vững tâm vượt qua khó khăn trong
cuộc sống.
Tôi muốn ghi lại con đường mình đã đi thay cho lời cảm ơn các anh chị đi trước, nhờ có họ tôi mới có động lực và ánh sáng trên con đường muốn đi.
Những ai có ý định du học
Tôi muốn ghi lại những trải nghiệm của bản thân và sự “ngốc nghếch, ngô nghê” mà tôi đã mắc phải chỉ để giúp các bạn đi sau có thể tránh những tình huống “gà tồ” khiến tiền mất tật mang như tôi.
Nếu có một ngày, ai đó trong các bạn cần giúp đỡ và nghĩ tôi có thể giúp đỡ bạn, hãy liên lạc và đừng chần chừ. Tôi luôn ở đây...
Chú thích:
[1] Tựa gốc tiếng Anh Alice’s Adventures in Wonderland, ra đời vào năm 1865, là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của tác giả người Anh Charles Lutwidge Dodgson với bút danh Lewis Carroll. Câu chuyện kể về cô bé Alice chui qua một hang thỏ rồi lạc vào thế giới thần tiên có những sinh vật kỳ lạ.
Tôi tò mò về Hàn Quốc
làm quen với hàn quốc
Đại Hàn dân quốc (Daehan Minguk), thường được gọi là Hàn Quốc. Hàn Quốc nằm ở Đông Á, trên bán đảo Triều Tiên, diện tích lãnh thổ là 100.210 kilômét vuông. Các quốc gia lân cận Hàn Quốc là Trung Quốc – đất nước vô cùng năng động và Nhật Bản – siêu cường quốc về kinh tế.
.
Thủ đô của Hàn Quốc là Seoul. Dân số của Hàn Quốc năm 2017 là 50.982.212 người, những nơi có mật độ dân số cao là Thủ đô Seoul và các thành phố lớn như Busan, Incheon, Daegu, Daejeon, Gwangju và Ulsan [2]
Hàn Quốc trong tôi ban đầu chỉ vẻn vẹn vài thông tin trên Google như vậy. Một điểm yếu của tôi lúc đó là sang Hàn nhưng tôi chỉ biết tiếng Anh, hồi đó, tôi may mắn được nhận học bổng bằng IELTS, chương trình của tôi theo học yêu cầu người ứng tuyển cần có tối thiểu IELTS 5.5.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đặt chân xuống sân bay quốc tế Incheon, một trong năm sân bay quốc tế lớn nhất thế giới. Lúc đó, tôi vừa ngỡ ngàng vừa tò mò. Sau chặng bay gần 5 tiếng không tài nào ngủ được, chân tay tôi mỏi nhừ nhưng ra khỏi máy bay thì mọi mệt mỏi đều tiêu tan. Sân bay Incheon to, rộng và đẹp vô cùng với nhà hàng, quán cà phê, tiệm bách hóa, quầy thông tin, cửa hàng điện thoại…
Cảm nhận đầu tiên của tôi về Hàn Quốc là: sạch. Không khí trong lành, không có rác vứt bừa bãi. Tôi tìm đến quầy thông tin trong khu vực sân bay để hỏi lộ trình và giờ giấc của xe buýt đi về Kongju. Bác nhân viên ở quầy vô cùng thân thiện, kiên nhẫn nghe tôi hỏi bằng tiếng Anh:
- Excuse me! What time is the bus to Kongju?
(Xin lỗi, bác cho con hỏi giờ của xe buýt đến Kongju?)
- No… English… No! No! Yes! Go there there… – Bác nhân viên không biết tiếng Anh cố gắng trả lời tôi.
Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng khi sang Hàn mà một chữ tiếng Hàn cũng không biết. Cuộc sống sau này của tôi phải làm thế nào đây? Lòng tôi đầy những tò mò, lo lắng nhưng tôi tự trấn an mình: “Thôi cứ kệ, mình cứ ‘enjoy’ đã”. Sau này tôi mới biết, rất ít người Hàn tầm trung niên có thể sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, người trẻ Hàn Quốc lại nói tiếng Anh rất siêu và khá tự tin sử dụng ngôn ngữ này khi giao tiếp với người nước ngoài.
Ngồi trên xe buýt đi từ sân bay về trường, tôi bắt đầu cảm thấy tò mò về Hàn Quốc, nơi tôi sẽ gắn bó, học tập và sinh sống trong những năm sắp tới. Tôi vẫn không thể chợp mắt trong suốt chặng đường nhưng lại không hề có cảm giác mệt mỏi mà chỉ thấy mình tràn đầy năng lượng. Tôi ngắm từng hàng cây, con phố, những tòa nhà chọc trời, những khu chung cư cao cấp… Đi ra khỏi vùng trung tâm một chút, bắt đầu xuất hiện các nhà máy sản xuất, tòa nhà văn phòng rồi đến những cánh đồng và núi cao trùng điệp. Có thể bạn hơi bất ngờ khi biết rằng 70% diện tích đất liền ở Hàn Quốc là đồi núi.
Tối hôm đó, tôi bắt đầu tìm đọc các bài viết về sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội... của Hàn Quốc. Tôi đọc được bài viết Cô bán hàng mỹ phẩm ở Seoul: Câu chuyện đáng suy ngẫm về đất nước và con người Hàn Quốc trên blog Tony buổi sáng. Trong đó có đoạn:
“Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại tinh xảo như bây giờ. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?”
Tôi thắc mắc: Điều gì làm nên một Hàn Quốc như ngày hôm nay? Từ một đất nước nghèo đói, từ những đống đổ nát tàn cuộc của chiến tranh Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế lớn, đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như: đóng tàu, xuất khẩu thép, các thiết bị điện tử, điện thoại di động, đồ điện gia dụng, công nghệ cao... Hàn Quốc là một nước có diện tích rất nhỏ, dân số cũng không quá đông nhưng đã đăng cai tổ chức khá nhiều sự kiện lớn như: Thế vận hội Mùa hè 1988, World Cup 2002, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2010 và Thế vận hội Mùa đông 2018.
...
Những câu hỏi khiến tôi chìm dần vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Đêm đầu tiên ở Hàn trôi qua bình yên và nhẹ nhàng như thế.
Tôi đã ở Hàn Quốc thật rồi!
Mẹ ơi, con đã tới Hàn thật rồi!
Chú thích:
[2] Nguồn số liệu: Ministry of the Interior and Safety (MOIS).
Thông tin chung về giáo dục Hàn Quốc
hàn quốc – nền giáo dục khắc nghiệt
Hàn Quốc là quốc gia rất chú trọng tới giáo dục và đào tạo. Với điều kiện tự nhiên ít khoáng sản, người Hàn Quốc luôn tâm niệm giáo dục – đào tạo chính là chìa khóa để hội nhập và phát triển. Theo cảm nhận của tôi, văn hóa giáo dục của Hàn Quốc được xây dựng trên cơ sở tình yêu thương và lòng tôn kính với ông bà cha mẹ, thầy cô. Phụ huynh Hàn Quốc luôn sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để đầu tư vào việc học của con. Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc là một trong những kỳ thi quan trọng và cam go nhất trong sự nghiệp học hành của mỗi người. Ngày diễn ra kỳ thi đại học, các chuyến bay đi qua khu vực thi thậm chí còn được tạm hoãn để giữ bầu không khí yên tĩnh nhất cho các sĩ tử.
Ngày đầu tiên đặt chân tới trường Đại học Quốc gia Kongju, tôi mệt nhoài sau một chặng bay dài và leo gần 100 bậc thang để về tới ký túc xá. Ôi sao trường lại rộng thế này! Điều tôi nhớ nhất lúc bấy giờ là làm sao để mình không bị lạc. Tôi tung tăng chụp ảnh cảnh quan của trường, tôi còn được gặp các em bé người Hàn mặc đồng phục xinh xắn. Tôi nhập học cùng các bạn đến từ Philippines, Malaysia, Myanmar, Mexico, Ethiopia, Ecuador, Kazakhstan và ba bạn người Việt. Sau đó, chúng tôi cùng về ký túc xá. Mỗi phòng ký túc có hai giường tầng (mỗi tầng là một giường đơn), bàn học, tủ quần áo… Tôi hồi hộp vô cùng vì đây là lần đầu tiên tôi sống xa nhà lại còn sống chung với các bạn ngoại quốc. Lần đầu tiên… Tôi đang mải vẩn vơ suy nghĩ thì Pia, cô bạn người Philippines hỏi tôi:
- So what’s your name? (Tên của bạn là gì?)
- Ah... Ah... Yes... – Tôi ấp úng.
Tôi nói tiếng Anh tuy không siêu nhưng thường cũng dư để biết giao tiếp cơ bản vậy mà bỗng dưng vốn tiếng Anh của tôi biến đâu mất. Thật ngại và xấu hổ! Sau này, khi tôi và Pia thân nhau rồi, Pia vẫn nhắc lại câu chuyện tên tôi là “Yes”.
Tôi nhớ như in lần thi học kỳ đại học đầu tiên ở Hàn Quốc. Tôi cố gắng lắm cũng chỉ thức đến 1 giờ sáng để ôn thi nhưng các bạn Hàn Quốc thì không. Tôi không thể tin được vào mắt mình khi thấy các bạn nam mặc quần hoa, dép lê loẹt quẹt đi trong thư viện, miệng ngậm bàn chải đánh răng, một tay cầm sách một tay cầm bút. Tôi hỏi một người bạn Hàn thì được biết là cứ đến thời điểm thi học kỳ, các bạn sinh viên thường mang đồ dùng cá nhân, đồ ăn, sách vở lên thư viện học thâu đêm rồi sáng đi thi luôn một thể.
Ở trường tôi học, đối với các lớp có nhiều sinh viên nước ngoài, nhà trường dùng hệ thống điểm tuyệt đối. Nếu 100% số sinh viên ở lớp học chăm chỉ, làm bài tốt thì cả lớp được A+ cũng không vấn đề gì hoặc cả lớp bị trượt môn cũng không ảnh hưởng đến ai, tùy năng lực của sinh viên. Tuy nhiên, trong một số lớp tôi theo học, họ chấm theo kiểu điểm tương đối. Ví dụ: Trong một lớp sẽ có 40% sinh viên được xếp loại A, 40% được xếp loại B còn lại là C và D chứ không phải cứ làm tốt thì sẽ được A. Do đó nếu bạn không thật sự xuất sắc, bạn sẽ không lọt được vào 40% đầu tiên nghĩa là dù bạn có điểm cao, thuyết trình tốt, đi học đầy đủ thì bạn vẫn bị xếp loại B. Hệ thống điểm này làm tôi cảm thấy muốn phát… điên vì nếu tôi chăm mà không giỏi tiếng bằng các bạn đến từ những nước nói tiếng Anh như Malaysia, Philippines thì cũng rất khó để tôi vượt qua họ. May là đến cuối kỳ điểm của tôi cũng không tệ lắm.
Tôi nhớ trong 2 năm học đầu tiên, tuần nào tôi cũng có bài kiểm tra đầu giờ. Điểm của cả lớp sẽ được dán chình ình ở cửa ra vào, sinh viên đi qua đi lại tha hồ so sánh. Mà điểm trắc nghiệm thì đúng – sai hơn nhau 1-2 câu cũng có thể khiến bạn đứng ở vị trí số một hoặc số năm của lớp. Sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt trong điểm số đem đến hai mặt lợi – hại rõ rệt. Các bạn sinh viên đều nỗ lực hơn, chăm chỉ hơn nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực, một số bạn còn từ chối giúp đỡ các bạn trong lớp vì sợ sẽ có người điểm cao hơn mình.
Một điểm thú vị khi tôi học ở Hàn đó là cứ đến kỳ thi thì ở thư viện và ký túc xá sẽ phát bánh và sữa để sinh viên tẩm bổ với khẩu hiệu “Nhà trường luôn đồng hành cùng các em, học tốt nhé!”, sinh viên sẽ xếp thành hàng dài cả cây số để được nhận đồ.
Mô hình giáo dục Hàn Quốc có cấu trúc 6-3-3-4 trong đó: tiểu học 6 năm (bắt buộc), trung học cơ sở 3 năm (bắt buộc), trung học phổ thông 3 năm và đại học 4 năm. Một năm học gồm hai học kỳ: học kỳ một từ tháng 3 đến tháng 8, học kỳ hai từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Đối với các trường đại học, kỳ nghỉ hè bắt đầu từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8, kỳ nghỉ đông bắt đầu từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 2. Nếu học sinh muốn vào đại học thì phải tham gia kỳ thi tuyển sinh. Học sinh sẽ được nhận vào trường đại học thông qua điểm cấp ba, điểm thi và tùy từng trường, từng khoa, học sinh phải thi viết hoặc phỏng vấn để được chọn vào học.
Năm 2016, số lượng sinh viên quốc tế đang theo học tại Hàn Quốc lên đến 104.000 người, trong đó có 63.000 du học sinh theo học các chương trình đại học và sau đại học chính quy.
Các cấp và thời gian theo học trình độ đại học và sau đại học theo quy định của Bộ Giáo dục Hàn Quốc:.
Chương trình đại học ở Hàn Quốc
Hồi mới sang Hàn, tôi rất ngạc nhiên với phong cách học tập ở đại học của các bạn sinh viên Hàn. Thông thường, thời gian học đại học sẽ kéo dài khoảng 4 năm. Tuy nhiên, các bạn cùng khoa tôi đều mất 6-7 năm để hoàn thành bậc đại học. Hàn Quốc là đất nước không có nhiều tài nguyên khoáng sản nên từ xưa đến nay, người Hàn Quốc luôn nhắc nhau rằng: Chỉ có đầu tư vào giáo dục và công nghệ mới có thể đưa đất nước Hàn Quốc đi lên một cách nhanh chóng và hùng mạnh.
Hệ thống giáo dục Hàn Quốc được thiết kế theo nguyên tắc đảm bảo bình đẳng về cơ hội học tập cho mọi người và đào tạo thế hệ trẻ thành một thế hệ có kỷ cương. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy vì việc cạnh tranh trong học tập tại Hàn quá khốc liệt, tỷ lệ chọi khi thi đại học quá cao khiến việc học trở nên nặng nề, học sinh phải học khá nặng từ sáng sớm đến tối mịt, gây ra nhiều hệ quả như stress, tỷ lệ tự tử cao, học sinh phải đi học thêm và ngoại khóa quá nhiều…
Đối với các sinh viên nam, thông thường họ sẽ nhập học kỳ đầu tiên sau đó bảo lưu kết quả để đi nghĩa vụ quân sự 2 năm rồi quay lại trường học tiếp.
Một số cô bạn học cùng khoa với tôi tuy không phải đi nghĩa vụ quân sự nhưng họ cũng mất hơn 4 năm để hoàn thành xong chương trình học. Mỗi người đều có một lý do, như Nareal, cô bạn nhanh nhẹn và hoạt bát, nói tiếng Anh khá trôi chảy, cô tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài trường, sau khi hoàn thành năm hai đại học, Nareal bảo lưu kết quả và tham gia chương trình working holiday3 tại Hà Lan. Cô dành hẳn 1 năm để đi du lịch, làm thêm và trải nghiệm đồng thời trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình. Về nước được 1 năm, Nareal lại tiếp tục sang Canada thực tập về mảng ngân hàng. Hiện tại cô đã trở thành nhân viên chính thức của Ngân hàng Nonghyup tại Hàn Quốc.
Khác với Nareal, Chiwon tận dụng điểm GPA và TOIEC khá cao của mình để đăng ký tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Tây Ban Nha trong một năm. Đa số các trường đại học ở Hàn Quốc đều có các chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học liên kết ở nước ngoài. Hằng năm, ở khoa tôi (pision of International Studies – Quốc tế học) cũng có khoảng 8-10 bạn sinh viên quốc tế đến học tập trong khoảng 4-6 tháng với mục đích trải nghiệm và trao đổi văn hóa. Trong khoảng thời gian tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Tây Ban Nha, Chiwon đã có cơ hội thực tập tại văn phòng UN ở New York, Mỹ [4]
Gueseul cũng là một cô bạn rất xinh xắn và cá tính. Cô tham gia chương trình working holiday 1 năm tại Thụy Điển, làm mọi công việc từ chạy bàn, rửa bát đến bán hàng Subway ở ga tàu điện ngầm để đi du lịch.
Hồi mới gặp Nareal, Chiwon và Gueseul trong ngày orientation [5] của khoa, thấy mấy cô nàng ra dáng tiểu thư và điệu đà, váy vóc, phấn son, tôi đã nghĩ thầm: “Nhìn đôi tay nõn nà của các bạn ấy kìa, chắc các bạn ấy không phải làm việc nhà bao giờ đâu nhỉ?” Nhưng khi đã trở nên thân thiết, nghe những câu chuyện của họ, ngắm những bức ảnh họ chụp tôi lại thấy khâm phục. Các bạn đều cùng tuổi với tôi và đang tận hưởng những giây phút thanh xuân tươi đẹp nhất trong cuộc đời bằng cách làm những điều mà bản thân mong muốn. Khi tôi hỏi các bạn đã nghĩ đến chuyện lập gia đình, lấy chồng và sinh con chưa, họ lập tức trả lời: “Sao cậu nghĩ xa vậy, tôi mà sớm chắc cũng phải ngoài 30! Cứ chơi và làm việc hết mình đi nào!”
Sinh viên nước ngoài khi học tại Hàn Quốc sẽ được tham gia một khóa đào tạo tiếng Hàn trước khi nhập học chính thức gọi là khóa học dự bị tiếng Hàn. Có nhiều khóa học ngắn hạn kéo dài 3-4 tuần nhằm mục tiêu tập trung nâng cao kỹ năng giao tiếp cho sinh viên hoặc các khóa học dài hạn từ 10 đến 40 tuần giúp sinh viên nâng cao phản xạ, kỹ năng giao tiếp đồng thời giúp họ hiểu hơn về văn hóa Hàn Quốc thông qua các giờ học trải nghiệm văn hóa, các buổi dã ngoại. Sau khi hoàn thành khóa học tiếng Hàn, sinh viên sẽ làm bài kiểm tra tiếng của trường hoặc thi Topik để lấy điểm xét vào đại học.
Ngoài ra, ở Hàn cũng có các chương trình đại học giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc giảng dạy song ngữ Hàn – Anh. Nhà trường sẽ yêu cầu bạn nộp các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS và TOEIC (tùy vào từng trường và từng khóa học sẽ có mức điểm yêu cầu đầu vào khác nhau).
Chương trình sau đại học ở Hàn Quốc
Hàn Quốc là một quốc gia hiếu học. Tôi đã gặp gỡ, nói chuyện với rất nhiều anh chị đã có công ăn việc làm ổn định, hoặc đã lập gia đình mà vẫn tiếp tục theo đuổi con đường học thuật, tham gia các khóa học Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ, sau Tiến sĩ.
Dựa trên lĩnh vực đào tạo – nghiên cứu, chương trình sau đại học ở Hàn Quốc có thể chia thành cao học thông thường và cao học chuyên môn.
Thời gian học Thạc sĩ thường kéo dài trên 2 năm với 24 tín chỉ. Để nhận được học vị Thạc sĩ, ngoài việc tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định, sinh viên còn phải vượt qua một số kỳ thi nhất định và bảo vệ thành công luận văn trước hội đồng phản biện từ 3 người trở lên.
Thời gian học Tiến sĩ thường kéo dài trên 3 năm với 36 tín chỉ. Để nhận được học vị Tiến sĩ, sinh viên phải tích lũy đủ số tín chỉ, thi đỗ kỳ thi tốt nghiệp và bảo vệ thành công luận án trước hội đồng phản biện từ 5 người trở lên.
Sau Tiến sĩ là quá trình nghiên cứu chuyên sâu dành cho những ai đã có học vị Tiến sĩ. Hiện nay nhiều trường đại học ở Hàn Quốc có mời các nhà nghiên cứu thực hiện nhiều dự án nghiên cứu và họ được nhận học bổng Giáo sư.
Tại sao sinh viên Việt Nam nên chọn du học Hàn Quốc?
Để trả lời câu hỏi này, tôi đã suy nghĩ tới nhiều khía cạnh khác nhau như: vị trí địa lý, sự phù hợp và phát triển về ngành học/lĩnh vực nghiên cứu, văn hóa, phong tục tập quán, con người, rào cản ngôn ngữ, hỗ trợ tài chính, học bổng, cơ hội tìm việc làm…
Hiện nay số sinh viên nước ngoài theo học tại Hàn Quốc đã đạt con số hơn 100.000.
 
Số lượng sinh viên nước ngoài tốt nghiệp ở Hàn Quốc trong 5 năm gần đây
Hệ thống giáo dục
Hàn Quốc cũng là một nước có nền giáo dục phát triển.
Theo US News ranks the Best Countries, Hàn Quốc đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng các nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới và đứng thứ 3 (sau Nhật Bản và Singapore) trong bảng xếp hạng các nước khu vực châu Á [6]
Khoảng cách địa lý – Văn hóa tương đồng
Một điều khiến tôi hài lòng nhất trong 4 năm sống và học tập tại Hàn (bỏ qua các chỉ tiêu vĩ mô như tôi kể trên) đó là Việt Nam và Hàn Quốc là khoảng cách địa lý khá gần nhau (cách nhau khoảng 5 giờ bay), đặc biệt các hãng hàng không có nhiều chuyến bay giá rẻ, ưu tiên sinh viên nên mỗi năm tôi có thể về nước ít nhất 1-2 lần. Điều này khiến các bạn tôi đang du học ở châu Âu hay Mỹ, Úc cảm thấy ghen tỵ.
Thêm nữa, văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, ví dụ như các giáo lễ truyền thống, trang phục, ẩm thực… khiến tôi không bị bỡ ngỡ quá nhiều và sốc văn hóa khi mới sang Hàn. Điều này tôi sẽ nói rõ hơn trong phần Cuộc sống tại Hàn Quốc.
An toàn, mức sống cao
Tôi rất thích Hàn bởi ở đây tôi cảm thấy rất an toàn và gần gũi giống như ở Việt Nam. Với tính đãng trí của mình, nhiều lần tôi để quên điện thoại ở quán ăn hay trên tàu điện, để ví trong thư viện thậm chí quên cả laptop trong siêu thị, một lúc sau quay lại tìm thì đồ vẫn ở chỗ đó hoặc nhân viên sẽ cất, bảo quản hộ cho đến khi tôi quay lại lấy. Có lần người bạn cùng khoa với tôi bị rơi ví trên đường, trong ví có tiền, thẻ ngân hàng, chứng minh thư, thẻ sinh viên… Sáng hôm sau phát hiện ra rơi ví thì đã có một bạn người Hàn tốt bụng nào đó đã dựa vào thông tin trong thẻ sinh viên mang lên tận khoa để trả lại. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ bị mất đồ, không thể tránh khỏi tình trạng này khi đến các địa điểm đông người như khu vui chơi, trung tâm thương mại…
Hàn Quốc là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Kết quả khảo sát với đối tượng là 300 sinh viên nước ngoài về mức độ hài lòng đối với cuộc sống ở Hàn Quốc đã cho thấy gần 90% số người được hỏi hài lòng với cuộc sống ở Hàn Quốc và 86% số người trả lời rằng họ rất hài lòng với cuộc sống sinh hoạt cũng như hệ thống giáo dục ở đây.
Cơ hội việc làm
Hiện tại tôi đang là sinh viên năm cuối, tất nhiên điều mà tôi quan tâm và lo lắng nhất đó chính là tốt nghiệp xong mình sẽ làm gì, ở đâu… Câu chuyện về hay ở luôn là câu chuyện muôn thuở của du học sinh… Ở Hàn Quốc, có khá nhiều job fair (hội chợ việc làm) được tổ chức, nơi sinh viên quốc tế có thể đến tìm kiếm thông tin về các công ty lớn/nhỏ tại Hàn và nộp đơn ứng tuyển nếu có nhu cầu xin việc làm tại đây.
Tôi sẽ kể cho các bạn về chuyến đi hội chợ việc làm cho người nước ngoài International Job Fair [7] của tôi hồi tôi học năm 3. Cô Lee là cô giáo của tôi làm việc ở văn phòng quốc tế, cô rất nhiệt tình và chu đáo. Cô đăng ký xe buýt của trường để đưa cả hội sinh viên nước ngoài bọn tôi đến hội chợ việc làm. Trước khi đi, bọn tôi được yêu cầu phải đăng tải thông tin cá nhân và sơ yếu lý lịch lên trang chủ, đọc thông tin về các công ty, tìm hiểu thông tin tuyển dụng phù hợp với bản thân và đăng ký phỏng vấn. Một tuần trước ngày job fair diễn ra, các nhà tuyển dụng sẽ gửi e-mail hoặc gọi điện cho chúng tôi để kiểm tra lại thông tin và chốt lịch phỏng vấn. Họ làm việc rất chuyên nghiệp và nhanh chóng, dặn dò chúng tôi cần chuẩn bị và mang theo những gì…
Đến ngày job fair diễn ra, cô giáo Lee chia chúng tôi thành từng tốp và dẫn đến tận cửa hội chợ việc làm, cô còn dặn dò chúng tôi rất cẩn thận. Điều này khiến tôi vừa bất ngờ vừa cảm động, người Hàn luôn chu đáo như vậy.
Chúng tôi tự tin tiến vào khu vực hội chợ. Đi từ cửa vào là lần lượt các quầy. Quầy một là nơi các bạn có thể in tài liệu, in hồ sơ xin việc, tìm kiếm thông tin về các công ty. Quầy hai là nơi các bạn có thể nhận tư vấn về trang điểm và trang phục. Quầy ba là nơi bạn có thể chụp ảnh thẻ lấy ngay, tất nhiên mọi thứ đều miễn phí. Cuối cùng bạn sẽ bước vào không gian hội chợ, nơi có hàng trăm công ty đang chờ để phỏng vấn bạn theo lịch đã hẹn trước, thậm chí bạn còn có cả quà mang về. Đó là lần đầu tiên tôi đi job fair tại Hàn, nơi tôi tìm được internship [8] cho một công ty start-up có liên kết với nhaccuatui và Zing của Việt Nam. Điều này khiến tôi cảm thấy thật vui và hạnh phúc. Khoảng thời gian thực tập, trải nghiệm thực tế của một sinh viên trong một công việc.
Sự ảnh hưởng của làn sóng Hallyu
Học ở Hàn, tôi gặp nhiều trường hợp qua đây học vì xuất phát từ tình yêu mãnh liệt với các oppa [9], đặc biệt là các bạn người Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia. Chắc các bạn đã từng nghe đến khái niệm “Hallyu” hay “Korean wave” – làn sóng Hàn Quốc, xuất hiện từ khoảng những năm 1990s. Bắt đầu từ Trung Quốc và Đài Loan, Hallyu sau đó nhanh chóng trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở các nước như Hồng Kông, Singapore, Việt Nam và Indonesia.
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á xảy ra vào năm 1997, Hàn Quốc đã tung ra hàng loạt sản phẩm phim truyện, âm nhạc, chương trình truyền hình chất lượng với giá chỉ bằng 1/4 so với các chương trình của Nhật Bản và 1/10 của Hồng Kông. Điều đó khiến cho việc xuất khẩu các chương trình truyền hình giải trí của Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng. Năm 2003, Hàn Quốc thu về 37,5 triệu USD, tăng mạnh so với 12,7 triệu USD năm 1997. Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà sản xuất “tranh thủ” đẩy mạnh việc tổ chức các buổi concert10, các oppa thậm chí còn học cả tiếng Trung Quốc, Nhật Bản để biểu diễn, giao lưu với người hâm mộ. Nhờ vậy mà du học Hàn Quốc, du lịch Hàn Quốc, tiêu thụ sản phẩm Hàn Quốc tăng chóng mặt. Qua Hàn, bạn sẽ gặp khá đông sinh viên người Trung Quốc học tập tại đây. Nhiều bạn có động lực và đam mê, một phần cũng nhờ vào tình yêu với các oppa. Một tin vui dành cho các bạn hâm mộ K-pop đó là Tổng cục Du lịch Hàn Quốc thường xuyên tổ chức buổi biểu diễn của các oppa với vé vào cổng rất rẻ, thậm chí miễn phí.
Chú thích:
[3] Còn được gọi là chương trình làm việc trong kỳ nghỉ, là một chương trình giao lưu văn hóa cho phép các bạn trẻ tham gia có thể làm việc và kiếm thêm thu nhập bằng các công việc ngắn hạn trong kỳ nghỉ của mình. Đây là chương trình được xây dựng dựa trên cam kết hợp tác giữa một số quốc gia nhất định nhằm khuyến khích sự trao đổi, giao lưu văn hóa giữa công dân của các quốc gia đó.
[4] Bạn có thể tham khảo chương trình thực tập này tại địa chỉ: https:// careers.un.org/lbw/home.aspx?viewtype=ip.
[5] Là một chuỗi sự kiện dành cho sinh viên năm nhất, kéo dài từ 1-2 ngày đến 1 tuần, trước khi năm học chính thức bắt đầu. Hoạt động này nhằm giới thiệu với sinh viên mới về trường, cơ sở vật chất, các địa điểm, các câu lạc bộ và các hoạt động của trường/khoa, đây là dịp để sinh viên hòa nhập với môi trường mới, làm quen những người bạn mới.
[6] https://www.usnews.com/news/best-countries/best-education
[7] Trang web: http://jobfair.contactkorea.go.kr. Sinh viên có thể đăng ký trực tiếp với ban tổ chức qua website, tìm hiểu thông tin các công ty tuyển dụng, nộp hồ sơ và đặt lịch phỏng vấn.
[8] Khoảng thời gian thực tập, trải nghiệm thực tế của một sinh viên trong một công việc.
[9] Ở Hàn Quốc, từ oppa được phái nữ sử dụng để gọi anh trai, người yêu, những người anh thân thiết. Người hâm mộ K-pop thường gọi các thần tượng nam là oppa để thể hiện sự yêu quý.
[10] Buổi biểu diễn trực tiếp.
Topik
Nếu bạn đang có dự định đi du học Hàn Quốc hoặc làm việc tại các công ty Hàn Quốc thì việc tìm hiểu về kỳ thi năng lực tiếng Hàn, Topik, là vô cùng quan trọng và cần thiết. Vì vậy sau đây tôi sẽ giải đáp một số câu hỏi liên quan đến kỳ thi này.
Topik là gì?
Topik là chữ viết tắt của Test of Proficiency in Korean – Kỳ thi năng lực tiếng Hàn (국어능력시험) do Viện Giáo dục Quốc tế Quốc gia Hàn Quốc đứng ra tổ chức hằng năm.
Cũng giống như IELTS hay TOEIC, ở Hàn, Topik dùng để đánh giá năng lực sử dụng tiếng Hàn của người ngoại quốc hoặc kiều bào Hàn Quốc sinh sống ở nước ngoài. Nhờ vào Topik, người Hàn Quốc đồng thời muốn quảng bá, phổ cập tiếng Hàn ra các nước khác trên thế giới.
Chứng chỉ Topik là một trong những điều kiện để làm thủ tục xin visa Hàn Quốc, là tiêu chuẩn tuyển dụng và đánh giá tiến cử trong quá trình làm việc của các công ty Hàn Quốc.
Chứng chỉ Topik được coi là chứng chỉ đánh giá chính xác nhất năng lực của người học tiếng Hàn. Nếu bạn muốn nhập học đại học tại Hàn, thông thường các trường sẽ yêu cầu bạn phải đạt ít nhất Topik 3 và muốn được tốt nghiệp bạn phải đạt ít nhất Topik 4.
Topik được tổ chức sáu lần mỗi năm vào các tháng: 1, 3, 4, 7, 10, 11. Bạn có thể xem lịch thi tại www.topik.go.kr.
Cấu trúc và thang điểm của đề thi Topik
Bài thi được chia ra làm hai mức: Topik I (cấp 1-2) cho đối tượng mới học và Topik II (cấp 3-6) cho đối tượng trung/cao cấp.
Dưới đây là các tiêu chuẩn, cách chấm điểm bài thi Topik theo các cấp độ.
Topik I
– Cấp 1 (80-139 điểm)
Người thi có thể sử dụng ngôn ngữ tiếng Hàn cơ bản cần thiết trong cuộc sống hằng ngày như: giới thiệu bản thân, mua đồ vật, gọi đồ ăn… đồng thời có thể hiểu và biểu hiện được nội dung có liên quan đến chủ đề quen thuộc và cá nhân như: gia đình, sở thích, thời tiết...
Người thi có thể hoàn thành đoạn câu văn đơn giản khoảng 800 từ với câu sử dụng ngữ pháp cơ bản.
Người thi có thể hiểu và hoàn thành được những câu đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày.
– Cấp 2 (140-200 điểm)
Người thi có thể sử dụng ngôn ngữ tiếng Hàn ở nơi công cộng như: bưu điện, ngân hàng và trong các hoạt động cần thiết hằng ngày như: gọi điện thoại, nhờ giúp đỡ...
Người thi có thể hoàn thành đoạn câu văn khoảng 1.500-2.000 từ để nói về bản thân và các chủ đề quen thuộc.
Người thi có thể phân biệt dùng ngôn ngữ theo tình huống chính thức và tình huống không chính thức.
Topik II
– Cấp 3 (120-149 điểm)
Người thi có khả năng giao tiếp trôi chảy trong sinh hoạt hằng ngày, có thể sử dụng ngôn ngữ trong việc duy trì quan hệ xã hội và sử dụng các thiết bị công cộng trong các tình huống khác nhau.
Có thể trình bày về các chủ đề xã hội quen thuộc.
Phân biệt đặc tính cơ bản trong ngôn ngữ nói – ngôn ngữ viết để có thể hiểu và sử dụng.
– Cấp 4 (150-189 điểm)
Người thi có khả năng ngôn ngữ cơ bản để có thể giao tiếp ở nơi công cộng, trong môi trường làm việc hằng ngày và giao tiếp cá nhân.
Có thể sử dụng ngôn ngữ trong việc duy trì mối quan hệ xã hội và sử dụng thiết bị công cộng đồng thời có thể dùng trong công việc hằng ngày.
Có thể hiểu rõ được nội dung trên ti vi, báo chí đồng thời so sánh được chính xác, hiểu được cặn kẽ và có thể sử dụng được các chủ đề chung của xã hội.
Dựa vào việc hiểu về văn hóa Hàn Quốc tiêu biểu và các biểu hiện về mặt thành ngữ được sử dụng thường xuyên thì có thể hiểu và sử dụng được nội dung về mặt văn hóa, xã hội.
– Cấp 5 (190-229 điểm)
Người thi có thể sử dụng ngôn ngữ cần thiết để làm việc hay nghiên cứu chuyên môn.
Có thể hiểu và thảo luận về các chủ đề thuộc nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa…
Phân biệt chính xác ngôn ngữ theo từng mạch văn trong ngôn ngữ nói – ngôn ngữ viết và tình huống chính thức – không chính thức để sử dụng.
– Cấp 6 (230-300 điểm)
Người thi có thể sử dụng thành thạo và chính xác ngôn ngữ cần thiết để làm việc và nghiên cứu chuyên môn.
Có thể hiểu và thảo luận về các chủ đề thuộc nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa…
Tuy không đạt được tiêu chuẩn như người Hàn Quốc nhưng không gặp trở ngại về việc biểu đạt tư duy.
Địa điểm, thời gian, cách thức tổ chức thi
Ở Hàn Quốc
Địa điểm thi là các trường đại học. Thí sinh có thể chọn địa điểm thi thuận tiện nhất cho bản thân. Mọi thông tin về địa điểm, thời gian thi các bạn có thể tìm hiểu qua trang web: www.topik.go.kr.
Phí thi tại Hàn là: 40.000 won (khoảng 800.000 đồng).
Ở Việt Nam
Các bạn có thể đăng ký thi và thi tại các địa điểm:
Hà Nội: Trường Hàn Quốc Hà Nội.
Hồ Chí Minh: Trường Korean International School.
Các bạn có thể tham khảo thông tin tại một số website: www.topik.vn, www.hanoischool.net, www.kshcm.net.
Ngoài ra các bạn có thể đăng ký online trên website www.hanoischool.net.
Lệ phí dự thi (có thể thay đổi theo năm):
– Topik I: 250.000 đồng;
– Topik II: 350.000 đồng;
– Topik I, II: 600.000 đồng (trường hợp đăng ký đồng thời hai trình độ Topik I và II).
Kinh nghiệm học ôn thi TOPIK
Cho đến bây giờ thì trình độ tiếng Hàn của tôi vẫn chỉ được xem là ở mức trung bình, có thể giao tiếp cơ bản, nghe – hiểu các cuộc hội thoại trong cuộc sống hằng ngày, đọc – hiểu các văn bản ngắn nên tôi sẽ chỉ chia sẻ những kinh nghiệm mà tôi đã góp nhặt trong suốt thời gian học tập và sinh sống tại Hàn.
Lúc mới đến Hàn do không biết tiếng nên tôi cảm thấy mình như một con bé ngốc nghếch. Người ta nói mình không hiểu, người ta hỏi mình hiểu mà cũng không biết diễn đạt sao để họ hiểu, khua chân múa tay, sử dụng đủ các loại ngôn ngữ cơ thể. Dần dần cũng quen, tôi đã từng tặc lưỡi định bỏ không học tiếng Hàn nữa (vì chuyên ngành của tôi là tiếng Anh) nhưng nghĩ lại, đã xuất phát thì không từ bỏ, thôi thì cứ cần mẫn, “kiến tha lâu cũng đầy tổ” nên tôi đã không từ bỏ.
Là admin của nhóm Tự học_TOPIK_6, tôi nhận thấy: Những post về chia sẻ sách, tài liệu tự học hay tài liệu tham khảo thì lượng tương tác cao hơn so với các post khác. Tôi tự hỏi rằng có phải chúng ta thường nghĩ, để đạt Topik cao thì chồng sách tham khảo cũng phải thật cao; trong máy tính, ổ cứng phải có hàng chục GB tài liệu học tiếng Hàn; phải tải thật nhiều ứng dụng tự học Topik trên điện thoại; phải đi học thầy A nổi tiếng, cô B là người Hàn Quốc; phải có list 3.000 từ vựng Topik…
Vậy là chúng ta đều đặn mỗi ngày tìm kiếm, lục lọi các nhóm tiếng Hàn, tải hết tất cả tài liệu với tiêu đề như “Bí quyết luyện thi Topik”, “Từ vựng thần thánh”, “Giải đề 3 phút”…
Nếu ai đó được Topik 5-6, bạn nghĩ rằng họ có bí mật gì đó, bạn muốn biết bí mật đó, để bạn cũng được như thế.
Tuy nhiên đối với tôi thì bí mật thành công khi ôn thi Topik là... không có bí quyết nào ngoài sự chăm chỉ, cần mẫn.
Tôi đã từng rơi vào vòng luẩn quẩn khi lên mạng đọc tips – tải tài liệu – tải ứng dụng – sưu tầm sách và list từ vựng nhưng đến một ngày tôi nhận ra: Không thể nâng cao trình độ tiếng nhờ vào những việc đó. Sau đó, tôi đã:
Không lưu nhiều ứng dụng học tiếng Hàn trên điện thoại (chỉ còn phần mềm tra từ điển).
Xóa các ebook tự học Topik mà tôi không bao giờ dùng đến trong máy tính.
Không học trung tâm hay thầy cô nổi tiếng.
Thay vào đó tôi sử dụng:
Khả năng của bản thân.
Naver Image, Naver News.
Xem phim, nghe nhạc, theo dõi các chương trình truyền hình thực tế bằng tiếng Hàn.
Một số trang tự học Topik uy tín, hiệu quả, học tiếng Hàn bằng tiếng Anh mà tôi thu thập được trong quá trình tự học như:
Talk To Me In Korean: www.talktomeinkorean.com
90 Day Korean: www.90daykorean.com
Korean Class 101: www.koreanclass101.com
Topik Guide: www.topikguide.com
Trang web học tiếng Hàn trực tuyến Kosnet: www.studyinkorea.go.kr/en/main.do
KBS: http://world.kbs.co.kr/learn_korean/lessons/v_index.htm
Memrise: www.memrise.com
Key to Korean: www.keytokorean.com
Sau đây là những kinh nghiệm cụ thể của tôi khi học tiếng Hàn:
Học từ vựng
Trong quá trình học từ vựng, tôi phát hiện ra tiếng Hàn bao gồm tiếng thuần Hàn, tiếng Hán – Hàn và từ mượn tiếng Anh. Đối với các danh từ, tôi thường học từ mới qua Naver bằng hình ảnh.
Tôi thấy mình học từ mới qua hình ảnh sẽ nhớ được lâu hơn nên mỗi lần tra từ mới (đặc biệt là danh từ) tôi thường gõ từ mới đó vào ô tìm kiếm, sau đó chọn sang phần xem hình ảnh. Ngoài ra, tôi cố gắng tối đa sử dụng tìm kiếm thông tin bằng tiếng Hàn, sử dụng website của Hàn Quốc.
Hồi mới học bảng chữ cái tiếng Hàn, tôi thường xem các chương trình hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi như kênh hoạt hình Genikids Adventure.
Sau đó tôi tập nghe tiếng Hàn và học từ mới qua các bài đọc và video với nhiều chủ đề khác nhau trên YouTube hoặc Naver. Còn EBS Documentary là trang tôi thường xem thông tin về chủ đề chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục.
Các bạn có thể truy cập vào trang web www.Memrise.com và ứng dụng Memrise để học từ mới theo hình thức flashcard.
Học nghe
Nếu các bạn đang học tiếng Hàn, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với người Hàn và gặp phải vấn đề: dù chăm chỉ học thế nào, luyện nghe nhiều như thế nào cũng không cải thiện được khả năng nghe, không hiểu được người Hàn nói gì thì có thể bạn gặp phải một trong số các nguyên nhân sau:
Nguyên nhân khách quan
- Tính chất vùng miền: Giống như tiếng Việt, tiếng Hàn cũng có ngữ điệu và phát âm khác nhau tùy theo vùng miền. Tiếng Hàn ở khu vực Seoul là tiếng Hàn chuẩn, tuy nhiên ở miền trung hoặc miền nam Hàn Quốc, người dân thường nói theo giọng và từ địa phương như tiếng Busan hay tiếng Daegu, nếu bạn không sinh sống ở địa phương này thì bạn sẽ khó để hiểu được dân ở đó nói gì.
- Sự khác nhau của tiếng Hàn trong “văn nói” và “văn viết”. Người học tiếng Hàn chủ yếu sẽ học theo dạng văn viết, các đuôi câu tiếng Hàn để viết báo cáo, viết luận, để thi mà ít khi chú trọng vào đuôi câu như trong văn nói nên khi bạn nghe người Hàn nói tắt, nói nhanh và tiếng lóng thì bạn sẽ không hiểu được họ nói gì.
Nguyên nhân chủ quan
Bạn luyện nghe chưa đủ dài và chưa đủ nhiều để có thể hiểu được tiếng Hàn.
Phương pháp nghe chủ yếu của tôi là đọc bản transcript (phần nội dung bài nghe) trước khi nghe, luôn gạch chân từ khóa trong bài và tìm hiểu cách diễn đạt, cách dùng từ mới trong bài. Khi mới luyện nghe tiếng Hàn, tôi thường chép bài vào điện thoại, bật bài nghe gần như 15-20 tiếng/ngày. Ngoài giờ học trên lớp và những lúc phải tập trung làm việc, những lúc dọn nhà, rửa bát hay đi bộ, đi xe buýt thậm chí lúc ngủ tôi luôn bật bài nghe, vừa nghe vừa nhại lại những đoạn băng đó.
Một lưu ý nhỏ đó là bạn không nên chép quá nhiều bài nghe vào điện thoại (hoặc thiết bị nghe) mà chỉ nên chép khoảng 5-7 bài, nghe kỹ một bài xong mới chuyển sang bài khác. Các bài luyện nghe có thể là các bài của đề thi Topik hoặc trong sách tiếng Hàn. Ngoài ra, để có thể nghe – hiểu dễ dàng hơn “văn nói” trong tiếng Hàn, tôi thường nghe và theo dõi các Vlog của người Hàn Quốc như trang Vlog của Candy Life, cô gái Hàn đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Thời gian đầu học nghe, tôi bắt chước phương pháp nghe chép chính tả từ cách học tiếng Anh. Tôi nghe chép theo kiểu cứ nghe vài từ lại dừng và chép, nghe không rõ thì tua lại, chừng nào thấy mình không thể nghe ra mới tìm văn bản gốc để tra. Cách luyện tập này cũng khá hiệu quả.
Luyện nói
Hiện tại, Topik chưa đưa kỹ năng nói vào đề kiểm tra, cộng với việc học thiên về viết và ngữ pháp nên kỹ năng nói thường được xem là “khó nhằn” với người đang học tiếng Hàn, đặc biệt là người chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Hàn thường xuyên. Từ bản thân mình, tôi tự rút ra một số nguyên nhân khiến người học tiếng Hàn nói kém là:
- Chưa tự tin vào bản thân trong giao tiếp;
- Phản xạ chậm;
- Không có kiến thức nền về chủ đề đang nói;
- Ít luyện nói.
Riêng về kỹ năng nói, tôi nghĩ là càng nhiều tài liệu sẽ càng cản trở việc bạn luyện nói. Tôi đã từng mua rất nhiều sách về luyện nói kiểu như “Những câu giao tiếp cơ bản trong tiếng Hàn”, “Luyện nói tiếng Hàn trong 30 ngày”… tuy nhiên sau một thời gian, tôi thấy sách không phải là giải pháp cho vấn đề này. Muốn nói tốt cần phải đi đôi với thực hành. Nói không thể tốt lên nếu như tôi chỉ ngồi một chỗ và đọc sách. Đặc biệt khi luyện nói một ngoại ngữ, cần có sự tương tác trực tiếp thì bạn mới luyện được phản xạ cũng như rèn luyện cách phát âm của mình sao cho chính xác. Để có phản xạ tốt, bạn cần gạt bỏ tư tưởng “sợ người bản xứ” đồng thời trang bị các kiến thức cơ bản để không bị rơi vào tình huống “không biết phải nói gì”.
Nếu chưa có cơ hội sang Hàn Quốc, bạn có thể tự tổ chức một nhóm gồm 2-3 người và cùng đến những khu vực có nhiều người Hàn đi du lịch, sinh sống hoặc làm việc. Ở Hà Nội, bạn có thể đến khu vực Bờ Hồ – Nhà Thờ Lớn, khu Trung Hòa – Nhân Chính – Mỹ Đình; ở TP. Hồ Chí Minh bạn có thể đến khu vực Phú Mỹ Hưng, khu chợ Phạm Văn Hai, khu Super Bowl và khu K300... Đầu tiên là quan sát cách họ nói chuyện sau đó mỗi người sẽ chuẩn bị một số câu hỏi liên quan đến các chủ đề khác nhau như du lịch, văn hóa, ẩm thực… Bạn có thể phỏng vấn họ như một người đi thu thập thông tin. Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ Hàn Quốc sang Việt Nam du lịch hoặc học tiếng Việt tại các trường đại học, đây là một cơ hội rất tốt để cả hai bên cùng gặp gỡ, giao lưu và luyện nói với nhau.
Luyện viết và ngữ pháp
Bản thân tôi thấy rằng, khi học tiếng Hàn, phần ngữ pháp và luyện viết luôn song hành cùng nhau. Tôi thường học ngữ pháp theo bộ giáo trình Korean Gramma in Use gồm 3 cấp độ: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Tôi dành rất ít thời gian học ngữ pháp và chỉ học đến trung cấp, tôi chủ yếu tập trung luyện những dạng ngữ pháp cơ bản (sơ cấp) như các thời của chia động từ, cách nói nguyên nhân – kết quả, cách nói so sánh… Tôi không “sáng tạo” khi dùng ngữ pháp mà dùng theo thói quen. Khi học ngữ pháp, tôi sẽ học thuộc mẫu cấu trúc ngữ pháp đó đồng thời học luôn cả ví dụ mẫu. Tôi nghe, đọc, nhẩm lại nhiều lần từng mẫu ngữ pháp để tạo thành thói quen sử dụng nó.
Khi học viết tiếng Hàn, nếu đọc bất cứ sách luyện viết Topik nào, bạn đều dễ dàng tìm được quy tắc viết tiếng Hàn về ngắt nghỉ câu, xuống dòng. Vì tiếng Hàn là chữ tượng hình còn tiếng Việt là chữ Latinh nên khi mới học viết bạn sẽ thấy không quen, tuy nhiên nắm được cấu trúc của bài viết và ngữ pháp căn bản, bạn sẽ học viết rất nhanh. Điều tôi cảm thấy khó nhất khi học viết đó là khâu lên ý tưởng cho bài viết. Để bổ trợ cho việc viết, tôi đọc nhiều sách báo, tài liệu tiếng Hàn bên cạnh nắm chắc ngữ pháp cơ bản.
Kinh nghiệm ôn thi Topik
Tôi chưa từng thi Topik ở Việt Nam, tuy nhiên ở Hàn, rất nhiều lần tôi đăng ký thi Topik mà không được vì hiện nay số lượng người thi quá đông. Thông thường trên trang web www.topik.go.kr sẽ thông báo thời gian đăng ký thi và thời gian thi trong một năm. Thời gian đăng ký thi thường là một tuần (đăng ký online trên web www.topik.go.kr, tuy nhiên, chỉ sau 1-2 ngày đăng ký là đã kín hết chỗ. Kinh nghiệm của tôi là đăng ký Topik vào ngày đầu tiên, giờ sớm nhất của thời gian đăng ký thi. Có như vậy mới có thể chọn được địa điểm thi mà mình mong muốn.
Trong quá trình tự học Topik, tự nghiên cứu đăng ký thi rồi đi thi tại Hàn tôi có tìm được trang web www.hanquocngaynay.info của anh Đoàn Quang Việt, hiện đang làm việc tại Hàn. Trong trang web này có viết rất kỹ về việc đăng ký thi Topik và lấy bằng Topik tại Hàn bao gồm cả ảnh minh họa tiếng Hàn và tiếng Việt về các vấn đề như:
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên trang web thông tin về Topik: www.topik.go.kr,www.hanquocngaynay.info/topik/dang-ky-tai-khoan-topik-go-kr.
Hướng dẫn đăng ký thi Topik: www.hanquocngaynay.info/topik/huong-dan-dang-ky-thi-topik.
Hướng dẫn thanh toán lệ phí thi Topik: www.hanquocngaynay.info/topik/thanh-toan-le-phi-thi-topik.
Hướng dẫn in phiếu dự thi Topik: www.hanquocngaynay.info/topik/thanh-toan-le-phi-thi-topik.
Hướng dẫn in chứng chỉ thi Topik: www.hanquocngaynay.info/topik/huong-dan-in-phieu-du-thi-topik.
Có một điều cần lưu ý khi ở Hàn là bạn nên dùng trình duyệt Internet Explorer vì ở đây, sử dụng trình duyệt này là bắt buộc và các trang web được thiết kế chỉ dành cho Internet Explorer. Nếu bạn sử dụng một trình duyệt khác, trang web sẽ gặp nhiều lỗi.
Làm quen với văn hóa Hàn Quốc
Các ngày nghỉ lễ
Ở Hàn Quốc, vào dịp lễ tết, mọi người thường về quê thăm gia đình, hoặc đi du lịch, đi leo núi. Vào những ngày này, đặc biệt là tết nguyên đán và tết trung thu, hầu như các quán ăn, cửa hàng cũng đều đóng cửa, đường phố vắng người – khá giống với Việt Nam. Nắm rõ lịch nghỉ, các bạn có thể sắp xếp được thời gian và lên kế hoạch du lịch. Nếu bạn đặt vé sớm thì có thể săn được vé máy bay trong nước và quốc tế rất rẻ.
Tết Nguyên đán (1/1 âm lịch)
Ý nghĩa: Ngày bắt đầu năm mới âm lịch.
Món ăn: Tteokguk (canh bánh nếp), mandoo (bánh bao có nhân).
Hoạt động: Mặc quần áo mới, chào hỏi (lạy người lớn) và tảo mộ (thăm mộ tổ tiên), chơi trò Yut11.
11 Yutnori là trò chơi gậy, bộ dụng cụ chơi Yutnori gồm bàn chơi, quân chơi và gậy yut. Để chơi Yutnori, yêu cầu cần có hai người hoặc hai đội chơi. Mỗi đội lần lượt ném gậy yut (có vai trò như xúc xắc) để quyết định bước đi trên bàn chơi. Quân của đội nào đến đích trước sẽ là đội chiến thắng.
Ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết âm lịch là ngày nghỉ của cả nước.
Tết Trung thu (15/8 âm lịch)
Ý nghĩa: Ngày cảm tạ mùa vụ trong năm.
Món ăn: Trái cây và ngũ cốc mới (mới thu hoạch vào mùa thu).
Hoạt động: Cúng tổ tiên, tảo mộ, đón trăng, nắm tay nhau chơi nhảy múa vòng tròn.
Ngày 14-15-16 tháng 8 âm lịch là ngày nghỉ của cả nước.
Tết Dương lịch (1/1 dương lịch)
Ý nghĩa: Ngày đầu tiên của năm mới dương lịch.
Ngày đấu tranh giành độc lập (1/3 dương lịch)
Ý nghĩa: Ngày kỷ niệm phong trào đấu tranh giành độc lập quy mô lớn vào thời kỳ Nhật chiếm đóng, bắt đầu từ ngày mùng 1/3/1919 và lan rộng toàn quốc.
Ngày Phật Đản (8/4 âm lịch)
Ý nghĩa: Ngày Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời.
Tết Thiếu nhi (5/5 dương lịch)
Ý nghĩa: Ngày lễ được tổ chức với mong muốn mọi trẻ em sẽ phát triển với trái tim và trí tuệ dũng cảm, không có sự phân biệt đối xử.
Ngày Tưởng niệm (6/6 dương lịch)
Ý nghĩa: Ngày tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc trong chiến tranh.
Ngày Giải phóng (15/8 dương lịch)
Ý nghĩa: Ngày 15/8/1945 là ngày đất nước độc lập thoát khỏi sự chiếm đóng của quân Nhật.
Ngày Lập quốc (3/10 dương lịch)
Ý nghĩa: Kỷ niệm ngày Tướng quân Dangun (ông tổ của người Hàn) lập quốc, trong tiếng Hàn ngày này có nghĩa là “bầu trời mở ra”.
Ngày Hangeul (9/10 dương lịch)
Ý nghĩa: Kỷ niệm ngày Vua Sejong ban bố chữ Hangeul và khích lệ việc nghiên cứu, phổ cập Hangeul.
Lễ Giáng sinh (25/12 dương lịch)
Ý nghĩa: Ngày Chúa Giê-su ra đời.
Sáng Chủ nhật, người Hàn nếu theo đạo thường sẽ đi nhà thờ và cầu nguyện.
Tìm hiểu văn hóa hàn quốc
Hàn Quốc cũng là một nước châu Á, văn hóa có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nên tôi không gặp quá nhiều tình huống bị sốc tâm lý. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn chủ quan. Tìm hiểu về văn hóa Hàn trước khi lên đường giúp bạn dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới hơn.
Văn hóa giao tiếp của người Hàn
Lời nói kính ngữ và nói bình thường trong tiếng Hàn được sử dụng tùy theo độ tuổi, mối quan hệ gần gũi, chức vị của người đối diện mà cách biểu hiện sẽ khác. Trường hợp người đối diện lớn tuổi, có địa vị hay ở những nơi công cộng thì phải sử dụng kính ngữ. Trường hợp người đối diện là bạn, người ít tuổi hơn thì dùng cách nói bình thường.
Khi ở nơi công cộng hoặc tham gia các phương tiện giao thông công cộng, cần giữ vệ sinh chung, không được cười đùa, nói điện thoại quá to hoặc quá lâu gây ảnh hưởng đến người khác. Nhường ghế cho người già và phụ nữ mang thai.
Ở Hàn, mọi người thường phải xếp hàng mọi lúc mọi nơi.
Khi dùng cơm, người Hàn thường không bưng bát cơm lên, dùng đũa và thìa để xúc thức ăn (trong khi ở Việt Nam, mình luôn được dạy là phải bê bát lên ăn). Họ thường xếp bát cơm để bên trái, bát canh để bên phải, thìa và đũa để bên phải. Tuyệt đối không nên cắm đũa vào bát cơm (điều này giống Việt Nam).
Tôi thấy khi ăn cùng với người Hàn, họ thường ít nói chuyện trong lúc ăn. Nếu ăn cùng người lớn thì phải chờ họ cầm đũa lên trước sau đó mình mới được cầm đũa lên. Ăn với tốc độ vừa so với tốc độ của người lớn tuổi trong bàn ăn và không được đứng lên trước khi người lớn tuổi vẫn chưa ăn xong. Tuy nhiên, ngày nay, một số quy tắc trong bữa ăn đã “thoáng” hơn đặc biệt nếu bạn là người nước ngoài, họ sẽ thông cảm.
Người Hàn có sở thích tụ tập ăn uống. Tôi thường xuyên đi ăn cùng giáo sư bộ môn, các cô cùng làm việc ở văn phòng quốc tế và các bạn cùng khoa. Khi đi ăn nhau, người Hàn thường thân thiện và thoải mái hơn, các bạn Hàn đỡ ngại và cởi mở trong giao tiếp hơn, nói tiếng Anh tự tin hơn sau khi uống rượu. Vì vậy, trước khi qua Hàn, chiều nào bố tôi cũng dẫn tôi đi… uống bia để tập cho tôi quen dần.
Ở Hàn, soju được ví như quốc hồn quốc túy và người Hàn có những quy tắc nhất định khi uống loại rượu này. Chén rượu soju đầu tiên luôn phải được uống cùng nhau chứ không thưởng thức một mình. Luôn sử dụng ly thủy tinh để uống, không uống trực tiếp từ chai. Người Hàn Quốc không tự rót rượu vào ly của mình, thay vào đó họ sẽ rót đầy cho người khác và đợi được rót lại. Nếu được người lớn tuổi hơn rót rượu, bạn phải cầm ly bằng cả hai tay và đầu hơi cúi thấp để tỏ lòng tôn trọng. Tương tự, luôn dùng hai tay để rót đầy cốc rượu, tay trái đỡ phần thân chai còn tay phải đặt phía trên. Khi uống rượu trước mặt người lớn tuổi, bạn cần quay mặt sang một bên sau đó mới uống. Ngoài ra, từ chối uống rượu coi là mất lịch sự nên bạn có thể chọn cách lén đổ đi. Cuối cùng, hãy chắc chắn rằng mọi người xung quanh bạn không ai phải ngồi với một chiếc ly rỗng.
Nếu bạn đi ăn cùng bạn bè thì thường mọi người sẽ chia đều tiền cho số người cùng ăn (nếu đi theo nhóm đông), đi hai người mà hai bạn thân với nhau thì thường “Hôm nay tôi trả, mai cậu trả” hoặc “Cậu trả tiền ăn, tôi mời cậu đi uống cà phê”. Nếu đi ăn với người lớn tuổi thì họ thường sẽ trả tiền cho bữa ăn và họ không thích cảnh “tranh trả tiền”.
Không viết tên người bằng bút đỏ vì màu đỏ tượng trưng cho máu, cho cái chết nên người Hàn không bao giờ dùng màu mực này. Họ cho rằng những người bị viết tên bằng bút màu đỏ thì sẽ gặp tai ương thậm chí sẽ chết..
Chào hỏi cần cúi đầu hoặc cúi gập người (tùy vào địa vị của người đối diện).
Đi taxi thường ngồi ở ghế sau, đặc biệt là phụ nữ vì đây là vị trí an toàn khi tham gia giao thông và cũng thuận tiện trong việc xử lý khi gặp phải tình huống bất trắc.
Không huýt sáo lúc nửa đêm bởi âm thanh này có thể thu hút các hồn ma đi theo bạn.
Số 4 là con số không may mắn nên trong thang máy tầng 4 thường là tầng F.
...
Kinh nghiệm đến thăm nhà người Hàn
Khi đến thăm nhà người Hàn, nếu băn khoăn chưa biết nên mua gì, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Lốc nước hoa quả hoặc vitamin C hoặc sữa đậu nành – một lốc thường có 10 lọ nhỏ, giá dao động 12.000-15.000 won.
Bánh Paris Baguette hoặc Tour le jour loại lốc dài có nhiều vị khác nhau, giá khoảng 10.000 won/cái.
Hoa quả theo mùa.
Nếu nhân dịp lễ tết gì đó, hãy mua tặng bánh gạo (tok cake).
Một chậu cây nhỏ để bàn hoặc chậu hoa nhỏ, giỏ hoa…
Tranh treo tường.
Cốc uống cà phê.
Đặc biệt ở Hàn, tôi thấy mọi người hay viết thiệp cảm ơn, chúc mừng nhau nên bạn cũng có thể làm như vậy.
Khi đến thăm nhà người Hàn nên chú ý điều gì?
Nên đặt lịch hẹn trước với chủ nhà.
Nên mua quà nhỏ, không cần quá đắt tiền vì chủ nhà sẽ ngại. Chủ nhà luôn nói “Cứ đến thôi không phải quà cáp gì đâu!” nhưng theo tôi bạn nên mua một thứ gì đó để mang đến.
Khi đến nơi, chủ nhà ra mở cửa, bạn nên vui cười chào hỏi họ, đặc biệt nếu nhà có người lớn tuổi thì cần cúi đầu hơi gập lưng và chào to rõ ràng, bỏ mũ trước khi chào, nếu nhà có trẻ con thì chào cả trẻ con.
Không ngắm nghía nhà họ kiểu tò mò quá mức, bạn nên từ tốn.
Giúp chủ nhà chuẩn bị cơm, bát đũa, gọt
hoa quả.
Khi ăn, bạn nên đợi người lớn ăn trước, mời cơm đàng hoàng, không nên bê bát cơm lên và, không nên phát ra tiếng khi nhai, tốc độ ăn cần khớp với tốc độ của chủ nhà.
Dù món ăn không hợp khẩu vị thì bạn vẫn nên cười và khen, cảm ơn họ đã chuẩn bị cơm.
Ăn cơm xong bạn nên giúp rửa bát và dọn đồ đạc.
Chia sẻ câu chuyện đời thường của bản thân nhưng tránh hỏi về chuyện riêng tư của họ.
Nghe nhiều hơn nói, luôn cười.
Trước khi về nhớ cảm ơn, về đến nhà nhớ nhắn tin cho họ là mình đã về đến nơi.
Mỗi lần đến nhà người Hàn chơi, tôi đều cảm thấy ấn tượng và cảm động. Cảm động vì người Hàn rất cẩn thận, nhiệt tình và chu đáo đối với khách. Tôi đã đến nhà cô giáo Lisa làm cùng ở văn phòng quốc tế, đến nhà bạn người Hàn Hanuel cùng lớp và đến nhà các anh chị người Hàn trong hội nhà thờ mà tôi quen. Lần nào, họ cũng ra tận bến xe đón và đưa tôi về nhà, trên đường về còn rẽ qua siêu thị để mua những thứ tôi cần để làm nguyên liệu nấu món ăn Việt. Nếu không họ sẽ chuẩn bị sẵn thức ăn và hoa quả cho tôi. Thường người Hàn rất thích chơi các loại nhạc cụ. Cô Lisa và Hanuel đều biết chơi piano.
Kinh tế và tiêu dùng
Tiền Hàn Quốc (won)
Tiền Hàn Quốc có các loại như tiền xu với các mức trị giá là 1 won, 10 won, 50 won, 100 won, 500 won và tiền giấy với các mức trị giá là 1.000 won, 5.000 won, 10.000 won, 50.000 won.
1.000 won tương đương khoảng 20.000 đồng.
Tiền xu tại Hàn Quốc thường được dùng cho các máy bán hàng tự động 500 won/lon nước, máy giặt là tự động 500 won/lần giặt, bốt điện thoại công cộng, máy in và photo tự động 50 won/trang A4… Tiền giấy thường hay được sử dụng tại các khu chợ truyền thống, đi taxi, các tiệm ăn bên vệ đường…
Ngoài ra, hầu hết các dịch vụ tiêu dùng của Hàn đều có thể dùng thẻ ngân hàng để thanh toán hoặc thanh toán các các phần mềm trên điện thoại như PAYCO, ISP hay Samsung Pay.
Thông tin mua sắm
Tôi phải gọi Hàn Quốc là thiên đường mua sắm bởi bạn gần như có thể mua tất cả những gì bạn muốn ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi như GS25, CU, Ministop, With Me, 7-Eleven… đều mở cửa 24/24 và bán nhiều mặt hàng khác nhau. Các siêu thị lớn như Homeplus, Emart… có nhiều chủng loại hàng hóa như quần áo, thực phẩm, đồ điện tử, đồ gia dụng, mỹ phẩm, trang sức… với dịch vụ và chất lượng tốt. Đồng thời, các cửa hàng này thường xuyên có các chương trình giảm giá.
Chợ truyền thống ở Hàn Quốc thường mở cửa 5 ngày/tuần, các mặt hàng đều có giá rẻ, bạn có thể mặc cả. Hơn nữa khi đi chợ truyền thống, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với con người cũng như phong tục tập quán rất thú vị của Hàn.
Ngoài ra, còn có nhiều kênh mua sắm trên truyền hình và mua sắm online, rất tiện dụng và dễ hiểu dành cho bạn.
Tôi muốn đi du học Hàn Quốc
hồ sơ chung khi du học hàn quốc
Các loại giấy tờ cần chuẩn bị trong bộ hồ sơ đăng ký du học Hàn Quốc:
Những lưu ý về hồ sơ:

Các giấy tờ cần nộp, nếu là bản sao thì cần được chứng thực bởi phòng công chứng hoặc các cơ quan có thẩm quyền, nếu là tiếng Việt thì phải kèm bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Hàn được dịch bởi phòng công chứng và các cơ quan có chức năng dịch thuật.
Học bạ và bằng tốt nghiệp cần có dấu hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự, xin tại:
Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Địa chỉ: 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
Hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Ngoại giao). Địa chỉ: 184 Bis Pasteur, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian nộp hồ sơ và nhận kết quả: Từ thứ Hai đến thứ Sáu và sáng thứ Bảy, trừ các ngày lễ tết.
Kinh nghiệm viết bài giới thiệu bản thân (자기소개서)
Số lượng: Chuẩn bị một bản gốc và nhiều bản phụ (bản được thay đổi về nội dung và độ dài sao cho phù hợp với từng chương trình học).
Số lượng từ (độ dài): Một điều khác lạ mà tôi thấy ở Hàn khi học Topik đó là chúng tôi phải viết vào giấy có ô vuông (kiểu giấy ô ly to vẫn hay dùng hồi tiểu học). Độ dài được cho là phù hợp với bài viết bao gồm cả phần cách (뛰어쓰기) và nội dung sẽ nằm trong khoảng 1.000 từ.
Cách dùng đuôi câu: Nếu ai đã học hoặc biết tiếng Hàn đều biết, họ có nhiều loại đuôi câu khác nhau, thể hiện cảm xúc và mức độ trang trọng hay thân mật khác nhau tùy vào từng đối tượng giao tiếp (phần này phức tạp và khác hẳn so với tiếng Anh nhưng thể hiện được văn hóa “kính trên nhường dưới” của người Hàn).
Theo như các cuốn sách tôi đã đọc và tham khảo các bài mà ứng viên nộp cho học bổng chính phủ vào trường tôi (tôi may mắn có cơ hội làm việc ở văn phòng quốc tế của trường nên thường xuyên được giao cho đọc và phân loại tài liệu của các ứng viên học bổng chính phủ), các bạn ứng viên đều dùng đuôi /습니다 cho bài viết về giới thiệu bản thân, kế hoạch học tập…
Nội dung của bài giới thiệu thì khỏi cần bàn vì ai cũng biết bài giới thiệu bản thân không chỉ là bộ mặt, tâm hồn của người viết mà còn là một bản tường trình về quá trình phát triển, nỗ lực, khả năng, tiềm năng, sự phù hợp của ứng viên đối với nhà trường và sự đóng góp của ứng viên cho xã hội… bạn phải đưa ra cho ban xét tuyển xem.
Một điều cần tránh nhất trong phần viết nội dung mà các thầy cô luôn nhắc đến đó là 표절 dịch nôm na là “đạo văn”. Đạo văn có nhiều kiểu khác nhau như đạo từ ngữ đẹp (khi mình học tiếng Hàn hay có mấy công thức mà ốp vào bài nào cũng được), đạo ý tưởng, thậm chí copy nguyên bài của người khác và đổi đi một vài từ…
Nội dung quan trọng trong bài giới thiệu bản thân: Tùy theo từng trường hoặc ngành khác nhau mà yêu cầu về bài giới thiệu bản thân cũng sẽ khác nhau một chút. Nhìn chung mỗi bài như vậy sẽ gồm từ 5-7 mục chính. Nhấn mạnh lại là một bài 자기소개서 cần phải có: hồn (느낌), ý nghĩa (의미 있는), ảnh hưởng (영향), đặc trưng (특징).
Tìm hiểu cụ thể về trường qua trang web chính thức của trường (mục 대학 소개) xem trường có những thông tin gì đặc biệt khác với các trường khác, trường mạnh về khoa gì, họ muốn tuyển chọn sinh viên ra sao… Một phần vô cùng quan trọng mà bạn không nên bỏ qua đó là phần thông tin về học bổng (장학 프로그램). Như tôi trong quá trình tìm trường cũng đã tìm đọc thông tin ở web của khoa mà mình dự định sẽ học và thông tin về các giáo sư trong khoa. Một anh bạn của tôi khuyên: “Nếu thấy tự tin, mình còn có thể e-mail trước cho giáo sư trong khoa đó để hỏi thăm tình hình cũng như bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của bản thân được học tập tại trường và khoa”.
Sau đó các bạn sẽ bắt đầu một cuộc “cách mạng” mà tôi gọi vui đó là “truy tìm bản thân”, hồi tưởng lại mình trong quá khứ, cuộc sống hiện tại và hình dung tương lai một cách cụ thể nhất. Đồng thời nghĩ đến một chủ đề mà bạn sẽ chọn làm xuyên suốt để viết bài, một chủ đề mà bạn có thể nêu ra được quá trình phát triển của bản thân, môi trường sống và học tập đã hình thành nên tính cách con người bạn sao, điểm mạnh – điểm yếu của bạn là gì …
Thứ tự các danh mục trong bài giới thiệu sẽ là: quá trình trưởng thành của bản thân, giới thiệu qua về gia đình, đặc biệt chú trọng về học vấn của bản thân, kinh nghiệm có liên quan đến học vấn, ưu – nhược điểm của bản thân, các hoạt động xã hội đã tham gia, tại sao bạn lại muốn nộp hồ sơ vào trường… Trong lúc làm việc ở văn phòng quốc tế của trường, tôi có cơ hội được xem bảng chấm điểm của một số học bổng chính phủ và tôi nhận thấy phần được đặc biệt chú ý là: Ứng viên đã và sẽ làm gì để có thể trở thành cầu nối, đẩy mạnh mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc? Sau đó bạn nên đưa ra kế hoạch học tập trong tương lai: Trường và khoa bạn muốn học sẽ đóng vai trò ra sao trong kế hoạch học tập, nghề nghiệp cũng như đóng góp cho xã hội của bạn sau này? 5-10 năm sau bạn sẽ thay đổi ra sao? Mục tiêu phấn đấu thế nào? Bạn sẽ định học gì, nghiên cứu gì, năng lực tự tìm tòi, nghiên cứu của bạn và nỗ lực của bạn ra sao?… Bạn phải nhấn mạnh được giá trị của bạn cũng như đóng góp cho cộng đồng trong tương lai thế nào?
Viết xong bạn nên đọc lại, nhờ người biết tiếng đọc để hoàn thiện. Bạn nên viết câu ngắn gọn và súc tích, dễ hiểu, không sai chính tả… đặc biệt trong tiếng Hàn tôi thấy nhiều bạn thường hay sai ở phần cách giữa các chữ (뛰어쓰기), đây là phần mà người Hàn cũng rất xem trọng. Một điểm nữa là bài giới thiệu bản thân cần khớp và liên kết với thư giới thiệu (추천서).
Thông tin về học bổng
Học bổng chính phủ
Học bổng Chính phủ Hàn Quốc (sau đại học, đại học, nghiên cứu)
Mục đích: Tạo cơ hội cho sinh viên quốc tế học tập tại các cơ sở giáo dục đại học của Hàn Quốc, qua đó thúc đẩy trao đổi giáo dục quốc tế và tình hữu nghị giữa các quốc gia.
Các bậc học:
Bậc đại học: Các ngành học theo chương trình 4 năm ở các trường đại học. Không bao gồm các ngành học kéo dài trên 4 năm như y, kiến trúc.
Bậc sau đại học: Các chương trình học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các trường đại học. Trong trường hợp nhập học ở các trường cao học chuyên môn có học phí vượt quá 10 triệu won/năm, sinh viên phải nhận được học bổng hỗ trợ từ trường.
Nghiên cứu: Giáo sư trao đổi và sau Tiến sĩ thực hiện đề tài nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu ở Hàn Quốc (bao gồm các trường đại học).
Chỉ tiêu: đại học 120 người, sau đại học 580 người (thay đổi tùy theo ngân sách).
- Quy trình tuyển chọn:
- Các hạng mục cấp học bổng
Dưới 25 tuổi tính đến ngày mùng 1 tháng 3 của năm ứng tuyển. Điều kiện:
Đại học:
Tốt nghiệp trung học phổ thông tính đến ngày mùng 1 tháng 3 của năm ứng tuyển.
Sau đại học:
Dưới 25 tuổi tính đến ngày mùng 1 tháng 9 của năm ứng tuyển.
Tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ tính đến ngày mùng 1 tháng 9 của năm ứng tuyển.
Chung:
Cả ứng viên và bố mẹ ứng viên đều phải là người nước ngoài.
Ứng viên có hai quốc tịch trong đó có quốc tịch Hàn Quốc không được coi là người nước ngoài.
Có đủ sức khoẻ để theo học dài hạn ở Hàn Quốc.
Người đang theo học hoặc đã tốt nghiệp đại học, sau đại học ở Hàn Quốc không được nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, sinh viên đã nhận học bổng Chính phủ Hàn Quốc trước đó và tiếp tục được đại sứ quán đề cử có thể tái nộp hồ sơ (một lần duy nhất).
Điểm trung bình chung tích lũy (GPA) ở cấp học cuối cùng trên 80%.
Cách thức nộp hồ sơ:
Đại học và sau đại học: Nộp hồ sơ qua Đại sứ quán Hàn Quốc ở nước sở tại hoặc trực tiếp đến các trường đại học tại Hàn Quốc.
Nghiên cứu: Nộp hồ sơ qua một trong các trường đại học ở Hàn Quốc.
- Thông tin tham khảo:
Thông tin chi tiết về hồ sơ và các vấn đề liên quan được đăng tải hằng năm qua mục (Scholarships – GKS Notice) trên trang web: www.kgspniied@korea.kr
Hỗ trợ sinh viên trao đổi xuất sắc
Mục đích: Tăng cường mức độ cạnh tranh của các trường đại học trong nước thông qua việc đẩy mạnh số lượng học sinh/sinh viên trao đổi, thúc đẩy du học Hàn Quốc phát triển thông qua việc tạo cơ hội cho du học sinh trao đổi hiểu thêm về văn hóa và giáo dục Hàn Quốc.
Thời gian cấp học bổng: 10 tháng (2 kỳ) hoặc bốn tháng (1 kỳ).
Chỉ tiêu: Khoảng 200 sinh viên quốc tế (thay đổi tùy theo ngân sách).
Học bổng
Điều kiện nộp hồ sơ (Phải đáp ứng tất cả các điều kiện dưới đây):
Là sinh viên tại trường đại học ở nước ngoài có liên kết với một trường đại học ở Hàn Quốc tham gia vào chương trình sinh viên trao đổi xuất sắc GKS.
Sinh viên hiện không theo học tại Hàn Quốc.
Điểm trung bình chung tích lũy đạt trên 80% theo thang đánh giá của trường đại học đang theo học. Sinh viên phải hoàn thành ít nhất 2 học kỳ ở trường đại học đang theo học.
Sinh viên đăng ký theo học các chương trình chính quy (Các khóa học ngắn hạn như học tiếng Hàn không được đăng ký).
Sinh viên chưa nhận bất kỳ học bổng nào từ Chính phủ Hàn Quốc.
Sinh viên không có quốc tịch Hàn Quốc.
Trong thời gian trao đổi tại Hàn Quốc, sinh viên có khả năng học 1 môn học bắt buộc (2 tín chỉ trở lên) về Hàn Quốc (tiếng Hàn hoặc văn hóa Hàn Quốc).
Quy trình tuyển chọn:
Tuyển chọn các trường đại học tham gia chương trình sinh viên trao đổi xuất sắc GKS (Viện Giáo dục Quốc tế).
Đề cử ứng viên nhận học bổng (Trường đại học tham gia chương trình sinh viên trao đổi xuất sắc GKS).
Hỗ trợ sinh viên du học tự túc xuất sắc
Mục đích: Xây dựng hình ảnh tích cực về Hàn Quốc thông qua việc hỗ trợ các sinh viên du học tự túc tại Hàn Quốc có thành tích xuất sắc, giúp các du học sinh có cuộc sống du học tốt hơn.
Thời gian cấp học bổng: 1 năm (12 tháng).
Chỉ tiêu: 200 du học sinh (thay đổi tùy theo ngân sách).
Học bổng: Sinh hoạt phí 6 triệu won (500.000 won/tháng).
Quy trình nộp hồ sơ:
Vào trang thông tin tổng hợp du học Hàn Quốc (www.studyinkorea.go.kr) để đăng ký => Nộp hồ sơ online => In đơn đăng ký => Nộp cho trường đại học => Trường đại học tuyển chọn lần 1, đưa ra danh sách đề cử ứng viên => Viện Giáo dục Quốc tế xem xét và đưa ra quyết định.
Điều kiện nộp hồ sơ: Các ứng viên phải đáp ứng được tất cả các điều kiện dưới đây:
Sinh viên du học tự túc đang theo học hệ đại học chính quy tại một trường đại học (kể cả đại học chuyên môn) ở Hàn Quốc, đã học ít nhất 2 học kỳ tính đến thời điểm đăng ký.
Sinh viên chỉ đăng ký học mà không có tín chỉ tích lũy, sinh viên sau đại học, sinh viên đại học vào sau đại học của các trường đại học trực tuyến không được đăng ký.
Điểm trung bình chung tích lũy đạt trên 80% (Không chấp nhận điểm làm tròn).
Điểm trung bình kỳ gần nhất đạt trên 80%.
Có chứng chỉ năng lực tiếng Hàn từ cấp bốn
trở lên.
Sinh viên đã nhận học bổng của chính phủ Hàn Quốc, học bổng của trường đại học hay học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp (Sinh hoạt phí một tháng trên 300.000 won) không được nộp hồ sơ.
Học bổng cho sinh viên ưu tú của một số nước
Mục đích: Mời các sinh viên ưu tú – những người lãnh đạo tương lai của các quốc gia đến Hàn Quốc để học và trải nghiệm văn hóa, qua đó tăng cường sự hiểu biết về Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy du học Hàn Quốc phát triển.
Đối tượng: Tổng 120 người (thay đổi tùy theo ngân sách).
60 sinh viên ưu tú đến từ các quốc gia có quan hệ hợp tác chiến lược với Hàn Quốc.
60 sinh viên ưu tú đến từ các trường có giảng dạy tiếng Hàn.
Thời gian: 11 ngày.
Nội dung: Tham gia các khóa học đặc biệt, tham quan các trường đại học, di tích văn hóa, các doanh nghiệp, ở homestay...
Kinh phí: Vé máy bay hai chiều, tiền tiêu vặt, phí nghiên cứu... Chính phủ Hàn Quốc chi trả. Phí xin cấp visa, phí giao thông đi lại trong nước cá nhân tự trả.
Học bổng cho sinh viên ngành khoa học, kỹ thuật các nước ASEAN
Mục đích: Mời sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật của các nước ASEAN đến Hàn Quốc, thăm các trường đại học khoa học, kỹ thuật, các nhà máy công nghiệp phát triển, qua đó thu hút nhân tài đến với Hàn Quốc.
Thời gian: 5 tuần (Khoảng tháng 7-8).
Chỉ tiêu: 120 người (Thay đổi tùy theo ngân sách).
Học bổng: Vé máy bay, chi phí ăn ở, bảo hiểm y tế và các chi phí khác.
Cách thức nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ trực tiếp tới các cơ quan được chọn tham gia chương trình. Danh sách các cơ quan tham gia chương trình được công bố vào tháng 3 hằng năm.
Điều kiện ứng tuyển: Ứng viên phải đáp ứng được tất cả các điều kiện dưới đây
Là công dân của các nước trong khối ASEAN.
Là sinh viên năm thứ 2-3-4 đang theo học các ngành khoa học, kỹ thuật ở các trường đại học trong khối ASEAN.
Có thể nói tiếng Hàn hoặc tiếng Anh trôi chảy.
Có sức khoẻ tốt.
Có khả năng thích nghi với cuộc sống và văn hóa Hàn Quốc.
Tiêu chí xét tuyển: Kết quả học tập, năng lực tiếng Hàn hoặc tiếng Anh, bài luận giới thiệu bản thân, thư giới thiệu...
Tuyển chọn sinh viên học bổng ngân sách nhà nước
Mục đích: Đào tạo nhân tài mang tính toàn cầu ở những lĩnh vực cần cho sự phát triển chiến lược của quốc gia.
Đối tượng: Thạc sĩ, Tiến sĩ, nghiên cứu chuyên sâu.
Thời gian: Cấp học bổng 2-3 năm (2 năm đối với các nước Mỹ – Canada – Anh; 3 năm đối với các quốc gia khác).
Học bổng: Học bổng bao gồm toàn bộ chi phí như học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm... cùng vé máy bay hai chiều được hỗ trợ riêng.
Chỉ tiêu: 40 người (tuyển chọn thường 25 người, tuyển chọn đặc biệt 8 người, chuyên gia kỹ thuật 7 người thay đổi tùy theo ngân sách).
Điều kiện:
Sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy trong nước (hệ 4 năm trở lên).
Có học lực xuất sắc, điểm trung bình chung ở đại học đạt trên 80% (Chuyên gia kỹ thuật: làm việc tại một doanh nghiệp vừa và nhỏ, tốt nghiệp một chuyên ngành đặc thù).
Nam giới không bị giới hạn về tuổi tác và nghĩa vụ quân sự.
Quy trình nộp hồ sơ: Sau khi kiểm tra điều kiện ứng tuyển và quy trình tuyển chọn, chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua trường đại học theo lịch trình quy định.
Quy trình tuyển chọn:
Sinh viên trúng tuyển sẽ được giáo dục định hướng trước khi được gửi đi du học.
Kết thúc quá trình học tập, sinh viên sẽ phải báo cáo kết quả học tập.
Học bổng của các trường đại học
Rất nhiều trường đại học ở Hàn Quốc có các chương trình học bổng đa dạng dành cho du học sinh. Đại đa số các trường đại học, tùy thuộc theo điểm số sẽ trao các suất học bổng từ 30% đến 100% cho du học sinh. Thông tin về học bổng của các trường đại học có thể tham khảo trên website của trường hoặc như dưới đây.
Học bổng dành cho sinh viên quốc tế ở các trường đại học (tư thục, ở khu vực thủ đô)
Học bổng dành cho sinh viên quốc tế ở các trường đại học (tư thục, ở ngoài khu vực thủ đô)
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình học bổng của các trường đại học bạn nên liên hệ trực tiếp với các trường để được giải đáp.
Cách tìm học bổng trường:
Bạn đánh tên trường vào Google => vào web trường => vào mục Admission Scholarship.
Học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp
Học bổng tài năng nghệ thuật châu Á (AMA)
Quỹ hỗ trợ giáo dục phổ thông Hàn Quốc và giao lưu học thuật quốc tế (ISEF)
Quỹ POSCO Cheongam (Học bổng du học Hàn Quốc cho sinh viên các nước châu Á)
Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Chương trình nghiên cứu dành cho sinh viên sau đại học chuyên ngành Hàn Quốc)
30 trường đại học hàng đầu Hàn Quốc
Dưới đây tôi sẽ cung cấp danh sách 30 trường đại học hàng đầu Hàn Quốc (thời gian cập nhật: tháng 9/2018) [12]
Có một điều cần lưu ý là bảng xếp hạng này có thể thay đổi theo thời gian nên các bạn cần truy cập vào trang web để cập nhật.
Nếu đang băn khoăn chọn trường, chọn ngành, bạn có thể tham khảo www.studyinkorea.go.kr là trang web cung cấp khá đầy đủ về thông tin du học tại Hàn Quốc theo từng khu vực, từng loại trường công lập hay dân lập, học bổng...
Chú thích:
[12] Bạn có thể tra cứu thông tin cụ thể tại địa chỉ: www.webometrics.info/en/Asia/Republic%20Of%20Korea.
Quy trình xin visa
Khi bạn đi du học Hàn Quốc tức là bạn sẽ nhập cảnh vào Hàn Quốc. Để được nhập cảnh bạn phải có visa.
Bạn có thể vào trang web của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam www.vnm-hanoi.mofa.go.kr để tham khảo thông tin hướng dẫn xin visa. Dưới đây tôi sẽ liệt kê các loại hồ sơ visa du học đối với người đi học tự nộp hồ sơ, không nộp qua các công ty tư vấn.
Các loại hồ sơ xin visa du hoc theo từng chương trình
Các loại giấy tờ chung:
Đơn xin visa, hộ chiếu;
1 ảnh;
Bản gốc giấy nhập học;
Bản sao đăng ký kinh doanh của trường ở Hàn Quốc;
Bản sao chứng minh thư (mang theo bản gốc);
Phiếu kết quả xét nghiệm bệnh lao/phổi;
Mẫu đăng ký thông tin của người xin cấp visa du học.
Du học Thạc sĩ, Tiến sĩ:
Các loại giấy tờ chung;
Giấy tờ chứng minh học lực cao nhất (bản gốc và bản dịch công chứng nhà nước);
Giấy tờ chứng minh tài chính (tham khảo
phía dưới).
Du học nghiên cứu (Phải là người đã tốt nghiệp trên Thạc sĩ):
Các loại giấy tờ chung;
Giấy tờ chứng minh học lực cao nhất (bản gốc và bản dịch công chứng nhà nước);
Giấy tờ chứng minh tài chính (tham khảo
phía dưới);
Giấy chứng nhận nghiên cứu (Ví dụ: giấy xác nhận nghiên cứu sinh người nước ngoài…).
Du học theo chương trình trao đổi của hai trường đại học Việt Nam – Hàn Quốc:
Các loại giấy tờ chung;
Bản sao biên bản hợp tác trao đổi sinh viên giữa hai trường;
Quyết định cử đi của trường Việt Nam (bản gốc tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh/Hàn công chứng);
Thẻ sinh viên photo hai mặt hoặc giấy xác nhận đang là sinh viên của trường do trường đại học cấp và đóng dấu (bản gốc và dịch tiếng Anh/Hàn công chứng nhà nước);
Bảng điểm các kỳ học đã học của trường đại học (bản gốc và dịch tiếng Anh/Hàn công chứng);
Giấy tờ chứng minh tài chính (tham khảo phía dưới).
Du học cao đẳng, đại học:
Các loại giấy tờ chung;
Bằng tốt nghiệp và học bạ (bản gốc và bản dịch tiếng Anh/Hàn công chứng nhà nước).
Trường hợp đã tốt nghiệp đại học hoặc Thạc sĩ thì nộp thêm bằng và bảng điểm.
Kế hoạch học tập, bản tự giới thiệu về bản thân (phải tự viết bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh, không chấp nhận bản dịch);
Sơ yếu lý lịch bản tiếng Việt gốc và bản dịch tiếng Anh công chứng;
Giấy tờ chứng minh tài chính (tham khảo
phía dưới).
Du học học tiếng:
Các loại giấy tờ chung;
Giấy kế hoạch học tập do nhà trường Hàn; Quốc gửi về (bao gồm nội dung về thời biểu học, giới thiệu giảng viên…);
Bằng tốt nghiệp và học bạ (bản gốc và bản dịch tiếng Anh/Hàn công chứng). Trường hợp đã tốt nghiệp đại học hoặc Thạc sĩ thì nộp thêm bằng và bảng điểm.
Kế hoạch học tập, bản tự giới thiệu về bản thân (phải tự viết bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh, không chấp nhận bản dịch);
Sơ yếu lý lịch bản tiếng Việt gốc và bản dịch tiếng Anh công chứng;
Giấy tờ chứng minh tài chính (tham khảo phía dưới).
Nếu sinh viên có bằng trung học phổ thông hoặc đại học được cấp ở nước ngoài thì cần xin dấu xác nhận Apostille [13] hoặc dấu xác nhận lãnh sự ở đại sứ quán của nước đó tại Việt Nam..
Các loại hồ sơ chứng minh tài chính
Tiêu chuẩn về xét số dư tài khoản
Trường hợp xin visa quá trình học cao đẳng, đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ (D-2): Gửi 20.000 USD vào ngân hàng tối thiểu 3 tháng trước ngày nộp hồ sơ.
Trường hợp xin visa học theo chương trình trao đổi của hai trường đại học Việt Nam – Hàn Quốc (D-2): Gửi 9.000 USD vào ngân hàng tối thiểu 3 tháng trước ngày nộp hồ sơ.
Trường hợp xin visa quá trình học tiếng (D-4): Gửi 9.000 USD vào ngân hàng tối thiểu 6 tháng trước ngày nộp hồ sơ.
Không chấp nhận sổ tiết kiệm chuyển quyền/chuyển nhượng hoặc sổ tiết kiệm của Quỹ tín dụng.
Về bảo lãnh tài chính
Trường hợp bố mẹ đẻ bảo lãnh tài chính:
Các giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… (bản dịch tiếng Anh công chứng);
Các giấy tờ chứng minh tài chính của bố mẹ như chứng minh nghề nghiệp, xác nhận khả năng thu nhập lương hằng tháng… (bản gốc và bản dịch tiếng Anh công chứng);
Cam kết bảo lãnh tài chính cho con đi học của bố mẹ có chứng thực của địa phương về chữ ký (bản gốc và bản dịch tiếng Anh công chứng);
Bản gốc và bản photo sổ tài khoản, giấy xác nhận số dư tiền gửi bản gốc tiếng Anh do ngân hàng cấp gần nhất đến ngày nộp hồ sơ (chỉ thu bản xác nhận số dư tiền gửi được cấp trong vòng 10 ngày trước ngày nộp hồ sơ).
Trường hợp bố mẹ đẻ đã mất hoặc đều ở Hàn Quốc thì anh chị ruột hoặc anh rể/chị dâu (có quốc tịch Hàn Quốc) sẽ đứng ra bảo lãnh tài chính:
Các giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình của Hàn Quốc và Việt Nam như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… (bản dịch tiếng Anh công chứng);
Các giấy tờ chứng minh tài chính của người bảo lãnh (bản gốc và bản dịch tiếng Anh công chứng);
Cam kết bảo lãnh tài chính có chứng thực của địa phương về chữ ký (bản gốc và bản dịch tiếng Anh công chứng);
Bản gốc và bản photo sổ tài khoản, giấy xác nhận số dư tiền gửi bản gốc tiếng Anh do ngân hàng cấp gần nhất đến ngày nộp hồ sơ (chỉ thu bản xác nhận số dư tiền gửi được cấp trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ).
Trường hợp người Hàn Quốc bảo lãnh tham khảo hướng dẫn bằng tiếng Hàn thì giáo sư của khoa mà sinh viên sắp nhập học sẽ bảo lãnh:
Bản gốc cam kết bảo lãnh tài chính cho sinh viên (nêu rõ số tiền học bổng, số kỳ được cho học bổng và đóng dấu cá nhân của giáo sư);
Bản gốc giấy chứng nhận mẫu dấu cá nhân của giáo sư;
Bản gốc giấy chứng nhận nghề nghiệp của giáo sư do trường cấp;
Bản gốc giấy chứng minh tài chính của giáo sư (Ví dụ: giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, giấy xác nhận phí nghiên cứu của giáo sư sẽ nhận…).
Trường hợp sinh viên được học bổng:
Trường hợp được học bổng dưới 100%
Giấy chứng nhận học bổng (bản gốc) và giấy tờ chứng minh tài chính bình thường như sinh viên đi du học tự túc.
Trường hợp được học bổng 100%
Giấy chứng nhận học bổng (bản gốc).
Áp dụng kết quả đánh giá các trường đại học
Những sinh viên xin nhập học vào trường đại học Hàn Quốc được miễn giảm hồ sơ thì chuẩn bị nộp hồ sơ như sau:
Hộ chiếu, đơn xin visa, giấy nhập học (bản gốc), bản sao đăng ký thành lập của trường đại học ở Hàn Quốc, phiếu kết quả xét nghiệm lao phổi, bản sao chứng minh thư nhân dân;
Những người xin nhập học vào trường đại học Hàn Quốc miễn giảm hồ sơ có thể nộp hồ sơ xin visa ở Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam hoặc xin mã số cấp visa tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Hàn Quốc tại Hàn Quốc.
Lưu ý
Thời gian kiểm tra hồ sơ xin visa du học mất 28 ngày. Tuy nhiên, trường hợp cần xét duyệt thêm thì thời gian xem xét hồ sơ sẽ kéo dài hơn nên cần lưu ý nộp hồ sơ đúng thời điểm để kịp nhập học.
Cần nộp thêm bản photo chứng minh thư nhân dân đối với các loại visa.
Đối với các giấy tờ do phía Việt Nam chuẩn bị đều cần có bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Hàn.
Các loại giấy tờ nộp xin visa phải là khổ giấy A4.
Thông tin về học phí và sinh hoạt phí
Để chuẩn bị tốt cho sinh hoạt du học sau này, mỗi chúng ta khi xác định du học cần lựa chọn trường và ngành học phù hợp có mức học phí phù hợp với khả năng tài chính của bản thân.
Thông thường các trường đại học công lập được chính phủ tài trợ, do đó sẽ có mức học phí thấp hơn các trường dân lập.
Bảng phân loại học phí:
(Khi bạn đóng học phí bạn có thể đóng bằng USD hoặc bằng won.)
Bạn có thể tham khảo thông tin về các trường đại học tại Hàn Quốc tại trang web: www.academyinfo.go.kr.
Sinh hoạt phí
Các chi phí khác có thể thay đổi theo từng trường, các bạn nên chủ động liên hệ tìm hiểu.
Nhìn chung, về tổng chi phí sinh hoạt tại Hàn cho một người bình thường sẽ rơi vào khoảng:
500 USD tiền ở + 300 USD tiền ăn + 40 USD phí đi lại + 30 USD tiền điện thoại = 870 USD
Bảo hiểm thường mua theo năm khoảng 150 USD/năm.
Các bước nhập học
Vì thời gian đăng ký, nộp hồ sơ, tuyển chọn hồ sơ thay đổi theo từng trường hoặc từng khoa nên các bạn cần tự tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường bằng cách vào website của trường hoặc bạn có thể tìm hiểu qua các trung tâm tư vấn du học, các văn phòng đại diện tuyển sinh của trường.
Hồ sơ cần phải được dịch thuật công chứng (có thể chỉ cần công chứng ở các văn phòng công chứng hoặc phải công chứng ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam tại 40B Trần Phú – Hà Nội).
Các bước làm hồ sơ ứng tuyển để nhập học với trường và khoa đã chọn:
Chọn trường và khoa qua website của từng trường và đặt lịch hẹn với đại sứ quán để xin visa.
Hoàn thành các yêu cầu của trường, chuẩn bị hồ sơ.
Gửi hồ sơ đi (online hoặc chuyển phát nhanh) và chờ kết quả.
Xin visa ở Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam:
Chuẩn bị hồ sơ cần thiết để xin visa.
Xin visa.
Nhận visa.
Chú thích:
[13] Công ước Apostille hay Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài, là công ước quy định giấy tờ công được ban hành của một trong những nước ký kết có thể được công nhận tính pháp lý tại tất cả các quốc gia ký kết khác
Tôi Hòa nhập với cuộc sống tại Hàn Quốc
chuẩn bị và lên đường
Đi hay không đi?
Con người không phải là một cái máy được lập trình. Hãy thử tưởng tượng nhé:
Nếu bạn không đi, bạn sẽ nhìn những bức ảnh bạn bè khoe trên trang cá nhân, những nơi họ đến, những câu chuyện họ kể và bạn sẽ giày vò bản thân rằng tại sao hồi đó mình không đi. Bạn sẽ trách móc bản thân rồi đổ cho số phận an bài và cảm thấy nản chí. Nhưng nếu bạn đi, bạn sẽ có những cảm xúc như vui sướng, bỡ ngỡ, thấy may mắn vì được khám phá những trải nghiệm mới, được kết bạn với bạn bè đến từ mọi miền trên thế giới. Bạn mải miết với niềm vui. Bỗng một ngày bạn thấy hụt hẫng, bàng hoàng và muốn trở về với comfortable zone (vùng an toàn) của mình. Rồi bạn nhớ nhà, bạn thấy thật khó để bắt nhịp được cuộc sống nơi đây, không ai bắt bạn phải qua đây, không ai bắt bạn phải đi làm thêm đến 11 giờ đêm để có tiền đóng học hoặc đi du lịch. Bạn bất cần, bạn cảm thấy không đủ mạnh mẽ để vượt qua giới hạn bản thân. Bạn thấy đầu muốn nổ tung vì đủ thứ ngôn ngữ, đủ thể loại người với những kiểu văn hóa khác nhau. Bạn khóc suốt đêm, bạn gào thét với chính bản thân mình, bạn buông thả với bản thân, bạn chán học chán làm, không muốn gặp gỡ bất cứ ai. Bạn lủi thủi với cô đơn, bạn muốn về với bố mẹ ngay lập tức, bạn thấy “Văn hóa gia đình mình, đất nước mình mới là tuyệt!” Bạn thấy người nước ngoài, họ thật quái đản, bạn ghét mọi thứ.
Sau những ngày chìm mình trong sự cô đơn, nhớ nhà, chán nản, bạn nhận ra mình đi để cảm nhận, mở lòng, trải nghiệm thậm chí là đau khổ. Bạn sẽ thấy trân trọng gia đình, trân trọng những người yêu thương bạn, ở bên bạn lúc khó khăn và chia sẻ cùng bạn. Bạn kết bạn mới và học được nhiều điều từ họ.
Vậy, cho bạn lựa chọn đi du học hay ở nhà? Bạn sẽ chọn con đường nào?
Là tôi, tôi vẫn đi. Đi để không hối hận vì mình từ bỏ quá sớm. Vì tôi còn trẻ và tôi phải tự tìm cho mình một con đường đi tới tương lai. Dù có vấp ngã, tôi sẽ lại đứng lên và tiếp tục đi. Tôi sẽ được là chính mình. Tôi sẽ không mang trong mình cảm giác ân hận vì đã sống uổng phí cuộc đời hay than thở “Ôi! Sao cuộc sống thật chán!” Tuy nhiên không phải nói đi là đi bởi đây là một quyết định có ảnh hướng lớn đến cuộc đời. Bạn không thể đi trong khi “mù đường”, phải tìm thông tin, phải hiểu mình sẽ đi đâu và làm gì, đi với mục đích gì và chắc chắn là không bỏ về giữa chừng trong lúc đi.
Thời điểm thích hợp để đi du học tại Hàn
Tôi thấy không có tiêu chuẩn hay câu trả lời nào chính xác cho câu hỏi “Nên đi du học vào thời điểm nào?”, bởi vì du học là một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời. Để du học đạt hiệu quả, tôi nghĩ cần có sự chuẩn bị thật tốt về tâm lý, ngôn ngữ, kiến thức, tài chính, kỹ năng sống, khả năng thích nghi với môi trường mới.
Thông thường, các trường đại học ở Hàn Quốc có hai kỳ nhập học: mùa xuân (tháng 3) và mùa thu (tháng 9). Các khóa học tiếng Hàn sẽ phụ thuộc vào từng trường cụ thể. Thông thường bạn có thể nhập học vào tháng 1-3-6-9-12 tùy vào việc nhà trường mở lớp khi nào. Quan trọng nhất, thời điểm bạn chọn phải thực sự phù hợp để bạn có thể chuẩn bị được một hành trang tốt và chắc chắn điều này còn phụ thuộc vào số lượng người đăng ký xin visa ở đại sứ quán nữa. Hiện nay, số lượng người làm visa sang Hàn khá đông nên thời gian chờ cũng sẽ lâu hơn.
Chuẩn bị Tâm lý
Điều tôi muốn nói ở đây đó là nếu bạn đã xác định mình muốn đi du học bằng con đường tự túc hay bằng học bổng thì “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Tôi gặp nhiều trường hợp đăng ký, làm hồ sơ đi du học, được nhà trường chấp nhận rồi lại nản chí và bỏ cuộc. Lý do thì nhiều vô kể. Đặc biệt là những bạn bị ảnh hưởng bởi tâm lý của phụ huynh mang tên “có công ăn việc làm ổn định, lấy chồng rồi sinh con cho bố mẹ nhờ”. Một số trường hợp bỏ cuộc khác mà tôi gặp như sang đến nơi rồi không học nổi, nhớ nhà quá, thức ăn và thời tiết không hợp nên đã bỏ học giữa chừng. Vì thế mới nói đã quyết tâm đi du học thì dù gia đình có phản đối, dù gặp khó khăn để hòa nhập cuộc sống và học tập cũng đừng để ý chí bị lay chuyển.
Có một bạn tâm sự với tôi rằng bạn rất muốn đi du học nhưng mẹ bạn lại “xót con”. Mẹ bạn ấy hứa sẽ mua cho bạn một chiếc xe máy đời mới nếu chịu ở nhà. Trên blog của mình, tôi nhận được nhiều inbox tâm sự, chia sẻ cảm xúc, nỗi lo lắng, sợ hãi hay háo hức, rộn ràng của các bạn đang làm hồ sơ đi du học Hàn Quốc.
Tôi vẫn ấn tượng và nhớ mãi câu của một cô bạn tên Vân, sinh năm 1995, người Hải Phòng. Chị gái Vân lấy chồng Hàn, sau đó chị Vân đón bố mẹ em sang Hàn sống cùng, bố mẹ sang Hàn đi làm và kiếm tiền gửi về Việt Nam nuôi Vân ăn học. Vân ở lại Việt Nam với bà. Cho đến một ngày, mẹ Vân qua đời vì đột quỵ trong lúc làm việc, trái tim em như vỡ vụn, em thậm chí còn không được gặp mẹ lần cuối trước khi mẹ mất. Rồi em ôm giấc mơ được sang Hàn để đoàn tụ với gia đình. Vân tự làm hồ sơ du học, em đọc Facebook, blog của tôi và đã mở lòng tâm sự với tôi về hoàn cảnh của em. Em muốn được sang Hàn đoàn tụ với bố và chị gái. Đêm đó, tôi đã khóc rất nhiều vì thương và cảm phục ý chí của cô bé.
Tôi cũng nhận được những lời tâm tư giằng co của các bạn đang làm hồ sơ đi du học Hàn. Các bạn đều phải đặt hoàn cảnh hiện tại và giấc mơ tương lai lên bàn cân, cân đo đong đếm. Mỗi dòng chữ của các bạn gửi cho tôi đều chứa đầy sự quyết tâm, khao khát được đặt chân đến Hàn Quốc để học tập.
Ngôn ngữ
Hồi mới sang tôi không biết chút gì tiếng Hàn, cho đến bây giờ, sau hơn 4 năm, khi đã giao tiếp khá trôi chảy trong cuộc sống thường ngày, đọc – hiểu được sách báo, ti vi... thì tôi mới có cảm giác “À thực sự bây giờ mới cảm nhận được là mình đang đi du học ở Hàn!” Hiểu được tiếng Hàn, tôi thấy cuộc sống trở nên thú vị hơn nhiều, cơ hội cũng nhiều hơn và tự cảm thấy hạnh phúc hơn.
Dù bạn có nói bạn học chương trình bằng tiếng Anh đi chăng nữa thì tiếng Hàn vẫn vô cùng quan trọng khi bạn quyết định đi du học Hàn. Ngôn ngữ giúp bạn có thể đọc – hiểu được kiến thức chuyên môn lẫn giao tiếp. Tôi sang Hàn học chuyên ngành về kinh tế, hồi mới sang, kiến thức về kinh tế chẳng có mấy mà vốn ngôn ngữ lại kém nên đọc sách không hiểu sách nói gì, học chuyên ngành khá là vất vả. Hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, con người đối với tôi lại càng là một số 0 tròn trĩnh, tiếng Anh thì vẫn không thể dùng để giao tiếp hằng ngày được vì nhiều người Hàn không biết sử dụng tiếng Anh.
Có lúc đi với một hội bạn thấy họ cười nói, thảo luận từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội mà tôi chỉ biết gật đầu và mỉm cười. Đến mức các bạn ấy còn bảo: “Thôi hỏi nó làm gì, nó có bao giờ có ý kiến đâu?” Không phải do tôi không có ý kiến mà vấn đề là tôi chẳng biết nói ra thế nào, nói thì lại sợ (chẳng biết hồi đó sợ cái gì nữa, chắc do sợ nói tiếng Anh bị cười). Hồi còn ở Việt Nam, tôi học tiếng Anh không thuộc hàng xuất sắc, đi học thêm thì toàn học ngữ pháp, ít khi học nói hay phát âm và không có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài nên tôi luôn cảm thấy tự ti khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Hồi đó vì quá xấu hổ vì không thể giao tiếp với mọi người nên tôi quyết tâm là cứ nói bừa đi, làm con ngốc cũng được, sai thì sửa, suốt ngày còn bị trêu là nói tiếng Anh đặc sệt tiếng Việt. Sau nửa năm sang Hàn, học lên học xuống, học đến phát khóc thì tôi đã tự tin trò chuyện với các bạn cùng lớp.
Tôi nhớ mãi hôm tôi lên thuyết trình môn International Trade (Thương mại quốc tế), sau khi thuyết trình xong, cả lớp và cô giáo đều vỗ tay rất to. Các bạn cùng lớp đã lên bắt tay, vỗ vai tôi và bảo rằng “Hoai! You improved a lot compared to the first time you came here! Your English and presentation skills are much better!”, đại khái là khen tôi có tiến bộ trong kỹ năng thuyết trình và tiếng Anh. Hôm đó tôi suýt bật khóc luôn ở lớp vì hạnh phúc.
Mua vé máy bay
Đối với tôi thì bay sang Hàn chính là chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời nên tôi háo hức lắm. Hồi đó tôi được nhà trường mua vé cho nhưng các lần đi – về sau đó đều tự mua. Bạn có thể bay đến sân bay quốc tế Incheon (khu vực phía bắc) và sân bay Busan (khu vực phía nam). Tôi thấy các bạn thường chọn trường ở khu vực Seoul nên hay chọn sân bay Incheon. Một số hãng hàng không mà bạn có thể mua vé bay qua sân bay Incheon (xếp theo thứ tự tương đối từ đắt đến rẻ) như sau:
Có khoảng 11 chuyến bay/ngày đến Seoul, trung bình mỗi chặng bay mất khoảng 4 giờ 15 phút, bạn có thể vào trang web của các hãng để đặt trực tiếp hoặc đặt qua các tổng đài, đại lý bán vé máy bay. Giá cả sẽ chênh lệch theo từng hãng và từng thời điểm bay.
Hành lý
Hành lý tôi mang thường gồm có: hành lý xách tay, hành lý ký gửi, một ba lô đựng máy tính xách tay, điện thoại, tiền và giấy tờ tùy thân.
Hành lý ký gửi (20-40 kilôgam) thường là chỗ tôi để những thứ nặng, cồng kềnh, kích thước của va li cũng được quy định cụ thể nên các bạn có thể vào web của hãng hàng không để kiểm tra lại thông tin. Thông thường hành lý ký gửi không được vượt quá 32 kilôgam và tổng kích thước ba chiều (dài, rộng, cao) không được vượt quá 119 x 119 x 81 centimét. Có một chú ý là không được phép để pin sạc dự phòng điện thoại trong hành lý ký gửi.
Hành lý xách tay (7-10 kilôgam) thường có quy định về tổng kích thước ba chiều (dài, rộng, cao) không được vượt quá 115cm (56 x 36 x 23 centimét).
Hiện nay, tôi thấy số lượng khách đi chuyến bay Hà Nội – Seoul rất đông nên các bạn nhớ tới sân bay sớm hơn khoảng 2 tiếng 30 phút – 3 tiếng để làm thủ tục kiểm tra hành lý ký gửi, nhận vé, check-in và lên máy bay.
Vấn đề cân nặng của hành lý:
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân của tôi trong một lần tôi bay Vietjet Air, tôi có mang một nồi cơm điện mua từ Hàn về Việt Nam, cần đóng hộp cẩn thận và ký gửi ở hành lý ký gửi, tôi bị quá 5 kilôgam và bị phạt 90 USD (so với giá trên mạng mua 20 kilôgam là khoảng 26 USD thật sự quá là đắt). Vì vậy nếu bạn đi hãng hàng không giá rẻ thì nhớ kiểm tra cân thật cẩn thận, tránh trường hợp mất tiền oan như tôi.
Vì giới hạn mang đồ thường chỉ khoảng hơn 40-50 kilôgam (khoảng 30-40 kilôgam gửi và hơn 7-10 kilôgam xách tay) nên các bạn chỉ nên chọn những thứ quan trọng và cần thiết nhất, không nên mang quá nhiều đồ vì bạn hoàn toàn có thể mua được bên này.
Ba tiêu chí lựa chọn việc mang đồ:
Mang những đồ quan trọng, đặc biệt, những đồ chỉ ở Việt Nam mà Hàn không có.
Mang những đồ ở Việt Nam rẻ mà ở Hàn quá đắt.
Còn lại đồ đạc nào giá cả tương đương hoặc đắt hơn chút ít thì nên mua ở Hàn.
Hai bước để chuẩn bị đồ dùng ở Hàn:
Bước 1: Làm quen với các tiền bối
Trước hết các bạn cũng nên làm quen với một số anh chị nơi bạn sẽ ở để cập nhật thông tin về các siêu thị hoặc cửa hàng châu Á, ở đó thường thiếu gì, cái gì rẻ, đồ gì họ đã thừa hoặc không dùng đến thì có thể cho bạn mượn hoặc mua lại được không? Ví dụ: chăn màn, nồi niêu xoong chảo, đồ điện gia dụng...
Ở Hàn, mỗi lần làm food festival bọn tôi thường mua khá nhiều nồi niêu, xoong chảo, bát đũa… Ký túc xá ở trường tôi cũng cho sinh viên thuê chăn gối hoặc họ bán luôn cả chăn gối cho sinh viên.
Bước 2: List đồ cần mua
Sau đây là một số thứ tôi nghĩ là quan trọng và nên mang đi, cũng tùy sở thích, nhu cầu của từng bạn mà mang nhiều hay ít hoặc không mang.
Tiền mặt:
Hồi tôi đi, mẹ đưa cho 500 USD (200 USD và 300.000 won) nhưng vì mỗi tháng tôi được cấp 300.000 won trong ba tháng mới sang nên không quá thiếu tiền, các bạn nên cân nhắc mang bao nhiêu tùy theo nhu cầu. Các bạn có thể dựa vào bảng thống kê các khoản tiền mà tôi liệt kê ở trên để chuẩn bị. Khi mang sang đây nhớ chia tiền và cất vào các ngân hàng cho an toàn. Hệ thống ngân hàng Hàn rất phát triển. Bạn có thể tìm thấy các cây rút tiền tự động ATM một cách dễ dàng. Ngoài ra, bạn có thể rút tiền ở các cây rút tiền trong cửa hàng tiện lợi 24/7(có mất phí rút tiền).
Quần áo:
Trước khi nói về quần áo, tôi thấy Hàn Quốc đang nóng dần đều (vào mùa đông và hè) so với hồi tôi mới sang do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính. Mùa đông, nhiệt độ có thể xuống tới -10 độ C nhưng do ở đâu cũng có hệ thống sưởi từ tàu xe, lớp học cho đến phòng trọ nên tôi không có cảm giác bị rét buốt. Hơn nữa, sinh viên như tôi thì chẳng mấy khi đi ngoài đường, vào trong nhà thì không cần phải mặc quá nhiều quần áo.
Áo phông cộc và dài tay, tôi mua tại Hàn: 10.000-15.000 won/chiếc.
Áo sơmi, mua tại Hàn: 10.000-15.000 won/chiếc.
Áo len loại mỏng mua tại Hàn và loại cao cổ tôi mua ở Việt Nam.
Áo khoác mỏng và cardigan mua tại Hàn.
Áo khoác dày siêu ấm tôi mua tại Hàn: 70.000 won/chiếc.
Quần bò, quần ngố giá tại Hàn: 18.000-30.000 won/chiếc.
...
Đây là giá quần áo mà tôi thấy phổ biến ở các ga tàu điện ngầm, gần bến xe Kangnam Seoul, các khu mua sắm, Deagon… nhưng còn tùy vào từng cửa hàng và các hãng khác nhau.
Quần áo, giày dép ở Hàn rất nhiều lại đẹp, bạn có thể mua online tại các web như www.wemakeprice.com, www.global.gmarket.co.kr/Home/Mainwww.coupang.com... Các bạn có thể tải app về máy điện thoại và mua online rất tiện, bạn nhớ “rình” giảm giá để mua cho rẻ.
Hồi mới sang tôi thậm chí còn mang cả khăn tắm, khăn mặt, tất rồi khăn len, mũ len, quần áo lót, băng vệ sinh… nhưng về sau thì tôi đều mua chúng ở các cửa hàng, siêu thị. Vest – comple, áo dài cũng không quá cần thiết tuy nhiên nếu va li còn chỗ thì bạn vẫn nên mang đề phòng trường hợp cần.
Giày dép: búp bê, cao gót, boot, giày thể thao (loại này bạn nên qua Hàn mua), giày đi tuyết (qua Hàn mua cũng được nhưng nên chọn cẩn thận vì mua phải hàng Tàu sẽ đi không êm mà còn bị hôi chân). Các loại giày bạn nên chọn loại có đế dày vì đường đồi núi rất nhiều, nếu đi bộ nhiều bạn sẽ dễ bị đau chân và nhanh mòn.
Thuốc: Chỉ mang các loại thuốc thông thường như:
Các loại thuốc nhỏ mắt – mũi nhẹ, thuốc xịt tắc mũi ở Hàn tầm 10.000 won/lọ.
Thuốc giảm sốt thuộc dòng paracetamol như efferalgan viên sủi hoặc pamin.
Thuốc đau bụng như berberin hay smecta, thuốc tráng dạ dày, men tiêu hóa rất cần vì ở Hàn các món ăn đều rất cay, tôi đã từng bị đau dạ dày khi ở Hàn.
Thuốc cảm và dầu gió.
Kháng sinh loại nhẹ và vài viên ngậm ho – viên ngậm ho rất cần thiết cho mùa đông (có thể mua tại Hàn).
Thuốc dị ứng.
Băng cá nhân urgo, bông (có thể mua tại Hàn).
Có một điều bạn cần biết là ở Hàn các hiệu thuốc chỉ bán cho bạn khi có đơn của bác sĩ. Một số bệnh nhẹ như ho, cảm cúm, sổ mũi… họ bán không cần đơn kê của bác sĩ. Bạn có thể tới trạm y tế của trường đại học để lấy thuốc cho các bệnh thông thường.
Đồ điện:
Laptop: Mua ở Việt Nam thì giá rẻ hơn nhưng mà mua ở Hàn lại có bảo hành và có bàn phím tiếng Hàn. Ngoài ra nhớ mang dây cáp cắm internet nếu muốn truy cập vào được ngay. Với tôi, tôi mang lap từ Việt Nam đi và mua thêm một cái bàn phím gắn ngoài (bàn phím 10.000 won).
Di động và sim: Cái này tùy vào mỗi người. Tôi mang iPhone từ Việt sang và dùng gói cước 16.000 won/tháng. Tôi có bạn sang Hàn mua điện thoại và sim trả góp trong hai năm, mỗi tháng từ 35.000-60.000 won tùy loại điện thoại, bạn cũng có thể dùng sim trả trước, mỗi lần nạp 10.000 won.
Ổ cắm điện bên này là loại hai chân tròn và có phần nối đất, phần lớn là có thể dùng đồ điện từ Việt Nam sang được nếu là loại chân tròn. Nên kinh nghiệm để an toàn là bạn ra ngoài hàng mua cái loại ổ chia của Lioa mang theo.
Nồi cơm điện: Bạn có thể mua loại nhỏ hoặc loại cũ tại Hàn.
Đèn học: Mua ở Hàn
Sử dụng điện: Phần lớn điện áp của tụ điện ở Hàn Quốc là 220V. Nếu thiết bị điện chỉ dùng được ở điện thế 110V thì cần có bộ chuyển điện thế từ 220V sang 110V. Điện thoại của Tổng Công ty Điện lực là 123 (www.kepco.co.kr).
Thực phẩm: Mì tôm, các loại gia vị Việt tuy nhiên ở Hàn cũng có mộc nhĩ, nấm hương kể cả gia vị nấu phở, mắm muối tương cà, mắm tôm…
Những đồ dùng cá nhân + linh tinh: Bạn có thể mua đồ lặt vặt ở Daiso vì giá ở đây rất rẻ.
Tôi mang theo ảnh gia đình, qua Hàn mua khung ảnh gắn vào; thiệp của bạn bè tặng, quà lưu niệm, thư từ, một vài cuốn sách.
Đồ dùng học tập: nếu ngành học của bạn cần dùng đến máy tính cầm tay thì nhớ mua máy ở Việt Nam vì vừa rẻ mà vẫn tốt còn sang Hàn loại máy này giá khá đắt.
Hồi tôi đi tôi mua cả bút chì, ngòi chì, tẩy, băng dính một mặt và hai mặt, dập ghim nhỏ, kim chỉ… nhưng sau này mới biết những thứ này ở Hàn cũng rẻ. Tôi còn mua vài bức tranh nhỏ để qua Hàn trang trí phòng, sang bên đây tôi mua thêm một số tấm tranh lắp ghép vừa dùng để thư giãn vừa có hình để trang trí khi hoàn thiện.
Hàn Quốc là thiên đường thời trang nên các loại vòng, đồ phụ kiện, mỹ phẩm, dầu gội, hấp tóc không cần mang từ Việt Nam sang. Giá hấp tóc ở tiệm làm tóc Hàn rất đắt, khoảng 60.000 won/lần nên tôi mua một cái túi ủ tóc cá nhân tự hấp ở nhà, giá 30.000 won/túi. Tôi mua cả máy rửa mặt ở Hàn dùng rất thích và giá cũng mềm, khoảng 25.00 won.
Quà tặng thầy cô
Khi đến thăm nhà người Hàn, đến thăm văn phòng của giáo viên hoặc có dịp giao lưu gặp gỡ người Hàn, theo cảm nhận của tôi về văn hóa của họ, họ thường chuẩn bị một số món quà nho nhỏ.
Lần đầu tiên sang Hàn, đến thăm văn phòng giáo sư, tôi có mang theo một hộp cà phê G7, một ông rùa đeo khoa bảng phát sáng mua tại Văn Miếu và lúc tặng quà tôi tranh thủ dẫn chuyện về Văn Miếu Quốc Tử Giám, kể về lịch sử Việt Nam.
Bạn tôi thì chuẩn bị một bức tranh về phố cổ Hà Nội để tặng thầy giáo. Thầy rất trân trọng món quà còn treo bức tranh trong phòng làm việc, gặp ai cũng kể chuyện về các sinh viên Việt Nam. Bức tranh vẽ phố cổ yên bình, con người Hà Nội thân thiện. Thầy luôn nhắc đi nhắc lại là người Việt Nam luôn có “giá”: “They always have their own price”.
Có lần tôi cùng mấy bạn rủ nhau biếu thầy bộ ấm chén Bát Tràng, thầy giáo rất thích và nói rằng đây là bộ ấm chén quý hiếm, có một không hai đối với thầy rồi pha trà cho chúng tôi cùng uống.
Bạn cũng có thể tặng thầy cô một số vật lưu niệm như là hộp đựng đồ dùng có chạm khắc, khăn quàng cổ, khăn trải bàn, post card… Một số đồ ăn có thể biếu mà người Hàn khá thích như ô mai (đừng mua loại ngọt quá), dừa khô, không nên mua mít sấy và hoa quả sấy vì người Hàn không thích ăn đồ quá cứng. Một số loại kẹo đặc sản vùng miền. Nếu tặng văn phòng có thể tặng bánh, kẹo, cà phê, trà túi lọc vì đó là những thứ họ vừa có thể ăn vừa có thể mang ra tiếp khách được.
Ảnh thẻ
Các bạn nên chụp ảnh thẻ 3x4 và 4x6 trên nền xanh và trắng, nên nhiều nền trắng và ảnh 4x6 hơn. Bên này giá chụp ảnh rất đắt, khoảng 25.000 won/lần.
Thời tiết Hàn Quốc
Mỗi mùa ở Hàn Quốc lại đem đến những cung bậc cảm xúc khác nhau và đã tạo cảm hứng cho một vị đạo diễn người Hàn làm nên seri phim bốn mùa nổi tiếng khắp châu Á.
Mùa xuân thường từ tháng 3 đến tháng 5, thời tiết có xu hướng lạnh vào buổi sáng và ban đêm nhưng ấm áp vào buổi chiều. Mùa xuân là mùa hoa anh đào liên kiều, mộc lan và tử đinh hương nở rực cả góc phố. Tôi cảm nhận được sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa ngày và đêm. Đối với các bạn sinh viên như tôi, thường ra ngoài từ sáng và về nhà tầm 11 giờ đêm (sau khi đi làm thêm) thì rất dễ bị cảm lạnh và ho nếu không mang theo áo khoác. Đặc biệt vào mùa xuân tại Hàn Quốc thường xảy ra hiện tượng bụi cát vàng từ Trung Quốc và phấn hoa bao phủ toàn bộ bầu khí quyển. Chính phủ luôn khuyến cáo người dân ra đường phải bịt khẩu trang và đeo kính đầy đủ. Hiện tượng bụi cát vàng và phấn hoa thường xảy ra vào tầm tháng 5, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người như dị ứng da, viêm hô hấp, đau mắt… nếu bạn ở Hàn bạn sẽ thấy bụi vàng phủ kín khắp đường, kính ô tô, nền nhà thậm chí bạn còn có thể nhìn thấy bụi vàng bay lơ lửng trong không trung.
Mùa hè thường bắt đầu từ tháng 6 kéo dài đến tháng 8 với thời tiết nóng bức, nhiệt độ trung bình khoảng 25-35 độ C. Từ tháng 6 đến tháng 7 là mùa mưa. Thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 thường có vài đợt bão với mưa lớn và gió mạnh. Mùa hè ở Hàn cũng là mùa du lịch, bạn có thể mặc soóc bò chạy tung tăng trên bãi biển Haeundahae ở Busan, nghe tiếng sóng biển rì rào.
Mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11, nhiệt độ trung bình từ 10-25 độ C. Bầu trời trong xanh và khô ráo, thời tiết rất đẹp, thích hợp để đi picnic và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thời tiết bắt đầu trở lạnh vào khoảng tháng 11 hằng năm. Mùa thu ở Hàn Quốc tuyệt đẹp với những thảm lá vàng – đỏ tại Vườn quốc gia Seoraksan, Vườn quốc gia Odaesan, Vườn quốc gia Jirisan hay Đại lộ ngân hạnh Hyeonchungsa.
Mùa đông bắt đầu từ tháng 12 cho đến tháng 2, thời tiết lạnh giá với nhiệt độ trung bình từ -10 đến 10 độ C. Tuyết rơi nhiều, đường rất trơn và dễ bị ngã. Tôi có cảm giác như bị tống vào một cái tủ đá vậy. Tôi để chai nước ở cạnh cửa sổ và sáng hôm sau thì nó đóng đá. Vào mùa này nhất định cần phải có quần áo thật ấm, mũ, găng tay, túi sưởi và thiết bị sưởi ấm trong nhà. Cuối tháng 2 thời tiết dần trở lại ấm áp. Mùa đông da rất khô và bong tróc ra như da rắn vậy. Tôi có lúc còn bị chảy máu mũi và tay cứng đơ không cử động được. Vào mùa này, người dân Hàn Quốc thường đi trượt tuyết, những khu này thường là một tổ hợp giải trí nên thường hút một lượng lớn người đổ về, các khu trượt tuyết nổi tiếng có thể kể đến như Elysian Gangchon, High 1 SKII Resort, Daemyung Vivaldi Resort...
Hàn Quốc ít bị bão và động đất hơn so với Nhật Bản, tuy nhiên thời gian gần đây, động đất xuất hiện nhiều hơn. Năm 2017, tại Hàn Quốc xảy ra một trận động đất mạnh hơn 5 độ richter làm rung chuyển thành phố duyên hải Pohang ở phía đông nam Hàn Quốc.
Học cách tự chăm sóc bản thân
Khi bạn đi du học bạn sẽ không có mẹ ở bên, không có bố vỗ về, bạn bè cũng xa cách, chỉ có thể nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính. Nếu bạn ốm mẹ bạn có sang nấu cháo gà được không? Em gái có pha nước cam cho bạn uống được không? Ốm rồi phải làm sao?... Tôi đã đặt ra trong đầu vô vàn câu hỏi như thế khi tôi sống một mình ở Hàn Quốc.
Vì thế tôi phải biết cách tự chăm sóc mình, sắp xếp chế độ ăn uống ngủ nghỉ ra sao, sốt thì dùng thuốc gì, cảm thì ăn gì là hay “đau bụng thì uống nhân sâm”. Những điều đó, bạn phải quan sát, lắng nghe người lớn, phải đọc sách và thực hành. Mình ốm thì tự lo đã thay vì gọi điện khóc với bố mẹ. Mình không ốm thì người khác ốm cũng đừng làm ngơ, tìm xem cách nào để giúp được họ, đó là bài học của tôi sau quãng thời gian ở Hàn. Sau một thời gian ở Hàn, ngoài học kiến thức trong sách vở, tôi đã học được rất nhiều điều để tự chăm sóc bản thân mình.
Quản lý Tài chính
Tài chính là vấn đề vô cùng đau đầu đối với tất cả du học sinh. Không nói đến các bạn có gia đình tài chính vững mạnh, tôi biết có rất nhiều bạn nhà không khá giả, bố mẹ cũng gom góp lo được một chút còn lại các bạn vẫn phải tự thu xếp chi tiêu, bươn chải mà sống.
Tôi sang Hàn mà không hề có kỹ năng tự quản lý tài chính vì vậy sau 3 tháng dù đã được học bổng ăn ở trong ký túc xá, mỗi tháng được trường cho 300 USD tiêu vặt, mẹ cho 500 USD mang đi, tôi đã tiêu hết sạch tiền và nợ thêm 500 USD nữa. Đúng là thảm họa! Hàn Quốc là thiên đường mua sắm, cái gì cũng đẹp, xinh và “đắt”.
Sau khi ghi nợ, tôi đã tự dằn vặt và rút ra bài học cho chính mình. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì tiền bạc của tôi, tôi chia làm ba loại:
Tiền chi tiêu cho bản thân (1)
Chia nhỏ tổng số tiền mình có và để riêng thành ba khoản. Việc lập thẻ tín dụng, chi tiêu bằng thẻ tín dụng ở Hàn là vô cùng phổ biến. Sử dụng thẻ tín dụng có rất nhiều ưu điểm. Với việc sử dụng thẻ tín dụng tại Hàn, bạn gần như có thể thanh toán ở bất cứ điểm mua sắm nào từ trung tâm thương mại đến các quán ăn nhỏ. Ngoài ra, tính an toàn và bảo mật của thẻ tín dụng rất cao. Nếu bị mất thẻ tín dụng chưa chắc đã mất tiền nếu bạn báo khóa thẻ ngay sau khi phát hiện bị mất. Mất tiền đồng nghĩa với việc không đòi lại được. Khi mất thẻ tín dụng, bạn luôn có thể hủy thẻ. Nếu thông báo kịp thời về việc mất thẻ hoặc thẻ bị đánh cắp, bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với các khoản thanh toán trái phép. Hơn nữa, bạn có thể đăng ký quản lý chi tiêu qua phần mềm trên điện thoại di động. Hằng tháng ngân hàng sẽ gửi sao kê những gì đã thanh toán thông qua thẻ tín dụng cho bạn.
Đối với tiền số 2 và số 3 thì bạn nên để trong thẻ và cất đi.
Đối với khoản số 1 thì bạn nên rút tiền mặt và chi tiêu bằng tiền mặt. Vì nếu bạn để tiền trong thẻ, sẽ có ngày bạn cứ quẹt thẻ và không hề biết trong thẻ còn bao nhiêu, đã tiêu bao nhiêu. Dù sao cảm giác phải trả tiền từ ví cũng xót hơn rất nhiều. Công nghệ ở Hàn rất phát triển, các ngân hàng đều có phần mềm quản lý tài chính cá nhân trên điện thoại, các bạn có thể tải về dùng đồng thời với internet banking, bạn sẽ kiểm soát được số tiền mình tiêu.
Ghi chép lại cẩn thận những thứ đã tiêu. Sẽ cần tiêu vào thời gian nào? Lên kế hoạch chuẩn bị cho các khoản tiền cần tiêu. Mặc dù việc ghi chép là vô cùng nhàm chán. Đã có lúc tôi nghĩ: Cần gì phải ghi? Ghi rồi thì cũng vẫn phải tiêu và ghi rồi sẽ chẳng bao giờ đọc cả! Đúng là thế nhưng sau vài tháng tôi đã thấy việc này hữu ích hơn tưởng tượng, tôi không ngờ là mình đã hoang phí đến mức khó tin như vậy.
Đừng bao giờ mua bất cứ cái gì vì ham rẻ, rất nhiều lần tôi ham rẻ mà mua, mua về lại không sờ vào. Hoặc dùng được 1-2 hôm hỏng lại tự nhủ “Đúng là của rẻ là của ôi”.
Đọc 1-2 quyển sách về tài chính, ghi chép lại cái học được và đừng quên áp dụng. Tôi đọc cuốn Phi lý trí14 của Dan Ariely thấy vô cùng cuốn hút, tác giả phân tích tâm lý người mua hàng và cách mà các công ty có thể moi tiền khách hàng một cách dễ dàng. Vô cùng ấn tượng!
14 NXB Lao động – Xã hội liên kết xuất bản cùng Alpha Books, 2014.
Cuối cùng, bạn nên cân nhắc những thứ gì nên mua ở Việt Nam cho rẻ và thứ gì nên mua ở Hàn.
Hoàn thiện cách sống
Hồi mới sang Hàn kinh nghiệm sống của tôi còn ít và không phải là yếu tố mà tôi quan tâm đến. Trong ký túc xá tôi ở có bốn người/phòng, không chỉ ở cùng với các bạn Việt Nam mà còn có cả các bạn đến từ Mexico, Hàn Quốc, Mông Cổ, Trung Quốc, Ethiopia… tôi bắt đầu nhận ra, kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế quan trọng ra sao. Khi đi du học là phải tự lập, quần áo tự giặt, cơm nước tự nấu, bóng đèn cháy tự thay, ốm tự đi khám… Trước khi qua Hàn, tôi chưa một lần sống xa nhà, chưa bao giờ ở tập thể cũng không ở trọ, chưa bao giờ biết đến cái cảm giác phải tự mình lo mọi thứ nó ra làm sao nên khi sang đây đã không ít lần bị sốc.
Nhiều lúc tôi tự hỏi: Cách sống là gì? Có phải là sống sao để được mọi người yêu quý? Một thân một mình nơi xứ người tôi đã nhận ra nhiều bài học và thấy rằng mình nên sống yêu thương, chan hòa, không lợi dụng người khác, ai cần đến mình thì mình có mặt, giúp người chính là giúp mình. Người nước bạn cũng như người nước mình, đừng vì tự tôn dân tộc mà chia bè kéo phái với các bạn người nước ngoài. Tôi thấy mình còn cần phải học nhiều về cách đối nhân xử thế. Khi gặp khúc mắc và hiểu lầm, tôi thấy chỉ có cảm thông, lắng nghe và hiểu nhau mới là cách dễ nhất để giải quyết khúc mắc.
Khi sống giữa những bạn người nước ngoài, văn hóa khác nhau đôi khi mình không thể làm vừa lòng được tất cả mọi người. Tôi cứ nghĩ là đừng làm cái này, hãy làm cái kia để họ quý mình. Tôi đã bị stress một thời gian dài. Nhưng rồi tôi nhận ra là, họ cũng không quá để tâm đến mình như vậy đâu. Chính tôi đã tự xây lên một bức tường lớn rồi bắt mình phải trèo qua mà thôi.
Lên đường
Ngày tôi lên đường, mẹ thuê hẳn một chuyến xe 16 chỗ chỉ để đi tiễn con gái. Cả nhà chuẩn bị quần áo thật đẹp, trang trọng để đến sân bay chụp ảnh. Lục đục sửa soạn từ rất sớm, ăn cơm nước đàng hoàng (vì tôi bay đêm), thắp hương xin các cụ phù hộ cho tôi có một chuyến bay an toàn. Cả nhà náo loạn lên nào là ghi tên lên va li, mua khóa để khóa va li, hàng xóm sang nhà dặn dò đủ thứ trên đời mà từ đó đến giờ tôi vẫn chẳng nhớ họ dặn cái gì. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ vang lên điệp khúc: “Ôi sắp được đi máy bay! Oh yeah! Mình sắp bay!”
Trước khi ra sân bay tôi vẫn note lại những thứ cần phải nhớ như:
Kiểm tra dự báo thời tiết tại điểm mình sẽ đến;
Vé máy bay;
Hộ chiếu;
Hành lý.
Ra sân bay ở Việt Nam thường được bố mẹ, người thân đưa đi thì không sao chứ ở Hàn về Việt Nam tôi thường phải bắt xe buýt, tàu điện, taxi… nên việc giờ giấc chính xác là vô cùng quan trọng. Bạn tôi đã rất rất nhiều lần bị lỡ chuyến bay khiến cho mọi chuyện trở nên rất phức tạp và tốn kém. Mỗi lần ra sân bay, tôi đều đặt vé xe buýt online trước, kiểm tra thật kỹ giờ khởi hành và giờ đến nơi của xe buýt (thông thường giờ họ thông báo trên mạng và giờ thực tế di chuyển của xe buýt tại Hàn rất chính xác, tàu điện ngầm cũng vậy). Và tôi thường đến sớm hơn hẳn để chờ, vẫn còn hơn là sẽ bị trễ giờ bay.
Tôi nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên về Việt Nam sau ba tháng học tại Hàn. Hồi đó, tôi cũng đến sân bay rất sớm, làm thủ tục đầy đủ và vào đến khu miễn thuế của sân bay Incheon. Tuy nhiên, vào trong đó xong thì tôi thấy “choáng” vì vừa sân bay vừa to vừa đẹp lại nhiều thứ15.
15 Các bạn có thể xem qua thông tin về sân bay Incheon tại web www.airport.kr/pa/en/a/index.jsp.
Hồi đó tôi được một số người quen nhờ mua hộ cái nọ cái kia nên cũng mải đi tìm đồ mua hộ, gặp hai vấn đề vô cùng nực cười mà nghĩ lại tôi thấy mình quá ngốc.
Tôi mua hộ chị họ hai hộp mỹ phẩm, giá của hai hộp rơi vào khoảng 100.000 won thì tôi chỉ có 90.000 trong tài khoản (vì tôi tiêu tiền bằng thẻ lại không đăng ký internet banking hay tin nhắn báo số dư nên chẳng bao giờ tôi biết mình có bao nhiêu tiền trong tài khoản) và 10.000 won tiền mặt trong cặp. Hồi đó khả năng tiếng Hàn của tôi còn hạn chế nên chưa thể đàm phán trả tiền vừa bằng thẻ vừa bằng tiền mặt và cũng không chắc ở Hàn người ta có đồng ý trả tiền như vậy không nên cuối cùng chỉ mua được một hộp. Thanh toán tiền xong vẫn cứ thắc mắc không hiểu vì sao mình có thể “hâm” đến như thế nữa.
Vì quá mải ngắm đồ mà tôi quên mất cả giờ lên máy bay. Trong khi sân bay Incheon có đến hơn cả trăm cửa khởi hành, phải đi qua vài tầng nhà và lên tàu điện ngầm nữa (tôi không biết điều đó) nên cứ ung dung đi shopping. Đến 5 rưỡi bạn tôi gọi điện hỏi đang ở đâu, máy bay sắp đóng cửa rồi. Lúc đó tôi mới tá hỏa, chạy thục mạng ra tàu điện ngầm mà chẳng thèm để ý đấy có đúng là tàu điện ngầm đưa mình ra cửa không nữa. Lên đến tàu điện ngầm, tôi may mắn gặp một nhân viên điều hành mặt đất của hãng Korean Airline. Tôi ú a ú ớ hỏi chị ấy làm thế nào để lên được cửa số 132 là cửa ra máy bay về Việt Nam. Chị nhiệt tình giúp đỡ tôi nhưng xem đồng hồ thì cũng sốc không kém. Chị vội vã gọi điện cho tổ trực, sau khi xác nhận là máy bay vẫn chưa cất cánh thì thở phào nhẹ nhõm rồi bảo tôi đưa hết giấy tờ cho chị và chỉ cần ôm va li chạy theo thôi. Tôi thục mạng chạy theo chị đến đúng cửa máy bay, chị giúi vào tay tôi cuốn hộ chiếu và tấm vé rồi cửa máy bay đóng sầm, máy bay cất cánh ngay sau đó khiến tôi còn chẳng kịp nói lời cảm ơn với chị. Cho đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn lâng lâng y nguyên cảm xúc ấy còn bạn bè thì bảo tôi quá may mắn. Người Hàn sao mà đáng yêu, nhiệt tình và dễ thương đến vậy!
Sau nhiều lần đi đi về về tôi đã rút ra cách tiết kiệm thời gian khi mua đồ ở của hàng miễn thuế, đó là các bạn có thể mua trước ở trên mạng bằng cách vào trang của Shilla tại địa chỉ www.shilladfs.com/comm/kr/en/main hoặc của Lotte www.en.lottedfs.com/branchGuide/7/intro sau đó chỉ cần ra quầy khách hàng nhận đồ. Đối với các bạn mua hàng miễn thuế tại các store thì cũng có thể nhận lại tiền thuế (nhớ mang hóa đơn và phiếu hoàn thuế) ở các quầy hoàn thuế trong khu duty free của sân bay Incheon.
Hạ cánh và các thủ tục ban đầu
Nhập cảnh
Thủ tục nhập cảnh
Trên máy bay và khi máy bay gần hạ cánh, tiếp viên sẽ phát cho bạn hai tờ đơn (Arrival Card và Tờ khai các vật dụng mang vào Hàn) để khai thông tin nhập cảnh. Bạn điền thông tin vào hai tờ đó và kẹp cùng hộ chiếu.
Cửa hải quan
Khi bạn đứng đợi trước quầy kiểm tra nhập cảnh, cần chuẩn bị sẵn đầy đủ hộ chiếu, đơn đăng ký nhập cảnh và nộp cho nhân viên hải quan để được nhập cảnh hợp pháp. Ở cửa hải quan, bạn không được quay phim và chụp ảnh.
Nhận hành lý ký gửi
Sau khi hoàn thành thủ tục kiểm tra nhập cảnh, kiểm tra số băng chuyền hành lý của chuyến bay tại màn hình ngay trước quầy kiểm tra. Sau đó, chọn cầu thang máy gần với hướng băng chuyền nhất. Đợi tại băng chuyền hành lý để tìm hành lý ký gửi.
Trường hợp hành lý quá khổ hoặc bị thất lạc
Trong trường hợp không thấy hành lý của mình sau khi đợi, bạn cần tới quầy thông báo đồ thất lạc để được trợ giúp. Các mặt hàng quá khổ sẽ ra ở đường băng dành riêng cho hành lý quá khổ. Riêng tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp thất lạc hành lý ở Hàn.
Các phương tiện di chuyển từ sân bay
Xe buýt limousine
Từ sân bay quốc tế Incheon, bạn có thể đi xe buýt limousine đến khắp các khu vực ở Seoul và ngoại thành. Ngay tại bến hành khách tầng một (tầng hành khách đến), khu vực phía trong cạnh cửa ra số 4-9 và khu vực phía ngoài cạnh cửa ra số 4-6-7-8-11-13-9C đều có quầy bán vé xe. Xe đi Seoul có giá cao nhất là 16.000 won, đi các tỉnh thành phố khác như Daejeon giá 23.100 won (đi đêm giá 25.400 won), đi Dongdaegu giá 35.800 won, đi Wangju giá 32.300 won, đi Busan giá 46.600 won [16]
Sơ đồ sảnh ra sân bay Incheon [17]
Tàu điện ngầm tuyến sân bay
Nếu máy bay hạ cánh tại sân bay quốc tế Incheon và đi về nội thành Seoul, bạn có thể sử dụng tàu điện ngầm tuyến sân bay. Bến tàu điện ngầm sân bay quốc tế Incheon nằm ở tầng hầm và tầng một thuộc Trung tâm giao thông. Tàu đi từ sân bay về thẳng bến Seoul mà không dừng lại có giá vé 8.000 won, tàu dừng lại ở các điểm trung chuyển có giá 4.250 won.
Taxi
Khu vực bắt taxi tại sân bay nằm ở khu đón khách 4C-7 thuộc tầng một, sảnh khách đến.
Thẻ cư trú người nước ngoài
Tùy theo từng trường mà sinh viên sẽ được nhà trường làm thẻ người nước ngoài (외국인 등록) cho hoặc phải tự làm.
D-4 là visa dành cho các bạn đang học khóa học tiếng Hàn.
D-2 là visa cho các bạn học cao đẳng, đại học tại Hàn.
Sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, bạn cần làm thẻ cư trú người nước ngoài và bạn phải đăng ký làm thẻ trong vòng 90 ngày tính từ ngày nhập cảnh.
Hiện nay, số lượng người nước ngoài tại Hàn đang tăng lên một cách nhanh chóng nên Cục xuất nhập cảnh Hàn Quốc khuyến khích sinh viên tự làm qua online hoặc thông qua người quản lý sinh viên quốc tế để tránh tình trạng quá tải. Đồng thời các bạn cũng nên đăng ký làm thẻ sớm. Bạn có thể đăng ký online hoặc đến trực tiếp Cục xuất nhập cảnh.
Hồ sơ cần nộp:
Đơn đăng ký, hộ chiếu, thẻ người nước ngoài, lệ phí;
Hồ sơ chứng minh việc học: giấy chứng minh sinh viên theo học, giấy chứng minh là sinh viên trao đổi, nghiên cứu sinh;
Học bạ, bảng điểm, giấy điểm danh…;
Hồ sơ chứng minh tài chính;
Cẩm nang học đường (cho biết rõ ràng kế hoạch học tập) và kế hoạch học tập (sinh viên học tiếng Hàn làm);
Tài liệu chứng minh lưu trú (hợp đồng thuê nhà, giấy đồng ý cho thuê nhà, thư báo gia hạn lưu trú, hóa đơn nộp các loại phí công cộng, hóa đơn ký túc xá…);
Giấy chứng minh bảo hiểm du học sinh hoặc bảo hiểm y tế toàn dân.
Cần kiểm tra các loại hồ sơ cần nộp cho phù hợp với hình thức lưu trú. Số giấy tờ cần nộp có thể thêm bớt tùy theo đối tượng đăng ký.
Chú thích:
(16) Bạn có thể đặt vé xe buýt đi ngoại tỉnh tại địa chỉ: www.airportbus.or.kr hoặc tham khảo trang: www.airport.kr để kiểm tra lịch trình và điểm đón/đỗ của xe buýt limousine.
(17) Nguồn http://www.airport.kr/pa/en/d/3/1/1/index.jsp
Cuộc sống thường ngày
Nhà ở
Ký túc xá
Tôi thấy sinh viên mới sang, theo diện học tiếng hay học Thạc sĩ, học bổng hay tự túc thì hầu như trong kỳ đầu tiên nhà trường đều xếp cho các bạn ở ký túc xá. Tùy theo mỗi trường và mỗi loại ký túc xá mà bạn sẽ ở chung với 1 hoặc 2-3 người/phòng, bạn có thể tự nấu hoặc ăn tại căng tin của trường… Nếu bạn sống ở ký túc xá của trường thì bạn không cần phải quá lo lắng cho việc ăn uống, tiền điện – nước – gas… Bạn cũng có thể kiểm tra thông tin về giá tiền, điều kiện sinh hoạt trên web của trường.
Tôi ở ký túc xá của trường trong các kỳ học và ở ngoài vào các kỳ nghỉ.

Ưu điểm đầu tiên phải kể khi ở ký túc xá là an toàn, cực kỳ an toàn. Hồi tôi ở ký túc xá, họ còn bắt bọn tôi tập phòng cháy chữa cháy vào lúc 1 giờ sáng. Hằng ngày tôi được các bác nhà bếp cho ăn ba bữa, sáng thì luôn có sữa, trưa hay có hoa quả hoặc sữa chua, tối ăn cơm bình thường. Tiện một điều nữa là bạn không phải dọn dẹp và rửa bát. Trong ký túc xá cũng có phòng giặt, phòng là, phòng tập thể dục, phòng xem ti vi – uống trà, phòng học, phòng máy tính… khá tiện. Điều tôi thích nhất khi ở ký túc xá là có cơ hội làm quen với nhiều người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, có cơ hội ở cùng với các bạn, cùng trò chuyện về văn hóa giữa các nước, từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Ethiopia, Mông Cổ, Nga…
Nhược điểm của ký túc xá là bị hạn chế giờ giấc ra – vào, giờ có nước nóng, giờ ăn… đôi lúc ở chung 3-4 người/phòng cũng rất bất tiện, bất đồng văn hóa, khác giờ sinh hoạt, không có không gian riêng cho bản thân, phơi quần áo chung nên có lúc bị nhầm đồ…
Thuê nhà
Thuê nhà ở Hàn rất đa dạng về hình thức, bạn có thể thuê theo tháng hoặc thuê theo năm và thông thường thuê nhà sẽ phải đặt cọc tiền.
전세: trả tiền một lần, tiền nhà trừ thẳng vào tiền cọc.
월세: trả tiền hằng tháng, có đặt cọc.
Cách tìm nhà cho thuê tại Hàn
Tìm qua các app trên điện thoại, thường dành cho các bạn có vốn tiếng Hàn kha khá. Một số app bạn có thể tham khảo: 피터팬의 좋은방 구하기-부동산 대표 커뮤니티, 집사- 구할 이방 저방, 방구원룸, 투룸, 아파트, Zigbang...
Tìm qua website, Naver… Tôi tìm nhà cho thuê qua web trường và thấy rất hữu ích. Có những bạn người Hàn hoặc người nước ngoài chỉ trọ trong các kỳ học còn kỳ nghỉ họ về nhà hoặc đi du lịch nên sẽ cho thuê lại phòng, hình thức này nghĩa là tôi thuê lại của các bạn đó chứ không phải thuê qua chủ nhà, đỡ được khoản tiền đặt cọc.
Tìm qua người quen giới thiệu.
Đi quanh trường, các khu vực có nhà cho thuê, họ đều ghi tên và số điện thoại liên lạc, bạn có thể gọi điện trực tiếp cho chủ nhà.
Tìm ở các tờ thông báo dán trên đường đi, các khu vực bảng tin khu phố.
Thông qua các văn phòng môi giới bất động sản (부동산), thông qua kênh này bạn sẽ mất phí hoa hồng.
Ngoài ra bạn còn có thể ở nhà dân hoặc thuê riêng chung cư, tuy nhiên hai hình thức này ít phổ biến hơn vì ở chung cư khá đắt so với du học sinh.
Những điểm chú ý khi thuê nhà ở Hàn Quốc:
Khi thuê nhà nghĩa là bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về đồ đạc trong phòng nên trước khi dọn đến ở, tôi nghĩ bạn cần cùng với chủ nhà kiểm tra kỹ càng đồ đạc, các trang thiết bị có sẵn trong phòng.
Ở Hàn thường dùng khóa cửa tự động điện tử nên khi chuyển về ở bạn phải đổi mật khẩu phòng nếu không sẽ rơi vào tình huống giống như một người bạn của tôi, đêm đang ngủ bỗng nghe thấy có người bấm mở khóa cửa phòng mình mấy lần. May là bạn ấy đã đổi mật khẩu, hỏi ra mới biết là bạn sinh viên thuê nhà lúc trước cứ nghĩ là phòng chưa có chủ mới nên định về ngủ thêm 1-2 hôm.
Gặp mặt, nói chuyện và hiểu rõ thông tin về chủ nhà, để ký hợp đồng.
Giữ một bản hợp đồng, thanh toán tiền nhà cần phải giữ biên lai.
Sau khi chuyển đến, bạn cần đến 동사무소 (như UBND phường) để đăng ký tạm trú.
Chi phí điện, nước, gas, internet… có thể bao gồm trong tiền thuê nhà hoặc không, bạn cần phải hỏi rõ chủ nhà về vấn đề này.
Mùa hè tiền điện tăng do dùng điều hòa, mùa đông tiền gas tăng do dùng sưởi.
Những chi tiết nhất định phải ghi trong nội dung bản hợp đồng gồm:
- Địa chỉ nhà (địa chỉ được ghi ở bản hợp đồng phải giống với địa chỉ được ghi trong bản sao sổ đăng ký).
- Giá trị hợp đồng (tiền đặt cọc và tiền trả hàng tháng).
- Số tiền trả khi ký kết, trả đợt hai và trả hết cùng thời hạn trả (thường số tiền trả khi ký kết là 10% tiền đặt cọc là an toàn).
- Thời hạn hợp đồng.
Những điểm cần lưu ý khi tìm nhà trọ:
Phòng trọ đơn hay đôi, có thể ở được tối đa là bao nhiêu người?
Bạn có thể sử dụng bếp được không? Hệ thống gas có an toàn không? Bạn sẽ thanh toán tiền gas hay chủ sẽ thanh toán?
Phòng vệ sinh, cống thoát nước có mùi không?
Máy giặt và hệ thống phơi đồ là dùng chung hay riêng?
Kiểm tra đồ đạc trong phòng như máy điều hòa, tủ lạnh, bàn học, giường, ti vi… trước khi dọn vào ở.
Có cung cấp internet hay không?
Có lắp thiết bị phòng chống trộm, CCTV hay không?
Ẩm thực
Tôi thấy thường người Hàn Quốc thích tụ tập ăn uống và chia sẻ thức ăn cho nhau. Một bữa cơm bình thường của người Hàn gồm có cơm, canh/súp, các món ăn như rau trộn, hấp, kho, nướng, xào, chiên. Món ăn tiêu biểu nhất là kim chi (dưa muối). Có loại mì thay cơm (mì nóng, mì lạnh), bánh canh bột mì, tok.
Cơm trộn
Là món ăn tiêu biểu của người Hàn Quốc, để làm món này, người ta thường trộn các loại như rau, thịt bò, gia vị, tương ớt, dầu mè… vào với nhau. Các bạn có thể thấy cơm trộn xuất hiện rất nhiều trên phim Hàn Quốc.
Canh
Canh (kuk), canh nhiều nước (thang), canh nhiều cái (jjigae), lẩu (jeongol). Một số loại canh người Hàn hay dùng như: canh cá minh thái khô (bukoguk) có tác dụng giải rượu, canh giá đỗ tương, canh rong biển, canh bò, canh sườn bò, canh khoai tây, canh gà ninh, canh kim chi, canh tương đậu…
Kim chi
Kim chi là một món ăn không thể thiếu trên mâm cơm của người Hàn Quốc, nó có đầy đủ màu sắc, hương vị và dinh dưỡng. Bữa ăn nào của tôi ở ký túc xá cũng đều có kim chi. Hồi mới sang Hàn, do chưa quen tôi thấy kim chi vừa cay vừa khó ăn. Tuy nhiên sau một thời gian thích ứng, tôi lại thấy kim chi rất ngon và không thể ăn cơm nếu không có kim chi.
Củ cải, cải thảo, dưa chuột sau khi đã ngâm muối sẽ được cho các thứ gia vị như ớt, tỏi, hành, gừng, nước mắm và các phụ liệu khác trộn đều lên, cho vào lọ đậy kín và để ở nơi có nhiệt độ mát mẻ, ủ trong một thời gian và ăn dần. Do vào mùa đông không thể trồng được cải thảo nên khoảng đầu tháng 11-12, người ta sẽ làm nhiều loại kim chi để có thể ăn trong thời gian lâu, việc này họ gọi là “kim chang”. Khi làm kim chang, người ta làm nhiều kim chi nên thường cùng làm với họ hàng, láng giềng.
Đồ ăn liền, tiện lợi
Bạn có thể mua ở cửa hàng tiện lợi bất cứ lúc nào như: mì ăn liền, cơm cuộn rong biển, xúc xích, bánh bao, bánh kem…
Hoa quả
Theo cá nhân tôi thì Hàn Quốc rất phong phú về các loại hoa quả nhưng chủ yếu là nhập khẩu như nho Mỹ, chanh Chile, chuối Philippines hoặc Ecuador, thanh long Việt Nam, dừa Việt Nam... Một số hoa quả có thể mua theo mùa do người Hàn trồng như:
Mùa xuân: anh đào, dâu…
Mùa hè: dưa lê, đào, dưa hấu, mận…
Mùa thu: hồng, lê, táo, táo đỏ, hạt dẻ, nho…
Mùa đông: quýt, cam…
Phương tiện giao thông
Năm 2016, tôi có cơ hội được tham gia chương trình Wow Korea Supporters của Tổng cục du lịch Hàn Quốc. Đó là chương trình hoạt động trong năm tháng, bọn tôi đi đến tận hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị tới nông thôn của Hàn Quốc để quảng bá về du lịch Hàn. Lúc đó tôi mới cảm nhận được phương tiện giao thông công cộng ở Hàn tiện lợi và đúng giờ đến mức nào.
Cách di chuyển thông minh, thuận lợi tại Hàn Quốc
Mua thẻ T-Money, Transportation Pass, CashBee…
Thẻ giao thông là loại thẻ có thể mua được tại các điểm bán gần các bến đỗ, các cửa hàng tiện lợi. Sau khi mua thẻ, bạn có thể nạp tiền vào thẻ qua máy tự động hoặc nạp tiền tại các cửa hàng tiện lợi (Lưu ý: bạn chỉ có thể nạp thẻ giao thông theo hình thức thanh toán bằng tiền mặt, không thanh toán được bằng thẻ ngân hàng).
Tải phần mềm Subway, Naver Maps, Daum Maps, Xe buýt thông minh toàn quốc, Giao thông công cộng Seoul...
Biết cách sử dụng hệ thống đặt vé online qua các trang web.
Đặt vé tàu qua www.letskorail.com
Xe buýt
Xe buýt gồm có xe buýt nội thành, xe buýt ngoại thành và xe buýt chạy đường dài.
Xe buýt nội thành
Là xe buýt đi trong thành phố. Tiền phí xe bus có thể trả bằng tiền mặt hoặc thẻ giao thông (T-money). Nếu sử dụng thẻ giao thông thì tiền vé sẽ được giảm.
Giá vé (thanh toán bằng tiền mặt trong khu vực Seoul):
Xe buýt thường: 1.200-1.300 won.
Xe bus đi thành phố khác: 2.300-2.400 won.
Xe buýt trong làng: 1.100-1.200 won.
Xe buýt ngoại tỉnh
Chia làm hai loại là xe buýt cao tốc và xe buýt thường. Tôi thường đặt vé trước khi đi để tránh trường hợp hết vé đồng thời chủ động hơn về thời gian.
Một số dịch vụ đặt vé xe buýt: www.txbus.t-money.co.krwww.kobus.co.kr. Điện thoại: 1588-6900.
Bus tago: www.bustago.or.kr, www.busterminal.or.kr.
Tàu điện ngầm
Tàu điện ngầm có ở Seoul, các vùng thủ đô và Busan, Deagu, Gwangju, Deacheon.
Tại vùng Seoul có tất cả chín đường tàu điện ngầm bao gồm: đường Incheon 1-2, đường Bundang, đường Bundang mới và tàu điện ngầm Seoul, có màu khác nhau theo từng tuyến đường bao gồm cả những tuyến đổi ga ở các nơi trong thành phố và cả đô thị vệ tinh vùng ngoài Seoul.
Thông thường, vào giờ cao điểm sáng – tối thì cứ 2-3 phút sẽ có một chuyến tàu điện ngầm, ngoài thời gian đó là 4-6 phút.
Giá vé:
Đối với du học sinh (áp dụng giá vé dành cho người lớn), nếu bạn dùng T-money giá 1.250 won, vé dùng một lần 1.350 won.
Taxi
Ở Hàn Quốc, taxi vận hành 24/24. Ở phía trên nóc xe taxi đều gắn đèn báo có nhiều màu sắc nên có thể dễ dàng phân biệt với xe ôtô riêng khác. Khi muốn đi taxi thì có thể đến bến chờ taxi hay gọi dọc đường. Nếu gọi taxi qua tổng đài thì ngoài số tiền phải trả cho quãng đường đi, bạn sẽ phải thêm tiền phí (thông thường 1.000 won).
Bạn cũng có thể dùng ứng dụng điện thoại KakaoTax để gọi taxi.
Tàu hỏa
- Tuyến đường Mugunghoa (hoa vĩnh cửu): Hoạt động trên hầu hết các tuyến đường sắt của Tổng cục Đường sắt Hàn Quốc. Không dừng ở tất cả các ga xe lửa mà chỉ lựa chọn điểm dừng ở những ga chính nên vừa tiết kiệm thời gian lại vừa dừng lại ở nhiều ga nhất.
- Tuyến đường sắt cao tốc Hàn Quốc (KTX): Vé đi KTX có bán hoặc đặt trước tại quầy bán vé ở ga, văn phòng du lịch, máy bán vé tự động hoặc trên website www.letskorail.com. Bạn có thể đặt vé và thanh toán online rất tiện lợi.
Điện thoại hướng dẫn: 1544-7788 – Tuyến đường Semaeul (ngôi làng mới).
So với tuyến đường Mugunghoa thì tuyến đường này có điểm khác biệt là hệ thống toa chở khách tốt, mặc dù có ít ga xuống nhưng bù lại vận tốc lại nhanh. Có thế đặt vé của tuyến này tại các điểm bán vé của các ga, tại các công ty lữ hành, tại máy bán vé tự động hoặc thông qua website www.letskorail. com.
Máy bay
Các cảng hàng không tại Hàn Quốc: Tại Hàn Quốc, có tất cả tám cảng hàng không quốc tế (sân bay quốc tế Incheon, sân bay quốc tế Kimpo, sân bay quốc tế Kimhae, sân bay quốc tế Jeju, sân bay quốc tế Daegu, sân bay quốc tế Jeonju, sân bay quốc tế Yangyang, sân bay quốc tế Muan) và bảy cảng hàng không nội địa (Kwangju, Ulsan, Yeosu, Sajeon, Pohang, Kunsan, Wonjoo) rất tiện lợi cho việc đi lại và du lịch.
Các hãng hàng không trong nước là: Korean Air, Asiana Airlines, T’way Airlines, Jeju Air chủ yếu bay các chặng Seoul/IncheonBusan, Seoul/Incheon – Jeju, Seoul/Incheon – Daegu, Seoul – Ulsan, Seoul – Kwangju, Seoul-Jinhae, Seoul-Kangneung... Nhưng hãng hàng không Hanseong và Jeju chỉ bay một số tuyến nhất định.
Bảo hiểm và Y tế
Bảo hiểm
Tất cả sinh viên nước ngoài tại Hàn đều bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế. Có rất nhiều công ty bán bảo hiểm, bạn có thể liên hệ với văn phòng quốc tế của trường để biết trường bạn liên kết với công ty bảo hiểm nào.
Bảo hiểm y tế toàn dân
Để được nhận các đãi ngộ từ bảo hiểm tại các bệnh viện Hàn Quốc, người nước ngoài phải đăng ký bảo hiểm sức khỏe trên trang bảo hiểm y tế toàn dân (www.nhis.or.kr).
Để đăng ký bảo hiểm y tế, bạn phải đăng ký thẻ người nước ngoài tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và các vấn đề liên quan tới người nước ngoài (Korea Immigration Service), nộp giấy chứng minh mục đích lưu trú lên Chi nhánh Công đoàn bảo hiểm y tế toàn dân. Số điện thoại hỗ trợ thông tin cho sinh viên nước ngoài về bảo hiểm y tế: 033-811-2000 (tư vấn bằng tiếng Anh).
Bảo hiểm thân thể cho sinh viên nước ngoài
Tại Hàn Quốc, các công ty bảo hiểm có chế độ bảo hiểm thân thể dành cho các sinh viên nước ngoài. Bảo hiểm thân thể có hạn trong một năm và bạn có thể gia hạn bằng cách đóng thêm tiền tại công ty bảo hiểm. Trường tôi sử dụng bảo hiểm của công ty DB qua website www.foreignerdb.com, số điện thoại tư vấn 02-776-850. Bạn mua bảo hiểm 3 tháng sẽ có giá khoảng 53.000, 6 tháng là 80.000 won và một năm khoảng 130.000-150.000 won.
Kinh nghiệm thanh toán bảo hiểm tại Hàn
Tùy theo các công ty bảo hiểm mà họ sẽ đưa ra các yêu cầu khác nhau. Đối với công ty bảo hiểm mà tôi tham gia, khi đến bệnh viện, tôi cần thanh toán toàn bộ tiền khám, viện phí và thuốc trước. Sau đó cầm hết toàn bộ giấy tờ, hóa đơn tiền khám và tiền thuốc, bản photo thẻ người nước ngoài, sổ ngân hàng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn xin đăng ký nhận bảo hiểm, scan giấy tờ và đăng lên trang web của công ty bảo hiểm. Sau 2-3 tuần, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán tiền tự động qua hệ thống ngân hàng vào sổ tài khoản của bạn.
Y tế
Hệ thống bệnh viện ở Hàn cho phép bệnh nhân có thể đăng ký lịch hẹn online trước khi đến khám để tiết kiệm thời gian. Bạn có thể vào trang chủ của các bệnh viện để đặt lịch.
Ví dụ: Trạm y tế Haeun Daegu http://health.haeundae.go.kr là cơ quan y tế điều trị cho người nước ngoài.
Trạm y tế Dongdaemun http://health.ddm.go.kr là bệnh viện cung cấp dịch vụ cho người nước ngoài.
Sử dụng trạm y tế tại trường
Khi sinh viên bị đau đầu hoặc cảm cúm thông thường có thể tới trạm y tế của trường để khám và lấy thuốc.
Các trạm y tế thuộc các trường đại học đều trang bị đầy đủ thuốc trị cảm cúm, đau đầu, thuốc tiêu hóa và sơ cứu các loại chấn thương nhẹ.
Phần lớn các trường đại học có chế độ kiểm tra sức khỏe miễn phí cho sinh viên nước ngoài và tổ chức nhiều chương trình khám chữa răng, tiêm phòng chống cảm cúm…
Quy trình đăng ký khám tại phòng khám và bệnh viện
Chú ý giữ lại giấy tờ và hóa đơn để thanh toán bảo hiểm.
Hiệu thuốc
Trước khi sang Hàn, tôi có nghe kể là ở Hàn sẽ không được mua thuốc nếu không có đơn khám của bác sĩ. Vì vậy, trước khi sang Hàn tôi đã chuẩn bị nhiều loại thuốc khác nhau.
Hiệu thuốc ở Hàn thường phân biệt hai loại thuốc: loại một phải có đơn thuốc của bác sĩ mới được phép bán và loại hai có thể bán mà không cần đơn thuốc như thuốc ho, sổ mũi, cảm, thuốc tiêu hóa, giảm đau, thuốc bôi dị ứng, thuốc sát trùng bông băng vệ sinh, đồ uống tăng cường sức khoẻ…
Tuy nhiên hiệu thuốc thường đóng cửa vào lúc 9 giờ tối, bạn có thể mua các loại thuốc thông thường ở các cửa hàng tiện lợi như GS25, Ministop…
Hệ thống ngân hàng
Tại Hàn Quốc, thông qua các cơ quan tài chính tiền tệ, bạn có thể sử dụng các dịch vụ tiền tệ và các gói sản phẩm đa dạng như bảo hiểm, mở quỹ, tiết kiệm. Tuy nhiên, mọi hoạt động trao đổi tiền tệ đều bị kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt. Thông thường, các ngân hàng làm việc theo giờ hành chính từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Ở Hàn, hệ thống ngân hàng, thanh toán bằng thẻ phát triển rất mạnh. Một trong những việc đầu tiên mà nhà trường hướng dẫn bạn đó là làm thẻ ngân hàng. Hầu như mọi giao dịch đều qua hệ thống thẻ ngân hàng vì người Hàn ít khi dùng tiền mặt.
Tôi làm hai loại sổ ngân hàng: sổ cho tiền won và sổ cho tiền đô-la. Tất cả giao dịch ngân hàng đều phải do chủ tài khoản trực tiếp thực hiện tại chi nhánh của ngân hàng (chủ tài khoản thật). Đặc biệt khi làm tài khoản đô-la cần mang theo hộ chiếu, các giao dịch khác có thể dùng thẻ người nước ngoài, chứng minh thư tại Hàn. Bạn có thể chuyển tiền, rút tiền, đổi tiền… rất tiện lợi.
Bạn có thể tham khảo các trang web sau:
Ngân hàng Kookmin: www.kbstar.com.
Ngân hàng KEB Hana: www.kebhana.com.
Ngân hàng Woori: www.wooribank.com.
Ngân hàng Shinhan: www.shinhan.com.
Du lịch và các hoạt động ngoại khóa
Tôi thường tìm các chương trình về du lịch để đăng ký tham gia, họ sẽ cấp tiền cho bạn đi du lịch, chụp ảnh về viết báo cáo. Bạn có thể tìm qua bảng thông báo của trường, web trường, các tổ chức sinh viên hoặc theo các khoa… Bạn nên thường xuyên theo dõi các bản tin của trường vì bạn sẽ có được nhiều cơ hội thú vị từ đây.
Như trường tôi có fellowship thường kỳ và sẽ chọn ra các đội làm bản kế hoạch hay nhất, để cấp tiền cho đi du lịch. Hoặc các bạn có thể tìm hiểu về chương trình du lịch và thuyết trình bằng tiếng Anh của khoa du lịch ở các trường. Vào mùa thu, trường tôi thường tổ chức Food Festival, nhà trường cấp 450.000 won cho các đội đến từ nhiều nước khác nhau, nấu đồ ăn và bán để thi đấu.
Bạn có thể tham khảo một số chương trình có tổ chức fellowship dưới đây:
Chương trình Phong trào làng mới ở Hàn Quốc: http://www.saemaul.or.kr/eng được tổ chức hằng năm. Các bạn vào web check thông tin, đăng ký là có thể tham gia. Chương trình này rất nhiều bạn nước ngoài tham gia.
The World Economic Forum: https://www.weforum.org/
LG Global Challenger: Email challenger@hsad.co.kr
LOVEGEN www.lovegen.co.krwww.facebook.com/LGGlobalchallenger
KINSA (Korea International Student Association): http://kinsa.org/
Trang này có nhiều chương trình để bạn có thể tham gia, được tổ chức liên tục quanh năm như miễn phí chuyến đi tham quan DMZ18 mà thông thường mỗi người phải mất hơn 100 USD mới được đi, trải nghiệm cuộc sống trong chùa tại Hàn, tham quan SM Town…
18 Khu phi quân sự (DMZ) là khu vực, biên giới hoặc ranh giới nằm giữa hai hay nhiều lực lượng quân sự đối lập mà tại đó hoạt động quân sự không được phép tiến hành. Khu phi quân sự được thiết lập ở vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên sau cuộc nội chiến năm 1953. Hai bên Nam – Bắc Triều cùng lùi 2 kilômét tạo ra vùng phi quân sự rộng 4 kilômét, dài 256 kilômét. Đây được coi là khu phi quân sự lớn nhất trên thế giới.
An toàn tại Hàn
Sống một mình tại một đất nước mới, một môi trường hoàn toàn mới thì điều quan trọng nhất đối với tôi là sức khỏe và sự an toàn.
Nếu bạn là du học sinh tại Hàn, các giáo viên ở văn phòng quốc tế trường luôn có trách nhiệm hướng dẫn và quản lý sinh viên. Trường tôi còn có các chương trình như Buddy Program, hiểu nôm na là “Bạn đồng hành”. Tôi được một cô giáo và một bạn sinh viên người Hàn nhận làm buddy, họ luôn lắng nghe tâm sự hay sẵn sàng giúp đỡ tôi trong việc hòa nhập cuộc sống tại Hàn.
Điều quan trọng đầu tiên sau khi ổn định cuộc sống tại Hàn là bạn cần thông báo địa chỉ nơi ở và số điện thoại cho nhà trường, bạn bè cùng học, người quen ở Hàn. Nếu bạn có thay đổi nơi ở hoặc số điện thoại nên thông báo lại cho các thầy cô giáo phụ trách và người thân. Đừng tự sống một mình mai danh ẩn tích ở Hàn nhé!
Hàn là nước khá an toàn, ít khi xảy ra tình trạng mất đồ, mất tiền vì họ có hệ thống CCTV [19] ở khắp nơi, mọi ngõ ngách đường phố, các khu công cộng, hành lang… đặc biệt người Hàn Quốc rất tự giác và nghiêm chỉnh. Tuy nhiên cũng không thể đảm bảo tuyệt đối 100% là bạn sẽ không bao giờ mất đồ. Theo tôi được biết, người Hàn rất ít ai cất một lượng lớn tiền mặt tại nhà, họ đều gửi tiền vào hệ thống thẻ ngân hàng.
Ở Hàn thường dùng hệ thống cửa khóa số điện tử tự động nên bạn đừng tùy tiện cho ai mật khẩu hoặc lúc bấm mật khẩu chú ý đừng để người ngoài nhìn thấy được.
Bạn cần chú ý khóa van gas khi ra khỏi nhà.

Trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể gọi số 112 để báo cảnh sát.
Chú thích:
[19] Camera an ninh.
Chuyện sốc văn hóa
Tôi ở cùng phòng với ba bạn người nước ngoài, hai bạn đến từ Ả Rập Xê-út tên là Hanan và Najah, một bạn đến từ Mexico tên là Yadira. Cả hai nước đều có những nền văn hóa đặc trưng và đặc biệt khác với văn hóa Việt Nam.
Hanan và Najah theo đạo Hồi, họ tuyệt đối không được ăn thịt lợn, không được uống nước có cồn, họ chỉ được ăn Halal food. Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “cho phép”. Các bạn vẫn được ăn thịt nhưng thịt đó phải được mổ đúng cách. Các con vật như gà, bò… phải được người mổ thịt cầu nguyện cho trước khi mổ. Các bạn cũng phải đội khăn hằng ngày để che đi bộ tóc của mình. Hanan nói với tôi: “Người đàn ông nhìn thấy bộ tóc của Hanan sẽ phải cưới Hanan làm vợ. Và người đàn ông đó cũng phải theo đạo Hồi!” Hanan và Najah rất sùng đạo. Tôi nhớ có lần bọn tôi bị mắc kẹt trong thang máy. Tôi thì đang rất lo lắng, tìm cách để báo trợ giúp. Najah bình tĩnh trấn an: “Đừng lo, Hoài! Tôi sẽ cầu nguyện để Chúa đến cứu chúng ta! Chúa sẽ mở cửa thang máy cho chúng ta. Đừng lo gì cả mà hãy… cầu nguyện cùng tôi!”. Một lần khác bọn tôi đi du lịch cùng các bạn quốc tế và các bạn Hàn Quốc. Đúng lúc bọn tôi đỗ xe để nghỉ ngơi và đi vệ sinh thì đến giờ cầu nguyện của Hanan và Najah. Theo quy định, các bạn phải cầu nguyện 5-6 lần trong một ngày, theo khung giờ của mặt trời. Đi đâu các bạn cũng luôn mang bên mình tấm thảm để trải ra cầu nguyện. Lần đó, tôi vừa bước từ nhà vệ sinh ra, thấy Najah trải thảm trên nền cỏ xanh, hướng thẳng vào cửa nhà vệ sinh và… cầu nguyện. Tôi vừa buồn cười vừa tò mò. Thì ra, hướng vào đâu không quan trọng mà quan trọng là phải hướng về phía mặt trời.
Yadira là cô bạn người Mexico, rất gọn gàng, ngăn nắp và khá khó tính. Thời gian đầu mới qua Hàn, Yadira gặp rất nhiều khó khăn do khác biệt về văn hóa. Ở Mexico, người ta tôn trọng tiếng nói của cá nhân, tôn trọng cái tôi và sự độc lập, tự do của mỗi người. Bất kỳ người lớn hay trẻ em đều có thể bày tỏ quan điểm và ý kiến riêng của mình. Ngược lại, ở Hàn, bạn phải có “tôn ti trật tự”, “kính trên nhường dưới”, người lớn nói là phải nghe, gọi dạ – bảo vâng. Theo văn hóa của Hàn, người càng cao tuổi, chức vụ càng lớn thì tiếng nói càng có trọng lượng. Tôi nhớ mãi một lần trong tiết học toán, thầy giáo giảng bài bằng tiếng Hàn nhưng đúng ra là lớp phải được học, nghe giảng dạy 100% tiếng Anh. Tuy nhiên, trong lớp có rât nhiều bạn Hàn, do trình độ tiếng Anh chưa tốt nên không hiểu được bài. Sau khi thầy giảng bằng tiếng Hàn và có giảng lại bằng tiếng Anh, thầy hỏi Yadira câu hỏi và muốn bạn trả lời. Cô bạn đứng lên và tuôn một tràng tiếng… Tây Ban Nha với lý do “You used your language, so I used my mother tongue!” (nghĩa là “Thầy nói tiếng Hàn thì em cũng nói tiếng mẹ đẻ của em!”) rồi bỏ ra khỏi lớp.
Việc làm thêm
Thời gian tìm việc hợp lý
Tuần đầu tiên của kỳ học mới:
Đây là tuần sinh viên vừa trở lại trường, ai cũng bận sắp xếp ổn định để chuẩn bị cho kỳ học mới nên không nhiều người dành thời gian kiếm việc làm thêm. Đây là cơ hội để bạn tìm được một công việc làm thêm tốt.
Tuần áp chót của kỳ học:
Thời điểm này mọi người đều đang bận với học hành thi cử nên nhiều vị trí làm thêm tại các nơi bị bỏ trống.
Cách tìm việc làm thêm tại Hàn Quốc
Website: trên website của các trường đại học thường có mục quảng cáo, bạn có thể tìm việc làm thêm ở mục này.
Báo quảng cáo trên phố: ở Hàn thường có các hộc báo quảng cáo free ở góc đường, bạn có thể kiếm việc làm thêm khi theo dõi chúng hàng ngày.
Đến gõ cửa từng cửa hàng: bạn có thể hỏi chủ cửa hàng có nhu cầu tìm người không, nếu có thì thì có thể xin làm luôn, nếu không thì xin phép để lại số điện thoại để khi cần người họ gọi cho mình.
Hỏi han bạn bè: hỏi những người người đã đi làm thêm, bạn bè để khi có việc làm thêm phù hợp thì họ sẽ giới thiệu hoặc nếu họ đột xuất nghỉ, mình có thể làm thay.
Cài đặt app 아르바이트: đây là ứng dụng giúp bạn tìm kiếm việc làm trên điện thoại.
Du học sinh tại Hàn nên làm việc gì?
Các công việc đơn giản ở quán ăn, quán cà phê, siêu thị…
Những công việc liên quan đến chuyên ngành học.
Làm part time các công việc ở văn phòng, làm trợ giảng, phục vụ trong phòng nghiên cứu của giáo sư.
Làm phiên dịch, gia sư dạy tiếng.
Một số quy định về làm thêm ở Hàn
Không giới hạn trong kỳ nghỉ.
Được làm việc tối đa ở hai địa điểm.
Sinh viên muốn đi làm thêm phải có visa du học loại D-2, được giáo sư hướng dẫn giới thiệu. Phải đang học tại các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp trở lên, đã học xong một học kỳ.
Chỉ dành cho những bạn có điểm chuyên cần (điểm danh đến lớp) từ 90% trở lên, bảng điểm từ điểm C (2.0 tín chỉ) trở lên mới được phép đăng ký đi làm thêm.
Ban thẩm tra tư cách cư trú của người nước ngoài thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh sẽ đảm nhận việc thẩm tra và cấp phép cho các sinh viên được đi làm thêm hay không.
Tùy vào khả năng tiếng Hàn mà bạn được phép đi làm thêm ngoài giờ như sau:
Người học tiếng Hàn Quốc (visa D4-1) phải có Topik 2 trở lên mới được đăng ký đi làm thêm. Và được phép làm 20 giờ/tuần.
Sinh viên học trung cấp nghề, đại học năm nhất, năm hai phải có chứng chỉ năng lực tiếng Hàn Topik 3 trở lên thì Cục Quản lý Xuất nhập cảnh mới cấp phép được đi làm thêm. Sinh viên đại học được phép làm thêm từ 20-25 giờ/tuần (tùy trường).
Các ứng viên học cao học phải có Topik 4 trở lên mới được đi làm thêm. Sinh viên cao học được phép làm thêm 30 giờ/tuần.
Ngành nghề bị giới hạn: công việc có sự liên quan tới bí mật công nghiệp; kinh doanh đầu cơ tích trữ; mua vui giải trí tại quán rượu, quán bar; việc trái với thuần phong mỹ tục…
Cách đăng ký làm thêm dành cho du học sinh
Các giấy tờ cần chuẩn bị khi đăng ký làm thêm:
Hộ chiếu;
Giấy chứng nhận đang là học sinh của trường;
Giấy tiến cử của giáo sư (không bắt buộc);
Giấy khám sức khỏe;
Đơn xin làm thêm (có thể tải về tại website https://www.hikorea.go.kr/).
Bạn chuẩn bị đủ giấy tờ cần thiết, điền vào và nộp lên văn phòng của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Hàn Quốc gần nơi bạn học. Ban thẩm tra tư cách cư trú của người nước ngoài, thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh sẽ tiến hành thẩm tra và cấp giấy phép đi làm thêm nếu bạn đủ tư cách.
Ngoài ra các bạn có thể nộp đơn xin làm thêm online tại website https://www.hikorea.go.kr/.
Kinh nghiệm cá nhân
Ngày lên đường đi du học, tôi mang theo đúng 500 USD của bố mẹ rồi từ đó nhất định không xin thêm nữa, thậm chí có lúc còn gửi về cho mẹ vài đồng. Sau 4 năm “bôn ba” xứ Hàn, tôi thấy hành trình kiếm việc làm của mình cũng đẫm mồ hôi nước mắt. Nghe có vẻ thảm nhưng tôi đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ, bản thân cũng đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Tôi muốn chia sẻ các công việc làm thêm đã trải qua và những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian ở Hàn Quốc. Hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn du học sinh một số kinh nghiệm nhỏ khi đi làm thêm tại xứ sở kim chi.
Kiếm tiền qua nhà trường và các tổ chức văn hóa – sự kiện
Đây là “kế sinh nhai” đầu tiên của tôi trong thời gian đầu ở Hàn Quốc. Sau này tìm hiểu mới biết có nhiều trường/khoa thưởng tiền cho sinh viên có điểm thành tích xuất sắc. Vậy nên, nếu bạn mới sang Hàn thì trong 6 tháng đầu hãy cố “cày kéo” điểm số trên lớp vì thời gian này bạn cũng chưa thể đi làm thêm ngay được. Hồi kỳ 1 năm nhất, tôi nhận được 250 USD tiền thưởng mà theo lời thầy giáo là dành cho sinh viên có thành tích tốt.
Ở Hàn Quốc có nhiều chương trình dành cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên quốc tế, chỉ cần các bạn tích cực tìm kiếm sau đó làm bản đăng ký tham dự, kế hoạch chi tiết sẽ dễ có cơ hội được chọn. Như vậy bạn vừa có tiền vừa được đi du lịch miễn phí.
Một số chương trình tôi đã từng đi và nhận phí, có thể kể đến như: fellowship 2 lần, mỗi lần 400.000 won; homestay 100.000 won/lần; tham dự cuộc thi Travel được 1,4 triệu won với điều kiện phải đi du lịch tại Hàn cho đến khi… hết tiền. Một lần khác tôi tham dự Semaul Undong, được ban tổ chức cấp tiền đi lại, đón tại Seoul rồi đưa lên một khu resort tách biệt trong 3 ngày, có phòng ăn – ngủ – nghỉ và được tham gia khóa học về cách phát triển quốc gia. Tôi còn tham gia làm tình nguyện viên cho chương trình International Festival, được cắm trại qua đêm trong 2 ngày và chương trình World Economic Forum.
Thêm nữa, sau khi tham gia các chương trình ở Hàn, bạn sẽ được cấp cho một tờ giấy chứng nhận, điều này có thể giúp ích khi bạn muốn làm “dày” bộ hồ sơ của mình về sau này.
Kinh doanh mỹ phẩm và hàng xách tay
Hồi mới qua Hàn Quốc, tôi thấy cái gì cũng hay, đẹp long lanh rồi các chương trình giảm giá liên tục nên nổi máu kinh doanh. Nhưng việc kinh doanh này sớm đổ bể vì những lý do mà ai-cũng-biết-là-đâu. Thứ nhất, hàng của tôi bán cho người nhà là chính nên không lấy lãi cao. Thứ hai, khi thấy mỹ phẩm giảm giá 50% nên tôi “tham”, nhập cả lố về bán dần nhưng bán thì ít mà tặng thì nhiều. Thứ ba, do không có kinh nghiệm quản lý tiền bạc, không tính chi phí vận chuyển nên khi tổng kết bị âm 500.000 won (10 triệu đồng).
Gia sư tiếng Việt cho sinh viên Hàn
Với tôi đây chính là trải nghiệm làm thêm đáng nhớ nhất trong đời. Qua một bạn người Hàn giới thiệu, tôi được giới thiệu cho một bạn nam muốn học tiếng Việt và nhờ tôi làm gia sư. Trung bình, giá dạy học khoảng 300 USD/tháng nhưng “nể tình” sinh viên nên tôi lấy rẻ 200 USD. Tôi mua sách về soạn giáo án. Đi dạy tuần đầu tiên cậu bạn người Hàn rất chăm chỉ học bài, tập đọc tập viết, còn mua cà phê Starbucks cho cô giáo, thậm chí cả tặng quà nữa. Kết thúc tuần học đầu tiên, cậu bạn chuyển khoản thêm 3 tháng lương kế tiếp cho tôi với lời nhắn “Bất cứ khi nào cô giáo cần giúp đỡ, cứ liên lạc với em, em mãi luôn ở bên cô”. Cảm thấy có điều gì đó bất thường nên từ hôm sau, đi dạy tôi không dám cười với trò nữa, cố gắng mặt nghiêm túc nhất có thể. Sau 1 tháng, cậu học trò tỏ tình với tôi theo kiểu cô đã nhận quà của em, cô đã uống cà phê của em rồi thì cô phải là bạn gái của em.
Bị tôi thẳng thừng từ chối thì cậu bạn đó điên lên và đăng lên website trường, group chat sinh viên của trường với nội dung “Hoài là một con cáo quyến rũ đàn ông! Tôi đã bị quyến rũ và bị ruồng bỏ!” Đọc những tin nhắn đó trên group tôi hoang mang, chỉ biết ngồi khóc. Tôi được bạn Chủ tịch câu lạc bộ gọi lên an ủi. Group sau đó hủy tư cách thành viên của bạn nam kia và yêu cầu ra khỏi nhóm. Tôi lập tức chuyển khoản hoàn lại tiền học cho bạn kia và bỏ dạy.
2 tuần tiếp theo, ngày nào cậu bạn đó cũng nhắn tin gọi điện lăng mạ, khủng bố rồi dọa giết khiến tôi bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Các bạn quốc tế khuyên tôi khởi kiện còn mấy bạn Việt Nam thì khuyên đừng kiện, sợ cậu bạn kia khùng lên làm liều. Trưởng ban sinh viên quốc tế phải cử người bảo vệ tôi, đưa đón đi làm thêm rồi tổ chức các buổi họp để xử lý tình huống khủng hoảng. Về sau bạn nam kia còn lần ra chỗ tôi làm thêm, lấy số điện thoại và gọi tới đó, bịa chuyện với ông bà chủ là tôi đi làm bất hợp pháp và yêu cầu họ phải đuổi việc tôi. Dĩ nhiên đó là bịa đặt vì tôi đi làm có giấy tờ cho phép đàng hoàng, chủ quán điều tra số điện thoại và phát hiện ra anh bạn người Hàn kia đã làm trò lố.
Phải mất một thời gian mọi chuyện mới lắng xuống và cuộc sống của tôi mới trở lại bình thường. Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn cảm giác hãi hùng! Đây là một kinh nghiệm “xương máu” dành cho tôi cũng như nhiều bạn du học sinh khác.
Làm việc trong nhà hàng
Lần đầu tiên tôi đi xin làm chân chạy bàn, một chữ tiếng Hàn bẻ đôi không biết nhưng vẫn cứ liều đi xin việc vì không làm thì đói. Lúc đó tôi rủ được một anh khóa trên làm ở văn phòng khoa Quan hệ quốc tế đi xin việc cùng. Đến xin việc ở quán canh xương lợn hầm, được anh bạn đứng ra xin cho, hỏi giờ làm việc, lương, công việc cần làm. “Nếu có việc gì quan trọng hoặc điều gì xảy ra, cô cứ liên lạc đến số này, đây là số văn phòng khoa, nơi bạn Hoài đang học. Con phụ trách bên chương trình tìm việc làm thêm cho người nước ngoài”, anh bạn bịa chuyện như thật nhưng lúc đó đang phải kiếm tiền nên nghĩ ra đủ trò, chứ sự thật làm gì có chương trình nào hỗ trợ tìm việc chạy bàn rửa bát. Tôi chụp lại menu của cửa hàng rồi về nhà cứ thế lẩm nhẩm tên món ăn cho đến lúc thuộc thì thôi, rồi học tên các loại rượu bia ở quán. Tôi còn ngồi viết ra mấy câu tiếng Hàn cơ bản nhất mà ở hàng ăn hay dùng như: “Bạn muốn gọi món gì?”, “Bạn hết từng này tiền”, “Chúc bạn ngon miệng”... Đến khi thuộc rồi còn chơi trò đóng giả khách gọi món, rồi tự trả lời, tự độc thoại, cứ như bị hâm khiến người bạn cùng phòng nhìn với ánh mắt không hiểu tôi đang bị gì!
Mới đầu tôi tưởng mình may mắn vì công việc khá nhàn, ngày ngày đến hút bụi và lau toàn bộ nhà hàng sau đó chờ khách đến thì bưng đồ ra, nhận order cho khách và thanh toán. Trước khi đi làm mấy hôm, tôi quyết định đầu tư tiền đến quán đó ăn xem họ phục vụ thế nào để còn bắt chước. Đến hôm chính thức đi làm tôi hân hoan lắm, ra sức lau chùi sạch bóng đến nỗi không còn hạt bụi nào. Tôi nghe nói bà chủ này khó tính lắm, mà đúng là bà ấy khó tính thật. Rơi một hạt cơm ra sàn mà không dọn ngay thì bà ấy la lên la xuống.
Sau 1 tuần làm ở đó, “tiếng lành đồn xa”, thầy trưởng khoa biết tin nên đã dẫn theo anh bạn đã giúp tôi xin việc cùng cô thư ký văn phòng đến quán tôi làm. Ngay từ lúc tiếng chuông gió ở cửa ra vào kêu lên, thoáng thấy bóng thầy, tôi đã tiên đoán có chuyện chẳng lành. Thầy cô đến ăn rồi nói chuyện với chủ quán, dặn dò rằng tôi là học sinh “cưng” của khoa, có gì sai sót mong bà bỏ quá cho tôi. Thầy con đưa cả danh thiếp của thầy cho ông bà chủ và dặn dò ông bà bảo ban cho tôi.
Ở Hàn có kiểu “nhất thân, nhì quen”, đặc biệt họ rất phân biệt đẳng cấp vị trí trong xã hội nên họ rất nể trọng những người làm giáo sư. Cho nên ngay sau hôm đó tôi đi làm được mang sách vở đến học, được ông bà chủ cho uống sinh tố cà chua, được xem ti vi thoải mái, được tận tình chỉ bảo này… Nhưng khoảnh khắc vui sướng này không được là bao vì đó là quán thịt xương hầm, thường dành cho các dân nhậu hoặc dân lái xe tải, họ ăn nói vô cùng bỗ bã và uống rượu như nước lọc. Có ông khách gọi tôi ra bắt rót rượu rồi trêu ghẹo khiến tôi suýt khóc, may sao có bà chủ ra “cứu” kịp thời. Tôi phải kìm nén lắm mới nuốt cục tức vào cổ. Tôi nhận ra chỗ làm này ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm cho mình. Sang tuần thứ ba, chưa kịp mở lời xin nghỉ thì bà chủ gọi tôi đến và thông báo cho nghỉ với lý do quán vắng khách. Chắc bà chủ thấy tôi không hợp để làm trong môi trường này. Thế là tôi lại một lần nữa thất nghiệp.
Nhớ lại hồi đó, tôi thấy mình giống như câu nói: “For life, so much in love, so much in debt” (Tạm dịch: Đối với cuộc sống, tràn ngập tình yêu, nhưng cũng chất đống nợ nần). Sau 2 tuần thất nghiệp, tôi lân la quen được nhóm các chị “cô dâu Việt lấy chồng Hàn” rồi được các chị hướng dẫn cho cách tìm việc. Đủ các loại nghề mà nếu ở Việt Nam thì sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng nổi là mình sẽ và dám làm như: rửa xe ô tô, đóng hộp mỹ phẩm, sản xuất đồ nhựa, hái lê, hái hạt dẻ, làm công nhân ca đêm… Các chị ý gợi ý cho tôi nhiều nghề rồi còn đưa tôi đến các nhà xưởng để xin việc. Nhà xưởng khá xa trung tâm, heo hút, mới nhìn đã thấy sợ chứ chưa nói là đi làm nên tôi cảm ơn sự giúp đỡ của các chị rồi từ chối vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Cuối cùng tôi cũng tìm được một quán nhận người làm, lương còn thấp hơn lương cơ bản lúc đó nhưng vì muốn có việc làm nên tôi đến xin việc một mình và giấu nhẹm không cho giáo sư hay những người không thân thiết biết chỗ làm vì áp lực. Lần này tôi quyết tâm, khổ mấy cũng cắn răng chịu. Bà chủ nhận tôi vào làm sở hữu quán thịt ở tầng một và quán hát ở tầng hầm, quán này không dành cho sinh viên mà dành cho những người tầm 45-60 tuổi có nhu cầu giải khuây. Nghĩ lại tôi không hiểu sao hành trình tìm việc làm thêm của mình lại gian nan thế, trong khi các bạn cùng sang toàn tìm được chỗ làm khá thì tôi cứ như trong bộ phim hình sự nào đó trên truyền hình. Bà chủ đó bắt tôi vừa chạy bàn vừa phụ bếp, hết khách thì xuống dọn quán hát và lau nền nhà rồi trông cả quán hát. Những hôm đông khách thì tôi chạy mệt nghỉ, đến mức muốn xỉu. Hôm nào vắng khách thì bà chủ cũng không cho ngồi không, bà ấy bắt tôi đi cọ nhà vệ sinh, lau toàn bộ sàn nhà, cửa kính rồi dọn cái đống đồ đồng nát đầy bọ để từ lúc nào. Hồi đó tôi còn tự trấn an “Không được bỏ cuộc! Hãy xem mình là siêu nhân thám hiểm vũ trụ, mình đang tiến đến một hành tinh mới và chủ nhân của nó là một mụ yêu quái!” Trong thời gian đó tôi được một bà phụ bếp thương, thỉnh thoảng thái thịt cho khách lại dúi cho tôi một miếng, ăn lại còn phải tránh bà chủ.
Giờ ngồi nghĩ lại thấy mình điên thật, không mở miệng ra nói được câu nào vì không biết tiếng, cứ thế cắn răng chịu. Tôi còn tư duy theo kiểu AQ, không biết tiếng cũng hay, bà chủ chửi thì bà ấy nghe thôi chứ tôi có hiểu gì đâu. Vậy mà tôi cũng làm ở đó được hơn một năm. Tôi thấy phục bản thân đã có một thời gian cam chịu như thế. Đó cũng là lý do tôi khuyên các bạn nên tham gia lớp giao tiếp cơ bản trước khi qua Hàn để không rơi vào những tình huống trớ trêu như tôi.
Cơ hội tìm việc lâu dài
và định cư tại hàn
Sau khi tốt nghiệp đại học, cao học bạn có thể đổi sang visa tìm việc (D-10) có thời hạn tối đa là hai năn, visa lao động chuyên ngành (E-7) nếu như sau khi tốt nghiệp bạn có công ty nhận vào làm. Sau đó bạn có thể chuyển sang visa định cư (F-2) và định cư vĩnh viễn tại Hàn (F-5).
Visa làm việc (D-10)
Là dạng visa xin việc cho đối tượng visa D-2 chuyển đổi sang.
Đối tượng cho phép:
Đối tượng sinh viên nước ngoài đã tốt nghiệp và có bằng đại học nghề tại Hàn Quốc (bao gồm cả tốt nghiệp dự bị).
Đối tượng sinh viên nước ngoài đã tốt nghiệp bằng đại học chính quy tại Hàn Quốc (bao gồm cả tốt nghiệp dự bị) hoặc tốt nghiệp khóa nghiên cứu (bao gồm cả tốt nghiệp dự bị).
Đối tượng nằm trong diện từ visa Giáo sư (E-1) và visa hoạt động đặc biệt (E-7) muốn tìm việc nhưng hết hạn hợp đồng hoặc chưa tìm được việc khác trước khi thời gian lưu trú kết thúc.
Đối tượng có kế hoạch khởi nghiệp tại Hàn Quốc có bằng đại học chính quy trở lên trong và ngoài nước (bằng tốt nghiệp dự bị) hoặc có bằng sở hữu trí tuệ.
Đối tượng người nước ngoài lưu trú hợp pháp tại Hàn với visa chuyên môn chuyên nghiệp (visa B-1, B-2) có đủ điều kiện để nhận visa D-10.
Thời gian gia hạn lưu trú cho 1 lần: 6 tháng/lần.
Giới hạn cho các đối tượng: Trong vòng một năm trở lại, đối tượng nhận giấy phép đổi sang visa xin việc D-10 đã tự nghỉ việc khi chưa hết hạn hợp đồng. Cần thiết trong việc xác minh hệ thống lưu trú của người nước ngoài thông qua việc phòng chống lạm dụng chế độ tìm việc làm và bảo vệ người làm thuê có đạo đức, trách nhiệm trong công việc.
Hồ sơ cần nộp:
Đơn đăng ký, hộ chiếu và thẻ người nước ngoài, lệ phí.
Bảng điểm hoặc học bạ.
Sau khi kiểm tra qua hệ thống quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, ứng viên có thể được miễn nộp.
Kế hoạch làm việc.
Bản sao bằng kỹ sư cấp quốc gia (ứng viên nộp).
Điều kiện đăng ký: Ứng viên phải đăng ký tại văn phòng quản lý lưu trú khi có thay đổi trong tư cách visa (hoặc có dự định).
Chương trình hội nhập xã hội Hàn Quốc KIIP
Chương trình hội nhập xã hội Hàn Quốc là chương trình do Bộ Tư pháp Hàn Quốc tổ chức với mục đích giúp cho người ngước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn có thể hòa nhập với cuộc sống và xã hội Hàn Quốc. Tham gia chương trình Hội nhập xã hội Hàn Quốc sẽ có cơ hội học tiếng Hàn, hiểu thêm văn hóa Hàn và có nhiều quyền lợi khi bạn có mong muốn đổi visa hay nhập quốc tịch Hàn Quốc.
Chương trình cung cấp các lớp học tiếng Hàn miễn phí có 6 cấp độ, từ cấp độ 0 đến cấp độ 5.
Ở cấp độ 0 thì học chỉ trong vòng 2 tuần, chủ yếu tập phát âm và nói cơ bản. Cấp độ 5 gồm 50 giờ học về văn hóa và xã hội Hàn. Các cấp độ khác thời gian học là 100 giờ.
Những bước cần làm để tham gia chương trình:
Tạo tài khoản trên trang www.socinet.go.kr. Chọn ngôn ngữ “Việt Nam” và điền các thông tin yêu cầu.
Đăng ký thi xếp lớp.
Dự thi xếp lớp.
Chọn chỗ học.
Lời kết
Khi mới sang Hàn Quốc, tôi không biết tiếng Hàn, không có người thân quen; trước đó tôi chưa từng đi nước ngoài, mọi thứ đều xa lạ và bỡ ngỡ. Điều duy nhất tôi có lúc ấy là sự ngây ngô, liều lĩnh của tuổi trẻ, niềm đam mê du học, ham muốn được gặp gỡ các bạn người nước ngoài, được trải nghiệm những nền văn hóa mới, muốn thử thách bản thân trong một môi trường hoàn toàn mới và “không an toàn”, nơi không có sự giục giã hàng ngày mẹ, không có những buổi tối muộn đưa đi đón về của cha, nơi tôi phải tự đặt đồng hồ thức dậy mỗi sáng sớm, tự bắt xe buýt hoặc đi bộ 30 phút trong tuyết lạnh lúc nửa đêm sau khi đi làm thêm về. Tôi học cách tự xem dự báo thời tiết và mang ô những khi trời mưa bão, tự tìm tòi, tham gia các chương trình hoạt động ngoại khóa của tập thể, tự chuyển mình, sửa lỗi sai để khôn lớn dần. Tôi cũng tích cực và tự giác hơn với niềm đam mê tìm hiểu các phương pháp học ngoại ngữ, hiểu về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, chia sẻ và lan tỏa văn hóa Việt Nam với các bạn quốc tế. Ở xa nhà, tôi yêu đất nước, con người Việt Nam, nơi “quê hương là chùm khế ngọt” hơn bao giờ hết.
Cuốn sách cung cấp thông tin đã được tôi tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, viết lại theo bố cục mà tôi cho là dễ hiểu. Trong các phần, tôi xen vào những nhận xét, những trải nghiệm của cá nhân mình. Tôi không học ngành báo, cũng không phải nhà văn. Tôi chỉ là một du học sinh bình thường, có tính tò mò và thích khám phá những thứ mới lạ.
Tôi hy vọng quyển sách này đem lại phần nào những thông tin bổ ích cho các bạn đang có ý định đi du học tại Hàn Quốc. Trong quá trình đọc và tìm kiếm thông tin, nếu có thêm những cập nhập mới hơn, rất mong các bạn sẽ chia sẻ để nhiều người cùng biết.
Tôi hạnh phúc và tự hào vì mình đã được bước ra thế giới rộng lớn. Tôi vui vì mình đã được đi du học!
Phụ lục
Các số điện thoại khẩn cấp
Trung tâm cứu hộ: 119, trong trường hợp tai nạn hoặc thiên tai (hỗ trợ 24/7).
Cảnh sát: 112, trong trường hợp cần xử lý về bạo lực gia đình – xâm hại tình dục – bạo lực học đường và các vấn đề liên quan đến tội phạm.
Tư vấn bệnh viện: 1339.
Tổng đài tư vấn tổng hợp Dasan 120: Bạn có thể tìm hiểu và nghe tư vấn luật, đời sống của người lao động và gia đình đa văn hóa và các lĩnh vực đặc thù khác.
Điện thoại: 02-120. Nhấn 02-120, sau đó bấm số 9 để chọn ngôn ngữ và bấm số 4 để chọn tiếng Việt.
Website: 120dasan.seoul.go.kr.
Tổng đài tư vấn Seoul Global Center:
Điện thoại: 02-2075-4180.
Website: global.seoul.go.kr.
Tổng đài tư vấn của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh: Bạn có thể nghe tư vấn thông tin về xuất nhập cảnh dành cho người nước ngoài.
Điện thoại: 1345. Bấm 1345, bấm số 4 và dấu # sau khi nghe giới thiệu để gọi bộ phận tiếng Việt.
Website: immigration.go.kr.
Trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hóa:
Điện thoại: 1577-1366.
Website: liveinkorea.kr
Tư vấn luật lao động: Bạn có thể tra cứu thông tin về Luật lao động và thông tin lao động.
Điện thoại: 1350.
Website: moel.go.kr.
Tổng đài tư vấn du lịch:
Điện thoại: 1330 (tiếng Hàn: số 1, tiếng Anh: số 2).
Website: visitkorea.or.kr.
Tổng đài tư vấn dịch vụ bưu điện: Bạn có thể tra cứu thông tin cước phí chuyển hàng, gửi thư, kiểm tra vị trí của bưu kiện mình đã gửi (cả trong nước lẫn quốc tế) qua website hoặc gọi trực tiếp đến tổng đài. Ngoài ra, ở bưu điện Hàn Quốc, bạn có thể kiểm tra thông tin giá cước chuyển tiền bằng máy bay, hoặc tàu đi tất cả các nước trên thế giới.
Điện thoại: 1588-1300.
Website: epost.go.kr hoặc koreapost.go.kr.
Luật pháp
Trung tâm Luật pháp thông tin quốc gia: http://www.law.go.kr.
Thông tin về pháp luật đời sống cơ bản: http://oneclick.law.go.kr.
Những nơi sinh viên có thể nhận được sự giúp đỡ về mặt luật pháp:
Công đoàn bảo trợ luật pháp Hàn Quốc (http://www.klac.or.kr, không cần mã quốc gia 132): Tư vấn miễn phí các vấn đề liên quan tới luật pháp như luật dân sự, hình sự và hành chính.
Trung tâm tư vấn luật pháp gia đình Hàn Quốc (http://www.lawhome.or.kr, điện thoại: 1644-7077).
Hiệp hội luật sư Hàn Quốc (http://www.koreanbar.or.kr, điện thoại: 02-3476-4000).
Hiệp hội pháp luật và bảo hộ nhân quyền cho người nước ngoài tại Hàn Quốc (http://www.committee.or.kr, điện thoại: 1588-9372).
Xe buýt
Để biết thêm thông tin chi tiết về giá vé, thời gian, điểm đi điếm đỗ của xe buýt, các bạn có thể tham khảo thông tin trong trang web dưới đây:
Giao thông công cộng thành phố Seoul: http://bus.go.kr.
Cổng thông tin xe buýt thành phố Incheon: http://bus.incheon.go.kr.
Cổng thông tin xe buýt thành phố Busan: http://bus.busan.go.kr.
Cổng thông tin xe buýt thành phố Daegu: http://businfo.daegu.go.kr.
Cổng thông tin xe buýt thành phố Kwangju: http://bus.gjcity.net.
Cổng thông tin xe buýt Daejeon: http://traffic.daejeon.go.kr.
Tàu điện ngầm
Seoul Metro Seoulmetro: www.seoulmetro.co.kr.
Tổng công ty đường sắt đô thị Seoul: www.smrt.co.kr.
Seoul Metro đường số 9: www.metro9.co.kr.
Tổng cục Đường sắt Korail: www.korail.com.
Neo Trans Co., Ltd.: www.shinbundang.co.kr.
Korail Airport Railroad: www.arex.or.kr.
Busan Liên đoàn giao thông Busan: www.humetro.busan.kr.
Gwangju Liên đoàn đường sắt đô thị tỉnh Kwangju: www.gwangjusubway.co.kr.
Daegu Liên đoàn đường sắt đô thị tỉnh Daeagu: www.dtro.or.kr.
Daejon Liên đoàn đường sắt đô thị tỉnh Daejon: www.djet.co.kr.
Sân bay quốc tế
Tổng công ty hàng không Hàn Quốc: 1661-2626.
Sân bay quốc tế Incheon: 1577-2600 www.airport.kr.
Sân bay quốc tế Gimpo: www.airport.co.kr/mbs/gimpo.
Sân bay quốc tế Gimhae: www.airport.co.kr/mbs/gimhae.
Sân bay quốc tế Daegu: www.airport.co.kr/mbs/daegu.
Sân bay quốc tế Muan: www.airport.co.kr/mbs/muan.
Sân bay quốc tế Yangyang: www.airport.co.kr/mbs/yangyang.
Sân bay quốc tế Jeju: www.airport.co.kr/mbs/jeju.
Sân bay quốc tế Chungju: www.airport.co.kr/mbs/cheongju.
Sân bay trong nước
Điện thoại tổng đài: 1661-2626.
Sân bay Gunsan: www.airport.co.kr/mbs/gunsan.
Sân bay Gwangju: www.airport.co.kr/mbs/gwangju.
Sân bay Sacheon: www.airport.co.kr/mbs/sacheon.
Sân bay Yosu: www.airport.co.kr/mbs/yeosu.
Sân bay Ulsan: www.airport.co.kr/mbs/ulsan.
Sân bay Wonju: www.airport.co.kr/mbs/wonju.
Sân bay Pohang: www.airport.co.kr/mbs/pohang.
Giải trí
Liên hoan phim Quốc tế Busan: http://www.biff.kr.
Liên hoan phim Quốc tế Jeonju: http://www.jiff.or.kr.
Liên hoan phim Quốc tế Bujeon: http://www.pifan.com.
CGV: www.cgv.co.kr.
Lotte Cinema: www.lottecinema.co.kr.
Mega Box: www.megabox.co.kr.
Hiệp hội kịch Hàn Quốc: http://www.ktheater.or.kr.
Sân khấu kịch Quốc gia: http://www.ntok.go.kr.
Thiên đường Nghệ thuật: http://www.sac.or.kr.
Trung tâm kịch Seoul: http://www.e-stc.or.kr.
Du lịch văn hóa Jongro-gu: http://tour.jongno.go.kr.
Hiệp hội viện bảo tàng Hàn Quốc: http://www.museum.or.kr.
Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại Quốc gia: http://www.mmca.go.kr.
Bảo tàng Mỹ thuật Daerim: http://www.daelimmuseum.org.
Bảo tàng Mỹ thuật Seoul: http://ema.seoul.go.kr.
Ngân hàng
Ngân hàng Kookmin: www.kbstar.com.
Ngân hàng KEB Hana: www.kebhana.com.
Ngân hàng Woori: www.wooribank.com.
Ngân hàng Shinhan: www.shinhan.com.
Hoài Thanh
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge000000

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge TỰA - LỜI TÁC GIẢ Hồi đó, tám năm qua… Tháng 8.1963, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng viên các...