Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

 

“Thiên hà cổ vật” của Phạm Xuân Hiếu - Một tầm nhìn mới

Vốn là một người sành chơi đồ cổ, bạn bè thường gọi anh bằng một cái tên thân mật “Hiếu Đồ Cổ”, nhà văn Phạm Xuân Hiếu mới có nhiều kiến thức về văn hóa “Cổ vật” để phân tích, giới thiệu tỉ mĩ về lịch sử, giá trị của thế giới “Thiên hà cổ vật”.

Nhà văn Phạm Xuân Hiếu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tin tưởng mời tôi đọc tiểu thuyết “Thiên hà cổ vật” khi đang là bản thảo. Tác phẩm được kết cấu ba phần: Vũ trụ- Loài người (4 chương); Trái đất- Loài người (8 chương); Cổ vật-loài người (6 chương). Tác phẩm đã mở ra một thế giới quan và nhân sinh quan độc đáo đổi mới đến lạ kỳ của tác giả.

Toàn bộ tiểu thuyết, Phạm Xuân Hiếu muốn gửi đến bạn đọc nhiều thông tin về quá khứ, hiện tại và có nhiều dự báo cho tương lai. Nội dung tác phẩm mọi sự việc, hoạt động mọi nhân vật xoay quanh hai nhân vật chính là Thiên Định và Phong Điền. Nhân vật “Nhà khảo cổ chỉ biết nghiên cứu cổ vật, nghiên cứu quy luật của trời, của đất, của loài người”(trang12). Đó là “Nhà khảo cổ học Thiên Định tài ba, người duy nhất có mầm gen vũ trụ sống trên trái đất”(trang 25), là người duy nhất hiểu được cổ vật trong kho báu bí ẩn của vũ trụ, “Người vừa được mở mã khóa gen vũ trụ trong người, có khả năng biết được ngôn ngữ ngoài hành tinh. Ngôn ngữ đó hoàn toàn khác lạ với ngôn ngữ loài người trên trái đất”(trang 30). Nhân vật thứ hai là Phong Điền, một người lính xuất ngũ từ Sài gòn ra, “người có kho báu trong tay…,người có“tài xử lý kho tiền vàng, cổ vật êm như ru”(trang 14).

A poster with text and earth in the background

Description automatically generatedBìa tiểu thuyết Thiên hà cổ vật – Phạm Xuân Hiếu

Ngay từ phần đầu của tác phẩm, thông qua nhân vật nhà khảo cổ, tác giả đã bộc lộ quan điểm về giá trị hai mặt của đồng tiền trong xã hội loài người. Ta hãy nghe nhân vật Thiên Định trao đổi với nhân vật Phong Điền : “Tiền bạc là tài sản phù du trên trái đất…có nhiều tiền chưa chắc đã sướng, không có tiền chưa chắc đã khổ. Tiền nhiều, tiền ít phụ thuộc vào tài năng, trí tuệ, sức khỏe từng người. Tiền là con dao hai lưỡi…Vì tiền con người đảo điên, tàn bạo. Vì tiền tuổi thọ con người dài hơn và cũng ngắn hơn. Vì tiền khoa học phát triển nhanh hơn. Vì tiền khoa học sẽ làm lụi bại nhiều công trình vĩ đại của thiên nhiên, của loài người. Tiền là tiêu chí liên quan đến vật chất, sự sống của con người trên trái đất”. Tác giả mượn nhân vật khác (Hải Viên) bày tỏ “có tiền, có thể mua được nhiều cổ vật quý nhưng không bao giờ mua được trí tuệ, mua được kiến thức…cần phải học, phải đọc, phải biết”(trang 69).Từ xưa đến nay, nhiều vĩ nhân đã viết, đã nói nhiều về “Đồng tiền” trong đời sống xã hội. Thế giới quan bộc lộ nhân sinh quan của tác giả “Thiên hà cổ vật” có tầm khái quát rất lớn, khá toàn diện về đồng tiền.

Thông qua tập tài liệu của Hải Viên, tác giả cho Phong Điền diễn thuyết để thấy được “Thuyết gieo mầm của Đấng Tạo Hóa tạo ra các giải ngân hà, các hành tinh trong vũ trụ…có nguồn gốc từ Nôi Đại Thiên Hồ Điệp…Thuyết gieo mầm là học thuyết mới, loài người chưa được nghe, được biết. Thuyết gieo mầm là khởi đầu của sự sống, khởi đầu của thuyết tiến hóa, thuyết tha sinh, thuyết giáng thế…”(trang71).

Phần “Vũ trụ – loài người” tác giả cuốn hút người đọc bởi những trăn trở day dứt của nhân loại hiện nay là môi trường sinh thái đang trở nên mối lo ngại của cuộc sống. Tác giả khéo léo mượn lời của thần nhập vào nhân vật nhà khảo cổ học Thiên Định nhận xét: “Hiện nay loài người đang phát minh ra rất nhiều công trình khoa học để tìm hiểu vũ trụ, tìm hiểu nguồn gốc loài người” (Trang 81)… “tranh giành khai thác kháng sản, tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm…Loài người trên trái đất đang làm mất cân bằng sinh thái trên hành tinh xanh của Đấng Tạo Hóa đã tạo ra…

Nếu như vậy loài người đang tiến tới tự sát, tự tiêu diệt mình trong tương lai” (Trang82). “Thiên hà cổ vật” của Phạm Xuân Hiếu đang bàn tới một vấn đề mang tầm thời đại- vấn đề “con người với vũ trụ”. Con người thông qua các nhân vật trong tác phẩm của tác giả vừa thực, vừa ảo gợi cho người đọc cứ bám đuổi theo nhân vật để khám phá, để tìm hiểu hiện thực cuộc sống, khám phá xem tác giả định nói gì, phản ánh mảng hiện thực nào của cuộc sống đang diễn ra. Mọi lứa tuổi đọc “Thiên hà cổ vật” đều có thể bị cuốn hút theo một hướng riêng. Cháu nội tôi đang học đại học bách khoa và các bạn sinh viên cùng trường thay nhau mượn đọc. Các trí thức trẻ trầm trồ nhiều chi tiết, nhiều thuật ngữ mới lạ được đề cập tới trong tác phẩm như: Thuyết gieo mầm, mầm gen vũ trụ, Công nghệ tư tưởng, Nội Đại Thiên Hồ Điệp, Nôi Dương Hồ Điệp, Nôi Âm Hồ Điệp, Thuốc Kỳ dương cứng, Sáp rượu Thiền tăng leo cây, rượu tinh trùng bìm bịp…Mỗi thuật ngữ đưa vào tác phẩm đều được tác giả mượn lời các nhân vật lý giải hấp dẫn. Hai nhân vật chính Thiên Định và Phong Điền trong tác phẩm vừa như thực như ảo. Thiên Định là con người thực đã từng học xong ngành Thiên văn, địa lý ở Liên Xô được tổ chức phân công về công trường xây dựng, phụ trách đào móng, đóng cọc. Anh là nhân vật mà bạn đọc còn hoài nghi coi đó là nhân vật phi thực tế, nhân vật ảo bởi tác giả đưa ra chi tiết “Thiên Định được giới khoa học xác nhận là nhà khảo cổ duy nhất trên trái đất có mầm gen bí ẩn, là người duy nhất hiểu được mã khóa Vũ Trụ, tiếp nhận sóng âm từ các hành tinh trong không gian bao la”(Trang 50).

Phong Điền là con người có nhiều biểu hiện huyền bí  trong giới những người chơi cổ vật. Có nhiều chi tiết người đọc đang có những băn khoăn. Hình như đó là những viễn tưởng, những dự báo của nhà văn về nhân loại của tương lai. Nhân vật Phong Điền cũng là nhân vật thật như bao con người thật của cuộc kháng chiến chống xâm lược, đấu tranh thống nhất đất nước. Anh là lính giải phóng quân đã từng đối diện với một người lính ngụy tên là Tía bị thương nặng sau trận pháo kích ở chiến trường. Trước khi chết, người lính ngụy nhờ Phong Điền chuyển hai kỷ vật về cho mẹ ở ngôi nhà  phố Phan Thanh Giản. Hòa bình lập lại, Phong Điền “…đã nhận và làm trọn lời nhắn gửi của người lính ngụy sắp chết”(Trang 233). Câu chuyện về hình ảnh người lính ở hai bên chiến tuyến được tác giả giới thiệu trong tác phẩm thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan rất nhân văn. Vấn đề chiến tranh, vấn đề con người và hậu quả của chiến tranh có lẽ là những suy nghĩ sâu xa mà tác giả đã nói hộ được cho tâm tư nhiều bạn đọc.

Còn rất nhiều ý tưởng như cái thật-cái giả, cái đúng-cái sai, cái tốt-cái xấu, cái được-cái mất, cái thích-cái giả vờ không thích…nhiều lắm, nhiều vấn đề lắm. Cái thú vị khi đọc “Thiên hà cổ vật”, người đọc bị cuốn hút là chỗ đó. Tác giả đang dự báo loài người đã đến lúc vươn tới “Công Nghệ tư tưởng” để có đường lối, có sức mạnh, có ý chí vươn tới cái đẹp, cái tốt thực sự Chân -Thiện – Mỹ. Đó cũng là những khoảng trống tôi muốn dành cho bạn đọc khám phá khi đi đọc “Thiên Hà cổ vật”

Vốn là một người sành chơi đồ cổ, bạn bè thường gọi anh bằng một cái tên thân mật “Hiếu Đồ Cổ”, nhà văn Phạm Xuân Hiếu mới có nhiều kiến thức về văn hóa “Cổ vật” để phân tích, giới thiệu tỷ mỷ về lịch sử, giá trị của thế giới “Thiên hà cổ vật”. Đây là một tác phẩm có một cách viết mới, độc đáo, có những điều kỳ lạ cần khám phá. Chúc bạn đọc tìm tòi được nhiều vấn đề thú vị hơn những gì tôi bàn tới trong bài viết này. Cảm ơn “Thiên Hà Cổ Vật” , cảm ơn nhà văn Phạm Xuân Hiếu.

5/10/2023

Nguyễn Cảnh Ân

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...