Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Nhạt nhòa giữa phố thị và núi rừng

Nhạt nhòa giữa phố thị và núi rừng

Trái với những gì mọi người hay nghĩ về miền đất Tây Nguyên với những rừng cà phê, cao su bạt ngàn, những chàng trai, cô gái dân tộc Ba Na, Ê Đê, Xơ Đăng…, những núi rừng hoang dã, những đại ngàn sâu thẳm, những tiếng cồng chiêng vang vọng đất trời, những lễ hội mừng với tiếng hát ca, điệu nhảy múa thâu đêm suốt sáng… Lê Vi Thủy đã cho thấy một Tây Nguyên rất khác, một Tây Nguyên vừa đô thị như Pleiku là nơi cô đang sinh sống, vừa phảng phất hương xa của núi rừng. Chúng không tách biệt mà nhạt nhòa vào nhau, chênh vênh giữa ranh giới phố và rừng.
So với nhiều miền đất khác của Việt Nam, nhiều người có định kiến rằng miền đất Tây Nguyên tuy cao nhưng lại là vùng đất thấp về văn chương nghệ thuật. Tôi thì không cho rằng như vậy. Tôi luôn nghĩ rằng mỗi một miền đất đều có khả năng sản sinh ra những người có thể kiến tạo nên những tác phẩm văn chương. Với tâm thế ấy tôi cầm trên tay tập thơ của một cô gái đang sống ở Tây Nguyên: Lê Vi Thủy với tác phẩm “Ngày hạt mầm tỏa hương” (NXB Hội Nhà văn, 2020). Có lẽ nếu chỉ nghe cái tên tác giả đầy nữ tính và tên tập thơ cũng mang màu sắc ngôn ngữ đặc trưng của phụ nữ, độc giả sẽ mang tâm lý đón nhận một tập thơ dịu dàng, nhẹ nhàng và tình cảm với giọng điệu thơ ngọt ngào của một tác giả nữ, điều thường thấy ở hầu hết các nhà thơ nữ của Việt Nam. Nhưng chỉ cần lật ra trang sách đầu tiên, độc giả sẽ thấy rằng hóa ra tâm lý đón nhận của mình rơi vào thinh không và mất hút. Thay vào đó là một ấn tượng rất khác, ấn tượng về một chân dung thơ phi giới tính, tồn tại trên ranh giới nhạt nhòa giữa phố thị và núi rừng.
“Xiêu vẹo hơi thở nhòa con chữ”
Như một câu thơ của chính Lê Vi Thủy trong bài thơ “Vớt mùa”, trái với cái tên tập thơ “Ngày hạt mầm tỏa hương” và cũng là tên một bài thơ trong đó, thơ của Lê Vi Thủy không dễ đọc, càng không dễ cảm. Trước hết, sự không dễ đọc ấy đến từ thể thơ tự do mà tác giả chọn. 46 bài thơ tự do với số trang của tập thơ lên đến 140 trang và không có một bài thơ ngắn nào. Không dễ nhớ, không dễ thuộc với những độc giả đã quen với những câu thơ có vần điệu, câu chữ biểu lộ tình cảm yêu thương say đắm, tập thơ của Lê Vi Thủy buộc độc giả phải tư duy theo từng con chữ và cũng chẳng thể tư duy một cách bình thản, bình thường.
Những bài thơ có nhan đề đầy sức ám gợi nhưng cũng bắt độc giả phải tư duy theo kiểu “xiêu vẹo” như: “Nhưng nhức ngày mai”, “Nhịp thở ngày đều”, “Níu gầy hoảnh tiếng”, “Thành phố đi lạc”, “Vẫn ngày thứ bảy màu tím”, “Sẫm màu ú ớ”… Đằng sau những bài thơ ấy là chân dung của một người thơ phi giới tính, một cái tôi phi giới tính cho dù Lê Vi Thủy đã chia tập thơ thành hai phần “Phố”, “Và em”. Thật ra tôi nghĩ không cần chia thành hai phần như vậy, cho dù có lẽ Lê Vi Thủy muốn ẩn ý trình bày hai chủ thể trong tập thơ của mình: Chủ thể “Phố” trong cái nhìn và sự hiểu cảm của chủ thể “Em”. Còn tôi, tôi cho rằng cả hai chủ thể “Phố” “Và em” đều không tồn tại độc lập, song song, mà hai chủ thể này xóa nhòa ranh giới lẫn nhau. Nếu có thể gọi tên một ấn tượng bật trội nhất khi đọc tập thơ này, có lẽ đó là ấn tượng về một sự “xóa nhòa” trên mọi phương diện thơ.
Trái với những gì mọi người hay nghĩ về miền đất Tây Nguyên với những rừng cà phê, cao su bạt ngàn, những chàng trai, cô gái dân tộc Ba Na, Ê Đê, Xơ Đăng…, những núi rừng hoang dã, những đại ngàn sâu thẳm, những tiếng cồng chiêng vang vọng đất trời, những lễ hội mừng với tiếng hát ca, điệu nhảy múa thâu đêm suốt sáng… Lê Vi Thủy đã cho thấy một Tây Nguyên rất khác, một Tây Nguyên vừa đô thị như Pleiku là nơi cô đang sinh sống, vừa phảng phất hương xa của núi rừng. Chúng không tách biệt mà nhạt nhòa vào nhau, chênh vênh giữa ranh giới phố và rừng.
Đó là một phố núi mà chẳng khác gì mọi phố thị nơi nơi, vẫn là dòng xe đông đúc, phố phường chật hẹp, chỉ có mơ ước là mở ra đến vô cùng và tuyệt vọng cũng là vô tận.
mở phố/ mắt him híp tràn nắng/ từng ngón nhảy nhót/ đôi xăng đan mòn vẹt lối/ ngơ ngác/ dòng xe/ khin khít chật hẹp/ giữa miền mơ ước. (Phố 2)
Vẫn là phố của những thanh âm. Phố chứng kiến những mối tình. Phố đón bình minh. Phố nhàu nát những mùa đi qua những phận người te tướp.
dư âm bật nền từ góc phố/ tiếng chổi quét đường khuya lạt sạt/ đẩy cửa bình minh/ gào thét những nụ hôn truy nã/ quặt thắt trong nhau te tướp tình/ nhàu nát đông.(Khoảng khắc)
Nhưng đó vẫn là phố của phong vị núi rừng, dù phố thị đã thay thế cho đại ngàn, dù không còn mấy bóng dáng của những người con ruột thịt của miền đất Tây Nguyên. Vẫn còn đó bóng dáng của đất đỏ, của những con chim thiên di theo mỗi mùa mưa nắng/ đường dài đất đỏ/ gió thông thốc thổi ngược mùa/ dấu chân chim hằn trên nỗi nhọc nhằn. (Nhưng nhức ngày mai)
Tập thơ “Ngày hạt mầm tỏa hương” của Lê Vi Thủy
Là phố của miền núi rừng cụ thể với “bụi đỏ đường đỏ”, với “những ngón quỳ khẳng khiu”, nhưng cũng là phố của những bon chen dòng đời, và trên hết là cảm giác phố của vô định, có rất nhiều nhưng đồng thời cũng là chốn rỗng không.
đông về/ cao nguyên lạnh/ những ngón quỳ khẳng khiu trơ gió/ bụi đỏ đường đỏ đôi mắt em/ đỏ chiếc lá rụm dưới lòng đường/ tiếng chim hót mùa đông chợt quánh lại/ rơi lả tả giữa dòng đua chen. (Cao nguyên lạnh)
Phố thị và núi rừng trong thơ của Lê Vi Thủy vừa rất cụ thể qua những hình ảnh, nhưng lại không có gì cụ thể cả nếu soi chiếu vào đó một tâm trạng. Đó là tâm trạng của sự xóa nhòa. Mọi thứ đều đang diễn ra, cuộc sống cứ trôi đi, tiếp diễn, mọi sự vật hiện tượng vẫn ồn ào, náo động, vẫn cùng nhau đi qua mỗi mùa. Chỉ có tâm trạng con người là mơ hồ, nhòe nhoẹt, là không định tính cũng chẳng định hình, định lượng. Tâm trạng ấy là của nhà thơ, mà cũng có thể là của bất cứ ai trong số chúng ta. Vì vậy tâm trạng ấy không mang gương mặt phụ nữ, không mang gương mặt đàn ông. Đó là một tâm trạng vượt ra ngoài định kiến về giới, cho rằng thơ của tác giả nữ phải thế nọ thế kia, gần như đóng khung định hình về một kiểu tác giả. Dĩ nhiên Lê Vi Thủy vẫn có những bài thơ đầy tính nữ, nhất là những bài thơ viết về tình mẫu tử.
con sẽ đến không phải từ trong giấc mơ/ nhen hạt mầm bay lên từ cánh gió/ con đã khóc khi tiếng nấc chào đời/ mẹ hạnh phúc quên những âu lo. (Ngày hạt mầm tỏa hương).
Tác giả cũng có không ít những bài thơ mang tâm trạng day dứt rất đàn bà, yêu thương, quằn quại, giằng xé, rã rời, đủ mọi cung bậc cảm xúc của tình yêu, của mất mát, của những gì không thể níu giữ nổi. Ngay cả khi có tình yêu và tình yêu đủ đầy nhất thì nhà thơ vẫn mơ hồ linh cảm thấy những tàn phai, mục ruỗng của tình!
em muốn hôn anh/ hôn đôi môi rơi bỏng đốt từ trên cao xuống thấp đập vào /thành sương/ mỏng mảnh xuyên/ đôi mắt bện rong rêu thành vết tích/ với tay – níu. cánh tàn lóe lên những chớm đỏ/ cháy dở – ngón rát/ sau nụ giòn của lá/ em thức anh/ mở tiếng cười của đứa trẻ lên ba gọi bố. (Rỗng rời)
Theo cảm nhận của cá nhân tôi, những bài thơ mang màu sắc nữ tính như thế, dù day dứt, dù mãnh liệt, nồng nàn, nhưng khó có thể tạo cho Lê Vi Thủy một giọng thơ riêng. Ngược lại, những bài thơ mang tâm trạng phi giới tính, xóa nhòa ranh giới giữa mọi tình cảm mới là sắc thái làm nên sự riêng biệt trong thơ của Lê Vi Thủy. Đó là tâm trạng của cái “xóa nhòa”. Ngôn ngữ thơ của tác giả diễn tả được khá chân xác tâm trạng “xóa nhòa” ấy. Tâm trạng của đám đông, tâm trạng của những dòng người tấp nập, hối hả sống ngoài kia và cũng là tâm trạng của người đã đánh mất chính bản thân mình, thấy chính mình hóa thân và hòa lẫn vào với mọi người.
giữa hỗn mang cuộc sống/ chạy mãi trên con đường không biết đâu là điểm đến/ và buổi chiều nhạt thếch trong cổ họng/ tiếng rao buồn hòa lẫn tiếng ve/ cành phượng vĩ nhuốm đỏ màu trời/ từng chiếc bóng đổ dài/ kéo lê nhau/ trong giấc mơ bay vào cơn mưa mùa hạn. (Cơn mơ chiều).
Thật ra đó chính là tâm trạng của con người đương đại đang lạc trôi trong cuộc sống đương đại. Chúng ta sống, chúng ta tồn tại và rồi chúng ta tự hỏi đó có phải là cuộc sống hay không? Nhưng dù đó có là cuộc sống hay không, chúng ta vẫn phải kéo lê sự tồn tại của chúng ta qua những ngày tháng, qua những không gian, với những ràng buộc, những bất toàn, để rồi chúng ta hiểu chúng ta chỉ mãi là một kẻ xóa nhòa trong đám đông ngoài kia, sống như đám đông đã, đang và sẽ sống. Không còn hai chủ thể riêng biệt “Phố” “Và em” nữa, chỉ còn lại một chủ thể mờ nhòe, trộn lẫn vào nhau. Vậy thì đó là bất hạnh hay hạnh phúc? Câu hỏi ấy không tồn tại thành câu chữ trong thơ của Lê Vi Thủy, nó là “ý tại ngôn ngoại” ở bên ngoài lời thơ. Và mỗi độc giả sẽ có câu trả lời của riêng bản thân mình.
“Xoay vòng cấu tứ không đầu không cuối”
Một câu thơ trong bài thơ “Những cái lọ rỗng” chính là sự khắc họa sắc nét đặc trưng về nội dung và nghệ thuật trong thơ của Lê Vi Thủy, đó là sự “xoay vòng cấu tứ không đầu không cuối”. Cái sự không đầu không cuối này đầu tiên đến từ nội dung của những bài thơ, cũng là để diễn tả chính cái không đầu không cuối của cuộc sống, những quanh quẩn phận người, những vòng tròn cuộc sống khép chặt không bao giờ mở ra, chôn giấu đi mọi ước mơ và khát vọng, để lại những bộn bề mà lòng người không bao giờ có thể thu dọn nổi.
cuộc đời tròn cứ loanh quanh ở những ô tròn đồng tâm không bao giờ kết thúc/ quanh quẩn bên xóm nhỏ, xiêu vẹo gánh hàng trưa/ chôn bao khát vọng chẳng bao giờ nở hoa/ bộn bề những cuộc cười khóc không tên/ bộn bề bỉm sữa/ bộn bề hy vọng/ bộn bề thị thành. (Lao xao nỗi nhớ).
Đời sống thì chông chênh, đời sống thì mệt mỏi với quá nhiều ồn ào, náo động. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tập thơ này của Lê Vi Thủy có sự xuất hiện dày đặc của những âm thanh. Những âm thanh mang tính ngẫu nhiên, rời rạc, lỏng lẻo, không đầu không cuối. Đó là “tiếng huýt sáo vọng ra từ đâu đó lao vùn vụt gió” (Bùng binh ngã rẽ), đó là “tiếng gà gáy đêm cựa mình thức giấc”, “thu tiếng ếch ì ộp trong buổi chiều mưa” (Nhưng nhức ngày mai), “inh oang còi xe bận rộn” (Lao xao nỗi nhớ), “đêm qua tiếng mèo kêu ngắt đoạn” (Níu gầy hoảnh tiếng), “lũ chó đi hoang tru những tiếng đầy chất người trong khuôn khổ văn bản chưa kiểm duyệt đầy con dấu đỏ” (Hõm)…  Những âm thanh ấy chính là đời sống, thậm chí góp phần làm đầy thêm cái đời sống vốn đã quá ngổn ngang nhiều thứ, “âm thanh va đập làm dày thêm mỗi ngày” (Nhịp thở ngày đều).
Những hình ảnh thơ tưởng chừng như phi lý, không tồn tại, ảo huyền và hư thực không rõ, và dĩ nhiên cũng không đầu không cuối góp phần làm cho thơ của Lê Vi Thủy thêm đậm tính chất siêu thực và càng dễ lý giải cho chủ thể “xóa nhòa” trong thơ của cô. Đó là hình ảnh “người đàn bà hắt nắng” (Rỗng rời), “rêu ụ từng đám suy diễn cùng nơ ron” (Mưa mùa hạ), “trong hõm sâu của ngày” (Hõm), “ngón đêm bôi trơn bằng những hạt mầm màu trắng” (Giữa đêm), “đêm thậm thượt tôi” (Đối diện), “hàng trang giấy trắng ráo cạn bờ đê” (Vớt mùa), “mưa màu chat gắn vào con gái” (Cao nguyên)… Những “con chữ lộn xộn kín mặt giấy A4 rỗng rễnh không tiếng” (Ban mai) đó lại chính là tiếng nói của tâm trạng, một tâm trạng “không đầu không cuối”, một tâm trạng chỉ biết dùng ngôn ngữ để diễn tả những cảm xúc, những khắc khoải, những tan vỡ, lụi tàn và đâu đó thấp thoáng vẫn là những ước mơ về hạnh phúc, những gửi gắm cho tương lai.
Cấu tứ thơ của Lê Vi Thủy đúng như từ ngữ mà cô dùng, đó là “xoay vòng”. Nhiều tứ thơ lặp đi lặp lại, chẳng hạn như những tứ thơ về phố. Nhiều tứ thơ về sự ám ảnh của âm thanh cũng được lặp đi lặp lại với tần suất cao. Có vẻ đó là sự cố tình trong tư duy thơ của tác giả. Sự lặp lại thì bao giờ cũng mang hàm ý nhấn mạnh, tạo lập một phong cách riêng nhưng sâu xa hơn, nó thể hiện sự lẩn quẩn, bế tắc, xóa nhòa không ranh giới trong thế giới nghệ thuật thơ của Lê Vi Thủy. Tác giả tạo ra một trường ngữ nghĩa lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ để độc giả cảm nhận rằng thế giới này chật hẹp biết bao, đời sống này quẩn quanh, vô vị biết bao. Trong đó “Phố” là không gian nghệ thuật chính của thơ Lê Vi Thủy và mọi tứ thơ chủ yếu đều xoay quanh chủ thể không gian “Phố”. Ở nơi không gian ấy, rất thuận lợi cho mọi “xóa nhòa”, cho dù có là ai, là vật gì hay chủ thể nào đi nữa. Ở nơi ấy, người ta cũng có thể dễ dàng lạc mất nhau, trở thành vô tăm tích, cho dù không gian ấy vẫn là giấc mơ, là khát vọng của nhiều người.
giữa cơn khát mùa hạ/ phố xao xác những cái ôm bỏng rát/ chực tràn sợi khói hữu hình/ những đứa trẻ đi lạc/ mơ giấc mơ thành phố/ mơ giấc mơ đi lạc. (Thành phố đi lạc).
Nếu tôi là tác giả, tôi sẽ không chọn nhan đề “Ngày hạt mầm tỏa hương” cho tập thơ. Có lẽ tôi sẽ chọn một nhan đề từ hai bài thơ trong tập thơ này, đó là “Rỗng rời thành phố đi lạc” vì nhan đề này thể hiện được rõ nhất tư duy thơ của Lê Vi Thủy.
Nếu “xiêu vẹo hơi thở nhòa con chữ” là sự thể hiện rõ nét nhất những tầng ý nghĩa nội dung mà Lê Vi Thủy muốn gửi gắm vào ngôn ngữ thơ, thì chính sự “xoay vòng cấu tứ không đầu không cuối” là để biểu đạt cụ thể của những tầng ý nghĩa đó. Bóc tách ra những lớp chữ, ẩn đằng sau đó là tâm tình phức tạp và đa mang của nhà thơ, nhưng mỗi độc giả có lẽ chỉ chọn lựa được cho mình một cách hiểu. Cách hiểu của tôi là dù viết những bài thơ dài, dù đây là một tập thơ dày so với nhiều tập thơ của những tác giả khác, dù câu chữ nhiều, dù hình ảnh bộn bề, ngổn ngang, nhưng tôi chỉ thấy ở đây một sự xóa nhòa trên mọi phương diện, xóa nhòa thân phận con người, xóa nhòa chính cuộc sống, xóa nhòa cái tôi cá nhân, xóa nhòa mọi điều chúng ta có thể suy nghĩ, tư duy, yêu thương, cảm xúc… Chính điều này tạo thành nét riêng trong thơ của Lê Vi Thủy, bởi vì người ta quen làm thơ để làm nổi bật, để khẳng định cái tôi cá nhân, để khẳng định rất nhiều điều. Lê Vi Thủy vẫn có những bài thơ thể hiện ít nhiều cái tôi cá nhân, nhưng tôi cho rằng, cái đáng nói nhất ở nhà thơ chính là lòng dũng cảm thể nghiệm sự xóa nhòa bằng câu chữ. Xét cho cùng, cuộc sống của chúng ta chính là sự xóa nhòa từ từ chính bản thân chúng ta và rồi ai trong số chúng ta cũng sẽ đi đến tận cùng của sự xóa nhòa đó.
Trong bài thơ cuối cùng in trong tập thơ, nhan đề là “Trên giấc mơ ngày cũ”, Lê Vi Thủy đã thể hiện một ước mơ, tưởng chừng như có vẻ trái ngược với sự “xóa nhòa”:
em mơ một ngày em mơ/ như con sâu lười cuộn tròn trong kén/ ước mơ một ngày hóa vũ/ lộng lẫy giữa ban mai
Nhưng tôi cho rằng không có gì mâu thuẫn cả, thậm chí còn là một lời kết thúc đẹp cho tập thơ, một tuyên ngôn trả lời cho cho sự xóa nhòa. Khi mà đời sống buộc chúng ta phải xóa nhòa mọi thứ, lẫn vào nhau với những cái kén, cái tổ giống nhau, thì bất cứ ai cũng sẽ mơ ước về một ngày hóa thành lộng lẫy, để mỗi người lại là được chính mình, được sống là mình, không nhòa lẫn vào với bất cứ ai.
Và như thế tôi nghĩ tập thơ này của Lê Vi Thủy cũng sẽ không dễ xóa nhòa trong đời sống thơ ca Việt Nam thời đương đại.
13/9/2023
Hà Thanh Vân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...