Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

"Muôn lời thiên nhiên" của Ngọc Khương: Thông điệp gửi thế giới trẻ thơ

"Muôn lời thiên nhiên" của Ngọc Khương:
Thông điệp gửi thế giới trẻ thơ

Ngày 22.9.2023, nhà thơ Ngọc Khương sẽ tổ chức ra mắt tập thơ Muôn lời thiên nhiên viết cho thiếu nhi, do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 8.2023.
Nhà thơ Ngọc Khương sinh ra và lớn lên ở làng Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình hiện sống và sáng tác tại TPHCM. Ông đam mê văn học nghệ thuật ngay từ thuở nhỏ. Năm 17 tuổi ông đã tham gia sáng tạo văn chương và âm nhạc. Ngoài tuổi lục tuần, ông mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Thơ ông đề cập về nhiều chủ đề, hướng đến nhiều lĩnh vực, nhưng thành công nhất vẫn là những tập thơ viết cho thiếu nhi.
Năm 2023, Ngọc Khương cho ra mắt tập thơ Muôn lời thiên nhiên là ấn phẩm thứ 17 của ông. Tập thơ có 27 bài, dẫn dụ những tâm hồn trẻ thơ hòa vào thế giới thiên nhiên. Với các biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, thơ ngụ ngôn…, những con vật, đồ vật, cây cỏ trong thiên nhiên, sông núi, đất trời, trong thơ ông cũng trở thành những người bạn tri kỷ của con trẻ.
Trong bài Chú sáo nhà em Ngọc Khương đã viết: Sáng sáng Sáo gọi/ Dậy mau! Dậy mau!/ Nhanh chân đến lớp/ Trễ học rồi nào!/ Chiều chiều Sáo nhắc/ Học bài! Học bài!/ Mê chi điện thoại/ Bấm hoài! Bấm hoài!/ Chủ nhật Sáo giục/ Tưới cây! Tưới cây!/ Em mang vòi nước/ Làm mưa phun đầy…
Tiếng gọi của chú Sáo nhỏ, như đồng hồ báo thức, như một thời gian biểu, nhắc em đi học đúng giờ, không say điện thoại, chăm chỉ tưới cây, hòa cùng thiên nhiên. Đây cũng là thông điệp gửi đến các bậc làm cha, làm mẹ, hướng các cháu đến nhiệm vụ học tập, tránh say game, nghiện điện thoại, một căn bệnh đang hoành hành trong lớp trẻ. Hãy hướng các cháu đến với bầy chim, cây cỏ, cùng làm mưa, tưới cây làm đẹp thiên nhiên.
Các bạn Gà Nâu, Vịt Bầu, Chó Vàng, chú Khỉ, Mèo Con cũng tham gia trẩy hội, đọc thơ, diễn thơ trong ngày thơ nguyên tiêu: Chú Vàng cất tiếng gâu gâu/ Khua vang hồi trống, mở đầu hội thơ/ Gà Nâu vừa tỉnh giấc mơ/ Ó ò ó – nắng buông tơ sáng – chiều/ Vịt Bầu chân bước liêu xiêu/ Đọc thơ tứ tuyệt, bao nhiêu nỗi niềm!/ Mèo Con đôi mắt u huyền/ Ngâm bài lục bát, trăng nghiêng cánh diều/ Chú Khỉ không ngớt leo trèo/ Diễn “tân hình thức” thơ treo lưng trời/ Tiếng thơ như níu lòng người/ Nguyên Tiêu, vang vọng muôn lời thiên nhiên… (Ngày hội Nguyên tiêu).
Bằng thể thơ lục bát truyền thống, trong Ngày hội Nguyên tiêu, Ngọc Khương đã miêu tả chú Vàng đánh trống, Mèo Con cũng biết ngâm thơ lục bát, Vịt Bầu cũng biết đọc thơ tứ tuyệt, chú Khỉ cũng biết diễn thơ “tân hình thức” để thả lên trời. Đây không chỉ là trò chơi con trẻ, của thế giới loài vật, của thiên nhiên, mà tác giả đang hướng các cháu đến với xã hội văn minh, nền văn hóa hiện đại, hướng đến nền văn học truyền thống và cách tân hình thức của thế giới đương đại hôm nay.
Đi đến đâu Ngọc Khương cũng quan sát một cách tinh tế cảnh sắc thiên nhiên, ở đâu ông cũng có một bài thơ viết cho thiếu nhi. Tham gia trại viết cho thiếu nhi ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, ông có bài thơ Gành Đá Đĩa, Tháp Nghinh Phong. Về Định Quán ông có bài Đá Chồng. Bằng thể thơ lục bát được ngắt nhịp, Ngọc Khương đã miêu tả về những hòn đá xếp chồng lên nhau hàng triệu triệu năm: Một người/ Chỉ cõng một người/ Đã nghe thở dốc/ Rã rời tay chân!/ Một thân/ Mà cõng hai thân/ Mấy ai trụ được/ Vũ vần trăm năm!/ Qua Định Quán/ Đá chẳng nằm/ Đứng chồng ba lớp/ Trăng rằm chạm môi…/ Đá như làm xiếc mà chơi/ Để nhiều bạn trẻ/ Bao đời ngác ngơ…/ Hay là đá cũng mộng mơ/ Muốn làm thi sĩ đề thơ lên trời? (Đá Chồng).
Tập thơ “Muôn lời thiên nhiên” viết cho thiếu nhi của Ngọc Khương
Ông đã hóa thân vào cùng thế giới trẻ thơ, tuyên truyền cho mọi người phải thực hiện 5 K trong đại dịch Covd-19 qua bài Chú mèo phòng dịch. Đây cũng là thông điệp gửi tới cả những người lớn trong việc bảo vệ xã hội, cộng đồng.
Thế giới của trẻ thơ là vừa chơi vừa học, lại cũng là vừa học vừa chơi. Tuổi ấu thơ ai cũng có những kỷ niệm đánh khăng, đánh cù, chơi ô quan, đấu vật, nhảy dây… trong đời. Những đêm trăng sáng thì tổ chức ù muỗi, đánh trận giả. Và, trong các trận đấu thì có kẻ thắng, người thua. Mỗi người có một năng khiếu, có một thế mạnh. Trong bài thơ ngụ ngôn Gà nâu thắng cuộc, tác giả đã nói niềm vui hân hoan của người thắng cuộc: Vịt Gà cùng thách đố nhau/ Mèo con được dịp làm khâu trọng tài./ “Bây giờ ai giỏi hơn ai/ Phải thi ba hiệp! Các ngài rõ chưa?”/ Hiệp một: Lội xuống ao thơ/ Ai bắt được cá, xem như dẫn đầu!/ Gà Nâu thấy nước đã rầu/ Chân run cầm cập, miệng cầu Adi…/ Vịt ta chẳng ngại ngùng chi/ Chụp ngay chú cá, mang đi trình mèo…/ Hiệp hai xem cũng hiểm nghèo/ Đôi bên càng quyết thi trèo cây cao/ Vịt ta chưa biết tính sao?/ Gà Nâu đập cánh, nhảy ào đọt cây/ Họ gà bôm bốp vỗ tay/ Thương cho nhà Vịt đứng ngây, thẹn thuồng!/ Hiệp ba hai phía diễn tuồng/ Vịt ta cạc cạc… Tiếng dường Ếch kêu!/ Gà Nâu cất giọng trong veo/ Ó ò o… khiến mây chiều ngẩn ngơ…
Rõ ràng là Gà Nâu đã thắng cuộc. Tiếng gà gáy trong veo, âm vang cao hơn, xa hơn. Nhưng trong ba hiệp thì thế mạnh của Gà Nâu là hai. Nếu thi ở lĩnh vực khác mà thế mạnh của Vịt là hai thì Gà Nâu sẽ thua. Cũng như trong truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh. Do yêu cầu lễ vật của vua Hùng nằm trên đất liền mà Thủy Tinh phải thua. Vua Hùng có ý thiên vị cho Sơn Tinh. Do đó việc thắng thua cũng có phần sắp xếp của trọng tài.
Ông giáo dục con trẻ tình yêu Tổ quốc một cách nhẹ nhàng. Ông hướng các cháu về biển đảo Việt Nam, qua bài Trăng Trường Sa: Biển Đông/ Khuyết một vành trăng/ Đêm đêm nguyệt thực/ Chị Hằng còn đau!/ Trăng non/ Từ đáy biển sâu/ Mọc lên giữa sóng bạc đầu/ Lung linh…/ Bao người lính đã hi sinh/ Đảo thiêng xé sóng/ Hóa mình thành trăng… Một hình thức giáo dục ý nhị, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Sự hy sinh của những người lính giữ đảo mãi mãi là vầng trăng thân yêu của Tổ quốc.
Ông cất tiếng phản đối gay gắt những tệ nạn xã hội, thương cảm với con chó, người bạn bao đời gắn bó với cuộc sống con người trong bài Ky ơi! Ky ơi!: Cái lũ thất đức / Nó thuốc mày rồi! / Tim mày ngừng đập / Bọt sùi trắng môi!…// Đắp mày nấm mộ / Thắp ba nén nhang / Cầu mày tịnh độ / Về nơi niết bàn!.
Ông đớn đau khi ngày nay một số người vô cảm với thiên nhiên, bắt những chú cò khâu mắt, dụ đồng loại vào chỗ chết. Những cánh cò chấp chới bay trong ca dao, bây giờ bị nằm quắt queo trong chảo lửa nhà hàng: Những chú Cò/ Bị khâu mắt/ Đứng giữa đồng/ Làm bẫy…/ Đàn Cò trắng/ Tự trời cao tung tẩy/ Tưởng bạn mình/ Sà xuống cùng chơi/ Ôi thôi thôi/ Cò dính bẫy mất rồi!/ Xoạc cánh, kêu la/ Đồng xanh bất lực!/ Thế là hết/ Những tháng ngày háo hức/ Cõng mây vàng/ Chấp chới giấc mơ…/ Bếp nhà hàng/ Rụi những cánh thơ/ Thương bao chú Cò/ Quắt queo chảo lửa! (Trống mảnh hồn quê).
Thơ ông, luôn giáo dục con trẻ tình yêu quê hương, đất nước. Ông đau đáu nhớ về quê cha đất tổ. Dù xa quê gần ba mươi năm sau ngày thống nhất, nhưng năm nào ông cũng dẫn con, cháu về thăm. Quê ngoại các con ông, làng Cao Lao Hạ, nơi có nhà thơ Lưu Trọng Lư nổi tiếng, nơi có đồi thông Ba Trại với vực Sanh nước mát trong veo và dòng sông Gianh lịch sử: Về thăm quê ngoại/ Vục nước Linh Giang/ Cầu vươn chín nhịp/Trời xanh, nắng vàng/ Về thăm quê ngoại/ Soi gương Vực Sanh/ Thông reo Ba Trại/ Con đường quanh quanh…/ Về thăm quê ngoại/ Lúa vàng trĩu bông/ Ruộng xưa mẹ cấy/ Nay hương ngát đồng (Về thăm quê ngoại).
21/9/2023
Hoàng Minh Đức
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tết bên Nga của nhà văn Việt

Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết q...