Người ở bến Lù
Khúc sông Lô hối hả đổ qua làng, rồi tần ngần chậm lại
ở chỗ bến Lù. Cái bến ấy là thẻo đất cuối làng Soi Long và cũng là nơi hợp lưu
của con suối đổ ra từ phía Khánh Hoà, rồi nhập dòng với sông.
Bến Lù là đoạn rộng nhất của khúc sông này. Những buổi chiều, người làng vẫn thay nhau ra đây gánh nước về sinh hoạt. Những buổi trưa oi nồng, các cô gái Soi Long mộc mạc như phù sa sông Lô vẫn hò nhau ra bến Lù giặt quần áo. Ở bến ấy, những hàng cây sung cổ thụ toả bóng xuống mặt nước, tán lá che kín cả một vạt trời. Bấy giờ đang cữ tiết thu, nhưng trời vẫn ong ong nắng. Người già ở bến Lù bảo, năm ấy nóng khủng khiếp. Làng nằm dọc theo bên hữu ngạn sông Lô. Con sông hiền hoà, nhưng cứ đến cữ đầu hạ trở đi là những trận lũ ào ạt đổ về. Lũ như những đàn ngựa hoang, lồng lộn đổ xuôi dòng, cuốn phăng đi nhiều thứ của người làng. Từ nhà cửa, hoa màu và động vật cũng đều có nguy cơ bị lũ mang đi. Năm nào cũng lũ. Người bến Lù nhọc nhằn vượt lên, lâu rồi thành quen. Thế nên, sau này những cơn lũ từ sông Lô chưa kịp dâng lên ở bến Lù, người làng đã hò nhau chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó. Lũ quét dọc qua mùa hạ, lũ tràn sang cả những ngày đầu thu. Kinh nghiệm của người làng cho biết, hễ cứ sau những đợt nắng gắt kéo dài, thể nào cũng xuất hiện những trận mưa giông.
Những mái nhà lợp cỏ giang nằm xen lẫn những nếp nhà lợp bằng
cây nứa ngộ bổ đôi, đập rập ra, rồi xếp lớp lên nhau. Người ta gọi là lợp néo.
Thời ấy nghèo, dù sao thì những nếp nhà tạm bợ kia cũng là tổ ấm của mỗi gia
đình, là nơi người bến Lù thương nhau và sinh nở. Một buổi trưa đầu thu năm ấy,
nắng vẫn còn gắt gỏng. Những mái nhà thiêm thiếp nằm dưới bóng cây sung già. Những
cánh võng chập chờn đưa đẩy, hoà vào tiếng ru trẻ ngủ, nghe mà khắc khoải, nao
lòng. Người làng cũng dần lịm đi sau nửa ngày cày cuốc trên cánh đồng nắng nỏ
như rang. Bỗng có tiếng gầm rú liên thanh phát ra từ phía bến Lù. Người làng chợt
nghĩ, chắc có tiếng sấm đầu thu đây mà. Năm nay sao sấm về muộn thế. Tiếng gầm
rú ấy lúc đầu còn nhỏ, rồi to dần, chói gắt, nghe như muốn xé rách cả bầu trời
thu còn oi nồng vì nắng. Người làng choàng tỉnh giấc. Đâu đó những tiếng thét
gào vang lên ở khắp làng. Tiếng bước chân người chạy hối hả. Người làng hét
lên:
– Máy bay giặc đấy! Chạy đi. Chạy nhanh lên!
Không kịp nữa rồi. Những quả bom bi từ trên những chiếc máy
bay của Mỹ dữ dội trút xuống. Tiếng nổ đì đùng rộ lên, xen lẫn tiếng thét gào,
tiếng khóc của người làng. Tất cả đều hoảng loạn, cuống cuồng tìm chỗ trú ẩn.
Khói lửa bốc lên, ngùn ngụt cháy. Lửa gặp nắng, cháy dữ dội. Cả một góc trời mịt
mùng trong khói và lửa. Trong cái oi nồng của ngày cuối hạ, mùi da thịt cháy cứ
theo gió bay lên, tanh tưởi, khét lẹt. Sau loạt bom Mỹ trút xuống bến Lù, một số
người làng từ các khu vực trú ẩn mới nháo nhác lần tìm trong đám tro tàn, đổ
nát. Ôi, một làng quê bình yên bên khúc sông Lô bời bời những gió, nay toan
hoang hết cả. Hơn hai chục nóc nhà dựng lên từ tranh, tre, nứa, lá… nay hầu hết
đều bị chìm trong khói lửa của bom Mỹ dội. Những tiếng nấc nghẹn. Những tiếng
khóc gào trong buổi trưa oi nồng ấy bay lên, nghe xa xót và xé lòng đến thế.
Đám đàn ông, đàn bà trong làng tấp tểnh chia nhau bổ đi tìm người. Lúc này, cứu
người là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, còn những căn nhà cháy rụi, rồi đây từ
sức người, chúng sẽ được cất dựng lại.
Trong biển lửa bao trùm và khói bụi bốc lên, những vũng máu
còn chưa kịp khô trên nền đất ẩm của cái làng quê bé nhỏ và guộc gầy. Người
làng nhẩm đếm: Nhà bà Hữu và nhà bà Hạc, mỗi nhà chết 2 người. Nhà ông Cói, nhà
ông Tiếm, ông Dự… mỗi nhà chết 1 người. Nhà ông Hào chết cả 2 vợ chồng. Nhưng
nhiều nhất là nhà bà Quế, 3 bà cháu đều chết cháy cả. Như vậy, đã có cả thẩy
hơn 10 người ở bến Lù chết vì bom Mỹ. Đấy là chưa kể hàng chục người khác bị
thương mà di chứng của nó còn âm ỉ đến tận bây giờ trên cơ thể của người làng.
Sự kiện này xảy ra vào ngày mùng 6 tháng 8 năm 1966. Đó là cái mốc mà các thế hệ
người làng chưa bao giờ nguôi ngoai hoặc quên đi. Những nhân chứng của một thời
đau thương ấy giờ đây cũng vơi dần. Hôm tôi về lại bến Lù, một vùng đất nằm nép
mình bên phía hữu ngạn sông Lô, thuộc thôn Soi Long, xã Thái Hoà, huyện Hàm
Yên, tỉnh Tuyên Quang khi người làng vừa tổ chức cái giỗ cho những người chết
trong sự kiện năm 1966. Hàng chục nóc nhà đều tổ chức giỗ vào ngày đó, gọi là
“giỗ trận”. Mấy chục năm đi qua, nhưng kí ức khói lửa ấy vẫn được các thế hệ
người bến Lù kể lại, như một minh chứng cho sự mất mát còn dai dẳng suốt mấy thế
hệ.
Làng Soi Long được hình thành từ khi có dấu chân người Nam Định,
Hà Nam lên khai khẩn đất đai. Trước đây, rẻo đất nơi bến Lù này chỉ là khu vực
hoang hoá, cây cối và lau sậy mọc lên um tùm. Thấy bảo, ngày xưa còn có hùm beo
về bắt gia súc của người trong làng. Bây giờ thì Soi Long đã có gần 70 nóc nhà,
bám dọc theo bến Lù. Người dân ở đây thuần nông, nhưng cuộc sống đã khấm khá
lên nhiều. Đường làng đã đổ bê tông. Những nếp nhà xây mọc lên lấp lánh trong
những bóng cây ăn trái, đã nom thấy một vóc dáng của làng quê đang trở mình đi
lên trong mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Tôi gặp lại anh Đặng Văn Tài, Bí
thư chi bộ cũng vừa đi làm đồng về. Nhà anh Tài ở ngay đầu làng. Thế hệ của anh
không được chứng kiến sự kiện năm 1966, nhưng các chi tiết trong sự kiện ấy vẫn
được anh kể vanh vách. Nhưng anh lại bảo:
– Thôi, để tôi dẫn chú đi gặp các nhân chứng.
– Còn nhiều không anh?
– Chả còn lại bao nhiêu đâu. Các cụ giờ chết cả, một số cụ
còn thì cũng già, lúc nhớ, lúc quên.
Ở bến Lù, cụ bà Nguyễn Thị Mùi là người cao tuổi nhất. Năm
nay cụ bước vào tuổi 95. Tôi ngạc nhiên khi thấy cụ còn khá minh mẫn. Cụ bảo,
chỉ có đau cái chân thôi, còn tai và mắt vẫn tinh tường lắm. Hàng ngày, con
cháu bận đi làm đồng, cụ tự mình nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Khi tôi nhắc lại sự
kiện năm 1966, khuôn mặt cụ Mùi như trùng xuống, đôi mắt mờ đục nhìn vào khoảng
lặng phía xa xa. Cụ giơ cánh tay phải lên cho tôi xem. Trên khúc tay dăn deo ấy
còn hằn một vết sẹo to và dài. Vết sẹo ấy là từ một mảnh bom vô tình phạt qua
tay cụ. Chạm vào vết sẹo, kí ức của mấy mươi năm trước lại như thước phim hiện
về mới mẻ. Cụ nhìn tôi, rồi bồi hồi kể lại cho tôi nghe cái ngày bom Mỹ dội vào
bến Lù, dội vào làng cụ. Cụ bảo:
– Lúc ấy không phải là Mỹ nó có ý định đánh vào làng Soi Long
này đâu bác ạ. Phía dưới bến Lù có cái nhà máy sản xuất tơ – gang của quân đội
gì đó, tôi cũng chả nhớ rõ lắm. Nhà máy cũng ít người thôi vì vừa được dựng
lên, chủ yếu sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng. Chắc Mỹ nó muốn đánh bom
vào đó. Nhưng chả hiểu thế nào nó lại đánh chệch đi, thế nên bom mới rơi vào
làng này.
Năm 1966, lúc ấy cụ Mùi còn khá trẻ. Cụ nhớ như in vào cái buổi
trưa định mệnh ấy, khi cụ bế đứa con gái mới 3 tuổi, nằm trên chiếc võng đay,
đưa đẩy những lời ru để lừa đứa con gái ngủ. Giấc trưa yên ả bên bến Lù rì rầm
đổ sóng. Làng quê vắng lặng, chỉ nghe đâu đó tiếng chó sủa vu vơ vọng vào trong
ánh nắng mật rót, tiếng sủa chỉ mơ hồ, ngắt quãng. Nhưng đã có tiếng nổ lớn
phát ra trên bầu trời, cứ như những tiếng sấm trái mùa, đì đùng, gắt gỏng. Đám
trẻ bất chợt tỉnh giấc. Người bến Lù còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy
ra thì đã thấy từng quầng lửa đỏ rực lên ở cuối làng. Một số người có kinh nghiệm
chợt nhận ra cái điều khủng khiếp đang bắt đầu bổ xuống người làng. Tiếng hò
nhau tìm nơi trú ẩn. Tiếng khóc gào, hoảng loạn cứ như những lưỡi dao sắc lẹm,
cắt vào lòng người già, con trẻ. Cụ Mùi chưa kịp bế đứa con gái trên tay trốn nấp
vào nơi an toàn thì một mảnh bom đã cứa ngọt vào cánh tay phải của cụ. Máu chảy
ròng ròng. Đứa trẻ 3 tuổi bấu chặt lấy mẹ, mặt tái nhợt đi, khóc không thành tiếng.
Lửa đã cháy bén sang căn nhà của cụ. Cánh bà Na trưa ấy sang cụ Mùi chơi cũng bị
chết cháy giữa nhà, trước sự chứng kiến của cụ Mùi và các thành viên trong gia
đình.
– Kinh hãi lắm bác ơi. Nhà cháy, người thì chết, tan nát hết
cả.
Cụ Mùi xúc động nói với tôi. Dường như trong cái vùng kí ức
sâu thẳm nào đó của cụ, có thể nhiều thứ đã bị quên đi, nhưng sự kiện năm 1966
thì cụ lại không thể quên nó đi được. Gần trọn cuộc đời gắn bó với đồng đất Soi
Long, cụ đi qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống. Cũng giống như khúc
sông Lô chảy qua bến Lù, năm tháng làm bờ bãi biến đổi đi nhiều, song con nước
vẫn xuôi dòng mà đổ về xuôi trên cái hành trình vạn dặm. Con cháu của cụ Mùi cứ
hiền hậu lớn lên trên bãi bồi phù sa, rồi trưởng thành. Có đứa rời làng đi nơi
khác tìm kế sinh nhai, lập nghiệp. Đứa ở lại, bám làng, gắn bó với ruộng đồng,
rồi sinh con đẻ cái. Các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau, ăn đời ở kiếp với làng.
Âu cũng là chuyện thường tình như các làng quê khác.
Anh Trần Văn Đông là thế hệ thứ nhất được sinh ra ở cái cái bến
Lù này. Đấy cũng là năm đầu tiên mấy chục con người từ vùng quê Nam Định lên bến
Lù khai hoang, lập làng. Khi tôi nhắc đến sự kiện Mỹ thả bom đốt phá làng vào
năm 1966, anh Đông bảo, thời điểm ấy anh mới 4 tuổi. Tuy không thể nhận thức rõ
ràng về sự khốc liệt của nó, nhưng trong ý nghĩ non nớt của một đứa trẻ, anh và
đám trẻ trong làng cùng lờ mờ hiểu ra nỗi mất mát, tang tóc ở Soi Long trong
cái buổi trưa định mệnh ấy. Bom trút xuống, nhà anh bị cháy rụi cả. Một viên
bom bi sắc lạnh đã cứa lên da thịt anh và ngủ yên ở đó rất lâu. Mãi sau này,
viên bom bi ấy mới chịu chui ra khỏi da thịt anh. Nhưng nỗi đau đớn nhất là người
chị gái của anh mới 6 tuổi đã vĩnh viễn nằm lại trên dúm đất phù sa sông Lô,
nơi bến Lù rì rầm nỗi sóng. Anh Đông nghẹn ngào bảo:
– Nếu y học phát triển như bây giờ thì chị tôi không chết.
Chị gái anh Đông bị mảnh bom phạt đứt lìa cánh chân. Máu đỏ
chảy ròng ròng. Chị khóc thét lên, người nhợt nhạt vì mất máu quá nhiều. Người
bến Lù và người ở các làng bên Khánh An, Tân An, Khánh Hoà cũng hối hả chạy
sang giúp đỡ, cứu người trong cơn hoạn nạn. Người ở những làng này họ đều là
dân khai hoang từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình lên từ những năm đầu
thập niên 60 của thế kỷ trước, nên họ thương nhau như ruột thịt. Làng này có việc
gì, người làng kia sẽ xắn tay áo vào mà đỡ đần nhau. Những làng ấy đều nằm bám
dọc phía hữu ngạn sông Lô. Làng Soi Long ở bến Lù là khúc cuối của địa hạt Hàm
Yên. Qua hết bến Lù là Chợ Tổng của xã Đức Ninh và nhìn sang phía tả ngạn sông
Lô là xã Chiêu Yên của huyện Yên Sơn. Thẻo đất Soi Long khá màu mỡ, mỗi năm lại
được phù sa sông Lô bồi đắp một lần. Thế nên cây cối và mùa màng ở đây luôn
tươi tốt quanh năm. Thấy người già kể, sở dĩ cái tên Soi Long được bắt nguồn từ
địa hình của làng. Sông chảy đến bến Lù thì chạm vào roi đất nằm giữa sông. Roi
đất ấy trước đây to lắm, dễ đến cả mấy sào Bắc bộ và dài đến cả trăm mét. Gặp
chướng ngại vật, con sông phân lưu thành hai dòng chảy. Roi đất nhô cao, đuôi
thon dần về phía hạ lưu. Nếu đứng từ phía tả ngạn trông về, hay đứng ở hữu ngạn
Soi Long trông sang thì roi đất nhô lên ở giữa sông, nom như một con rồng xanh,
đầu đang chầu lên mạn Bắc, còn đuôi quẫy sóng ở bến Lù.
Nhìn hình sông, thế đất, người già ở bến Lù từng chép miệng
nói với nhau rằng, giá mà con rồng xanh ấy chầu vào làng thì làng đã vượng khí,
sẽ có nhiều người đỗ đạt cao. Tiếc hùi hụi đấy, nhưng các cụ xưa vẫn quyết định
đặt tên cho làng là Soi Long, nghĩa là “soi Rồng” có lẽ cũng vì ước muốn khí
thiêng tụ về mà che chở cho người làng làm ăn được thuận lợi, mùa màng tốt
tươi. Ấy thế nhưng sự kiện Mỹ thả bom đánh phá dân làng vào năm 1966 đã khiến
người ở bến Lù vốn đã nghèo lại chở nên xao xác hơn. Người còn sống đau đớn tiễn
đưa người chết vì bom. Dân ở các làng bên đã về giúp đỡ liên tục nhiều ngày liền.
Họ cùng dân bến Lù chôn cất cho người chết xong, lại xúm tay lên rừng chặt che,
vác nứa, cắt gianh… dựng lại những căn nhà mới cho người làng trên chính cái nền
đất vẫn còn khét lẹt mùi bom đạn. Nhà anh Đông cũng được dân bến Lù và dân các
làng khác tụ về giúp đỡ, thế nên cuộc sống cũng dần ổn định. Nhưng các thành
viên trong gia đình anh vẫn còn biết bao nhiêu nỗi đau giày vò.
– Khổ, cái chân của chị tôi đã cướp đi cả cuộc đời chị.
Thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước, đất nước còn đang
trong giai đoạn chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Miền Bắc vừa tập trung
xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, vừa chống Mỹ, vừa thi đua lao động sản xuất để lấy
cái ăn, cái mặc, vừa góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam. Mọi thứ lúc bấy
giờ đều khó khăn, thiếu thốn cả. Các cơ sở y tế đều nghèo nàn, thuốc men thiếu
thốn. Người bến Lù tất bật lo kiếm ăn, cũng chả ai có tí kiến thức nào về lĩnh
vực này. Thế nên chị của anh Đông và những người bị thương trong sự kiện năm
1966 ấy, nhiều người đã không kịp điều trị mà phải bỏ mạng. Bến Lù ngày đó tang
tóc lắm. Dòng sông như gầm lên, nấc nghẹn những đợt sóng dâng trào. Người chết
thì đã chết rồi. Người bị thương thì đã bị thương rồi. Nhưng người còn sống
cũng đành gạt đi nỗi đau mất mát để gây dựng lại cơ nghiệp. Những căn nhà tạm bợ,
lợp bằng rơm rạ lại bình yên nhả từng ngọn khói lên trời. Cuộc sống đang dần trở
lại với người làng. Trên đồng bãi dọc theo khúc sông Lô nơi bến Lù, nắm hạt giống
ủ trong chum vại lại có cơ hội nảy mầm nơi phù sa bồi đắp. Mấy chục năm qua đi,
kể từ ngày người làng đặt chân lên khai khẩn đất đai nơi bến Lù, cái ăn, cái mặc
giờ không còn khiến người làng phải quá lo lắng nữa. Nhưng cứ đến ngày 6 tháng
8 hàng năm, người làng lại tổ chức cúng giỗ cho người chết. Cái giỗ chung ấy được
người làng gọi là “giỗ trận”. Chưa thấy năm nào người bến Lù bỏ tục lệ ấy. Nén
nhang trầm được đốt lên, phần nào an ủi những người đã nằm xuống nơi đồng đất
quê nhà trong cái sự kiện năm 1966.
Hôm về lại Soi Long, anh Tài, Bí thư Chi bộ đã dẫn tôi xem lại
chỗ mà Mỹ đã thả bom làm chết và bị thương hàng chục người của làng. Trên nền đất
hoắm sâu do sức nén của bom, giờ không còn tìm thấy dấu vết nào cả. Trên những
chỗ đó đã mọc lên vạt cây ăn trái với màu xanh ngút ngát. Người ta đã san lại đất
đai, gieo trồng cây cối mà làm nên những mùa màng, nuôi sống mấy trăm con người
đang bám trụ lại làng mà sinh con đẻ cái. Thấy anh Tài bảo, đã có một dạo, người
làng đề nghị dựng bia để tưởng nhớ người đã mất. Tấm bia ấy sẽ ghi là “Bia căm
thù”. Nhưng cũng có người cho rằng: “Chả nên”. Nỗi đau là có thật. Nhưng cái thời
chiến tranh, loạn lạc nó thế, làng quê nào cũng thế. Trên suốt một rẻo đất Việt
Nam, không ít làng quê cũng tan hoang, hàng triệu người con đã ngã xuống, máu
xương thấm vào đá núi, vào gió, vào bời bời cây cỏ. Hãy dần quên nó đi để mọi
người cùng hướng về tương lai đất nước, chứ “Bia căm thù” chả giúp người chết sống
lại được. Điều quan trọng là phải gây dựng cuộc sống ấm no hơn, các thế hệ người
ở bến Lù được sinh ra, lớn lên, có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cho
dân tộc. Người bến Lù vẫn hồn hậu và rộng lòng bao dung như vậy.
Anh Tài dẫn tôi ngang qua khu vực nghĩa trang ở cuối bến Lù.
Những hàng mộ chí thẳng thớm, trắng toát một bên trời, được xếp cạnh nhau. Làng
quê xào xạc trong gió Thu. Cánh đồng Soi Long chạy dài ngút ngàn bên phía hữu
ngạn sông Lô. Cánh đồng đang dậy lên mùi thơm ngan ngát của lúa đương vào độ
chín.
28/9/2023
Tạ Bá Hương
Nguồn: Văn nghệ số 35+36/2023
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét