Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Gặp người Hà Nội trong buổi sớm ở Hồ Tây

Gặp người Hà Nội
trong buổi sớm ở Hồ Tây

Thong dong đi bộ qua vài con phố, Hà Nội hiện ra đúng y hệt những ca từ: ngõ nhỏ, phố nhỏ, những căn nhà nhỏ. Người, xe trên phố cũng chật chội, hối hả…
Từ ô cửa Nhà khách 299 Hồ Tây, một góc Hà Nội hiện ra. Lô nhô những tòa bê tông cao, thấp chen nhau chật kín. Tôi bị đánh thức bởi những âm thanh phát ra từ đâu đó. Hồ Tây buổi sớm sương giăng giăng phủ mờ. Những tràng cười rộn rã từ những người Hà Nội tuổi cao niên, trung niên, tay choàng vai nhau kết thành một vòng tròn, vòng quanh công viên bên bờ hồ.
Này, cháu ở trong ấy mới ra à?
Câu hỏi bất chợt làm tôi ngẩn người. Chưa kịp cất tiếng…
Bác không cần nghe giọng nói đâu nhé! Chỉ cần nhìn mặt là biết ngay thôi!
Ngỡ ngàng, bởi trước mặt tôi là một người Hà Nội… chưa quen! Cảm giác thú vị chợt nghĩ, chẳng nhẽ người dân Hà thành “nhẵn” mặt nhau đến mức chỉ cần nhìn sơ qua cũng biết ngay đó là một người vừa từ phương khác đến?
“Con bác làm việc trong miền Nam đấy. Chúng cứ nài nỉ bác vào trong ấy sống cùng nhưng bác chỉ vào chơi dăm bữa rồi về, không ở lâu được. Bác đi đâu cũng nhớ Hà Nội lắm, không bỏ Hà Nội! Hà Nội lạnh thích lắm nhé, không nơi nào bằng đâu!” – một bác tuổi cao niên đã chào đón người ở phương Nam lần đầu tiên ra Thủ đô bằng niềm tỏ bày tình yêu Hà Nội một cách tự hào như thế!
Tôi thấy thoang thoảng mùi hương, phát hiện vài cây hoa sữa đang đứng đằm thắm bên bờ hồ bèn mon men đến. Những đóa hoa li ti vàng nhạt hệt màu… sữa, kết thành từng chùm tỏa mùi thơm lựng đi vào thơ, vào nhạc mà trước đó chỉ toàn nghe giờ đang hiện hữu trước mặt.
Vừa ngửa cổ ngắm hoa, vừa nghiên cứu cách “trộm” một nhành nhỏ làm quà về tặng bạn thì bị “hú hồn”: “Này! Làm cốc chè nóng cho ấm bụng nhé!”.
Giật mình quay lại, đập vào mắt là hàng chè với nào là bình thủy, ly, tách gọn gàng trong… chiếc giỏ nhựa! Chủ nhân “hàng chè” là một người Hà Nội tuổi trung niên!
“Dạ! Cô cho con một… ly ạ!”.
Lừng chừng một xíu bởi chẳng biết nên…ly hay cốc?
Cô “hàng chè” xề xòa vui tính: Cháu ở trong Nam mới ra à? Lần này thì không bị bất ngờ nữa. Tôi tin chắc, giờ bất kỳ người Hà Nội nào nhìn “bản mặt ta”, cũng sẽ biết ngay là người từ trong Nam mới ra rồi!
Hàng liễu rũ thong thả, điệu đà buông nhành nơi ghế đá như mời mọc. Bên bờ hồ, “thưởng thức Hà Nội” qua từng ngụm chè nóng, nghe cả mùi hoa sữa nồng nàn, mùi sương sớm pha lẫn.
Thong dong đi bộ qua vài con phố, Hà Nội hiện ra đúng y hệt những ca từ: ngỏ nhỏ, phố nhỏ, những căn nhà nhỏ. Người, xe trên phố cũng chật chội, hối hả…
Loanh quanh một lúc, tôi lại gặp một người Hà Nội tuổi cao niên khác… “Này! cháu có biết bầy sâm cầm trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là con gì không?”.
Nhìn theo cái chỉ tay của người Hà Nội ra phía ngoài xa xa, thấy vài chấm đen đen đang ngụp lặn giữa mặt hồ mờ đục mà chẳng thể nghĩ ra được câu trả lời. Nhớ, từng có lần tìm hiểu về loài chim quý hiện diện trong bản tình khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ tài hoa: Sâm cầm là loài chim sống ở bán đảo Triều Tiên, tức Bắc Hàn và Hàn Quốc, giống con vịt nước nhưng lông đen tuyền, mỏ trắng. Sâm cầm ăn nhân sâm mọc tự nhiên trên núi nên người ta gọi là Sâm Cầm…
“Chúng là những con vịt giời đấy! Sâm cầm giờ không còn đâu…!” người Hà Nội giải đáp. Ra vậy! Đàn vịt giời ngoài xa xa là hiện thân… “bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời…”, vào bức tranh Hồ Tây buổi sớm mùa thu thêm phần lãng mạn!
Dạo chưa ra Thủ đô, tôi thi thoảng ngân nga những bản tình khúc về Hà Nội mà chẳng thể lý giải sao lại có thể “cảm” cái thành phố chưa một lần đặt chân đến mà cứ thấy như là nơi chốn đã thuộc về. Đôi lần còn lan man nghĩ: ở một kiếp sống nào đó, có khi ta đã từng là một… người Hà Nội… xưa!?
Chuyến đi vội đến, vội về, chỉ kịp đến những nơi không thể không đến: Viếng Lăng Bác, Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Mới chỉ loanh quanh vài con đường, con phố nhưng cũng kịp neo vào ký ức những khoảnh khắc, kịp gom chút sương mai Hồ Tây, chút se lạnh phương Bắc, chút hương hoa sữa “nhét” đầy tâm tưởng chuyến về Nam “làm quà” cho bạn.
Dẫu chưa qua hết những con đường, hàng phố. Chưa thăm thú hết những di tích, cảnh quan Hà Nội nhưng cảm giác như đã thấu cảm được mọi thứ. Rằng, bất kỳ một thị dân Hà thành lạ, quen nào cũng hào sảng, thân tình, và mến khách!
Tạm biệt Thủ đô bằng cái vẫy tay nhẹ qua ô cửa kính. Cố thu vào tầm mắt một góc Hồ Tây mơ màng, dịu dàng mà…chật kín, trước lúc rời đi. Những dòng ký ức về Hà Nội như một lời tri ân, thương mến gửi đến những người Hà Nội chưa quen, đã quen, chưa gặp nhưng cảm giác như không hề… xa lạ!
Hẹn Hà Nội một ngày không xa…
24/9/2023
Lê Ngọc Hạnh
Nguồn: Báo Dân Việt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có một thứ văn học lạnh

  Có một thứ văn học lạnh Tôi cho rằng thứ văn học có một thời giống như cách mạng nổ bùng ra gây chấn động dữ dội đã lui vào quá khứ; bởi v...