Đôi mắt quê chè
Lại mùa ngâu đến! Nhớ lắm những ngày ngâu tầm tã, chị
em tôi dân tỉnh lẻ thuê trọ trong căn hộ chín mét vuông ở một hẻm nhỏ nằm trên
phố Tôn Thất Tùng. Cô em họ của tôi may mắn còn đầy đủ cha mẹ nên cuộc sống cứ
êm đềm trôi như nước xuôi dòng. Tôi thì khác. Tôi tự thân độc lập có lẽ vì thế
vô hình tôi thành chỗ dựa tinh thần cho em ở một nơi xa.
Do tính chất công việc những lúc muốn thư giãn chỉ có thể rủ em ra quán nước đầu phố gọi dăm ba chén chè vài nghìn đồng rồi thả sức ngồi ngắm thiên hạ người giầu, kẻ nghèo tất bật ngược xuôi mà thấy mình còn may mắn chán. Bà bán quán tầm trên bảy mươi tuổi, có khuôn mặt sạm sụi vì bụi đường, nghe đâu bà cũng tha hương. Đã quen nên thấy tôi đến, không cần gọi, bà chắt từ chiếc ấm ủ chén nước đặt trước mặt “này! con”.
Tôi ngắm mãi cái sắc vàng sáng trong như mật ong hoa bạc hà,
mầu nước chè tươi không chỉ quyến rũ mà hương chè tươi hãm đến độ ngấu tỏa ra
thoảng thơm man mát mang cả bầu trời ký ức hỗn độn với bao nhiêu cung bậc chất
chứa giữa cõi người. Nước chè tươi là lời mộc mạc ở nơi phồn hoa đô thị, là nét
bình dị yên ả quê hương. “Lá xanh thương gốc đứng ngồi/ Búp non xao dậy hương
trời trung du/ Chè già ngọt giọng bầm ru/ Vàng thơm óng nước nông phu tỉnh người”.
Không biết từ lúc nào tôi trở thành người tâm tình của bà, đến
mức bà chỉ bảo tôi cách chọn chè, cất chè và hãm chè sao cho ngon, cho đượm. Bà
kể “Nhà bầm riêng biệt một quả đồi cao rộng tít tắp với tre, bương, trám, cọ, đặc
biệt nương chè bát ngát. Đứng dưới chân đồi nhìn lên chỉ thấy chè bằng chằn chặn
như thảm cỏ xanh trải ngược lên trời. Phú Thọ quê bầm nói đến chè phải kể đến đồi
chè Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn), chè Long Cốc, đồi chè Mỹ Thuận (huyện Tân
Sơn), chè Phú Hộ (huyện Phù Ninh); chè Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa)… nương nhà bầm trồng
giống chè Vân Lĩnh hương vị đặc trưng lắm”.
Ánh mắt bà bớt đục mờ, bà hào hứng nói về chè: “Cây chè cũng
là nguồn sống chính của gia đình bầm. Làm chè khô, búp và cánh chè phải vò tươi
cho xoăn lại, rồi cho lên chảo gang xao và vò tiếp khi chè còn nóng, xao chè bằng
bếp củi nhỏ lửa đến lúc màu xanh chuyển sang đen xám, cánh quăn đều và khô mới
mang sàng lọc ra hai loại chè nguyên tôm và chè vụn hay gọi là chè bồm. Còn chè
tươi mỗi khi hái vào chưa dùng hết bầm bảo quản bằng cách cuốn lá vào tàu chuối
đặt trong chiếc nồi đình để nơi ẩm mát, như thế chè lâu bị khô. Chè hãm ngon lá
phải chớm già, màu xanh thậm, không ủng úa. Chè mới hái hai diềm răng cưa sâu dầy
căng, cuống lá chưa thâm héo. Rửa chè chỉ được khỏa nhẹ tay cho sạch bụi bẩn
nhưng hãm lại phải vò dầm dập, tráng lượt nước sôi cho tái lá rồi mới chế nước ủ
sao cho phai thôi dưỡng chất có trong lá chè được tiết ra triệt để. Bàn tay
này…”
Bà xòe ra trước mặt tôi những ngón tay thô kệch cứng kếu thâm
xì bởi nhựa chè lâu ngày: “Bàn tay này bầm đã từng chăm nuôi đàn con đứa nào đứa
nấy cũng lộc ngộc cũng từ mảnh đất chè, vậy mà…”. Mắt bà rơm rớm “Bầm đã sai”.
Tôi nhấp ngụm nước rồi hỏi: “Thế các anh chị có biết bầm xuống đây
không?” “Biết. Bầm xuống đây để ở với chúng mà lại, nhưng không ở nổi phải đi
trọ”. Bà nói “Từ khi có dự án khu công nghiệp đằng trước nhà, bầm không làm chè
nữa mà chia cho chúng mỗi đứa một khoảnh. Lúc đầu chúng hào hứng tính làm ăn lắm.
Nhưng người nhà nông thì biết buôn bán cái gì hở con! Đấy, các nhà máy cũng mọc
lên rồi đấy nhưng chúng có làm được đâu. Chúng bán dần đất, chi tiêu bạt mạng
cuối cùng nhà cửa chẳng đứa nào có. Con gái thì theo chồng. Bầm đi với thằng
con út về dưới này làm xe ôm nuôi vợ, nuôi con nó chứ nuôi sao được mình”. “Sao
bầm không quay về trên ấy? “Làm gì còn đất mà quay, sai ở chỗ chia hết cho
chúng mà không mảy may giữ cho mình, bầm chỉ nghĩ sẽ ở với con nên riêng tây
làm gì. Khổ ông ấy giờ chẳng có chỗ mà đặt ban thờ”. Có người vào quán, bà chấm
vội mắt, rồi pha nước cho khách.
Tranh của họa sĩ Lê Kiệt
Mùa hè ở thủ đô oi bức hơn ở nơi khác, dàn đồng ca ve sầu vô
tư cất lên bản nhạc khan rát tai trên hàng cây hai bên đường phố. Hơi nóng phả
từ mặt đường nhựa phả vào. Bà nhẫn nại ngồi canh quán từ sáng tinh mơ tới khuya
nên lúc rảnh, chị em tôi tranh thủ ra vừa làm khách lại vừa đỡ giúp bà, quán nước
bé nhỏ của bà đông khách hơn. Tôi phát hiện ở bà cái cảm giác thư giãn chính là
lúc bà luôn tay luôn chân, lúc bản thân liên tục vận động. Phải chăng việc làm
quên đi mọi sự mệt mỏi cùng nỗi lo toan đơn độc sẵn có trong bà.
Kể cũng lạ, ngoài bảy mươi tuổi, bà chưa phải đi viện bao giờ.
Dẫu ốm cũng sơ sài qua loa “ốm no bò dậy” đã quen. Bà bảo “giữ thói quen uống
chè tươi là khỏe mạnh chứ ngày nay môi trường ô nhiễm, thức phẩm chưa đảm bảo độ
an toàn, biết đâu mà lần. Quá nửa đời bầm gắn với nương chè, khô có, tươi có,
trồng trọt, chế biến bầm đều làm bằng phương pháp thủ công truyền thống nên tuyệt
đối sạch, mình làm mình uống nữa mà”. rồi bà cười hồn hậu. Tôi đã chứng kiến những
ruộng trồng rau quả hoa mầu được phân loại khoảnh kia bán, khoảnh này để riêng
nhà ăn mà rùng mình, tự nhiên tôi hỏi khẽ “Bầm ơi, nếu bây giờ được ước bầm ước
gì nhỉ?”. Bà không nhìn tôi mà bâng quơ nói “mấy hôm nữa giỗ bố chúng chẳng biết
có đứa nào nhớ mà thắp cho ông ấy nén nhang không”.
Học xong, em tôi lấy chồng ở lại thủ đô. Tôi trở về quê nhen
nhóm dự định gom tiền mua thửa đất rộng bắt tay vào gây dựng một vườn chè.
Trong đầu tôi hiện ra những vạt chè bạt ngàn xanh tít tắp nương chè có bàn tay
của bà. Nghĩ là làm tôi quay xuôi Hà Nội qua rủ em đến quán nước góc phố ngày
nào… thì em nói “Bà cụ bán nước không còn ở đó nữa”. Lòng tôi trùng xuống, những
chiếc lá xanh của ảo mộng chè cứ chao liệng chao liệng rồi rơi về miền thăm thẳm.
Mỗi lần nhớ tới bà tôi lại thấy thèm cảm giác lang thang ngồi ở một góc quán nước
ven đường nào đó, gọi một chén chè tươi, nước chè tươi thanh mát bỏ thêm cùi
dìa đường trắng, thêm chút đá lạnh thức tỉnh lục phủ ngũ tạng khiến tôi bơi
trong miên man vị giác chan chát ngòn ngọt mà xót xa trong hương chè tươi đồng
nội có đôi mắt xa xăm lạc lối của bà.
11/10/2023
Vũ Thanh Thủy
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét