Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Ba thứ nước uống thời kháng chiến của tôi và nhà tôi

Ba thứ nước uống thời
kháng chiến của tôi và nhà tôi

Hồi tôi còn nhỏ, thời kháng chiến chống Pháp, những năm 50 của thế kỷ trước, nhà tôi có ba thứ nước uống thông dụng, mùa hè cũng như mùa đông, ban ngày cũng như ban đêm, bố mẹ uống, con cái uống và cả khách cũng uống khi đến chơi nhà. Đó là: nước mưa, nước vối và nước chè xanh.
Nước mưa
Đi chăn bò về, khát nước, tôi lao ngay tới chỗ bể nước mưa, lấy chiếc gáo dừa múc ngay một gáo đầy rồi cho lên miệng, nốc ừng ực một hơi ngon lành, đã khát ngay lập tức. Nước mưa mát lạ lùng, ngon lạ lùng, thấm sâu lạ lùng, cho ta cảm giác sảng khoái, dễ chịu, khoẻ hẳn người. Phải chăng tại vì đó là nước Trời cho, nước Trời cho nên nó tinh khiết, không bị ô nhiễm như nước dưới cõi trần. Tại góc sân nhà tôi, ngay bên dưới mái nhà, bố mẹ tôi xây một cái bể nước mưa rất to, dung tích phải tới năm mét khối, trên có nắp đậy, chỉ chừa một cửa nhỏ để múc nước. Mỗi khi trời mưa, nước mưa từ mái nhà chảy theo ống máng đổ vào bể chứa này, nếu đầy quá thì nước tự động tràn ra ngoài sân (bể tự tràn). “Quỹ nước mưa” của nhà tôi được sử dụng rất hạn chế, theo “chế độ ưu tiên”, chỉ dùng để uống trực tiếp (nước lã) như tôi vừa kể ở trên, nấu nước chè xanh và đun nước vối. Chè xanh và nước vối đun bằng nước mưa không bị mất mùi, không bị mất màu, không bị “ngái”. Thỉnh thoảng mấy nhà hàng xóm lại sang nhà tôi xin ấm nước mưa về đun nước chè. Bố mẹ tôi và tôi, xởi lởi: “Xin mời ông (bà, chú, thím) cứ tự nhiên, ra bể mà múc, múc xong đậy nắp lại giùm”.
Bể nước mưa nhà tôi luôn luôn sạch sẽ, không có bọ gậy, vì đậy kín và thường xuyên được cọ, rửa. Tôi có công không nhỏ trong chuyện này. Cửa bể chỉ rộng 40 x 40cm, cho nên trẻ con như tôi mới có thể chui lọt vào bên trong. Hễ bố sai, “bữa ni mi rửa cho bố cái bể nước”, là ngay lập tức tôi cởi quần áo, cởi truồng, hăng hái chui vào bên trong bể, múc, tát hết nước cũ, dùng chổi xể cùn kỳ, cọ, cho bể hết rêu. Sau gần một giờ lao động cật lực, bể nước mưa sạch tinh tươm, chỉ còn chờ trận mưa rào sắp tới “khai trương bể sạch”. Và cả tôi nữa, tôi sẽ là người đầu tiên, uống gáo nước mưa đầu tiên trong cái bể vừa mới được chính bàn tay tôi cọ sạch này.
Nước vối
Bờ ao nhà tôi có hai cây vối. Đó là hai cây vối mọc tự nhiên, “từ trên trời rơi xuống”, chứ nhà tôi không trồng. Trong hai cây vối này có một cây rất to, cành lá xum xuê, thân nằm nghiêng xuống ao, đoạn gốc nằm sát sạt mặt nước, chúng tôi biến luôn thành “cầu ao” để rửa ráy, tắm giặt.
Cây “lộc trời” này rất hữu dụng mà trước hết phải kể đến món nước vối, một loại nước uống nấu từ lá vối, được mệnh danh là thức uống “hồn quê”. Lá vối tươi có thể sử dụng ngay, đun nước uống. Tuy nhiên, lá vối tươi còn nhựa và chất diệp lục cho nên nước vối bị ngái, đắng, không ngon. Để khắc phục nhược điểm này, để nước vối thơm ngon, lá vối sau khi thu hoạch phải được ủ ướp đúng cách.
Vào tháng năm, tháng sáu âm lịch hàng năm, khi lá vối đủ già, bố tôi chặt các cành vối mang vào sân chất đống. Tiếp đó bố tôi chọn những cành nhỏ, lá tươi ngon cho vào thúng để thực hiện công đoạn gọi là ủ lá. Một chiếc vại sành to, chiếc vại nhà tôi thường dùng muối cà, được sử dụng làm thùng ủ lá vối. Bố tôi ra vườn chặt một loạt tàu lá chuối khô, rồi lót một lượt lá chuối khô dưới đáy vại. Sau đó bố tôi cho lá vối tươi đã được chọn lựa vào trong vại, xếp thành từng lớp, nén chặt, cho đến khi đầy vại. Bố tôi lại lấy lá chuối khô phủ kín miệng vại, rồi úp sấp vại xuống đất, hạ thổ trong góc nhà thoáng mát. Ủ độ một tuần, khi lá vối từ xanh chuyển sang vàng, từ vàng chuyển sang đen đều thì lật ngược vại sành, đổ lá vối đã ủ đủ đô vào chiếc rổ to rồi đem rửa sạch và phơi khô. Lá vối đã được ủ đúng cách và phơi khô này bố tôi đem đựng trong chum, cất đi, dùng dần.
Nhà tôi toàn nấu nước vối bằng ấm đất. Cho một ít lá vối khô vào ấm, đun sôi cho lá vối đủ chín, thôi ra nước, nước thẫm nâu, thơm ngon, thứ nước vối đặc trưng. Nước vối có thể uống nóng hoặc uống nguội. Tôi không uống nóng, toàn uống nguội. Mẹ tôi thường nấu sẵn một ấm nước vối, đặt dưới gầm giường. Để cả nhà uống khi khát. Hồi đó chẳng bao giờ tôi uống nước vối bằng cốc, bằng gáo, hay bằng bát. Tôi toàn “tu”. Nghĩa là dùng hai tay bê chiếc ấm đất lên, dốc ngược ấm, đặt miệng ấm vào miệng mình, rồi “tu” ừng ực, một hơi, cho đến khi đã khát. Uống như thế tôi mới thấy sướng, tôi mới cảm nhận hết cái ngòn ngọt, cái chan chát, cái thơm thơm và cái có hậu của nước vối “cây nhà lá vườn”.
Còn một thứ của cây vối mà có lẽ chỉ mình tôi quan tâm, mình tôi thích. Đó là quả vối chín. Quả vối chín, hình hơi tròn, màu đỏ tươi, nom rất giống quả anh đào bên châu Âu. Chỉ có điều quả anh đào ngon, ngọt, còn quả vối thì hột to, vỏ mỏng, chát, chỉ hơi ngòn ngọt, chẳng béo bổ gì nhiều. Tuy nhiên, đối với tôi, chua, chát, đắng, mặc kệ, đói bụng là tôi ăn tuốt, miễn là ăn được và ăn vào không chết người. Tôi trèo lên cây vối đang in hình dưới ao nhà mình. Hái đầy hai túi áo quả vối chín, đỏ lựng, rồi ngồi vào xó nhà, một mình ăn ngon lành. Tôi không dám để mẹ nhìn thấy, vì mẹ sẽ quát:
– Thằng Thự, tau cấm mi ăn quả vối, lại đau bộng (bụng) đi ỉa bây chừ.
Nước chè xanh
Nước mưa là “lộc trời”, vì từ trên trời rơi xuống, điều này ai cũng biết. Nước vối cũng là “lộc trời”, vì tự dưng hai cây vối đến mọc ở bờ ao, để nhà tôi có lá vối nấu uống và tôi có quả vối để ăn, cho dù “hiệu quả ẩm thực” rất thấp và phải ăn giấu mẹ. Nhưng chè xanh thì không phải vậy. Chẳng có cây chè xanh nào tự dưng đến mọc ở bờ ao, hay trong vườn nhà tôi cả. Nghĩa là không có “lộc trời chè xanh”. Muốn uống chè xanh mẹ tôi phải đi chợ, phải mất tiền mua hẳn hoi. Mẹ tôi thường mua chè xanh ở chợ Hậu Hiền (Thiệu Hóa, Thanh Hoá), vì chè xanh ở chợ này ngon hơn bất kỳ chợ nào trong vùng. Chè xanh là thức uống “chính thức” ở làng tôi và ở nhà tôi. Chẳng mấy khi hàng xóm mời nhau uống nước vối, mà chỉ mời nhau uống nước chè xanh. Hồi còn nhỏ, chẳng bao giờ tôi thấy dân làng tôi uống chè sấy khô, hay còn gọi là chè khô. Họ chỉ uống chè xanh mà thôi. Hễ đi chợ là mẹ tôi mua chè xanh, vì bố tôi thích uống chè xanh, còn vì những lẽ khác nữa mà tôi sắp kể. Tôi thì không thành vấn đề, nước mưa, nước vối là đủ rồi. Có khi tôi thích nước mưa còn hơn cả nước chè xanh. Vì tôi thường uống nước mưa lúc cực khát, khi đi chăn bò về chẳng hạn, hay giữa trưa hè nóng như thiêu như đốt, khát khô cổ, uống gáo nước mưa thấy nó mát gan mát ruột và sướng bụng làm sao, đã khát ngay lập tức. Có khi còn ngon hơn cả Coca-Cola, 7Up hay nước cam bây giờ ấy chứ. Hồi đó, ở quê tôi, người ta toàn uống nước chè xanh bằng bát, chè xanh phải uống bằng bát mới ngon, mới đúng kiểu của nước chè xanh. Và không nên uống nước chè xanh lúc đói, vì bụng sẽ bị cồn cào, thậm chí nôn nao. Riêng đối với tôi, nước mưa phải uống bằng gáo dừa, nước vối phải tu trực tiếp từ ấm đất và nước chè xanh phải uống bằng bát, thì mới tận hưởng được cái thơm, cái ngon, cái độc đáo của ba thứ thức uống “hồn quê” này.
Bố tôi rất thích uống chè xanh “tập thể”. Nghĩa là mời cả mấy ông mấy bà hàng xóm sang nhà tôi cùng uống và trò chuyện. Tôi thường được bố mẹ cử đi thực hiện “sứ mạng mời mọc” này. Đến từng nhà, tôi nói:
– Sáng ni mẹ cháu đi chợ Hậu Hiền mua được ấm chè xanh tươi ngon. Bố mẹ cháu sai cháu sang mời ông (bà, bác, chú, thím) lát nữa sang nhà cháu uống bát nước chè.
Chè xanh, chè tươi, hay chè lá phải biết pha đúng cách thì nước mới ngon. Quan sát, tôi thấy bố tôi thường pha chè xanh theo cách sau đây:
– Rửa sạch mớ lá chè mẹ tôi mua ngoài chợ. Ngâm trong nước một lúc, chừng năm – mười phút rồi vớt ra.
– Trước khi pha chè bố tôi tráng ấm tích bằng nước sôi.
– Vò nhẹ lá chè rồi cho vào ấm tích, cùng hai lát gừng.
– Đổ nước sôi vào ấm tích, lắc nhẹ, không đậy nắp. Đợi chừng 15 – 20 phút cho chè ngấm là uống được.
Một chiếc chiếu được trải ra giữa sân nhà tôi, dưới sao trời. Giữa chiếu đặt bảy chiếc bát ăn cơm, không trắng đẹp như bát bây giờ, nhưng sạch sẽ, không sứt mẻ (nhà có nhiều bát sứt, vì tay tôi “hậu đậu”, mẹ tôi bảo vậy, khi rửa bát tôi hay làm vỡ hoặc làm sứt bát, nhưng mẹ tôi lệnh cho tôi phải loại, vì ai lại đi tiếp khách bằng bát sứt bao giờ). Khi bà con hàng xóm đã tề tựu đông đủ, bố tôi nâng ấm tích rót nước trà vào từng bát bày sẵn trên chiếu. Vòng một bố tôi chỉ rót nửa bát, vòng hai mới rót đầy. Ánh đèn dầu lạc cộng với ánh sao trời đủ sáng để nhận ra bảy bát nước chè xanh vừa rót, khói bay nghi ngút, sóng sánh, lóng lánh màu ngọc bích. Màu xanh đẹp, rất hấp dẫn, của nước chè, có được là nhờ nước chè được pha chế đúng quy cách, được nấu bằng nước mưa tinh khiết, lấy trong bể nước mưa nhà tôi. Bảy người (năm người hàng xóm và bố mẹ tôi – không tính tôi, tôi chỉ ngồi chầu rìa để bố mẹ sai vặt khi cần) ngồi quanh chiếu, trước mặt mỗi người là bát nước chè xanh nghi ngút khói.
Bố tôi khai mào:
– Sáng ni mẹ nó đi chợ Hậu Hiền, mua được ấm chè ngon, tối ni vợ chồng tôi mời các ông, các bà, các bác, các chú sang đây uống bát nước cho vui. Bây giờ xin các ông, các bà, các bác, các chú ta mời nước (ngôn ngữ làng tôi – “mời” có nghĩa là ăn, là xơi, là uống – mời cơm, mời nước).
Mọi người vui vẻ nâng bát nước đưa lên miệng, ai cũng xuýt xoa khen nước chè thơm, ngon, có hậu.
Mẹ tôi nói luôn:
– Tôi nấu bằng nước mưa đó. Cái giống chè xanh là cứ phải trị bằng nước mưa, không nấu bằng nước mưa là hỏng ấm nước chè. Bể nước mưa nhà tôi còn đầy lắm nhá, rất may, thằng Thự vừa mới cọ sạch bể buổi sáng thì buổi chiều mưa rào tháo cống luôn, nhà ai có nhu cầu thì cứ tự tiện sang múc viền (về) mà dùng. “Lộc trời” mà. Hết Trời lại cho. Lo gì.
Chú Vang tiếp lời:
– Mai phiên chợ Rỵ. Nhà tôi cũng sẽ mua chè xanh. Tối mai mời cả xóm lại sang nhà tôi nhé.
Bên bát nước chè xanh, mọi người chuyện trò rôm rả, đủ mọi chuyện, chuyện trong xóm, trong làng, chuyện làm ăn, chuyện nhà cửa… Ngồi đến hơn 10 giờ đêm mới tan cuộc, về đi ngủ để mai còn đi làm đồng.
Những cuộc uống nước chè xanh ở xóm tôi không phải đơn thuần chỉ là để thưởng thức món nước uống truyền thống rất chân quê này đâu, mà còn là cơ hội để bà con thư giãn, trò chuyện tâm tình với nhau, gắn kết với nhau, sau những giờ làm lụng cực nhọc trên cánh đồng làng. Lắm khi đây còn là cơ hội để bà con hòa giải với nhau, vì hàng xóm láng giềng thường không tránh khỏi những va chạm.
Cho nên, từ chuyện “nước chè xanh” vừa kể trên, tôi nảy ra ý tưởng, gọi nước chè xanh là “nước chè tình làng nghĩa xóm”.
22/9/2023
Lê Bá Thự
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...