Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Vai phụ - Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hà

Vai phụ - Truyện ngắn
của Nguyễn Thu Hà

1. Thằng Cò lại tự ngã vào thành giường. Cánh tay nó tím thêm hai lằn, đè chèn vào chi chít những vết tím và hồng mới cũ. Giờ nom tay nó lằn khoang như con rắn bữa bò vô bếp bị chị Lài đập chết. Chị Lài mách nhưng mẹ chỉ liếc qua, chép miệng mấy tiếng “chấc chấc” xong bảo chị xức dầu tràm cho em rồi dắt xe đi.
Nhà có năm người nhưng thường chỉ ba chị em Mén lay lắt với nhau. Mẹ đi từ sáng, đến tối mới về. Có khi về rồi mẹ còn lui hui xếp đồ mé hông nhà rất lâu. Chị em Mén chỉ nghe tiếng xủng xoảng, cồm cộp của ve chai va đập là yên tâm mẹ đã về mà lăn ra ngủ. Chả thấy mặt ba mấy khi. Ba Mén còn bận đi làm trong khu chế xuất cuối con đường tít bên kia con phố toàn nhà cao tầng, đêm đêm sáng rực. Chị em Mén hồi trước thường lấy cái vùng sáng ấy để đoán xem quãng đường đi làm của ba bao xa. Mẹ bảo, từ chỗ khu đèn sáng rực cả đêm ấy đến quãng đường đất tối om về xóm ve chai thì cũng bằng đến chỗ ba làm. Nghĩa là rất xa ấy. Ba tăng ca miệt mài, tắm ngay trong xí nghiệp. Ba chỉ về để thay mớ tất chân với quần xì rồi lại đi ngay. Mén nghĩ, chắc ba đi cả quãng đường xa thế để về nhà thay tất với quần lót là bởi người ta không cho ba giặt giũ, phơi hong trong đó chứ nếu có, chắc ba chẳng bao giờ về nhà. Mỗi lần thấy mớ quần lót và tất thối oăng của ba trong thau là mẹ lại tru tréo. Mén chán nghe ba mẹ cãi nhau lắm rồi. Mỗi lần họ to tiếng là mâm cơm có khi chưa kịp ăn đã bị tung lên không trung rồi loảng xoảng vỡ. Thằng Cò bé tí thế mà đã biết sợ mỗi lần ba mẹ cãi vã. Đến cả khóc nó còn không dám, cứ đâm đầu vào ngực chị Lài để chị bịt tai cho. Trong mớ âm thanh hỗn tạp ấy, ba chị em nó toàn được nhắc tới, là lý do ba phải tăng ca miệt mài, còn mẹ thì đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến đêm khuya. Mén muốn cãi, hai người họ vất vả kiếm tiền thế là vì cu Cò chứ không phải tại hai đứa con gái. Vì Cò bị bệnh máu trắng nên mất rất nhiều tiền thuốc, mất nhiều ngày mẹ phải nghỉ đi gom ve chai để nuôi Cò trong viện. Chị Lài mười hai tuổi mới học đến lớp bốn, đúp lên đúp xuống giờ nghỉ học luôn đi phân loại ve chai rồi đóng cân mướn cho nhà ông Tư chủ vựa thay mẹ. Mén chín tuổi học lớp hai hai năm rồi, nhưng tính tiền còn nhanh hơn cả vợ ông Tư. Mỗi lần bà ấy tính tiền công cho hai chị em thiếu là Mén nhắc liền. Tiền chị Lài và Mén kiếm được đủ hai chị em Mén ăn cơm thì đâu có tính vì hai đứa con gái mà ba mẹ phải làm bán mạng thế chứ. Mẹ từng bảo, đáng lẽ không cố mà  đẻ cu Cò nhưng ba và cả nhà nội cứ thúc giục mẹ phải đẻ bằng được thằng con trai nối dõi. Nếu mẹ không sinh con trai thì nhà nội tuyệt tự, bà nội sẽ cưới vợ khác cho ba…
Mén không muốn ba ở nhà. Mỗi lần đi nhậu về xỉn, ba và mẹ sẽ vật nhau huỳnh huỵch trên cái phản kê mé chái bếp, che tấm ri đô hình con công xanh lét. Tiếng ba nhừa nhựa, méo mó còn tiếng mẹ hào hển, nghiến rít. Mà lần nào thì kết quả cũng là ba tát mẹ bôm bốp còn mẹ lại chửi ba heo chó, mẹ xảy thai bao lần mới đẻ được thằng Cò mà ba chưa hề biết thương mẹ. Giờ mẹ nhất quyết không đẻ nữa. Mặc xác ba đi đẻ với “con nào” thì đẻ. Rồi tiếp đó mẹ lại kể lể nỗi khổ kiếm tiền bạc lo bệnh cho con… Rốt cuộc thì lần nào ba cũng đá đống đồ ve chai rơi loảng xoảng rồi bỏ đi sau khi trút lại một tràng chửi thề, chửi mẹ. Câu cuối cùng thế nào cũng là “đằng nào nó cũng chết thì cứ để nó chết luôn đi.”
Hồi nhà Mén mới tới đây, cái nhà này chỉ là mấy cọc gỗ đóng giằng vào nhau. Người ta tới phụ ba mẹ dựng những tấm tôn to phá từ thùng xe tải cũ quây thành vách và phủ bạt đè lên lớp gỗ đóng làm mái để mưa khỏi dột. Hồi ấy bà Tám Hoảnh chạy qua chạy lại, chỉ mẹ buộc can nhựa dưới lưng ván cho chị em Mén nằm không bị võng. Thứ ván gỗ thông nhẹ hều người ta đóng thành cao bản kê hàng, được gỡ ra, nhổ hết đinh đi rồi ghép lại to cỡ chiếc giường đôi. Triều cường lên, nước dưới bãi dềnh tràn qua sân, cái ván sẽ nổi lên không lo ướt. Xóm ve chai tạm bợ hơn chục lán nhà trên khoảnh đất cặp mé sông đấu lưng với dãy nhà máy thuộc khu công nghiệp này, bà Tám là người giàu nhất. Vì mỗi nhà bà xây bằng gạch, mái lợp tôn mà còn có gác xép. Trong nhà bà có đủ từ tivi, tủ lạnh đến máy giặt và cả máy khâu nữa. Toàn là đồ cũ cả, người ta bán hoặc cho bà. Nhưng đồ cũ mà vào tay bà Tám, nó vẫn sạch bóng, sáng trưng như đồ mới. Hồi ấy, Mén đã nhiều lần thầm ước ba mẹ sẽ xây được một ngôi nhà như thế. Chị Lài và Mén sẽ lau chùi dọn dẹp, sắp xếp để mẹ vẫn làm nghề ve chai nhưng căn nhà sạch sẽ, thơm tho mùi thức ăn kho nấu, mùi nước xả vải giống nhà bà Tám. Mén cũng thầm ước, trong ngôi nhà ấy, chị Lài và Mén sẽ chung nhau giá sách thật đẹp giống như giá sách của cô Thuỵ, con gái duy nhất của bà Tám Hoảnh…
Giờ nhà Mén cũng đã xây bằng gạch, lợp mái tôn giống nhà bà Tám. Nhưng khác là, nhà Mén hôi xộc mùi ve chai, mùi nước mắm sống, mùi nước đái thằng Cò. Cái quạt Trung Quốc cũ kêu cành cạch quay qua quay lại không thổi đi được thứ mùi kì cục chỉ nhà Mén mới có ấy. Ai vào nhà, họ cũng ngó bốn phía tường gạch chưa tô trát bít bùng, nhìn lên cái mái tôn cao hơn tầm với, lắc lắc đầu như để hả bớt hơi nóng hầm hập từ cái mái tôn ấy dội xuống đầu rồi vội bước ra cửa. Miếng nền hồi xưa người ta láng xi măng tặng cho hộ nghèo ăn Tết năm nào đó giờ được lát gạch bông giống chỗ quảng trường trước công viên. Cũng là quà tặng của cán bộ địa phương huy động được tặng hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
Nhà Mén trở nên đặc biệt nhờ thằng Cò. Nó ốm nên nhà Mén được gắn cái biển màu xanh đen ghi nhà tình thương. Mén nghe lỏm vài lần mấy dì chung xóm rì rầm với nhau, đất bãi ve chai này chẳng ai đựợc quyền xây cất, chỉ có được cho tặng thì mới có thể có cái nhà tường gạch như nhà bà Tám Hoảnh và nhà Mén. Xưa, bà Tám ở làm vú em cho nhà cái ông chủ tịch trước. Rồi bả chửa hoang đẻ ra con bé Thuỵ mà bị đuổi cổ. Chẳng ai thuê đàn bà có con thơ bên cạnh giúp việc nữa nên bà Tám chuyển ra làm cái nghề lượm ve chai rồi mẹ con dạt ra bãi này ở. Ở trong rác, đánh vật với rác hàng ngày mà bả cứ giữ cái nếp dọn nhà sạch sẽ ngăn nắp như ngày làm vú. Sau trận con bé Thuỵ lọt hố cầu loi ngoi bơi trong phân xém chết mà chính ông chủ tịch ra tay chỉ đạo họ tới xây cho cái nhà tình thương. Miếng đất được rào thành bãi nhỏ, bà Tám tha hồ tập kết ve chai mà vẫn còn dư ra miếng bằng hai chiếc chiếu để trồng rau. Nghiễm nhiên thành có nhà có cửa chứ không cắm lều tạm bợ như cả xóm bãi này nữa. Nhờ đứa con gánh nạn mà coi như cũng được lên đời. Chẳng ai biết cha Thuỵ là lão nào, cũng chẳng thấy bà Tám lẹo tẹo với ai nên họ nghi Thuỵ là con rơi của ông chủ tịch lắm. Nghi vậy chứ chẳng ai dám hé nửa lời bao giờ.
Hôm nay là ngày người ta sẽ về quay phim thằng Cò. Cái biển nhà tình thương bị gỉ sét, tróc lở được thay bằng cái biển mới nom sáng bảnh nổi trên vách tường dơ hầy, nham nhở vết tay, vết vẽ bậy. Cái giường cũi của Cò được chị Lài phụ Mén khênh ra hông nhà, xối nước chà rửa rồi hong nắng cho khô để kịp giờ người ta tới quay phim. Mén đã dùng bàn chải chà mãi những vết ố thâm do thấm nước đái em trên vạt cũi, vết thức ăn nó nôn trớ lúc nó phát sốt. Những vết ấy phơi nắng xong thì nhạt màu hẳn, chỉ có vết máu nó ói ra, hay chảy ộc từ mũi nó xuống vương trên thành cũi, lốm đốm trên vạt gỗ thì cứ nâu mãi, không hết được. Mén nhìn những vết trầy, vết cắt trên bàn tay mình do mảnh lon hoặc cạnh bìa sắc khía. Lúc ấy đau rát sau xót tây tấy. Mà lạ, máu có chảy mấy đâu, chỉ vài giọt mằn mặn, nhưng vết thương thì đau lâu lắm, đau đến khi da liền lại mới hết. Vậy thì thằng Cò phải đau bao nhiêu khi nó chảy nhiều máu thế nhỉ? Mén không hình dung được em đau thế nào khi nó ngã ngồi xệp xuống lúc đang chơi, máu từ lỗ mũi nó chảy xuống ngực áo đỏ lòm. Hay lúc nó oằn mình lên ói thốc tháo tất cả những gì có trong bụng nó ra. Ói cả ra thứ nước nhầy nhầy vàng xanh khi hết cơm cháo. Nó chẳng khóc. Hay là chẳng còn sức mà khóc. Hay là đau quá nên nó không khóc ra được? Nó chỉ nằm thiếp trên tay chị Lài hay tay Mén rồi nó mềm nhun nhũn. Cánh tay nó như miếng giẻ túm hờ lấy tay chị như sợ bị bỏ rơi…
Nước mắt Mén chảy xuống má rồi vào miệng mặn mặn. Mén thương em đứt ruột nhưng không thể hiểu được làm thế nào để em bớt đau, bớt chảy máu mỗi khi bệnh phát ra. Mấy bà độc mồm trong vựa ông Tư thì thầm với nhau cu Cò chả còn sống được bao lâu nữa. Như là xem trên ti vi, mấy cái phim Hàn gì đó thì nào lấy tuỷ rồi đè anh chị em ra xem đứa nào hợp là cho nhau rồi thì sẽ khỏi. Nhưng đấy là bên Hàn kìa. Bệnh viện họ hiện đại, bác sĩ họ như thiên thần cơ. Mà nghe đâu tiền chữa cứ phải là cả gia tài. Nghèo đến chả có máu cho rận cắn như đám dân ve chai ngụ cư, hơn chục lán lều tạm bợ bám vựa như ở đây thì ở đấy mà mơ à! Lại nữa đấy là phim thôi chứ cứ xem ở khắp cái thành phố này, có ai ung thư máu mà sống được đâu. Huống hồ thằng nhóc mới hơn hai tuổi, sức đâu nó chịu nổi… Mén đã ném cái bao đựng đầy vỏ lon vào giữa đám người nhiều chuyện đó rồi chạy ào về nhà, ôm thằng Cò mà khóc. Thằng Cò bữa đó khoẻ trong mình, ôm lấy cổ Mén rồi hun chùn chụt lên mặt chị. Bàn tay nó bé tí, mấy ngón tay bằng đầu đũa xoa mãi vệt nước mắt trên má Mén. Lần đầu tiên thấy Mén khóc dữ vậy, chị Lài ôm chầm lấy lấy cả hai đứa em rồi cũng rưng rức khóc theo…
Thằng Cò phải đau bằng nào nhỉ? Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu Mén cùng nỗi mong chờ em trai mau biết nói. Có lần mẹ bạt ngang đầu Mén, chửi Mén là con câm khi cả ngày không nghe Mén đáp lời một câu. Nhưng khi có hai chị em, Mén thường dạy Cò nói chuyện. Thằng nhỏ hay rờ mặt chị, nhoẻn cười bập bẹ rồi lại luôn tay hiếu động, lon ton đi quờ đồ đạc xung quanh. Tiếng nó ư a hay cười thôi cũng luôn làm Mén dỏng tai lên nghe xem em nói được câu gì chưa. Mén mong em biết nói để nghe em nói em đau ở đâu, đau như thế nào. Nếu em nói được, chắc người ta sẽ cho em thuốc để mỗi lúc phát bệnh, em sẽ đỡ đau, đỡ mệt thôi mà…
Giường cũi khô khi chị Lài dọn cơm lên. Cu Cò lon ton bước theo chân chị rồi sà xuống cái mâm nhôm đặt dưới đất, bốc nửa quả trứng luộc đưa lên miệng. Mén vẫn lặng thinh mặc chị giục ăn cơm nhanh để dọn đi kẻo người ta tới. Cơm chỉ là gói mì Hảo Hảo ngâm bong bõng nước, lát Mén húp cái rột là xong. Mén lui cui cắt từng đoạn dây gai từ cuộn dây to đùng ở góc nhà, ốp những dải bìa vào thành chiếc giường cũi rồi lấy dây chằng buộc cho chặt lại. Lớp bìa bao lấy thành cũi, che đi những cạnh gỗ và khá mềm, lại to như cánh tay người lớn nữa nên cu Cò có té đập vào sẽ bớt đau, bớt bầm máu hơn. Vừa làm, Mén vừa mỉm cười mặc những vết cứa trên tay nhức nhối.
2. Một người đàn ông khom khom bước vào nhà. Nắng hắt lên từ sân xi măng loa lóa khiến Mén chỉ thấy ông cao và da rất trắng. Chị Lài cuống cuồng bưng cái mâm còn tô mì của Mén đã trương ra sau. Thằng Cò ôm lấy Mén khi thấy người lạ. À, chắc là người đến quay phim thằng Cò đây mà. Lần trước khi người ta đến quay ngôi nhà này lúc vừa xây xong, cũng có một bác mặc cái áo có thiệt nhiều túi như kia.
– Cháu là bé Vân phải không?
Mén gật. Phải một lúc nó mới nhớ tên khai sinh của mình. Tại ngay cả ở trường nó cũng toàn bị gọi là con Mén. Mẹ bảo, quê gốc nhà nó mãi tận miền Trung xa lắm kia không có từ “mén” ấy, nhưng trong Nam nó là từ gọi trìu mến của những đứa trẻ bé quéo mà nhanh song sóc như nó. Lâu dần, con Mén thành quen..
– Bác tới quay phim thằng Cò đúng không?
– Ừ, sao cháu biết?
Chị Lài đứng nép bên cửa, chõ vào:
– Quay mấy lần rồi, chả lạ.
Người khách ngồi chồm hổm cạnh Mén, rờ bàn tay thằng Cò còn nắm miếng trứng cắn dở rồi quay hỏi chị Lài:
– Em ăn gì chưa con? Sao để em ăn trứng không như vầy?
Chị Lài lúng túng, đưa tay vén mớ tóc cháy nắng rồi quay đầu nhìn lảng ra hông nhà. Mén bỏ lỏn:
– Còn mì gói với trứng thôi. Sáng nay mẹ không để tiền chợ.
Người đàn ông thở dài. Ông đưa tay ôm thằng Cò vào lòng. Kì lạ là thằng Cò thường không cho người lạ chạm vào bao giờ mà lại để yên cho khách bế lên. Nó còn vòng tay ôm bên cổ bác ấy như thân quen lâu rồi vậy. Mén hơi bực. Giá ba mà bế thằng Cò như bác này mới phải. Phải là ba ôm nó và nó ôm cổ ba như vậy mới đúng chứ. Nhưng bác này không sợ đôi tay nhoe nhoét trứng luộc và mùi nước mắm vương trên ngực áo thằng Cò. Còn ba thì luôn ghét những điều ấy.
– Thế còn hai con, bé Lài, bé Vân ăn gì chưa?
Chị Lài vừa đưa tay gãi sâu trong đám tóc cháy nắng vừa gật đầu. Mén rất ghét mỗi khi chị Lài cứ vừa gãi vừa gật thế. Mẹ bảo, hồi xưa, lúc mẹ mang bầu Mén, mẹ nghén khổ sở lắm. Mẹ thèm mấy quả sung xanh chát ngòm chấm muối ớt đến nhỏ cả dãi ra cằm. Cái cây sung bên bờ ao nhà ông bà nội mẹ vặt dần tới trụi, chỉ còn đám quả chi chít trên cành de ra giữa ao là mẹ không với tới. Lúc đó chị Lài mới lên ba, mẹ đi đâu cũng bám chặt. Mẹ đặt chị Lài ngồi cạnh cầu ao dặn ngồi im, rồi mẹ leo ra hái đám quả sung. Mẹ mải mê hái trong cơn thèm. Túi quần mẹ đầy, miệng mẹ cũng đầy sung chát. Tới khi mẹ tụt được vào gốc sung thì không thấy chị Lài đâu nữa. Mẹ hoảng quá, vừa la khóc vừa nhảy ùm xuống ao gạt mớ bèo tây tìm. May mà bữa đó mẹ tết tóc cho chị Lài rồi cột bằng chiếc quai nón cũ màu hồng. Dải quai nón màu hồng nổi giữa đám bèo xanh giúp mẹ chụp được đầu chị Lài. Người làng xúm quanh ao, chụp được cả mẹ và chị Lài lên. Mẹ thì còn thở, ôm xiết chị Lài trắng bệch, mềm nhũn nhưng không thấy thở nữa. Họ dốc ngược chân chị dộng dộng, rồi vác sấp chị trên vai chạy quanh ao. May mà hết hai vòng ao thì chị ộc nước ướt lưng bác hàng xóm và thở lại. Nhưng từ đó, chị chả cười hay hát véo von ngọng nghịu như trước nữa. Ai hỏi gì cũng gật gật rồi gãi đầu.
Mén ghét chị Lài gãi đầu ngây ngốc mỗi khi có người lạ hỏi như vậy lắm. Thực ra là Mén ghét cái cảm giác chính mình là nguyên nhân làm chị ra như thế. Hồi nào đó, trong bữa cơm tối chỏng chơ hai cái nồi cơm và canh cùng mấy cái bát sứt mẻ bên hiên nhà đầy ruồi, ba Mén đã đá tung cả hai cái nồi văng tít ra góc sân để cắt lời bà nội xối xả đay nghiến mẹ. Trong những lời đó có nhắc đến Mén. Mén là nguyên nhân khiến mẹ phát rồ phát dại thèm mấy quả sung mà làm chị Lài té ao thành ra dở ngây dở ngốc. Mén là thứ âm binh nên thay vì là con trai nối dõi thì lại như con cóc còi làm lụn bại cả sự nghiệp cầm cái họ, ghi số đề của bà. Những cọng rau má thấm đầy mùi mắm tôm vắt vẻo trên trán và má mẹ có vị mặn y như vị nước mắt mẹ chảy rơi vào miệng Mén lúc mẹ cúi xuống bế Mén vào buồng. Cho đến giờ Mén vẫn nhớ căn buồng tăm tối ấy nổi rõ màu tóc con búp bê duy nhất Mén từng có bị bỏ lại trên giường khi sáng sớm hôm sau cả nhà Mén ra đi. Ông Ba đôi lần đay nghiến mẹ, rằng không vì mẹ con Mén thì đã chẳng trả lại miếng đất ấy cho bà nội gán nợ. Có khi giờ vẫn có nhà để ở, vẫn được ở quê nhà..
Tự dưng Mén thấy má mình âm ấm, cổ nghèn nghẹn. Rồi Mén thấy cay thiệt cay trong lỗ mũi, đau tưng tức trong cổ họng. Mén nén cơn nức nở lại nhưng hình như càng cố giữ không khóc thì cơn khóc cứ to thêm, muốn nhào ra khỏi họng. Người đàn ông ôm thằng Cò sang tay trái, tay phải ông ôm chặt lấy Mén. Giọng ông nhỏ nhỏ, thủ thỉ:
– Bé Vân ngoan lắm. Bác biết con rất thương em Cò và chị Lài nè. Bác biết con còn học giỏi toán nữa nè. Nín đi, rồi các con sẽ bớt cực hơn thôi…
Giọng bác ấy nhỏ dần, như âu yếm thủ thỉ, dỗ dành. Cơn khóc bột phát dịu dần thành những tiếng nấc nơi cổ Mén. Nó vẫn im lặng ngồi trong cánh tay người khách lạ. Và như mọi khi, nó giữ trong lòng mình nguyên nhân cơn nức nở. Bác ấy chẳng biết đâu, cũng chẳng cần phải biết làm gì. Nó khóc chính vì câu hỏi tưởng như rất bình thường mà bác ấy vừa hỏi. Chưa ai từng hỏi Mén như thế. Chưa ai từng hỏi Mén đã ăn gì chưa bao giờ cả. Kể cả ba hay là mẹ Mén. Hình như đối với tất cả mọi người, Mén với chị Lài, và có khi cả thằng Cò nữa nếu nó không bị ốm, việc chị em Mén có cái ăn hay không, no hay đói chẳng bao giờ đáng bận tâm.
3. Đèn sáng trưng. Thứ ánh sáng lạ lắm. Nó sáng gắt soi rõ từng đường rêu xanh loang lổ do ngấm nước lâu ngày quanh chân tường. Chị Lài vẫn ngồi xổm cạnh tường, ôm hộp cơm trong có cái đùi gà chiên thơm phức, thi thoảng đưa lên mũi hít hà. Khi nãy Mén đã ăn suất cơm giống vậy cùng bác đạo diễn. Bác ấy còn đưa thêm tiền cho chú trợ lý đi mua sữa cho thằng Cò. Ánh sáng khiến không khí trong nhà mỗi lúc càng nóng và ngột ngạt hơn. Mẹ Mén đang ngồi trên cái ghế gỗ đặt giữa nhà, cạnh cái cũi của thằng Cò. Trông mẹ lạ lắm. Mắt mẹ long lanh đưa qua đưa lại nhìn bác đạo diễn rồi nhắc lại những lời bác ấy yêu cầu bằng thứ giọng nhỏ nhẹ, điệu điệu chẳng giống mọi ngày chút nào. Cái áo trắng có những bông hoa đỏ chót và hai lá cổ to tướng mẹ mặc chật ních dường như làm mẹ đổ mồ hôi nhiều hơn. Mồ hôi khiến lớp phấn trắng lốp chảy loang trên trán và má mẹ nên thỉnh thoảng, cô nhân viên cầm xấp kịch bản lại chạy tới thấm giúp. Mén dường như không nghe những lời mẹ đang nói. Nó còn mải lừ mắt nhìn mấy người đang đứng dàn hàng sát tường phía sau chiếc đèn. Người đứng khoanh tay nhìn lom lom là một bà sang trọng, miệng luôn cười nhưng mặt thì bất động, con mắt lành lạnh. Còn có hai ông bụng bự thiệt bự, một ông lùn xủn có râu đầy quanh mồm và một ông cao kều, mắt trố, đầu hói bóng lưỡng. Lúc họ mới tới, chính ông lùn đã giơ tay cao giọng chỉ đạo người này người kia xếp lại đồ đạc trong nhà Mén. Riêng ông ta còn tới thẳng cái giường cũi của thằng Cò đưa tay giật phăng mấy miếng bìa ra khỏi thành cũi. Mén uất ức lao vào cản lại, ông ta hất Mén suýt té ngồi ra đất và miệng vẫn sang sảng:
– Tại sao lại đi bọc thứ này vào cái cũi hả? Đây là món quà thể hiện sự quan tâm rất lớn, rất tinh tế mà thủ trưởng chỉ đạo biết chưa!
Nếu lúc đó bác đạo diễn không vội vàng ra bắt tay ông ta, có khi Mén đã lao vào cắn bàn tay đầy lông ấy. Không biết bác đạo diễn nói gì mà chỉ thấy ông ta gật gật rồi vỗ vai bác xong ra chỗ cái bà sang trọng nói nhỏ. Bà ta gật nhẹ đầu, mắt vẫn lạnh tanh nhìn Mén lúi húi cột lại những miếng bìa vừa bị giật ra.
Còn cái ông cao kều mắt trố kia nữa, lúc nãy hai cánh tay nghều ngoào mà ông ta đang đút túi quần kia đã xé tung vỏ thùng sữa. Là thùng sữa mà mà bác đạo diễn mua cho thằng Cò. Ông ta móc ra lốc sữa đưa cho cái bà lạnh lẽo. Bà ta cắm cái ống hút vào hộp sữa, khoan thai tới chỗ thằng Cò đã được đặt ngồi chơi trong cũi với mấy chiếc ô tô đồ chơi của nó. Miệng bà ta cười tươi rói, khuôn mặt hướng về phía ống chú quay phim đáng chỉnh ống kính. Thằng Cò mới uống sữa xong, hút thêm được một ngụm thì nó ói ra ướt ngực. Ông mắt trố cứ vỗ tay cười ha ha trong khi miệng nhẽo nhẹt:
– Cu Cò ngoan quá, con uống sữa giỏi ghê nè! Hoan hô Cò nè! Cò ngoan, Cò giỏi ai cũng quan tâm Cò nè…
Rồi như không nhìn thấy thằng Cò trớ ướt áo, ông ta cứ cười giả lả, tươi rói vậy đi đến ngồi xuống bên kia cái cũi. Sữa trào lên mũi Cò, nó ho sặc rồi khóc đòi chị khi hai cái người ấy vẫn giữ nguyên nụ cười hướng về máy quay phim..
Giờ Mén chỉ muốn cái đèn sáng trưng kia tắt đi và mọi người về hết để Mén bế thằng Cò thôi. Hình như mẹ lại đang nói về khó khăn, về tiền chữa bệnh cho Cò và tiền ăn học của chị em Mén. Mẹ nói cả về chị Lài thiểu năng nữa. Chả hiểu tại sao mẹ lại gọi chị ấy như thế. Tự dưng Mén thấy khó chịu với mẹ. Khó chịu với mấy người đứng dựa tường kia nữa. Mén ghét hai cái ông bụng bự đó, ghét cả cái bà mặt lạnh đang nghe mẹ nói và gật gật. Ghét cả mẹ cứ giả lả cảm ơn hết người này đến người khác…
4. Bà Tám Hoảnh chạy te te vào sân rồi hổn hển ngồi xuống cạnh mâm cơm nhà Mén. chiếc điện thoại Samsung trên tay bà đang có hình Mén ngồi cạnh chị Lài và cu Cò bên chiếc cũi buộc bìa giữa nhà. Giọng bà Tám rổn rảng phấn khởi:
– Con nhóc này, tau biết mày là đứa ngon lành mà. Cứ tưởng mày làm vai phụ thôi, thằng Cò mới là vai chính mà mày lại thành trung tâm. Mà ác cái là ai rót lời khôn ngoan vầy vô miệng mày ha con. Con nhóc tì này, thường ngày cậy không ra lời, cái mặt quăm quắm thấy ghét mà lên ti vi mày ăn nói ngon lành, mày bày ra ngọn ra ngành câu chuyện ngặt nghèo của chị em bay. Mày lấy hết nước mắt người ta rồi biết hông? Chuyến này thằng Cò có Mạnh Thường Quân nhận đỡ đầu chi phí chữa bệnh rồi. Còn mày với con Lài cũng ngon cơm à nha. Nè, người ta đăng kí lo học phí với chi phí nuôi mày đi học quá trời nè con. Thương chưa này Mén ơi. Mừng cho mấy đứa bay từ giờ sống đỡ rồi!
Bà Tám cứ hồ hởi oang oang thế, rồi ghì đầu Mén hun cái chóc lên chỏm tóc khét mù của nó. Trên màn hình điện thoại, giọng bác đạo diễn thủ thỉ hỏi, giọng Mén trả lời khi nhát gừng, khi vui vẻ về những việc quanh ba chị em. Mén nhớ, lúc đó là Mén đang buộc bìa bọc thành cũi, rồi cả lúc ba bác cháu ngồi ăn cơm hộp trên sàn nhà. Mén đâu có biết có người đang ghi hình đâu. Mén cứ tưởng ghi hình là mọi thứ phải trang trọng, sáng trưng đèn như diễn kịch, như lúc quay mẹ với mấy người lãnh đạo kia chứ. Hoá ra, bác ấy lừa Mén..
Mẹ ngồi bần thần coi hết đoạn video chương trình trên điện thoại của bà Tám, không nói gì. Rồi mẹ lẳng lặng đứng lên, ra ang nước bên hông nhà múc nước rửa mặt. Khi vào, mắt mẹ đỏ hoe nhìn Mén rồi mẹ ôm cu Cò vô giường. Mén coi lại đoạn phim lần nữa, rồi đưa trả điện thoại cho bà Tám Hoảnh. Lòng Mén rối ghê, chẳng hiểu sao bao nhiêu người lớn diễn như thế mà chương trình không phát họ, lại đi quay cái mặt Mén xấu xí, nói mấy chuyện Mén nghĩ trong lòng ra thế. Nhưng cuối cùng thì Mén thấy vui quá. Không biết có phải vì từ đây cu Cò có cơ hội chữa khỏi bệnh hay Mén và chị Lài được đi học lại. Hay vui do lần đầu tiên trong đời, Mén được nói hết những điều trong lòng và có người khác muốn nghe…
27/9/2023
Nguyễn Thu Hà
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hồn phố Em quê ở đâu? - Em không có quê. Từ thời ông bà nội ngoại, gia đình em đã định cư tại Sài Gòn. Anh không biết nói tiếp...