Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

 

Đời hoang - Truyện ngắn của Nguyễn Đình Tú

Cô giáo Hạnh, người Mường, dạy văn cấp hai ở thị trấn Yên Châu, có dáng người tròn đậm, mặt lấm tấm tàn nhang, mắt một bên to, một bên nhỏ, răng hơi hô, giọng khàn, nhưng giảng bài hay, học sinh rất thích.

Cô Hạnh lấy chồng năm hai mươi nhăm tuổi. Được hai năm thì bỏ chồng. Chồng cô làm bên kiểm lâm. Nghe nói buổi trưa cô Hạnh đi dạy về, bắt gặp chồng đang ôm một cô giáo khác bên tổ Tự nhiên. Thế là vợ chồng cô Hạnh bỏ nhau. Chồng cô vào trạm kiểm lâm ở. Cô Hạnh vẫn ở lại trong khu gia viên. Ở một mình. Không con. Năm nay cô Hạnh hai mươi chín tuổi.

Như thường lệ, vào năm học mới, trong lễ khai giảng, cô Hạnh sẽ đứng trước bục đọc quyết tâm thư, hứa cùng học sinh dạy tốt, học tốt, cô trò cùng nhau đoàn kết tiến lên. Giọng cô truyền cảm. Trầm bổng, da diết. Ai nghe cũng thích.

Nhưng năm nay, không ai nhìn thấy cô Hạnh trong lễ khai giảng.

Cô xin nghỉ về quê chăm mẹ. Nhà mẹ cô ở xã Háng Tồng, cách thị trấn cô ở năm mươi cây số. Xã ấy quanh năm mây phủ, có nhiều sắc dân quần cư. Cứ mười nóc nhà thì có 5 gia đình người Mông, 2 gia đình người Dao, một gia đình người Thái, một gia đình người Mường và một gia đình người Kinh.

Mẹ cô giáo Hạnh năm nay sáu mươi chín tuổi, ở một mình, sáng ngủ dậy, bước chân ra cửa thì giẫm phải quả mận chín, ngã khuỵu chân xuống. Thế mà gẫy xương chân. Phải bó bột.

Nhà mẹ cô giáo Hạnh nằm bên một vạt đồi. Từ đường nhựa rẽ vào con đường đất, qua hai cái dốc sẽ thấy một con suối cạn, đi men theo con suối cạn chừng cây số sẽ gặp một vườn sơn tra. Đi xuyên qua vườn sơn tra sẽ nhìn thấy một cái nhà sàn. Xung quanh nhà sàn là hàng rào gỗ thưa. Có một khoảng sân nhỏ nằm ngay dưới chân nhà. Góc sân đặt một cái chõng tre. Mọi khi mẹ cô giáo Hạnh sẽ ngồi đấy ăn đào, ăn mận vào buổi sáng, ăn cơm rếp vào buổi trưa, ăn bánh nẳng chấm mật vào buổi tối. Và bà hát. Vui hát. Buồn cũng hát. Những câu hát về người chồng đã chết. Những câu hát về những đứa con tha phương. Nhưng từ ngày bó bột thì bà gần như ngồi bất động trên nhà sàn, đôi mắt buồn bã nhìn qua cửa sổ, như ngóng bước chân ai đi về qua con suối cạn.

Cô Hạnh về chăm mẹ hôm trước thì hôm sau phải thay mẹ ra đồi hái sơn tra. Hái từ sáng sớm. Đến khoảng 9 giờ, được lưng cái xe gỗ hai bánh tự chế thì kéo ra đầu dốc thứ hai, đổ cho người mua gom. Trên đường kéo xe, Hạnh sẽ dừng lại trước ngôi nhà tường trình đất có hàng rào đá bao quanh ở đầu con dốc thứ nhất. Ngày xưa đó là nhà của một gia đình người Mông. Nhưng đã được bán qua tay nhiều người. “Bây giờ là nhà Đầu Trọc”, mẹ Hạnh bảo thế. Rồi mẹ dặn Hạnh: “Đến nhà nó, phía ngoài hàng rào đá, chỗ cánh cổng gỗ, sẽ thấy một gùi sơn tra. Nhấc lên xe, kéo ra đầu dốc bán hộ nó. Khi về để cái gùi vào chỗ cũ. Tiền để trong gùi, đặt hòn đá lên cho khỏi bay”. “Nhưng Đầu Trọc là ai?”, Hạnh hỏi. “Thì biết là ai. Nó ở dưới xuôi lên. Mua đất đó cũng được hơn năm rồi”, mẹ Hạnh bảo. “Dưới Hà Nội lên mua làm homestay à”, Hạnh lại hỏi. “Không, không giống mấy người dẫn khách du lịch lên đây săn mây ngắm gió gì đó đâu. Đầu Trọc nó không thích gặp người. Muốn giúp nó thì giúp, không thì thôi. Đừng hỏi nhiều. Để nó yên”.

Kéo xe về, ngang qua ngôi nhà trình tường, cô giáo Hạnh để cái gùi vào chỗ cũ. Không quên lời mẹ dặn, cô đặt tờ tiền dưới đáy gùi, chặn hòn đá lên trên.

Đang mùa thu hoạch sơn tra nên ngày nào cô giáo Hạnh cũng phải dậy sớm ra vườn hái quả rồi kéo xe ra đầu dốc đổ cho mối gom. Ngày nào cô cũng nhấc cái gùi của nhà Đầu Trọc đặt lên xe. Một hôm, nhấc gùi lên, Hạnh thấy nhẹ hều, đổ mối chỉ được hai cân quả. Hôm sau cái gùi vẫn nhẹ hều như thế. Hạnh bắt đầu có cảm giác nóng ruột.

Buổi tối, cô giáo Hạnh không nói với mẹ mà tự ý tìm đến ngôi nhà có hàng rào đá bao quanh. Cánh cổng chốt từ bên trong. Không vào được từ phía chính diện của ngôi nhà. Hạnh liền đi men theo bờ rào đá. Hết bờ rào, hẫng xuống phía dưới là một vạt đồi thoải trồng rất nhiều các loại cây tạp. Hạnh tụt xuống vạt đồi đó rồi đi ngược trở lại. Đúng là có đường đi vào ngôi nhà từ phía sau. Đập vào mắt Hạnh là bức tường đất với ô cửa cao đóng kín bằng những thanh gỗ. Ngôi nhà như một tháp canh bịt bùng. Thỉnh thoảng, có ánh sáng mờ hắt lên, lọt qua khe mái ngói. Hạnh đi vòng sang bên hông thì thấy một ngách cửa hình chữ nhật. Cửa không có cánh, như khoét vào tường, gắn một tấm vải làm màn che. Hạnh lò dò tiến đến trước ngách cửa. Cô đang do dự thì một bàn tay thò ra, vén tấm vải sang bên. Trước mắt Hạnh là khuôn mặt một người đàn ông. Đầu trọc lốc. Vồng ngực vạm vỡ sau làn áo len mỏng. Chiếc áo nỉ như khoác vội lên người, mới xỏ được một tay. Đầu Trọc nhìn cô một lúc, không có vẻ gì là bất ngờ cả. Anh ta bảo: “Vào đi”.

Hạnh đi theo Đầu Trọc. Xuyên qua gian bếp. Qua một căn buồng tối nữa. Tới gian trên thì dừng lại. Nhà không có điện. Ánh sáng hắt ra từ đống lửa đang rừng rực cháy giữa nền nhà. Đồ đạc chả có gì. Tủ thờ, giường tre, bàn gỗ, chắc có từ đời chủ trước để lại. Đầu Trọc tiến tới chiếc ghế bố cũ kỹ, căng vải dù, ngả lưng xuống đó. Anh ta chỉ tay lên chiếc giường tre lót một lớp đệm cỏ bảo Hạnh: “Ngồi tạm”.

“Tôi là hàng xóm của anh, tôi… tôi…”, Hạnh lựa lời để mở đầu câu chuyện. “Biết rồi”, Đầu Trọc cắt ngang lời Hạnh. “Anh biết gì cơ?”, Hạnh nhướng mắt lên hỏi lại. “Cả tuần nay cô giúp tôi bán sơn tra. Ngày nào cô cũng nhìn vào cổng nhà tôi. Cô là con bà mế người Mường ở ngọn đồi bên kia. Tôi biết. Nhưng, xin lỗi cô! Tôi chọn cách sống như thế này. Tôi không chuẩn bị gì để đón khách…”

Hạnh nhìn thẳng vào khuôn mặt của Đầu Trọc. Bây giờ cô mới nhận ra là anh ta có một cánh mũi rất cao. Cánh mũi ấy nâng khuôn mặt của anh ta lên, khiến mọi nét như lao về phía trước, nhìn từ hướng nào cũng thấy thanh tú. Nhưng cánh mũi ấy cộng với cái đầu trọc lại khiến anh ta khó đoán tuổi. Dưới cặp lông mày rậm là đôi mắt của một cậu bé chứ không phải của một người đàn ông. Ngây thơ và thành thực. Hiền lành và tử tế. Bói không ra một tia ác cảm hay nghi kỵ nào cả. Dù anh ta cất lên lời nào cũng có vẻ bất cần nhưng nhìn vào đôi mắt ấy Hạnh nghĩ anh ta nên tránh xa người đời là đúng, bởi nó phản chiếu một tâm hồn rất dễ bị tổn thương. Đàn ông mà có đôi mắt thế này thì luỵ tình lắm. Cứ hút hồn con gái thế kia thì phải trốn đời là đúng rồi. Không thì chỉ làm loạn đời thôi. Hoặc bị đời giày vò cho đến chết…

“Tôi gớm ghiếc lắm à? – Đầu Trọc bỗng hỏi Hạnh – Sao cô nhìn tôi như thằng giết người thế?”

Hạnh giật mình, chợt nhận ra là mình đang nhìn chòng chọc vào chủ nhà. Hạnh vội cụp mắt xuống. Rồi lại ngẩng mặt lên, bảo: “Tôi chỉ muốn hỏi tại sao…?”. “Tại cái này”, Đầu Trọc giơ bàn tay phải quấn băng lên cho Hạnh thấy. Đầu Trọc bảo: “Con mèo nó đái bậy. Tôi đánh vào mặt nó cho chừa. Nó cào nát bàn tay tôi. Còn một tay nên tôi chỉ hái được có vậy. Mà bán cho vui ấy mà. Vườn nhà tôi không có nhiều sơn tra lắm”. Giờ thì Hạnh đã hiểu vì sao Đầu Trọc chỉ xỏ được một cánh tay vào chiếc áo khoác nỉ. Tay kia của anh ta vẫn còn đau.

Hạnh hỏi: “Anh nuôi mèo à?”. Đầu Trọc đáp: “Mùa đông năm trước, tôi gặp nó bên vệ đường. Nó bị người ta đánh gãy chân sau, lệch khớp hàm, rách lưỡi. Nếu ngoảnh mặt đi thì nó thành ma mèo rồi. Lỡ tay cho nó vào ba lô xách đi. Thế là giờ nó thành ông chủ của tôi. Cả ngày tôi hầu hạ nó”. Hạnh bảo: “Nuôi mèo hoang kinh lắm. Lỡ nó mang bệnh vào nhà”. Đầu Trọc bảo: “Tôi khác gì nó. Tôi cũng là người hoang thôi mà. Cô đừng gặp tôi, rồi lại rước bệnh dại vào người đấy”. Hạnh cười: “Anh người đâu vậy?”. Đầu Trọc đáp: “Thành phố Ngã ba sông”. Hạnh lại hỏi: “Sao lên Háng Tồng ở?”. Đầu Trọc bảo: “Bố tôi chết rồi. Mẹ tôi chết rồi. Người yêu tôi đã lấy chồng. Tôi là kẻ đi hoang thôi”. Hạnh hỏi: “Anh thích ở nhà của người Mông à?”. Đầu Trọc đáp: “Thằng bạn tôi nó xui”. Hạnh hỏi tiếp: “Xui thế nào?”. Đầu Trọc bảo: “Nó bảo ngôi nhà này giống cái huyệt, tôi lại đang muốn sống ở nghĩa địa, thế là hỏi mua. Tôi mua lại của một tay người Kinh. Tay ấy định biến căn nhà này thành chỗ nghỉ cho những kẻ săn mây. Nhưng rồi đánh bạc thua nên phải bán tháo. Cả nhà và vườn, nguyên một vạt đồi, gần một ngàn sáu trăm mét vuông. Tính ra, chưa bằng chục mét vuông đất dưới chỗ tôi”. Hạnh bảo: “Anh nói giống cái huyệt thì tôi mới nghĩ là nó giống cái huyệt thật. Một cái huyệt bằng đất. Tối tăm và lạnh lẽo. Mà sao bạn anh lại xui anh vào sống trong một cái huyệt?”. Đầu Trọc bảo: “Bạn tôi, nó từng bị giam cầm cố. Nó bảo nằm trong ấy như nằm trong một nấm mộ, bản thân chẳng khác gì một kẻ bị chôn sống. Tôi thích cảm giác của kẻ bị chôn sống. Nên tôi chọn căn nhà này”. Hạnh bảo: “Bạn anh từng đi tù thật à?”. Đầu Trọc gật đầu: “Nó bảo, khác biệt giữa giam kín với giam thông thường là suốt thời gian bị phạt, phạm nhân sẽ không được bước chân ra khỏi buồng. Nhưng đỡ hơn với buồng giam tử tù ở chỗ không bị cùm chân. Kinh khủng nhất là thiếu sáng. Buồng có một cửa sổ chỉ lưng chừng tường, cao hơn đầu người, không ngó qua đó để nhìn ra ngoài được. Ánh sáng có thể lọt vào nhưng ánh nắng thì không bao giờ chiếu đến. Gặp phải những ngày mưa gió sụt sùi thì căn buồng lúc nào cũng tối bưng. Thời gian khi ấy chỉ có làm cho ý nghĩ thối rữa ra thôi. Buồn đến mức muốn cắn lưỡi mà chết”.

A painting of two people hugging

Description automatically generatedTranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Hạnh đứng dậy, ngó nghiêng ra phía trước của ngôi nhà. Bên ngoài tối đen chẳng nhìn thấy gì. Nhưng Hạnh nghe thấy có tiếng nước rơi. Trên mái nhà. Ngoài cánh cửa. Trong tiếng gió. Hạnh bảo: “Anh thiêng thật đấy. Nói đến mưa thì trời mưa luôn. Có vẻ như mưa nặng hạt đấy”. Đầu Trọc vẫn nửa nằm nửa ngồi trên ghế bố, thủng thẳng bảo: “Mưa thế này làm tôi lại nhớ đến những câu chuyện của thằng bạn tôi”. Hạnh bảo: “Lại chuyện trong tù à?”. Đầu Trọc bảo: “Ừ, chuyện ngoài đời chán lắm, chuyện trong tù mới hay”.

Đầu Trọc bảo: “Lôi thể xác mình ra hành hạ, thoạt nghe có vẻ điên rồ và man rợ, nhưng kiếp tù còn biết làm gì hơn? Đã gọi là thằng tù nghĩa là tấm thân mất tự do, chẳng còn là của mình nữa, xã hội ghẻ lạnh, người đời ghê tởm, bạc đãi nó thêm một chút cũng có sao? Tự tàn phá cơ thể cũng có cái khoái thú riêng. Mang da người ra vẽ vời đủ các hình thù lên đó, hoặc tự thương chỗ này chỗ kia, là quyền tự do duy nhất của những kẻ mặc áo số. Đau đớn một tí, rỉ máu một tí, tự hủy một tí, cũng là mình tự trừng phạt mình thôi, có ăn thua gì? Cái giá ấy quá rẻ để mua vui cũng được một vài trống canh, như cái thằng Cây Đàn Bỏ Quên từng bảo. Tất nhiên, sau mỗi cuộc vui tàn nhẫn như thế thì thường là ê chề. Tự mình mình lại thương mình xót xa, lại vẫn cái thằng Cây Đàn Bỏ Quên nó bảo vậy”.

“Còn có người tù tên là Cây Đàn Bỏ Quên nữa à?”, Hạnh hỏi.

Đầu Trọc bảo: “Thằng đó tên thật là Nghĩa. Đang làm giáo viên dạy văn cấp ba thì vào tù. Cực kỳ mê nhạc Phạm Duy. Suốt cả năm đầu nó nhất định không chịu xăm hình. Nhưng rồi vào một ngày mưa buồn, tự dưng lại vạch áo ra nhờ xăm cây đàn ghita lên ngực trái. Sau đó thành nghiện. Hễ rảnh là lại nhờ người xăm lên da thịt. Không xăm hình, chỉ xăm chữ. Trong đội trồng rừng nó là thằng học nhiều nhất. Mà không chỉ đội trồng rừng, có khi cả phân trại nam cũng chỉ nó là thằng đọc nhiều sách nhất”.

“Trí thức mà phải vào tù thì khổ nhỉ”, Hạnh bảo.

Đầu Trọc bảo: “Bạn tôi kể, có hôm trên đường đi lao động về, qua khúc rừng vắng, đội trồng rừng được quản giáo cho xuống tắm suối. Cả bọn cởi truồng nhào xuống dòng nước mát. Từng thằng, từng thằng dùng đá cuội kỳ cọ cho nhau. Nhờ thế mà cả đội đọc được những dòng chữ xăm chi chít trên người thằng Cây Đàn Bỏ Quên. Ngực trái, ngực phải, dưới bụng, sau lưng, bắp chân, bắp tay, trên đùi, trên mông chỗ nào xăm được là xăm, như thể toàn thân thằng ấy đang ứa ra những lời ca rớm máu của ông nhạc sĩ họ Phạm. Bạn tôi còn vạch cả chim thằng Cây Đàn Bỏ Quên ra để đọc hai câu nó xăm ở chỗ kín. Mai ta chết dưới cội đào/ Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu. Đọc xong, bạn tôi hỏi thằng Cây Đàn Bỏ Quên: “Mày yêu nó thế cơ à?”. Thằng ấy bảo: “Giờ nói chuyện yêu đương làm gì nữa. Giết nhau rồi thì coi như hết”. Bạn tôi lại hỏi: “Thế xăm mấy cái chữ linh tinh này lên người làm gì?” Thằng ấy đáp: “Thì như Thiệp nói thôi, cô gái ấy trăm lần phù phiếm, dối trá và vô luân, dù sao tôi đã yêu nàng”. Bạn tôi hỏi: “Thiệp là thằng nào?”. Thằng ấy đáp: “Là nhà văn đáng đọc nhất hiện nay”.

“Đúng là trong tù cũng có nhiều người hay thật!”, Hạnh bảo.

Đầu Trọc bảo: “Ừ, hay lắm. Thế mà án giết người đấy. Yêu một cô giáo cùng trường. Chỉ vì cơn ghen nổi lên mà cầm dao đâm người ta. Đâm ngay trước mặt học sinh. Rồi ôm người yêu chạy lên trạm xá xã. Rồi ra công an tự thú.”

“Thế còn bạn anh thì sao? Sao lại phải vào tù?”, cô giáo Hạnh hỏi.

Đầu Trọc bảo: “Cũng vì yêu thôi. Thấy bạn gái bị người ta đánh bằng roi. Không chịu được. Thế là sẵn trong tay đang cầm cái mỏ lết, cứ thế bổ xuống”. Hạnh hỏi: “Sao lại bị người ta đánh bằng roi?”. Đầu Trọc đáp: “Vì đi đái quá giờ. Ngày chỉ được đi đái hai lần thôi. Mỗi lần không được quá năm phút. Chủ nó qui định vậy. Để chủ bắt được thì hoặc là phơi nắng không được uống nước, hoặc chống tay vào tường để nó lấy roi quất vào mông”. Hạnh thốt lên: “Ối giời ôi, giờ là thời buổi nào rồi mà còn như thế!”. Đầu Trọc bảo: “Thế nên bạn tôi nó mới bổ cái mỏ lết vào đầu thằng chủ. Thành án giết người. Còn là giết người nước ngoài nữa. Trại ấy toàn thằng tởm. Tội nghiêm trọng cả”.

Đã đến lúc Hạnh phải về. Đầu Trọc mở cửa chính cho Hạnh bước ra. Cánh cửa gỗ vừa hé thì gió ùa tới, rét căm. Hạnh thò đầu ra ngoài, cả loạt ánh sáng bỗng bừng lên. Thì ra từ trong nhà, qua đoạn sân, ra đến cánh cổng ngoài hàng rào đá, cả một hệ thống đèn màu đã được thế kế sẵn, chỉ chờ Đầu Trọc bật công tắc điện là chúng toả sáng lung linh. “Cô cứ ra đi. Qua khỏi cổng thì thò tay cài then lại cho tôi là được”, Đầu Trọc đứng ngay sau lưng Hạnh từ bao giờ, một bên vồng ngực anh ta chạm vào bờ vai của cô. Mùi nách từ người anh toả ra sực nức, quyện với mùi khói bếp phả tới, nồng nặc và dồn dập, khiến Hạnh nghĩ tới một chiếc giường ấm cúng giữa đêm đông giá rét. Hạnh so vai lại. Lồng ngực tự nhiên căng tức. Hạnh quay lại nói: “Anh ở đây buồn, tôi mang cho ít sách đọc nhé”. Đầu Trọc bảo: “Có cũng được, mà không có cũng được”. Hạnh dợm bước đi, lại quay người nói thêm câu nữa: “Mà tôi thấy chuyện của bạn anh cứ như là chuyện của anh vậy?”. Đầu Trọc bảo: “Nghĩ là hai người cũng được, mà nghĩ một người cũng được”.

Sáng hôm sau Hạnh lại dậy sớm ra đồi hái sơn tra. Nước mưa vẫn còn đọng trên các cành cây, vít xuống là nước rơi rào rào. Háng Tồng bắt đầu bước vào mùa khô. Cơn mưa đêm qua là để rước gió mùa vào thung núi. Sương giá cũng bắt đầu phủ lên các mỏm đồi. Hạnh mặc ấm hơn khi kéo xe hai bánh ngang qua hàng rào đá nhà Đầu Trọc. Lần này Hạnh dừng lại, kiễng chân nhìn vào trong sân. Hạnh thấy Đầu Trọc đang lúi húi bên chiếc chuồng gà đặt dưới gốc mận tam hoa. Bây giờ Hạnh mới có dịp quan sát kỹ khoảng sân bao quanh ngôi nhà đất này. Ngoài mấy gốc đào, gốc mận, vẫn là mấy cái chuồng trại đóng bằng gỗ tạp, che đậy tranh tre nứa lá tạm bợ. Rồi bụi rạ ngô, đống củi, giếng nước, cối đá có từ các đời chủ trước để lại, Đầu Trọc tiếp nhận thế nào thì vẫn để nguyên như vậy. Có thêm mấy thanh xà đơn, xà kép, túi cát, tạ, chắc là đồ của Đầu Trọc mang tới dựng lên trong sân. Đứng ngó một lát thấy Đầu Trọc vẫn hí húi sửa chuồng gà, Hạnh liền giơ tay qua bức tường đá gọi: “Này, này…”.

Đầu Trọc quay lại, bắt gặp khuôn mặt đầy tàn nhang của Hạnh. Anh ta bảo: “Hôm nay tôi không ra đồi nên không có sơn tra”. Hạnh bảo: “Ra đây em bảo cái này”. Đầu Trọc bước về phía Hạnh. Sát mặt nhau, Hạnh với tay qua tường đưa cho Đầu Trọc 5 quyển sách. Đầu Trọc cầm lấy, lật từng quyển ra xem. Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Tuổi hai mươi yêu dấu, Giăng lưới bắt chim, Vong bướm, toàn sách của Nguyễn Huy Thiệp, cả truyện, tiểu luận phê bình và kịch. Đầu Trọc bảo: “Tôi đọc mà chán là cho vào bếp củi đấy nhé!”. Hạnh cười: “Nhà văn anh nhắc đến trong câu chuyện tối hôm qua đấy. Đọc sách cho nó lương thiện. Chữa được bệnh dại đấy”.

Hạnh nói xong, thụt đầu khỏi bờ tường đá. Bỏ đi.

Hôm sau Hạnh lại kéo xe tay qua nhà Đầu Trọc. Từ xa Hạnh đã nhìn thấy chiếc gùi để ngoài cổng. Nhưng không phải sơn tra. Trong gùi là một cặp gà trống. Hạnh không bất ngờ. Mẹ từng nói với Hạnh rằng, nhà Đầu Trọc mùa nào thức ấy, quanh năm mang đồ ra đổi, ai thương thì giúp, ai không thương lấy mang đi luôn cũng được. Hạnh biết là mẹ nói thế thôi chứ dân quanh đây ai cũng thương Đầu Trọc cả. Đến đứa trẻ con nó cũng biết mang bó củi đi đổi giúp lấy chục bắp ngô tươi về cho Đầu Trọc. Nhà nọ cách nhà kia nửa quả đồi, lại đủ các sắc tộc khác nhau, nhưng người Háng Tồng cơ bản vẫn chân chất thật thà lắm. Đầu Trọc hẳn là biết rõ điều đó. Thậm chí, cứ ru rú ở trong nhà thế thôi chứ ai đi ngang qua hàng rào đá này anh ta đều biết cả. Có lẽ bây giờ anh ta đang ngồi trong sân, dưới cây mận tam hoa, nhìn chòng chọc vào Hạnh qua khe cửa gỗ kia cũng nên. Tự nhiên Hạnh đỏ bừng mặt. Mùi nách đàn ông quyện với mùi khói bếp như thoảng qua mũi Hạnh. Tim Hạnh đập mạnh. Hơi thở gấp gáp. Ngực như bó lại. Hạnh vội vùng dậy. Hạnh lao tới cánh cổng bên bờ rào đá. Hạnh đưa hai tay đẩy mạnh. Cánh cửa tung ra hai bên. Nào, đang ngồi lấp ló ở đâu? Đối mặt với Hạnh đi! Hỡi gã đàn ông nhút nhát, hèn hạ kia? Ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng Hạnh bỗng phụt tắt. Căn nhà vẫn đứng đó, như từ ngàn năm trước, im lặng dưới nắng mai. Vách tường đất với những cửa sổ cao u uẩn, trầm mặc trong gió rét. Cả khoảng sân lặng phắc, không một bóng người. Ngay cả một dáng mèo hoang nằm ườn trên đống củi cũng không thấy. Xấu hổ quá. Hạnh vội khép cổng lại như cũ. Hạnh bỏ chạy ra chỗ con đường đất. Hạnh không quên xách theo chiếc gùi có hai con gà trống. Dưới chiếc gùi có một mảnh giấy bay ra. Hạnh cầm lên và đọc thấy dòng chữ: Đổi gạo và muối.

Hạnh kéo xe lên đầu dốc thứ hai. Đổ sơn tra cho mối gom xong, Hạnh để xe lại, khoác gùi tiếp tục đi bộ ra đường cái. Từ đường cái, rẽ trái, đi lên một đoạn nữa thì gặp một dãy lán hàng. Ở đấy Hạnh bán đôi gà trống được năm trăm ngàn đồng. Hạnh mua năm cân gạo, một cân muối, một chai mắm, hết hơn trăm ngàn. Trên đường quay về, đến đoạn rẽ vào con đường đất thì Hạnh gặp một chiếc ô tô màu đen. Một người đàn ông mặc áo xanh, cổ đeo dây chuyền vàng mặt ngọc, thò mặt ra hỏi: “Ê, có biết nhà thằng Mỏ lết ở đâu không?”. Một người đàn ông khác ngồi sau tay lái bảo: “Mày hỏi thế nó biết làm sao được, phải hỏi thằng Nghĩa, người thành phố Ngã Ba Sông, mới lên trên này được hơn năm, sống trong ngôi nhà của một người Mông”. Hạnh thấy sợ. Vội bỏ đi như chaỵ. Hạnh tụt xuống phía dưới vạt đồi, men theo đường suối mà bước. Chiếc ô tô không đuổi theo Hạnh được. Chỉ nghe thấy có tiếng nói vọng theo sau lưng: “Mày làm nó sợ rồi, thôi cứ phi vào đi, qua con dốc này xem thế nào”.

Mãi chiều Hạnh mới dám đem gùi gạo và muối qua cho Đầu Trọc. Đến gần, Hạnh nhìn thấy chiếc xe màu đen lúc sáng, đang đỗ cạnh hàng rào đá. Hạnh quay lưng, bỏ về.

Buổi tối, Hạnh lại mang chiếc gùi sang. Có chút mưa bụi quẩn theo mỗi bước chân của Hạnh. Chiếc ô tô đã không còn ở đó nữa. Hạnh nhanh chóng lọt vào bên trong hàng rào đá. Qua sân, Hạnh tiến thẳng đến cửa chính ngôi nhà. Cửa không khoá. Hạnh bước vào trong. Một bóng điện được thắp sáng dưới thanh xà gỗ. Có nhiều vỏ chai rượu và lon bia lăn lóc dưới chân cột nhà.

Đầu Trọc không có nhà. Hạnh đi xuống gian bếp. Ngó quanh gian giữa. Ngẩng nhìn lên cả tầng phụ. Không thấy ai cả. Con mèo của Đầu Trọc cũng không thấy đâu. Anh ta có thể đi đâu vào giờ này nhỉ? Lẽ nào anh ta đã lên chiếc xe ô tô màu đen, cùng mấy gã gớm ghiếc đó ra ngoài thị trấn chơi rồi? Hạnh không muốn về khi chưa gặp được Đầu Trọc. Hạnh cần đưa tận tay anh ta gùi gạo và số tiền bán gà còn thừa. Hạnh nhìn thấy chiếc chăn bông lật giở trên giường. Tự nhiên Hạnh lại nhớ đến mùi nách toả ra nồng nàn từ người đàn ông có cánh mũi cao. Hạnh khẽ ngồi xuống giường. Rồi Hạnh nằm xuống tấm đệm cỏ. Hạnh kéo chăn lên ngang ngực. Mùi người ấy vẫn còn quẩn trong chăn. Hạnh kéo chăn lên trùm kín mặt. Đôi đầu ti của Hạnh lại nhộn nhạo sau lớp áo con. Một cảm giác rạo rực đến ngạt thở. Hạnh cứ nằm như thế không biết bao lâu. Rồi Hạnh thiếp đi. Hạnh mơ thấy Đầu Trọc đang ôm con mèo lông xám đi về phía ngọn đồi cỏ úa. Hạnh chạy theo nắm lấy bàn tay của Đầu Trọc. Anh ta gỡ tay của Hạnh ra. Hạnh cố giữ lấy, không chịu buông. Anh ta bảo: “Xin lỗi, tôi không quen mùi người, để tôi sang nằm chỗ khác”. Hạnh hé mắt nhìn. Đầu Trọc đang đứng sát cạnh cô, ngay đầu giường. Tay Hạnh đang nắm lấy tay anh ta. Anh ta gạt tay Hạnh ra để bước về phía chiếc ghế bố. Hoàn toàn là thực. Không phải mơ. Hạnh choàng mở mắt.

Hạnh ngồi bật dậy. Hoảng hốt. Chăn tụt ra khỏi người. Gió lùa vào ngực, lạnh buốt. Giữa nhà, dưới ánh điện vàng, Đầu Trọc đang ngồi trên ghế bố. Trong lòng anh ta là con mèo lông xám.

Hạnh vội tụt xuống giường, xỏ chân vào giày rồi bước ra khỏi nhà. Cứ thế, cô chạy một mạch. Cả đêm hôm ấy, cô cứ tự đánh vào mặt mình, vì xấu hổ.

Sáng hôm sau Hạnh lại kéo xe qua ngôi nhà có hàng rào đá. Cô vờ như không nhớ chuyện gì xảy ra tối hôm trước. Hạnh thò mặt qua hàng rào, chủ động tìm Đầu Trọc. Anh ta đang kiễng chân phơi cái vỏ chăn nặng trịch lên thanh xà ngang. Chính là chiếc chăn Hạnh đắp hôm qua. Nhìn thấy Hạnh, anh ta bảo: “Tôi nhận gùi gạo rồi. Cả tiền nữa. Còn thừa nhiều nhỉ?”.

Hạnh hỏi: “Sao anh lại giặt chăn bông vào đầu mùa lạnh thế này?”.

Đầu Trọc đáp: “Tôi không quen mùi người”.

Câu trả lời như một luồng khí độc thốc thẳng vào mặt Hạnh. Khuôn mặt cô tái đi. Những nốt tàn nhang chuyển sang tím bầm. Vẫn biết Đầu Trọc luôn nói năng bằng cái giọng lưu manh, bất cần và đểu giả như thế. Nhưng lần này, anh ta đã dùng miệng lưỡi rắn rết của mình để sát thương Hạnh. Hạnh ngồi thụp xuống sau bờ rào đá. Cô cố không cắn nát môi mình để khỏi bật lên tiếng khóc.

Từ hôm ấy Hạnh không sang nhà Đầu Trọc nữa. Hạnh ở với mẹ được ba tuần thì chân bà tháo bột. Nhúc nhắc đi lại được là bà tự tay thịt gà, đồ cơm rếp, làm bánh nẳng. Buổi tối, bà bắt Hạnh mang cơm rếp sang cho Đầu Trọc. Hạnh định để ếp khẩu (hộp đựng cơm rếp) trước bậc cửa rồi bỏ về. Nhưng Hạnh nghe thấy tiếng rên ở bên trong. Hạnh đẩy cửa bước vào. Đầu Trọc đang nằm trên giường, đôi mắt thất thần, người nóng như hòn than, miệng ú ớ nói sảng. Hạnh chạy về nhà lấy giảm sốt cho Đầu Trọc uống. Rồi cô bắc nồi nấu cháo. Cơn sốt giảm, Đầu Trọc húp được nửa bát cháo trắng. Người ngợm nhẹ nhõm. Hai mắt nhìn ấm áp trở lại. Đầu Trọc bảo: “Tôi đọc hết sách của ông Thiệp rồi”. Hạnh bảo: “Vậy hôm nay cho tôi xin lại, mai tôi về trường”. Đầu Trọc bảo: “Ông này viết buồn cười thật, truyện nào cũng nhận mình sinh ra ở nông thôn, cha mẹ là nông dân. Nếu tôi cũng viết như ông ấy thì tôi sẽ nói cha mẹ tôi là công nhân, còn tôi sinh ra ở trong xưởng máy. Thế thì nhảm nhỉ, chuyện với trò, ai lại viết như thế?”. Hạnh hỏi: “Thế viết như thế nào mới không nhảm?”. Đầu Trọc bảo: “Nếu là tôi thì tôi sẽ viết rằng, cha tôi chết rồi, mẹ tôi chết rồi, người yêu tôi đã lấy chồng, tôi từng giết người, và bây giờ thì tôi là một kẻ đi hoang…”. Hạnh bảo: “Đi hoang thì có gì hay ho mà viết?”. Đầu Trọc bảo: “Con mèo hoang sẽ không thể trở thành mèo nhà được nữa. Nó phải trả giá bằng cái chết cho khát vọng được ra khỏi nhà của mình. Con người hoang cũng không trở về với đời thường được nữa. Bởi không ai chịu chấp nhận hoang tính của những kẻ trở về từ đời hoang. Những chuyện như thế không đáng đọc ư?”. Hạnh hỏi: “Anh sinh ra trong xưởng máy thật à?”. Đầu Trọc đáp: “Phải. Đẻ rơi trong xưởng sản xuất dây đồng quấn biến áp của Xí nghiệp Mùng Ba Tháng Hai”. Hạnh bảo: “Tôi biết Xí nghiệp ấy. Gần trường sư phạm tôi học. Nhưng chuyển thành công ty giày da từ lâu rồi. Liên doanh với Đài Loan thì phải”. Đầu Trọc bảo: “Đúng thế. Tôi là con công nhân xí nghiệp cũ nên được ưu tiên tuyển vào làm thợ điện ở đó. Tôi thường cầm mỏ lết đi sửa hộp điện ở các xưởng giày. Tôi hay gặp thằng chủ người Đài đứng rình trước cửa nhà vệ sinh. Nó thích phạt những nữ công nhân đi đái quá giờ…”

Hạnh bảo: “Tôi để thuốc giảm sốt, cháo, nước bù giải và mấy món mẹ tôi làm cho anh ở đây nhé. Giờ tôi phải về. Sáng mai tôi còn đi sớm. Trường tôi đã khai giảng được một tháng rồi. Tôi phải về trường thôi”.

Hạnh đứng dậy. Nhưng không bước đi được. Một bàn tay của Đầu Trọc đang nắm lấy vạt áo của Hạnh. Hạnh cúi xuống gỡ bàn tay đó ra. Những ngón tay nóng ran. Hạnh sờ lên trán Đầu Trọc. Cơn sốt đã quay trở lại. Hai mắt Đầu Trọc nhắm nghiền. Anh ta đã ngừng nói. Nhưng trên môi anh ta, hình như đang nở một nụ cười…

1/10/2023

Nguyễn Đình Tú

Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-2024

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...