Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Về truyện ngắn "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh

Về truyện ngắn "Tôi đi học"
của nhà văn Thanh Tịnh

Truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh được in trong sách giáo khoa lớp 8 tập 1 bộ sách Cánh Diều (NXB ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh, 2023). “Tôi đi học” là truyện ngắn mang màu sắc hoài niệm và đậm đà chất thơ của nhà văn Thanh Tịnh in trong tập “Quê mẹ” xuất bản năm 1941. Theo dòng hồi tưởng, tác giả kể lại những kỷ niệm mơn man, êm đềm sâu sắc của tuổi thơ trong buổi tựu trường đầu tiên trong đời, khi ông được mẹ dẫn đi đưa vào lớp năm, lớp đầu cấp tiểu học của trường Pháp – Việt trước năm 1945.
Mở đầu truyện là hai câu văn rất gợi cảm đã tạo thành hai đoạn văn:
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Buổi xa xưa ấy thật là đáng nhớ. Trên con đường cùng mẹ tới trường, nhân vật tôi – cậu bé lớp năm, lớp đầu tiên cấp học ấy – nhìn cảnh vật xung quanh và cảm thấy tâm trạng mình khó tả. Buổi mai ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh… Con đường làng dài và hẹp vốn rất quen thuộc, tự nhiên cậu bé thấy lạ, thấy cảnh vật xung quanh đều thay đổi. Vì sao vậy? Vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. Đi học quả là một sự kiện lớn, một đổi thay quan trọng đánh dấu bước ngoặt của tuổi thơ. Đặc biệt là đối với một đứa trẻ hôm qua chỉ biết chơi đùa, ra sông thả diều, ra đồng chạy nhảy với bạn… Vì thế tôi cảm thấy trang trọng, đứng đắn với bộ quần áo mới, với mấy quyển vở trên tay. Tôi muốn thử sức mình xin mẹ cho được cầm bút, thước như các bạn. Một ý nghĩ non nớt, ngây thơ nảy nở trong đầu chắc chỉ người thạo mới cầm bút thước. Ý nghĩ ấy thoáng qua… trôi nhẹ như một làn mây lướt trên ngọn núi. Cái trừu tượng (ý nghĩ) được so sánh với cái thực (làn mây) nhưng không làm mất đi sự duyên dáng và thú vị. Một nét đẹp, dịu dàng, trong sáng và khát vọng vươn tới của tâm hồn trẻ thơ.
Đi hết đường làng, cậu học trò nhỏ tới sân trường. Nhìn quang cảnh trường, khi gọi tên, rồi phải rời tay mẹ vào lớp học, tâm trạng ngỡ ngàng, cảm giác lạ lẫm của nhân vật tôi mới xáo động làm sao? Thanh Tịnh dùng nhiều hình ảnh, nhiều chi tiết cụ thể biểu hiện những cung bậc tâm trạng của cậu bé. Trước hết cậu thấy ngôi trường trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm… Sân nó rộng, mình nó cao sừng sững như cái đình làng. Rồi cảm thấy bản thân nhỏ bé và đâm ra lo sợ vẩn vơ, cậu bé thấy học trò, thầy cô, người lớn, trẻ con đông đúc. Thấy mấy bạn mới cũng đang sợ sệt, lúng túng e ngại như mình. Họ như con chim non đứng bên bờ tổ nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ. Lại một hình ảnh so sánh thú vị nữa! Nó vừa tả đúng tâm trạng nhân vật, vừa gợi cho người đọc liên tưởng về một thời tuổi nhỏ đứng giữa mái trường thân yêu. Mái trường đẹp như một tổ ấm, mỗi học trò ngây thơ, hồn nhiên như một cánh chim đầy khát vọng và biết bao bồi hồi lo lắng nhìn bầu trời rộng, nghĩ tới những chân trời học vấn mênh mang…
Khi nghe gọi đến tên mình, cậu học trò tự nhiên giật mình và lúng túng. Động từ đặc tả tâm trạng được sử dụng liên tục: ngập ngừng, e sợ, rụt rè, lúng túng, dềnh dàng, run run… Từ láy lúng túng điệp tới bốn lần: Chung quanh là những cậu bé… lúng túng. Nghe gọi đến tên tôi, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Chúng tôi được người ta ngắm nhìn… đã lúng túng… càng lúng túng hơn. Điệp từ diễn tả tâm trạng có ý nghĩa khái quát, miêu tả chân thực cử chỉ, ánh mắt, ý nghĩ, cảm giác… hồn nhiên trong sáng của cậu học trò trong buổi tựu trường đầu tiên gợi cho người đọc chúng ta sống lại những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ. Nó giúp chúng ta hiểu sâu thêm nỗi lòng nhân vật và tài năng kể chuyện của tác giả. Đỉnh cao của tâm trạng lúng túng là khi các cậu học trò nhỏ rời bàn tay, buông chéo áo của người thân để đứng vào hàng chuẩn bị vào lớp thì… một cậu ôm mặt khóc, tôi dúi đầu vào lòng mẹ nức nở khóc theo… và … trong đám học trò mới vài tiếng thút thít đang ngập ngừng… Thật buồn cười nhưng rất đáng yêu! Vừa lúc nãy, trên đường đi tới trường, các cô các cậu náo nức, luôn tỏ ra là mình đã lớn, cũng vừa lúc nãy, cảm thấy hãnh diện vì được nhiều người chú ý, vậy mà bây giờ lại khóc. Tiếng khóc như một phản ứng dây chuyền, rất tự nhiên, rất ngây thơ và nhiều ý nghĩa. Nó là sự nuối tiếc những ngày chơi thoải mái, sự lưu luyến những người thân yêu… Nó cũng là những e sợ trước một thời kỳ thử thách không ít khó khăn, hay nó cũng là một niềm vui, niềm quyết tâm để bước vào một thế giới khác lạ mà đầy hấp dẫn? Với bao cấp độ của khóc: ôm mặt khóc, nức nở khóc và khóc thút thít, cây bút văn xuôi Thanh Tịnh truyền cảm biết bao, trữ tình biết bao và thấu tỏ lòng người!
Ngồi trong lớp học, đây là những giây phút cuối cùng của buổi tựu trường, cảm giác càng trong sáng và chân thực hơn. Thấy một mùi hương lạ xông lên trong lớp, hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ, nhưng cậu bé nhìn bàn ghế chỗ mình ngồi tự nhiên lạm nhận làm vật riêng của mình, nhìn người bạn ngồi bên không cảm thấy xa lạ chút nào… Đoạn văn kết thúc câu chuyện ngắn gọn mà hiện lên nhiều hình ảnh đẹp, giàu ý nghĩa. Một chú chim nhỏ hót mấy tiếng rụt rè, vỗ cánh bay cao, mắt tôi thèm thuồng nhìn theo… Kỷ niệm bầy chim giữa đồng lúa vẫy gọi… Tiếng phấn và chữ viết của thầy giáo nhắc nhở, níu giữ, đưa… chú về với thực tại. Cuối cùng là tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần bài viết tập: Tôi đi học. Đây là bài học đầu tiên trong buổi tựu trường thời thơ ấu của chú bé. Kỷ niệm ấy như một dấu son trong tâm hồn tươi sáng.
Mạch chính của dòng cảm xúc là những biểu hiện tâm lý xoay quanh nhân vật “tôi” trong ngày tựu trường; đồng thời, qua một số nét chấm phá, tác giả khắc họa tình cảm của những người lớn đối với các em bé lần đầu đi học thông qua thái độ yêu thương và những cử chỉ ân cần của ông đốc, thầy giáo và các phụ huynh học sinh. Có thể xem thời điểm “cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều…” là hoàn cảnh khơi gợi cảm xúc nền, tạo ra ấn tượng chung, hình ảnh “mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ” là hình ảnh có tính chất hạt nhân quy tụ và định hướng cho những liên tưởng; để từ đó mở ra các tình huống và chi tiết cụ thể: những quan sát dọc đường, trước sân trường, xếp hàng vào lớp, cảm nghĩ trong lớp học…
Không chỉ thế, dòng cảm xúc của tác giả còn đưa người đọc đến với diễn biến tâm trạng đặc biệt của một cậu học trò lần đầu đến lớp, khi cậu cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn”, trong những quan sát với những cậu học trò lớp trên và những ý nghĩ ngộ nghĩnh khi muốn tự mình cầm được bút thước. Tâm trạng hồi hộp và xốn xang khó tả của nhân vật “tôi” được thể hiện rõ nét qua sự đối sánh giữa “hiện thực tâm lý” của ngày hôm nay so với những gì từng được chứng kiến trước đó. Là những biểu hiện của ký ức hồi quang cho nên thời gian và không gian trong truyện là thời gian và không gian tâm trạng. Đồng thời, những kỷ niệm ngọt ngào về buổi đầu đến lớp ấy cũng được chuyển hóa thành lung linh cảm giác và tươi tắn sắc màu. Chắc chắn không chỉ với lần đầu đến lớp, tựu trường bao giờ cũng để lại trong lòng người những xúc động sâu xa. Tôi đi học của Thanh Tịnh là một tác phẩm văn xuôi đặc sắc, tha thiết gợi về một thời gian và không gian ký ức tưng bừng rộn rã, lấp lánh chất thơ.
Tôi đi học là dòng hồi ức về ngày tựu trường của tuổi ấu thơ, rất thơ và rất xúc động. Có lẽ không phải là ông viết văn mà là những kỷ niệm của chính mình đã sống lại trong nhà văn, là một tiếng lòng bâng khuâng với những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Chính vì vậy, đã hơn 80 năm qua, tác phẩm vẫn sống và còn sống mãi.
15/9/2023
Lê Xuân Soan
Nguồn: Báo Thanh Hóa
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...