Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Vườn vải xưa còn nhòa lệ máu

Vườn vải xưa còn nhòa lệ máu...
Tôi lại về thăm khu di tích Vườn Vải (Lệ Chi Viên) - địa danh đã đi vào lịch sử ở một vùng quê Kinh Bắc xưa, nơi từng xảy ra một vụ án thảm khốc cách đây vừa tròn 570 năm (1442 - 2012)...
Lần đầu tiên tôi đến đây là đi theo đoàn của ông Hoàng Đạo Chúc- Hội chủ Hội yêu kính Nguyễn Trãi & Nguyễn Thị Lộ, về thắp hương cho hai cụ tại Đền thờ mới xây trong ngày khánh thành vào đầu năm Canh Dần 2010.
Lần thứ hai, sau vài tháng, cũng đi theo đoàn của ông Hoàng Đạo Chúc- đoàn về để bàn bạc việc xây cổng Đền thờ và vị trí cần thay đổi của Đài Giọt lệ...
Và lần này, tôi đến một mình, và một mình lang thang trên đất Lệ Chi Viên, như một nhu cầu nội tâm không gì cưỡng nổi...
Sau khi rời đô về Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã chọn Đại Lai thuộc huyện Gia Định, lộ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) để xây dựng Hành cung trên con đường chiến lược nối kinh thành Thăng Long với khu Đông Bắc của nước Đại Việt. Đến Triều Trần, con đường chiến lược này được tiếp tục phát triển để chống quân Nguyên Mông. Sau, trong tôn thất nhà Trần có người phạm lỗi, vua Trần đã cho sửa lại Hành cung và cho người đó ra giữ cung, khi có lệnh mới được hồi triều, nên gọi là Ly cung; đến đời nhà Lê lại đổi tên là cung Yên Hà. Khi vua Lê Thái Tông đã trọng dụng đại thần Nguyễn Trãi, giao cho cụ chức cai quản vùng Đông Bắc và cai quản cung Yên Hà, cụ đã trồng rất nhiều vải ở cung này. Năm 1442, mượn cái chết của vua Thái Tông, triều đình nhà Lê đã vu cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tội giết vua và vu cho đại thần Nguyễn Trãi là chủ mưu, để giết Nguyễn Trãi & Nguyễn Thị Lộ và ba họ Nguyễn Nhị Khê, gây ra vụ án oan kinh động nước Đại Việt! Người đời sau không muốn nhắc đến cung Yên Hà mà chỉ gọi là Lệ Chi Viên (Vườn Vải); và lịch sử gọi vụ án oan này là vụ án Lệ Chi Viên. Do nội chiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn và nhiều cuộc kháng chiến kéo dài sau đó, Lệ Chi Viên không được tu bổ, các công trình bị xuống cấp, cùng với sự tàn phá của  thiên nhiên, di tích hầu như đã không còn gì nữa; đến năm 2008 chỉ còn lại một miếu thờ nhỏ đổ nát và mấy cây cổ thụ quanh miếu... Tiến sĩ khoa học Nguyễn Trung Quế, người con của quê hương Đại Lai từng ngậm ngùi tâm sự với tôi: "Buồn quá em ạ! Nhiều người dân Đại Lai, nhất là thế hệ trẻ không biết quê mình có Lệ Chi Viên! Con đường đến Lệ Chi Viên- kể từ tượng đài Lý Thái Tổ - Hà Nội về tới đầu làng chỉ chưa đầy 50 cây số, mà mấy trăm năm qua vắng bóng ngựa xe vì di tích đã thành phế tích... " Nhưng giờ đây, cảnh tượng đó đã dần lui vào quá khứ!
Lúc chiều tà, tôi lên bờ đê ngắm nhìn cảnh vật và tranh thủ ghi một số hình ảnh làng quê cho bộ phim tài liệu đang thực hiện (thuộc Hãng phim Sao Khuê - Hội Điện ảnh Hà Nội): "Đường đến Lệ Chi Viên"... Dòng sông Đuống lúc này phủ sương mù mịt, ẩn hiện đôi chiếc thuyền câu... Núi Thiên Thai mờ ảo như còn ấp ủ nỗi niềm riêng của thái sư Lê Văn Thịnh... Phía trong đê, Lệ Chi Viên nằm gọn giữa xóm làng bình dị, như tự ngàn xưa vẫn xanh ngắt ruộng lúa, vườn khoai, bãi dâu; vẫn còn đó những đền chùa miếu mạo cổ rêu phong, và giờ đã xuất hiện thêm Khu tưởng niệm Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (gồm đền thờ, các bức tượng hai cụ Trãi & Lộ, đài Giọt Lệ và các công trình phụ trợ đang được gấp rút hoàn thiện).
Giống một sự sắp đặt của tạo hóa, Lệ Chi Viên nằm gần như ở trung tâm một vùng đất dày đặc trầm tích văn hóa - lịch sử lâu đời vào bậc nhất của nước ta - vùng đất dọc đôi bờ sông Đuống từng góp phần quan trọng tạo thành nền văn hiến Kinh Bắc rạng rỡ: đó là vùng Dâu- nơi có chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành Luy Lâu, nơi từng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của nhiều thế kỷ đầu Công nguyên; đó là xứ sở của quần thể chùa Tứ Pháp đặc sắc mà trong đó chùa Dâu từng là trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta- nơi khởi nguồn của Phật Bà Man Nương thuần Việt; đó là những di tích thờ Thánh Tam Giang đã âm phù giúp Lý Thường Kiệt đánh thắng quân xâm lược Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt; đó là lăng mộ thờ Kinh Dương vương- thủy tổ của người Việt; đó là chùa Đại Bi gắn với đệ tam tổ thiền phái Trúc Lâm Lý Đạo Tái; đó là bến Bình Than- nơi diễn ra hội nghị quân sự nổi tiếng chống quân Nguyên Mông lần thứ hai do vua Trần Nhân Tông chủ trì; đó là quê hương của dòng tranh dân gian Đông Hồ độc đáo... Và, có một điều thật lạ lùng: dọc đê sông Đuống - một con sông chỉ là chi lưu phụ của sông Cái (sông Hồng), trên một đoạn chưa đầy ba chục cây số mà có tới ít nhất 3 địa danh liên quan đến 3 vụ án oan động trời, đến nỗi nó được mệnh danh là "Con đường oan khuất"! Cách thị trấn huyện Gia Bình không xa là thôn Bảo Tháp xã Đông Cứu- nơi chôn nhau của Tiến sĩ khai khoa Lê Văn Thịnh, một công thần đời Lý bị vu là hóa hổ cướp ngôi vua, phải đày đi Thao Giang, nay có đền thờ ở sườn núi Thiên Thai! Qua chân núi Thiên Thai vài cây số là tới Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, Gia Bình). Đi ngược lên một đoạn nữa, là tới lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ vương- một trung thần vì khuyên can vua những điều thuộc lẽ phải để giữ nước mà bị An Dương Vương phế bỏ, rồi sau đó bị thiệt mạng oan uổng!
Đêm xuống, tôi đi miên man qua những địa danh cổ như còn mang hơi thở của Ly Cung - Trại Vải xưa: Sông Lai, Bến Cả, Vườn Quan, Vườn Rậm, khu Ba Tòa, Màn Đông, Màn Tiên, Lửa Đền, Cầu Táo, Bến Cống,... và tưởng còn nghe văng vẳng nói về nỗi oan khốc do âm mưu thâm độc và tội ác ghê tởm gây ra mang tên Lệ Chi Viên: “Tội ác này lá rừng Việt không đủ để ghi . Vết nhơ đó nước biển Đông không đủ để rửa”... Ba chữ "Lệ Chi Viên" từ ngót sáu trăm năm qua cho đến tận giờ, và chắc chắn trong cả rất nhiều thế kỷ về sau nữa vẫn sẽ còn tiếp tục lay động tận đáy tâm can và làm rỏ máu trái tim người lương thiện... Tự lúc nào, những gì liên quan đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Lệ Chi Viên đã đi vào tiềm thức thẳm sâu và trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi về Lương tri, về Nhân nghĩa, về Lẽ phải ở trong tôi? Tôi chỉ biết rõ một điều: trong cuộc đời này, những tên người và địa danh thiêng liêng như thế từ lâu nay đã giống như một thứ thuốc thử hiệu nghiệm cho lòng Trung thực, như một sức mạnh phản xạ tức thì đối với những gì là Đểu giả và Bất công!
Lần thứ hai tôi đến Lệ Chi Viên, có một sự kiện đáng ghi nhớ... lịch sử - văn hóa dân tộc. Trước bàn thờ hai cụ, trong hương khói, tôi thoáng thấy cặp lệ rưng rưng của vị tướng dạn dày trận mạc, và tôi bỗng hiểu vì sao vị tướng này đã cho treo một bức trướng lớn giữa nhà in Di bút Nguyễn Trãi là một trong những bậc anh hùng đó. Tiếc thay một vị anh hùng đáng tôn kính đó lại bị kết liễu cuộc đời một cách rất thương tâm. Bài học của Nguyễn Trãi mong rằng các thế hệ ngày nay và mãi mãi sẽ là tấm gương sáng soi chung: mọi người phải noi gương oanh liệt của Nguyễn Trãi và những người có chức có quyền không được đối xử với biết bao người có công với đất nước như những bọn tham quan ô lại trước kia đã đối xử với Nguyễn Trãi một cách bất công". Di bút trên đã được tướng Kiên cho in ra nhiều bản, tặng rất nhiều cán bộ các cấp- như một lời nhắc nhở về đạo ứng xử đối với trung thần nghĩa sĩ của Đất Nước.
Trong những câu thơ cổ mà tôi yêu thích và thuộc nằm lòng có câu của cụ Ức Trai: "Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên". Phải chăng xưa nay, thời nào cũng thế, họa phúc nuôi mầm không chỉ một buổi mà anh hùng để hận tới mấy ngàn năm! Thật xót xa! Hy vọng rằng sẽ tới cái thời những chuyện đau lòng như vậy chỉ còn là giấc mộng Nam Kha...!
Và đêm Lệ Chi Viên, nhiều vần thơ khác mang tâm sự của Nguyễn Trãi mà tôi từng được nghiền ngẫm từ thời sinh viên cứ ào ạt trở về giữa không gian tựa "Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông"... Có một bài hát phổ lời bài thơ Quốc âm "Tùng" do thầy giáo cũ của tôi ở ĐH Sư Phạm Hà Nội sáng tác, tôi những tưởng đã chìm khuất trong bao tầng dĩ vãng, đêm nay chợt hiện về cái giai điệu trầm buồn và xoáy lòng do chính lời thơ đem lại, sống động mồn một dáng vẻ cứng cỏi song cô độc của nhà thi hào - anh hùng dân tộc: "Thu đến cây nao chẳng lạ lùng/ Một mình lạt thở ba đông..." Nỗi đau đời, sự trăn trở, tấm lòng ưu ái mênh mông của Nguyễn Trãi đối với số phận dân lành, đối với vận Nước đã âm thầm lặng lẽ - bằng chính cuộc đời sang sảng "tiếng gươm khua" và "tiếng thơ kêu xé lòng"(1) thấm sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ - trong đó có thế hệ của tôi, và đã tự bao giờ mặc nhiên biến thành một thứ tài sản tinh thần mà nếu thiếu chúng, ý nghĩa cuộc sống sẽ bị khuyết đi một mảng quan trọng không gì thay thế nổi!... Chẳng hiểu sao, khi viết cho đứa con gái nhỏ mới 6 tuổi tôi cũng vận Nguyễn Trãi và Lệ Chi Viên vào những nỗi buồn u uất khó lý giải của mình: "Dũng cảm lên con, để mai sau nếu có khóc bên thảm án Lệ Chi Viên, con còn có nụ cười sáng lệ trước ngọn đèn xanh hoà mưa đêm(2)…Con sẽ cần tới lòng dũng cảm không chỉ để cõng nổi chiếc cặp sách quá tải trên lưng hay chịu đựng được ánh mắt của cô giáo khi chẳng chịu học thêm, mà còn để có sức dùng được ngọn trúc của Ức Trai dò lòng suối tìm đến cánh rừng Mai nguyên thuỷ của Tình người…"
Giá trị nhân văn to lớn của di sản tinh thần do Nguyễn Trãi để lại- bao hàm cả tấn bi kịch đau đớn của đời cụ, chỉ có thể được tích hợp hiệu quả và lan tỏa sâu rộng vào đời sống nhiều thế hệ thông qua sự kiên trì và lao tâm khổ tứ của của những người lãnh đạo chính trị, văn hóa, của những nhà khoa học, những nhà giáo, những người yêu lịch sử, v.v. - như qua việc giảng dạy & học tập có chất lượng, qua những công trình nghiên cứu & hội thảo khoa học có ý nghĩa thực chất về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của cụ, qua những Di tích lịch sử trang nghiêm và ấm cúng mà trong khói hương hòa quyện sự suy tưởng, cả nỗi buồn đau xé lòng cũng có tác dụng thanh lọc và nâng cao tâm hồn... Công việc thầm lặng và đôi khi cũng rất chơi vơi của những người thuộc Hội yêu kính Nguyễn Trãi & Nguyễn Thị Lộ ở nhiều địa phương trong vài năm qua thực ra cũng đã góp phần không nhỏ trong việc đưa vẻ đẹp cùng sức mạnh tâm hồn - tư tưởng của Nguyễn Trãi (và Nguyễn Thị Lộ) dần trở thành một nhu cầu cấp bách trong đời sống tinh thần của cộng đồng; đặc biệt là, giữa cái thời buổi chủ nghĩa thực dụng làm trơ lỳ cảm xúc về cái Đẹp và sự Cao thượng thì điều đó càng thật đáng trân trọng!... Nhưng cái công việc mang tầm vóc của một sự nghiệp lâu dài và gian khổ đó gặp phải không ít trở ngại- bởi sự thiếu hiểu biết, thiếu tầm nhìn, thiếu tinh thần trọng thị, thiếu sự động não..., thậm chí bởi ý đồ đề cao cá nhân! Có đôi ba nhà văn cỡ tầm tầm, cũng tỏ ra chịu khó tìm tòi nghiên cứu sử liệu nhưng đã viết ra những dòng báo những trang văn báng bổ nhân cách bà Nguyễn Thị Lộ một cách đáng xấu hổ- qua đó vô tình hạ thấp Nguyễn Trãi, khiến công luận phẫn nộ!... Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc có kể lại: khi ông đề xuất ý định tổ chức Hội thảo để minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với một quan chức ở Bộ văn hóa - Thông tin (cũng là một nghệ sĩ có tên tuổi) để mong tìm được sự động viên ủng hộ từ phía Chính quyền và ngành dọc, thì ông được trả lời một cách thẳng thừng và cũng "thâm thúy" như sau: Bà Lộ đâu phải là vợ chính thất của Nguyễn Trãi mà đáng làm Hội thảo!
Nhưng cuộc đời vẫn cứ vận hành và sắp xếp các giá trị theo một quy luật công bằng trong tận đáy bản chất nghiệt ngã của nó - bất chấp mọi mưu mô gian ngoan quỷ quyệt của bè lũ tìm cách tiêu diệt Nguyễn Trãi & Nguyễn Thị Lộ xưa kia lẫn sự thờ ơ ích kỷ và nông cạn của con người hiện tại... Cũng như ở vụ án hồ Dâm Đàm (Hồ Tây), trong khi triều đình phong kiến đương thời và giới sử gia mũ cao áo dài nhất loạt áp đặt cho Thái sư Lê Văn Thịnh tội hóa hổ để hòng cướp ngôi vua, thì người dân thường ngay từ đầu đã hết lòng bênh vực sự trong sạch của ông, và tôn ông làm Phúc thần thành hoàng làng trong nhiều làng xã dọc hai bờ sông Đuống... Không cần đợi đến Hội thảo minh oan và tôn vinh cho mình, bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ hàng trăm năm qua vẫn đã sống trong trong lòng người dân Tân Lễ - Thái Bình và người dân vùng Khuyến Lương - Hà Nội như một biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ có nhân cách cao quý và học thức sáng láng...Theo sự tìm hiểu của nhà văn Hoàng Quốc Hải, học giả Lê Thước đã tới Lệ Chi Viên cả tháng ròng (những năm 1958-1959) và đã viết một tập bản thảo có tên "Về quê Đại". Không ai nhớ rõ bản thảo đó đã viết những gì, bởi người được cụ Lê Thước trao giữ hộ đã đốt đi vì sợ "họa văn tự" 3. Song tôi đoan chắc rằng: cụ Lê Thước đã tới Lệ Chi Viên để tìm thêm chứng cớ nhằm vạch rõ thực chất vụ thảm án, vì năm 1956, chính cụ là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên đã "Thử xét lại cái án Nguyễn Trãi" trên tinh thần khoa học hiện đại 4... Và một hội thảo khoa học quy mô lần đầu tiên về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã được tổ chức giữa Thủ đô Hà Nội vào cuối năm 2003 với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ...( Tập kỷ yếu Hội thảo in ngay sau đó: "Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên", 528 trang- Nxb Văn hóa Thông tin, 2004). Những năm gần đây, với sự quan tâm của Chính quyền, nhân dân địa phương, các nhà khoa học, các nhà hảo tâm công đức, đặc biệt là với những nỗ lực không mệt mỏi của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc cùng các Hội viên Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi & Nguyễn Thị Lộ, đến năm 2009, Đền thờ - công trình chính của toàn thể Khu lưu niệm ở Lệ Chi Viên đã được dựng lên. Sau đó ông Chúc cùng các thành viên của Hội đã tiếp tục vận động các nhà tài trợ và rất nhiều người tâm huyết đồng lòng góp công, góp của để có một Lệ Chi Viên không chỉ hồi sinh mà còn hiện diện xứng với tầm của nó. Trong đà vận động đó, tới ngày 12 tháng 8 năm 2010, Lệ Chi Viên đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp bằng di tích lịch sử, đánh một mốc son cho những giai đoạn sắp tới của Lệ Chi Viên.
Giữa lúc Khu Tưởng niệm đang được hình thành tại Lệ Chi Viên, hàng ngày, từ nhiều vùng quê Kinh Bắc và khắp nơi trên cả nước, nhiều cá nhân và đoàn hành hương đã tìm đến Lệ Chi Viên để thắp hương tưởng nhớ hai cụ, xin được đóng góp công của cho Di tích; nhiều tổ chức, cá nhân ở Tân Lễ - Thái Bình (quê bà Lộ) và ở Thường Tín - Hà Nội (quê Nguyễn Trãi) đã đề nghị được cung tiến hàng nghìn cây vải về Lệ Chi Viên để mong khôi phục Vườn Vải... Tôi được nghe cán bộ xã kể lại: có người đã nhiều lần về Lệ Chi Viên để cất công tìm hiểu về hệ thống di tích cũ, về huyền sử lưu truyền trong dân gian, vẽ ra cả bản đồ di tích nữa, để mong góp phần giúp người thời nay hiểu rõ thêm về thực chất vụ thảm án; và theo tôi, còn hơn thế, để có thêm cơ hội được đắm chìm vào cội nguồn tinh thần của Danh nhân... Trên thực tế, Lệ Chi Viên đã và đang còn là một hiện trường của một vụ án lớn giúp cho các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi khai thác những chứng cứ đáng tin cậy để khẳng định ngày càng thuyết phục hơn: cái chết thảm khốc của Nguyễn Trãi & Nguyễn Thị Lộ cùng hơn ba trăm người là âm mưu của một thế lực đen tối trong triều đình nhà Lê muốn trừ khử một tài năng quá lỗi lạc, một nhân cách quá cao thượng - để từ đó không chỉ minh oan, mà còn để đánh giá, tôn vinh một cách tương xứng công đức lớn lao của hai cụ Trãi & Lộ cùng sức tỏa rạng sâu rộng của công đức ấy đối với lịch sử và đối với cuộc sống hiện tại! Trong tương lai gần, với tiềm năng văn hóa - lịch sử sâu dày và bi tráng sẵn có của mình, với sự quan tâm đầu tư thích đáng hơn nữa, Lệ Chi Viên mặc nhiên sẽ phải trở thành một địa điểm du lịch văn hóa - sinh thái quan trọng trong hệ thống quần thể du lịch văn hóa dọc vùng sông Đuống nói riêng và cả vùng Kinh Bắc nói chung! Một vị lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nói với chúng tôi: Tỉnh đang có ý định xây dựng một tour du lịch đặc biệt mang tên: "Du lịch oan khuất" trên vài chục cây số dọc sông Đuống...
Đêm Lệ Chi Viên buốt lạnh, đâu đây như vẫn còn phảng phất vẻ hoang dã liêu trai đậm màu sắc phương Đông cổ xưa của cái thời lưu truyền những huyền thoại độc địa đến kinh hoàng về Rắn báo oán, và Vườn Vải xưa như còn chưa thôi nhòa lệ máu trong lòng người... Nhưng bên cạnh nỗi cảm hoài xót xa chưa thể vợi bớt mỗi khi chợt nghĩ về vụ thảm án, bên cạnh cái khát khao được hình dung một cách cụ thể những khung cảnh đã diễn ra cái sự kiện đau đớn ngót sáu trăm năm trước, giờ đây lòng tôi chợt dấy lên một niềm rạo rực khôn tả: Lệ Chi Viên đang bắt đầu một cuộc sống mới mẻ mà ở đó, những giá trị tinh thần bất tử được tỏa ra từ tâm hồn - sự nghiệp của hai cụ Nguyễn Trãi & Nguyễn Thị Lộ sẽ có thêm dịp được thẩm thấu vào cuộc đời, để hòa vào nguồn suối vô tận của lòng Nhân cùng những Phẩm giá làm Người đích thực...
1. Thơ Tố Hữu
2. Ý thơ Nguyễn Trãi
3. Theo Hoàng Quốc Hải: "Lệ Chi Viên! Lệ Chi Viên!" (Những dấu chân, những nẻo đường- Nxb Phụ nữ, HN, 2005)
4. Bài viết của Lê Thước - Trương Chính (in trong Tập san Văn Sử Địa số 24, tháng 1/1957).
Đầu năm Nhâm Thìn 2012
 Nguyễn Anh Tuấn
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...