Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Dằng dặc khôn nguôi

Dằng dặc khôn nguôi

(Đọc “Lời Ca Cỏ Non” của Từ Thế Mộng)
Cái bài thơ có vẻ ít thơ nhất trong tập Lời Ca Cỏ Non của anh lại là bài làm cho tôi xao xuyến nhất. Không chỉ một lần mà hai lần rồi ba lần, mỗi lần đọc lại tôi đều thấy rưng rưng. Đó là bài “Như hai giọt nước”. Tôi bảo nó không phải thơ nhất chỉ vì nó có vẻ như một câu chuyện kể bình thường, những lời lẽ đời thường, giản dị, chân chất… về một chuyện trong gia đình - giữa thời buổi mà người ta đang cố làm mới thơ với những hình thức cầu kỳ, câu chữ bí hiểm thì bài thơ của anh có gì đó xa lạ với “thơ hôm nay”, thơ “hậu hiện đại”:
Con học toán nhớ nhiều công thức quá
Nên quên lòng thương mẹ thương cha
Em con đó nhiều khi sỡ sững nhớ
Trông chị về – con lại muốn đi xa
Con điện tin về không báo trước
Người yêu con tới hỏi sớm mai này
Ba má nhìn nhau không hiểu hết
Con ta ơi ta lạc mất con rồi
… Ba giận con mà lòng quay quắt
Nỗi thương con nên tự nhủ mình
Ba với con như hai giọt nước
Nghiêng bên nào cũng thấy long lanh
(Như hai giọt nước)
Có lẽ tôi cũng đã già, nên mới thấm hết nỗi ray rứt trong lòng người cha, cái cảm nhận có phần thảng thốt trước dòng chảy nghiệt ngã của thời gian - giữa hai bờ thế hệ - vừa ngọt ngào vừa cay đắng, chia xa, vừa ngậm ngùi vừa độ lượng, gần gũi.
Thường khi đọc thơ, tôi chỉ đơn giản coi bài thơ đó đã gây xúc động như thế nào với lòng mình, nó có làm xao xuyến, có làm rưng rưng và sau đó có còn đọng lại những nỗi niềm ray rứt mà khi không còn nhớ một câu một chữ nào của bài thơ ta vẫn còn nghe cái vị ngọt ngào hay mặn chát đáng cay mà bài thơ để lại, một thứ gì đó dằng dặc khôn nguôi. Có phải đó là cái “tấc lòng” của người làm thơ, cái “thốn tâm thiên cổ” đó chăng?
Cho nên gọi Như hai giọt nước là một bài “ít thơ nhất” cũng chính là bài rất thơ đối với tôi.
Một bài thơ thứ hai cũng để lại trong lòng tôi nỗi xao xuyến lạ kỳ, có lẽ đã được anh viết từ bên bờ dốc đá dựng đứng của thác Dambri, những ngày anh còn lang thang ở Bảo Lộc, hơn bốn mươi năm về trước.
Rừng, tôi và một vùng thác trắng…
Tôi chờm ngợp trong nỗi mừng kỳ dị
với một niềm mong ước rất xôn xao
buông nhẹ hai tay, ôi thần trí ngọt ngào
tôi sẽ mới giữa vô cùng sáng láng!
(Lời kêu gọi quyến rũ của thác)
Tôi bỗng nhớ họa sĩ Đinh Cường: anh có một bức tranh nổi tiếng vẽ một người đàn ông đứng chênh vênh bên bờ ngọn thác Niagara. Năm 1993, lúc đó tôi đang ở Boston, Đinh Cường viết cho tôi: “Đứng bên bờ vực ngọn thác hùng vĩ nhất thế giới này, moa chỉ muốn tung mình xuống dòng thác… và bỗng nhớ một câu hát của Trịnh Công Sơn: Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo…”
Từ Thế Mộng thật lạ. Đọc thơ anh, có lúc thấy anh có vẻ ngang tàng, hũng dũng, không hề “nhát gái”, thỉnh thoảng còn tinh nghịch phá phách nữa kia, nhưng có lúc lại thấy anh ú ớ, ngẩn ngơ, không nói nên lời. Cái ú ớ thật dễ thương của một khung trời nắng rực biển và gió cát của Phan Thiết:
Phượng hồng phượng hồng sao phượng hồng
sao trong mênh mông mà nhớ nhung
nghìn em áo trắng trong sân trắng
phượng vẫn rơi bàn tay không!
(Phượng hồng)
Tôi yêu cái ú ớ đó của anh và cả những tinh nghịch của anh:
Em mỗi ngày một lớn
Ta mỗi ngày một già
Ta mừng em xinh đẹp
Mừng ta còn như xưa
(Chiêm bao)
Con chim tình nhỏ nhắn
Bay suốt cả đời anh
Có lẽ nào em xinh
Nhìn anh mà chẳng thấy
(Chiếc giỏ vàng)
Thấy qua đi chứ, nhưng rõ ràng “mừng ta còn như xưa” quả chỉ là một giấc chiêm bao!
“Em ngửa mình gối sóng
Ráng đỏ thoảng bên trời
Anh rùng mính ngăn lại
Một tiếng thầm đang rơi!
(Ráng đỏ)
Cầu trời cho anh còn nghe mãi cái cái tiếng thầm đang rơi đó, và cũng cầu trời cho anh được rùng mình mỗi lần thấy ráng đỏ bên trời đó nữa. Phải sống ở biển trời Phan Thiết mới thấy hết cái tuyệt vời trong những câu thơ đơn giản đó. Cái mặn mòi của Phan Thiết hình như gắn với gió với sóng với hơi nước, với ráng đỏ, với bờ cong… Dĩ nhiên là nhiều nơi có biển, nhưng không ở đâu như biển Phan Thiết của Từ Thế Mộng:
Mấy hôm nay biển thở dài
Mới hay em bệnh đã vài bốn hôm
(Biển ốm)
Ôi còn gì tuyệt bằng những buổi chiều ở bãi, nằm im trên bờ cỏ non xanh ngẩng mặt nhìn trời… Anh nghe trong hơi nước đầy hơi sương. Trong hơi sương đầy hơi em. Trong hơi em đầy hơi của mặt trời mới mọc…
(Lời ca cỏ non)
Tôi sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, những ngày ấu thơ cũng “vọc” biển như anh vậy nên tôi có thể hiểu anh, kể cả khi anh viết về cái mưa Phan Thiết:
Em về
trong dịu dàng mưa
Bước chân lửng thửng
như chưa ướt gì…
(Mưa và em)
Ướt gì? Làm tôi nhớ một câu ca dao ở Phan Thiết thuộc từ thuở nhỏ: Trời mưa ướt lá bồn bồn…
Cũng vậy, trong Màu tình yêu, người ta không thể không tủm tỉm cười một mình, với nhữngvàng, ngà, đỏ, đen, hồng… của Từ Thế Mộng.
Nhưng bên cạnh một Từ Thế Mộng đôi khi tinh nghịch rất dễ thương đó là một Từ Thế Mộng khác, Từ Thế Mộng của những bài thơ cổ phong, mang hơi hướm của ngàn năm cũ, ngay cả trong cách đặt tựa đặc sệt Đường thi của anh: Buổi sáng nhân đọc một quyển sách hay rồi Buổi tối chọc người yêu khóc rồi ngắm/ Chiều cuối năm nhớ bạn… chẳng khác xưa Bạch Cư Dị viết: Từ Giang Lăng qua Từ Châu dọc đường gởi cho anh em/ Đêm đông chí ở Hàm Đan nhớ nhà… hay như Đỗ Phủ viết: Đáp lòng tiễn biệt của ông cậu thứ mười một trong bữa tiệc… Những lúc đó thấy nhà giáo Tư Đình bên trong Từ Thế Mộng ngồi chểm chệ như một ông đồ già, nghiêm trang và cẩn mật, nhưng giọng thơ đầy hào sảng:
Trời đang lạnh gắt ở phương xa
Rượu nốc không nguôi nỗi nhớ nhà…
(Chiều cuối năm nhớ bạn)
Đông giang Đông giang đường dốc ngược
Bạn lái xe ngỡ trừng con mắt…
(Bạn lái xe)
Nhưng trên hết, trong thơ Từ Thế Mộng người ta thấy cái tình gia đình đằm thắm, chân thành, sâu lắng: với mẹ như “Nước trong nguồn”, với bà trong “Hạt mưa xa”, với vợ, với con: Con bớt chưa con, Như hai giọt nước…
Anh Tư Đình thân mến, tôi cám ơn anh rất nhiều đã tin cậy tôi mà gởi tập bản thảo “Lời ca cỏ non” và nhờ thôi viết đôi dòng cho tập thơ này của anh, lại còn cho phép tôi tùy nghi cắt xén – một tập thơ mà nếu nhìn lại thời gian, nó đã trải hơn bốn mươi năm của một dời người – (mà anh nói vì những kỷ niệm riêng tư, anh không làm sao cắt xén cho đành) - thì tôi cũng vậy, tôi cảm động mà cũng không biết phải nói gì đây cho tập thơ, chỉ biết để lòng mình chan hòa cùng tác giả, buồn vui cùng tác giả. Dễ gì ta có dịp đọc một tập thơ mang cả một đời thơ, mà còn thấy được bên kia thơ là một con người vừa đắm đuối mê say, lại vừa nghiêm túc, cẩn mật; một người có lúc như tinh nghịch mà biết bao nỗi ngậm ngùi, có lúc như đùa cợt mà vẫn thấm đậm một nỗi buồn man mác khôn nguôi… của một kiếp người như dòng sông trôi đi, biền biệt trôi đi:
Ta thấy lòng mình như đổi khác
Ta trong veo và nổi bồng bềnh…
(Buổi sáng nhân đọc một quyển sách hay)
Phải vậy không anh Tư Đình, Từ Thế Mộng?.
Đỗ Hồng Ngọc
Sài Gòn tháng 4/2001
Theo http://www.dohongngoc.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...