Tháng năm, sáng sớm tiếng
ve đã râm ran trên những tán lá mù u xanh nghít. Hoa mù u năm cánh trắng,
thả từng chùm hương dịu ngọt bàng bạc khắp phố. Con đường đất gập ghềnh dẫn
vào những căn nhà cũ kỹ năm nào đã được thay bằng những con đường trải nhựa
dọc ngang như ô bàn cờ. Lần đầu tiên quay lại chốn này, tôi không khỏi ngỡ
ngàng trước vẻ lạ lẫm của những dãy phố mới.
Năm năm trước, cũng vào
giữa mùa mù u dậy hương, ông Năm Đải lọ mọ cùng cây gậy trúc đưa tôi ra nơi
mà ông cho là chốn linh thiêng nhất của vùng đất Khuê Trung quê ông. Nơi đó
có cả một cụm di tích, từ nhà thờ Tiền hiền làng, nghĩa trủng Hòa Vang là
an nghỉ của các anh hùng nghĩa sĩ cho đến miếu Bà là di tích tín ngưỡng của
người Chăm. Đã ngoại bát tuần, nhưng ông vẫn không ngần ngại mỗi khi có ai
đó muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa vùng đất nơi ông chôn nhau cắt rốn. Nắng
đầu hè đổ lửa, chiếc ô cũ kỹ thỉnh thoảng lệch qua một bên vai ông, phơi
gương mặt khắc khổ ra ngoài ánh nắng. Ông tần ngần một lát bên tấm bia cổ rồi
cúi xuống, đọc cho tôi nghe những hàng chữ Hán đại tự khắc theo kiểu vỏ đậu
trên sa thạch. Những vết chân chim trên đôi mắt ông nhíu lại, dấu thời gian
hằn lên đâu đó trong tim ông bỗng bật dậy thành chuỗi thanh âm ngập ngừng
giữa quá khứ và hiện tại. Ông và tôi, chúng tôi men theo lối đi hẹp giữa những
nấm mộ nhỏ, dẫm lên những bụi cỏ hoang cháy nắng đi về nơi mà ông giới thiệu
là đài chiến sĩ. Những rồng, những phụng nghiêng mình trầm mặc trên những
mái ngói âm dương, gợi vào lòng tôi một cảm giác man mác buồn như lúc ghé
thăm những thành quách cũ dọc theo chiều dài đất nước. Có điều, trong tôi
lúc đó không vẳng tiếng loa xưa như Vũ Đình Liên [1],
chỉ có hương mù u sánh lại giữa mênh mang buổi trưa hè.
tôi ngồi lại dưới bóng
cây mù u, trốn cái nắng hầm hập ngoài trời. Chú có biết cây ni tên chi
không? – ông hỏi. Rồi không đợi tôi trả lời, ông lật qua lật lại một chiếc
lá chừng như rụng đâu ngày hôm trước, tiếp lời: Cây mù u đó. Tháng tư,
tháng sáu trổ hoa. Tháng mười, tháng chạp chín trái. Năm mô có sức khỏe, nó
ra thêm một đợt hoa nữa vào tháng mười, tháng mười một. Ông bà xưa tính tuổi
mù ù dựa vào thân cây, đường kính sáu mươi phân thì tuổi nó khoảng sáu mươi
năm đó. Ông dừng lại, vấn điếu thuốc xắt Cẩm Lệ rồi rít một hơi, phả khói vờn
quanh cành mù u là đà trên đầu chúng tôi. Theo cách tính của ông, tôi áng
chừng cây mù u này hẳn phải “trẻ” hơn ông ít nhất đến chục tuổi. Mà đúng thế
thật, ông bảo, khi ông còn thò lò mũi xanh tập tành học chữ quốc ngữ thì
ông nội ông còn giữ chức thủ sắc ở đình, trong làng lúc đó có nhiều cây mù
u cổ thụ, nhưng cái cây mà chúng tôi ngồi hóng mát trưa hôm đó còn chưa xuất
hiện. Chuyện trò một lát, mới hay tuổi thơ của ông cũng đầy ắp những kỷ niệm
mù u như tuổi thơ tôi trong những tháng ngày khốn khó. Trái mù u tròn, người
bảo ăn vào sẽ bị ngộ độc, nhưng lúc nhỏ tôi đã từng biết đến vị ngòn ngọt
pha lẫn chan chát của nó mà có sao đâu. Một thời cơ cực, người dân quê tôi
từng ép hột mù u làm dầu thắp đèn, tuy nhiều khói ít sáng nhưng tính ra
cũng đỡ được bộn tiền. Còn kỷ niệm trong ông là những lần chong đèn ngồi học,
hít khói dầu mù u đen ngòm hai lỗ mũi.
Thấy tôi tỉ mẩn ghi
chép, ông Năm bảo, mù u là tên bình dân, chứ trong văn chương người ta gọi
là nó "Nam mai", thường được mấy ông già nhắc đến trong sự
tích “Gia Long tẩu quốc”. Tôi nhớ có sách, hình nhưĐại Nam nhất thống chí thì
phải, có chép về cây mù u, đại khái: Trái để ép dầu, thắp đèn, kiến gián
không ăn; thân rạch sẽ tiết nhựa vàng, trị vết đao thương, ghẻ, tê thấp; gỗ
dùng làm tay cong, cán, bánh lái thuyền… Một thời, trái mù rất hữu ích cho
dân nghèo, nhưng dùng trái mù u để đánh giặc thì xưa nay hiếm. Chắc là chú
đã nghe chuyện ông Ông Ích Khiêm dùng trái mù u đánh Pháp rồi? Ông vừa nói,
vừa chỉ cho tôi xem một vết sẹo trên thân cây, phía nhìn ra nghĩa trủng. Hồi
mới dời hơn một nghìn nấm mộ anh hùng liệt sĩ về chỗ ni – ông nhớ lại, có một
ông ở làng Phong Lệ xuống viếng hương, nói là cháu ba, bốn đời chi đó của
ông Ông Ích Khiêm. Sẵn cái mác của bà con dọn cỏ dựng bên hông miếu Bà, ổng
lấy mũi mác khắc luôn hai vạch trên thân mù u thành hình chữ nhân. Ổng
nói, suốt trong di chúc của vị tướng họ Ông cũng chỉ nhắc đi nhắc lại một
điều là sống làm răng cho ra con người. Chú biết không, mấy đứa trẻ trong
làng nhiều bữa nghịch ngợm lấy mảnh sành cứa vô thân cây làm nó ứa ra một
chất dịch sền sệt màu vàng. Rứa mà lần đó, cái chữ nhân của ông
Phong Lệ nó đỏ như máu suốt cả mấy ngày. Ai thấy cũng ớn lạnh!
Ngày trước, dọc đường từ
Lỗ Sài, Hóa Sơn lên Khuê Trung đến Phong Lệ có nhiều cây mù u lắm. Nó chịu
được đất cát, khô hạn. Các bậc trưởng thượng thuộc thế hệ cụ thân sinh ông
Năm, mỗi khi thấy mù u con mọc hoang đâu đó, bao giờ cũng nghĩ đến chuyện bứng
ngay về trồng vào bờ rào nhà mình. Tôi từng lúc bị cuốn vào câu chuyện kể của
ông Năm, quên hẳn tiết trời đang hồi oi bức. Tiếng ve râm ran, hương mù u
dìu dịu, trong không gian im ắng buổi trưa hè, giọng ông trầm đục chừng như
từ một quá khứ xa xôi nào đó vọng lại giữa bốn bề di tích. Những nếp nhăn
chợt giãn ra khi nét hào sảng thoáng hiện trên khuôn mặt già nua cùng với
giọng kể như đã từng tham gia trong trận tuyến năm xưa. Tôi mường tượng cảnh
Thống chế Lê Đình Lý, rồi đến danh tướng Ông Ích Khiêm đồng cam cộng khổ với
nhân dân Đà Nẵng, Hòa Vang trong việc bảo vệ các phòng tuyến chống Pháp hơn
140 năm trước. Là người làng Phong Lệ, họ Ông hẳn biết rõ từng ngọn đồi, từng
bến sông khắp cả vùng Liên Trì - Cẩm Lệ để có thể tổ chức đánh giặc bằng vũ
khí thô sơ một cách hữu hiệu nhất. Ngày đó, ngoài tàu đồng đạn sắt, Pháp
còn trang bị cho quân lính mang giày đinh ống cao, đi đến đâu cũng rầm rầm
dương oai diễu võ. Tháng mười năm đó, trái mù u bắt đầu chín rộ khắp nơi. Họ
Ông ngầm sức cho bà con quanh vùng hái trái thật nhiều để chuẩn bị cho một
trận đánh lớn. Cơ hội đã đến, khi một tốp lính Pháp theo đường 14 tiến lên
Phong Lệ; quân ta chặn đánh rồi vờ tháo chạy. Địch đuổi theo, bị trái mù u
làm trượt ngã. Phục binh của ta bất ngờ đổ ra đánh, quân địch một phen
phiêu hồn bạt vía.
Chuyện xưa, ông kể rành
rọt lắm, say sưa và thành kính. Tôi thoáng chốc hóa thân thành cậu bé chân
quê khoác túi vải bên vai, leo lên cành hái trái mù u cho nghĩa quân đi
đánh Pháp. Quê tôi cũng có những hàng mù u soi bóng ven sông, đến mùa, trái
chín trôi dạt ra tận cửa Đại. Giờ đây, sau mấy chục năm bom đạn cày xới, họa
hoằn lắm mới thấy bóng dáng mù u xuất hiện đâu đó trên vùng đất xứ Quảng.
Câu chuyện của ông Năm cũng vậy, dần dà ít có người nghe, có chăng chỉ một
vài người làm công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Có điều, không phải ai
cũng tin vào câu chuyện “trận mù ù” đầy vẻ huyền thoại ấy. Huyền thoại, bởi
có thấy sách vở nào ghi chép đâu, cả chính sử triều Nguyễn lẫn sách của người
phương Tây. Ừ, thì tui biết có nhiều người tỏ vẻ hoài nghi, vặn vẹo hỏi đủ
thứ - ông lên giọng. Mà tui hỏi chú, nếu trận đánh ngày đó không xảy ra thì
dân gian ai người ta nói tới bằng hò vè. Ông nội tui mỗi lần kể chuyện xưa,
thường nhắc câu: “Phen ni coi bộ lu bu/ Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng”. Mới
đây, có một anh trè trẻ tới tìm tui hỏi chuyện, chính ảnh đọc cho tui nghe
câu ni, nói là sưu tầm được ở mô đó: “Đà Nẵng, Sơn Trà, Miếu Bông, Cẩm Lệ/
Chuyện trăm năm còn kể trận mù u”. Đó, chú thấy chưa, không có lửa thì làm
răng có khói hở chú?
Giọng ông chợt thoáng buồn,
nỗi buồn của một người tin đến độ tín ngưỡng chuyện xưa tích cũ, thế mà thế
nhân lại hời hợt đón nhận. Tôi đã từng lội khắp các ngả đường ở Hòa Cường,
Khuê Trung từ khi còn chưa đô thị hóa để tìm hiểu thêm những gì mình còn
chưa biết. Ngay trung tâm nghĩa trủng Hòa Vang có một ngôi mộ lớn, trên bia
xi măng có cẩn hàng chữ: “Tiền triều Đại tướng quý công mộ”. Đến nay vẫn
chưa xác định người nằm dưới mộ là ai. Là ông Nguyễn Trọng Ân, tướng trấn
giữ đồn Tuyên Hóa, nay thuộc phường Hòa Cường? Là Thống chế Lê Đình Lý, vị
tướng đã hy sinh tại mặt trận Cẩm Lệ vào đầu tháng 10-1858? Hay một vị tướng
tộc Trần nào đó? Tất cả vẫn còn tồn nghi, nhưng tôi biết chắc một điều là
vào năm Mậu Ngọ diễn ra trận đầu đánh Pháp ấy, lúc làng Khuê Trung hãy còn
mang tên là Hóa Khuê, nhiều căn cứ quan trọng đã được nghĩa quân lập nên tại
vùng địa đầu này để chống trả lại những đợt tấn công của địch. Có lần, một
trong những bậc kỳ lão của làng Khuê Trung là ông Hương Mưu đã kể cho tôi
nghe về những tên đất vẫn còn lưu truyền trong dân gian như xóm Kho nay thuộc
khu vực Bình Hòa 1, mô Súng thuộc khu vực Phước Hòa... Đặc biệt, khi đó còn
khá rõ vết tích của một chiến lũy bằng tre xanh chạy dài từ Thuận An - nay
thuộc phường Hòa Thuận Đông - lên đến Bình Hòa 1, Bình Hòa 2...
Ông Năm trầm ngâm một
lát. Rồi chừng như nghĩ ra rằng chuyện trò với một người trẻ tuổi biết cách
chăm chú nghe như tôi cũng ít nhiều thú vị, ông chợt mỉm cười. Chắc chú ra
Huế nhiều lần rồi. Chú có nghe ngoài đó người ta nhắc tới câu Văn
Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng/ Ngó vô Xã Tắc, hai hàng mù u không?
Chú có biết vì răng mà Xã Tắc người ta trồng mù u không? Tui học cũng không
nhiều lắm, chỉ có nghe nhiều, đọc nhiều và nhớ lâu thôi. Theo lời ông nội
tui thì ngày xưa, các vua khi mới dựng nước quý trọng dân lắm. Dân muốn có
đất ở, vua cho lập nền Xã để tế thần Hậu thổ. Dân muốn có lúa ăn, vua cho lập
nền Tắc để tế Thần nông. Mất đất, mất lúa là mất Xã Tắc, mất cả quê hương,
đất nước; nên ngày xưa người ta coi Xã Tắc như là quốc gia. Thời nhà Nguyễn,
ở phía Nam kinh thành có đàn Giao tế Trời, nội thành có Thế miếu thờ tổ
tiên nhà vua, có Xã Tắc là nền thờ thần Đất và thần Lúa... Ông dừng lại,
chăm chú nhìn cây bút nguệch ngoạc những dòng chữ tốc ký trên quyển sổ ghi
chép của tôi. Ông cụ này đáo để đây – tôi nghĩ. Biết tôi đang nóng lòng muốn
biết quan hệ ra sao giữa ngó vô Xã Tắc và hai hàng mù unhưng
ông vẫn phớt lờ như vô tình lắm. Người “bại trận” trước là tôi, chờ một hồi
lâu nhưng vẫn thấy ông điềm nhiên vấn thuốc, tôi buộc miệng: Còn cái cây mù
u thì sao hả bác? Ông bật cười, nụ cười lên lão thật đáng yêu: Thì nó thích
hợp với thổ nghi, khí hậu ở xứ ta. Không sợ gió bão, dễ trồng, chịu mưa dầm
nắng hạn. Cây thấp mà tàn hẹp, rễ chắc mà khá sâu, thớ gỗ xoắn nên khó gãy.
Được cái là nó bình dân lắm, không đòi hỏi đất tốt, mọc được trên đất cát,
đất thịt, đất sỏi, không sợ trâu bò dẫm chết. Đó, tui hỏi chú, nếu không trồng
cây mù u ở Xã Tắc thì còn biết trồng cái cây chi nữa?..
Ngước nhìn bóng dáng vững
chãi của cây mù u cổ thụ, một nửa ngả bóng che rợp miếu Bà, một nửa nhoài
mình trên những nấm mồ nghĩa sĩ, tôi chợt cười một mình khi hình dung ra nụ
cười sảng khoái của ông Năm Đải ngày nào. Ông vừa quy tiên hồi năm ngoái,
sau khi cả khu dân cư nơi ông ở vừa được chỉnh trang. Những dãy phố mới lần
lượt ra đời, gieo vào lòng tôi một cảm giác nửa thân quen nửa xa lạ. Cả cụm
di tích giờ đây lọt thõm giữa bốn bề những kiến trúc hiện đại. Cây sợp trước
nhà thờ Tiền hiền cùng với cây mù u bên miếu Bà vẫn sớm chiều tỏa bóng, níu
lại chút hồn thiêng của làng quê xưa giữa lòng đô thị. Mấy tháng trước, tôi
lại có dịp tha thẩn dưới bóng những hàng sứ trắng trong khuôn viên nghĩa trủng
để tìm một góc nhìn toàn cảnh. Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê
Trung diễn ra hôm mười sáu tháng ba âm lịch vừa rồi cần một khuôn hình để
UBND quận Cẩm Lệ làm lô-gô lễ hội. Sau mấy lần trùng tu, tôn tạo, cả cụm di
tích giờ đây tuy chưa phải xứng tầm lẽ ra phải có, nhưng cũng đủ để không
phải hổ thẹn với khách phương xa biết tiếng ghé thăm. Hơn một nghìn ngôi mộ
lặng lẽ xếp thành hàng như xưa kia nghĩa sĩ từng nóng lòng chờ lệnh xuất
chinh. Những cánh hoa sứ trắng rơi tản mác trên lối đi, phải chăng là dấu
tích bi tráng của người xưa lưu lại? Hay là tấm lòng thơm thảo của người
nay gởi đi?
“Ân triêm khô cốt di
truyền cổ/ Trạch cập tàn hồn tái kiến kim”. 140 năm trơ gan cùng tuế nguyệt,
tính từ thời điểm lập bia “Hòa Vang nghĩa trủng”, hai trụ biểu bằng sa thạch
vẫn tươi rói những dòng chữ tượng hình khắc ghi dấu tích hùng anh của nhân
dân Đà Nẵng. Đây là một câu đối hay, rất khó dịch sang quốc ngữ, ông Năm Đải
có lần tạm giải nghĩa rằng: Ơn vua ban thu nhặt hài cốt (nghĩa sĩ) để lưu
giữ dấu xưa, (nhờ đó mà) còn lại những anh hồn để các thế hệ ngày nay chiêm
ngưỡng. Đã hai lần thiên di nghĩa trủng để thành lập và mở rộng sân bay Đà
Nẵng, một lần vào năm 1920 khi Đà Nẵng trở thành “nhượng địa” của Pháp, một
lần vào năm 1962 khi Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ xứ
Trũng Bò làng Nghi An – nay thuộc phường Hòa Phát – đến vườn nhà ông Bá thuộc
xứ Trảng Dài làng Khuê Trung, rồi lần cuối cùng đến địa điểm hiện nay, “khô
cốt” của người xưa đã được bảo lưu để người đời sau có dịp quay về đốt nén
nhang tưởng niệm những “tàn hồn”. Di hài của anh hùng nghĩa sĩ qua từng ấy
năm thật khó mà còn được nguyên vẹn. Thế nhưng, tấm lòng của người dân bao
đời nay vẫn vẹn nguyên với nghĩa sĩ năm xưa. Trận đầu đánh Pháp diễn ra năm
1858, nhưng mãi đến 8 năm sau đó, vào năm Tự Đức thứ 19, triều đình phong
kiến mới cho lập bia tưởng niệm khắc bốn chữ “Hòa Vinh (Vang) nghĩa trủng”.
Một thời gian dài, để tránh tai mắt của thực dân Pháp trong việc cúng
tế hằng năm, người dân quanh vùng chỉ đơn giản gọi nấm mồ các anh hùng
nghĩa sĩ là Âm linh cô mộ. Theo lời ông Năm Đải, ngày trước, khi nghĩa trủng
còn ở vườn Bá, làng Khuê Trung trí riêng 1,7 mẫu ruộng nhất đẳng điền dành
cho việc tu tảo phần mộ và cúng tế Âm linh – tức là vong linh nghĩa sĩ –
vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hằng năm. Vì sao lại chọn ngày 17 tháng 11?
Ông Năm bảo, chưa có ai giải thích được nguồn gốc ý nghĩa của ngày này, chỉ
biết nó đã có từ lâu rồi. Về sau, do chiến tranh diễn ra ác liệt nên lệ này
dần rơi vào quên lãng. Đến nay, lễ tế vong linh nghĩa sĩ được tổ chức kết hợp
với lễ tế Tiền hiền làng Khuê Trung vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Tôi nhẩm tính, vậy là đã
44 năm qua, từ ngày Nghĩa trủng Hòa Vang dời về vị trí hiện nay, người dân
các họ tộc làng Khuê Trung đã kết hợp Lễ cúng Tiền hiền đầu xuân với lễ tế
các vong linh nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đầu đánh Pháp năm xưa. Suốt mấy
chục năm qua, các am thờ, những bàn hương án ở phía cuối nghĩa trủng chỉ
lung linh ánh nến và phảng phất khói hương mỗi năm một lần vào dịp đó.
Ngoài ra, cũng phải kể đến băm ba lần tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ và thành
phố Đà Nẵng hiện nay tổ chức lễ tưởng niệm nghĩa sĩ vào những năm tròn 5,
tròn 10, gọi là những năm “chẵn”. Cuộc chiến đấu không cân sức năm xưa đã để
lại ít nhất 3 di tích trên đất Đà Nẵng. Nghĩa trủng Hòa Vang và sau đó 10
năm là Nghĩa trủng Phước Ninh được tạo lập để ghi nhận công lao của các
nghĩa sĩ vị quốc vong thân. Khu Mả Tây là cách gọi dân gian để chỉ gần một
nghìn ngôi mộ của liên quân Pháp – Tây Ban Nha còn nằm lại ở phía đông mũi
Mỏ Diều và đảo Cò trên bán đảo Sơn Trà. Đến nay, trong khi Nghĩa trủng Phước
Ninh chỉ còn hai ngôi mộ và một bia sa thạch trong khuôn viên Trung tâm Thể
dục - Thể thao Nguyễn Tri Phương trên đường Hoàng Diệu, thì Nghĩa trủng Hòa
Vang, qua nhiều biến thiên của lịch sử, cho đến nay vẫn còn giữ được vẻ đường
bệ, uy nghi của một ngôi mộ xây cao. Tìm khắp cả nước, không đâu có được một
nghĩa trủng quy tụ đầy đủ các tướng sĩ quân dân đã hy sinh trong trận đầu
đánh Pháp như thế.
Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng
và Hội làng Khuê Trung diễn ra trong 2 ngày 15 và 16 tháng 3 âm lịch vừa rồi,
có lẽ là lần đầu tiên anh linh những anh hùng nghĩa sĩ yên nghỉ ở nghĩa trủng
Hòa Vang cảm thấy được an ủi ít nhiều. Tiếng trống tuồng đêm khai hội rền
vang cả một vùng nghĩa trủng như tiếng trống thúc quân giục giã năm nào. Ca
cảnh truyền thống tái hiện không khí Đà Nẵng những ngày đầu đánh Pháp - một
trận đánh không cân sức, hàng nghìn người đã ngã xuống để bảo vệ thành,
nhưng ngọn lửa hùng anh thì vẫn còn rực cháy mãi. Tôi lặng người đi, khi
hàng trăm nữ sinh Trường THPT Hòa Vang áo dài trắng, mỗi em một ngọn nến
trên tay, từ sân khấu dưới cây mù u trân trọng đi về nghĩa trủng. Gần sáu
trăm học sinh Trường THCS Trần Quý Cáp quần xanh áo trắng, khăn quàng đỏ, mỗi
em cầm hai ngọn hoa đăng rồng rắn nối theo. Nước sông Hàn hai ba phen
cuồn cuộn, tàu Tây Dương bắn phá lũy An Đồn. Mây Sơn Trà năm bảy lớp ùn ùn,
súng Nghĩa sĩ vang rền thành Điện Hải… Vẻ bi tráng trang trọng của những câu
trích dẫn từ “Văn tế Nghĩa sĩ” nối kết với ánh sáng lung linh của những
ngọn hoa đăng và thanh âm dìu dặt của khúc tưởng niệm “Hồn tử sĩ” gieo vào
lòng người một sự thiêng liêng thành kính. Học sinh từng nhóm rẽ vào
những lối đi hẹp, trân trọng đặt hoa đăng trên những nấm mồ nghĩa sĩ, rồi lặng
yên hồi lâu giữa làn ánh sáng huyền hoặc ấy. Từ dân làng cho đến quan chức
các cấp, tất cả để cho lòng mình chùng xuống trong phút hòa quyện giữa quá
khứ và hiện tại, giữa sự tri ân và lòng ngưỡng vọng.
Hai đêm liền, chúng tôi
ngồi lại đến tận nửa khuya trong gian hàng “Trà đạo” dưới gốc cây sợp bên
nhà thờ Tiền hiền. Cuộc tán gẫu diễn ra dài nhất là với một đồng nghiệp
đang công tác ở một cơ quan báo chí. Namthanh nữ tú quanh vùng dập dìu
trẩy hội ngày một thưa dần, thưa dần, nhưng chúng tôi vẫn còn ngồi lại bên
chén trà khuya. Những tán cây mù u được ngọn đèn cao áp chiếu sáng, vẽ một
bức tranh trừu tượng lên bầu trời đêm. Đây là cây mù u hậu duệ của rừng mù
u ngày trước chăng, khi danh tướng họ Ông tổ chức đánh Pháp một trận ngay
trên làng quê mình? Sau cuộc chạm trán đầy huyền tích ấy, một trái mù u có
lẽ đã phiêu dạt ở đâu đó, để lại một cây mù u con mọc hoang, tình cờ một bậc
kỳ lão ở làng Khuê Trung bắt gặp và bứng về trồng, khởi thủy cho một thế hệ
mù u mới ở vùng này. Phía trước miếu Bà, đối diện cây mù u là một giếng
hình vuông được ghép bằng sa thạch, lâu nay người địa phương vẫn quen gọi
là giếng Hời. Trên một trụ đá ở thành giếng có khắc nhiều chữ Hán mà
còn rõ nét nhất là bốn chữ hàm long kiết tỉnh - giếng tốt mạch
hàm rồng. Lần đầu tiên tôi đến nơi này, còn thấy bên gốc mù u còn vứt lăn
lóc những viên đá trang trí chân cột hình quả bí, những viên gạch nung cổ
và một yoni hình vuông phẳng dẹt như một cái cối, dấu tích một thời
của kiến trúc tín ngưỡng Chăm-pa. Được bám rễ vào lòng đất có mạch giếng
hàm rồng, được dưỡng nuôi trong không gian tĩnh lặng đến thần bí của di
tích tín ngưỡng Chăm, cây mù u hậu duệ của “trận mù u” chẳng mấy chốc đã
vươn vai thành người khổng lồ trong hàng cổ thụ ở Khuê Trung. Hơn 40 năm
qua, từ khi Nghĩa trủng Hòa Vang được thiên di về nơi này, vẻ thâm nghiêm đến
rợn người của những di tích dưới bóng mù u cổ thụ càng được người dân địa
phương nhắc đến với một sự ngưỡng vọng “kính nhi viễn chi”.
Ông Năm Đải, ông Hương
Mưu giờ đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Người cổ thụ lần lượt ra đi, chỉ còn
cây cổ thụ sớm chiều soi bóng. Chữ nhântrên thân mù u giờ chỉ còn một
vết sẹo nhỏ. Cái giếng Hời, các cụ bảo ngày xưa nước ngọt trong và mát lạnh
ghê lắm, giờ đây vì đã “lên lão” hay vì người đời nay không chịu khó khơi
thông nên mạch hàm rồng đã trở nên cạn kiệt? Trận mù u xưa thực hư thế nào
không còn là điều nghị luận, khi mà dân tộc Việt còn có biết bao nhiêu huyền
sử về những cuộc đấu tranh chống lại các ác, cái xấu. Tôi tin vào những điều
tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất mà quá khứ bi hùng của dân tộc còn lưu giữ
được qua những cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước. Một trong những điều
như thế, giản đơn như là cây mù u không sợ gió bão, chịu mưa dầm nắng hạn,
cây thấp mà tàn hẹp, rễ chắc mà khá sâu. Những anh hùng nghĩa sĩ năm xưa đã
mang trong tim mình một hạt mầm mù u trước giờ xông trận, tôi tin thế, để
làm nên khúc tráng ca bất tử giữa lòng dân tộc. Tôi lặng nhìn đài hoa đăng
các em học sinh để lại đêm nào trên những nấm mộ, nghĩ đến một rừng mù u đã
mọc lên từ trái tim của người xưa, kiêu hãnh và hiên ngang dưới ánh nắng
tháng năm.
[1] Lòng ta là những
hàng thành quách cũ/ Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.
Đầu hạ 2006
Văn Thành Lê
Theo http://www.vanchuongviet.org/
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét