Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Nguồn gốc sáng tạo nghệ thuật: Tính trực giác

Nguồn gốc sáng tạo nghệ thuật: Tính trực giác
Maritain nói rằng: sự sáng tạo nghệ thuật không cần phải dâng lễ vật cho Nàng Thơ để cầu xin như Platon đã nói, cũng không cần phải dùng  bất cứ nguồn gốc ngoại tại nào để thuyết minh về sự linh cảm. Vì nguồn gốc của tính sáng tạo nghệ thuật là tính trực giác, hay cũng gọi là trực giác thi ca.
“Toàn bộ tác phẩm nghệ thuật đều do tính trực giác sáng tạo sinh ra.” Mà cơ sở của tính trực giác sáng tạo là “tinh thần vô thức”. Ông cho rằng nguồn gốc của sự hoạt động  con người dù là lý tính (tức lý trí) hay phi lý tính đều gôm về một mối là tinh thần vô thức. Và theo ông tinh thần vô thức ẩn tàng trong cội nguồn chung của toàn bộ lực lượng tâm hồn. Do đó cái Đẹp (Mỹ) trong nghệ thuật là nhu cầu  của mong ước và thích thú là lực sáng tạo buông thả tinh thần thuần túy.
Maritain còn phân tích cụ thể đặc điểm của tính trực giác sáng tạo. Trước tiên là nó chi phối nghệ thuật, vì đó là quy tắc đầu tiên của nghệ thuật. Tiếp đó nó không thể học tập được, cũng không thể dùng thực tập và huấn luyện để cải tiến nó. Trực giác chỉ đòi hỏi là phải tuân theo nó thôi. Như thế là  Maritain  đã tiên nghiệm hoá và thần bí hoá trực giác. Tiếp nữa tính trực giác sáng tạo có thể trường tồn trong tâm hồn, nó có thể tiềm phục lâu dài trong đó, đợi chờ đến giây phút phải thực hiện sự sáng tạo, không thực hiện không được. Cuối cùng tính trực giác sáng tạo thôi thúc phải sáng tạo, đối với cái tự ngã của nhà nghệ thuật và sự vật nắm được một cách lờ mờ. Sau cùng căn bản tính trực giác sáng tạo là của Thượng Đế. Do đó C.Houseman mới nói toạc ra: “Tuy Maritain phản bác nữ thần văn nghệ là Muse của Platon, nhưng lại dùng tâm linh của người để thuyết minh sự sáng tạo; do đó về căn bản mà nói, thì ông đã dùng Thượng Đế để thay thế cho nữ thần.”
Chủ thể sáng tạo nghệ thuật  là nghệ thuật gia. Dù rằng về căn bản sáng tạo nghệ thuật mà nói là kết quả của tác dụng  tính trực giác sáng tạo; nhưng bản thân của tính trực giác sáng tạo chỉ có thể thông qua nghệ thuật gia mới thể hiện được. Maritain cho rằng  nghệ thuật gia vốn có cái đặc trưng quan trọng  là so với thường nhân họ có năng lực nhạy bén trong việc quan sát. Đó là sự phát hiện trong hiện thực mà người khác không sao lãnh họi được cái ánh linh quang  trong tinh thần của nghệ thuật gia. Nghệ thuật gia không phải mô phỏng cuộc sống một cách tiêu cực, mà là thông qua cuộc sống hiện thực, có sự nhận thức và giác ngộ, rồi xuyên qua tác phẩm đưa thêm vào cá tính, cùng lý tưởng của mình mà cải tạo.
Quá trình sáng tạo nghệ thuật gồm có hai giai đoạn. Theo Maritain thì giai đoạn I là “ rút ngắn giai đoạn”. Trong giai đoạn này phát sinh nơi ý thức, tức là ở mức độ gọi là “ tiền ý thức lý trí”. Giai đoạn này, chúng ta cò thể phát hiện suối nguồn tri thức và tính trực giác, cùng nguyện vọng siêu cảm giác và tình yêu, suối nguồn ấy ẩn tàng  nơi nội tại tâm linh nguyên sơ sống động, và trong màn đêm nưả tối nửa sáng. Ong cho rằng trong cõi “ tiềm thức lý trí”, tính trực giác sáng tạo của nghê thuật gia bắt đầu manh động, tâm linh của họ không còn bị cái thế giới ngoại tại khống chế. Cách nhìn như vậy rõ ràng Maritain đã ảnh hưởng  thuyết “tinh thần phân tích” của Freud. Nhà phân tâm học này cho rằng, tác phẩm nghệ thuật là sự thăng hoa bản năng dục vọng  của con người được biến hoá để thỏa mãn “Tưởng tượng sáng tạo đồng nhất với giấc mơ giữa ban ngày, và là tiếp tục  thời chơi đùa của trẻ thơ với đồ chơi của nó. Ong cũng nhấn mạnh tính vô thức trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, rõ ràng Maritain đã tiếp thu quan điểm này. Maritain  cũng quy cho sự sáng tạo nghê thuật là một thứ vô thức, sự thôi thúc của “lý trí tiềm thức”.
Còn giai đoạn 2  của sáng tạo nghệ thuật, theo Maritain là “giai đoạn khuếch trương”. Trong giai đoạn này, nghệ thuật gia đã trải qua sự chỉnh lý ý thức trong giai đoạn 1. Khi bắt đầu tiếp xúc với sự vật, nó được sàng lọc đứng lắng và biến hình thành rõ ràng và biểu hiện. Ở giai đoạn 2 này, Maritain lại chịu ảnh hưởng của Croce, vì cho rằng  trực giác thi ca phải thông qua môi giới vật chất mới thể hiện và hiện thực hoá.
Kết quả sáng tác nghệ thuật là sản sinh thành tác phẩm. Đối với tác phẩm nghệ thuật, Maritain lý giải là có liên quan đến trực giác thi ca, là đòi hỏi phải được hiện thực hóa. Ong cho rằng  tác phẩm nghệ thuật là một đối tượng vật lý, có đầy đủ 3 đặc tính : thi ý, tình tiết hay chủ đề, âm luật hay hòa hài. Ong chỉ rõ, về căn bản mà nói, tác phẩm nghệ thuật là một thứ biểu hiện hay vật hoá của trực giác thi ca, nó chỉ kể như là một thứ phù hiệu của tính trực giác sáng tạo. Thứ phù hiệu một khi sinh ra thì nó là sự kiện  ngoại tại của nghệ thuật gia, mà cũng là đối tượng  ngoại tại phản ảnh trong tác phẩm nghệ thuật. Vì tác phẩm nghệ thuật là thứ siêu việt hiện thực. Nhưng ngoài ra tác phẩm nghệ thuật còn bao hàm tính chủ thể của nghệ thuật gia, chủ thể tính của nghệ thuật gia thông qua môi giới vật chất ngưng tụ lại trong tác phẩm nghệ thuật. Do đó có thể nói, tác phẩm nghệ thuật là một thứ ký hiệu mang tính chủ thể của nghệ thuật gia.
Nhìn chung lại, tư tưởng mỹ học của Maritain là đặt cơ sở trên triết thuyết của chủ nghĩa Tân Thomas Aquins. Về lý luận mỹ học của ông không phải là không sâu sắc. Tuy nhiên vẫn là thứ mỹ học đậm màu sắc tôn giáo thần bí.
(Trích dịch trong Lịch sử Mỹ học Tây phuơng hiện đại)
Khổng Ðức
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...