Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Văn học Việt Nam còn khép kín

Văn học Việt Nam còn khép kín
Bên lề Hội thảo quốc tế VN học vừa tổ chức từ 14 đến 16-7, khi được gợi ý nhận định về nền văn học VN đương đại, nhiều người bày tỏ ý kiến về sự thiếu thốn thông tin về mảng này. Hỏi tại sao? Nhiều người trả lời rằng văn học VN còn khép kín quá, bên ngoài chưa biết bao nhiêu.
Ấn tượng chiến tranh vẫn quá đậm
Thục Nhi - nghiên cứu sinh đến từ Đại học California - dè dặt trong nhận định về văn học đương đại VN. Câu đầu tiên chị bày tỏ là:
“Các sách văn học VN được dịch ở Mỹ còn ít lắm. Không ai biết gì đâu. Nhắc đến VN là người Mỹ nghĩ ngay đến chiến tranh. Ấn tượng chiến tranh ngày nay còn đậm đến mức từ VN gắn liền với từ chiến tranh trong từng suy nghĩ của người Mỹ. Do vậy, sách văn học dịch từ tiếng Việt bán chạy nhất xưa nay cũng chỉ có mỗi tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Vả lại, cách tiếp nhận của bạn đọc Mỹ về các tác phẩm chiến tranh VN cũng không như người VN nghĩ. Họ chỉ nghĩ đến một phía, là phía Mỹ tham chiến thôi, các tác phẩm của Chu Lai, Nguyễn Minh Châu dịch ra chưa chắc đã bán được ở Mỹ”.
Ngoài đề tài về chiến tranh, hình như giới trẻ Mỹ không biết gì về nền văn học đương đại của VN, bởi cũng chính Thục Nhi nhận xét: “Một quyển sách của VN gần đây được dịch sang tiếng Anh và cũng bán được, là tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng đã tái bản hai lần. Quyển này do thầy tôi dịch, và mọi người thích nó có lẽ do cách nhìn châm biếm phê phán về xã hội qua ngòi bút của Vũ Trọng Phụng”.
Thiếu thông tin về một nền văn học hiện đại
Có một người trong mấy chục năm nay lặng lẽ làm công việc đưa tiếng Việt đến sinh viên Mỹ là giáo sư tiến sĩ Ngô Như Bình - người dạy tiếng Việt tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ.
Đến với hội thảo VN học lần này, giáo sư Bình rất quan tâm đến các tác phẩm văn học đương đại của VN: “Tôi dạy tiếng Việt, và tôi luôn đưa các tác phẩm văn học VN vào để khai thác tiếng Việt hiện đại”.
Giáo sư Bình cho biết ở Đại học Harvard có ba trình độ tiếng Việt, “và ngay năm thứ hai đại học, tôi đã đưa một số tác phẩm văn học VN vào để khai thác tiếng Việt, ví dụ truyện của Nguyễn Huy Thiệp, thơ của Nguyễn Bính... Đến năm thứ ba thì chương trình tiếng Việt được dạy trên toàn bộ tác phẩm văn học VN”.
Vấn đề thiếu thông tin về nền văn học hiện đại VN, theo giáo sư Bình, là rất đáng tiếc. Nhưng việc phổ biến sách văn học ở Mỹ lại gắn liền với công việc kinh doanh. Hiện nay nếu có người nào, hoặc công ty nào dịch văn học VN sang bán ở Mỹ thì rất khó thành công. Đơn giản vì dân Mỹ “không quan tâm đến cái gì khác ở VN ngoài chiến tranh, ngay cả tác phẩm nổi tiếng tại VN là Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh cũng khó mà bán tại Mỹ nếu dịch ra”.
Ông cũng nhận định rằng: “Hiện nay đang có sự thay đổi trong ý thức của thanh niên người Việt thế hệ thứ hai sau 1975, và hiện nay họ đang nhìn VN bằng cái nhìn khác, họ có ý thức nói tiếng Việt từ khi còn nhỏ, và tìm đọc những tác phẩm từ VN”.
Thục Nhi cũng đồng ý với ý kiến này, nhưng cô cho rằng văn học Mỹ hiện đại không giống văn chương VN. Người VN hay làm thơ, người Mỹ thì không, văn chương VN chưa có nhiều đề tài về hiện thực huyền ảo, trong khi người Mỹ trước nay vốn quen với Kundera, Kafka, với các loại văn chương thời hậu hiện đại, tức có sự khác nhau trong các tác phẩm.
Hội nhập bằng cách nào?
Tuy nhiên, chàng thanh niên người Mỹ đang thực tập tại Viện Văn học VN tên Jason Picard thì cho rằng hiện nay nếu  dịch các tác phẩm về cuộc sống VN hiện nay thì vẫn được quan tâm ở Mỹ.
“Có một trở ngại là điều kiện để hai bên Mỹ với VN hiểu nhau còn hẹp. Tôi thấy cả thanh niên VN và thanh niên Mỹ cũng đều quan tâm đến những vấn đề giống nhau: tài chính, kinh doanh, việc làm, sắc đẹp... Nhưng hình như giới sáng tác bây giờ không được đầu tư như lúc trước nữa. Trước kia tôi thấy có Trần Đăng Khoa được đưa sang Nga học, còn lâu nay thì không”.
Chàng thanh niên Mỹ nói tiếng Việt rất sõi này từng ngốn hết các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao... và đang nghiên cứu hai đề tài văn học VN thời 1930-1945 và văn học hiện đại VN.
Vậy là, không hi vọng để bạn đọc nước ngoài biết được rằng hiện nay ta đang có một nền văn học như thế nào, rằng VN không chỉ có các tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh mà còn có rất nhiều tác phẩm viết về thân phận con người, về đề tài lịch sử, về thiếu nhi... rất đáng quan tâm.
Thục Nhi lắc đầu: “Tôi quan tâm đến văn học VN, tôi làm đề tài nghiên cứu sinh về văn học VN, nên tôi đọc văn chương VN bằng tiếng Việt. Bây giờ nếu không được dịch, tác phẩm văn học VN hội nhập bằng cách nào?”.
Vâng, một nền văn học sẽ hội nhập bằng cách nào? Câu hỏi này cũng nghiêm trọng không kém các vấn đề kinh tế - xã hội khác đã được bàn ở hội thảo VN học vừa qua. Nhưng thật đáng tiếc, đề tài này không được bàn đến trong hội thảo, đây chỉ là câu chuyện bên lề của chúng tôi.
LAM ĐIỀN - THU HÀ 
Nguồn Tuoitre Online
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...