Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Xóm trúc ngày xưa

Xóm trúc ngày xưa…
Chiều hôm đó, buổi chiều Chi không ra bờ đê chơi thả diều cùng bọn nhóc trong xóm. Buổi chiều Lượm làm con diều lớn nhất trong đời để viết tên Chi thật lớn và, khi diều lên đến gang tấc cuối cùng của sợi chỉ diều quấn quanh lon sữa bò, Lượm rớm nước mắt, tháo dây, thả con diều băng trong ngọn gió chiều của tuổi thơ mình. Hôm sau, Lượm từ giã tuổi thơ hồn nhiên và cơ cực của mình theo chú Sáu ra chợ làm phụ hồ cho đến bây giờ.
Mấy bữa trước, con diều dán giấy kiếng xanh đỏ Lượm bỏ công làm mấy hôm liền tặng Chi, đã băng mất trong tầm tay. Con diều lên cao đến mút đầu dây, trời chực tối sầm, mây đen nhanh chóng trôi ngang qua xóm trúc, kèm theo cơn gió xoáy, đổi chiều. Lượm và Chi nhanh chóng thu dây diều lại. Hai người chạy dọc theo bờ đê, hướng con diều chao đảo, lượn lờ trên bầu trời không còn trong xanh nữa. Một đỗi, Chi chạy trước vấp té, Lượm ngã theo. Vừa kịp hoàn hồn, con diều cũng vừa đứt chỉ, gió cuốn hút về phía xa. Hai ánh mắt chợt nhìn nhau rồi nhìn con diều cho đến khi mất hút.
Lượm ngồi trên bực sông quấn khúc chỉ thả diều chìm dần trên mặt nước sông chiều. Chi ngồi cạnh bên nói - “Uổng ghê, trời!”. Lượm trả lời - “Mất thì làm con khác, lo gì!”. Chi chậc lưỡi - “Uổng công Lượm quá thôi!”. Quấn xong sợi nhợ vào ống lon sữa bò, Lượm đứng lên đi dọc theo bờ sông Phụng Hiệp, Chi đi sau vài bước, lặng yên. Bất chợt, Lượm ngoảnh đầu lại, giọng rụt rè - “Định nói với Chi câu này, không biết có nên nói không nữa?”. Chi đi nhanh lên vài bước, choàng cánh tay qua vai, mấy ngón tay quanh phía sau cổ Lượm, hỏi - “Quan trọng lắm không?”. Lượm không nhìn Chi mà nhìn xuống bước chân mình lúng túng, nặng nề - “Có, Lượm nghĩ là quan trọng, ít ra cũng đối với mình”… Chi cười, tiếng cười nho nhỏ đủ để Lượm nhớ tới bây giờ. Chi cũng ngập ngừng - “Ừ, nếu quan trọng lắm thì khoan hãy nói, Chi biết rồi, tự làm khó mình chi?”...
“Nhưng, Lượm chưa nói mà!”, Lượm cãi lại. “Đôi mắt Lượm đã nói rồi…”, Chi trả lời, nói tiếp - “Cuộc đời không giấu ai điều gì hết, Lượm à! Có điều, cuộc đời mênh mông lắm, không ai có thể hiểu hết mọi điều. Khi đối diện với những sự việc trong đời mình, mình sẽ rõ. Và, cũng chỉ mình ên mình biết thôi, không ai hiểu thấu. Đừng cố biết những điều không thuộc về mình, đa mang chi, chuốc khổ vào mình”… Lượm ngơ ngác nhìn, Chi tiếp - “Ví dụ nghen. Khi ngộ cảnh nghèo mình sẽ biết khổ. Khi yêu mình sẽ biết nhớ, khi xa nhau sẽ biết buồn. Khi ngã sẽ biết đau… Dù cho người trong cảnh ngộ giải thích đến cỡ nào Lượm đâu cảm nhận hết cung bậc cảm xúc đó được đâu. Mà biết điều không thuộc về mình chỉ thêm buồn cho người, có được gì đâu”…
Bữa nào cũng khoảng 8 - 9 giờ sáng Lượm chống chiếc xuồng be mười kèm chở đầy trúc cập bến sông trước nhà Chi. Cặm sào, cột mũi xong, Lượm đi thẳng vô rạp, chỗ gia đình Chi đươn đát hàng ngày trước sân nhà. Bữa nào Chi cũng chờ Lượm chống xuồng trúc về mới ăn cơm. Chi nói ăn cơm chung vui hơn. Thật ra, bữa cơm chung của hai người để tính những chuyện vui đùa cùng nhau với đám nhóc tì trong xóm. Lượm làm công việc này cho nhiều nhà trong xóm được 1 - 2 năm rồi. Buổi chiều hôm trước, Lượm đến những gia đình có vườn trúc lớn, chọn, đục từng cây, tỉa nhánh rồi cột lại thành từng bó lớn, cộ ra bờ sông Phụng Hiệp. Lượm làm theo hợp đồng của chủ nhà mướn Lượm với chủ nhà vườn. Sáng hôm sau, tờ mờ sáng Lượm chống xuồng gom trúc chất xuống xuồng cho tới khi xuồng lé đé nước. Lượm chở trúc về giao cho từng chủ, thường nhà Chi là bến sau cùng.
Tiền công chở trúc không tính bằng xuồng hay từng ngày mà tính theo đơn vị miếng vườn chủ nhà mua trúc. Khi thu hoạch xong, chở hết trúc thì trả tiền. Ba Lượm, người thân cuối cùng qua đời, để lại cho Lượm chiếc xuồng be mười kèm cũ và công việc chở trúc mướn với căn chòi cất bằng tre trúc trong vườn, cũng cũ. Căn chòi và chiếc xuồng không hứa hẹn điều gì lâu dài với cuộc đời của Lượm. Lượm nhớ chiếc xuồng be mười kèm này vốn là căn nhà của gia đình Lượm lúc làm khách thương hồ, rày đây mai đó. Bến sông này là nơi neo đậu sau cùng khi gia đình không còn mua bán nông sản trên sông nữa. Chiếc xuồng thành phương tiện chở mướn kiếm sống hàng ngày. Chú Sáu thợ hồ, người cùng xóm cám cảnh và thấy Lượm lực lưỡng, chăm làm nên kêu Lượm ra chợ làm hồ với chú. Một cánh cửa đã mở với cuộc đời của Lượm, nhưng Lượm vẫn nấn ná hoài, thật ra, chỉ vì một lời chưa có dịp nói với người, vẫn chờ Lượm ăn cơm hàng ngày. Vá dùm nó chiếc áo thấm đẫm tay phèn và thi thoảng, mỗi chiều nó ngồi buồn trên bến nhìn dòng sông Phụng Hiệp, người ấy vẫn thường đưa cho nó viên thuốc cảm paracetamol biểu uống đi, bởi nghĩ nắng mưa, công việc nhọc nhằn làm cho nó bệnh. Không bị cảm vì nắng mưa, công việc của cuộc đời nhưng nó không giải thích được. Nó uống viên thuốc vì mỗi lần uống, lòng nó ấm hơn.
Lượm là người khéo tay. Lúc rảnh nó lựa tre, trúc vót thành bó để Chi chơi so đũa. Nó làm những bộ chơi đánh hưng… nhưng khéo nhất là làm những cánh diều vừa đẹp, vừa đầm, bay cao, bay xa nên đám bạn trong xóm, đứa nào cũng mê. Lượm có nhiều bạn nhưng Chi mới là người bạn thân nhất của nó, dù Chi lớn hơn nó một, hai tuổi. Chi dễ gần, hay để ý và chăm sóc, nhắc nhở nó những việc lặt vặt thường ngày đến đỗi, có lúc nó nghĩ, cuộc đời đơn côi của nó, không có Chi nó không biết sẽ sống làm sao!
Buổi chiều, mùa này, ngoại ô thành phố có những khoảng trống cho những sân diều. Nhìn môi cười rạng rỡ trên khuôn mặt của những nam, nữ, trẻ em khi trên tay giữ lấy phần cuối của sợi dây diều căng cứng. Có niềm vui, nỗi buồn nào len giữa những người trên sân diều dẫn Lượm về tháng ngày xưa nơi xóm trúc. Biết tin Chi lấy chồng về Ngã Bảy đã lâu, không biết, mùa này, nơi ấy, có lúc nào Chi ngước lên bầu trời xanh thẳm kia mà tìm bóng một cánh diều băng?
Phải chi ngày trước mình đừng nông nổi nói ra điều không nên nói ấy thì chắc lòng không trăn trở đến bây giờ. Chi nói đúng, mình có giấu chuyện của mình hay không thì thôi chớ cuộc đời đâu có giấu ai điều gì…
Trần Xuân Linh
Theo http://baobaclieu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...