Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Thử bàn về câu ca “Con mèo, con chó có lông…”

Thử bàn về câu ca “Con mèo, con chó có lông…”
Thuở còn thơ, bên cánh võng, bà tôi rồi má tôi đã hát ru tôi nhiều câu hát, mà đến giờ, có những câu tôi cũng chưa hiểu nổi. Bà tôi và cả má tôi cũng không giải thích được những thắc mắc của tôi về nội dung và ý nghĩa của những câu hát ấy. Sau này, tôi cũng thử hỏi một số người, nhưng không mấy ai giải thích cho cặn kẽ. Khi lớn lên, thi thoảng tôi cũng cố giải mã vài câu hát khó hiểu mà bà và má đã hát, nhưng chẳng dễ dàng tí nào. Nhân năm Tuất tôi thử viết ra đây mấy dòng giải mã của mình về một câu ca, trong số những câu chưa hiểu đó. Đó là câu ca:
“Con mèo, con chó có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai”
Quả là bạn sẽ ngạc nhiên khi tôi nói rằng câu ca này thuộc loại khó hiểu, bởi mới thoạt nghe, câu ca trên đâu có gì là lạ. Chỉ như cho trẻ con học nói. Chỉ như cho trẻ con phải biết rằng: Con mèo, con chó (thì) có lông (còn cái) cây tre (thì)  có mắt (và cái) nồi đồng (thì) có quai! Nhưng như thế thì giản đơn quá. Có lần, tôi được nghe nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng có kể lại rằng: Đương thời, lúc còn sống, nhà thơ Xuân Diệu đã hết lời “chê trách” nghệ nhân dân gian nào đó đã  sáng tác ra câu ca, mà theo ông là quá vớ vẩn này, chả có giá trị gì về nội dung và nghệ thuật, tựa như chuyện các chàng học trò cùng sáng tác bài “Con cóc”! Trời sinh ra con cóc thì phải nhảy, phải ngồi, phải nhảy ra, phải ngồi đó, phải nhảy đi, hà cớ gì lại suy ngẫm thành thơ cho mất thời gian mà chẳng có vần vè : “Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi” ?
Năm kia nhân lại đọc cuốn “Phủ tập Quảng Nam ký sự” của Mai Thị, tương truyền được viết cách đây hơn 400 năm (1), nói về công cuộc canh tân và vỗ yên vùng đất Quảng Nam xưa (tức tương đương phần đất: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần đất Phú Yên hiện nay) của Trấn Quận Công Bùi Tá Hán, tôi lại thấy hình như có một mối liên hệ nào đó giữa câu ca này và những canh tân xã hội của Bùi Tá Hán.
Trong “Phủ tập Quảng Nam ký sự“, ngoài phần ghi chép về thân thế và sự nghiệp của Bùi Tá Hán, tác giả họ Mai đã dành phần lớn số trang nói về việc vỗ về vùng đất Quảng Nam, đặc biệt là chính sách của vị Trấn Quận công họ Bùi này trong công cuộc phát triển kinh tế, canh tân xã hội, khi ông được cử làm Đô tướng Quảng Nam dinh (sau lúc ông thực hiện xong chiếu chỉ cần vương “Phù Lê, diệt Mạc” vào năm Nguyên Hòa thứ 13 – Ất Tỵ, 1545).
Công cuộc phát triển kinh tế và canh tân xã hội của Bùi Tá Hán được ghi trong tài liệu này bao gồm nhiều khía cạnh, như tổ chức đời sống sản xuất và sinh hoạt; thực hành tiết kiệm để phòng lúc ngặt nghèo; tổ chức khai hoang, vỡ hóa, thủy lợi; chăm sóc sức khỏe và nâng cao dân trí; cải tổ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng; cải tiến ăn, mặc và các sinh họat hoạt thường nhật, v.v…(2)
Ở đây chỉ xin nói riêng về cách cải tiến ăn, mặc và cả những dụng cụ sinh hoạt thường nhật cho nhân dân xứ Quảng Nam thời bấy giờ, mà tài liệu này còn ghi khá rõ. “Phủ tập Quảng Nam ký sự” cho biết, chính Bùi Tá Hán đã khuyên dân chúng là phải làm nhà theo kiểu ba gian, tám cột, lợp 4 tấm rui vuông 4 góc, các nhà nên liên kết nhau thành một xóm; mỗi xóm nên đào một cái giếng để lấy nước sạch; phụ nữ không nên dùng quần không đáy mà phải dùng quần có ống như nam giới và phải nhuộm chàm hoặc đà để phân biệt nam nữ; phải làm nồi đồng, nồi đất có quai ở cổ để khi nấu nướng tiện việc bưng lên bưng xuống…
Chính cái chỗ này đây – việc cải tiến cái nồi đồng nồi đất phải có quai – đã làm tôi nghĩ ngay đến câu ca mà bà tôi, má tôi đã ru tôi từ thuở nhỏ, như đã nói trên kia. Phải chăng câu ca ấy đã ra đời vào chính thời điểm này, tức vào gần 500 năm về trước?
Ta hãy thử đọc lại câu ca này:
Con mèo, con chó có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.

Quả là chuyện con mèo, con chó có lông là chuyện đương nhiên của tạo hóa, sinh ra là chúng phải có lông (nếu không lông thì chúng có giống con chó con mèo đâu!). Còn chuyện cây tre có mắt thì cũng vậy, cây tre nào mà chẳng có mắt? Và cả 3 thứ ấy: chó, mèo, cây tre là những thứ vốn dĩ của tạo hóa sinh ra. Chỉ riêng có cái nồi đồng thì không phải tạo hóa sinh ra. Nó được ra đời do chính bàn tay con người. Nếu đem câu ca này đưa vào trò chơi gì đó trên ti vi, mà tôi thi thoảng có thấy, để tìm ra một lời giải đáp cho sự so sánh hơi khập khiễng kia, hẳn người chơi sẽ dễ dàng loại suy ra có một thứ không thuộc phạm trù tạo hóa sáng tạo, và sẽ trả lời ngay, đó chính là cái nồi đồng. Để đồng đẳng, đáng lý ra, câu ca này có khi phải là: Con mèo, con chó có lông; Cây tre có mắt, cây hồng có gai chẳng hạn, thì bốn thứ: con mèo có lông, con chó có lông, cây tre có mắt, cây hồng có gai mới  hợp lô gích. Vì thế, có thể nói, chuyện cái nồi đồng (phải) có quai không thuộc quy luật đương nhiên đó.
Tôi nghĩ, chắc hẳn người nghệ nhân dân gian sáng tác ra câu ca dân gian này đã cố ý sắp xếp theo một trật tự  có vẻ có lý như vậy nhằm để tuyên truyền cho “cuộc vận động” làm cái nồi đồng, nồi đất có quai để tiện việc bưng, duống, như chủ trương của Bùi Tá Hán (hoặc cũng có thể của ai đó mà ta chưa có đủ điều kiện tư liệu để chứng minh khác đi). Người nghệ nhân đó, có lẽ muốn cố ý khuyên dân chúng thời ấy rằng, cái chưa phải là quy luật đương nhiên (như cái nồi đồng) thì phải làm cho nó trở thành cái có quy luật đương nhiên (tức phải làm cái quai, bởi cái nồi đồng, nồi đất trước đó không có cái quai). Mà muốn tuyên truyền cho chủ trương này, không có cách gì tốt hơn là phải làm thành văn vần để mọi người dễ thuộc dễ nhớ. Đơn giản vậy thôi. Tôi nghĩ, nếu cách đây gần 500 năm, người dân xứ Quảng khi nghe câu này sẽ hiểu ngay là tác giả câu ca muốn nói cái gì, nhưng giờ đây, cũng là câu ca ấy thôi nhưng ta không dễ gì hiểu nổi (Bởi một phần cũng do cái nồi đồng, nồi đất  đã cải tiến, là thêm vào cái quai từ lâu rồi!).
Nhưng làm sao lại nghĩ ra là phải thêm vào cái quai ấy? Đây lại là một vấn đề khác. Phải chăng, trong buổi đầu vào phía Nam lập nghiệp, trong hành trang người Việt mang theo chỉ có cái nồi đồng, nhưng không quai, để khi thấy người Chăm (hoặc  những tộc người bản địa khác) đã biết dùng nồi đồng, nồi đất có quai thì người Việt mới học tập cách làm của các tộc người bản địa này? Có thể câu nghi vấn này sẽ được khẳng định nếu chúng ta thử nhìn vào những hiện vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm, mà ở đó có rất nhiều loại nồi mà quanh cổ có hai quai hoặc cả bốn quai.
Tôi không dám chắc cách kiến giải như trên của tôi là hoàn toàn đúng. Vào ngày 31 tháng 1 năm 2004, tại cuộc Hội thảo khoa học “Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa – văn nghệ dân gian Nam Trung Bộ” do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức tại thành phố Tuy Hòa, tôi có trình bày tham luận tên là “Phủ tập Quảng Nam ký sự – giá trị tư liệu và một vài suy luận“, đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có nói về chuyện con chó, con mèo… và cái nồi đồng này. Khi trình bày đến đây, tôi có liếc nhìn GS Trần Quốc Vượng, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, GS.TS Nguyễn Xuân Kính, là những người thầy của tôi, và là những người chủ trì Hội thảo, tôi thấy các thầy tỏ vẻ rất thích thú và gật gật đầu khi nghe tôi kiến giải vấn đề này (trong đó còn nhiều người bạn của tôi nữa). Nhưng quả thật, chẳng biết những cái gật đầu ấy là để tán thưởng hay chỉ là để an ủi.
Nhân năm con chó, tôi xin mạo muội tự kiến giải đôi điều hầu chuyện cùng bạn đọc vì thấy chuyện có liên quan đến con chó, dầu hình ảnh con chó trong câu chuyện chỉ là phụ, mà cái nồi đồng (có khi là để nấu thịt chó) là chính. 
(1) Do gia tộc họ Lê ở làng Hoài An, xã Đức Chánh truyền đời gìn giữ. “Phủ tập Quảng Nam ký sự” đã được in trong cuốn “Tài liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán“, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi xuất bản, 1996.
(2) Xin xem thêm bài “Phủ tập Quảng nam ký sự – giá trị tư liệu và một vài suy luận” của tác giả bài viết này trong sách “Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Trung Bộ“, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
Nguyễn Đăng Vũ
Theo https://thinhanquangngai.wordpress.com/

  

1 nhận xét:

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...