Có lẽ trong sâu
thẳm trái tim mang hồn thi nhân của người thơ Trương Nam Hương, rất nặng tình
với những ký ức, hoài niệm, chẳng thế mà hành trình thơ của anh từ Khúc hát
người xa xứ, Cỏ tuổi 20, Hè phố tuổi thơ, Ban mai xanh, Ngỏanh lại tháng năm,
Viết tặng những mùa xưa, Thơ với tuổi thơ… đến mới nhất Ra ngòai ngàn năm,
như những tiếng vọng thời gian kỷ niệm của cuộc đời.
Ra ngòai ngàn
năm, tập thơ mới của Trương Nam Hương (NXB Văn học, tháng 6.2008). Với 62
bài thơ, là 62 kỷ niệm thời gian, qua ngôn ngữ thi ca, đẹp như những bức
tranh sống động có nhiều chiều để cảm nhận. Tên tập thơ mang ý nghĩa khái
quát, “gói” tất cả những tâm tình nhà thơ muốn gửi gắm và muốn chia sẻ.
Mở đầu và kết
thúc tập thơ là 3 bài thơ: Tấm ảnh, Lời thưa, Thời nắng xanh, với những câu
thơ chất chứa cả thân phận thi nhân của tác giả, có chút bâng khuâng khắc khỏai
của miền quê Kinh Bắc, chút man mác một điệu Nam Bình xứ Huế, chút xót xa vất
vả khó nhọc câu hát ru của làng quê Việt. Không phải ngẫu nhiên mà chắc hẳn
Trương Nam Hương đã dành trọn vẹn tình yêu của mình cho những người thân,
thương yêu nhất trong cuộc đời,người sinh thành, dạy dỗ, nuôi dưỡng anh là Mẹ,
Cha và Bà ngọai. Chính họ đã nuôi dưỡng tâm hồn thi nhân trong anh, để thơ anh
có sự giao hòa của những miền quê, thơ anh có nhiều hương vị để cảm nhận.
Cái chất “thơ
tình Trương Nam Hương” vẫn là sở trường của anh. Trong tập thơ, nhiều bài thơ
anh dành cho tình yêu, với nhiều cung bậc khác nhau của nhiều mối tình. “Mời
em vào quán thời gian/…Mời em vào quán không mùa/…Mời em vào quán không
năm/…Mời em vào quán không ngày/…Thời gian quên bỏ chút đường đó em”- Quán thời
gian, một bài thơ chỉ 10 câu nhưng như rút hết ruột gan để hòai niệm về một
tình yêu, như có như không, để vấn vương, để tương tư, để nhói lòng như một vết
cứa ngọt sắc cạnh của một tình yêu không đến tận cùng. Viết về kỷ niệm những mối
tình, Trương Nam Hương bao giờ cũng dành những câu thơ thật đẹp, cho dù hình
như chỉ có “người” phụ anh, chứ anh với ai cũng nặng lòng và chân tình: Câu
hát ấy, Lời ru thiếu phụ, Hoa vàng một thuở, Em với Hồ Gươm, Dốc quỳ vàng, Gửi một
người xa, Lại viết về hoa cúc, Cuối cơn mưa, Ngày em đến, Riêng em, Phấn mưa, Hai
mươi mùa, Dịu đằm, Đêm rỗng…
Đặc biệt như một
sự phá cách trong ngôn ngữ thơ của anh, hay đây là một “thử nghiệm” mới trong
cách thể hiện thơ tình, vượt ra khỏi những cách thể hiện “hiền lành” như từ
trước tới giờ, Ra ngòai ngàn năm, có 3 bài thơ, rất hiện sinh, rất phóng
khóang:Sau đêm, Miền em, Sắp đặt là 3 bức tranh nude bằng ngôn ngữ, sex,
nhưng rất đẹp, như bức tranh nude thời phục hưng, gợi cảm, đắm say, hoang dại,
ngọt ngào. “Giữa phông sóng voan sương và cát biển/Anh cúi hôn em ở thế trăng
quỳ/ Em nở trên anh đóa sen hây múa/ Đất với trời cuống quýt khỏa xiêm y”- Sắp
đặt,…”Dưới thềm cỏ/ Nõn xanh em/Hút thẳm/một thế giới chưa biết/Anh khơi mở
con đường bằng lưỡi ốc sên/…Trên thảo nguyên hoan lạc em/ Có ánh mắt của chú
nai lạc rừng/Bầy ngựa gió trên cỏ đồng tiết dục…”- Miền em
Không chỉ thơ
tình, Ra ngoài ngàn năm còn có một số bài thơ viết về những người bạn thơ với
tình cảm của một tri kỷ tri âm: Nhớ anh Bế Kiến Quốc, Tôn Nữ… Sông Hương, Đêm
vang đỏ…”Những người tốt thường hay biến mất/Nhói trong ta sắc cỏ xanh
òa/Trái tim ấy cả khi ngừng đập/Vẫn chân thành trước một màu hoa”- Nhớ anh Bế
kiến Quốc. Và trong nhà thơ còn có một không gian dành riêng cho những trăn
trở, suy tư về cuộc đời, thế thái nhân tình: Nguyễn Trãi- “Nguyễn có ẩn đâu,
lòng thành sao phải ẩn/Núi khôn ngoan và biển cũng khôn lường/Ông đã chọn côn
Sơn làm gối ngả/Giúp vương triều vững thế lúc vung gươm”, Lặng lẽ-“Gặp nỗi lớn
lao ở trong bé nhỏ/trầm mặc phế hoang quặn lòng sinh nở/ vắt kiệt thân mình lặng
lẽ mà thơm”, Sắc cỏ Nguyễn Du, Đồng dao cho mình- “Thù xưa giờ bạn/bạn xưa ngầm
ngừ/ta đen ta đỏ/ xoay như đèn cù/Xoay về đâu khóc/xoay sang đâu cười/nhói
trong ngực đất/ buốt ngòai thẳm khơi”, Cũng là cổ tích, Không đề II, Ô cửa,
Ghi vội trên đường:”Hiểm trở lòng người không sao dễ vượt/Môi mắt nghĩa nhân
miểng sành rêu trượt/Thôi mình thung thẳng bước bằng tin yêu”.
Như một tí gió
góp vui trong chuỗi hòai niệm thời gian, hay một khúc “trưởng” trong bản giao
hưởng cung ”thứ” của tập thơ, có vài bài thơ làm người đọc phải mỉm cười. ”Lúc
ta bận nhất giời ơi hẹn/Đến phố đông kia cũng kẹt mình/Lựa hôm ta nhớ- giời
ơi khất/ Phôn bảo rằng em: kẹt…chúng sinh”- Vui tặng một người, ”Em mot vao
Nha Trang voi anh/Nho nung bien cho em hay song/Trai tim em them chut chong
chanh/Em moi vua check in sap bay/nho vao shop lia em ao tam/Ca nguoi em them
gio ngap day…”- Chép lại tin nhắn.
Thơ Trương Nam
Hương vẫn theo lối truyền thống, nhưng có sự cách tân của thể hiện. Những câu
thơ nhịp hai như Nhịp hai, Quán thời gian, Một ngày…, nhịp ba như Tạp cảm, Thú
hoang, Bâng quơ…, hay những ngắt đọan đầy ngẫu hứng gây ấn tượng thị giác như
Nâu buồn… cho thấy anh có sự phong phú đa dạng của phong cách thể hiện thơ,
không gây sự nhàm chán.Hơn nữa, anh còn luôn tìm tòi và có những ngôn từ thể
hiện mới lạ, đầy ẩn ý, khi đọc đôi khi phải ngẫm nghĩ một chút mới thấu hiểu
ý tứ của nhà thơ muốn nói gì. Có lẽ thế, dù rất nhiều thơ nhưng đọc thơ Trương
Nam Hương vẫn thấy sự hấp dẫn.
Ra ngoài ngàn
năm, tiếng vọng của thời gian, của những hòai niệm đời người, vừa của riêng
nhà thơ Trương Nam Hương, vừa như có gì giống ta trong đó. Đó cũng chính là sự
hấp dẫn của tập thơ này.
Hoài Hương
Nguồn lethieunhon.com
|
eva air
ve may bay di my eva
hang may bay korean
vé máy bay đi mỹ hãng nào rẻ nhất
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngau Hung Du Lich
Tri Thuc Du Lich