Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Những con mắt trần gian

Những con mắt trần gian
1. Cửa sổ của tâm hồn
Lời nói đầu: 
Từ trước tới nay, tôi vẫn tự nhận là học trò của cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) mặc dù chưa được may mắn học cụ lấy một giờ mà chỉ qua sách của cụ. Ở đây, noi gương cụ, tôi viết bài phiếm luận nầy trong tinh thần tập viết để tự học - trong sách cụ Nguyễn vẫn tâm niệm vậy - cho nên những gì đúng trong bài, đều nhờ sách, nhờ tham khảo và trích lục; còn những gì sai hay chưa vừa ý bạn đọc, là lỗi tại tôi, tôi xin chịu trách nhiệm. Mong bạn đọc xa gần niệm tình thể tất. Xin cám ơn trước.
Trời sanh con mắt là gương,
Người ghét ngó ít, người thương ngó nhiều. 

(Ca Dao)
Không những là giác quan tế nhị vào bậc nhất - trong năm giác quan - của con người để xét đoán ngoại vật, phản ánh nội tâm cũng như là mạch giao cảm sâu sắc giữa con người và con người, đôi mắt còn là một bầu vũ trụ, tuy diện tích nhỏ hẹp nhưng mông lung ảo diệu đến nỗi con người cổ kim từ vua quan, khanh tướng cho đến người thường dân chân đất, đặc biệt giới mày râu, một lần "yêu em tình qua ánh mắt, gặp mỉm cười nói chẳng nên câu" (Hoàng Hội Tao Nhân), thì trước hết phải "chết ở trong lòng một ít" (Xuân Diệu), kế đến thành không đổ nước không nghiêng; nhà không tan, thân không nát thì hồn cũng bơi, cũng chìm đắm hay" mất dần trong cặp mắt lưu ly" như trường hợp anh chàng Đinh Hùng đã tự thú một cách bác học trong bài Kỳ Nữ; cũng như trong ca dao ta có câu:
Văn chương chữ nghĩa bề bề,
Thần gì nó ám cũng mê mẩn người. 

Và bằng vào những đường nét riêng, đôi mắt còn có thể thay thế ngôn ngữ - vốn dĩ giới hạn - để tả, để diễn đạt một cách ý nhị và súc tích những khúc mắc khó nói bằng lời.
Cho nên muốn diễn tả cái đẹp hay cái ít đẹp của đôi mắt, người ta cần dùng tâm tư nhiều hơn ngôn ngữ. Ấy vì, nói đến cái đẹp, cái xấu là phải nói đến mỹ cảm, mà mỹ cảm là một cái gì khó định giải, xác quyết nhất. Tuy nhiên, một cách nôm na ta có thể hiểu mỹ cảm là sự ưa thích của cảm giác con người qua lăng kính thời gian, môi trường xã hội cùng sự diễn biến tâm tư theo từng trạng thái cá nhân khi hoà nhập vào mọi vật tức đưa ngoại hình vào tâm tư: Khả dĩ ý hội, bất khả dĩ ngôn từ:
• Trước đây 100 năm, người Việt mặc áo cổ kiềng, nhưng sau đó cho áo cổ kiềng là quê mùa, lạc hậu; người mình thay đổi thành áo cổ bầu. Thế rồi đúng 100 năm sau, người Việt trở lại mặc áo cổ kiềng và cho là đẹp, là thời trang.
• Trước đây 30 năm trong đỉnh cao của thời kỳ bao cấp, ganh nhau từng đoạn chỉ, từng cái kim, phụ nữ ta ăn mặc kín như bưng; thế rồi 15 năm sau ngày gọi là mở cửa đổi mới, phụ nữ ta, có chút tư hữu, nhưng xem ra càng ngày càng thiếu vải, của trời cho cứ vô tư tênh hênh ngúng nguẩy giữa đời và cho đó là mốt, là văn minh, thậm chí là ... nghệ thuật.
• Cũng cách đây 30 năm, người viết bài nầy chỉ chịu đi tém mái tóc híp-pi quá vai khi túng quẩn: Gia đình phải thưởng 5/ 7 ngàn đồng! Bây giờ (2005), tóc mới nhú nhú ót đã vội đi hớt ngay!

• Bạn và tôi cùng vào một phòng triển lãm tranh. Tôi chỉ một bức cho là đẹp, bạn lắc đầu chỉ một bức khác mà tôi không thích.
Xưa nay, trên phương diện thẩm mỹ (tâm lý), đôi mắt đã được con người chú tâm đến nhiều nhất. Chẳng thế mà khi đi tìm bạn trăm năm tương lai cho con cháu trong nhà, các bậc trưởng thượng nhà ta thường nói là đi "coi mắt" thay vì phải nói là đi coi mặt: Không những coi mắt mà họ còn coi cả mũi, cả mình mẩy, tứ chi, dáng đi, giọng nói. Vậy mà hai tiếng "coi mắt" vẫn có giá trị bao trùm. Tưởng chỉ nhìn vào cặp mắt mà như thấy hết con người. Nghĩ mà thương mà tội cho chiếc mũi, cái miệng, cặp mày … những bộ phận nằm lồ lộ trên khuôn diện mà uy tín xem ra không mấy nhiều:
Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay mà bà con.
Giá trị của đôi mắt không dừng lại ở cái đẹp như đôi mắt bồ câu, đôi mắt phượng, đôi mắt lá răm, làn thu thủy, khoé thu ba. Hay ở cái ít đẹp của đôi mắt ốc nhồi, mắt ti hí, mắt cú vọ, mắt rắn, mắt gà, mắt chuột … mà còn là cửa sổ của tâm hồn:
Nhật nguyệt năng chiếu vạn vật
Lưỡng mục năng tri vạn tình
(mặt trời mặt trăng soi tỏ vạn vật, đôi mắt có thể biết vạn tình)
biểu hiện sự sống nội tâm: vui, buồn, thương, ghét, hờn, giận, ham muốn…: Lúc ngủ thần đậu tại tâm, lúc thức thần nương tại mắt.
Người bình dân - và cả những người có cái võ không bình dân - dành nhiều mỹ cảm cho đôi mắt bồ câu. Mắt bồ câu là mắt tròn trỉnh, không có đôi khoé sắc sảo nhưng ẩn tàng nhiều tình cảm, và bắt buộc phải hai mí, vì:
Thước nhãn ba văn trùng thượng trường
Bình sinh tín thực hựu trung lương 

nghĩa là mắt bồ câu trên mí mắt có văn trường (hai mí là người tín thực trung lương. Mối mỹ cảm của họ đã được gắn liền đôi mắt bồ câu qua các câu ca dao như:
Cầm vàng ném xuống vực sâu,
Mất vàng nỏ tiếc, tiếc đôi mắt bồ câu hữu tình

hay:
Thương ai con mắt bồ câu,
Miệng cười như thể hoa ngâu đương mùa.

Hoặc:
Mắt bồ câu ngó lâu muốn cảm. 
Song song với mối mỹ cảm trên đây, người bình dân còn chịu cặp mắt lá răm là đẹp. Nét đẹp của cặp mắt nầy, theo họ, không nằm trên hình tượng đầu to, đầu nhỏ thuôn dài của chiếc lá răm, mà họ chú trọng đến hai khoé mắt nơi diễn biến tình cảm của con người - đàn bà - một cách độc đáo:
Mấy người con mắt lá răm,
Chân mày lá liễu đáng trăm quan tiền. 

Có điều khoé mắt nầy mà nổi gân xanh (cung hiên môn) thì lại dễ thay đổi nhân duyên, ngoại tình, thích dan díu tằng tịu kiểu ba chiều, bốn hướng như trong tiểu thuyết của Quỳnh Giao.
Những Con Mắt Trần Gian = Tên một bản nhạc của Trịnh Công Sơn.

2. Những con mắt đẹp: Phượng, nhung, huyền, biếc...
Trong số những đôi mắt thuộc hạng đẹp, theo người viết, còn có mắt Phượng, mắt Nhung, mắt Nai, mắt Xanh, mắt Huyền, mắt Biếc, mắt Nâu …
*Mắt phượng là đôi mắt dài không mở lớn mà cũng không quá nhỏ, lòng đen con mắt thật đen và sáng, đẹp tựa mắt bồ câu tuy có nhỏ, dài hơn và hơi xếch:
Phương phi môi hạnh, mặt hoa,
Mày ngài mắt phượng, da ngà, lưng ong.

Kiểu mắt nầy ta thường thấy hiện diện trên khuôn diện các nhân vật tiểu thuyết Trung Hoa cổ điển. Và ai đã đọc truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu hẳn nhớ đoạn Võ Công, cha của Võ Thể Loan:
Liếc coi tướng mạo Vân Tiên,
Khá khen họ Lục phước hiền sanh con.
Mày tằm, mắt phượng, môi son,
Mười phân cốt cách vuông tròn mười phân.

Mắt phượng mà ngự trị trên khuôn trăng đầy đặn là tướng vượng phu khởi gia. Truyền rằng Vĩnh Lạc, vua Tàu đời nhà Minh, có lần mời tướng sư Viên Liễu Trang vào cung đàm thoại về tướng học, có một số câu hỏi liên quan đến loại mắt phượng nầy như sau:
Vĩnh Lạc:
- Trong cung của trẩm không có phi tần nào mặt vuông vắn, trẩm muốn tìm một khuôn mặt như thế để lấy làm vợ, ngài nghĩ sao?
Viên Liễu Trang:
- Đàn bà sang quí ở mi, vai, lưng và mắt. Đường con cái ở bụng, vú và rốn. Mặt vuông gọi là hổ diện tất phạm vào sát tinh làm sao có thể vào cung để làm quí nhân. Nguời đàn bà hình thể như con phượng mới thực là đại quí. Phượng hình thì mặt tròn dài, nhiều tú khí, cổ tròn dài, vai lưng bằng phẳng đầy đặn. Chân quí ở đó, nếu không được làm vương phi thì cũng là phu nhân:
Phượng nhãn ba trường học vấn cao
Siêu quần xuất chúng áp anh hào
Thế gian thử nhãn thành nan đắc
Đắc liễu chi nhân vạn lý cao

Nghĩa là người có đôi mắt phượng thường học vấn cao, tài siêu quần xuất chúng. Thế gian khó lòng tìm thấy đôi mắt phượng. Người mắt phượng tha hồ bay lượn trên cao ơn vua lộc nước. Đàn bà mắt phượng thường lấy chồng cao sang, quí phái, đàn ông mắt phượng thường giương danh trong quan trường.
Mắt nai là một danh xưng thi vị hoá mang nhiều ý nghĩa bản chất thơ ngây "con nai vàng ngơ ngác" hơn là ý nghĩa hình thượng.
Mắt em là bể hồ thu,
Gió ru bể mộng vi vu nỗi sầu.
Mắt em ướt lệ mưa ngâu,
Ngước lên chút nữa cả bầu trời trong.
Mắt em như đoá hoa hồng,
Như hoa chớm nở trong lòng mắt nai.
Mắt em đã khóc vì ai
Ồ, sao mắt khóc giọt dài, giọt rơi!
Mắt em tinh tú trên trời,
Ngàn sao lấp lánh cho đời anh yêu.
Mắt em tuyệt diễm mỹ miều,
Để anh hôn mắt nói nhiều yêu em.

(Đôi Mắt Em, Việt Hải)
Chiều nay tôi như mây trên trời, bay lãng du
Một mình ngồi mơ đôi mắt nai …

(…)
Anh gởi hết thơ tâm hồn, cho màu mắt nai hiền …
Em còn nhớ hay quên rồi? Ôi màu mắt nai hiền

(Gởi Đôi Mắt Nai, Trần Minh Phi)
Ánh mắt chao nghiêng ánh mắt nai
Làm sao quên được tháng năm dài
Trong ta là cả mùa mơ ước
Đèn điện trăng sao với dáng ai!

(Ánh Mắt Nụ Cười, Nguyên Đỗ)
Mi cong mắt liếc thật dài
Nhìn anh mơ mãi ... mắt nai nhoẻn cười
Môi người ấp úng mấy lời
Hay là tiếng nhịp tim rơi bên đường?

(Mắt Nai, NTT)

Tỉnh từ Huyền trong đôi mắt huyền chắc không ngoài ý nghĩa sâu thẳm đẹp và tốt của màu đen: Mắt đen (tròng đen), lông mi đen, lông mày đen. Trong truyện ngắn "Cô Gái Có Đôi Mắt Huyền", tác giả (không đề tên) viết «…nhưng ở Bích, ấn tượng đậm nhất để lại trong tôi là cặp mắt. Con người ta, chỉ cần một dấu ấn, một biệt điểm nào đó cũng đủ quật đổ người khác. Ở Bích là cặp mắt. Nó tròn to, đen láy, sâu thẳm và rất có hồn. Cặp mắt hạt huyền ».
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.

(Một Mùa Đông, Lưu Trọng Lư)
Còn tiếng Biếc trong mắt biếc, thiển nghĩ, là một trợ từ cho tỉnh từ xanh - xanh biếc - như khi ta nhấn mạnh Trắng toát, Đỏ loét, Vàng khè, Đen thui, Đen tuyền…Suốt bản nhạc Mắt Biếc của Ngô Thụy Miên, từ ngữ Mắt Biếc được nhắc tới hai lần trong hai phiên khúc: "Mắt biếc năm xưa nay đâu" nhưng ông không nói rõ Mắt Biếc là mắt ra làm sao, có gì khác biệt với những Mắt Xanh, Mắt Nâu, Mắt Huyền …?
Chim trời mỏi cánh phiêu du,
Ta đem chí lớn giam tù trong em.
Mộng giang hồ đã nguôi quên,
Vì em mắt biếc ta mềm tâm tư
.
(quên tên tác giả)
Nhưng, dù sao, Mắt Biếc của nhạc sĩ họ Ngô và tác giả bốn câu thơ trên phải đẹp nguyên trinh là cái chắc!
Đôi Mắt Người Sơn Tây của hai ông Quang Dũng và Phạm Đình Chương, ngoài niềm hoài hương "dìu dịu buồn tây phương" ra, cũng mông lung lắm. Còn:
Mắt người mang cả quê hương
Lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm

(Hoài Khanh)
Qua:
Đôi mắt ai ngang qua
Vướng hồn tôi ở lại
Chia tay về nhớ mãi
Đường đi mộng trải dài.

(Đôi Mắt, Mỹ Ngọc)
Mắt em sóng biếc gợi buồn,
Tóc mây buông thả gọi hồn tơ vương.
Đôi bờ tinh thể kim cương,
Dạt dào ngắm mãi, anh thương từ đầu.

(Mắt Biếc, Việt Hải)
Rồi:
«trong đôi mắt anh như có gì xuyên thấu từ tim em (...). Anh ơi! em lại muốn chết trong đôi mắt anh với chiều sâu thăm thẳm đó» (Trong đôi mắt Anh, Miên Thụy )
«Lần đầu gặp nhau, nhỏ đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên. Đặc biệt là đôi mắt, một đôi mắt buồn như có chút gì xa xăm, gợi nhớ, làm tôi bâng khuâng mãi. » (Đôi Mắt Mùa Thu, Đào Mai Linh)
lại là chuyện khác.
Mấy ông nhà văn, nhà thơ thường khoái cặp mắt Nâu, gọi là mắt màu hạt dẻ và cho nó là thùy mị :
Ơi em, mắt màu nâu
ru tôi giấc nhiệm mầu
Ơi em, mắt tình đầu
đã như là dài lâu
(Ơi Em, Mắt Tình Người, Du Sĩ)

Còn mấy ông tướng số gọi là Trà Sắc Nhãn vì màu mắt nầy trông tựa màu nước trà và rất sợ vì cho đàn bà có loại mắt nâu là phường bạc tình đến độ tàn nhẫn:
Mắt ấm đêm kia, sáng bữa nầy
Lạnh lùng trông xuống má hây hây.
Ái tình đến đó soi gương nước
Đã biến. Sao phai dưới nét mày.

(Tình Cờ, Xuân Diệu)
tính tình thường hung dữ, xảo quyệt lại ham lấy rốn làm bàn cờ tướng. Nhà tướng số còn lưu tâm chúng ta rằng Trà Sắc Nhãn là mắt mà giữa lòng đen với lòng trắng như bị trộn vào nhau và vô quang mới thật là chính hiệu.
Nếu quả tướng học nhận định không ngoa thì nhà nghệ sĩ vẫn thích mắt nầy vì ít ra mắt nầy - đối với riêng họ - rất có lợi cho thi hứng: Thú đau thương vì tình phụ mà!
Qua phần mắt Nhung, tôi nhớ ngay tới cuốn tiểu thuyết Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long. Đầu trang 6 của cuốn sách, họ Nguyễn viết: «Loan (tên nhân vật chính) nheo mắt, đôi mắt có hàng lông mi cong vút như mắt đứa con gái đẹp». Và:
Vi vu gió thổi con đường
Chiều thu lá rụng phố phường mông lung
Hỡi em cô bé mắt nhung
Thắt đôi bím tóc tung tăng lối về
( ... )
Tìm đâu cô bé mắt nhung
Ngây thơ xoả tóc mênh mông gió chiều
Hình như văng vẳng một điều
Mây bay trộm nhớ dập dìu phố xưa

(Mắt Nhung, Nhật Lâm)
Như vậy ta cứ tạm biết rằng đặc điểm của Mắt Nhung là hàng lông mi rậm cong vút và đẹp, đương nhiên. Phải không thưa nhà văn, nhà thơ?
Riêng mắt Xanh, dù có người đã hạ bút:
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng.

(Tự Tình Dưới Hoa, Đinh Hùng)
Long lanh long lanh
Mắt xanh mắt xanh
Tình anh tình anh
Giọt lành giọt lành
(Đôi Mắt, Nguyễn Đăng Tuấn)
nhưng theo tôi, Mắt Xanh hẳn là một từ ngữ bóng dành chỉ chuyện phải lòng trai của một cô gái: Lọt vào mắt xanh. Còn muốn nói đến màu xanh của con mắt thì không ngoài con mắt xanh của người Âu Mỹ: Mắt xanh tóc vàng. Người đông phương mà mắt xanh thì không " đại điểm quần thần " hoá (1) cũng lót, cũng nhuộm như nhuộm tóc, thọc má, căng da, xoá thẹo, độn mủi, ủi mặt, rạch mắt, cắt cằm, xâm mày, cày mí, khâu lỗ, nhổ lông, săn mông, tém hông, trồng mi, bơm ngực (2) , hút mỡ, nở môi ...
Tôi có con cháu kêu bằng cậu, hiện ở Chicago, hành nghề "neo". Vốn biết cậu út nó có tánh tò mò, cái gì cũng xắc mắc muốn biết; lại cổ hủ lạc hậu chuộng chanh thật hơn bưởi giả, nên thỉnh thoảng nó gọi về Paris bổ túc kiến thức cho cậu út về ngành nghề của nó: Ôi, thời buổi "nhập nhằng" có khác, không riêng gì con mắt mà tôi cần biết, cái gì cũng "khả thi" tuốt, như đồng loại mà cái thì muốn phô ra, cái thì tìm mọi cách để cạo đi, che đi, chẳng hạn lông mi thì tìm mọi cách sao cho dài ra và cong ngược lên, có chỗ khác, đặc biệt mùa hè, chính nó đã từng trổ tài tóm tém thế nào mà khi thân chủ ra bãi biển, tất cả «đám cỏ mọc từ dậy thì tới lúc chết» (Đôi Mắt Anh, Vi Thùy Linh) phải ngoan ngoản thu mình nằm trong khu vườn "String"!
Và tôi có cô bạn văn nghệ, có hai lúm đồng tiền sâu ơi là sâu, duyên tệ; dù cận thị tôi cũng biết chắc đấy chính hiệu bẩm sinh, tôi đùa bảo chắc đã có nhiều "thiêu thân" chết đuối trong hai cái hố đó? Cô lại trả lời hai cái lúm trên má cô «không phải do lò Hạnh Phước đâu nha»! Ừ, biết rồi, cũng không phải nhờ má Cẩm Thạch, má Bích Ngọc… nào cả. Mình tuy dốt song cũng còn phân biệt được của thật của giả, bạn ạ. Đâu "ngây thơ" đến độ thế nầy:
Có hai chàng cùng nhau đánh đố
Hỏi làm sao mà cố được nên
Răng này cắn được mắt trên
Thì bao chầu nhậu trả liền một khi
Anh nọ đáp tưởng gì đâu khó
Chống mắt lên coi tớ trổ tài
Nói rồi anh mới giơ tay
Tháo con mắt trái cắn ngay vào mồm
Anh thứ nhất cũng còn chưa phục
Thách sao hàm cắn nốt mắt kia
Nếu không thì phải sớt chia
Bởi vì một-một thủ huề trước sau
Anh ta nghĩ lẽ nào sự lạ
Có lý đâu mắt giả cả đôi?
Chàng kia vẫn giữ nụ cười
Đưa tay lên miệng tháo rời hàm ra
Anh thua cá về nhà than thở
Chuyện ngoài đường cho vợ cùng nghe
Ở đời lắm thứ giả nè
Nếu không thận trọng chỉ e bị lừa
Vợ cười nhạo anh khờ quá đổi
Khiến cho nàng khó nỗi làm thinh
Này xem mọi thứ trên mình
Toàn là của giả bóng hình ai đây
Nào suối tóc huyền mây sóng dợn
Tậu từ nơi tiệm uốn phố bên
Cặp mi ướt át đa tình
Cũng là được dán dưới vành mắt nai
Cái cằm nhọn chẻ hai ngồn ngộn
Lại còn thêm má lúm đồng tiền
Đôi môi mọng đẹp dịu hiền
Toàn nhờ bác sĩ tay tiên biến thành
Mông, đùi, ngực vóc hình cân đối
Silicon bơm thổi căng phồng
Nếu không thì khách má hồng
Ốm nhom suôn đuột anh hùng cũng chê ( ... )

(Răng Cắn Mắt, Ái Hoa)
Nghĩ cho cùng, tạo hoá là anh chàng điêu khắc số dzách về thiên nhiên và mọi thứ khác trên đời, trừ bộ môn tượng người là còn vụng về bất cập. Ai đời tạo tác bức nào cũng phải tái tạo, cũng phải hút bớt, bơm thêm, sửa đi sửa lại... dẫu rằng:
Sửa đi sửa lại khó gì
Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai!
Thiệt tình, chẳng đáng mặt học trò mót mấy bàn tay tiên trên kia!
Chú thích:
(1) Đại điểm: Chấm to. Nói lái là Chó Tâm, tức Nguyễn Văn Tâm, thủ tướng việt thời bảo hộ Pháp. Quần thần: Bầy tôi. Nói lái là Bồi Tây. Ý nói Chó Tâm Bồi Tây.
(2) Tên chữ hiện đại là Bồng Đảo si-li-cô-nê, tạm dịch: Silicon ... Island!. 
3. 
Không cần phân tích rườm rà, không cần đem tâm tư đến một thế giới nào xa xôi như người nghệ sĩ bác học - sẽ nói trong phần sau - mà chỉ cần một vài so sánh, ví von giữa cái đẹp và cái ít đẹp, người nghệ sĩ bình dân đã cho mọi người thấy rõ mỹ cảm và nhận xét thông thường, dễ hiểu của họ không kém tinh vi thực tế:
Cổ tay em trắng như ngà,
Con mắt em liếc như là dao cau.
Dao cau là dao sáng loáng, sắc bén nhất trong các loại dao. Đem con dao cau ra ví von cùng con mắt của nàng con gái, người bình dân đã lột hết cái sắc sảo, đôi khi chanh chua nữa, của nàng. Nội ngồi tưởng tượng ra cái liếc bén ngọt đó cũng đủ nổi da gà đầy mình, huống hồ là đối tượng trực diện … Liếc thì cũng có vô vàn thứ: Liếc ngang liếc dọc; liếc xuống liếc lên; liếc ngược liếc xuôi; liếc nghiêng liếc thẳng; liếc ghét liếc thương; liếc qua liếc lại; liếc xéo liếc trộm; liếc đu đưa; liếc linh tinh ...
Trái với người nghệ sĩ bình dân, cảm giác thưởng thức cái đẹp - chỉ cái đẹp thôi - trên đôi mắt của lớp nghệ sĩ bác học thường đi xa hiện thực của con người. Họ đưa cái đẹp của đôi mắt vào lãnh vực siêu tưởng, tượng trưng, thần thánh:
Người đẹp từ hai khoé mắt,
Làm mờ những ánh ngọc trân châu,
Làm phai mặt nước hồ thu thẳm,
Làm nhạt bao nhiêu ánh nhiệm mầu.

(Bích Khê)
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong vòng mắt em

(Trăng Lên, Lưu Trọng Lư)
Hỡi đôi mắt! Nơi người là ngọc thạch
Nơi giếng người phản chiếu ánh thiên thần
Nơi suối người giữ kín tiếng châu ngân
Nơi triển lãm cả một bầu tiên động
Nơi rung rinh cả một trời thơ mộng
Người là ai? Người hỡi! Người là ai?

(Đôi Mắt, Bích Khê)
Có điều, dù có siêu tưởng siêu hình, tượng trưng thế nào đi nữa, nhà nghệ sĩ bác học cũng không thoát khỏi phương pháp mượn một hình tượng như, từ vạn đại, người nghệ sĩ bình dân đã đạt.
Người khôn con mắt đen sì,
Người dại con mắt nửa chì nửa thau.
Đối với tầng lớp chân bùn tay lấm, màu đen trong đôi mắt là biểu tượng của sự minh mẫn, khôn ngoan. Tuy nhiên, đôi mắt đẹp dù gồm những yếu tố trữ tình, minh mẫn … vẫn chưa đủ mà còn phải tròn xứng nữa kià. Cho nên, yêu cặp mắt bồ câu, khen cặp mắt lá răm bao nhiêu thì ngược lại, họ kỵ những kẻ được trời ban cho cặp Mắt Lồi bấy nhiêu:
Mấy người con mắt ốc nhồi,
Giỏi tài đánh vợ, đập nồi đập niêu.

Mắt nầy họ gọi là Mắt Ốc hay Mắt Cá Vàng, không hợp với thẩm mỹ mà còn biểu hiện cho cá tính hung hăng, vũ phu (). Lại hay nhìn liếc tất phi dâm tắc đạo. Còn đàn bà có mắt nầy, sách tướng ca như sau:
Dương nhãn ý tình đa
Hà tinh ý bất hoà
Vô mao âm hộ tiệm
Vô xứ bất kha kha

Nghĩa là mắt đục lờ như mắt đê, hoặc mắt lồi, con ngươi nhỏ như mắt tôm, âm hộ trông như sa mạc, là tướng dờ-âm, cọng thêm nét "đào hoa chi diện" nữa vị chi thành loại Hít Pa-rát mà Hồ Xuân Hương ngâm rằng "một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa", còn ông Vũ Tài Lục bình vào loại "Mẫu nghi thiên hạ" mà đàn ông có thể họp chợ trên… lỗ rốn!
Mùa hè năm 1976, chúng tôi 5 thằng đực rựa tổ chức chu du qua mấy nước Tây Âu bằng chiếc xe hơi cũ Opel Manta màu đồng của Trần Quang Tú. Từ Luxembourg trở lại Pháp, qua ngả Metz-Nancy, miệt đông bắc Pháp, tiện thể chúng tôi đi tìm một anh bạn nghe nói mới tị nạn sang và dạt về Nancy, hiện ngụ trong khu chung cư Sonacotra, loại dành cho thanh nam, thanh nữ độc thân. Chúng tôi không ai biết tên họ hiện nay của nó là gì, dân tị nạn thì việc thay tên đổi họ là chuyện thường tình. Lanh quanh hồi lâu trong khuôn viên Sonacotra, hỏi thăm nhiều người trong đó nhưng không ai biết L. là ai. Chẳng lẽ bỏ cuộc. Vật cùng tắc biến, tôi chợt nhớ tới đặc điểm của L., bèn chận hỏi một anh chàng phi châu, sau khi nêu tên L., dĩ nhiên anh ta lắc đầu, tôi liền đưa hai tay lên, bụm mấy ngón lại, úp vào hai mắt mình, đồng thời giải thích đặc điểm của bạn. Tức thời, anh chàng lọ reo lên: Tôi biết rồi, Oeil-de-boeuf (Bull's-eye)! Chúng tôi cũng reo lên: Đúng là thằng L. rồi! Mà đúng thật.
Kỵ mắt cá vàng và người bình dân ghét luôn cặp Mắt Lươn:
Những người tí hí mắt lươn,
Trai thời trộm cướp, gái buôn chồng người.

Tí hí mắt lươn là cặp mắt dài mà không mở rộng ra được. Không mở rộng ra được thành thử chỉ thấy bề hẹp trước mắt mà chẳng thấy bề rộng chung quanh. Trong lãnh vực đẹp, đôi mắt lươn vắng mặt. Còn trên phương diện tâm lý ví von "con mắt là cửa sổ của tâm hồn" mắt nầy tượng trưng cho con người khinh bạc nhỏ nhen - vì lúc nào cũng liu riu nhìn đời - thù vặt: Đại thù không ngặt, thù vặt khó ở. Lang chạ, hoang đàng.
Mắt lươn khác với mắt Lim Dim là loại mắt mở khép mà quang ánh ướt. Đôi mắt nầy ca dao hát rằng:
Con cò mày mổ cái trai,
Cái trai quặp lại nhai luôn cả cò

và sắp đồng hạng với Tam Giốc Nhãn (mắt hình tam giác): Ở phiá trên bằng, phiá dưới sệ xuống như hình tam giác để đầu nhọn ở phiá dưới. Đàn bà mắt tam giác ngoài đặc tính của mắt lim dim còn được trời phú cho tính "chanh ớt" của Hoạn Thư. Còn cặp mắt lim dim của mấy đấng tiên nâu vè ta có bài:
- Đổng Kim Lân hồi còn nhỏ
Đi bán giò nuôi mẹ già.
Anh gặp em đây, không cửa không nhà,
Muốn vô gá nghĩa, biết đà được không?
Anh ví như vậy còn sai,
Em thấy hoài, thật quả
Hể khi anh hút đã
Như Hành Giả loạn thiên;
Gặp buổi hết tiền
Như Lưu Huyền chạy giặc.
Em có nói một lời gì,
Anh làm mặt Trương Phi
Hươi "hoả tim thương"
Dường Na Tra xuất trận;
Mắt lim dim như ông Khổng nghiệm binh cơ,
Phà hơi khói như Kinh Kha oán khí …
Vui thú yên hà, toại chí phong lưu.

Kỵ mắt cá vàng, ghét mắt tí hí không có nghĩa người bình dân dễ dãi, độ lượng với những loại mắt sau đây:

Mắt trắng môi thâm
Vong ân bội nghĩa.

Hay:
Mắt trắng môi thâm dạ tước bì.
Mắt trắng là thứ mắt mà một thi nhân nào đó đã dùng để khuyên đứa con trai ôm mộng nối chí mình:
Lớn lên con chớ làm thi sĩ,
Nhân thế bây chừ mắt trắng trơ!
Mắt trắng nói gọn tiêu biểu cho một tâm hồn, theo họ, hữu thủy vô chung, yểu mệnh uổng tử. Tướng học gọi là Nhãn Lộ Bạch Quang (tròng trắng nhiều hơn tròng đen) hay Nhãn Viên Lộ Bạch (mắt tròn lộ trắng), Dương Nhãn Tứ Bạch (mắt đục và bốn phiá tròng trắng tựa như mắt dê ), sắp đồng hạng với Lưỡng Nhãn Phù Quang (hai mắt quang ánh lồ lộ) hay Mục Kỳ Hoàng Quang (mắt có ánh vàng) và Nhãn Ác Tị Câu (mắt dữ tợn khi nổi giận, mủi quặp).
Mắt trắng là thế. Còn trắng mắt? - «Mẹ thủ thỉ rót vào tai điệp khúc: "Con ơi, lấy chồng được rồi đấy, bằng tuổi mày bây giờ, mẹ đã có anh Hạnh và chị Liễu rồi. Còn mày thì nhung nha nhung nhăng, đến lúc không còn thằng nào nhòm vào thì trắng mắt ra" ».(Phóng Viên, Đinh Thu Hiền)
Đàn bà mắt ướt bốn mùa
Chồng con đã lúc nhúc lòng như vừa nở hoa.

Cặp mắt ướt - đừng lầm với mắt kèm nhem, tội lắm - là cặp mắt đong đưa, đú đởn, đắm đuối trường kỳ. Người có cặp mắt nầy là một kẻ đa tình, giàu tình cảm lẫn xuân-hạ-thu-đông tình. Mối ác cảm của người bình dân đối với người đàn bà được trời trang điểm cặp mắt này, nguyên do là chuyện riêng tây của nàng: Ban bố cũng như đón nhận tơ tình, sinh lý một cách "xuề xoà":
Có chồng thì phải quí chồng,
Tòm tem thi thoảng chồng không nhọc người!

Chú thích:
(1) Con trai đánh con gái gọi là vũ phu. Con gái đánh con trai gọi là vũ nữ; còn hai đứa đánh nhau thì gọi là ... khiêu vũ. (Mục Tiếu Lâm/ Ranh Ngôn, Shakespear Duy, DacTrung.com).
4. Mắt đỏ
Sống thời be bét rượu chè,
Chết thời cặp mắt đỏ kè thấy ghê.

Nói đến cặp mắt đỏ, ngoài bệnh mắt đỏ và do khóc nhiều, thiếu ngủ, người ta thường nghĩ đến những trự túy tiên như Lưu Linh bên Tàu, Tản Đà ở Việt Nam, Rimbaud, Verlaine bên Tây ...Và cặp mắt đỏ còn là biểu tượng cho quỉ râu xanh. Trong tranh hoạt hoạ màu, trong truyện quái đản kinh dị, nhất là trên màn bạc, hình ảnh ma cà rồng thường xuất hiện với cặp mắt đỏ ngầu. Riêng bên Lào, người có mắt đỏ thường trực bị thiên hạ tránh xa, rủa thầm vì theo truyền thuyết Lào, đó là một thứ ma-lai hay rút ruột trẻ con. Người viết bài phiếm luận nầy đã từng được chứng kiến tận mắt nhiều cuộc so tài giữa các ông thầy bùa, thầy ngải Lào và ma-lai trong bụng những nạn nhân bị ma nầy "chiếu cố". Tin hay không là quyền của bạn, có điều khoan vội quyết định vì người ta thường nói "không thấy thì không biết".
Đàn bà mắt đỏ, sách tướng mệnh "Viên Liễu Trang Tam Thập Tú Hình Thương" có ghi:
Tinh xích, tinh hoàng (mắt đỏ, mắt vàng)
đi kèm:
Nhãn đại, nhãn viên (mắt vừa tròn vừa to)
hoặc:
Nhãn bế mi kiến (mắt nhắm mà mày chau lại);
Nhãn dốc đê thùy (đuôi mắt gục xuống, ngực lại xếch lên)
hình thương nghĩa là khắc sát phu chi tướng. Trự mày râu nào có bạn đời vướng vào thứ "mắt" này thì khó lòng "thọ" lắm đấy. Ả nào có "mắt" nầy thì đường chồng con lận đận, thường rơi vào cảnh ly phu hay khắc sát phu hoặc kiến tử thương phu (đẻ con là chồng chết).
Con mắt kế tiếp được ca dao nhắc nhở là con mắt Lé. Người ta chẳng đã thường nói :
Đừng đến nhà thằng lé,
Đừng ghé nhà thằng lùn

đó sao? Hơn nữa trong Tứ Tuyệt, cặp mắt lé hay văn vẻ hơn, cặp mắt Song Phương (Đông-Tây, Nam-Bắc) được truy thăng đệ nhất tuyệt:
Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún
Thiển nghĩ, ta khỏi mất công định nghĩa cặp mắt nầy vì ai ai cũng biết nó. Tuy nhiên, lé cũng có nhiều thứ như lé chằng lé chịt, lé mại hay lé kim. Riêng đôi mắt lé mại hay lé kim lại là đôi mắt có duyên ngầm và hiếm:
Ơ hay! anh mắt lé
Đang nhìn ai vậy kìa
Có nhìn em không nhỉ
Sao ánh tuyền rẽ hai
Anh đang nhìn mây trắng
Hay ngắm em tóc dài
Giữa mênh mông biển vắng
Hình như đang nhớ ai
Em giận rồi đấy nhé
Cứ nhìn đâu đâu hoài
Mà chẳng thèm để ý
Có người buồn chiều nay
Yêu anh vì đôi mắt
Lé kim thật dễ thương
Thoáng nhìn em nửa mắt
Bỗng nghe hồn vấn vương
Này anh hãy nhìn kỹ
Vào mắt em nha anh
Để hồn say luý tuý
Thấy màu hồng thành xanh

(Anh Mắt Lé, Cát Nhật Phương )
Cặp mắt Song Phương tuy là mắt bất đồng nhưng chỉ bất đồng ở con ngươi. Phải nói rõ như thế là vì trong ca dao, tục ngữ có di lưu câu nầy:

Lưỡng mục bất đồng nhân tâm bất chánh
để nhắc tới cặp mắt không cùng một khổ ngự trị trên khuôn mặt, có nghĩa là mắt bên trái nhỏ hơn mắt bên phải hay ngược lại. Nhưng câu tục ngữ trên, theo tôi, chỉ nhắm vào những cặp mắt to, nhỏ rõ rệt, nhìn sơ qua là bắt gặp liền. Nếu không thì 99,99% dân số trên thế giới đều tâm bất chánh cả. Thật vậy, không riêng gì cặp mắt mà những kỳ quan có cặp trên thân thể con người đều không đồng nhất. Chẳng hạn như cặp giò, đôi tay, hai tai, hai chân mày, bộ ngực (trừ loại ngực Si-li-côn-nê) ... Không tin bạn đọc cứ tự kiểm điểm xem. Quí vị nào đã từng kinh qua mọi ải tái tạo, chỉnh hình như cô Cher xin vui lòng đứng sang một bên. Đừng làm tấm gương giật mình. Cô Cher "làm lại'' thân cô từ A đến Z, thế giới đều biết và chính cô Cher cũng không hề giấu diếm điều đó. Khác hẳn ngôi sao nữ dưới đây:
«Theo Độc gia báo của Đài Loan, họ có những tấm ảnh của Lý Văn 9 năm về trước, khi cô chưa đi thẩm mỹ viện. Lý Văn đã phẫu thuật 6 bộ phận trên cơ thể và khuôn mặt mình bao gồm: mắt, mũi, cằm, eo, ngực và hông để có được hình dáng và khuôn mặt mỹ miều như hiện nay:
Mắt một mí thành hai mí
Về phần Lý Văn, cô cực lực phản đối việc thẩm mỹ nhan sắc. Nhưng rõ ràng trong bức ảnh chín năm trước, mắt Lý Văn là một mí, nhưng giờ đây lại là đôi mắt hai mí to và đẹp.
Báo Độc gia đã lấy bức ảnh khi Lý Văn tham gia hội diễn ca múa nhạc Đài Loan vài năm trước để so sánh, chỉ ra trong bức ảnh đôi mắt của cô là một mí, nhưng hiện nay lại là hai mí. Dù có qua hoá trang kỹ xảo cũng không thể khắc phục được nhược điểm này. Hai năm trước khi Lý Văn bị nghi là phẫu thuật mắt, cô đã thanh minh khi chụp ảnh đã dán lên mắt một lớp hoá trang, nửa giả nửa thật chứ tuyệt đối không phải phẫu thuật mắt.
Báo Độc gia còn cung cấp bức ảnh mấy năm trước để chứng thực rõ ràng trước đây cằm cô là cằm tròn, nhưng hiện nay lại hoá cằm nhọn, mang đến cho cô vẻ đẹp mỹ miều hơn hẳn. Mấy năm trước đây, trong một buổi diễn ca nhạc ở Đài Loan đã có báo đưa tin, vì "chỉnh" lại chiếc cằm cô mới có sức hút như vậy, thậm chí họ còn nói cả khuôn mặt cũng được chỉnh lại cho gầy hơn một chút. Lý Văn cũng đưa ra một bức ảnh để chứng minh cằm của mình không phải là phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng ít có hiệu quả.
Khuôn trăng đầy đặn là "đồ giả"
Lý Văn kịch liệt phản đối thông tin này. Cô thanh minh rằng mình được hưởng từ gene di truyền của mẹ, còn nói bộ ngực của mình trước đây còn lớn như "quả dứa", giờ đây còn "thu" lại, chứ không phải phẫu thuật. Cô nói: "Bộ ngực của tôi là di truyền từ mẹ, vốn đã rất đầy đặn. Nghiêm túc mà nói bây giờ nó còn "gầy" đi rồi. Khi tôi học trung học, thấy ngực tôi lớn quá, mẹ tôi còn nói ngực tôi giống quả dứa vậy! "
Lý Văn thanh minh trước tin đồn rằng phần hông vốn được đánh giá rất gợi cảm của cô là "đồ giả". Cô nói: "Hông tôi vốn đã khá lớn. Chỉ là tôi hiểu cách ăn mặc, biết cách khoe chỗ đẹp, đậy chỗ xấu. Tôi vừa lòng nhất là hông của mình. Mẹ tôi còn nói hông tôi khá tròn, sau này dễ sinh con. Nếu có người hỏi cơ thể tôi là thật hay giả, tôi sẽ thận trọng trả lời rằng đó đều là thật cả."
Để có đáy thắt lưng ong, Lý Văn cho rằng đây là thành quả của việc luyện tập chứ không phải thẩm mỹ. Những năm trước khi cô bước vào giới nghệ thuật, nhiều người cho rằng cô nhất định qua thẩm mỹ viện, nếu không không thể có được một thân hình lý tưởng như vậy, và không thể có được chiếc eo thon thả như thế. Lý Văn nói: " Từ khi bước vào giới nghệ thuật, cô chú tâm vào việc luyện tập, cơ thể ngày càng đẹp, chứ tuyệt đối không phải hút mỡ chỉnh hình ".
Báo Độc gia còn cho biết, khi mới bước vào giới nghệ sĩ, mũi Lý Văn hơi to, quan trọng hơn nữa là không cao. Trong khi đó mũi Lý Văn hiện nay rõ ràng là rất cao, vì vậy có tin đồn là cô đã đi phẫu thuật mũi? Nhưng Lý Văn đã phản đối, nói rằng nếu chỉnh sửa thì phải lệch, chỉnh thẳng chứ không thể chỉnh cao được. » (Lý Văn hay Sản Phẩm Nhân Tạo, Minh Oanh, Netnam). Đúng vậy, thưa cô Lý Văn: Michael Jackson hiện nay là nguyên si Michael Jackson trong nhóm Jackson 5 của 30 năm về trước, ai mà dám không tin!

Đàn ông có cặp mắt nhỏ to rõ rệt thường là hội viên Hội Les Sơ-Vơ, tiếng chữ gọi là tướng "cụ nội".
Đã nói đến cặp mắt Song Phương, mắt "bất đồng", thì không lý gì bỏ qua mắt Chột, mắt Mờ (quáng gà), mắt Toét. Nhưng thay vì định giải chúng, xin mạn phép lượm lặt dăm huyền thoại có liên quan, cống hiến bạn đọc với hoài bảo:
Lời quê chép nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài ... phút giây.

Và trước khi kể chuyện, xin được thông qua câu tục ngữ này đã:
Trong xứ người mù, anh chột làm vua.
*Tam Nguyên Yên Đỗ nổi danh châm biếm với ngòi bút sắc bén, nụ cười do cụ tạo ra bao giờ cũng tinh ranh mà không "vướng tục". Một bận cụ làm một câu đối gởi tặng một võ quan chột mắt tên Long:
Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn HAI MẮT LẠI
Triều đình cử mục, anh hùng chỉ có MỘT NGƯƠI THÔI.
*Bất cứ nhà sư lang thang nào cũng có thể ở lại trong một ngôi đền thiền, miễn là ông ta thắng cuộc tranh luận về giáo lý Phật giáo với những người đang ở nơi đó. Nếu bại, phải đi nơi khác.
Có hai sư huynh đệ cùng đang sống trong một ngôi đền ở miền Bắc nước Nhật. Sư huynh là một người học rộng nhưng sư đệ là một người ngu đần và chột mắt.
Một nhà sư lang thang đến hỏi xin ở trọ và đặc biệt thách họ tranh luận về giáo lý thượng thừa của Phật giáo. Ngày đó, người sư huynh mệt quá vì học nhiều, bảo người sư đệ thay mình. Người sư huynh cẩn thận dặn sư đệ : " Hãy đến yêu cầu một cuộc đối thoại im lặng ".
Và nhà sư trẻ cùng ông sư lạ đến ngồi xuống trước bàn thờ Phật. Sau đó chẳng bao lâu, nhà sư lang thang chạy đến nói với người sư huynh:
- Sư đệ của anh thật là một người bạn kỳ diệu. Anh ta đã đánh bại tôi.
Người sư huynh bảo:
- Hãy kể tôi nghe cuộc đối thoại.
Nhà sư lang thang giải thích:
- Được. Đầu tiên, tôi giơ một ngón tay, tượng trưng cho Đức Phật, một người đại giác ngộ. Và anh ấy giơ lên hai ngón tay, tiêu biểu Đức Phật, giáo lý của ngài và những người theo ngài sống cuộc đời hoà hảo. Rồi anh ấy đưa nắm tay xiết chặt, đập vào mặt tôi, chứng tỏ rằng cả ba phát xuất từ một sự chứng ngộ. Thế là anh ấy đã thắng, và tôi không có quyền ở lại.
Kể xong, nhà sư lạ bỏ đi. Người sư đệ vừa chạy đến vừa hỏi người sư huynh:
- Ông bạn đó ở đâu rồi?
Người sư huynh nói :
- Tôi biết sư đệ đã thắng cuộc tranh luận.
- Không có thắng thiếc gì cả. Tôi sẽ đánh bể mặt nó.
- Hãy kể tôi nghe đề tài tranh luận.
- Tại sao, người sư đệ trả lời, lúc hắn đưa lên một ngón tay, lăng nhục em bằng cách ám chỉ rằng em chỉ có một mắt. Vì hắn là kẻ lạ, em phải lịch sự một chút, vì thế em giơ lên hai ngón tay, khen ngợi hắn có đủ hai mắt. Rồi hắn vô lễ giơ lên ba ngón tay, ý rằng em và hắn chỉ có ba mắt. Vì thế em nổi khùng lên và bắt đầu đấm hắn, nhưng hắn bỏ chạy và cuộc tranh luận chấm dứt.
*Trong buổi điểm tâm cuối cùng trước khi "anh (lại) đi đường anh, tôi đường tôi" tại hải cảng Reykjavik (Island), bế mạc cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nga, đầu tháng 10/1986, Gorbatchev hỏi Reagan :
- Tổng thống có nhớ tên vị đại tướng độc nhãn người Nga đã đánh bại bách thắng tướng quân Nã Phá Luân đệ nhất năm 1812?
- Mikkail Koutouzov!
- Đúng rồi. Còn lão người Anh, người thắng trận Trafalgar năm 1798?
- Đề đốc Nelson. Ông nầy cũng một mắt.
- Thế vị tướng chột mắt người Do Thái, kẻ làm thất điên bát đảo đồng chí Nasser (Tổng thống Ai Cập) của chúng tôi ?
- Đó là tướng độc nhãn Moshe Dayan! Nhưng sao ngài có vẻ lưu tâm đến tụi một mắt quá vậy?
- Tại vì tôi đang tự hỏi: không biết tôi có cần phải khoét bớt một mắt cho cái lão tướng người Ba Lan (Jaruselski) đang đánh nhau với tụi Solidarnosc hay không!
*Và đây, hai cuộc đối đáp ăn miếng trả miếng giữa những đối thủ kẻ tám lạng, người nửa cân:
1. Một người cụt một chân bị bà bạn mờ mắt trêu chọc:
- Sao, công việc của anh lúc nầy có chạy không?
- Thì cũng như bà thấy đó!
2. Trên sân khấu, chị nọ gọi to anh hề:
- Nầy anh mắt toét!
- Còn chị không toét à?
- Tôi toét ở chỗ nào?
(Đố bạn đọc đấy)
* Lữ phu nhân, vợ ông Phong Huyền Linh, là người tuyệt đẹp và có đức hạnh. Ông nầy lúc trẻ hàn vi lắm. Một khi bệnh nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lữ thị đến bảo rằng :
- Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ không nên ở vậy, liệu mà ăn ở tử tế với người chồng sau.
Lữ thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết dù chồng bất hạnh có chết, cũng không chịu lấy ai nữa.
Không bao lâu sau, ông Huyền Linh khỏi bệnh. Sau đó ông thi đỗ, làm quan đến chức tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lữ thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.
Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lữ thị có tính hay ghen. Chính vua Đường Thái Tôn muốn thử Lữ phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi Lữ thị vào, bảo :
- Theo phép thường các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một mỹ nhân.
Lữ thị nhất quyết không nghe. Vua Đường nổi giận, mắng rằng :
- Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết.
Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm thuốc độc, phán rằng:
- Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc nầy.
Lữ thị không ngần ngại chút nào, cầm chén uống hết ngay.
Vua thấy thế nói :
- Ta cũng phải sợ, nữa là Huyền Linh! 
5. Mắt rắn, mắt gà

Đã theo soạn giả đến đây, hẳn bạn đọc ít nhiều thắc mắc rằng phiếm luận đủ thứ mắt của thiên hạ, thế đôi tròng thịt của Hàn Lệ Nhân thuộc diện nào? Xin thưa Tôi vốn có cặp mắt bình thường hai mí, thế rồi do mang kính cận từ vài chục năm nay nên khi tháo kính ra hai mí mắt hơi bị khuất, có người gọi là "hai mí lót" song cho đến khi viết bài nầy nó vẫn chưa cần tới chuyện chống chiếc, nâng niếc gì từ các bàn tay tiên đã có nhắc qua.
Từ cặp mí lót của mình, tôi nhớ tới một kỷ niệm vào đầu thập niên 80, thời kỳ xôi động của làn sóng thuyền nhân việt nam. Năm đó, ở Paris có tổ chức một chuyến du diễn văn nghệ cúng dường – tôi làm trưởng ban văn nghệ - ủng hộ việc xây dựng ngôi chùa việt nam đầu tiên, chùa Viên Giác, tại Hannover (Tây Đức). Trong đoàn có một ca sĩ có cái tên nửa Mỹ, nửa Việt đã khá nổi danh trong làng ca hát tại Sàigòn. Trên xe ca anh hát giúp vui bà con suốt chặng đường dài trên nghìn cây số. Vừa ca hay lại vui tánh nên mọi người khoái anh lắm. Tôi để ý, anh có cặp mắt nguyên sơ một mí … Sau đó, anh qua Mỹ định cư. Đến khi phong trào VCD nở rộ, tình cờ thấy anh trên tivi, tôi lại vô tình để ý: Anh bây giờ có cặp mí nhân đôi và đôi mắt húp: Nghĩa là "sửa thì cứ sửa sai thì cứ sai"!
Mắt cú vọ và mắt cọp là hai loại mắt dễ sợ nhất, dễ sợ vì nó lộ liễu quá. Loại đầu là mắt lầm lì, có cái nhìn gườm gườm đầy nham hiểm, bất trắc. Loại sau là loại có những tia nhìn toé lửa, như cọp rình mồi, áp đảo người đối diện một cách khó chịu dù rằng kẻ có cặp mắt nầy đang ở trong trạng thái bình thường hoà hoản.
Mắt gà là mắt tròn, nhỏ, hơi có màu vàng. Tướng học có di lưu:
Kê nhãn tiểu viên đới đạm hoàng
Gian dâm tính cấp thiểu trung lưong
Cái đầu thị vĩ bôn ba tẩu
Tác thiết mưu sinh hỗn nhất trường

ý là mắt gà nhỏ và tròn, sắc mắt màu vàng. Người có đôi mắt nầy thuộc loại gian dâm, tính tình vội vã ít trung hậu. Suốt ngày lêu bêu đầu đường xó chợ. Thường mưu sinh bằng nghề móc túi, cướp vặt.
Nhưng mắt vàng, theo y khoa, lại là triệu chứng của bệnh đau gan, thường thấy ở mấy bợm Cognac, Whisky ...
Mắt rắn là mắt tròn màu hồng, con ngươi lộ:
Kham thán nhân tâm độc tự xà
Tinh hồng viên lộ đới hồng sa
Đại gian đại trá như lang hổ
Thử mục chi nhân tử đả gia

nghĩa là buồn thay lòng độc địa hơn rắn rít là những kẻ có đôi mắt đỏ hồng, con ngươi lộ cực kỳ gian trá, bất nhân. Con trai đánh cả bố, con gái giết cả chồng.
Ba bộ mắt kế tiếp gồm Mắt Nhấp Nháy, Mắt Chuột, Mắt Truyền Thần.
Cựu tổng thống Pháp, François Mittérand (1916-1996) được thượng đế trang điểm cho cặp mắt nhấp nháy "trực", trừ lúc ngủ dĩ nhiên. Không biết người tây phương quan niệm cặp mắt nầy ra sao chứ bên ta, ca dao đã ghi nó vào sổ Phong Thần:
Tin người nhấp nháy
Có ngày thủng đáy.

Đến đôi mắt chuột, sách lý số phê:
Thử nhãn hắc đa quang hựu mang
Đê đầu du thị ý bàng hoàng
Đố nhân, đố vật hoàn đa hại
Du thiết doanh sinh một trú trường

Tạm dịch là mắt chuột có nhiều lòng đen, ánh mắt lúc đục, lúc trong, ưa cúi đầu nhìn trộm, ý có vẻ hoảng hốt. Có đôi mắt như thế nầy thì tâm địa hay tị hiềm ghen ghét, hại người, thích trộm vặt. Đàn bà thì hay đi nganh về tắt.
Bộ mắt truyền thần hình dạng ra sao, thú thật, tôi không rõ. Có điều theo sách tướng số thì mắt nầy thường tiềm tàng một hấp lực vô hình, đôi khi người được cao xanh biệt đãi cặp mắt nầy có thể khuất phục người đối diện mà không tốn một chữ, một câu nào cả. Và cũng theo sách tướng số, mắt nầy, lẽ thường, chỉ ngự trị trên dung nhan các bậc có tướng mệnh làm " cha mẹ dân ".
Trong nhà một người bạn của tôi có treo một bức hoạ cụ Sào Nam Phan Bội Châu. Tuy chỉ là bức hình bán thân vẽ bằng một loại bột màu đen nhưng đặc biệt cặp mắt của nhà chí sĩ sao nó nghiêm nghị oai thế. Nội nhìn cặp mắt của cụ trong bức hoạ, riêng cá nhân tôi, tự nhiên tôi có cảm tưởng mình trở nên bé nhỏ và, bỏ qua những tiếng vang quanh cụ, trong tâm tưởng dấy lên một cảm giác nễ sợ lẫn kính phục khó tả. Đôi mắt của cụ Phan Sào Nam có phải là đôi mắt truyền thần?
Nhãn tú tinh hồng nhuận hữu sa
Tinh viên vi lộ tự đào hoa
Phu thê hoà mục đồng giai lão
Nhàn dật tham dâm phú quí đa.

Nghĩa là mắt đẹp thanh tú, ánh mắt hơi phơn phớt màu hồng, tròn và tinh, hơi lộ lại ươn ướt. Đời sống vợ chồng thường hoà thuận trăm năm bạc đầu, cuộc sống vật chất đầy đủ chỉ phải cái ... thâm dam : Lời bàn trên đây dành cho đôi mắt Uyên Ương. Mắt nầy thuộc loại nhãn quang tú lệ tương tự cặp mắt đào hoa là loại mắt như " mĩm cười " khi nhìn ai, quang nhãn như mê và ướt át lâm ly:
Nam nữ đào hoa nhãn bất nghi
Phùng nhân vi tiếu thủy quang mê
Nhãn bì thấp lệ tham dâm cực
Tự túc hoan ngu lạc thả hi.

Đại ý nói rằng nam cũng như nữ lỡ có cặp mắt " đào hoa " nầy thường gây nhiều rắc rối trên tình trường, trong gia đạo.
Tại sao mắt bồ câu, mắt phượng thì đẹp, thì tốt còn mắt cá vàng, mắt tí hí lại không đẹp và xấu ? Giải được câu trước thì cũng trả lời được câu sau: Tại sao quan niệm xưa cho rằng:
Những người thắt đáy lưng ong,
Đã khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con.
Những người béo trục, béo tròn,
Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.

Hay:
Hội thì không nói,
Đói thì không ăn.
Hội tan, buổi dọn, phân trần :
Anh nầy nói quấy, chị kia ăn quá phần.
Tuyết rơi rơi giữa mùa xuân,
Ông xanh không nổi giận
Thì lòng nhân hiểm, nghèo.

Thật khó tra cứu. Tuy nhiên, chúng ta đừng tưởng lời nói của tiền nhân, thường không dựa trên lý luận mà dựa trên thực nghiệm, là vu vơ. Dù không truy được nguyên nhân chúng ta cũng không thể phủ nhận được giá trị của nó. 

6. Mắt Viễn thị, Loạn thị 
Trước khi bước sang phần mắt mù và mắt không ngươi, trọng tâm của bài phiếm luận nầy, chúng ta cũng nên chấm phá sơ qua những con mắt bệnh phổ thông trên cõi ta bà nầy hầu tránh chuyện riêng tây thiên vị. Trên kia chúng ta có nhắc tới cặp mắt nháy không ngừng nghỉ của tông tông François Mittérand, nay hãy cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân.
Tông tông Mittérand nháy liên tục là do mắt ông bị lông cặm hay quặm. Mắt lông cặm là mắt có lông nheo mọc ngược đâm vào tròng mắt, do bệnh đau mắt hột sinh ra. Nguyên do tạo ra bệnh nầy không nằm trong khả năng của người viết, người viết chỉ xin mạo muội bàn sơ cái tác động của nó thôi. Ai mắc phải trường hợp cặm mới cảm thông, chia sớt được nỗi sót, niềm đau cũng như cái ngứa, cái khó chịu gây nên bởi những sợi lông nheo "phản động" đó. Oái ăm nhất là cái ngứa từ những sợi lông nheo mới nhú, chĩa vào hai khoé mắt. Xưa, cạnh nhà tôi có một bà lão tên Minh bị chứng lông cặm nầy, em gái tôi thường qua nhổ dùm bà, nhưng nhổ sợi nầy thì vài hôm sau sợi khác lại nhú ra. Sau đó bà bị mù, nay đã qua đời.
Loạn thị là một loại mắt kỳ khôi, tiếng Pháp gọi là Daltonisme. Người bị bệnh nầy nhìn màu xanh ra màu đỏ. Lái xe mà vướng bệnh nầy thì làm sao hè?
Kế đến là cặp mắt cận thị (thấy gần mà chẳng thấy xa) và cặp mắt viễn thị (thấy xa mà chẳng thấy gần). Trên mặt nổi của sự kiện, hai bộ mắt nầy đã được con người – đúng hơn là giới thương mại - thẩm mỹ hoá bằng đủ loại kính, đủ loại gọng. Ngoài ra còn một loại Verre de Contact, đại khái ta có thể hiểu nó là một mảnh thủy tinh nhỏ độ đầu ngón tay vô danh. Người bị cận thị hay viễn thị - nhất là phái đẹp, thay vì đeo kính có gọng, có tác động làm húp mắt – mua bỏ vào tròng mắt, lúc cần có thể lấy ra dễ dàng.
Trong cuốn "40 Năm Nói Láo", nhà văn Vũ Bằng có kể câu chuyện về một nhân vật trong làng báo Việt Nam:
«Tạ Đình Bính có cái tính kỳ lạ là thấy ai có cái gì, dù xấu dù tốt, cũng nhận luôn là mình cũng có thứ ấy như ai. Một hôm TchyA (nhà văn Đái Đức Tuấn) nói chuyện về cái tật cận thị của ông Phạm Quỳnh, Bính đang hút, bỏ luôn dọc tẩu, ngồi phắt dậy và chỉ vào mắt mình, nhận anh cũng cận thị. Một vài tháng trôi qua. Cũng nằm bên bàn đèn, có người nói rằng cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc viễn thị, tìm mua mãi một cái kính vừa mắt mà không sao mua được. Đang đeo kính, Bính bỏ ra đặt xuống bàn, nói:
- Bỏ cha chưa, các người thông thái có nhiều điểm giống nhau kỳ lạ: Tớ cũng viễn thị!
Bất ngờ trong buổi họp mặt lần nầy lại có TchyA. Anh nầy, không gượng nhẹ gì hết, lật tẩy luôn Tạ Đình Bính:
- Tao chịu mày quá. Ba xạo đến như mày là vô địch. Tao còn nhớ cách đây không lâu, mày bảo mày bị cận thị như Phạm Quỳnh; hôm nay mày thấy Nguyễn Văn Ngọc viễn thị, mày lại khoe mày viễn thị. Thế thì mắt mày là cái thứ gì?
Giả thử ở vào trường hợp một người khác bị bắt quả tang nói láo như thế, ít nhất cũng cuống lên, ấp a ấp úng một lúc rồi muốn trả lời ra sao mới trả lời được. Đối với Tạ Đình Bính thì không, tuyệt đối không. TchyA chưa chửi hết câu thì Bính đáp liền, không cần nghĩ ngợi, tuồng như cái tật nói phét, nói dóc, ngụy biện lúc nào cũng nằm sẵn ở trong máu anh rồi :
- Ồ, thế thì mày không biết tao rồi. Mắt nầy tao cận thị, còn mắt bên nầy thì viễn thị. Tao nói dóc thì tao không trông thấy mày.
Rồi sợ anh em chưa đủ tin, Bính bình luận tiếp với một sự vững tin ghê gớm: Thực quả, tao chưa thấy mấy trường hợp một mắt viễn thị, một mắt cận thị như thế bao giờ. Chính tao cũng lạ cho tao, nhưng sau tao nghĩ có lẽ đây là một dị tướng, chớ không phải là chuyện đùa.».
Mẫu chuyện về ông Tạ Đình Bính làm tôi nhớ đến huyền thoại cận đại nầy:

• Mấy bửa trước khi Liên Sô và Đông Đức bất thình lình cho xây bức tường ô nhục ngăn đôi Bá Linh thành Tây Bá Linh và Đông Bá Linh (13/08/1961), người ta thấy trước một cửa hiệu nhãn khoa, phiá Đông Bá Linh, tấm bảng như sau:
Quí vị nào cận thị xin đến tiệm kính đầu đường.
Quí vị nào viễn thị xin hãy theo tôi.
Cặp mắt kính cận và viễn thị nói riêng là một phát minh nhất cử lưỡng tiện, nói rõ là không những nó bình thường hoá con mắt bệnh mà còn trang điểm cho khuôn mặt nữa. Chả thế mà đi một vòng tiệm Optique 2000, Générale Optique, Frères Lissac … (chuyên bán kính) ở Pháp, tính ra cũng có đến hàng ngàn kiểu gọng, to nhỏ, vuông tròn, méo bầu … Nhưng than ôi, ông tổ cuộc phát minh nầy, dầu đeo thật nhiều cặp kính cùng một lúc cũng không tài nào "nhìn thấy" trước được ở cuối thế kỷ 20 có một cái hoạ chết người nguyên do phát xuất từ đứa con đẻ của ông. Đó là trường hợp điển hình bên xứ Chùa Tháp, Khmer XHCN của Polpot và Ieng Sary. Theo lệnh Polpot, Ieng đã giải toả thành thị, đẩy dân xuống ruộng, bỏ luật lưu thông, hệ thống tiền tệ, học đường và thủ tiêu tất cả những ai chống đối, đặc biệt trự nào mang kính trắng trên mặt, để tạo dựng một lớp người mới, một lớp vật mới thì đúng hơn, vì, theo Duy Vật Biện Chứng Pháp, con người chỉ là một khối vật chất, chỉ là chuổi phản ứng tự động máy móc, một con chó của Pavlov (1). Cho nên tri thức là một xa xí phẩm cần phải tiêu diệt. Và một sớm một chiều, trên xứ Chùa Tháp, cặp kính trắng bỗng trở thành biểu tượng cho giai cấp trí thức, mà đã là trí thức thì không thể là con vật và đã không phải là con vật thì nhân danh nhân đạo, nhân danh tiền đồ Thế Giới Đại Đồng Vô Sản… Xuất, Ieng Sary phải đưa họ sang thế giới khác! Chuyện xứ Chùa Tháp trong chế độ XHCN của Polpot, dưới mắt của một số người, đã qua từ lâu, không nên nhắc lại, hơn nữa vụ án về Khmer Đỏ đang ngủng ngẳng tới hồi chung cuộc; nhưng đảo mắt nhìn chung quanh xứ Chùa Tháp, mặc cho ai khua môi múa mép định hướng nầy, định hướng khác; mặc cho ai ảo thuật mà mắt thiên hạ : chuyện tiêu hũy sách báo vẫn còn đó, lịch sử vẫn còn đó, nỗi đau, nỗi hận vẫn còn đó … Nháy mắt một cái vừa tròn 30 năm! Thôi oán thôi hờn nhưng không thể thôi nhớ.
Mất ánh sáng của đôi mắt đối với con người xương thịt là nỗi khổ đau trọn vẹn, là mất tất cả ý sống trên đời. Năm tôi 15 tuổi, tưởng đã bị mù, may nhờ bác Cầm, mẹ chị Lê Thị Bạch Yến, ròng rã hai tháng trời, dùng thịt chân cua đồng nhúng thuốc gia truyền rà cho mới khỏi. Giá trị của đôi mắt lành lẻ, nỗi đau cùng cực của một kẻ chẳng may bị mù đã được sách vở ghi lại quá nhiều. Ở đây tôi chỉ xin mượn khúc hát Người Nghệ Sĩ Mù của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm căn cứ cho phần viết tiếp:
«Ai dừng chân nơi đây buông lòng theo câu ca
Tôi ngồi trong bóng tối nghe đời đi ra xa
Tôi thèm chút ánh sáng
Ánh sáng sáng soi cuộc đời
Ánh sáng đâu, phút vui đâu
Không thèm qua trong đời mù loà.

Trong ngày tôi đi nhưng như là đi trong đêm
Trời sinh đời tôi nhưng chưa hề cho tôi tên
Chưa hề cho thấy gió
Thấy bướm thấy hoa màu gì
Có thấy chi ánh chiêu dương
Hay là sương sương mờ chiều tà.

Ôi nào còn gì đâu giữa cuộc đời lạnh lùng tiếng đàn buồn não nùng
Ôi chỉ còn mình tôi bán hồn mình lòng mình cho người bằng bạc tiền
Nhịp nhàng bàn chân bước có tiếng người đi đến
Người dừng lại giây phút hãy giúp tôi đời sống.
Đời mù loà tăm tối sống dưới trời tươi sáng
Đời mơ nhiều quá niềm vui chẳng thấy
Không cho tôi nhìn một lần
Chỉ đành lòng ôm kín bóng tối và hoang vắng.
Dù nụ cười khô héo cũng có khi thành tiếng
Là một lần ai đến đã giúp tình thương mến
Đàn ơi đàn hỡi đàn lên ngàn tiếng
Cho tôi vui cùng cuộc đời.
Nhưng niềm vui mong manh không nằm yên trong tay
Chuỗi ngày đầy chua cay chất tràn lên đôi vai
Đi vào trong bóng tối chiếc bóng cô đơn lạnh lùng xót xa
Thay bước chông gai tôi lần đi trên đời đường dài
Tiếng đàn càng âm u đưa vào trong thiên thu
Niềm riêng là câu ca trên bờ đôi môi khô
Tôi đã gánh hết giữa kiếp sống nhân gian đọa đầy.
Những đớn đau, những xót xa
Thương giùm tôi ôi đời mù lòa ...»
(Hoàng Thi Thơ, 1928 – 2001)
Thế mà, ở trên cõi đời nầy vẫn có kẻ:
Thà cho trước mắt mù mù,
Chẳng thà ngồI thấy kẻ thù quân thân.
Thà cho trước mắt vô nhân,
Chẳng thà ngồI ngó sinh dân nghiêng nghèo.
Thà cho trước mắt vắng hiu,
Chẳng thà thấy cảnh trời chiều phâm xâm.
Thà cho trước mắt tối hầm,
Chẳng thà thấy đất lục trầm can qua.
Dù đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Dù đui mà khỏi danh nhơ,
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình.

Đọc đoạn thơ mộc mạc đanh thép trên, là người Việt Nam, ai không biết xuất xứ của nó? Đó là lời nhân vật chính Kỳ Nhân Sư trong truyện Ngư Tiều Vấn Đáp của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu.
Ngoài ra còn một nhân vật chính khác cũng của cụ mà từ thành phố đến thôn quê, từ học giả chí bần cố nông, người người đều quen thuộc, đó là Lục Vân Tiên, trong truyện Lục Vân Tiên.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các tác phẩm của cụ Đồ Chiểu có đến hai nhân vật mù, hiện thân của tác giả. Cái mù của Lục Vân Tiên là do tai nạn, nguyên nhân là chàng khóc thương Mẹ quá nhiều mới ra nông nỗi. Còn cái mù của Kỳ Nhân Sư, trái lại:
Thầy ta chẳng khứng sĩ Liêu,
Xông hai con mắt bỏ liều cho đui.
Thái độ phản kháng tiêu cực nhưng quyết liệt của Kỳ nhân Sư trước bọn xâm lăng Tây Liêu cũng là thái độ của Nguyễn Đình Chiểu – và của Nguyễn Khuyến – đối với bọn thực dân " đạo đi trước, cướp nước theo sau " phú lăng sa.
Nguyễn Đình Chiểu, qua hình ảnh của Kỳ Nhân Sư, quan niệm:
Gặp cơn trời tối thà đui,
Khỏi gai con mắt lại nuôi đặng lòng.
Và Nguyễn Đình Chiểu trong thực tế, chủ trương:
Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
Lòng đạo xin tròn một tấm gương!
Vì mù loà, cụ Đồ Chiểu – và Tam Nguyên Yên Đỗ– không thể cầm gươm đâm giặc, diệt nòi phản dân hại nước, ông đã :
"… không than mây oán gió, không vẽ thiên đường bằng ảo giác mượn vay " mà " … tay nắm chặt bàn tay, mài bút (sắt) xuyên tim nòi phản bội ".
Mù như hai cụ họ Nguyễn thật là đáng ngại, đáng phục (cả với kẻ thù xâm lược và tay sai) hơn những người mắt sáng muôn phần.
Đứng trên phương diện chiến tranh xâm lược, lối phản kháng, đối lập tiêu cực kiểu Đồ Chiểu và Yên Đỗ đáng sợ gấp trăm lần lối chống đối bằng bạo lực. Không dám cho bạo lực kém hữu ích – quân đội quan trọng lắm chứ – nhưng bạo lực chỉ diệt được phần xác - bạo lực nhất thời chiếm được đất và, trong một khoảng thời gian nào đó, có thể thay tên đổi họ, ngấm ngầm đồng hoá cái nầy cái nọ - còn chữ nghĩa phá tan tất cả : Tinh thần, nhất là tinh thần, và đôi khi phần xác cũng tiêu luôn. Khổng Minh chọc chết Chu Du bằng ba tấc lưỡi. Roger Salengro, dân biểu xã hội Pháp, đã tự hũy mình vì một bài báo. Nixon mất chức tổng thống nước Mỹ vì cuộc điều tra vụ Watergate. Việt Nam Cộng Hoà xụp đổ nguyên nhân chính vì những buổi đàm phán tại Paris năm 1973. CHXHCN Việt Nam bị cô lập, ngắc ngoải non hai mươi năm sau 1975, một phần cũng vì tiếng nói của các thuyền nhân.
Mù như cụ Nguyễn Đình Chiểu, như cụ Nguyễn Khuyến là một sự bảo vệ đạo đức, lý tưởng, tiết tháo ; một biểu hiện căm ghét, bất hợp tác với kẻ thù của cả dân tộc ; một sự phê phán gay gắt. Mù nhưng còn hơn sáng. Sáng mà hại dân hại nước, tham quyền cố vị đến mất nhân phẩm như Tôn Thọ Tường thời thực dân Pháp, như tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ thời đế quốc Mỹ và như những gì diễn ra sau đó…
Sáng chi nhân phẩm bỏ đi,
Thảo ngay chẳng biết lỗi nghì thiên luân.
Chú thích
(1) Ivan Petrovitch Pavlov (1849 – 1936): Bác học Nga. Trong những thí nghiệm về phản xạ hữu kiện, Pavlov đã làm cho con chó chảy nước miếng bằng tiếng chuông mà không cần thịt làm vật kích thích. Dựa trên thí nghiệm đó, đi đến chủ trương rằng người ta cũng có thể tập cho con người những phản xạ hữu kiện giống như con chó của Pavlov. 
7.
Đọc Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du, ở đoạn tả hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, nếu để ý nhận xét, ta thấy ngay sự quan tâm đến cặp mắt của bậc thi tài quán triệt nầy. Tả dung nhan Thúy Vân, Tố Như hạ bút:
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Ta không thấy chữ Mắt, chỉ thấy bộ mặt tròn trịa và cặp lông mày "phì nhiêu". Còn vẽ Thúy Kiều, tiên sinh nắn nót:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
thì mắt và mày đủ bộ.
Như vậy chẳng lẽ Thúy Vân không có mắt? Không! Chứng cớ là Thúy Vân vẫn du xuân, tảo mộ, vẫn thấy Kim Trọng:
Phong lưu tài mạo tuyệt vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.
Và khi:
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa, người còn liếc theo.
Thúy vân có mắt là điều đương nhiên rồi. Không những có mắt mà là mắt đẹp nữa là đàng khác ; chẳng mắt bồ câu thì cũng kiểu mắt lồ lộ của ca sĩ H. L. hay bình dân hơn, mắt lá răm như nữ nghệ sĩ chèo M.T.H. Nhưng, nói như tác giả Đọc Lại Truyện Kiều (Vũ Hạnh), đôi mắt của nàng Vân chỉ là một bộ phận làm đầy đủ lệ bộ của một khuôn mặt thôi. Thúy Vân có nhìn thấy Kim Trọng thật, song nàng chỉ thấy bằng con mắt của người, của gia đình, xã hội, luân lý. Nói khác là gia đình, xã hội, luân lý, trật tự đã nhìn thay cho Thúy Vân và không hề "biết" có nàng, có phản ứng của nàng.
Chính vì thế mà nàng đã nực cười nhìn thấy Kiều:
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa
Hay sau cơn gia biến thảm thương, ngủ vùi một giấc, Vân choàng tỉnh dậy thấy chị ngồi khóc bên đèn lụn bấc một mình, buột miệng hỏi rằng:
Cớ sao ngồi nhẩn tàn canh?
Hoặc sau khi sống 15 năm duyên nợ với Kim Trọng, ngày tái ngộ cùng Kiều nàng đã nói về tấm lòng yêu Kiều của kẻ chung chăn gối với mình:
Những là nay ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.

Thật là lạnh lẻo, thản nhiên, tưởng như Vân không còn giữ cho mình chút tự ái nào cả.
Ai dám bảo cặp mắt chỉ dùng để nhìn, để thấy? Theo ý kẻ nầy thì ngoài công dụng nhìn, liếc, ngó, háy, nguýt, thấy, ngắm, dòm …, và để khóc ra:
Cứ tháng năm qua Mẹ đếm sầu
Từ ngày con vắng đã bao lâu
Trong lòng nguyên vẹn vết đau nhức
Mắt Mẹ chưa khô những giọt sầu!
(Giọt Sầu Trên Mắt Mẹ, Hoài Nam)
mắt còn để cười:
Ai muốn hiểu ta hãy nhìn trong ánh mắt,
Đôi mắt việt nam, đôi mắt hay cười !
Và mắt người lạ lắm, cứ long lanh,
Nụ cười trên môi, nụ cười trong mắt.

(Đôi Mắt Việt Nam, Bùi Minh Quốc)
Ðôi mắt có tên tinh nghịch rồi
Nhìn yêu thành ghét tự nhiên thôi
Trái tim không hiểu ai chờ đợi
Ðôi mắt nhởn nhơ …mắt biết cười!

(Đôi Mắt Tinh Nghịch, Thùy Áo Đỏ)
để nói:
Anh yêu em bên tình yêu ánh mắt
Gặp mĩm cười mà chẳng nói nên câu.
Cầm tay em, anh đứng lặng hồi lâu,
Đôi môi thắm dâng nụ cười trọn vẹn.

(Mộng Tuổi Thơ, Hoàng Hội Tao Nhân)

để khám phá:
«Anh ấy luôn mở cửa sổ ra để bạn có thể nhìn thấu trái tim. Một ánh nhìn trìu mến dõi theo bạn, lúc kín đáo, lúc lộ liễu sẽ thể hiện cho bạn biết: 'Anh đang chú ý đến em'. Ngay cả ánh nhìn lúng túng, cái chớp mắt bối rối khi bị (hoặc cố tình để bị) bạn bắt gặp cũng khiến anh ấy trở nên dễ thương và thật thà hơn.» (10 bước chinh phục …, VN).
Có lẽ Thúy Vân đã nhường cặp mắt cho Thúy Kiều cũng như từ non thế kỷ đến nay ( và chẳng biết đến bao giờ ) các nhà lãnh đạo luân phiên nhau nhường cặp mắt cho ngoại bang; nói thế bởi cái đặc tánh "bảo hoàng hơn vua" vốn nằm trong máu của con dân vài nước còn sót lại đó đây, do đó mới có chuyện một nhúm người vẫn " kiên cường " nhắm mắt ôm ghì một ảo tưởng, cúi đầu suy tôn dăm thần tượng đã bị chính nơi khai sinh ra nó bỏ vô sọt rác từ bảy đời, tám hoánh. Và tôi thấy quanh tôi, đám bạn bè đồng bào đồng đạo cùng trang lứa, bằng cấp đầy mình, thay vì phóng tầm mắt theo hướng chỉ của ngón tay trỏ, đã hãnh diện dán chặt cặp mắt – còn rất tốt – vào ngón tay, để:
Quẳng đi cái có khổ vì cái không
(trong Hoa Địa Ngục, Nguyễn Chí Thiện)
Không như cái nhìn của các ngài "tôi tớ nhân dân" đã và đang gây nên bao nhiêu tang thương tan nát cho bao nhiêu gia đình … người khác ở đây đó. Bạo gan nói thế vì dân tộc ta có quá nhiều sứ giả kiên trung cho những tư tưởng, ý hệ đến từ nước ngoài. Người việt sống đều cật lực bảo vệ, quảng bá những điều mình học mót được từ phương xa, tinh tướng dè bĩu, quy chụp, thậm chí tiêu diệt những đồng bào khác cũng học mót nhưng không giống điều mình học mót, cho đó là tà thư ngoại đạo, là phản nầy phản nọ. Người việt chết lại được người việt sống cầu nguyện cho linh hồn sớm phiêu diêu về đâu đâu khác, chứ không muốn cho linh hồn, nếu có, hoà vào sông vào núi Việt, trong khi ai ai cũng biết rằng Nước nầy, Cõi kia chính là Trái Đất nầy chứ không thể là nơi nào khác:
1/ Bác cả tôi qua đời và được lên gặp ai đó trên cõi nào đó như ước nguyện trong lời di chúc. Thời gian đầu trên cõi vô ưu, bác an nhiên tự tại, khi ngâm lại thơ bác, lúc nghêu ngao mấy bản nhạc ca tụng bác, có hôm lại đánh cờ ... một mình.
Bữa kia, bác tôi trông thấy trên một đám mây ngũ sắc gần chục tiên nữ mơn mởn hở hang ngồi quây quần vui vẻ lắm. Tức thời bác tôi vội đâm đơn xin được chuyển lên đó, vô phúc làm sao bác lại được chuyển xuống điạ ngục. Thôi thì qủy đầu trâu mặt ngựa, nanh sừng ghê gớm, đứa ngắt đứa véo, đứa thọc đứa đâm... mấy đứa đun sôi chảo dầu to tướng chờ chiên bác.
Hoảng hồn bác hét lên:
- Tôi đâu có xin chuyển đến nơi đây. Chắc chắn phải có sự lầm lẫn về hành chánh rồi các ngài ơi !
- Ủa, quỷ chúa ngạc nhiên. Ông chẳng đã có ký một tờ đơn xin chuyển hộ khẩu sao?
- Đúng vậy, nhưng là để xin được chuyển lên đám mây có các tiên nữ kià !
- Thì đúng quá rồi. Đám mây kia là Bản Doanh Cục Tuyên Truyền của Địa Ngục đó, ông già ơi!
2/ Dưới thời Andropov, một phi hành gia Liên Sô được đặc biệt chọn cho phi vụ dài hạn thám thính vũ trụ.
Mấy năm sau anh trở lại mặt đất nhằm thời Gorbatchev. Anh trở thành anh hùng dân tộc, ôm cả đống bằng khen, được TBT Gorbatchev và toàn thể ủy viên Bộ Chính Trị long trọng đón tiếp trong điện Cẩm Linh.
Trong buổi tiệc, Gotbatchev hỏi nhỏ phi hành gia:
- Nè đồng chí. Hiện nay, trên cõi đời nầy không ai ngoài đồng chí có đủ thẩm quyền trả lời cho sự bí ẩn nầy: Cứ nói thật. Đồng chí có gặp Thượng Đế và cõi Thiên Đường không?

- Thưa đồng chí TBT. Có, tôi có gặp Thượng Đế, Đức Giê-su trong cõi Thiên Đường trên không phận Palestine và Đức Thích Ca ở cõi Niết Bàn trên không phận Tích Lan ...
- Tôi biết chắc là như thế. Gorbatchev chép miệng thở dài: Thật là kinh khủng. Đồng chí phải thề độc với tôi là không tiết lộ chuyện nầy với bất cứ ai khác!
Phi hành gia hứa giữ kín chuyện động trời nầy. Sau đó, anh được mọi quốc trưởng trên thế giới thỉnh mời qua chơi xứ họ. Đức Giáo Hoàng cũng dành một buổi trà nước tay đôi với anh. Đức Giáo Hoàng hỏi nhỏ anh:
- Con yêu quí. Con là người đầu tiên được du lịch vũ trụ lâu ngày nhất. Cha chỉ cần hỏi con duy nhất điều nầy: Con có gặp Thượng Đế và cảnh Thiên Đường không?
Phi hành gia trực nhớ lời thề độc với Gorbatchev bèn trả lời:
- Thưa Đức Thánh Cha, con không hề thấy một dấu tích gì chứng minh có Thượng Đế và cảnh Thiên Đường ...
- Ta biết chắc là như thế. Đức Giáo Hoàng chép miệng thở dài: Thật là kinh khủng. Con phải thề độc với ta là không tiết lộ chuyện nầy với bất cứ ai khác!
không giống cái nhìn của đám bạn bè "trí thức" nói trên hàm chứa một tinh thần èo uột. Nói èo uột là vì người ta chỉ bú mớm những đứa trẻ – bình thường – lên hai, lên ba cùng lắm là lên năm, chứ đã 25, 30 thậm chí 50 mà còn phải mớm cho ăn từng " thìa cơm " thì nhất định đương sự phải mang trong người một căn bệnh, nhẹ là bệnh lười suy nghĩ, bệnh ỷ lại, bệnh "tận tín thư"; nặng thì bệnh si, bệnh óc … Tội nghiệp cho cha mẹ, đất nước nào có những đứa con như thế; cái nhìn của Thúy Vân hiền lành, toát lộ một vẻ cam chịu đáng thương, mà cũng đáng ghét vì nàng quá rập khuôn, quá thụ động. Sự thụ động, sự rập khuôn của nàng tuy không di hại cho ai nhưng khiến ta tưởng lầm tâm hồn nàng vốn là một chất bột đã được rây, lọc kỹ càng. Sự tuân phục của nàng có thể làm cho ta cảm động, nhưng chưa đủ cho ta kính yêu, cũng như có thể làm cho ta yên lòng nhưng không làm cho ta gần gũi. 
8. Đôi Mắt Thúy Kiều
Đã nói qua cặp mắt của Thúy Vân, ta không thể không bàn tới cặp mắt của Thúy Kiều:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Chỉ có 6 chữ gọn gàng, Tố Như tiên sinh đã vẽ ra trước mắt, trong tâm chúng ta một đôi mắt trong, đẹp. Trong hơn sóng nước mùa thu. Đẹp hơn dáng núi mùa xuân. Điểm quan tâm của chúng ta không nằm Trên cặp mắt của Thúy Kiều, mà Trong cặp mắt của nàng. Trong mắt Kiều có gì đặc biệt? Có một nhãn lực tuyệt vời, nhìn được chiều sâu thăm thẳm, tưởng chừng soi thấu vào tận đáy mồ hoang để thấy nỗi niềm cô độc xót xa của một kiếp người với ta, giữa cái đã qua và cái sẽ đến :
Thấy người nằm đó, biết sau thế nào?
Cặp mắt đó đã gọi hồn ma Đạm Tiên dậy kết tình chị em:
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chẳng nề u hiển mới là chị em.

Cặp mắt đó đã khám phá tình yêu, chọn lấy con đường không chịu hướng những tia nhìn về các khuôn mòn, lối cũ.
Tóm lại cặp mắt Thúy Kiều là cặp mắt linh động - muốn gọi là hai viên ngọc quí cũng không ngoa - biết nhìn, biết khóc, biết tiếp thu, biết phản ứng, biết vâng lời, biết từ chối, biết lựa chọn, biết quyết định, biết cười ...
Tôi ca tụng mắt của Kiều như thế hẳn có người lắt léo hỏi lại: Kiều tài mạo tuyệt trần như thế sao lại làm ... điếm? Ai biết! Để hỏi ông này: Tố như tiên sinh - thác lời thầy bói - có viết về Kiều:
Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.

nhưng (ổng cũng đâu biết nên) không nói rõ những "phá tướng" của Kiều. Vậy ta có thể dẫn câu chuyện dưới đây làm một trong những "phá tướng" của nàng:
*Vào cuối đời nhà Thanh, triều vua Quang Tự tại Bắc Kinh, nơi nhà thanh lâu nổi tiếng đương thời tục gọi là Bát Đại Hồ Đồng, có một nàng danh kỹ tên Hạnh Xuân. Nếu ai không biết nàng là kỹ nữ mà trông thể thái diện mạo của nàng thì đều phải nghĩ rằng nàng là một quí phu nhân, vừa đẹp, vừa tài mạo đoan trang, dáng đi, lúc nói, lúc cười; khi nằm, khi ngồi rất nhã chẳng bợn chút thô tục, cũng không có điểm nào yêu quái tiện dâm. Thế mà sự thật rành rành, Hạnh Xuân hiện đang là một ca kỹ, chỉ khác ở chỗ nàng là thứ ca kỹ nổi danh, khắp Trung Quốc các đạt quan, quí nhân đều biết tiếng, đều mong được gần gũi nàng cho thoả chí.
Một hôm trong đám khách, có phú thương họ Hạ muốn lấy Hạnh Xuân làm thiếp. Chuyện tiền chuộc dù phải trả trăm lạng vàng chẳng thành vấn đề, họ Hạ chỉ chú trọng một điều duy nhất: Liệu Hạnh Xuân có sinh con không? Éo le một nỗi là họ Hạ lại không muốn Hạnh Xuân sinh con bởi lẽ ông đã có vợ và hai thiếp rồi, con cái đùm đề. Thêm nữa họ Hạ quá yêu vẻ đẹp của Hạnh Xuân. Ông muốn nàng sẽ mãi như bức tượng bằng ngọc, nếu sinh con nàng tất sề ra, xấu đi. Để giải quyết nỗi thắc mắc nầy ông bèn mời một vị túc nho họ Mạc đến Bát Đại Hồ Đồng dùng cơm luôn thể nhờ cậy chỉ giáo cái tướng cách của Hạnh Xuân. Nàng được gọi tới bàn rượu. Mạc tiên sinh không hiểu rõ ẩn ý của lái buôn họ Hạ nên nghĩ rằng ông nầy muốn lấy Hạnh Xuân để có thêm con, nên sau khi quan sát Hạnh Xuân rồi, ghé tai bạn bảo: "không nên lấy vì nàng vĩnh viễn không thể sinh con".

Lái buôn họ Hạ hỏi: "Ngoài tướng sinh nở, Hạnh Xuân còn có điểm xấu nào nữa?
Mạc tiên sinh đáp: "Tướng cô ta cứ theo dung mạo bên ngoài thì phải thuộc hạng tam phẩm phu nhân, thế mà chẳng hiểu tại sao lại luân lạc vào đây sống đời ca kỹ? Vì tướng cách cô ta nhất định lấy người chức tước, chứ không lấy phú thương đâu".
Lời họ Mạc làm họ Hạ thắc mắc, ông năn nỉ bạn tìm cho ra cái phá tướng nào ghê gớm đến nỗi biến một phu nhân thành con điếm.
Từ bửa đó, Mạc tiên sinh năng lui tới Bát Đại Hồ Đồng.
Một hôm, ngồi nói chuyện vãn cùng Hạnh Xuân, tiên sinh liền hỏi thẳng vào đề cho nàng biết tướng cách của nàng giá đáng phu nhân sao lại lạc loài nơi thanh lâu đàn phách. Hạnh Xuân nói: "thuở nhỏ cha mẹ xem số cho nàng, thầy số bảo tương lai nàng là người trong thanh lâu, phê vào lá số mấy chữ:
Mỹ nhi vô tử, diễm nhi đa phu
Nghĩa là đẹp nhưng không con, tài sắc nhưng lắm chồng.
Mạc tiên sinh cố ý ngồi nói chuyện thật lâu với Hạnh Xuân, hy vọng phát hiện được phá tướng của nàng. Nhưng từ trưa đến quá chiều, tuyệt nhiên vẫn không thấy gì khác lạ cả.
Rời kỹ viện ra về, dọc đường họ Mạc chợt nhớ ra trong khoảng thời gian đàm thoại với Hạnh Xuân, mình là ông già ngoài năm mươi mà cũng chẳng phải chạy đi tiểu tiện lần nào, thế mà Hạnh Xuân mới mười chín tuổi đầu lại phải cứ chốc chốc xin phép đi tới sáu, bảy lượt, vả lại lúc nầy nhằm mùa hè, thông thường người toát mồ hôi chứ đâu có cần tiểu tiện. Đúng rối, tướng mệnh học gọi là tiết khí, một loại ám phá tướng.
Đến tối, Mạc tiên sinh vội vã tới kỹ viện tìm cô bạn đồng phòng với Hạnh Xuân tên Phi Phượng để hỏi xem hôm nay Hạnh Xuân có đau ốm gì không? Phi Phượng bảo không. Mạc tiên sinh thừa cơ nói luôn thể tại sao buổi chiều Hạnh Xuân ngồi nói chuyện với ông mà lè tè chạy vào nhà cầu đến năm bảy lượt. Phi Phượng chỉ bưng miệng cười. Mạc tiên sinh cho biết sở dĩ ông ta đến đây hỏi lẩn thẩn như thế là vì lý do liên quan đến vấn đề xem tướng số. Bấy giờ Phi Phượng tỏ vẻ ngạc nhiên: "Thôi chắc rồi, nếu vậy con Hạnh Xuân có phá tướng thật rồi. Tôi không hiểu tướng hay phá tướng là thế nào nhưng tôi thấy con Xuân có cái bệnh kỳ lắm". Phi Phượng chỉ nói tới đấy rồi im bặt.
Mạc tiên sinh hỏi: "Cô ta có bệnh về bài tiết thì nên tìm thầy thuốc chửa, khó gì đâu ".
Phi Phượng cười đáp: "Nó đi chửa nhưng thầy thuốc bảo nó không phải bệnh, chỉ là thói quen, không dùng thuốc chửa được".
Ngừng một lát, Phi Phượng tiếp: "Cái phá tướng ấy của con Hạnh Xuân không chỉ là đi tiểu tiện luôn luôn thôi đâu, mà còn ... " Phi Phượng lại không nói thêm.
Tuy nhiên Mạc tiên sinh cũng chẳng cần hỏi nữa, phá tướng của Hạnh Xuân, tuy ẩn bên trong, đã rõ ràng.
Trong tiết Thanh Minh, anh em Kiều đi tảo mộ, thấy một ngôi mả hoang. Và chỉ cần nghe Vương Quan nói mả ấy là mả Đạm Tiên, một ca nhi bạc phận, Kiều đã:
Lại càng mê mẩn tâm thần,
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.
Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài.

Và tối về, Kiều lại:
Một mình lưỡng lự canh chầy,
Đường xa nghĩ nỗi sau nầy mà kinh.
Hoa trôi bèo dạt đã đành,
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi.
Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi,
Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn.

Nỗi đa sầu đa cảm của Kiều có thể liệt vào loại Cô Âm Trầm Tinh hay Mãn Diện Sầu Dung như tích " Nhân Diện Đào Hoa " của thi sĩ Thôi Hộ và một cô gái đa sầu, lãng mạn vùng thôn giả:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.

(Đề Tích Sở Kiến Xứ, Thôi Hộ)
(Hôm nay, năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió xuân.)

(Đề Chỗ Đã Trông Thấy Năm Trước, Trần Trọng Kim) (1)
hay tích về sủng phi Mai Anh (có đôi mắt rất buồn) của Đường Minh Hoàng, sau khi ông nầy gặp Dương Quí Phi, thì Mai Anh bị thất sủng và bị giam vào lãnh cung.
Chú thích
(1) Thôi Hộ là một thi sĩ đẹp trai, tính quả hợp, không hay chơi với ai. Một ngày thanh minh đi chơi một mình đến phía nam kinh thành, thấy một nhà có vườn đào nhièu hoa, mới gõ cửa xin nước uống. một người con gái rất đẹp và nghiêm trang ra hỏi tên họ, rồi đem nước mời uống. Đến tiết Thanh Minh năm sau, Thôi Hộ lại đến nhà ấy, thấy cửa đóng, đề bài thơ nầy ở cánh cửa bên tả. Cách mấy hôm lại đến chợt nghe tiếng khóc và có ông lão ra hỏi: Anh có phải là Thôi Hộ không? Con gái tôi đọc bài thơ của anh rồi nhịn ăn mới chết. Thôi Hộ vào khấn, thì người con gái ấy sống lại, bèn lấy làm vợ. Sau Thôi Hộ đỗ tiến sĩ về đời Trinh Nguyên, làm quan đến chức Lĩnh Nam tiết độ sứ. (theo sđd).

9.

Nói đến cặp mắt, chúng ta thường liên tưởng tới đôi tròng thịt nằm trên khuôn diện mà ít lưu tâm tới cặp mắt nằm gọn gàng trên mười ngón tay của người mù. Nói cách khác, từ thế kỷ 20, đôi tay là cặp mắt của người mù hay người khiếm thị. Nếu xưa cặp kính trắng đã không làm cho anh chàng mắt sáng nào đó biết đọc thì ngày nay hệ thống văn tự Braille (1) lại giúp cho người khiếm thị, bằng vào mười ngón tay, đọc được lưu loát.
Từ sự kiện đọc bằng tay trên, chúng ta có thể khẳng định rằng cặp mắt trên khuôn mặt là cặp mắt để nhìn - đôi khi có nhìn mà không thấy, có thấy mà không biết - còn cặp mắt nằm trên đôi tay là cặp mắt để biết.
Đôi mắt nằm trên đôi bàn tay, thật ra, chỉ là cách nói đơn giản để ý hội chứ chính ra là do đôi tay – khi rờ rờ mó mó chi đó - đánh”mật mã”lên cái đầu, cái đầu xào nấu sao đó mà người mù (hay người mắt sáng nhưng nhắm tịt lại) diễn cảm giác thu nhận thành lời. Nói vậy là vì khi tắt đèn tối thui thì ai mù, ai sáng? Mà ý hội tức mỗi người toàn quyền ngầm hiểu theo ý mình, hiểu ra sao tùy hỉ, hướng thượng cũng xuôi mà hướng hạ cũng suốt hoặc cùng lắm là không thèm hiểu cũng chả sao nhưng, còn sót ở một vài nơi, hoang mang là tốt nhất, ví dụ:
1/ Cùng thời gian với cuộc đàm phán 6 bên về bom nguyên tử, trong một buổi học về kinh tế chính trị ở Pyong Yang (Bắc Hàn). Phó giáo sư tiến sĩ hỏi sinh viên A:
- Vậy qua tầm nhìn của em, nền kinh tế của đế quốc tư bản Mỹ đã đi đến đâu rồi?
- Sát bờ phá sản ...
- Tốt. Còn kinh tế của nước ta?
- Dạ, qua mặt Mỹ một bước ...
2/ Quay qua sinh viên B, phó giáo sư tiến sĩ hỏi:
- Tóm lại, tư bản là gì?
- Đúng là Người bóc lột Người!
- Còn cộng sản là gì?
- Là ngược lại!

Và xét cho cùng, cặp mắt trên khuôn mặt là mầm chính của mọi xáo trộn, mọi tội lỗi trên đời, vì tham-sân-si tuy tự tâm nhưng nếu mắt không nhìn, không thấy thì lấy đâu mà tham-sân-si?
Trích dẫn chứng cớ thì kể sao cho xiết vì ô trọc cuộc đời xảy ra từng sát na, chỉ xin đơn cử một vài thí dụ làm lệ:
* Một anh thanh niên thông manh nhưng lại thích lấy vợ đẹp. Cha mẹ anh cưới cho một người vợ vừa xấu, vừa chột. Hai vợ chồng yêu thương nhau lắm. Thanh niên thường sờ mặt vợ và nói: Em của anh đẹp lắm. Người vợ quá cảm động đến quên cả ý tứ, âu yếm hỏi: Tại sao anh lại biết em đẹp? Thanh niên trả lời: Tại vì anh có con mắt ở bàn tay.
Sau một thời gian, cặp mắt của thanh niên sáng lại. Lúc thoạt nhìn thấy mặt vợ, anh ta trở nên tuyệt vọng rồi đuổi quách vợ về nhà.
* Nếu thượng đế đừng vẽ mắt cho Eva thì sao Eva thấy, biết được sự hấp dẫn của Trái Cấm trong vườn địa đàng, đâu bị rắn - cũng do thượng đế tạo ra - dụ dỗ, để đến nỗi gây hoạ cho cả đấng ông chồng Adam và gây nên cái tội tổ tông đời đời kiếp kiếp thế nầy. Nghĩ cho rốt ráo thì trong bản án nầy, để cho công bằng, thượng đế vạn năng cũng có một phần lỗi không nhỏ vì đã không lường trước được điểm tối trọng của”cửa sổ của tâm hồn” (2) trong tác phẩm do thượng đế tạo ra theo hình ảnh của chính ngài.
* Mỵ Nương mà có cặp mắt ở trên tay thì Trương Chi đâu đến nỗi ôm hận xuống tuyền đài ...
* Hitler mà đui thì làm sao có thế chiến thứ hai ...
* Thời Đông Châu Liệt Quốc có người tên Sư Khoáng, tự Tử Giả, là người học trò thông minh bậc nhất nước Tấn, lúc bé học âm luật, thường bực mình về nỗi không được chuyên, mới phàn nàn rằng: Nghề không được tinh là tại bụng nghĩ nhiều thứ, bụng nghĩ nhiều thứ là tại đôi mắt hay nhìn, liền lấy lá ngài đốt mù mắt đi, để chuyên tâm về đường âm luật, do đó tinh nghề âm luật lắm, nghe tiếng chim kêu cũng có thể biết được tốt xấu.
Trong làng âm nhạc hiện đại có nhiều ca nhạc sĩ mù nổi danh như Ray Charles, Steve Wonder ... (Mỹ), Andréa Bocceli (Ý), Gilbert Montagné (Pháp), Saï Ngân (Lào), Văn Vỹ (Việt Nam) ... và tôi có một người bạn tên Nguyễn Huy Bá: Anh Bá bị hư đôi mắt từ thuở lên 5 vì bệnh đậu mùa, năm 1960 học trường khiếm thị tại Sàigòn, nay là trường Nguyễn Đình Chiểu. Tự học đàn hát. Có một thời là nhạc trưởng trong một phòng trà tại Vientiane, nay anh mở lớp dạy đàn guitare và Piano. Trường hợp của anh Bá thật khít khao với bản nhạc”Người Nghệ Sĩ Mù”của Hoàng Thi Thơ, với chút khác biệt là anh Bá có một người vợ vừa đẹp lại đảm đang tên Huyền, trước ở cùng xóm với tôi. Họ có với nhau hai người con đều đã trưởng thành. Tôi tin chắc rằng nếu có phép mầu nào đó làm cho anh Bá sáng mắt thì anh sẽ càng yêu vợ anh hơn, chứ không giống anh chàng thông manh kể trên. Mỗi lần về Đông Nam Á, ghé Vientiane chúng tôi vẫn ca hát, đàm luận đủ thứ chuyện với nhau thâu đêm. Thiếu cặp mắt, bù lại anh Bá có trí nhớ của một con voi: 

1/ Anh chưa qua Pháp lần nào thế mà mấy tay cấp”thổ công thâm niên”như tôi ở Paris nghe anh nói chi tiết về các danh lam thắng cảnh ở kinh đô ánh sáng mà ngớ cả người. 

2/ Chỉ cần anh bắt tay người nào đó một lần, thời gian sau gặp lại, chúng tôi đã thử, không cần xưng tên, chỉ lên tiếng chào và đưa tay cho anh nắm, anh sờ sờ một lúc rồi nói trúng phóc tên đương sự ngay ; 
3/ Cái số đào hoa của anh: Không cần phải nói, cho kẹo anh chàng cũng chẳng dám hé hồ lô bồ đề tâm cho nường nào khác, khi hậu duệ bà Hoạn Thư luôn luôn ở bên cạnh!
Mối tình Bá-Huyền phải chấm điểm”xưa nay hiếm”. Thật là luật bù trừ.
Một nhà bác học có nói: Muốn thế giới được hoà bình, bắt đầu trong bữa ăn của con người không thấy có giọt máu hay miếng thịt. Lời đạo đức đó đúng với kinh Phật dạy: tất cả chúng sanh không nghiệp sát, làm gì thế giới không hoà bình. Và trong Sám Hối Lục Căn, nghiệp căn Mắt đứng đầu bảng:
Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh,
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành,
Chợp mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.
Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai,
Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù.
Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang,
Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục.
Thấy ai giàu có, giương mắt mãi nhìn,
Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái.
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô,
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.
Hoặc đến Tam bảo, hoặc vào chùa chiền,
Gần tượng, thấy kinh mắt không thèm ngó.
Phòng Tăng, điện Phật gặp gở gái trai,
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.
Không ngại Hộ pháp, chẳng sợ Long thần,
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Ðều từ mắt sanh, phải sa địa ngục.
Trải hằng sa kiếp, mới được làm người,
Dù được làm người, lại bị mù chột.

(Sám Hối Lục Căn, HT Thích Thanh Từ)
Thánh Kinh Công Giáo có nhiều đoạn nói tới con mắt, chẳng hạn: Người khôn ngoan có con mắt trong đầu mình ... ; sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình ...
Cũng trong ý tưởng hoà bình trên, cách đây vài chục năm, ở Âu Châu, người ta đã nghiệm thấy rằng, một xã hội toàn người mù là một xã hội tránh được 99,50% tội ác. Sở dĩ người ta kết luận như vậy vì sau một thời gian để cho những người mù sống chung với nhau. Và có người đã kết luận như sau: Muốn cho thế giới được thật sự hoà bình, cần phải làm cho nhân loại trở nên mù hết. Ý tưởng kỳ quặc, nhưng không phải không có lý.

Mắt rồng (tướng giàu sang, gặp minh chủ), mắt khỉ (tướng giàu sang), mắt voi (tướng trường thọ), mắt dê (tướng mồ côi mà ương ngạnh), mắt sư tử (thương người) ...Theo lẽ còn vài cặp mắt bệnh như mắt vảy cá, mắt hột, mắt kèm nhem, mắt lão ... ; những châm ngôn từ Kinh Thánh như mắt thường mắt răng thường răng, chớ khôn ngoan theo mắt mình, mắt từ thiện, mắt gian ác, mắt kiêu ngạo, mắt tham lam, mắt là nguồn lụy, mắt là đèn của thân thể... ; những thành ngữ từ dân gian như mục hạ vô nhân, mắt trắng như lợn luộc, mắt ba vành đầu tám tọng, mắt giương như mắt ếch, mắt toé lửa, mắt la mày lét, mắt to hơn bụng, mắt trước mắt sau, sướng lổ khu su con mắt, mèo mù vớ cá rán, giả đui dòm ... cũng như còn vô vàn những con mắt trong kho tàng văn-thơ-nhạc việt nam: Đôi Mắt Người Xưa - Trúc Phương, Nửa Hồn Thương Đau - Phạm Đình Chương, Mưa Trong Mắt Em - Vũ Tuấn Đức, Nắng trong Mắt Em - Vương Ngọc Long & Đức Minh, Thu Trong Mắt Em - Phạm Anh Dũng, Trong Mắt Em Là Biển Nhớ - Ngô Thụy Miên, Mùa Xuân Trong Đôi Mắt Em - Đức Huy ... ; nội trong trang Đặc Trưng tôi cu ki đọc được những 178 bài (05/08/05) ...v.v & v.v..., song xét ra tâm điểm của bài nầy là phiếm luận về những con mắt nguyên thủy trời định, còn những con mắt bệnh đã có bác sĩ nhãn khoa, những con mắt siêu thực, tượng ý văn nghệ đã có mấy trự nghệ sĩ lo rồi. Hơn nữa muốn tôn trọng cái tựa bài nầy, người viết xin miễn lạm bàn phần huệ nhãn soi thấu ba ngàn thế giới của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni vì, nói như các bạn đồng đạo của tôi, khi tôi chưa có cặp mắt”đạo”- nghĩa là với”đôi mắt”đời và mãi đến nay chỉ tự nguyện quy y nhị bảo”, vả lại:
Mắt cận nhìn đời qua đôi kính
Thấy rõ trần gian - chốn điêu linh
Mắt cận chán đời không đeo kính
Mờ mờ hư ảo cõi phù sinh

(Mắt Cận, Niệm Nhiên)
thì tôi khó lòng”phá chấp, hỉ xả” được những tệ lậu, những thuyết diệt tham-sân-si của và giữa các bậc dẫn đạo ở hải ngoại, đặc biệt mới đây qua vụ án TL-TĐ (3) và vụ một ”vương cung” tín ngưỡng trị giá sơ sơ mười triệu (10 triệu) Euros (4) ở Pháp, mà chẳng may tôi lỡ biết và đã, đang và sẽ”đoạn trường”vì nó hết sức vô duyên, cùng Thiên Nhãn Thông (Con Mắt Tối Cao), biểu tượng của đạo Cao Đài ; con mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian ... Và xin dọn lòng, nghiêng mình mong mỏi phần khảo luận nghiêm chỉnh quí hoá của các bậc uyên thâm giáo lý nhà Phật, thông thái Cao Đài học, Thánh Kinh ...

Hành hạ bàn phím vi tính tới đây tôi đã ngán nói về con mắt, dù chỉ mới léng phéng được vòng ngoài, định dứt ngang để ôn và chăm chú gõ đề tài khác thì trực nhớ ra còn sót hai loại mắt này:
1/ Sáu cặp mắt mèo
Hôm nay giáo viên giảng về hai chữ Cách Mạng trên thế giới: 1776 (Mỹ), 1789 (Pháp), 1917 (Nga) ...
Ông yêu cầu học sinh về nhà soạn mỗi đứa một câu có chữ Cách Mạng. Bữa sau, giáo viên gọi Hoàng lên đọc câu em soạn. Hoàng đọc:
“Con mèo cái của em mới sanh sáu chú mèo con được hai ngày. Tất cả đều là những con mèo Cách Mạng tốt .”
Giáo viên khen ngợi Hoàng rồi đặn em về nhà làm một câu khác với chữ phản-cách-mạng.
Hôm sau, Hoàng lên đọc:
“Con mèo cái của em mới sanh sáu chú mèo con được ba ngày. Tất cả đều là những con mèo phản-cách-mạng tốt .”
Nghe xong, giáo viên quát Hoàng:
- Trước tiên, em phải biết là không hề có loại phản-cách-mạng tốt. Thứ đến, em thật không nhất trí tí náo cả. Hôm qua em đã bảo rằng mấy con mèo của em là những con mèo cách mạng tốt. Hôm nay cũng mấy con mèo đó, thế mà ...
- Dạ, thầy nói đúng, nhưng từ hôm qua, chúng đều mở mắt ...
2/ Những mắt xích
Nhà văn con chiên gọi giây nói cho linh mục nhà báo:
- Thưa đồng chí cha. Hôm nọ đồng chí cha có nói với con rằng đồng chí cha có quen một đồng chí tổ trưởng tổ biến chế đồ phụ tùng xe ô tô, xe gắn máy ...
- Đúng vậy. Bộ cậu có điều kiện sắm xe rồi sao?
- Làm gì có chuyện đó, thưa đồng chí cha. Đồng chí cha có nói tiếp rằng đồng chí đó là bà con của cô làm trong tổ bán thịt heo...
- Tiệc tùng, đãi đằng ai mà cần thịt?
- Dạ không ... Đồng chí cha lại bảo cô ấy là tình nhân của một anh làm trong tổ dược khoa ...
- À ... cậu buôn thuốc?
- Đâu có. Đồng chí cha để con hết lời: Đồng chí cha đã quả quyết với con rằng anh chàng đó lại là em vợ nhỏ của đồng chí tổ trưởng tổ cứu hỏa...
- Đúng thế. Nhưng mà sao?
- Dạ, nhà con đang bị cháy, đồng chí cha ạ ...
Thay lời kết
Vai trò của đôi mắt, gẫm cho cùng, thật tối quan trọng. Cái miệng đôi khi gầm thét tưng bừng mà thiếu sự can thiệp với ít nhiều nộ khí của đôi mắt thì sự gầm thét sẽ giảm phần uy vũ.
Tiếng thét làm chết Hạ Hầu Kiết cùng làm cho tập đoàn Tào Tháo chạy trối chết, áo rách, mão rơi trên cầu Trường Bản của Trương Phi ; tiếng thét làm Phan Năng hết vía nhào xuống ngựa mà thác trong trận Ngưu Chữ của Tôn Sách ; tiếng Kiai võ sĩ đạo Nhật Bản ; tiếng sư tử hống làm bạt vía quần hào của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong Cô gái Đồ Long (Kim Dung) hẳn cũng không ngoài lệ đó.
Cổ tích việt nam có truyện một người phù thủy đại tài bị vua trị tội bắt thắt cổ chết, ông ta cầm dây lụa ấy thắt thành một con rồng. Khi lính ập đến, ông vội cầm bút vẽ đôi mắt vào con rồng lụa, thế là rồng vút bay lên. Tất nhiên bay luôn ông phù thủy.
Qua truyện ấy người ta có thể ghi nhận điều nầy: Sự bay của con rồng không thuộc khả năng quyết định của cánh, của vảy mà thuộc về phần đôi mắt. Ngoài ra, đối với những người sống bằng đường nước, mỗi khi đóng xong một con thuyền, một chiếc ghe, sơn phết kỹ càng, thế mà thuyền, ghe vẫn chưa hạ thủy nếu chưa được điểm nhãn. 
Chú thích:
(1) Louis Braille (1802 - 1852) bị mù từ năm lên 3, cha đẻ lối chữ dùng cho người khiếm thị, hiện được sử dụng trên thế giới.
(2) Trong Tân Ước có câu”L'oeil est la lampe du corps. Si ton oeil est en bon état, tout ton corps sera éclairé ; mais si ton oeil est en mauvais état, tout ton corps sera dans les ténèbres. Si donc la lumière qui est en toi est ténèbres, combien seront grandes ces ténèbres”(Le Nouveau Testament, Matthieu 6: 22-23, trang 7 - The Gideons International Editions).
= Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng ; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao! (theo Kinh Thánh, vietchristian.net)
(3) Một sư ông, người”luôn luôn khiêm tốn, hiền hoà",”thanh đạm, đơn sơ”(a), sau khi nhập diệt Tham-Sân-Si ngày 05/10/1998 (a), để lại cho ni bà sở hữu 5 (năm) ngôi nhà (maison/house) trong các khu sang quanh Paris, tất cả đều đứng tên tục của sư ông (HĐC) và ni bà (HTB), một người”luôn giữ nét trầm tĩnh”"với nụ cười hiền từ”(b):
(a)http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/005-HTThienChau.htm
(b)http://www.congdongnguoiviet.fr/DienDan/ddPhanQuyetToaThuongThamParis.htm
http://www.quehuong.org.vn/vi/nr050307131435/nr050106094126/nr050315141759/ns050906101757
(4) 10 triệu Euros = ± 12,5 triệu US$ = ± 200.000.000.000 VND (hai trăm tỷ Đồng VN). Xuyên qua giáo lý mà tôi từng nghe và nhập tâm thì 200 tỷ VND – hay nhiều nhiều ức lần hơn nữa - cũng chỉ là cát bụi (nhân gian là cát bụi, kiếp người - ngắn hay dài - là cát bụi (*)) do đó không nên nhìn cơ ngơi nầy là vật chứng biểu hiện lòng Tham-Sân-Si ngụp trong bể lửa của người đã, đang và sẽ thuyết giảng dài dài, dẫu rằng 30 năm sau 1975, người Việt tị nạn tại Pháp – trong đó có tôi – vẫn chưa tự lập nổi một hội quán độc lập nho nhỏ chừng 100 ngàn Euros bên cạnh 38 (ba mươi tám) ngôi chùa hay villa-chùa trên toàn xứ Pháp. Paris và vùng phụ cận có 13 ngôi:
http://www.chuavietnam.com/main.html
nhớ chọn France trong Select Country.
Mong bà con phật tử gấp rút cọng duyên, hồi hướng công đức hầu Ngôi Chùa Mới chóng trở thành”Ngôi Chùa Lớn Nhất Âu Châu", trước là thoả lòng vì Phật pháp của cao tăng, sau là Phật tử VN tại Pháp có cơ sở hãnh diện chùa mình đồ sộ hoành tráng gấp vài lần ngôi chùa tại Hannover-Đức Quốc, khánh thành ngày 30/07/1991.
Mưu cầu và thuyết giảng diệt/giảm Tham-Sân-Si đến cấp nầy kể cũng chẳng uổng một kiếp phù sinh trong bể lửa. Úm ma ni cát mê hồng. (*)
- Mẹ ơi, có phải sau khi chết người ta thành cát bụi phải không?
- Đúng đấy, con trai à!
- Thế thì dưới gầm giường nhà ta có bao nhiêu người chết ấy mẹ ạ!. http://www.baobariavungtau.com.vn/viet/tht_hoiquan/
TÀI LIỆU THAM KHẢO & TRÍCH LỤC
Thi ca bình dân VN, Phan Tấn Long & Phan Canh
Đọc lại truyện Kiều, Vũ Hạnh
Kim Vân Kiều, Nguyễn Du - Bùi Khánh Diễn chú giải
Góp nhặt cát đá, Đỗ Đình Đồng dịch
40 năm nói láo, Vũ Bằng
Giai thoại làng nho, Lãng Nhân
Đông chu liệt quốc, bản dịch Nguyễn Đỗ Mục
Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu
Ngư tiều vấn đáp, Nguyễn Đình Chiểu
Tục ngữ ca dao & dân ca, Vũ Ngọc Phan
Đôi mắt nhìn tôi, Bùi Minh Quốc
Ca dao tục ngữ góp nhặt, Nguyễn Thị Ngọc Liên
Thi ca tiền chiến & hiện đại, Bùi Văn Bảo
Người đàn bà trong tướng mệnh học, Vũ Tài Lục
Tục ngữ ca dao, Nguyễn Văn Ngọc
Cổ học tinh hoa, Nguyễn Văn Ngọc
Tín ngưỡng VN, Toan Ánh
Hoa đồng cỏ nội, Minh Hương
và nhiều tài liệu khác từ Internet. 

Những con mắt trần gian - Ngọc Lan - YouTube

Những Con Mắt Trần Gian - TCS - Ngọc Lan - YouTube

Khánh Ly - Những Con Mắt Trần Gian - Thu Âm Trước 1975 - YouTube

Khánh Ly - Những Con Mắt Trần Gian - Thu Âm Trước 1975 - YouTube

Những Con Mắt Trần Gian Ngọc Lan Nhacso Net - YouTube

Những Con Mắt Trần Gian - YouTube

Những con mắt trần gian
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
Hàn Lệ Nhân
Theo http://www.dactrung.com/




1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...