NHÀ THƠ LÃNG MẠN TIÊU BIỂU NHẤT
Lê Đình Kỵ
Sau Tản Đà, Xuân Diệu có lẽ là “thi sĩ” nhất
trong số các nhà thơ hiện đại. Đã là thi sĩ thì ít nhiều đều lãng mạn. Tiêu
biểu cho thơ tiền lãng mạn là Tản Đà. Tiêu biểu cho thơ lãng mạn toàn thịnh
sau năm 1930 là Xuân Diệu.
Một thời gian dài sau Cách mạng, thơ lãng mạn
được cọi là nặng khuynh hướng bi quan, thoát ly. Thế nhưng Xuân Diệu đã xuất
hiện trong phong trào Thơ mới với tất cả lòng say mê yêu đời, khao khát cảm
thông, đòi yêu và được yêu. Không mãi du dương trong cõi tiên như Thế Lữ, lên
tiếng chê trách trường phái thơ Loạn đương thời, Xuân Diệu, nói như Thế Lữ
trong Lời tựa tập Thơ thơ (1939): “Là người của đời, một người ở giữa loài
người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất cảu một tấm lòng trần gian…”.
Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn
Làm dây da quấn riết cả mình xuân
Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần
Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất.
Những bài thơ có tên Dâng, Mời yêu, Lạc
quan, Nụ cười xuân, Xuân không mùa,… Thơ này không thầm thì, không cốt thâm
trầm, mà thích kêu to, nói lớn, vì nó chân tình, thiết thay, say đắm nên
không ai thấy đôi khi nó cũng khá ào ạt:
- Mau mau với chứ vội vàng lên với chứ
- Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi…
- Em phải nói, phải nói và phải nói…
Vội vàng sống, giục giã yêu, tận hưởng giờ
phút hiện tại. Đời người ngắn ngủi, thời gian không đợi, chủ đề đó không mới
lạ, chuyện bỉnh chúc dạ du (cầm đuốc chơi đêm) xưa nay Đông Tây đã có, Nguyễn
Công Trứ đã cổ võ nó - nhưng phải chờ đến thơ mới và với Xuân Diệu mới có cái
say sưa, hối hả, quyết liệt này:
Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ
Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lọi
Thà một chút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Nếu có gì là “hưởng thụ” ở đây, thì không
phải theo nghĩa vật dục tầm thường, mà đó chỉ là biểu hiện của khát vọng được
sống, được hưởng hoa thơm trái ngọt của đời, của tình yêu. Mà yêu không phải
là hưởng thụ, nếu quan niệm khác đi e không tránh khỏi rơi vào chủ nghĩa khổ
hạnh, chấp nhận cái “buồn le lói suốt năm canh”, chấp nhận sốn tẻ nhạt, phí
phạm.
Nhà thơ đã thử “định nghĩa” tình yêu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…
(“Vì sao?”)
hay:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
(Yêu)
Không đúng chút nào! Tình yêu ở Xuân Diệu
không nhè nhẹ, hiu hiu, đau khổ có nhưng lòng nhà thơ không bao giờ nguội lạnh,
không chết, dù là một ít, mà sôi nổi, nồng nàn, cuồng nhiệt:
Như kẻ hành nhân quáng nắng thiêu,
Ta cần uống ở suối thương yêu;
Hãy tuôn âu yếm, lùa mơn trớn,
Sóng mắt, lời môi, nhiều thật nhiều.
[…] Trời cao treo nhử chén xanh êm;
Biển đắng không nguôi nỗi khát thèm;
Nên lúc môi ta kề miệng thắm,
Trời ơi, ta muốn uống hồn em!
(Vô biên)
Khát vọng giao cảm, yêu thương có một đối
tượng chắc chắn hơn là thiên nhiên. Với tình yêu, với thiên nhiên, Xuân Diệu
đều thiết tha say đắm như nhau. Ngôn ngữ dành cho thiên nhiên, ngôn ngữ của
thiên nhiên cũng là ngôn ngữ của tình yêu. Ở Với bàn tay ấy, chuyện tình yêu,
chuyện “bàn tay ấy ở trong tay” để lại dấu ấn suốt đời trong cái khoảnh khắc
thiên nhiên không bao giờ quên:
Một tối bầu trời đắm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ,
Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy.
Những lời huyền bí tỏa lên trăng,
Những ý bao la rủ xuống trần,
Những tiếng ân tình hoa bảo gió,
Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.
(Với bàn tay ấy)
Ở Hàn Mặc Tử là cái hồi hộp trong sự chờ đợi
ngây ngất: “Hoa lá ngây tình không muốn động - Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!”.
Ở Xuân Diệu không chờ đợi mà là một sự đuổi bắt, một cuộc giao tình có một
không hai giữa thiên nhiên, vạn vật:
Nguyệt lác đác tiếng nở giòn lách tách;
Lòng phơi phới chừng đợi cái ong châm…
Miệng thở ra hương, hương tỏa tình ngầm,
Hoa kỹ nữ đã mở lời trêu gọi…
Chàng gió lạ đi khuya ngoài khuất nẻo
Nghe tiếng thơm liều liệu đến tìm hương.
Cánh du lang tha thướt phất qua tường;
Áo công tử dải là vương não ruột.
Này hoa ngọc đã giật mình trắng muốt,
Thoảng tay tình gió vuốt - bỗng lao đao…
Hương hiu hiu nên gió cũng ngọt ngào
Hôn nho nhỏ mà đầu hoa nặng trĩu.
Người ta hay nói đến “khoảnh khắc thơ”, có
những khoảnh khắc tâm hồn cũng như những khoảnh khắc thiên nhiên. Nói khoảnh
khắc vì nó chỉ diễn ra ở một lúc nào đó và sẽ nhanh chóng trôi qua, mà chỉ có
câu thơ, bức họa, bản nhạc,… mới ghi lại tươi nguyên, sống động, níu giữ,
giành giật ra khỏi cái dòng chảy vô tình của thời gian. Những khoảnh khắc như
thế ta bắt gặp nhiều lần trong thơ Xuân Diệu:
Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.
(Thu)
Những “dây tơ” trong không gian mỗi người
hình như đã có dịp cảm thấy, nó mong manh biết bao, được thơ ghi lại thì nó
còn lại mãi:
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
(Chiều)
Cũng như khoảnh khắc trăng này - thơ về
trăng thì cũng không ai qua được Xuân Diệu:
Bâng khuâng chân tiếc dậm lên vàng,
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang,
Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá,
Và làm sai lỡ nhịp trăng đang.
Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh
Cho giói du dương điệu múa cành
Cho gió đượm buồn thôi náo động
Linh hồn yểu điệu của đêm thanh.
(Trăng)
Trẻ trung, sôi nổi, thơ Xuân Diệu đặc biệt
gần gũi với tuổi trẻ đương thời. Điều này do tạng người, tạng thơ của Xuân Diệu,
nhưng có lẽ còn có gốc gác trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Xuân Diệu bắt
đầu làm thơ thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), có được một chút tự
do nào đó cho phép người ta hy vọng. Có bài lấy tên Lạc quan:
Vườn cười bằng bướm hót bằng chim
Dưới nhánh không còn một chút đêm
Những tiếng tung hô bằng ánh sáng
Ca đời hưng phục trẻ trung thêm.
(Lạc quan)
Ta thấy không chỉ lạc quan do trời đất đưa
lại mà còn do “đời hung phục” - một cách nói rất thời thế.
Nói chung, âm hưởng chính của thơ mới là buồn,
cô đơn, Xuân Diệu cũng không tránh khỏi tình trạng chung. Dù sao lòng yêu đời,
khát vọng sống thì không bao giờ tắt ở nhà thơ:
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng…
Thế còn nỗi buồn trong thơ mới và ở Xuân Diệu?
Nó có đó, nhưng là mặt trái của lòng yêu đời, của những say mê không được đáp
ứng. Nhà thơ đã mượn chuyện hoa lá để ngụ chuyện đời, chuyện mình:
Hoa ngỡ đem hương gởi gió hiều,
Lá truyền tin thắm gọi tình yêu.
Song le hoa đợi càng thêm tủi:
Gió mặc hồn hương nhạt với chiều.
(Gửi hương cho gió)
Nhà thơ đã ví mình như một thứ kim loại dễ
dàng chịu sức hút của muôn vật muôn loài:
Tôi chỉ là cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm,
Nếu hương đêm say dậy với trăm rằm.
Sao lại trách người thơ tình lơi lả?
(Cảm xúc)
Chính lòng yêu đời, nhạy cảm đã giúp nhà
thơ cảm nhận ra những mối tương giao thầm kín, sự giao hòa, hô hứng giữa sự vật
với nhau và với con người. Về mặt này Bôđơle đã có ảnh hưởng đáng kể đến Xuân
Diệu. Tâm hồn nhà thơ như hút vào sự vật, lắng nghe bản hòa tấu âm thầm, “huyền
diệu” giữa màu sắc, hương vị, âm thanh:
Này lắng nghe em khúc nhạc hường
Dẫn vào thế giới của Du dương
Ngừng hơi thở lại, nghe trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương.
(Huyền diệu)
Thơ tư duy bằng ấn tượng, bằng âm điệu, bằng
trực cảm, bằng liên tưởng, phát hiện ra mối liên hệ giữa các sự vật tưởng như
vô can, cách xa nhau - cũng là một cách nhận chân tính thống nhất trong tính
đa dạng của thế giới bên ngoài cũng như bên trong con người. Đó cũng là cái
huyền diệu cảu tâm hồn thi nhân và từ sự sống đi vào thơ ca. Bài thơ vừa
trích ở trên lấy tên là Huyền diệu. Cái huyền diệu cũng đạt tới được nhờ ngôn
ngữ say nồng, táo bạo, cho đến bây giờ vẫn là mới và rất sáng tạo, chả trách
mà đương thời có người chê Xuân Diệu là Tây, là lai căng, mất gốc! Nhưng bây
giờ thì đã rõ, tư duy ấy, cảm xúc ấy là phải đi với ngôn ngữ ấy, không thể
khác được. Nhan sắc ơi, bình minh quá, tháng giêng cười, tuôn âu yếm, lùa mơn
trớn, rượu nơi mắt, gấm trong lòng, chùm mong nhớ, khóm yêu đương, hoa kỹ nữ,
gió phong lưu, tình thổi gió, trăng mối lái, trăng vú mộng, tắt nắng đi, buộc
gió lại,… đó là ngôn ngữ, đó cũng là tâm hồn Xuân Diệu. Còn những cách nói
lúc đầu nghe lạ tai: Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm - Non xa khởi sự nhạt
sương mờ - Hơn một loài hoa đã rụng cành thì lại là cách nói bình thường, chẳng
phải của riêng một nước nào, mặc dầu nguồn gốc “Tây” của nó là điều không ai
phủ nhận.
Xuân Diệu có bài Cảm xúc có thể xem như là
một thứ tuyên ngôn của thơ mới:
Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây.
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến.
Đây là quán tha hồ muôn khách đến;
Đây là bình thu hợp trí muôn hương;
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương,
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc…
(Cảm xúc)
Ru với gió, mơ theo trăng, để linh hồn ràng
buộc bởi muôn dây, bởi muôn tình yêu mến, đó là thân phận muôn đời của thi
sĩ. Cái vườn thơ cho chim đến nhả hạt mười phương cũng là điều đáng mong ước
cho sự giàu có của thơ ca Việt Nam. Tất nhiên không nên để cho những trái độc
chen vào khu vườn đầy hương sắc ấy.
Cách mạng đến với Xuân Diệu như là lời giải
đáp cho bao nhiêu chờ đợi thiết tha cảu anh. Không ngạc nhiên trong số các
nhà thơ mới đứgn ngay vào hàng ngũ cách mạng, Xuân Diệu là người hưởng ứng nhạy
nhất, với Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông, Mẹ con,… chứng tỏ giữa hai giai đoạn
sáng tác giữa trước và sau Cách mạng không phải chỉ có đứt mà còn có sự nối
tiếp.
(In trong Thơ mới – những bước thăng
trầm,
NXB TP. HCM, 1988)
LÀ THI SĨ… NGHĨA LÀ LAO ĐỘNG
Thép Mới
Xúc động đến với chúng ta thật đột ngột,
khi nghe tin anh Xuân Diệu mất, vì sức viết, sức nghĩ của anh còn xuân lắm
cho đến gần đây, làm không ai tưởng anh đã đến gần tuổi thất thập.
Một nửa thế kỷ lao động nghệ thuật không mệt
mỏi, vì con người và đất nước này, riêng một điều đó cũng đủ làm cho tất cả
chúng ta kính cẩn nghiêng mình.
Khi anh vừa mất, anh Tế Hanh viết cho chúng
tôi: “Chúng ta vừa mất một trong những nhà thơ lớn nhất hiện nay của dân tộc.
Trước Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu xuất hiện trong phong trào Thơ mới như một
ngôi sao sáng chói”.
Tôi không đủ thẩm quyền để đánh giá cả một
sự nghiệp thơ của anh. Tôi cảm giác bậc đàn anh trong văn học bằng cảm xúc
còn giữ mới nguyên của lớp bạn đọc trẻ đương thời. Đối với lớp bạn đọc đầu
tiên đọc Xuân Diệu giữa một hoàn cảnh xã hội cuối những năm ba mươi, đấu
tranh xã hội, đấu tranh dân tộc và đấu tranh của một tầng lớp đông đảo thế hệ
trẻ chống lại ràng buộc, kìm kẹp của chế độ đại gia đình và lễ giáo phong kiến,
tất cả xen kẽ nhau. Xuân Diệu kích động sự nổi dậy sâu xa của cá nhân, tự khẳng
định quyền sống của mình, sự dám sống, sự nhiệt thành đối với cuộc sống. Mục
tiêu còn chưa rõ nhưng khát vọng thật mãnh liệt. Cảm hứng của Xuân Diệu rất gần
đời thường, làm rõ ý thức một khao khát mới phổ cập của tuổi trẻ đương thời,
chưa đi vào những dòng cảm hứng cao siêu, hay thoát ly thực tại, hay tìm quên
trong men say và mây khói. Ảnh hưởng của Xuân Diệu có thể nói là hoàn toàn
lành mạnh. Tôi có cảm tưởng là phần đông người trẻ đọc Xuân Diệu đều đi vào
cách mạng.
Giữa lúc chủ nghĩa xã hội thế giới đang tìm
phương án tối ưu để kết hợp sức mạnh đầy tính ưu việt của chủ nghĩa tập thể với
phát huy tính chủ động của cơ sở và giải phóng sức sáng tạo của các nhân, lấy
con người làm trung tâm, là chủ thể của cách mạng, lấy sự phát triển hài hòa
của từng cá nhân con người làm mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản, riêng tôi biết ơn mỗi vệt văn học đã giúp mình ý thức được
mình và dám là mình.
Xuân Diệu đã gặp cách mạng từ cuối năm 1944
và sau Cách mạng tháng Tám, tôi bắt đầu được gặp anh tại các cuộc họp và nhất
là trong các nhà in, cùng nhau đi nhà in in báo và tạp chí, tôi giữ mãi hình ảnh
rất đáng quý là một nhà thơ mà thế hệ trẻ chúng tôi yêu mến đã dấn thân.
Thơ anh ngay từ mùa thu năm đó, đã là tiếng
ca vang của Cách mạng tháng Tám. Sau lễ Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, anh về
căn gác nghèo ở giữa Hàng Bông viết Ngọn quốc kỳ. Sau ngày 23 tháng 9 năm
1945, vào dịp kỷ niệm năm năm Nam Kỳ khởi nghĩa, anh nói chuyện ở Câu lạc bộ
Đoàn kết về Miền Nam nước Việt và người Việt miền Nam. Buổi nói chuyện xúc động
đến nỗi Nguyên Hồng ngồi xổm trên cửa sổ đứng dậy hô lớn “Đảng Cộng sản Đông
Dương muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”. Sau Tổng tuyển cử đầu
tiên 6-11-1946, anh lại ra tập thơ Hội nghị non sông chào mừng kỳ họp thứ nhất
Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một nét nhỏ mà tôi
chứng kiến làm chúng ta càng hiểu Xuân Diệu thêm. Đầu năm 1946, núp dưới bóng
quân Tàu - Tưởng, bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức biểu tình chống
lại chính quyền nhân dân, lần đầu tiên Xuân Diệu làm thơ châm biếm chửi bọn
phản cách mạng trơ tráo. Và bài thơ đó, anh đã gửi đăng báo Sự thật - là cơ
quan báo tuần hay kỳ của Đảng tư lúc bấy giờ. Bọn phản động thù ghét anh từ đấy.
Anh đâu có sợ bọn bắt cóc, tống tiền, ám sát, thủ tiêu ngầm, hèn nhát. Một buổi
sáng, ở góc Bờ Hồ đầu Tràng Tiền, Hà Nộ, lại gặp một bọn biểu tình phản cách
mạng cờ sao xanh, hao hao giống cờ mặt trời xanh của Tưởng Giới Thạch mà đồng
bào ta thời đó gọi rất dí dỏm là cờ rulíp (líp xe đạp), Xuân Diệu lại hòa với
dòng đồng bào hô đả đảo chúng nó. Thế là chúng nó xông lại đánh anh và quẳng
xe đạp của anh xuống Hồ Gươm. Anh vớt xe đạp lên, đạp về nhà, lại làm thơ
châm biếm chửi chúng nó và đem đến đăng ngay trên báo Sự thật.
Sự cộng tác bền chặt của anh với báo Đảng bắt
đầu từ những ngày rực lửa đó. Tiếc thương vô hạn một cộng tác viên thân thiết
và chí tình có bốn chục thâm niên. Tôi nhớ mãi vào năm 1962, ngồi đò xuôi
sông Đà từ Hòa Bình về Hà Nội, nhặt được một tờ Nhân Dân có đăng ảnh Lê Quang
Vịnh, anh ngồi đò làm bài thơ Nụ cười Lê Quang Vịnh và rời bến Phà Đen là
phóng xe ngay đến báo Nhân Dân, gửi đăng bài thơ. Trong 12 ngày đêm giặc Mỹ
dùng máy bay B52 ném bom xuống Hà Nội, bom chưa dứt, anh đã đến cộng tác với
chúng tôi xây dựng mục Hà Nội - Điện Biên Phủ.
Xuân Diệu không phải chỉ là tác giả của
hàng chục tập thơ, từ Thơ thơ in năm 1939, mà còn là tác giả nhiều tập thơ dịch
của thi đàn thế giới rất có giá trị. Xuân Diệu còn là một bậc thầy về văn xuôi.
Tập văn xuôi Phấn thông vàng của anh, đứng về văn xuôi mà xét, chuyển dần
ngôn ngữ của ta sang dòng văn khơi động tình cảm cách mạng sau Cách mạng
tháng Tám. Tế Hanh đánh giá anh là cây bút viết tiểu luận tài năng bậc nhất của
chúng ta. Nhiều thế hệ bạn đọc còn vui sướng đọc mãi những tập khảo bình với
phong cách rất Xuân Diệu, nâng cao sự thưởng thức của người đọc, về một loạt
các nhà thơ cổ điển.
Tấm lòng của anh đối với văn học, với văn học
Việt Nam, thật đáng quý, đáng học.
Trước khi mất, anh còn theo dõi từng giờ hội
nghị các nhà văn trẻ, cứ hỏi anh em xung quanh xem bản tham luận viết sẵn của
anh đã được trình bày với bạn văn trẻ chưa. Tham luận của anh đặt một vấn đề
đáng suy nghĩ chẳng phải chỉ riêng trong lĩnh vực thơ: “Làm thơ phải uyên bác”.
Đây là một lời nói cuối cùng của anh:
“Chao ôi! Chúng ta làm việc còn ít quá,
chúng ta yêu thơ văn của dân tộc còn thiếu sót quá. Thơ của chúng ta mấy chục
năm nay đã hay rồi, tuy nhiên theo tôi thì, nếu chúng ta tiếp nhận đầy đủ sâu
sắc hơn nữa cái vốn truyền thống của cha ông thì thơ hiện kim của ta còn có
thể hay hơn nữa”.
Sâu gốc, bền rễ, bất chấp phong ba bão táp,
trong trồng người, trồng thơ, đạt đến những tầm cao mới. Chúng tôi nghe anh
mà quý anh thêm. Chao ôi, chính anh còn tự trách mình làm việc còn quá ít.
Là thi sĩ… nghĩa là lao động.
(In trong báo Nhân Dân, ngày
21-12-1985)
NHÀ THƠ XUÂN DIỆU
Phạm Tiến Duật
Tôi muốn viết về anh bằng những lời nồng
nhiệt. Không phải chỉ là để mừng anh, người vừa được phong tặng một tước vị
cao quý: Viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật của nước Cộng hòa Dân chủ Đức, một
Viện Hàn lâm nổi tiếng với những tên tuổi Đức và những tên tuổi lừng danh
trên thế giới: L. Aragông, P. Nêruđa, J. Amađô, R. Anbécti, C. Ximônốp, M.
Sôlôkhốp và nhiều người khác. Tôi muốn viết về anh bằng ngôn ngữ của trái
tim, không phải chỉ vì trong lòng rưng rưng một niềm quý trọng và khâm phục,
mà còn vì một lẽ rất giản dị: Suốt nửa thế kỷ qua, hầu như ngày nào Xuân Diệu
cũng viết, đến nay đã mấy nghìn trang sách, thế mà hầu như không có một dòng
nào thờ ơ, không có một dòng nào lãnh đạm. Xuân Diệu không khi nào nói để mà
nói, viết để mà viết. Trong ngôn ngữ của anh, khi cởi mở, khi cay nghiệt, lúc
tỉnh táo, lúc mê say, luôn luôn đập một trái tim trung thực, luôn hồi hộp một
nỗi niềm khám phá. Tất cả sự lớn lao của Xuân Diệu bắt đầu từ cái lẽ giản dị
sâu sắc ấy.
Tôi muốn bao quát anh dầu không thể như bao
quát một bộ phim dài. Chặng đường anh đã qua là một chặng đường mà trên đất
nước và trên hành tinh này đã xảy ra bao biến cố lớn lao. Năm anh sinh ra
(1917) trùng với năm có cái tiếng nấc hạnh phúc của thế kỷ, năm Cách mạng
tháng Mười Nga thành công. Dầu cho, phải nhiều nhiều năm sau đó Xuân Diệu mới
lớn lên, rồi tiếng sóng biển gần nhà cha mẹ ở Quy Nhơn, đêm trăng thành Huế,
chiều tà Hồ Tây, rồi còn yêu, còn buồn, còn thương, dầu thế đi nữa thì bão
táp cách mạng cứ đến như một quy luật không thể cưỡng được. Xuân Diệu là một
trong những nhà thơ lãng mạn sớm nhất biểu lộ niềm reo vui trước Ngọn quốc kỳ,
trước Hội nghị non sông. Và từ ấy, anh không chỉ là nhà thơ của tình yêu mà
thực sự trở thành một người hoạt động xã hội tích cực phục vụ cách mạng, phục
vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Anh được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I
(1946-1960). Anh làm báo, làm xuất bản, làm cán bộ tuyên truyền, làm công tác
đào tạo nhà văn. Anh là một trong những hạt nhân tích cực tham gia việc chuẩn
bị và thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Anh viết báo, viết sách với nhiều thể
loại à đến với các vùng đất từ miền núi cao Tây Bắc, Việt Bắc đến chót mũi Cà
Mau, làm thơ, đoc thơ và diễn thuyết trước công chúng. Chỉ tính trong vòng
hai năm 1970, 1971 anh đã nói chuyện về thơ Bác đến hai trăm năm mươi buổi.
Anh góp phần không nhỏ trong các hoạt động văn hóa, hoạt động ngoại giao,
phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với nhiều dân tộc anh em trên thế giới.
Anh là người mơ mộng nhưng cũng là người hiện thực, con người anh là con người
thơ, và cũng là con người của Đảng. Tất cả nhuần nhuyễn trong anh như miền
quê cha Hà Tĩnh khắc nghiệt và miền quê má Bình Định phóng khoáng, nhuần nhuyễn
trong anh.
Nhưng, nói như Xuân Diệu: “Sở dĩ
thành chuyện là vì tác phẩm hay, cho nên người phê bình đi vòng quanh thế nào
rồi cũng phải quay về trung tâm là tác hẩm tức là hồn của tác giả, sự nghiệp
đóng góp của tác giả’. Thế mà, muốn chiếm lĩnh được tác phẩm của Xuân Diệu
đâu phải việc dễ: một khối lượng sách đồ sộ với năm chục tập và bao nhiêu bài
báo từ mấy chục năm nay, trong số đó có đến mười sáu tập thơ, gần hai chục tập
phê bình và tiểu luận. Chỉ tính riêng các tác phẩm phê bình viết về các nhà
thơ cổ điển Việt Nam anh đã viết gần mấy chục vạn chữ! Năm chục tập sách kia
có phải đâu là năm chục thùng gạo mà tôi có thể thu nhỏ lại thành rượu! Nó vốn
dĩ là rượu rồi, nếu cố gắng chưng cất một lần nữa thì cùng lắm, sẽ thành một
thứ cồn, mất hết cả hương vị thiên nhiên. Chỉ có thể rút ra ngay một nhận xét
rằng tất cả các tác phẩm của Xuân Diệu đều có một phẩm chất chung, dầu đây là
thơ hay là văn, nghiên cứu hay dịch thuật, phẩm chất chung ấy là sự không nửa
vời, là sự đi đến cùng của những thôi thúc, sự làm kỳ được của những mục
tiêu. Anh đã không nói về vấn đề gì thì thôi, đã nói là nói cho lọn nghĩa chữ,
lật phải, nói rồi nói nữa, kỳ cho đến lúc ngôn ngữ tới được người nghe. Cũng
bởi vậy, ở gần Xuân Diệu có thể có lúc ta cảm thấy khó chịu: Anh không chịu
nhân nhượng. Nhưng đấy cũng là đặc điểm làm cho ta kính trọng. Anh là một
trong những người có tài và quyết liệt nhất, bằng thơ, tấn công vào lề lối
thơ mòn sáo và trí tuệ của thứ thơ hủ nhỏ thời đó. Xét về mặt hình thức nghệ
thuật, thắng lợi của phong trào Thơ mới là thắng lợi của một cuộc cách mạng về
thơ mà ngay cả Tố Hữu cũng ủng hộ, dầu không cùng một tư tưởng với phong trào
ấy. Thơ ca Việt Nam, ngoài kho tàng ca dao, sau sự cách tân của Nguyễn Trãi,
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, trước thơ mới, chưa từng có một cuộc cách tân nào lớn
đến như thế. Phải nói thêm rằng, những đóng góp của thơ mới chỉ có ý nghĩa thực
sự khi nó trở thành phương tiện của một tư tưởng mới và được phát huy lên vào
giai đoạn lịch sử kế tiếp - giai đoạn cách mạng và kháng chiến. Ngoài sự cách
tân về lối nói, đặc biệt là sự phát triển về thể loại, thơ mới có những hạn
chế không nhỏ. Kể từ Cách mạng tháng Tám 1945, thời đại mới đã mở ra một con
đường lớn cho các tài năng, trong đó có Xuân Diệu tiếp tục khám phá, sáng tạo.
Anh đã mở rộng cảm xúc, mở rộng đề tài, mở rộng lối nói và cũng lại đứng trên
bảng đầu của sự đóng góp cùng với những tên tuổi hàng đầu: Tố Hữu, Huy Cận,
Chế Lan Việt, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi và nhiều anh chị khác là những nhà thơ
của cách mạng. Trong năm chục tập sách của Xuân Diệu chỉ có hai tập thơ, tập
thơ văn xuôi Trường ca và tập truyện ngắn Phấn thông vàng là được viết trước
năm 1945. Phần lớn tác phẩm trong đó có những tác phẩm giá trị nhất, Xuân Diệu
đã hoàn thành trong lòng chế độ mới.
“Trong hoàn cảnh một nước nông nghiệp lạc hậu
lâu đời, mất độc lập trong nhiều thế kỷ, bị phong kiến và đế quốc bóp nghẹt,
chúng ta cần phải có cái bụng liên tài, yêu mến những tài năng ấy, thấy tài
năng ở đâu là hết lòng trân trọng, quý báu”. Xuân Diệu đã tâm sự như thế và
đã làm như thế một cách mê say. Anh đã có công khám phá cái hay, cái đẹp của
người xưa, người nay và nhiệt tình giới thiệu cho công chúng trong nước và
ngoài nước cùng anh ngưỡng mộ. Anh góp phần không nhỏ trong việc ‘chính thức
rước lên đàn cao vinh dự của những thiên tài loài người” những tên tuổi lớn
như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du.
Với trường hợp Nguyễn Trãi, tôi phải ca tụng anh
bằng một lời nói đã được suy nghĩ kỹ càng, phải có một nhãn lực như anh mới
có thể nhìn xuyên thủng tầng bụi dày đặc của sáu thế kỷ, với bao nhiêu từ cổ
đã trở thành tối nghĩa, với bao nhiêu dị bản phải sàng lọc, mới có thể trích
ra được những câu vô giá như vậy, chứ chưa nói chi đến việc công phu cẩn trọng
bình giá. Anh đã trả lại giá trị thực cho Hồ Xuân Hương, một trường hợp mà
trước đó không phải dư luận đã nhất trí đánh giá. Anh đã mạnh dạn gọi Hồ Xuân
Hương là Bà Chúa Thơ Nôm và công chúng đã đồng tình với anh. Có thể nói, Xuân
Diệu là người đã phát hiện ra nhà viết tuồng Đào Tấn và triển lãm cái hay của
ông tổ tuồng này bằng giấy trắng mực đen. Còn bao nhiêu công trình mà tôi,
trên một bài báo ngắn, không thể nhắc tới. Nhưng phải nói thêm rằng, Xuân Diệu
không chỉ làm sống lại những tác phẩm của quá khứ mà còn cố gắng làm sống lại
các nhân vật của quá khứ. Anh không nhìn những vĩ nhân của văn học ấy như những
thiên thần, mà nhìn họ như những người trần mắt thịt, và như vậy, đã làm họ cử
động được. Thuật phê bình của Xuân Diệu là từ mắt xanh Xuân Diệu đã đành,
nhưng cũng phải nói thêm là anh đã học được lối nghĩ khúc chiết của phương
Tây và kết hợp với cách cảm thụ tinh vi của phương Đông - ví dụ như cách cảm
thụ của nhà phê bình đại tài đời Thanh: Kim Thánh Thán. Và do vậy, giọng văn
phê bình của anh vừa tỉnh táo vừa đam mê: “Trời đất ơi! Tú Bà nói không đầy nửa
phút, mà bọt mép của mụ văng ra mãi đến ngàn năm! Tưởng như mụ đã xé xác người
ta rồi, cái con hổ cái! Tưởng như mụ nói rách cả trang giấy Truyện Kiều!”.
“Chiêu Hổ thì có vợ có con, yên cửa yên nhà, tốt thân tốt thế, quan lớn, sống
lâu! Còn Xuân Hương thì lận đận long đong, chưa ra bề nào! Ha, những lời đùa
như thế, giữa hai người tài tử, ai đắng hơn ai?” những câu văn có tim có óc
như thế trong các tác phẩm phê bình của Xuân Diệu thật nhiều, tôi cứ tùy tiện
trích ra để rồi tôi cảm động lại về trái tim giàu cảm động ấy.
Tôi chưa nói gì về những công trình dịch
thuật của anh, một khối lượng và một công lao không nhỏ. Tôi cũng chưa nói gì
về các tập bút ký sinh động của anh.
Nhưng thôi, tôi tự nhủ, anh là một cái nhà
máy đang làm việc, một cái xe đang chạy, một cái cây to đang còn nảy lá. Anh
còn đang chuẩn bị cho ra đời những tập sách mới. Kho tàng thơ của anh còn mấy
trăm bài thơ tình chưa công bố. Tôi chỉ có đôi lời nôm na nhưng kỹ lưỡng của
một người chiến sĩ văn nghệ ở thế hệ đi sau anh, ngưỡng mộ anh, học tập anh
và chờ đợi anh. Đã là sự sống có nghĩa là say mê, có nghĩa là sáng tạo. Chính
Xuân Diệu đã nói như vậy.
Sự sống chẳng bao giờ chán nản.
(In trong báo Văn nghệ, số 39, tháng
9-1983)
Nguồn: Xuân Diệu - Vây giữa tình yêu.
Tác giả: Hà Minh Đức. Nghiên cứu, trò chuyện và ghi chép về thơ Xuân Diệu.
NXB Văn học, 2013.
Hà Nội, 9-1-1983
Hà Minh Đức
Theo http://trieuxuan.info/
|
eva airlines
vé máy bay đi mỹ hãng eva
korean air booking
vé máy bay giá rẻ đi mỹ khuyến mãi
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Du Lich Tu Tuc
Tri Thuc Du Lich