Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Lược khảo thơ mới và thơ tự do

Lược khảo thơ mới và thơ tự do
Sau khi đăng bài Lược Khảo NGUỒN GỐC THƠ MỚI, có một bạn thơ gửi đến bài "Góp Ý Về Thơ Mới" ký tên Thất Trí Lang «xin mạn phép đóng góp vài ý kiến mọn riêng của một kẻ yêu thơ». 
HLN nghĩ âu cũng là một điều hay vì vô hình chung bài "góp ý" lại góp phần thú vị không nhỏ cho dự định viết tiếp về Thơ Mới và Thơ Tự Do của mình, do đó xin được dẫn nhập bằng sự góp ý của người bạn thơ, chưa quen biết. Bạn Thất Trí Lang viết:
«Trong lời chú giải về hai chữ "Thơ Mới", HLN phân biệt Thơ Mới và Thơ Tự Do và ghi rõ rằng "Thơ Tự Do xuất hiện sau Thơ Mới tức là còn "mới " hơn Thơ Mới nữa .
Theo thiển ý, tỉnh từ "mới" chỉ có nghĩa trong một khoảng thời gian nào đó nhất định, hoặc khi mang tính cách so sánh. Thí dụ: Cái áo mới may hồi năm ngoái, song vẫn còn mới so với cái áo may ba năm về trước.
Hơn nữa, từ ngữ "Thơ Mới" quá bao quát, được đặt ra trong khuôn khổ của một cuộc đấu trí giữa những nhà thơ bảo thủ và những thi sĩ chủ tiến. Ngay đến lý do của sự xung đột "Thơ Mới – Thơ Cũ", mặc dù khía cạnh nội dung của một bài thơ được đề cập đến, cái khía cạnh hình thức, lề luật, niêm vận hầu như là đề tài chính yếu.
Thoát khỏi khoảng thời gian 1932 – 1941 của chín năm bút chiến, từ ngữ Thơ Mới trở nên trống rỗng và phải chăng do đó mới xuất hiện các từ ngữ thay thế: Thơ Buông, Thơ Giải Phóng, Thơ Tự Do.
Từ ngữ Thơ Buông do Nguyễn Hiến Lê đặt ra còn mang tính cách so sánh với các thể thơ cũ, chưa vượt được bức tường thời gian. Từ ngữ Thơ Giải Phóng thì lại mang một đặc tính liên quan đến một quá khứ rất gần mà người Việt tha hương khó lòng chấp nhận, dù hai chữ "giải phóng" bao hàm sự tự do mà chúng ta đòi hỏi.
Còn lại từ ngữ Thơ Tự Do, có thể thuận tai, thuận ý phần nào hơn, lại không mang ảnh hưởng thời gian và bao gồm được sự khác biệt đối với các thể thơ trước.
Do đó cần được định nghĩa rằng "Thơ Tự Do" bao gồm tất cả các "thể" thơ không nhất định và không mang hình thức của các thể thơ cũ, nghĩa là dưới khía cạnh luật lệ, thơ Tự Do rất là … tự do. Cái sự tự do trong hình thức và niêm luật ấy tất nhiên dễ dãi hoá việc sáng tác một bài thơ. Song nếu ta xét sâu hơn, chính sự tự do ấy, chính cái sự dễ dãi ấy biến thành cái khó khăn trong việc sáng tạo để một bài thơ Tự Do được khác biệt với một bài văn xuôi. Làn ranh giữa thơ Tự Do và văn xuôi tựa như kẽ tóc.
Tự do trong hình thể để phần nội dung được bộc khởi một cách sâu đậm hơn, để cái ý cảnh được kết tạo với đầy đủ ý nghĩa và phát biểu được nội tâm của tác giả, có nghĩa là vứt bỏ đi những gò bó khắt khe của các thể thơ xưa.
Song, dù có chấp nhận các mức tự do trong việc sáng tác đến độ bỏ các vần đi nữa, ta có thể nghĩ rằng một bài thơ Tự Do ít ra phải còn âm điệu. Chính cái âm điệu ấy là làn ranh cỏn con giữa văn xuôi và thơ Tự Do, vì một câu hay cả một đoạn văn xuôi có thể mang âm điệu rất "nên thơ".

Âm điệu là vết son cuối cùng mà ta không thể xoá đi, để một bài thơ còn có thể được gọi là Thơ.
Cái khó trong việc sáng tạo một bài thơ Tự Do, dưới cái nhìn của nhà thơ, phải chăng là việc phải tự mình đúc kết niêm luật đặc biệt cho từng bài thơ được sáng tác, để cho hình thể và âm điệu của bài thơ hoà hợp với nội dung hầu gợi được cái ý cảnh một cách linh động hơn. 
Một tuyệt tác thi văn là một bài thơ mang sự hoà hợp giữa linh hồn của bài thơ cùng lớp võ bên ngoài.
Ta nhận thấy thể Thất Ngôn Bát Cú hoà hợp với ý thơ châm biếm chua cay, diễu cợt và các thể Lục Bát, Ca Dao lại rất đặc sắc để tả cảnh, tả tình. Ý thơ hùng hồn thường được biểu lộ qua thể thơ Tám Chữ.
Sáng tạo một bài thơ không thể là một cuộc ghép chữ, ghép vần theo niêm luật hay không.
Sáng tạo một bài thơ là tìm cách phát biểu cái chiều sâu của tâm hồn qua lời thơ được kết dựng theo hình thức và âm điệu hoà hợp với ý tưởng.
Ta có thể nghĩ rằng, ngày xưa hình thức, niêm luật, âm điệu do một người hay một nhóm người đặt chế ra cho từng thể thơ. Ngày nay, nhà thơ hưởng trọn quyền đúc kết, vừa phần hồn, vừa phần xác của bài thơ vậy.
Thơ Tự Do, chẳng qua là bước tiến tự nhiên của mỗi nền thi văn để vượt khỏi những sự gò bó, áp bức hủ thời.
Trên đây là ý kiến eo hẹp của một kẻ yêu chuộng thi văn. Nếu có điều chi sơ xuất xin đa tạ những lời chỉ giáo.».
(Thất Trí Lang)
Cho đến ngày nay, nền thi ca Việt Nam vẫn tạm được chia ra làm hai loại rõ ràng: Thi Ca Bình Dân và Thi Ca Bác Học. Thi Ca Bình Dân là danh xưng chung cho các văn vần như Ca Dao, Tục Ngữ hay Ngạn Ngữ, Thành Ngữ, Phong Dao … Thi Ca Bác Học là tụ điểm của các loại văn vần như Lục Bát, Song Thất Lục Bát (và các biến thể của hai thể thơ này), Thơ Đường-Luật, Thơ Mới và Thơ Tự Do. Trong loại Thi Ca Bác Học lại được phân giới làm hai phần: Phần quốc túy gồm Lục bát, Song Thất Lục Bát … (xuất xứ từ Ca dao, Tục Ngữ …) và phần vay mượn gồm các thể thơ Đường-Luật (ảnh hưởng Thơ Tàu), Thơ Mới và Thơ Tự Do (ảnh hưởng Âu Tây).
Tại sao lại có sự phân biệt như vậy?
Xin thưa là để chúng ta có được cái nhìn dễ dàng, mạch lạc về Thi Ca Việt Nam nói chung, Thi Ca Bác Học nói riêng, trong tiến trình lịch sử hình thành nó. Bài Lược Khảo NGUỒN GỐC THƠ MỚI, bài “Góp Ý “của Thất Trí Lang mà bài nầy rút ý nằm trong một phần của nền Thi Ca Bác Học:
THƠ MỚI là THƠ TỰ DO hay THƠ MỚI và THƠ TỰ DO?
Trong mấy hàng đầu của bài “Góp Ý", Thất Trí Lang đã tách chữ MỚI trong từ ngữ THƠ MỚI ra thành tỉnh từ và cho nó một giá trị “một khoảng thời gian nào nhất định, hoặc khi mang tính cách so sánh. Thí dụ: cái áo mới may năm ngoái, song vẫn còn mới so với cái áo may ba năm về trước ». Sự tách rời đó, thiết nghĩ đã tạo nên sự hiểu lầm về hai tiếng Thơ Mới. Ấy vì, kinh qua 9 năm tranh đấu để thành một thực tại trên thi đàn, theo thiển ý, chữ Mới trong Thơ Mới đã chuyển từ tỉnh từ sang danh từ và trở thành hợp danh khi đứng cạnh chữ Thơ trong Thơ Mới, cùng lúc mất đi tính chất “thời gian nhất định “trong “cái áo mới". Thí dụ: Xóm Mới, Chợ Mới, Cầu Mới. Trong ba cái tên nầy, chữ Mới có còn là tỉnh từ hay không? hay ba cái tên nầy đã trở thành hợp danh cho mỗi địa danh mà ngưới ta không thể tách rời, cắt bỏ một trong hai chữ, nếu như người ta không muốn những chữ nầy chỉ còn lại cái nghĩa phổ thông. Tóm lại, theo tôi, khi nói tới Thơ Mới ta phải hiểu như khi ta nhắc đến Đồng Nai, Sóc Trăng, Vũng Tàu … hay Côte d' Ivoire, Ile de Réunion …
Kế đó, để lót đường cho phần “góp ý “còn lại, thi hữu Thất Trí Lang (TTL) viết:”… Ngay lý do của cuộc xung đột Thơ Mới – Thơ Cũ mặc dù khía cạnh nội dung của một bài thơ được đề cập đến, cái khía cạnh hình thức, lề luật, niêm vận hầu như là đề tài chính yếu ». Không hiểu vô tình hay cố ý, TTL đã không dẫn chứng cho những khía cạnh nêu trên. Thành thử sự kiện đó có phần nào “quá bao quát “- lời của TTL – và phiến diện chăng? vậy để vấn đề được thêm minh bạch, chúng ta thử cùng xét sơ qua ba tâm điểm là Nội Dung, Hình Thức và Niêm Luật (ba yếu tố không thể thiếu của Thơ) của cuộc biến động Thơ Mới – Thơ Cũ. 
Ai ai đều công nhân rằng, trước ngày Thơ Mới xuất hiện, nội dung (tư tưởng) của Thơ Cũ không thoát vòng Tam Giáo (Nho, Phật, Lão); hình thức quanh quẩn trong vòng Cổ Phong, Thất Ngôn và Ngũ Ngôn, Tứ Tuyệt và Bát Cú; niêm luật thì ép xác trong Bằng, Trắc, Điển, Đối, Phá, Thừa, Thực, Luận, Kết của Đường-Luật. Cho đến ngày Thơ Mới ra đời và gây xáo trộn thế nào thì chúng ta đã biết qua bài Lược Khảo Nguồn Gốc Thơ Mới (LKNGTM), tuy nhiên, trong LKNGTM tôi chưa đào sâu chi tiết tác động nên sự khước từ cái cũ của lớp người “Thơ Mới ", chịu chiều gió tư tưởng đến từ phương Tây; để người đọc nhận chân được cơn biến động Thơ Mới – Thơ Cũ không thuần là một “cuộc đấu trí nặng phần hình thức, lề luật và niêm vận “mà là một biến cố văn hóa phát nguyên từ những ray rứt nội tâm. Vậy nhân đây, xin được bàn thêm:
Có người đã nói “từ ngày có cái cối xay bột là có một chế độ về Chủ và Thợ ». Rút từ ý đó, ta có thể đồng ý với tác giả Nhà Văn Hiện Đại, Vũ Ngọc Phan, khi ông viết. «từ ngày người việt nam biết dùng ngòi bút sắt, biết cắt tóc, để răng trắng và biết dùng các thứ của phương Tây là ngày nền Thi Ca Việt Nam có những nguồn mới, những từ mới. Sinh hoạt thay đổi, nguồn hứng và sự diễn tả cùng tính tình cũng thay đổi theo». Cho nên khi buồn, người đàn ông, anh con trai không còn uống rượu với ả đào:
Tửu với sầu như mã với ngưu,
Trong lai láng biết tránh đâu cho khỏi.
Càng tài tử càng nhiều tình trái,
Mối sầu kia theo tình ấy mà ta.
Mua sầu tại kẻ tài ba.

(Nguyễn Công Trứ, 1778 – 1858)
Mà lang thanh thơ thẩn, mơ mộng viễn vông:
Chàng Huy Cận khi xưa hay buồn lắm,
Gió trăng ơi, nay còn nhớ người chăng?
Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng
Nỗi hiu quạnh của hồn buồn vô cớ.

(Huy Cận,; 1919 - 2005)
Trước kia nhớ bạn bè đồng hội, đồng sàng thì người ta:
… nhắn hỏi bác Châu Cầu,
Lụt lội năm nay bác ở đâu?
Mấy ổ lợn con rày lớn bé,
Vài gian nếp cái ngập nông sâu.

(Nguyễn Khuyến, 1835 – 1909)
Hay nhắc Lý Bạch, nhớ Đỗ Phủ …
Nay, cũng tâm trạng đó nhưng:
Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men.
Say thơ xa lạ mê tình bạn,
Khinh rẽ khuôn mòn bỏ lối quen.

(Xuân Diệu, 1916 – 1985)
Xưa, phẩn hận tình duyên bất như ý, người đàn bà thường than vãn trong vòng cương thường đạo lý:
Tay tạo hoá cớ sao mà độc?
Buộc người vào kim ốc mà chơi!
Chống tay ngồi gẫm sự đời,
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm.

(Nguyễn Gia Thiều, 1741 – 1798)
Hay phóng khoáng lắm thì cũng chỉ nghiến răng:
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.

(Hồ Xuân Hương?)
Nay (thời Thơ Mới), người đàn bà đường hoàng lên tiếng:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng một người!

(T.T.KH.) (1)
Để tỏ nỗi nhớ nước nhớ quê, người xưa hạ bút:
Đoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.

(Nguyễn Du, 1766 - 1820)
Người nay diễn đạt:
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Huy Cận, 1919 – 2005)
Và đến tâm hồn người đàn bà, cô con gái cũng bị làn gió Tây phương xâm nhập, mơn trớn. Người con gái không còn nguyện ước:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bỏ công trang điểm má hồng, răng đen.

(Ca dao)
Và sự biến chuyển nội tâm tổng quát đã được tác giả Tiếng Thu con nai vàng ngơ ngác (Thế Lữ) vạch rõ: “các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt …; các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoáng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi; cái tình trong giây lát, cái tình ngàn thu».
Nói tóm lại, trào lưu tư tưởng Tây phương đã mãnh liệt khuấy động nội tâm (nếu không muốn nói là đã “lột xác “tâm hồn) người Việt đến biến thành Thơ Mới.
Chỉ bàn về nội dung trong phần nầy, không có nghĩa người viết lấy đó làm nặng nhẹ so với hình thức và niêm vận, mà người viết muốn dành hai phần chứng minh Thơ Mới và Thơ Tự Do không phải là hai đứa con song sinh. Bởi lẽ “thơ là tinh túy của nghệ thuật, mà nghệ thuật luôn luôn hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Cho nên thơ có nội dung làm Chân, có niêm vận làm Thiện, có hình thức làm Mỹ ".
Chú thích:
(1) Năm 2001, nxb Văn Hóa Thông Tin có tái bản & phát hành cuốn T.T.KH. Nàng là Ai? (xb từ 1994) của tác giả Thế Nhật, trong đó tác giả cho biết; T.T.KH tên thật là; Vân Nương Trần Thị Vân Chung sinh 25-8-1919, hiện sống ở Sarlat-la-Canéda - Pháp, trang 40. Chú thích trong tinh thần thông tin với tất cả sự dè dặt.
Bước sang phần Thơ Mới là Thơ Tự Do hay Thơ Mới khác Thơ Tự Do, tôi không đồng quan điểm với bạn Thất Trí Lang khi anh bạn cho Thơ Mới là Thơ Tự Do. Theo thiển ý, sự lựa chọn của Thất Trí Lang đã vô tình đồng hoá dòng lịch sử của Thi Ca Bác Học (ảnh hưởng Âu Tây) của nước nhà: Thơ Mới có nguồn gốc, thao thức của Thơ Mới. Thơ Tự Do có lý lẽ, bức xúc riêng của Thơ Tự Do.
Thơ Mới xuất hiện năm 1913, thể hiện năm 1932 và trở thành một thực tại trên thi đàn Việt Nam năm 1941. Từ đó về sau -và cho đến nay– báo chí đăng Thơ Mới mà chẳng cần dán nhãn hiệu. Chỉ còn thơ mà thôi. Tuy nhiên, dù không được dìu dắt, đọc một bài thơ, người ta biết ngay đó là Thơ Mới hay Thơ Cũ (thơ luật). Bởi vì Thơ Mới không còn là một quái tượng, nó đã lần hồi hoà nhập thành máu của dân tộc (độc giả), tức là Thơ Mới đã trở nên quen thuộc như một đứa con - đứa con nuôi mới nhất – trong cái đại gia đình văn hóa Việt Nam, cho đến ngày Thơ Tự Do chào đời. Người ta không còn nhìn nó bằng cặp mắt tò mò, biếm trích như Vũ Trọng Phụng (1912– 1939), khi tả chị Doãn trong truyện Lấy Vợ Xấu, đã trố mắt kêu lên: "răng trắng nữa trời ạ!".
Thơ Tự Do được manh nha phát khởi sau Thơ Mới chừng mươi năm (1949), qua lời hô hào của Triều Sơn trong Con Đường Văn Nghệ Mới: «ở Âu Mỹ ngày nay, thơ Tự Do rất thịnh hành. Trong số 10 nhà thơ, 9 người làm thơ Tự Do. Tại sao thi nhân việt nam lại không thể bỏ những ràng buộc cũ (1) để thơ việt nam tiến theo trào lưu chung của văn nghệ thế giới?».
Nếu trước kia Thơ Mới ra đời để đả phá Đối, Điển, Phá, Thừa … trong Thơ Đường-luật và tư tưởng phong kiến, thì sau đó, Thơ Tự Do chống Thơ Mới vì «trong sự tiến triển của lịch sử thơ, Thơ Mới đã thay thế Thơ Cũ, và ngày nay Thơ Tự Do; kế tiếp Thơ Mới. Xét theo lẽ tiến hoá thì Thơ Mới và Thơ Tự Do không cùng một nghĩa». Bởi chưng «Thơ Tự Do khác Thơ Mới ở nội dung, chứa đựng những rung cảm mới của con người mới và hình thức không bị câu thúc bởi số câu, chữ, vần điệu như Thơ Mới». Nói cách khác «Thơ Tự Do cởi bỏ những ràng buộc còn lại trong Thơ Mới để cất cánh bay cao».
Trong thời kháng Pháp 1949 –1954, ở miền Bắc cũng có khuynh hướng "cởi bỏ những ràng buộc còn lại trong Thơ Mới để cất cánh bay cao", tiêu biểu có Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003):
… Ngàn sao phơi phới đang bay
Dạt dào mắt không thấy nữa
Dưới kia Hà Nội nhìn lên
Phố phường nín thở
Những lề đường mòn cũ
Lành lạnh mưa phùn
Hà Nội
Một mình buồn xé ruột
Ngày ngày buồn thức dậy
Quay mặt đi đâu ngày hôm nay
Còn đến bao giờ bao giờ
Đêm nay trời sao trắng bạch
Cháy trùm đất nước …
(Đêm Mít Tinh - thơ vô thể không vần, Nguyễn Đình Thi)
Chiều nhạt nhạt về nơi nào xa lắm
Ngất ngây sương mây
Lối mòn không dấu chân
Ta nghe ta hát một mình …
(Đường Núi, Nguyễn Đình Thi)

Không cần nói hẳn ai cũng biết là Nguyễn Đình Thi đã bị cán bộ văn hoá CS "nạo" tơi bời với lối thơ vô thể lại không vần nầy, mà họ cho là "thiếu tính dân tộc, thiếu tính đại chúng", để tránh ba chữ "thiếu tính đảng". Thậm chí có người kể lại, khi nghe Nguyễn Đình Thi đọc "Đường Núi", Trường Chinh đã quát lên: «Thơ gì mà như sỏi xát vào tai». Song, để ý, "Đêm Mít Tinh" và "Đường Núi" dù vô thể không vần nhưng ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ bình thường, vẫn là ngôn ngữ của Thơ Mới!
Mãi đến năm 1956, ngày ra đời của tạp chí văn nghệ Sáng Tạo do nhà văn Mai Thảo (1927 – 1998) chủ trương tại Sàigòn, Thơ Tự Do mới ồ ạt xuất hiện có lập luận với những Trần Thanh Hiệp (?), Thanh Tâm Tuyền (1936 - ), Tô Thùy Yên (1938 - ) Nguyên Sa (1932 – 1998), Thái Tuấn (?)… Trong số những nhà thơ tiền phong (nhóm Sáng Tạo ), phải kể Trần Thanh Hiệp, Thanh tâm Tuyền là hai nhà lý thuyết đầu đàn.
Trong năm 1956, Thanh Tâm Tuyền cho ra mắt tập thơ tự do đầu tiên ở Việt Nam nhan đề Tôi Không Còn Cô Độc. Ông nhận định: «… thơ phá thể (2) chính là biểu hiện của Thơ Mới ở ngõ cụt, nhạc điệu của thơ phá thể là một thứ nhạc điệu nghèo nàn và giả tạo nhất …» với « … những câu dài ngắn khác nhau đầy những vần điệu – không những chỉ dùng vần điệu để nối các câu với nhau, ngay trong một câu riêng biệt cũng có vần điệu nữa - của thơ phá thể, tôi (Thanh Tâm Tuyền) thường nhận xét đó không phải là thơ, phải gọi là lời của một bản nhạc cải cách nào đó». Bởi thế cho nên «thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là Thơ Tự Do».
Tiếp đó vài năm, Trần Thanh Hiệp cho xuất bản tập tiểu luận Tiếp Nối (1965) có lời tuyên bố như sau: «Chúng ta hình thành văn nghệ mới». Vì theo ông « lời thơ phá thể thành hình với Thế Lữ (1907 – 1989) và hiện nay rất thịnh hành chỉ là một chắp nối của nhiều nhịp điệu cũ. Nó không thể được ngộ nhận là Thơ Tự Do bởi lẽ nó chưa thoát ly khỏi những cùm xích của lối Thơ Mới nay đã thành cũ».
Nếu ngày Thơ Mới ra đời gây phong ba trên thi đàn suốt chín năm trường (1932 – 1941) và đưa đến kết quả ra sao, chúng ta đã rõ, thì sự ra mắt của Thơ Tự Do nào có khác chi. Không có đăng đàn tranh luận nhưng có thảo luận, có phê bình, có biếm trích và có … mạt sát (3). Tuy nhiên, cho đến ngày 30.04.1975 và ngay bây giờ (2005) (4), Thơ Tự Do vẫn chưa được đa số quần chúng chấp nhận như một người thân.
Trước khi đi vào phần thảo luận về Thơ Tự Do, tôi xin trích lục ra đây một vài đoạn thơ tự do, theo cảm quan riêng, tiêu biểu của những nhà thơ chủ trương sáng tạo:
Mẫu bánh mì ở góc bàn
Và cốc nước trong như mắt đẹp
Thôi để giấc mơ lên cỏ hoa
Hiện hình nỗi chết
Từ ngón tay
Hết cả niềm hồn hậu
Người đau bằng màu bằng âm thanh
Những ngày ghèo đói
Ăn mày
Cổ rúc tiếng cười lên cỏ non
Tóc mai
Phố ngõ lên chiều mãi nhớ thương
Người nhớ muôn ngàn giấc máu ra
Khỏi ngực

Là tỉnh vật
Kẻ đi ngoài kia ta vào mồm
Sống.……
Em hoàng hôn trút áo
Ngực gọi đêm về
Vì còn đời đá sỏi
Cần lửa hôn gót chân
Hành động tàn nhẫn
Sao vỡ trên môi……
(Tỉnh Vật, Thanh Tâm Tuyền)
Tôi nhìn đôi mắt nhiệt thành
vài bạn thanh niên trẻ
trung thành, hiên ngang như
con chó bẹc-giê leo đồi thông.
(Thế Phong)
Xin mời em chối bỏ tên anh
Vì tên em là cuộc đời
Ba. Bảy. Năm. Tám. Sáu.
Hai. Bốn. Chín. Mười. Mười.
Con số có tên kiếp người có tuổi
Anh già rồi chối bỏ tên anh?
(Hoàng Trúc Ly, 1933  - 1985)
Tôi ru chim ngủ trong cổ họng
Đời tạo câu cười thiên nhiên mãi
Hy vọng đứng ra ô ngực, ngực bâng khuâng
Lần gặp gở thứ nhất
Rồi kỷ niệm kim khí thủy tinh hành hạ
Đau xé trời đêm không sao bánh máy quay vũ khí……
(Chim, Thanh Tâm Tuyền)
Mặt trời mọc
Mặt trời mọc
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
(Quách Thoại, 1930 - 1957)
Đối lập của tạp chí Sáng Tạo có tờ Sinh Lực với những cây viết như Lê Công Tam, Uyên Thao, Lê Huy Oanh, Lâm Giang …
Phê bình bài Chim trên kia, tác giả tập Khảo Luận Luật Thơ, ông Lâm Giang kêu lên: «Trời ơi trời! Tôi kinh ngạc hết sức: gọi là thơ thì đây hiển nhiên không phải thi pháp căn cứ vào số chữ (versification syllabique)… Gọi là văn thì nhiều chỗ trái văn pháp hay bất chấp văn pháp. Thần chú chăng? Muốn hiểu thần chú nhưng không được giáo chủ truyền cho cái học bí truyền, tôi bắt buộc phải đi tìm một tác giả dễ hiểu hơn cho tôi dễ thở hơn». Còn nhà phê bình Lê Huy Oanh cũng chẳng biết làm sao hơn khi đọc tập Tôi Không Còn Cô Độc: «Trời ơi ! Đã trót yêu thơ thì tôi đành dan díu với thơ chứ cứ đọc mãi cái điệu thơ này rồi cũng đến loạn óc mất thôi. Thi ca lập dị đến thế là cùng». Bị chê là lập dị, Thanh Tâm Tuyền chưa kịp lên tiếng thì Trần Thanh Hiệp đã viết: «…những người gán cho Thơ Tự Do cái tội lập dị, để biện hộ là ác ý, không đưa tới kết quả đáng kể nào. Giả thử có trả lời họ bằng một quan điểm của một nhà thơ Pháp, Mallarmé: Phải chỉ dẫn lại cho họ cách đọc (il faut leur réapprendre à lire) thì cũng chỉ mới chiều được lòng tự ái cá nhân mà thôi … Xin hiểu biết sâu rộng trước khi nghiêm khắc phê bình Thơ Tự Do …».
Nhà văn Mai Thảo cũng tỏ bày ý kiến: «… chỉ những tâm hồn cố định, đau yếu mới phủ nhận hiện tượng thiên hình vạn trạng ấy ( Thơ Tự Do - HLN chú thích) và mới cho nó là hổn loạn, là lung tung».

Trái lại Thanh tâm Tuyền không phủ nhận trong thơ ông có «Một phần tối tăm» vì «giữa những hình ảnh liên kết trong một từ khúc, người đọc phải tìm được sự thống nhất khắng khít của những hình ảnh ấy». Tô Thùy Yên không dám dứt khoát, ông viết: «người làm văn nghệ là người lập dị được một cách tự nhiên. Có lẽ sự tự nhiên này đã không cho tôi nhìn thấy tôi lập dị nếu quả thực như vậy».
Ông Uyên Thao, khi đi tìm tính chất của lối Thơ Tự Do trong tác phẩm của Thanh tâm Tuyền, đã nhận định: «… có một tương tự, quắt quéo của Aragon (1897 - 1982 ), Paul Eluard (1895 - 1952)…-  Có người thêm «của Tristan Tzara» (5). Nói chung là lối thơ phát hiện từ một nước ngoài».  Ông Trần Thanh Hiệp không phủ nhận sự kiện đó vì theo ông «văn hoá Tây phương đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chúng ta. Chỉ cần xem chúng ta có đủ bản lĩnh chế hoá văn hoá Tây phương để tự bồi dưỡng hay không mà thôi ». Ngược lại Mai Thảo không chịu và viết: « không thể còn sự vay mượn, sự nhặt nhạnh, lấy vốn người làm vốn mình, dù những cái đó đã được chế biến…».
Thơ là văn vần. Vần là những tiếng cùng khuôn âm đặt trong những câu khác nhau để hưởng ứng với nhau tạo thành nhạc. Cho nên nói đến thơ là nói đến:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng êm như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
(Nguyễn Du tả tiếng đàn của Thúy Kiều)
Ấy thế mà khi có người hỏi Thanh Tâm Tuyền: «nếu thơ không có vần thì nhạc điệu của nó ở đâu?». Ông trả lời: «nó không gieo vần lối đồng âm thanh, vần của nó là vần ẩn giấu cách xa (có thể đi tới khác âm nghịch thanh), nhịp điệu của nó là sự phối hợp của một toàn thể không khuôn trong một số câu nhất định khiến cho hơi Thơ Tự Do dễ kéo dài hơn các hơi Thơ khác». Và cũng theo ông, «nhạc trong thơ không chỉ là sự hoà hợp đơn thuần của bằng trắc mà còn ở trong sự chứa đựng của tiếng nói, của hình ảnh, của ý tưởng biến diễn qua một ý thức sáng suốt…». Câu trả lời của Thanh Tâm Tuyền đã làm cho Trần Đức Uyển (Tú Kếu, 1941 - ) phải lắc đầu, chắt lưỡi: «người làm Thơ Tự Do không gây nổi nhạc là người làm thơ bất lực và bài thơ do ông ta làm ra chỉ là bài thơ chết, vô hồn. Thơ đã vô hồn thì không nên gọi là thơ nữa, dù bài thơ đó có chi chít những hình ảnh và màu sắc xanh, tím, đỏ». Và ông Trần đã chân thành thú thật nhiều khi : « nhận thấy chúng ta lẩm cẩm và cầu kỳ. Chúng ta mãi mê sáng tạo, khám phá nên quên cả yếu tố cần thiết của thơ, đó là hồn thơ. Sở dĩ tôi (Trần Đức Uyển) nhắc đi nhắc lại tiếng "hồn thơ" là vì chúng ta đang bỏ rơi nó, trong khi nó chính là máu tạo nên sức sống của thơ …».
Nguyễn Đình Thi làm thơ vô thể không vần vì theo ông «vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm nhưng không phải hết vần là hết thơ. Khi làm thơ, thái độ của người làm thơ là ghi cho đúng cảm xúc. Nếu cảm xúc gặp được vần thì hay. Nhưng gặp khi nó gò bó, hãy vượt lên nó đã. Hình thức nghệ thuật (các vần bằng trắc) phải tự thân nó ra. Khi gạt luật bên ngoài đi phải có luật bên trong rất mạnh » (6). Nói thì nói vậy, chứ sau Đêm Mít Tinh và Đường Núi  thơ "tự do " của Nguyễn Đình Thi  rất " giàu " vần . Dám!

Cũng khoảng thời gian đó, ở miền Bắc, Xuân Diệu công nhận làm thơ « tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm », vì «muốn ca hát mà chẳng theo tiết tấu nhịp nhàng thì ai nghe?» (6)
Qua phần trích lục những cảm nghĩ và phát biểu trên, đáng lý ra chúng ta khỏi mất công dài dòng về hình thức và niêm vận khác biệt giữa hai lối thơ, chúng ta cũng đã thấy Thơ Mới không thể là là Thơ Tự Do. Nhưng đã bàn thì  cho tận.
Thơ Tự Do thật đúng với danh hiệu của nó. Nó cỏi bỏ tất cả những ước thúc phổ thông, tự thoát ly – như Thơ Mới đã ly khai thơ Đường Luật - hướng tới một chân trời mới, một " tinh cầu biệt lập " (Thanh Tâm Tuyền) tràn ngập tự do, đến bất cần niềm cảm thông của người dọc:
Thơ Mới đả phá thơ luật nhưng còn giữ lại vần làm nhạc, sau đó tự tạo cho nó một khuôn khổ chung tương đối uyển chuyển hầu giữ lại tinh thần trách nhiệm trong sáng tác đối với người thưởng lãm.
Thơ Tự Do chủ trương quét sạch những điều nêu trên.
Thơ Mới dùng ngôn ngữ cũ để diễn đạt nguồn ý mới.
Thơ Tự Do sáng tạo và nhập cảng cho nó một thứ ngôn ngữ lạ hoắc chưa từng có có trong thơ Việt Nam: Bánh mì, kỷ niệm kim khí, những hình ảnh của xe rác loạn màu, buồn như con chó ốm …, tango bleu, Gant, Solex, Pipermint, Soda …Từng câu ngoại ngữ : Let me go, let me go, let me go Lover (Thanh Tâm Tuyền), những cái tựa: Vie Posthume (Tô Thùy Yên).
Năm 1941, vì chuyện Cũ-Mới, hai ông già Hùynh Thúc Kháng và Phan Khôi chạm nhau trên Tiếng Dân cùng Dân Báo, bế mạc cuộc tranh luận trong thi ca. Phen nầy, tình trạng thảo luận Thơ Mới và Thơ Tự Do, cho đến ngày 30.4.1975, vẫn chưa đi đến đâu. Và mãi đến sau nầy, 2005, coi như bị bỏ lững mà « lời yêu, tiếng ghét vẫn chưa nguôi cường độ và nồng độ ban đầu ». (Cấu Trúc Thơ, Thụy Khuê).
Những lý do khiến đa số quần chúng không "chịu" Thơ Tự Do, ta có thể quy vào: Lập dị, bí hiểm, hủ nút, thiếu nhạc tính, khó nhớ, lai căng …
Cá nhân người viết bài nầy vẫn dọn lòng hy vọng Thơ Tự Do sẽ đưa chúng ta đến một chân trời "không  Đa-Đa  siêu thực, thẳng thắn, khởi từ ca dao sang tự do "như lời Thanh Tâm Tuyền đã hứa. Trong khi chờ đợi cái ngày " ca dao " đó, theo thiển ý, chúng ta hãy coi như những người chủ trương – nay kẻ mất người còn, trên dưới 70 / 80 cả rồi – và lớp trẻ Thơ Tự Do sau này (7) vẫn còn ở trong thời kỳ mò mẫm, tìm tòi những cái hay, những nét đẹp khác của ca dao về bồi đắp toà lâu đài văn nghệ của nước nhà. Và cũng đừng kết án Thơ Tự Do là quái thai, hay là biểu tượng của những người loạn trí, vọng ngoại, bất tài, quái đản. Ấy vì, nếu chỉ vừa lòng với vần điệu, lời cũ ý mới trong Thơ Mới thì thiếu gì những nhà thơ Tự Do có thừa khả năng về loại thơ có vần. Lấy ví dụ tiêu biểu của một Nguyên Sa tuyệt diệu từ Áo Lụa Hà Đông:
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu.
Nhưng sao đi mà không bảo gi nhau
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại.
Qua Tuổi Mười Ba:
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa Cúc,
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương,
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.

Có câu hỏi nầy đáng đặt ra: Tại sao những người "Thơ Mới" đầy danh vọng như Nguyên Sa lại không chịu ngồi yên trong ánh hào quang "Thơ Mới" mà viết ra chi những câu "sáng tạo" thế nầy:
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm,
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh.
(Nga - Nguyên Sa, 1932 – 1998)
Nhân danh cánh tay mọc trái tim nghi ngờ
Nhân danh vầng trán quê hương lo ngại
Nhân danh mái tóc chờ mưa sa mạc.
(Bài Giã Biệt - Nguyên Sa)
Rồi:
Một hai hai một di hài
Dài hy hữu mộng an bài chẩm ma
Chả xin? Chả hỏi? Vịt gà?
Và thân thể máu me và da xương ...
(Bùi Giáng, 1926 – 1998)
Đến:
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt.
( .... )
hai đứa nhìn nhau bảo phải im ru
em sắp đái và hồn anh chết cứng.
(Nguyễn Đức Sơn, 1937 -  )
và đặc biệt một giọng thơ Thanh Tâm Tuyền sau 1975 hoàn toàn khác hẳn một Thanh Tâm Tuyền trước đó, bình dị đời thường mà hay quá là hay, hiểu liền, thuộc liền, nhập tâm luôn à!
" Đi " cho đã rốt cũng quay về chốn cũ !
Có người sẽ thắc mắc:  còn những nhà thơ theo xu hướng tự do ở miền Bắc, như Xuân Diệu, Huy Cận ... thì ra sao?
- Ai cũng thấy mà: 
          
" Nhà càng lộng gió, thơ càng nhạt " (8)
" Cái ghế quan trường giết chết thơ " (8a)
(xem thêm Văn Học VN dưới chế độ CS của Nguyễn Hưng Quốc và những tài liệu tham khảo chính ghi trong sách).
Có câu này thay câu trả lời: Trong địa hạt văn nghệ nói riêng, dẫm vào bước đường mòn là tự chối mình hay tự sát cũng vậy. Nói đến văn nghệ là nói sáng tạo - trừ lập dị cố tình -, đổi mới trong chiều hướng tiến bộ, dẫu rằng có thứ đổi mới là để quay về cái cũ, cái mà chính người chủ trương đổi mới đã phí phạm bao nhiêu thời gian đạp cho đổ, phá cho tan. Đổi mới phải là từ sự chín muồi dài hơi xuyên suốt trong tư duy, chân tâm phục thiện nhắm tới những tháng ngày trước mặt, chứ không thể xốc nổi nửa chuột nửa dơi, bình mới rượu cũ, vá víu đến " buồn cười ", tùy tiện mở tùy tiện đóng, tiến một bước lùi hai bước ; càng không thể tiếp tục lừa mình, lừa người với bảng hiệu "treo đầu vịt bán thịt ngan". Một văn nghệ sĩ chân tài và chân tâm là kẻ luôn luôn bất mãn với chính mình, coi như không bao giờ tự thực hiện được trọn vẹn. Tự mãn dưới mọi hình thức là đứng lại, là dấu hiệu của già nua, tàn tạ. 
Sáng tạo, đổi mới và lập dị thường khi chỉ cách nhau chừng nửa sợi tóc, cũng giống như giữa thời trang và diêm dúa nhố nhăng,  hấp dẫn và khiêu dâm. Cá nhân tôi đã từng đọc những bài thơ nổ bôm bốp, ướt nhèm nhẹp mà, đọc đi đọc lại cả chục lần, chẳng hiểu tác giả muốn gửi gắm cụ thể điều gì. Có người thông thái bảo tôi " đó không phải tại cái giếng nó sâu, chẳng qua do sợi dây của bạn (tôi) quá ngắn". Đúng quá! Cũng như khi tôi nghe nhạc việt qua các giọng ca nữ (trong cũng như ngoài nước) qua VCD - DVD, bạn tôi liệt tôi vào hạng "quá quắt" khi tôi đưa ra nhận định "ngày nay thiên hạ nghe nhạc:

80 % bằng mắt, 
15 % bằng tai,
còn lại bao nhiêu trái tim thầu hết.
Thiệt tình. 

Nghe nhạc mà đã con mắt, chỉ cực ...".
Bài nầy, như đầu đề đã ghi, thuần là " lược khảo " về tiến trình các Thể thơ chịu ảnh hưởng Âu tây nên nếu lỡ có lọt vào vài nhận định (rất chủ quan) về văn chương ai đó thì cũng là vô tình. 
Và tất nhiên bạn đọc cũng thấy ngay trong loạt bài nầy còn thiếu một thể thơ trên nguyên tắc còn mới hơn Thơ Tự Do nữa : Thơ Tân Hình Thức, song cá nhân tôi đang " e dè tìm hiểu, chưa nắm được luật tắc " của  " loại thơ mới mẻ này " khi " các nhà lý luận văn học, các nhà thơ của chúng ta thực hiện chưa được đầy đủ, chưa được dồi dào phong phú và chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của những người yêu thơ muốn tìm hiểu ", do đó mời các bạn vào đây:
http://www.thotanhinhthuc.com/ThaoLuan/ThaoLuanMain.php
Trên đây cũng không ngoài sự tìm hiểu và tập viết để tự học tiếng mẹ đẻ trên đất khách của một người yêu văn nghệ, cho nên sự lầm lẫn, sơ sót là điều khó tránh khỏi, hoài mong sự thể tất và chỉ giáo.
Chú thích:
(1) Có lẽ Triều Sơn muốn nói "những ràng buộc còn lại" vì so với Thơ Tự Do, Thơ Mới đã tháo gỡ khá nhiều ràng buộc của Thơ Đường-Luật.
(2) Tiến trình của Thơ Mới được ghi lại như sau: Buổi đầu mạnh ai nấy làm, không có quy luật nào câu thúc, sau Thơ Mới đã đi vào nề nếp: Định Thể qua Hợp Thể rồi Phá Thể hay Vô Thể ( cực điểm của Thơ Mới).
(3) Nhà văn Viên Linh gọi nhà văn Vũ hạnh là ANH LÙN CẠNH NHÀ THỜ ĐỨC BÀ khi ông nầy phê bình  Thơ Tự Do là " đứa con đẻ của lý trí nhất thời, đã bị lý trí khước từ và nếu còn được tồn tại ở mức độ nào là nhờ nó được nuôi dưỡng ở lòng tự ái nhiều hơn ".
(4) Nhà phê bình thi ca Nguyễn Hưng Quốc, trong Nghĩ Về Thơ, chương Các Thể Thơ VN, tr. 183,  nxb Văn Nghệ, HK-1989, cũng gián tiếp gom Thơ Mới và Thơ Tự Do vào cùng Một thể thơ với ba hình thức: Hợp thể, biến thể và vô thể. Ông chỉ bàn, so sánh về hình thức Thơ mà không nhắc gì tới sự khác biệt trong phần " hồn " của Thơ: nội dung, ngôn ngữ … giữa Thơ Mới và Thơ Tự Do.
(5) Sáng lập viên trường phái Dadaisme ở Pháp. Đối với ông nầy "viết là một hành động riêng tư" không liên quan gì tới ai nên không cần có người hiểu. Ông bỏ hết cả văn phạm cùng quy tắc hành văn, bỏ cả chấm câu, chỉ còn giữ lại những tiếng mà ông sắp với nhau ra sao tùy ý. Ông tuyên bố: < cái nguy cần phải tránh là người đọc hiểu được ông >. Nhóm ông "sáng tạo" những bài thơ đại loại thế nầy:
            Agouassarnime japouricai aria paiva
            Agouassapoure janele quaiss arica mele
            Agouassacrouss poulipale oue maloca vie
            Agouassacrouss janele poulipal japal agoua.
(trích Théorie de l'Art et des Genres Littéraires của J. Suberville)
Sau đệ nhị Thế Chiến, ở Việt Nam có nhóm Xuân Thu Nhã Tập (Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ và Phạm Văn Hanh) đã mắc cái bệnh thời đại nầy:

Buồn Xưa
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc tràm mi
Lẳng xuân,
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa.…..
Ngọc quế buồn nào gội tó xưa
Hồn xa chĩu sách nhánh say sưa
Hiến dâng
Hiến dâng quả bồng hường
Hoàng tử nghiêng hồn vây tóc mưa,
Đường tràn xây trái buổi du dương
Thời gian ơi lướt hận chìm tường
Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi
Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương.
Hồn Ngàn Xưa
Hy Mã Lạp Sơn buồn thu đây
Thu
Tóc xuân bưng đỉnh chiều đầy
Qùy dâng Hình Nhạc nẻo nghìn mây
Trầm ngàn mưa nghe tóc buông xây
Hoà hợp màu hương tranh thế gian
Đất ơi hoa rót chén trời đàn.
(Nguyễn Xuân Sanh,?)
Họ quan niệm: «Thơ là Đạo, cái đệ nhất nguyên lý, sẽ sáng tạo được vạn vật, khi đã chia âm dương. Âm dương phải tương phối mới có sáng tạo, phát huy được cái đạo nguyên thủy.
Có thể viết thành cái vòng tương sinh:
Đạo --> Âm + Dương --> Sáng tạo --> Rung động --> Thơ --> Đạo (xem hình phiá dưới)
Và điều kiện cần và đủ của cái rung động kia là: « siêu việt, trong trẻo, nhịp nhàng. (Nó phải cho ta cảm thông với Tuyệt Đối và được truyền diễn một cách thật và đẹp. Như thế Thơ mới bắt kịp Đạo, cái lẽ cuối cùng …».!!! 
Bài kệ Xuân Sách dành cho Nguyễn Xuân Sanh:
Xưa thơ anh viết không người hiểu
"Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà "
Nay anh chưa viết người đã hiểu
Sắp sáng thì nghe có tiếng gà.
(6) Theo Nguyễn Hưng Quốc, sđd, tr. 189-190.
(7) Cuốn "Thức Đến Sáng Và Mơ" của Phạm Thị Ngọc Liên mà tôi cất trong tủ sách, có lẽ là tập thơ hoàn toàn theo thể Thơ Tự Do (gần như văn xuôi) mới nhất, nxb Văn Nghệ, TP-HCM, 2004.
(8) Câu kệ nầy Xuân Sách (100 Chân Dung Nhà Văn) dành riêng cho Tố Hữu:
"Từ ấy" tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về " Việt Bắc " tít mù mây
Nhà càng "Lộng Gió" thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường hoa ở đây
(8a) Câu kệ nầy Xuân Sách (100 Chân Dung các nhà thơ) dành riêng cho Chính Hữu,
Nhưng cũng rất hạp cho Xuân Diệu: 
Đọc Tuyển tập Thơ Xuân Diệu xb tại Hà Nội năm 1983 do Hữu Nhuận và Vũ Quần Phương tuyển chọn, Nguyễn Hưng Quốc có lui cui đếm như sau: Số lượng những bài thơ được trích từ Thơ Thơ (1938) là 34 bài; từ Gửi Hương Cho Gió (1945) là 38 bài; từ Dưới Sao Vàng (1949) chỉ có 7 bài; từ Sáng (1953) chỉ có 1 bài; từ Mẹ Con (1954) chỉ có 2 bài. Đã gọi là "Tuyển tập thơ Xuân Diệu" mà chỉ dừng lại cuốn Mẹ Con thì câu kệ đã rõ, sau Mẹ Con, Xuân Diệu còn những 8 tập thơ khác, tập cuối cùng là tập Thanh Ca (1982), Xuân Diệu: 1916 - 1985. Vì «làm thơ lúc đó, trước hết là tuyên truyền (…), không cần nghệ thuật lắm» (Lưu Trọng Lư, Cách mạng kháng chiến &  đời sống văn học Tập 1 – 1985) cho nên «chín năm kháng chiến, Xuân Diệu (…) có được mấy bài thơ hay đâu!». (Phạm Hổ, SG Giải Phóng 03-01-1987). Bài kệ dành cho:
Xuân Diệu
Hai đợt sóng dâng một khối hồng
Không làm trôi được chút phấn thông
Chao ôi ngói mới nhà không mới
Riêng còn chẳng có, có gì chung.

Huy Cận
Các vị La hán chùa Tây phương
Các vị gầy quá tôi thì béo
Năm xưa tôi hát vũ trụ ca
Bây giờ tôi hát đất nở hoa
Tôi hát chiến tranh như trẩy hội
Không nên xấu hổ khi nói dối
Việc gì mặt ủ với mày chau
Trời mỗi ngày lại sáng có sao đâu!

Chính Hữu
Tấm áo hào hoa bạc gió mưa
Anh thành đồng chí tự bao giờ
Trăng còn một mảnh treo đầu súng
Cái ghế quan trường giết chết thơ!
SÁCH THAM KHẢO & TRÍCH LỤC
- Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan
- Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân
- Thi ca VN hiện đại của Trần Tuấn Kiệt
- Những khuynh hướng trong thi ca VN của Minh Huy
- Con đường văn nghệ mới của Triều Sơn
- Thi sĩ với thi phẩm của Vũ Đức Trinh
- Từ thơ mới đến thơ tự do của Bằng Giang
- Thơ Nguyên Sa của Nguyên Sa
- Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền
- Liên, đêm mặt trời tìm thấy của Thanh Tâm Tuyền
- Luyện văn của Nguyễn Hiến Lê
- Nghĩ về thơ của Nguyễn Hưng Quốc
- Văn học miền nam (tổng quan) của Võ Phiến
- Và một số tài liệu trên mạng.
Hàn Lệ Nhân
Theo http://www.dactrung.com/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...