Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Nhìn lại Phố Phái

Nhìn lại Phố Phái 
Nói tới Bùi Xuân Phái phải nói tới sự đa dạng- đa dạng cả trong đời sống lẫn nghệ thuật - mang một sắc thái riêng, nhìn vào người ta nhận ngay được một cách dễ dàng. Người ta thắc mắc những họa phẩm của Bùi Xuân Phái khi thì ký chữ P hoa, có khi lại là chữ thường. Chữ ký phải màu đen, đây  lại màu nâu. Vậy làm sao phân biệt được thực hư? Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của Bùi Xuân Phái, giải thích cho rằng người xem tranh chuyên môn thường xem toàn thể họa phẩm trước, chữ ký tuy quan trọng, nhưng dù có thật hay giả vẫn không cứu vãn được, nếu họa phẩm đó quá tệ. Điều cần lưu ý rằng trong một họa phẩm giả thì chữ ký dễ làm nhất đối với giới làm họa phẩm, lắm khi họ ký còn sắc sảo hơn cả tác giả.
Vài trường hợp có những họa phẩm đúng là của Bùi Xuân Phái nhưng chữ ký lại không phải của Bùi Xuân Phái. Vậy tại sao biết mà khẳng định như thế? Thì Bùi Xuân Phái là người rất tự tin và rất thận trọng, luôn có trách nhiệm, ý thức với họa phẩm của mình dù họa phẩm đó có kích thước lớn hay thật nhỏ, Bùi Xuân Phái chỉ ký vào khi thấy có thể dừng lại được hay đã Bùi Xuân Phái hài lòng. Họa phẩm của Bùi Xuân Phái có chữ ký giả vì nhìn vào họa phẩm biết ngay là nó còn đang dang dở, chưa thật hoàn chỉnh và chưa thể dừng lại được so với  tên tuổi mình. Chữ ký trên họa phẩm tuy quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất. Quan trọng nhất vẫn là họa phẩm bởi toàn thể họa phẩm đã có thể được coi như chữ ký của Bùi Xuân Phái rồi, cho dù họa phẩm ấy không có chữ ký của Bùi Xuân Phái. Người làm chủ họa phẩm của Bùi Xuân Phái, nếu bởi một nguyên nhân nào đó thiếu chữ ký hay bị phai mờ, cách khôn ngoan nhất là nên tôn trọng chứng tích của thời gian và hoàn cảnh thực tế của nó, vì như vậy, họa phẩm tự thân nó vẫn có nguyên giá trị và sự trân trọng của người xem tranh.
Trong nước hiện nay chưa có những chuyên viên giám định nghệ thuật được đào tạo chính quy hay có bằng cấp về địa hạt này. Người mua họa phẩm của Bùi Xuân Phái hay của một ai khác không tránh khỏi lo ngại bị mắc lỡm mua phải đồ rởm, đây là một thực tế luôn thường trực trong số những người mua. Để có thể phân biệt được họa phẩm thật với họa phẩm giả, điều này thực sự đã trở thành  một bí quyết và bí quyết đó có vài yếu tố căn bản: kinh nghiệm và trực giác, và chỉ trong giây lát là có thể trả lời ngay đó họa phẩm thật hay giả một cách khoa học và công tâm. Muốn đạt đến một trình độ xem họa phẩm của Bùi Xuân Phái đến mức như thế đòi hỏi người xem phải hiểu được Bùi Xuân Phái, hiểu rõ những giai đoạn sáng tác của Bùi Xuân Phái, vì mỗi giai đoạn, họa phẩm của Bùi Xuân Phái hầu như đều ứng với trạng thái tinh thần và hoàn cảnh diễn ra trong cuộc sống của Bùi Xuân Phái, điều này cần sự cảm nhận vô cùng tinh tế, cần trải qua những biến thiên của thế kỷ trước, tức phải là người phải sống cùng thời với Bùi Xuân Phái để có được những kinh nghiệm và đồng cảm với các chủ đề mà Bùi Xuân Phái đã sáng tác, nhờ thế mới có thể phát hiện ra được hoạ phẩm thật hay giả ở những chi tiết nhỏ nhất và bất ngờ nhất.
Hầu như các họa phẩm của Bùi Xuân Phái đều bắt nguồn từ sự chân thành và thực tế cuộc sống, do đó họa phẩm của Bùi Xuân Phái luôn truyền được sự xúc động cho người xem, họa phẩm giả rất khó nếu không nói nó không thể làm được điều này. Người thấu hiểu Bùi Xuân Phái, nhìn vào bức chân dung là có thể biết ngay Bùi Xuân Phái vẽ ai vào thời gian nào, nhìn vào bức phố, nhận ra ngay góc phố nào, sáng tác vào giai đoạn nào, chữ ký được đặt ở góc nào trên họa phẩm. Nên biết chữ ký của Bùi Xuân Phái cũng là một phần bố cục của họa phẩm, và cách Bùi Xuân Phái ký ra sao cũng phụ thuộc vào chất liệu và kích thước họa phẩm…Một điểm nổi bật, dễ nhận nhất là Bùi Xuân Phái có một phong cách riêng rất Bùi Xuân Phái – phong cách nghệ thuật riêng biệt ấy – đã góp phần làm nên sự thành công của Bùi Xuân Phái mà không ai có thể bắt chước. Tưởng cần biết Bùi Xuân Phái đã mất năm 1988, do đó số họa phẩm mà người ta thấy hầu như được Bùi Xuân Phái vẽ từ nhiều chục năm về trước nên ở mỗi họa phẩm đều nhuốm mầu thời gian và vết tích của năm tháng…Điều kiện quan trọng khác mà người mua – nếu họa phẩm có giá trị lớn – luôn muốn biết đời sống của họa phẩm kể từ khi nó sinh ra, đã ở với những ai? Nguyên nhân nào người sở hữu họa phẩm đó có? Trong nước hiện nay giới sưu tập chuyên nghiệp nếu phong phanh nghe nói ai đó đang có một họa phẩm của danh họa nào đó, họ chỉ cần biết ai đang sở hữu họa phẩm, họ sẽ có phản ứng ngay là có cần quan tâm hay không. Điều này chứng tỏ người sở hữu họa phẩm có giá trị thì bao giờ giá trị tư cách của người đó cũng luôn đi kèm theo. Kết cục, làm người thẩm định họa phẩm của Bùi Xuân Phái còn đòi hỏi có cả tính khoa học, hệ thống, hơn thế nữa, phải là một họa sĩ có đức tự tin, trung trực và chót hết, trên hết mọi điều đó không thể thiếu tình yêu dành cho Bùi Xuân Phái.

Bùi Xuân Phái dù xuất thân từ một nền hội họa sơ khai của Việt Nam, nhưng những thành tựu về nghệ thuật, đã có thể xếp vào hàng danh họa của thế giới. Danh họa ở tầm cỡ nào? Sánh với Picasso, Van Gogh hay Gauguin? Những câu hỏi này thiết nghĩ không có ý nghĩa lắm, bởi vì trong hội họa mỗi người có một cõi riêng. Hội họa không có biên giới, mà là cuộc hành trình của người họa sĩ và những trăn trở, ưu tư cùa chính họ. Những họa phẩm nghệ thuật cao để lại có thể làm rung cảm người khác về sự trăn trở khai phá đó. Thế kỷ 20 ở Việt Nam xảy ra nhiều biến loạn, nhưng rất may có một Bùi Xuân Phái, đã dùng sơn cọ ghi chép lại không gian, quan hệ, hoàn cảnh, con người bằng sự rung cảm của chính mình đối với những gì xảy ra chung quanh. Cái riêng của Bùi Xuân Phái đã phần nào mang sẵn cái chung của mọi người. Và người ta đã gọi những họa phẩm đường phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái bằng cái tên thân thương là "Phố Phái”.
Lời nói, chữ viết không thể diễn tả một cách rốt ráo hội họa được, bởi bản thân hội họa là một ngôn ngữ riêng, vô ngôn, những đặc tính mầu sắc, đường nét, hình thể không có trong những ngôn ngữ khác. Hiểu biết hội họa đòi hỏi một khả năng cảm nhận cao, mà chỉ có thể có được khả năng cảm nhận tinh tế ấy khi đã trải qua một quá trình mở rộng sự rung động trước thế giới hội họa.
Đành rằng hội họa là một cái gì vô cùng, khó nói, nhưng nếu phải dùng ngôn ngữ chữ viết để nói về Bùi Xuân Phái, thì phải diễn đạt thế nào đây? Bùi Xuân Phái như số lớn các họa sĩ đi khai phá“cái đẹp”chủ quan. Như thế cái đẹp của người này chưa chắc đã đẹp đối với người khác. Cái đẹp có thể cụ thể hay trừu tượng. Có người thích cái đẹp về màu sắc. Có người thích cái đẹp về đường nét, về ánh sáng. Có người thích phong cảnh, thích nhân vật. Có người thích triết lý. Có người thích sự mông lung, vô định. Do đó,“cái đẹp” trong hội họa không khác hơn một sự vay mượn, giữ chỗ dùm cho một cái gì khó thể định nghĩa. Tuy nhiên cái đẹp có thể cảm nhận sau khi họa phẩm đã hoàn tất. Đối với Bùi Xuân Phái cái đẹp gói ghém một sự chân thành khi diễn đạt tình cảm của mình trước xã hội, con người và không gian bao vây mình
Thử hỏi vì sao những người khác vẽ một cách chi tiết, tỉ mỉ, trong khi có vẻ như, Bùi Xuân Phái lại phác họa một cách có vẻ ngô nghê, phóng khoáng. Phải chăng vì Bùi Xuân Phái không thể vẽ “hay” vậy? Không, Bùi Xuân Phái muốn loại bỏ hết những gì không quan trọng, chủ yếu giữ lại cái cốt lõi bản chất sự rung động của mình. Bùi Xuân Phái tinh tế trong cảm nhận để làm công việc loại bỏ đó.
Các họa phẩm về phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái, thể hiện các nét quen thuộc, không những chỉ trong cảnh vật, kể cả những điều trừu tượng hơn, chẳng hạn quan hệ giữa con người với nhau, tình cảm chòm xóm. Thì đó đã thiếu gì người chụp cảnh phố phường Hà Nội, nhưng khi xem họa phẩm của Bùi Xuân Phái vẫn thấy chất Hà Nội đậm đà, tiêu biểu hơn. Đó bởi nghệ thuật của Bùi Xuân Phái không nằm ở đường nét, màu sắc mà ở những mảnh hình thù, tạo nên một quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Những mái nhà đơn giản hình xéo, mảng tường vuông vức, cái lớn, cái nhỏ, lập đi, lập lại, trồi sụt như một giai điệu tạo nên một cảm giác hài hòa, lãng mạn và  nương tựa lẫn nhau. Bầu trời bị cắt ngắn, con đường chật hẹp chứa người và những vật dụng quen thuộc dễ nhận diện như chiếc nón, cột điện đường, xe đạp, xe xích-lô, đôi quang gánh hai đầu cong vút của các cô gái làng Vòng đi bán cốm, chiếc váy đen lượt thượt chảy dài đến gót chân, le te len lỏi khắp phố phường…tạo cảm giác gần gũi, thân quen.
Chỉ vài màu sắc đơn giản đặt ở những vị trí đan kết nhau, vô hình gợi lên một quan hệ chặt chẽ. Kết cục cảnh đường phố như có sẵn trong sâu thẳm ký ức của mọi người, dùng làm nền gắn chặt mọi thứ với nhau như keo sơn, trong một rung động cộng hưởng cao độ. Đường nét, mầu sắc của Bùi Xuân Phái phảng phất truyền thống dân gian, tăng thêm tính chất đặc thù dân tộc. Cái đẹp của Bùi Xuân Phái toát ra từ sự chân thành trong diễn tả tình cảm của mình. Phố phường Hà Nội có thể cũ kỹ, chật chội, nghèo nàn nhưng chứa đựng một vẻ đẹp chân chất, ấm cúng tình người mang chất nhân bản. Bùi Xuân Phái khám phá được cho riêng mình một ngôn ngữ hội họa để diễn tả nó.
Thế giới hội họa của Bùi Xuân Phái tỏa rộng những bao la trời nước, doi sông, cồn cát, ghe thuyền nằm bến nghe sóng biển vỗ rì rào. Những cô gái Lọ Lem hồn nhiên làm đẹp trước gương, những cảnh hậu trường sân khấu chèo, tiếng nói rêu phong của những phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An hay những phố đường rừng mạn ngược. Bùi Xuân Phái dõi cái nhìn vào sự vật, người ta thấy có chút gì phảng phất trong cách nhìn của Ce’zanne mở đường cho hội họa hiện đại của Pháp, phát biểu một câu thật lý thú: “Khi tôi nhìn cái gì, tôi không dám ngoảnh đi, sợ mắt mình xoạc rách.” Phải chăng bởi thế Bùi Xuân Phái đã phát hiện thấy trong cái nôm tục thường nhật những gì vi tế nhất, bình dị nhất mà người ta dễ bỏ qua dù luôn ấp ủ trong tầm cảm thụ của mình. Hỏi có mấy ai có thể, hơn Bùi Xuân Phái, đọc được những tâm sự phố trên những mái ngói hàng thế kỷ mưa sương, các mảng vữa lở lói, các bức tường rêu phủ nham nhở, các đầu hồi nhà, các ngọn đèn đêm vàng vọt như người bệnh chao đưa trên dây điện dăng ngang một ngã tư đường? Đã có một nhà thơ nào đó cho rằng Bùi Xuân Phái bắt được nhịp đập của Hà Nội 36 phố phường. Không là nhạc sĩ, nhưng Bùi Xuân Phái đã nắm vững thủ pháp một cách tinh tế, trong sáng tác nhạc, khi biến tấu trên một chủ đề. Cùng một góc phố Hàng Mắm, hay Hàng Bạc, Hàng Nón hay ngõ Phất Lộc, Bùi Xuân Phái tạo vô vàn biến tấu, vô vàn dạng, không trùng lặp nhau, mỗi dạng chứa đựng một tâm trạng, mỗi dạng lung linh một sắc độ ánh sáng. Hỏi ai đếm được đã bao nhiêu lần Bùi Xuân Phái trở lại với chủ đề hóa trang chèo, với ngôi đền Bạch Mã, với cây đa xum xuê Ngõ Gạch, với những tấm bia Văn Miếu nằm trơ trơ cùng tuế nguyệt? Có thế mới thấy ngôn ngữ tạo hình của Bùi Xuân Phái vẫn dượm chất đậm đà nhân hậu ấy, cái duyên dáng mộc mạc đó, mà khi thì trầm mặc, hiền triết, khi lại tươi mát, thảng hoặc hồn nhiên đến độ tưởng như vụng về như nét vẽ trẻ thơ khó thể nào bắt chước.
Đã vậy, Bùi Xuân Phái còn có thể vẽ những cái không hiện diện. Trong những họa phẩm thành công của Bùi Xuân Phái, người ta thấy bồng bềnh những hiện diện, không-hiện-diện tạo nên chiều thứ tư giao nối không gian - thời gian. Đứng trước cổng Ô Quan Chưởng đẫm mầu hoàng hôn, người ta có cảm giác như nghe ngân nga cái âm hưởng thoáng cô tịch của nữ sĩ Thanh Quan:
  Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
  Thềm cũ lâu đài bóng tịch dương. 

Ở một ngoẹo đường khuya nọ, có lúc người ta tưởng sắp nhô ra một bác gánh phở rong, chiếc mũ dạ điển hình đến độ trở thành thành ngữ. Và còn nhiều lần, người ta có cảm giác gần như xác thực một số họa phẩm phố của Bùi Xuân Phái tỏa ra mùi hoa sữa, cái mùi hương đặc biệt của Hà Nôi, rất mùa-thu-Hà-Nội nao nao như gom ngàn luyến nhớ. Cám ơn Bùi Xuân Phái và cái thế giới mông lung Bùi Xuân Phái đã tạo dựng nên, chân thật và hồn nhiên nghĩ rằng, để đền đáp những gì Bùi Xuân Phái đã hiến dâng cho cuộc đời bây giờ và mai sau, đời sẽ trả lại Bùi Xuân Phái tấm hộ chiếu đi vào bất tử.
Đến loại họa phẩm “Chèo” của Bùi Xuân Phái cũng mang tính chất đặc thù và cực kỳ linh động. Chỉ cần ngắm một họa phẩm diễn tả hai diễn viên chèo diễn xuất trên sân khấu, người xem tranh có cảm giác như nghe được tiếng đàn và tiếng chèo từ đâu vẳng lại. Đó bởi Bùi Xuân Phái đã dùng khả năng nắm bắt tinh tế bản chất của sự việc, nên mới có thể tái tạo một hình ảnh để gợi mở tình cảm và ký ức của người xem tranh. Sở dĩ người ta nghe được tiếng đàn, tiếng hát chèo, bởi Bùi Xuân Phái đã mở cửa cất tiếng gọi  ký ức âm thanh trở về. Để diễn tả được sự linh động trên sân khấu, Bùi Xuân Phái đã sử dụng sự tương phản. Khi nhân vật nữ đưa tay lên trong tư thế động, hai cánh tay cứng nhắc của nhân vật nam song song, nghiêm chỉnh đặt trên đùi. Sự tương phản này có tác dụng cường điệu hóa các cử động được mô tả. Vì thế họa phẩm trở nên chặt chẽ, có những quan hệ phụ thuộc hỗ tương nhau. Màu sắc, đường nét được đơn giản hóa để những quan hệ này thêm rõ nét. Đây xem như một mảng họa phẩm khác Bùi Xuân Phái độc quyền, tên vẫn đứng trên đỉnh dốc chưa ai vượt qua, cũng không rõ Bùi Xuân Phái đã vẽ bao nhiêu họa phẩm chèo lớn và nhỏ. Bớt trầm tư, cô tịch hơn mảng họa phẩm phố, những họa phẩm chèo của Bùi Xuân Phái chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh của thôn quê. Những hề say, hề gậy, những đào lệch, đào thương…được khơi dậy sự sống động bằng một ngôn ngữ hội họa nôm na, ước lệ như diễn xuất chèo. Những nhà phê bình nhận định lối ứng xử thẩm mỹ của Bùi Xuân Phái với cái sân khấu chèo của mình đầy thân thiện và nhân tình, nhập thể vào cuộc hội hè với những âm thanh, nhịp điệu của làng xã, ý thức muốn khám phá thêm một sắc màu hội họa truyền thống. Nhưng Bùi Xuân Phái không kể lể giống chèo mà tạo dựng một ngôn ngữ chèo.  Nhân vật của Bùi Xuân Phái, những biến thiên ngàn đời của người nông dân nơi đồng bằng Bắc bộ xuất hiện bàng bạc chất thơ, sâu sắc và nhẹ nhàng.
Năm 1960, Bùi Xuân Phái làm trang trí vở chèo“Sợi tơ vàng”, phải chăng Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra chèo từ đấy, và dựng lên một thế giới riêng cho mình và cho chèo. Trái ngược các phố cổ, họa phẩm chèo, minh họa cho tập sách“Hề chèo” năm 1977, tập “Thơ Hồ Xuân Hương” in sau đó…người ta phát hiện một Bùi Xuân Phái trẻ trung, dí dỏm. Trước và sau Bùi Xuân Phái chưa ai làm được như thế.
Không chỉ đóng khung trong phố cổ, trong chèo, trong chân dung, Nguyễn Quân viết: “Tự họa và chân dung của Bùi Xuân Phái không là gương soi của diện mạo mà là gương soi của đường điện tâm đồ cảm xúc bên trong, ở dưới mặt tranh, lịch sử của cá nhân, nắng gió của thời gian, dấu vết của lao động, của đau đớn và niềm tin, đọng lại như dấu ấn của số phận, kỷ niệm của đời người.”
Đã vậy Bùi Xuân Phái còn có những họa phẩm mỹ thuật về nhiều miền khác nhau của đất nước: Mỏ than, Xúc than vào lò, Phân xưởng nhuộm, Hòa Bình, Cát Bà, Cảng Đà Nẵng, phố cổ Hội An…Đáng kể là Bùi Xuân Phái vẽ giản dị vậy mà người ta có thể chiêm ngưỡng mãi không biết chán những họa phẩm của Bùi Xuân Phái, dù một chủ đề, Bùi Xuân Phái khai thác cả trăm, cả nghìn họa phẩm cũng vậy. Những đường viền đậm đặc và run rẩy, các gam nâu, xám, các đốm đỏ, cam bất chợt rực cháy…đặc trưng của Bùi Xuân Phái thường xuyên làm người xem tranh kinh ngạc vì sự đơn giản đến lạ lùng của nó. Trong nghệ thuật, Bùi Xuân Phái rất mê giai đoạn cuối của Picasso, khi vẽ hàng loạt về chủ đề “exotic”
Cho dù người khác có thể phân tích một vài yếu tố làm nên sự thành công của họa phẩm, nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể tái tạo sự thành công của Bùi Xuân Phái. Chứng cớ đã có không ít người bắt chước vẽ phố Hà Nội, nhưng không thành công. Để sáng tác được như vậy, ngoài phần ý tưởng và kỹ thuật ra, còn tùy thuộc nhiều vào nhãn quan và khả năng phát hiện những quan hệ làm nên cái đẹp. Nhãn quan về cái đẹp của một cá nhân, như Bùi Xuân Phái, chỉ có thể là của riêng Bùi Xuân Phái. Ngoài ra, bút pháp của Bùi Xuân Phái đã đạt tới mức độ thượng thừa. Chỉ cần chấm phá dăm ba nét thôi đã đủ làm cho người xem tranh thổn thức rung động. Có thể trước và sau Bùi Xuân Phái không ai có thể đi vào thế giới riêng của Bùi Xuân Phái, đây coi như ấn dấu đỉnh cảo nghệ thuật, một cõi riêng, khó thể nào so sánh.
Không phải bất kỳ nghệ sĩ nào, nhà văn, nhà thơ nào, cũng có thể nói đã tạo được cho mình một thế giới riêng, trừ phi, cao hơn cả nhân cách và bản sắc độc đáo rất rõ nét, tác phẩm của anh ta bày ra một cõi tâm linh đích thực, mà, khi phiêu du trong đó, người ta không thể không cảm thấy thấm nhuần cái tinh thần khó diễn tả bằng lời của nó. Vì thế, có thể không sợ cho rằng nói ngoa mà thẳng thắn nói “thế giới Bùi Xuân Phái”, như người ta đã nói“thế giới Picasso” (Le monde picasien),“thế giới Tche’khov” (Le monde tche’khovien), hay “thế giới Rimbaud” (Le monde rimbaldien).
Từ đầu những năm 90 khi khách du lịch phương Tây đến Việt Nam ngày một nhiều, họa phẩm của Bùi Xuân Phái bắt đầu mang ý nghĩa mới. Đến khi Việt Nam bắt đầu “hiện đại hóa”, các du khách tỏ dấu lãng mạn hóa quá khứ của Việt Nam, phóng chiếu tình cảm hoài cổ ấy lên các họa phẩm phố của Bùi Xuân Phái. Nhiều nhà sưu tập quốc tế phát hiện các kiệt tác của Bùi Xuân Phái và họa phẩm của Bùi Xuân Phái được nâng giá theo thời gian. Từ lúc sinh thời, họa phẩm của Bùi Xuân Phái chỉ có giá vài chục mỹ kim, bây giờ tình hình đã đổi thay. Ngày 1 tháng 9 năm 2006 họa phẩm của Bùi Xuân Phái được đưa sang triển lãm tại Seoul, Hàn Quốc, có giá từ 6,000 mỹ kim lên đến 25,000 mỹ kim. Có một người Nhật đã chọn mua ba họa phẩm của Bùi Xuân Phái, không cần quan tâm đến giá. Trước đó vào các năm 1970 và đầu thập kỷ 1980, những người làm y tế Thụy Điển và quan chức các cơ quan ngoại giao đóng tại Hà Nội, đến nhà Bùi Xuân Phái uống rượu, và mua một số họa phẩm. Về mặt kỹ thuật, dân trong nước không được phép bán hàng hóa cho người ngoại quốc, nhưng trên thực tế, mỗi người đều ngấm ngầm có một thị trường buôn bán nho nhỏ, kể cả họa sĩ. Năm ngoái, một cuộc triển lãm tranh Bùi Xuân Phái trong các bộ sưu tập Thụy Điển khiến người ta nhớ lại những tương tác giữa dân chúng Thụy Điển và các họa sĩ Việt Nam hồi đó. Nhân dịp này, nhà phê bình nghệ thuật nữ, người Mỹ, Nora A. Taylor đã đọc một bài thuyết trình ở Stockholm, nhận định: “Bùi Xuân Phái là một trường hợp rất lý thú để tìm hiểu cả ba vấn đề tôi muốn bàn tới. Ông là một minh họa cho cái di sản lưỡng diện của chủ nghĩa thực dân và những ảnh hưởng đầy mâu thuẫn của hội họa Pháp đối với mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng là một biểu trưng cho những bản sắc đang chuyển đổi của họa sĩ trong quần chúng và những cái nhìn lãng mạn của người nước ngoài đối với mỹ thuật Việt Nam. Ông là người nhiệt thành hâm mộ Pháp. Thời sinh viên, ông ngưỡng mộ tranh sơn dầu của Albert Marquet và cố gắng thi đua với phong cách của trường phái Paris trong những tranh phố cổ Hà Nội đặc trưng của mình. Những cảnh phố Hà Nội của ông bị coi là buồn, thiếu cái nhiệt huyết cách mạng của chủ nghĩa hiện thực. Không thể nhập vào với giới mỹ thuật chính thống, ông thường tiêu nhiều thời gian ở các quán cà-phê “chui” cùng các họa sĩ khác, không chịu theo hệ tư tưởng của Nhà nước. Những cuộc trao đổi ý tưởng; những bộ sưu tập nhỏ hình thành. ”Họ lao động nghệ thuật, tự do sáng tác, không làm chính trị mà nhất thiết nghe theo Đảng dạy.
Họa phẩm của Bùi Xuân Phái tham dự triển lãm Đông Kinh (Tokyo) khi còn theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, đoạt giải thưởng Triễn lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1946, họa phẩm mang màu sắc lạ, hòa hợp chất liệu sơn dầu quánh bện lên vải, giải thưởng lớn lao dành cho cả cuộc đời sáng tác của mình, ngoài ra Bùi Xuân Phái đã đoạt nhiều giải thưởng khác: Mỹ thuật toàn quốc 1980, Mỹ thuật Hà Nội các năm 1969, 1981, 1983, 1984, giải đồ họa Leipzig…Nhưng sự ghi nhận lớn nhất Bùi Xuân Phái giành được không chỉ ở các giải thưởng, mà ở cái tên cả nước đều biết tức cái tên “Phố Phái”. Mỗi con đường, mỗi phố đều mang tên một danh nhân, còn những phố, những đường mang tên “Phố Phái” thật nhiều vô kể, khó ai đếm xuể. Nó tồn tại trong hoài niệm của nhiều người, dù thành phố đổi thay bao nhiêu, những nơi gợi lại bóng hình “Phố Phái” vẫn chứa chan nhiều cảm xúc.
Trong cuộc triển lãm tại Hàn Quốc, điều đặc biệt là có một số họa phẩm của Bùi Xuân Phái được ghi chú không bán. Cho nên, không mấy ai ngạc nhiên khi thấy nhà đạo diễn trẻ Trần Đình Hiền đã trao đổi với Bùi Thanh Phương, con trai của Bùi Xuân Phái, nhắm đưa cuộc đời của Bùi Xuân Phái vào bộ phim “Vua phố cổ”. Đây là tác phẩm đầu tay của Trần Đình Hiền, trong đó được giới thiệu những khuynh hướng nghệ thuật, những quan điểm sáng tác trong ba thời kỳ lịch sử của Việt Nam: thời kỳ thuộc Pháp, hai cuộc chiến tranh chống Pháp - Mỹ và những năm sau chiến tranh. Bộ phim khắc họa hình ảnh Bùi Xuân Phái khi còn theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa cuối năm 1944, đầy tính chất “lãng tử”, “công chưa thành danh chưa toại” cho đến những năm tháng cuối đời nghệ sĩ. Bộ phim diễn tả một đời lao động nghệ thuật trong những bối cảnh xã hội khác nhau và bản lĩnh độc lập trong sáng tạo đã đưa tên tuổi Bùi Xuân Phái lên tầm vóc của một danh họa thế giới.
Để kỷ niệm 18 năm ngày mất của Bùi Xuân Phái (1920-1988) Brain Trust yểm trợ vật chất cho Trần Hậu Tuấn để xuất bản tập“Works Art’s Bùi Xuân Phái in Seoul-Korea” (Hội họa Bùi Xuân Phái ở Seoul-Hàn Quốc) viết một bài xuất sắc trình bầy rõ nét cuộc đời bao quanh nhiều ngã rẽ, và họa phẩm của Bùi Xuân Phái. Đây tác phẩm thứ 8 được Trần Hậu Tuấn – nhà sưu tập tầm cỡ lớn ở Việt Nam hiểu biết sâu sắc về Bùi Xuân Phái, được báo chí đặt cho cái tên “Nhà Bùi Xuân Phái học” – viết về hội họa Bùi Xuân Phái. Trần Hậu Tuấn đã lập kỷ lục cho một họa sĩ Việt Nam được in sách nhiều nhất. Lần này tác phẩm giới thiệu 112 họa phẩm của Bùi Xuân Phái phân chia theo từng nhóm đề tài. Nhưng nhiều hơn và ấn tượng hơn vẫn là những họa phẩm về đề tài phố của người họa sĩ được giới mộ điệu mệnh danh “Vua Phố Cổ”. Đáng lưu ý một số họa phẩm được giới thiệu trong tác phẩm lần này chủ yếu thuộc sở hữu của người ngoại quốc, trong đó đa số thuộc sưu tập của Scott J.H Kim, một nhà kinh doanh người Hàn Quốc, đến Việt Nam thăm dò cơ hội kinh doanh, tình cờ gặp một số họa phẩm của Bùi Xuân Phái tỏa ra mùi hoa sữa, cái mùi hương rất Hà Nội, rất mùa-thu-Hà-Nội, nôn nao gom ngàn luyến nhớ, dần dần trở thành người sở hữu một số lượng họa phẩm Bùi Xuân Phái. Scott J.H Kim cùng Bùi Thanh Phương và Trần Hậu Tuấn tham gia hoàn thành tác phẩm này. Trong phần giới thiệu cuốn sách có đoạn Scott J.H Kim viết:“Giờ đây Bùi Xuân Phái đã là một trong những họa sĩ nổi tiếng ở nhiều nơi trên thế giới. Cá nhân tôi rất vinh dự được cùng gia đình Bùi Xuân Phái, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, xuất bản giới thiệu hội họa Bùi Xuân Phái đầu tiên tại Seoul. Hy vọng với khởi điểm này, cùng sự hiểu biết của công chúng Seoul về họa sĩ Bùi Xuân Phái nói riêng và hội họa Việt Nam nói chung, nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện đại khác của Việt Nam sẽ được tiếp tục giới thiệu tại Hàn Quốc trong thời gian tới. ”Toàn bộ họa phẩm của Bùi Xuân Phái được in trong tác phẩm đã được đưa sang Hàn Quốc để tham dự cuộc triển lãm nhân ngày sinh của Bùi Xuân Phái trong chương trình “Ngày Văn Hóa Việt Nam”.
Những ký họa chân dung bạn bè, người thân, những họa phẩm chèo, phong cảnh, tĩnh vật…và nhiều nhất vẫn là họa phẩm phố cổ. Người đồng nghiệp đi cùng phải ngậm ngùi: “Nghĩ thấy lạ, mình là người Hà Nội hẳn hoi. Ngày ngày đi qua những dãy nhà này, phố này, thế mà ngắm tranh “phố Phái” vẫn thấy một nét gì thật đặc biệt.”Bùi Thanh Chương phác giác một tin mừng, thời gian vài năm trở lại đây chính bản thân mình và một số người bạn thân đã tìm mua được nhiều họa phẩm của Bùi Xuân Phái. Trong khi đó nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã thu về được hơn 120 họa phẩm. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của Bùi Xuân Phái, ngày 24 tháng 6 năm 2003, Trần Hậu Tuấn đã trưng bầy 60 họa phẩm mới tìm được tại số 14 đường Yên Đổ, Sàigòn.
Người ta còn nhớ tại Hà Nôi từ những năm 60 có quán Café Lâm tọa lạc ở số 91 phố Thủ Khoa Huân, một quán cà-phê quen thuộc của các văn nghệ sĩ. Chủ quán tên Nguyễn Văn Lâm, nhưng khách lui tới quán thường quen gọi Lâm Toét hay Lâm Khói. Lâm Toét người gày còm, nhỏ bé, mắt không bị toét, mà do có thói quen hấp him cặp mắt và mắt luôn nhòe ướt, nên được đặt cho cái tên đó. Còn cái tên Lâm Khói do chủ quán bị nhuốm nhiều khói thuốc lá của khách, ngày ngày họ lui tới đây, vô tư nhả khói ra trong mấy chục năm như thế. Lâm Toét yêu hội họa bằng tình yêu bản năng, trở thành nhà sưu tập bất đắc dĩ, đặc biệt yêu quý những họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Văn Cao Nguyễn Tư Nghiêm, Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Nguyễn Sĩ Ngọc…thường hay lui tới đây. Quán treo nhiều họa phẩm của họ. Vì thế nhà văn Nguyễn Tuân có một câu nói dí dỏm được phao truyền: “Hữu ngạn sông Seine có viện bảo tàng Le Louvre, tả ngạn sông Hồng có Café Lâm”.
Nguyễn Tuân rất được Bùi Xuân Phái quý trọng trong số những người quen biết, xưng hô tiếng “anh” trịnh trọng mà chưa một ai được đối đãi thế bao giờ. Ngoài ra còn nhiếp ảnh gia Trần Văn Lựu, Lê Chính người trình bày cho tờ Văn Nghệ, nhà sưu tầm Nguyễn Bá Đạm, mà Bùi Xuân Phái đã tiết lộ cho Bùi Thanh Phương biết trước vài ngày khi qua đời. Từ thập niên 60-70, như một thông lệ, Nguyễn Tuân luôn có quà sêu tết cho Bùi Xuân Phái, năm cân giò, năm cân thịt bò, năm con cá chép, năm chai rượu ngoại. Nhờ có quà sêu tết của Nguyễn Tuân, gia đình Bùi Xuân Phái trong mấy chục năm ấy đã có những ngày tết xa hoa. Bùi Xuân Phái thuộc lớp người cổ Hà Nội, tác phong và tính cách được liệt vào hạng người nho nhã, chừng mực. Bùi Xuân Phái khác lớp người thế hệ nay, không ít thì nhiều “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”. Trong suốt đời người, Bùi Xuân Phái được coi như người chồng lý tưởng tuyệt vời. Chưa hề một lần một ai quen biết nghe thấy nói Bùi Xuân Phái có cuộc tình nào ngoài hôn nhân, mặc dù Bùi Xuân Phái đẹp trai, đầy sức quyến rũ phụ nữ. Tuy nhiên, Bùi Xuân Phái rất nghiêm khắc trong cách tự mình ứng xử với mình và các phụ nữ quen biết. Bùi Xuân Phái đã hoàn thành được điều đã ghi đậm trong “Nhật ký Nghệ thuật” của mình: “Giữ cho tâm hồn trong trẻo là cách gần nhất để đến với nghệ thuật.” Nhưng với người khác, Bùi Xuân Phái lại tỏ ra có quan điểm thoáng đãng, dễ dãi và hiện đại hơn. Con trai Bùi Xuân Phái kể chuyện hồi còn thanh niên, luôn hò hẹn bạn gái, một lần đưa bạn gái của mình trèo lên một căn gác xép, theo chiến thuật du kích, tắt đèn tối thui. Không ngờ lần đó bị một bà hàng xóm phác giác, vội sang tìm Bùi Xuân Phái thông báo tận tường sự việc. Nghe xong câu chuyện, Bùi Xuân Phái cười bảo bà hàng xóm:“Đó là chuyện riêng của chúng nó, bà và tôi không có quyền gì để can thiệp vào chuyện của chúng nó.”
Nghe Bùi Thanh Phương kể chuyện về Bùi Xuân Phái mới thấy đúng một mẫu người điển hình hiếm có. Năm đó 17 tuổi, Bùi Thanh Phương thấy mắt có vấn đề, cần một cái kính cận, nếu muốn trông cho rõ, nhưng không vay mượn được tiền ai. Đánh liều Bùi Thanh Phương mở tủ của cha lấy số tiền ấy, và viết một lá thư nêu rõ lý do và hẹn ngày trả lại tiền. Bùi Thanh Phương hy vọng đi làm thuê, sau một tuần là có đủ tiền đặt vào chỗ cũ, coi như không xảy ra chuyện gì. Lúc đủ tiền, mở tủ để trả lại, thì thấy một bức thư của cha trong đó căn dặn lần sau, nếu cần tiền để giải quyết việc làm chính đáng thì cứ hỏi thẳng.
Năm 1987, khi kết hôn, Bùi Thanh Phương đề nghị với gia đình chỉ tổ chức tiệc cưới giản dị. Để tránh dềnh dang và hình thức, Bùi Thanh Phương không thuê xe hơi, chỉ dùng xe máy Babetta của Tiệp Khắc, mà những người nghèo thường dùng để chở vật liệu xây dựng, nay nghe nói đã bị cấm lưu hành trong thành phố. Nhưng ở thập niên 80, ai sở hữu được chiếc Babetta đều coi như đã thành đạt hay một cố gắng lớn lao. Bùi Thanh Phương đi một mình một xe, tay cầm một bó hoa lớn đến nhà cô dâu. Đó là cô Phan Cẩm Vinh, thứ nữ của ông bà Phan Đình Khiêng, ở số 73 phố Nguyễn Trãi, Hà Nội. Thấy vậy họ hàng nhà gái tỏ ra thương cảm, thì thầm: “Nếu đã lấy phải anh chồng có chất nghệ sĩ thì phải chấp nhận như thế thôi.” Cho đến nay họ vẫn sống trong hạnh phúc chan hòa, mỗi khi nhìn thấy nhau, họ tự hào và cười mãi bởi có nhiều kỷ niệm của ngày hôm đó, coi đây như một đám cưới giản dị, cảm động và có nhiều ý nghĩa. Tuy vậy còn phải kể tới chuyện tấm thiệp cưới do chính tay Bùi Xuân Phái ngồi vẽ từng bức một trên giấy, kể cả viết chữ.
Bùi Xuân Phái chiều lời đề nghị của con ngồi vẽ khoảng 50 bức tranh nhỏ mô tả cô dâu ôm bó hoa trên tay, độc bản bởi khác nhau, mỗi bức cô dâu vận một áo dài khác nhau. Bùi Thanh Phương được cung cấp 12 tấm dùng mời bẻ bạn, riêng Bùi Xuân Phái tự vẽ 12 tấm để mời thân hữu. Số còn lại dành cho khách hai họ.
Bữa tiệc được tổ chức tại nhà hàng Phú Gia, bố trí một bàn dài đủ 12 ghế dành cho Bùi Xuân Phái. Bùi Thanh Phương cho rằng cha mình bởi có bộ râu và khuôn mặt gày guộc, được bạn bè gọi đùa Jesus, trông Bùi Xuân Phái hôm đó không khác nhân vật trong họa phẩm lừng danh “Bữa tiệc cuối cùng” của Leonardo da Vinci. Câu chuyện này sau được in trên một tạp chí ở hải ngoại, đổi tên thành“Thiệp cưới vẽ tay cho con trai của Bùi Xuân Phái”. Tác giả đặt lại tiêu đề vì trong lần kể đó Bùi Thanh Phương đã không nói rõ chi tiết, và chỉ sau bữa tiệc đó 8 tháng, Bùi Xuân Phái đã đột ngột qua đời do bệnh ung thư phổi. Sau khi Bùi Xuân Phái mất người ta đã truyền tay nhau tấm thiệp này, thoạt đầu nó được bán với giá từ 100 đến 200 mỹ kim, sau đó đem nó bán đấu giá trên mạng của ngoại quốc đã thu tới 4.700 mỹ kim.
Thuở sinh thời Bùi Xuân Phái nói chuyện rất có duyên, mỗi khi câu chuyện chạm phải vấn đề liên quan tới sinh lý (sex), Bùi Xuân Phái dùng cách nói hóm hỉnh, luôn tạo không khí vui vẻ va tiếng cười thoải mái, nhờ thế, vấn đề sinh lý không còn tính cách nghiêm trọng quá làm các người đối thoại với mình phải giả bộ e dè. Một lần có một thanh niên đến nhà chơi, tay thập thò một cuốn tạp chí. Bùi Xuân Phái trông thấy liền hỏi:
  -Cậu đang nghiên cứu về vấn đề gì đấy?
Thanh niên ấp úng:
  -Dạ, đây là tạp chí Playboy, toàn những bức ảnh hư hỏng mà bác.
Bùi Xuân Phái bảo:
  -Thế hả, cháu thử đưa bác xem nó hư hỏng đến mức độ nào?
Xem xong một lượt, Bùi Xuân Phái cười, hỏi:
  -Cháu còn tập nào “hư hỏng” hơn thế này không? Không hiểu người ta sẽ phải chụp ở tư thế như thế nào thì mới được xem là cùng cực của hư hỏng nhỉ?
Bùi Xuân Phái lập luận cho rằng không có họa phẩm xấu, chỉ có họa phẩm chưa hay, nói:
-Tôi muốn thấy một họa phẩm thật xấu, xấu kinh người, nhưng chưa gặp thấy bao giờ. Có lẽ cũng như vậy, những bức ảnh chụp khỏa thân cho dù cố gắng khiêu dâm, như thế nào, thì với người họa sĩ cũng vậy thôi, nghĩa là sẽ chẳng gây được hiệu ứng phụ nào khác, ngoài việc người họa sĩ xem nó như tư liệu, trợ giúp cho hình họa.
Trong các họa phẩm của Bùi Xuân Phái về chủ đề này, người ta thấy bộ tranh vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương trong các năm 1982-1986, bộc lộ trạng thái tinh thần rõ nét nhất của Bùi Xuân Phái. Hà Nội phố trong họa phẩm Bùi Xuân Phái, người đến lạnh lẽo, cô độc như chính tâm tư của nhà nghệ thuật tạo hình. Căn nhà của Bùi Xuân Phái và sự hỗn mang của thế giới ngoài kia, là hai không gian khác nhau. Không gian trong họa phẩm của Bùi Xuân Phái không có thật trong hiện thực tạp nham của Hà Nội hôm nay.
Trở lại quán Café Lâm, các nghệ sĩ uống ghi sổ, đặc biệt Lâm Toét không thúc dục đòi nợ họ, và khi nhận một họa phẩm gán nợ, Lâm Toét không trả giá, không cò kè bớt một thêm hai. Có những họa sĩ đem họa phẩm đến cho Lâm Toét treo, đổi lại họ được cung cấp bữa điểm tâm gồm hai quả trứng ốp-la, nửa ổ bánh mì, thêm ly cà-phê để nhâm nhi. Họ gọi thoải mái thức ăn, đồ uống không phải trả tiền mặt. Tất cả được Lâm Toét ngầm ghi sổ, khi thấy đã nhiều, Lâm Toét mới nhẹ nhàng nói: “Này ông đã đủ cho một họa phẩm rồi đấy.” Mọi họa phẩm đều được Lâm Toét tiếp nhận vui vẻ, bất cứ bộ môn nào: hiện thực, siêu thực, lập thể, dã thú hay đa-đa…Thực tế Lâm Toét chỉ tiếp nhận của mỗi họa sĩ chừng dăm ba họa phẩm chứ nhận nhiều vì quán không đủ chỗ treo. Bởi thế quán Café Lâm được coi như một “salon chui”. Nhưng những họa phẩm treo ở đây tuy xuất sắc nhưng để lâu ngày đều bị nhuốm màu thời gian và không gian Hà Nội một thời, liên tục bị khói thuốc lá của khách nhả khói, khói bếp nên phần nào hơi tối sầm. Họa phẩm của Bùi Xuân Phái, Lâm Toét có đến năm họa phẩm sơn dầu kích thước khá lớn, trong số đó họa phẩm mang tên “Phố Hàng Bạc” cỡ 60 cm x 80 cm được nhượng cho nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn. Đã có nhiều người chơi tranh muốn mua lại họa phẩm này, trả tới 15,000 mỹ kim, nhưng Trần Hậu Tuấn đã dứt khoát từ chối, giải thích: “Bây giờ tôi cầm số tiền ấy, tôi không thể tìm mua đâu được họa phẩm to đẹp và hoành tráng như thế.”
Tranh vẽ về phố phường và cảnh sinh hoạt hàng ngày của Hà Nội coi như một bộ phận đáng kể nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của Bùi Xuân Phái. (Nhật Thịnh, Hà Nội phố cổ, Đất Đứng số 425, Thứ Sáu 1.10.2010, tr. 5- 10). Phan Cẩm Thượng phê bình: “Vẫn là một họa sĩ gây ấn tượng nhất trong đời sống tình cảm của người Việt Nam. Đó là tình cảm về cố hương, cố nhân và đời sống thường nhật mà người ta hay lãng quên. Đối với Bùi Xuân Phái, vẽ cũng là hơi thở, cũng như nhu cầu ăn uống, cần liên tục và hàng ngày…Khó đếm chính xác số lượng tranh của Bùi Xuân Phái.” Có thể nói trong suốt 40 năm lao động nghệ thuật, Bùi Xuân Phái đã dâng hiến trọn tình yêu của mình cho Hà Nội. Đúng ra vào thập niên 70, khi người Hà Nội chợt nhận ra từ lâu có một“Phố Phái” hiện hữu, đầy ắp trong lòng thành phố của mình, cho đến nay người ta mới hiểu Bùi Xuân Phái như Thái Bá Vân đã nhận xét:“như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chânthành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ”, người ta thấy được tầm vóc của Bùi Xuân Phái. Một con người sống chỉ để vẽ, mắc bệnh vẽ, vẽ vào bất cứ không gian, thời gian nào có thể vẽ được, miệt mài, say đắm. Vẽ với Bùi Xuân Phai coi như sống và thở. Từ một tấm toan vuông vức đến một mảnh giấy báo vương vãi, từ một bìa sách bỏ đi đến một vỏ bao thuốc lá vứt lăn lóc…đủ để Bùi Xuân Phái tạo dựng bao nhiêu bức họa khác nhau về phố cổ. Không sợ nói ngoa, những họa phẩm phố cổ của Bùi Xuân Phái thừa dựng một thành phố thật, thân thiết các phố Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, hàng Rươi…nhưng Hà Nội 36 phố phường của ký ức bâng khuâng đến từng mảng tường vôi lở, từng mái ngói rêu phong, cột điện đầu ngõ xiêu vẹo, những cô gái từ những làng ven đô gánh rau ra chợ sớm, kéo lê những giọt nước trên đường, ô cửa sổ nhỏ đắm đắm đợi chờ. Tất cả để gợi nhớ, trĩu nặng ưu tư  hơn để diễn ta. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đã viết: Hà Nội rất hội họa ở những phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo cách của nghệ thuật rằng, Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra no. Là người Hà Nội, hình như ông được sinh ra để gắn bó, để cảm hóa người ta về một thế giới thể hình và màu sắc của riêng đây.“Phố Phái” là phố của chung tất cả mọi  người, ông chỉ là người đầu tiên phát hiện ra nó – người đầu tiên và sau ông – hình như vẫn chưa có ai, dù đã có rất nhiều họa sĩ say mê đi tìm vẻ đẹp nơi rêu phong phố cổ.” 
Họa sĩ Trần Khánh Chương nhận xét trong sự nghiệp 40 năm sáng tác Bùi Xuân Phái vẽ nhiều thể loại, chân dung, phong cảnh, sinh hoạt khác nhau, phản ảnh sinh động và chân thật từng giai đoạn một của đất nước, nhưng đề tài phố cổ Hà Nội, chứa đựng nhiều kỷ niệm vui buồn, thăng trầm của đời người: “Trong tranh của Bùi Xuân Phái, phố phường Hà Nội không đơn điệu mà đa dạng về màu sắc, thay đổi, khác lạ theo thời gian và tâm tình người sáng tác.”  Mỗi họa phẩm không phải chỉ là những tài liệu ghi chép, nghiên cứu, phong tục, kiến trúc của Hà Nội mà mỗi họa phẩm đã như một bài thơ tràn đầy cảm xúc và tâm trạng. Đó là phố cổ Hà Nội, những mái ngói xô nghiêng, tường mốc rêu phong đủ làm quặn lên nỗi nhớ về Hà Nội. Đó còn là cách bảo tồn phố cổ Hà Nội theo cung cách của Bùi Xuân Phái. Những họa phẩm của Bùi Xuân Phái không có thời gian, không có mùa, nhưng ngồn ngộn những hình tượng để con người thêm yêu Hà Nội. Họa sĩ Vũ Giáng Hương gọi Bùi Xuân Phái là “Người họa sĩ tài năng của thế kỷ 20” và những họa phẩm của Bùi Xuân Phái có phong cách riêng, để lại những ấn dấu độc đáo trong nền mỹ thuật truyèn thống. Những đóng góp của Bùi Xuân Phái không những đem cho cá nhân nhiều giải thưởng từ các phòng triển lãm toàn quốc, từ nơi xa…nó còn đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà những thành tựu vô giá. Đặc biệt những họa phẩm chèo và chân dung của Bùi Xuân Phái đã xuất phát từ những đau thương của đời người. Nguyên Bùi Xuân Phái sinh ở làng tranh dân gian Kim Hoàng lừng danh thuộc Vân Canh, Hà Đông, một dòng tranh chỉ đứng sau Đông Hồ. Nhưng cả đời Bùi Xuân Phái gắn bó với phố cổ Hà Nội, nên từng ngõ ngách, lòng đường đã nằm lòng Bùi Xuân Phái, dành cho Hà Nội trọn vẹn yêu thương. Kháng chiến bùng nổ,  Bùi Xuân Phái làm họa sĩ cho Đoàn Chèo Hà Nội, đề tài sân khấu chèo được Bùi Xuân Phái nghiền ngẫm, sáng tạo và trở thành dòng tranh đặc sắc gồm hàng loạt ký họa về hoạt động của các diễn viên chèo sau cánh gà. Tới khi con trai trưởng Bùi Kỳ Anh nhập ngũ, nỗi thương nhớ và tình thương yêu con cộng dồn, Bùi Xuân Phái vẽ nhiều về đề tài người chiến sĩ. Sau cái chết của Bùi Kỳ Anh, tâm trạng Bùi Xuân Phái được thể hiện trên hàng loạt họa phẩm tĩnh vật, trong đó có những họa phẩm vẽ bàn thờ Bùi Kỳ Anh. Năm 1984 Bùi Xuân Phái được bầu vào Ban Chấp Hành  Hội Mỹ Thuật Việt Nam, triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội gồm 108 họa phẩm sơn dầu, bột màu và khắc gỗ.
Năm nay, Hà Nội sang 1000 năm tuổi, Bùi Xuân Phái tròn 90 tuổi (1.9.1920-1.9.2010), đúng dịp gió heo may lướt thướt trên các chùm hoa sữa, từng vòm sấu ấm tiếng ve kêu. Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Bùi Xuân Phái do Hội Mỹ Thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Hội Mỹ Thuật Hà Nội và gia đình tổ chức, như một nén nhang tưởng niệm dành cho Bùi Xuân Phái, dồng thời một dịp để mọi người cùng cùng ôn nhớ các kỷ niệm đẹp về người con ưu tú của Hà Nội, tôn vinh một trí thức lớn của Hà Nội mà những họa phẩm được coi như một biểu tượng của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nhật Thịnh
Theo http://www.vannghesi.net/




1 nhận xét:

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...