Nhân đọc tiểu thuyết Rừng đói của
Nguyễn Trọng Luân, NXB Hội Nhà Văn, 2016.
Văn chương cốt lấy sự hay, không nệ thể loại
“sang”, “thường”, không so đề tài lớn nhỏ. Một câu thơ hay còn hơn một trường
ca làng nhàng. Một quyển hồi ký hấp dẫn còn hơn trường thiên tiểu thuyết hư cấu
tồi. Có một sự trở lại của dòng tác phẩm phi hư cấu - tiểu thuyết tư liệu
đang được bạn đọc quan tâm chào đón với niềm say mê thích thú. Sau những tác
phẩm phi hư cấu như Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, Quân khu Nam Đồng của Bình
Ca... là tiểu thuyết Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân. Xuất bản tưng
bừng, người đọc nồng nhiệt, điều đó thêm một lần minh chứng: Sự lên ngôi của
thể loại văn phi hư cấu.
Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương viết
rằng: “Sức hấp dẫn mà văn xuôi phi hư cấu đem lại chính là sức hấp dẫn của sự
thật”. Sự thật chính là “chân” trong tiêu chí chân – thiện – mỹ của văn
chương. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân vốn là sinh viên cơ điện, nhập vai trần thuật,
cũng là người trong cuộc, can dự vào những năm tháng Rừng đói. Câu chuyện
ông Luân kể là các sự kiện, tình huống, không gian, nhân vật có thật, thời
gian trôi như bóng câu qua cửa sổ người đã chết song cũng nhiều người đang
còn sống hôm nay. Có thể nói quyền lực của Rừng đói là sức mạnh của
sự thật hấp dẫn.
Người viết văn giỏi thì dựng, người viết hồn
nhiên thì kể. Có người kể vô duyên, có người kể hấp dẫn, quyến rũ người đọc.
Nguyễn Trọng Luân là người kể có duyên, có giọng riêng đầm ấm, lúc xót xa buốt
giá, khi tưng tửng đùa cợt: Một tiểu đoàn gồm 4 đại đội sinh viên. Sinh viên
Bách khoa, Mỏ địa chất, Y khoa, Nông nghiệp, Cơ điện,... hành quân 3 tháng vượt
Trường Sơn vào tận chiến trường. Điều đặc biệt là không phải đánh nhau, tiểu
đoàn sinh viên lãng mạn, mơ mộng này sang đất Căm Pu Chia, chỉ làm một việc
là mót sắn, gùi về nước tăng khẩu phần lương thực cho sư đoàn hàng ngàn quân
ăn như tằm ăn dỗi, và đánh giặc. Định mức 25kg sắn một ngày, thái lát, phơi
khô. Những chuyện đói khát, ăn mặc rách rưới, lính trẻ tếu táo, tâm trạng buồn
vui, ước mơ, khát khao một mùi hương con gái, sốt rét ác tính, chết chóc,
thương vong... đều diễn ra tại đây. Chiến trường không có tiếng súng, đạn nổ,
bom rơi, chiến hào lở loét, vết thương bầm rập..., nhưng nhà văn Nguyễn Trọng
Luân đã làm được một việc kỳ tài là chỉ bằng Rừng đói ông cũng dựng lên cuộc
chiến tranh khốc liệt của riêng ông, của những người lính như ông, và cả những
bạn đọc như tôi.
Không thể tưởng tượng thời ấy người lính ra
trận, vào chiến trường đánh giặc lại đơn giản đến mức: “Mỗi đại đội hơn trăm
lính mà chỉ có một tờ giấy phê đúp ghi trích ngang. Sinh mạng nguồn gốc một
con người đọc chỉ chưa hết 5 giây đồng hồ... Người sĩ quan nhận quân gấp cẩn
thận mảnh giấy đút vào túi mìn Mo, vỗ vỗ mấy cái như an ủi hơn trăm mạng người
yên tâm yên tâm mà chiến đấu”. Giá mà thời ấy, trên cổ mỗi người lính có thêm
một thẻ bài bằng in nốc, to chỉ như đầu ngón chân cái, ghi số lính vào thì
sau chiến tranh đã nhẹ bớt nước mắt trong những cuộc tìm kiếm trùng trùng
gian nan. Rừng đói không chỉ thuộc về những người lính sinh viên mót sắn mà cả
những người lính gái học hành dở dang, nhảy núi, xung vào đội quân gùi thồ phục
vụ chiến trường. Có trăm ngàn nỗi sợ hãi, nhưng hãi sợ của người lính gái bao
giờ cũng ngờm ngợp, thấp thỏm, đáng thương hơn. Người lính sinh viên trai
tráng lặng người khi nghe nữ trung đội trưởng gùi thồ tâm sự thế này: “Hai
tháng, B em chả đứa nào thấy hành kinh. Chúng nó khóc tu tu. Chúng nó sợ mất
cái đàn bà. Em nói, tao đây nè bốn tháng nay cũng chả có hột kinh nào...”. Sợ
chết bom đạn đã đành, còn sợ cả mất thuộc tính đàn bà con gái.
Không thể tưởng tượng nổi tiểu đoàn lính
sinh viên đi mót sắn ở chiến trường khốc liệt, nhưng họ cũng bị đói. Đói cơm.
Đói rau. Đói thịt. Đói cá. Đói không có chất béo chất đạm, nên mồ hôi người
lính cũng không mặn, nước đái không khai. Ăn canh mộc nhĩ, bụng sôi èo èo.
Tiêu chuẩn một lạng gạo, một ngày, gùi vài chục cân sắn, đi về vài chục cây số,
dạ dày teo tóp, mặt xanh nanh vàng, chân run, mắt hoa. Đói, người lính trẻ chỉ
nghĩ đến việc đi kiếm ăn, có cái gì ăn được là cho vào miệng để tồn tại, để sống
mà trở về... với bố mẹ, quê hương: Bắn sóc, đánh cá bằng lựu đạn, lấy mật
ong, ăn búng báng, lá bứa, cháo môn thục... Ở Rừng đói, người lính sốt rét...
đái ra máu mà lại tỉnh là... sắp chết. Nguyễn Trọng Luân có những đoạn viết về
tình cảm đồng đội lúc hiểm nghèo rất quặn thắt, buốt giá. Ông kể về anh lính
sinh viên Đinh Ngọc Sỹ ngửa mặt lên giời, nước mắt ròng ròng, kêu than trong
bất lực, tuyệt vọng: “Ối ông giời ơi thương thằng Khoái với, cho chúng con bắn
được con thú rừng cho nó miếng thịt để nó đi.” Đêm, người lính bắn được thú rừng
thật. Con mang bị vặt lông, nấu cháo. Mừng rỡ, bưng cháo thịt nóng hổi đến
cho Khoái ăn thì anh đã chết. Chết vì sốt rét ác tính. Chết vì bụng lép kẹp
đói. Đêm ấy, dù đói những người lại không ai nuốt nổi. Cháo mang còn nguyên,
ê hề. Ai cũng “no”. Chỉ rừng đói.
Thủ pháp viết Rừng đói rất thật, chỉ là “kể
nội dung”. Kể. Thì thầm kể. Xót xa kể. Quặn thắt kể. Cười cợt kể. Chỉ kể mà dẫn
dụ được người đọc đi từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, không bỏ sách.
Nguyễn Trọng Luân kể về những người lính càng vào sâu chiến trường, các binh
trạm càng nghèo và đói. Đói. Không còn chuyện nhổ một gốc sắn trồng năm hốc ở
rừng Trường Sơn cho người đi sau thu hoạch. Vậy là người lính phải đi ăn trộm,
ăn trộm sắn của đơn vị bạn. Rồi bị bắt, quân ta bắt quân mình, và cãi, cãi lý
sự lấy được, chứ không ngang ngạnh: “Tôi lấy trộm sắn ăn để làm cách mạng, chứ
tôi có mang về quê cho nhà mình đâu mà phải xấu hổ. Mà cần gì phải xấu hổ?” Rồi
nhìn nhau, cả một lũ lính đen đủi, gầy rạc. Rồi phàn nàn, ăn trộm thì ăn trộm
ít thôi, để chúng tôi còn cái ăn với chứ. Đúng là “ốc không mang nổi mình ốc”,
sao phải mang cọc cho rêu. Kẻ ăn trộm, người đi bắt... chia tay nhau, xót xa.
Kẻ ăn trộm se sắt tiễn người đi bắt rồi “nhìn thấy cái miếng vá ở hai mông quần
anh sĩ quan đeo súng ngắn to như quyển sách vàng khè màu đất ba zan mở ra lại
đóng vào”. Thương quá! Và cả cười ra nước mắt. Có lẽ câu chuyện này ở Rừng
đói là một hiện thực lạ lùng độc đáo chưa bao giờ có ở quân đội các quốc
gia khác?
Trong tiểu thuyết Rừng đói, hiện thực chiến
trường bầy ra đến trần trụi khó tin: Cả đoàn gùi sắn hơn 50 lính cởi quần vượt
sông. Một hàng dài tồng ngồng, rồi gặp máy bay trinh sát L19. Tồng ngồng chạy.
Tồng ngồng trút gùi sắn xuống kho. Lại có cả 1 đại đội đi săn. Săn cá. Săn
thú... để lấy thịt tươi bồi dưỡng thương binh nặng. Rừng cũng là nhà. Gần
gũi. Tự nhiên,... những người lính ở đó10 năm, tất cả đều đóng khố. Đóng khố...
đi săn. Lính trẻ bây giờ - thời quân đội chính quy hiện đại, tác chiến hợp đồng
quân binh chủng mà đọc, mà nghe có thể nghĩ là chuyện đường rừng, chuyện
phiêu lưu ký. Tin làm sao được khi người lính ở Rừng đói phải làm cả chuyện
vá may đồ lót con gái. Anh lính trẻ sinh viên Khuất Duy Hoan và Nguyễn Trọng
Luân lóng ngóng phá cái mũ tai bèo ra để làm một việc có một không hai: khâu
thành cái... cooc xê. Đường kim mũi chỉ lóng ngóng, vụng về cũng làm ra hai
cái “nón”, với dây nhằng nhợ “chế tạo cái quang treo vú đàn bà”. Vậy mà, trầm
trồ, tâm đắc, hân hoan: “Quan trọng nhất là hai quả núi nhọn và cứng như mo
thì chỉ hai đường khâu là xong. Lằng nhằng nhất là cái dây quai và làm khuy
áo. Cầm cái cooc xê màu cỏ úa vừa làm xong, hai thằng tôi phá lên cười”. Thế
mà mang vào bản người dân tộc cũng đổi được con gà to bằng con quạ. Mấy anh
lính trẻ vá may ấy tiếc hùi hụi, giá như khâu thêm mấy cái tua rua màu xanh đỏ
nữa thì đổi được con gà to bằng cái chõ xôi. Có đời lính tráng nào sinh động
hơn thế này không?
Thống tướng Douglas MacArthur nói rằng:
“Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai; bởi chính
người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và sẹo chiến
tranh nặng nề nhất”. Rừng đói, nhưng còn cả rừng cười, rừng triết lý về cuộc
sống, về chiến tranh, hòa bình của người lính. Hành trang ra trận của người
lính không chỉ là lý tường, quê hương, gia đình dòng họ, súng đạn, ba lô tư
trang... mà còn cả ảnh các mỹ nhân Hà Nội: Ái Vân, Thu Hiền, Thanh Loan... Đó
là loại ảnh nghệ thuật của các ngôi sao, người đẹp bán lưu niệm ở Bờ Hồ.
Không thể diễn tả hết tâm trạng, trái tim phập phồng xao xuyến của người lính
trẻ có ảnh người đẹp thường trực trong ngực áo. Nhưng rồi ở chiến trường đói
quá, “đói ăn đầu gối phải bò”, “cái khó ló cái khôn”, ảnh các người đẹp cũng
lần lượt bị quy đổi ra gạo rau, ra gà ngan, để bồi dưỡng cho những người lính
bị sốt rét ác tính có nguy cơ tử vong. Cái cách cắt mũ tai bèo, may vá cooc
xê, đánh tú lơ khơ “ăn” ảnh người đẹp, để đem đi đổi lương thực, thực phẩm đều
là những chuyện lạ lùng, độc đáo.
Lính mới thì dù ít học hay sinh viên lắm chữ
cũng vô tư, hồn nhiên, nghịch ngợm, tếu táo. Song con mắt lính sinh viên đại
học bao giờ cũng phán xét, khái quát, và phản biện khắt khe hơn. Dưới ngòi
bút Nguyễn Trọng Luân, các gương mặt quân nhân hiện lên rất độc sáng, đầy cá
tính: Có anh đại đội trưởng tên là Nhất nhầm Từ Hải chết đứng sang Hồ Tôn Hiến
đứng như trời trồng. Anh là týp người thô mộc, bụng dạ thẳng ruột ngựa, bảo
chiến sĩ của mình là “ăn hết quần áo lót”. Có chiến sĩ Quyết kiên quyết thản
nhiên cãi lại: “Tôi không ăn quần lót mà tôi ăn sắn và rau, bằng cách đem quần
lót đổi cho dân bản đấy ạ”. Ăn cần thiết hơn mặc. Mặc quần dài, không quần
lót, tồng ngồng cũng chẳng sao. Có người lính lý sự khi cán bộ chỉ huy truy vấn
“Dép đồng chí đâu?”; “Tôi tặng cho bố tôi rồi. Bố tôi cho hẳn một đứa con
trai đi theo quân đội đánh giặc còn chả tiếc, mà quân đội lại tiếc bố tôi đôi
dép”. Có những người lính lâu ngày sống, hành quân, gùi sắn chỉ đàn ông với
đàn ông, bỗng nhìn thấy “mấy cô gái ở trần đi nương, cặp vú nghênh ngang nâu
sẫm” khiến cái sống lưng tê tê; thấy các cô gái “đeo gùi leo dốc mà mông cứ
cong tớn lên, những đường cong hoang dại” khiến “mấy thằng tôi” cũng bước thấp
bước cao vấp... tụt dép”. Có chàng lính sinh viên y khoa “moi trong túi cóc
ba lô ra một mớ tóc con gái...ngửi,... hít hít mớ tóc buộc bằng sợi len đỏ rồi
bảo, mỗi thứ tóc có một mùi riêng..., mùi đặc trưng”. Khao khát cuộc sống đời
thường, mong muốn được sống yên ổn, ngay cả ở nơi Rừng đói. Chỉ có người trần
thuật tinh tường, phán xét thông minh Nguyễn Trọng Luân thì bức tranh hiện thực
mới cụ thể, rõ nét, sinh động như thế. Dù đầu óc có phiêu bồng, bay bổng đến
đâu cũng không tưởng tượng hư cấu nổi, ở trong cuộc mới viết ra chân thực như
nghe được từng hơi thở, như chạm tay thấy da thịt ấm nóng,... đến vậy.
Người viết muốn kể hay thì tầm nhìn phải
xa, rộng, tường minh. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân có những quan sát rất kỹ,
tinh tế: “Lính Sư Phạm nào trong ba lô cũng có nhiều ảnh bạn gái. Rất nhiều
thằng có cả mớ tóc buộc bằng những sợi len đỏ ướp hoa Ngọc Lan khô ngăng ngắc
mà vẫn thơm”, hoặc “... về đường tán gái thì bọn lính Cơ điện và Mỏ Địa chất
chúng tôi gọi bọn nó là cụ”. “Cụ” là đám lính Sư Phạm và Nông nghiệp đấy.
Ngôn ngữ lính tráng trẻ trung, tán tỉnh, cười cợt. Chỉ có từ “ục” mà tếu táo
ghép bao nhiêu từ mới trên đường hành quân. Cái cảnh lính trẻ giễu nhại ví
mình như “thằng mục” truyền từ đời lính trước sang đời lính sau: “Đời lính mục,
ăn cơm cục, uống nước đục, bị cán bộ giục, không đi thì nhục, đi thì địch phục,
đời thằng lính mục...”. Đôi khi vừa là cái nhìn tinh tường, vừa là phán xét của
tác giả: “Nhìn vết dây võng trên thân cây mà hiểu được tâm tính đồng đội. Thằng
nghịch ngợm cựa quậy đung đưa, là vết dây võng bị cứa lam nham. Thằng chỉn
chu trầm lắng vết dây hằn lõm vào vỏ cây chỉ một vệt.” Phẩm chất nhà văn chỉ
viết bằng sự thật và viết nên sự thật, Nguyễn Trọng Luân đã vượt qua những giới
hạn khắt khe đời tư nhân vật, chọn lựa và làm thỏa mãn cả những người khó
tính trong cuộc đang còn sống. Đó cũng là một thành công.
Có thể nói Rừng đói là một tiểu thuyết phi
hư cấu chân thật, độc đáo rất đáng đọc, còn hơn nhiều cuốn sách văn học hư cấu
tẻ nhạt, làng nhàng đang làm mưa làm gió hiện nay.
Sương Nguyệt Minh
Theo http://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét