Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Chim sơn ca giọng năm quảng tám

Chim sơn ca giọng năm quảng tám
Được mệnh danh là "Chim sơn ca của đất nước Peru", Yma Sumac là ca sĩ được ghi tên vào sách kỷ lục Guiness vì sở hữu một giọng hát độc nhất vô nhị với âm vực cực rộng, trải dài suốt 5 quãng tám, tức là hát được mọi nốt như một cây đàn piano. Điều mà Yma Sumac tự hào là bà không hề học qua thanh nhạc ở bất cứ một trường lớp nào, nhưng chinh phục cả thế giới trong thập niên 1950.
Tự xưng là hậu duệ trực hệ của Atahualpa, hoàng đế cuối cùng của người Inca qua đời năm 1533, Yma Sumac sinh tháng 9.1922 ở Ichocan (Peru) với tên lọt lòng là Zoila Augusta Emperatriz Chavarri del Castillo. Từ khi còn bé, Zoila đã đứng trước núi rừng, tưởng tượng những hòn đá là khán giả của mình và trình bày những bản dân ca.
Chuncho - Rừng già
Zoila bắt chước tiếng hót của các loài chim trong rừng và người ta phát hiện ra rằng cô có âm vực rất rộng. Năm lên 13, cô bé được đưa đến hát ở đài phát thanh và chẳng bao lâu sau, giọng hát của cô lan rộng khắp Nam Mỹ.
Năm 1943, Zoila gặp và kết hôn với nhà soạn nhạc Moises Vivanco và đổi tên thành Imma Sumack (người đẹp). Cùng với cô em họ Cholita Rivero và Vivanco đệm đàn guitar, cô thành lập nhóm Tam ca Inca Taky chuyên hát nhạc của người Inca.
Sumac ghi âm các bản dân ca với các nhạc cụ truyền thống ở Peru, nhưng khi đến Mỹ và ký hợp đồng thu âm đầu tiên với Capitol Records năm 1950, nhạc sĩ Les Baxter đã kết hợp giọng hát của cô với những bản hòa âm giàu màu sắc do dàn nhạc giao hưởng chơi. Đối với ông, giọng của cô là một công cụ biến ảo và ông biết cách sử dụng kỹ thuật tạo vang tân kỳ để làm nổi bật giọng hát có một không hai đó. Ông cũng đổi tên cô thành Yma Sumac.
Bao gồm các bài hát Peru truyền thống, đĩa "Voice of The Xtabay" (1950) đã thành công ngoài sức tưởng tượng với 100 nghìn bản được bán ra. Mặc những bộ trang phục sặc sỡ, Sumac cùng Baxter và cô em họ biểu diễn ở những nhà hát sang trọng nhất nước Mỹ.
Tumpa (Động đất)
Năm 1951, Sumac lên sân khấu Broadway đóng vai công chúa trong vở nhạc kịch Flahooley năm. Sau đó cô được mời đến Hollywood tham gia các phim "Secrets Of The Incas" (1954) và "Omar Khayyam"(1956). Nhưng thành công không đem lại hạnh phúc cho Sumac. Có một con trai từ cuộc hôn nhân sóng gió với Vivanco, Sumac ly dị ông, rồi tái hôn, rồi lại ly dị năm 1965.
Sumac cho ra đời một số album nổi tiếng như: Legend Of The Sun Virgin (1952), Inca Taqui (1953), Mambo! (1954), Legend Of The Jivaro (1957) và Fuego Del Ande (1959). Mặc dù không có một đĩa đơn nào trở thành hit, nhưng năm 1952 bà đã sử dụng giọng hát đặc biệt của mình để thể hiện bản dân ca Nam Phi "Wimoweh".
Ataypura
Thập niên 1960, Sumac dành thời gian đi lưu diễn toàn thế giới. Bà cho ghi âm album thu trực tiếp từ chương trình Recital ở Bucharest (Romania). Tức giận vì một nhà phê bình âm nhạc cho rằng bà không nên trông chờ những lời nhận xét tốt của báo chí, bà đã hát một đoạn trong vở Cây sáo thần của Mozart mà không cần nhạc đệm, khiến toàn bộ khán giả phải đứng dậy vỗ tay.
Bà cũng rất nổi tiếng ở Liên Xô, được cựu nhà lãnh đạo nổi tiếng lúc đó Nikita Khrushchev đón tiếp trang trọng. Đáp lại thịnh tình đó, bà đã lưu diễn ở Liên Xô suốt 6 tháng năm 1961.
Bo Mambo
Mặc dù có những bất đồng với Baxter, nhưng năm 1972, bà đã tái hợp với ông để thu âm album nhạc rock "Miracles". Nhưng kết quả không khiến bà hài lòng và bà từ chối quảng bá album đó. Năm 1988, bà được hãng Disney mời tham gia làm album "Stay Awake" cùng một số ca sĩ hàng đầu khác. Bà thể hiện một bài hát ru - vốn là sở trường của bà.
Yma Sumac qua đời ngày 1.11.2008, thọ 86 tuổi.
Nguồn: VMC blog
Theo http://vnmusic.com.vn/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...