Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Đừng để hoàn cảnh làm hỏng cuộc đời mình

Đừng để hoàn cảnh làm hỏng cuộc đời mình
Thói thường con người ta khi làm một điều gì bị thất bại hay để biện minh cho một hành động sai lầm , hay đơn thuần chỉ là một sự ứng xử không đẹp thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Ví dụ như:
- Tôi bị thất bại VÌ….
- Tôi nói thế, làm thế BỞI…
- Tôi trở thành như thế TẠI…
Đồng ý rằng bất kỳ kết quả của một ý nghĩ, lời nói hay  việc làm của chúng ta đều được bắt nguồn từ một động cơ nào đó, nhưng nếu kết quả đó là tốt thì chúng ta thường nghĩ đến yếu tố chủ quan tức là tài năng của chính mình, còn nếu kết quả đó là xấu, là thất bại thì đa phần chúng ta đều quy kết cho yếu tố khách quan nào đó mà hoàn cảnh là thủ phạm chính.
Người xưa đã nói để thành tựu bất kỳ một việc gì cũng đều phải đầy đủ ba yếu tố, đó là:
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, thiếu một trong ba yếu tố thì sự việc không thành hoặc không hẳn là thất bại hoàn toàn nhưng có thể sự thành công không được trọn vẹn lắm. Thế nhưng khi bị thất bại mà ta chỉ biết quy kết cho hoàn cảnh thì đồng thời chính  ta cũng thừa nhận sự yếu kém của mình vậy! Ta phải nghĩ lại trong một hoàn cảnh như thế nếu ta có chí, có trí, có tài thì ta có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn để đem lại kết quả tốt hoặc ít nhất cũng hạn chế được sự thất bại. Đó là cách mà ta nhìn nhận đúng đắn vấn đề hoặc tất cả mọi hành động, lời nói việc làm trong cuộc sống.

Trong một phạm trù khác đề cập đến sự hình thành nhân cách  hoặc thái độ và hành vi của chính bản thân mình trong cuộc sống đã chứng minh nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự nhận thức của từng người chứ không phải do hoàn cảnh. Có một câu chuyện kể về một gia đình kia có hai anh em sinh đôi, cha của chúng là một người nghiện rượu nặng tối ngày triền miên trong những cơn say xỉn. Tuổi thơ của chúng là những ngày tháng khổ đau khi chứng kiến mỗi lần người cha về nhà với cơn say là những lời gào thết, những trận đòn roi với mẹ và hai anh em chúng, cũng như sự đập phá đồ đạc trong nhà.
Ngày tháng qua đi, khi lớn lên mỗi người con đều có cuộc sống riêng của mình. Người anh bây giờ là một bợm nhậu say xỉn không khác người cha năm nào, còn người em thì trở thành một người hoạt động phong trào chống tệ nạn xã hội.
Khi được hỏi vì sao mà hai anh trở thành người như thế, thì thật bất ngờ cả hai anh em đều có chung một câu trả lời: “Có một người cha như vậy thì tất nhiên tôi phải trở thành người như thế!”
Xét câu trả lời của hai anh em, chúng ta thấy cả hai đều có lý do chính đáng để giải thích cho việc làm của mình, cùng một hoàn cảnh xuất thân nên cùng một câu trả lời giống nhau là phải. Cái khác biệt là sự nhận thức tiêu cực và sai lầm khiến người anh trở thành một kẻ bê tha, hư hỏng, cùng một hoàn cảnh như thế nhưng người em có một nhận thức tích cực, đứng đắn và trí tuệ nên đã trở thành người tốt, hữu ích cho xã hội.
Ta có thể suy luận thêm, trong cuộc đời trước một hoàn cảnh như nhau nhưng  mỗi người tự rút ra cho mình một bài học để ứng dụng trong cuộc sống. Tích cực hay tiêu cực, tốt  hay xấu, an lạc hay khổ đau đều do sự nhận thức của mỗi người để hành xử và cho ra kết quả sau cùng.
Trong cuộc sống sai lầm lớn nhất là vin vào hoàn cảnh để cho phép mình tự làm hỏng cuộc đời của chính mình bằng những hành động sai trái, hoàn cảnh không phải là nguyên nhân chính làm cho ta trở nên hư hỏng, tha hóa mà chỉ là lý do để cho những kẻ có tư tưởng tiêu cực, thiếu ý chí vin vào đó để biện minh cho việc làm của mình mà thôi!
Trong kiếp luân hồi của chúng sanh, khi xã báo thân này rồi thì tùy theo chánh báo và y báo mà ta sẽ thác sanh vào một một nhà nào đó, một quốc độ nào đó mà ta không thể lựa chọn được. Tuy nhiên: “Ta không chọn được nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”. Ta sẽ như thế nào thì không phải do hoàn  cảnh mà tùy nơi cách ta chọn vậy!.
Tâm Lễ 
Theo http://vuonhoaphatgiao.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...