Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

"Sai lầm ngu ngốc" của Albert Einstein

"Sai lầm ngu ngốc" của Albert Einstein
Theo “kinh nghiệm” của Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, nếu muốn trở thành người nổi tiếng, thì nên nói và viết thế nào để không ai hiểu được. 
Albert Einstein với phát minh thiên tài của ông trong Thuyết tương đối mô tả quan hệ giữa năng lượng (E) với khối lượng (m) và tốc độ ánh sáng (c)
Ý kiến này được đưa ra năm 2005, nhân kỷ niệm 100 năm phát minh ra Thuyết tương đối (1905-2005).
Khi Thuyết tương đối của Albert Einstein mới được công bố, chỉ có vài người hiểu được lý thuyết đó. Thế nhưng, tác giả của nó thì cả thế giới đều biết đến tên tuổi.
Đến nay, sau 100 năm công bố Thuyết tương đối, tiến bộ khoa học đã đi rất xa so với thời điểm năm 1905, nhưng số người hiểu được lý thuyết khoa học này cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. 
Nhưng ở Anh và Mỹ, khi được hỏi “Bạn thích nhân bản ai đầu tiên?”, thì Albert Einstein là người được xếp đầu danh sách, sau đó mới đến những danh nhân kiệt xuất khác trong các lĩnh vực khoa học, chính trị và nghệ thuật.
Cũng trong năm 2005, các nhà khoa học thuộc đề án “Nghiên cứu dấu vết các ngôi sao siêu mới” (Supernova Legacy Survey), vừa công bố kết quả nghiên cứu các ngôi sao xuất hiện cách xa chúng ta 2-8 tỷ năm ánh sáng và phát hiện ra một điều vô cùng lý thú, chứng tỏ Albert Einstein và Thuyết tương đối của ông không chỉ khó hiểu mà còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn về thiên tài kỳ lạ của nhà khoa học này.

Chuyện là, khi xây dựng Thuyết tương đối, Albert Einstein tìm ra một phương trình toán học mô tả sự cân bằng hài hoà của vũ trụ, trong đó có chứa một hằng số, mà ông gọi là hằng số vũ trụ.
Theo Albert Einstein, vũ trụ là một hệ thống cân bằng, thống nhất hài hoà, và ông có ý định xây dựng một luận thuyết khoa học có thể mô tả được tất cả các hiện tượng trong tự nhiên.
Albert Einstein gọi đó là Lý thuyết trường thống nhất. Nhưng về sau, các quan sát thiên văn chứng tỏ vũ trụ đang giãn nở với tốc độ ngày càng gia tăng và không hề có sự cân bằng. Thế là Albert Einstein quyết định đưa hằng số vũ trụ ra khỏi phương trình toán học do chính ông phát minh ra.
Trong những năm 1990, rất lâu sau khi Albert Einstein qua đời, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong vũ trụ tồn tại năng lượng đen, một loại lực phản hấp dẫn có tác dụng đùn đẩy vật chất.
Như vậy, các vật trong tự nhiên không chỉ “cuốn hút” nhau bởi lực hấp dẫn nhau mà còn đẩy nhau nữa. Chính từ phát hiện này, các nhà khoa học hy vọng có thể giải thích được hiện tượng giãn nở tăng tốc của vũ trụ. Nhưng thế nào là năng lượng đen thì cho đến nay vẫn chưa ai đưa ra được định nghĩa một cách chính xác.

Một giả thuyết cho rằng nó tồn tại dưới dạng các hạt đặc biệt. Còn các nhà khoa học tham gia đề án thì khẳng định năng lượng đen rất giống với hằng số vũ trụ, tồn tại khắp nơi trong không gian và trong thời gian.
Kết quả quan sát của các nhà khoa học làm việc tại nhiều kính thiên văn bố trí tại các nước khác nhau trên thế giới cho phép phát hiện ra các vụ nổ từ những ngôi sao siêu mới cách chúng ta vài tỷ năm ánh sáng.
Bằng cách đo khoảng cách, độ sáng, quang phổ của những ngôi sao đó, các nhà thiên văn xác nhận tác động của năng lượng đen không thay đổi khi tăng khoảng cách tới bất kỳ vật thể nào trong vũ trụ.
Khi các nhà khoa học đem những số liệu thu được về năng lượng đen gắn vào phương trình trạng thái mô tả quan hệ giữa áp suất và mật độ vật chất trong vũ trụ, thì họ phát hiện ra rằng năng lượng đen được mô tả dưới dạng một hằng số gần bằng hằng số vũ trụ của Albert Einstein!
Hào hứng và phấn khích trước kết quả nghiên cứu bất ngờ, các nhà thiên văn làm việc trong đề án dự định tiếp tục đo đạc thêm một thời gian nữa để nâng cao độ chính xác của các phép đo với hy vọng đưa hằng số phản ánh năng lượng đen tiến gần bằng hằng số vũ trụ của Albert Einstein.
Từ đây, các nhà khoa học nhận thấy phương trình toán học ban đầu của Albert Einstein ẩn chứa một dự đoán thiên tài đến mức kỳ lạ mà chính bản thân ông cũng không tin vào ý tưởng đó.
Như vậy là, chính Albert Einstein chứ không phải là ai khác cách đây gần 100 năm, bằng phương pháp toán học, đã mô tả sự tồn tại của năng lượng đen bằng một đại lượng mà ông gọi là hằng số vũ trụ.
Thật thú vị, cách đây gần 100 năm, khi vứt bỏ hằng số vũ trụ ra khỏi phương trình toán học do chính mình viết ra, Albert Einstein gọi đó “sai sót ngu ngốc nhất” trong đời mình!.
Không ngờ, gần 100 năm sau, chính “sai sót ngu ngốc nhất” đó của Albert Einstein lại là dự báo thiên tài và bí ẩn nhất trong toàn bộ lịch sử khoa học của nhân loại. 
Lê Minh
Nguồn Tiền Phong
Theo http://khoahoc.tv/

1 nhận xét:

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...