Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Cát bụi cuộc đời… và những… vết mực phận người

Cát bụi cuộc đời… và những… 
vết mực phận người…
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
Hơn 10 năm nay những ca từ diết dóng và giai điệu réo rắt của “Cát bụi” chảy tràn cõi lòng ta, xâm chiếm từng ngõ ngách của trái tim nhiều suy tư, xúc cảm. Dòng ca từ vang vọng như bao hạt cát cứ vương mãi trên sa mạc đời bao la, để lại những ám ảnh về phận – cát bụi – người. Phận người hay phận mình cũng chỉ là phận cát bụi mong manh, nhỏ bé, hư vô giữa cõi đời mênh mông, vô thường. Ta sinh ra trên cõi đời này từ hạt cát bụi nhỏ nhoi rồi khép lại hành trình đời ta lại trở về cát bụi. Thời gian chảy trôi, nước phủ làm tan biến tất cả trong hư không, tịch lặng vô biên. Những ca từ và gia điệu cứ bám riết khắc khoải trong ta một nỗi hoài vọng, một cảm xúc xa vắng mà gần gụi, một chút hoang vu mà thân mật, một thứ vô hình nhưng cũng rất cụ thể của thân phận, của những quy luật sống miên viễn, vô cùng.  Những ca từ đầu tiên bắt vào nhịp “Cát bụi” thật tự nhiên như một quy luật vĩnh hằng. Mối quan hệ tương tác của thân tôi và hạt bụi được thiết lập và mở ra một trường liên tưởng, suy tư mênh mông. Cũng từ đó, lời ca vang lên nghe sao mà xa vắng, sâu sắc, đượm một màu triết lý Thiền định về con người:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời!
Mặt trời soi một kiếp rong chơi”  
Một chân lý rất đơn giản và sâu xa được nhà Phật phát hiện và Trịnh chuyển thể tự nhiên vào từng ca từ: con người vốn được sinh ra từ cát bụi – một hạt bụi nhỏ nhoi hóa thân thành kiếp thân tôi – thành một kiếp người – một tồn tại người. Ngay hình ảnh “hạt bụi” đã gợi ra một cái gì nhỏ bé, vô thường, hư hao của kiếp sống sinh linh. Nhưng con người được sống, được sinh ra trên cõi đời này đã là một hạnh phúc lớn lao. Cái hình hài của kiếp thân tôi này thật đẹp đẽ, diệu kỳ biết bao. Do đó, cát bụi thật tuyệt vời khi hóa thân vào sự sống của ta, để ta hưởng trọn cái kiếp đời trong cõi nhân sinh bé tý này. Nhưng cái kiếp đời ấy tuyệt vời vì là “kiếp rong chơi” nhẹ bồng bỗng. Ta đi về mà chẳng cần biết đâu nguồn cội. Trong ca khúc của Trịnh ta luôn gặp hình bóng cái bước chân giang hồ, phiêu linh như thế:
  – Trong khi ta về lại nhớ ta đi
  Đi lên non cao, đi về biển rộng
  Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
  Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì
  (“Một cõi đi về”)
  Hay:
– Ôm lòng đêm
nhìn vầng trăng mới về
nhớ chân giang hồ
(“Phôi pha”)
Trong cõi đời vô lượng với muôn ngàn trải nghiệm ấy, cái tôi là ta đây thấm thía thân cát bụi và cái quy luật muồn đời của kiếp người. Ta sinh ra từ cát bụi rồi một ngày nào đó sẽ về với cát bụi, sẽ là một hạt cát nhỏ nhoi hòa tan trong hoang mạc đời vô tận. Vạn vật, kể cả đời người không tránh được cái lẽ vô thường của tạo hóa. Không có gì vĩnh hằng, không có gì bất biến. Kiếp con người rất hằng thường trong cái vô tận của vũ trụ mà thôi:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi
Những lời ca như một tiếng thở dài về cái lẽ đời muôn thuở của cuộc nhân sinh. Ta bắt gặp hình ảnh của cái bánh xe luân hồi khép kín vô lượng của một kiếp đời. Tất cả rồi sẽ chảy trôi, sẽ tan biến theo một quy luật sinh – trụ – dị – diệt. Thân cát bụi lại trở về cát bụi. Cái bản thể con người là vậy. Mọi tín điều về cái vĩnh hằng, bất diệt chỉ là ảo tưởng. Chỉ có hư vô là vô tận. Chỉ có vô thường là miên viễn. Tất cả sẽ thay đổi, biến động trong thiên hình vạn trạng của tạo hóa. Cho nên, “Cát bụi tuyệt vời” của sự sinh thành, của kiếp rong chơi đến đây đã thành “Cát bụi mệt nhoài” của kiếp sống hữu hạng, hằng thường.
Biết là hằng thường, biết là hữu hạn nhưng ta cũng không thể vượt thoát khỏi cái vòng luân hồi, tử sinh của kiếp cát bụi. Tiếng động đời vẫn gõ nhịp khôn nguôi, vẫn luôn vẫy gọi ta về phía đó. Ta sinh ra làm một hạt cát tuyệt vời, để đắm chìm trong cuộc đời đầy yêu thương, mật ngọt. Ta được sinh ra từ hạt cát bụi nhỏ nhoi cũng là một hạnh phúc quá lớn lao, dù mai này ta phải trở về cát bụi. Nhưng cái kiếp rong chơi ấy là cả một cõi bao la của những cung bậc sống. Những ái, ố, hỷ, lộ, những niềm vui và nỗi buồn, hạnh ngộ và chia ly, hạnh phúc và đau khổ, mật ngọt và mật đắng, tình yêu và sự phụ rẫy,… tất cả, tất cả khiến kiếp đời cát bụi không nhẹ bồng bỗng mà là một kiếp mệt nhoài với những nếm trải. Và phải chăng như thế, Trịnh Công Sơn cũng không hẳn cảm nhận về một kiếp đời hư vô, bất định mà còn có tư tưởng khá hiện sinh nữa? Và tiếng động kia là gì nếu không phải những tiếng gióng giả của thời gian hối thúc, cuộn xoáy vô cùng. Tất cả đều chảy trôi, tất cả rồi sẽ phôi pha, thiên biến vạn hóa. Để rồi đến một ngày, ta giật mình thảng thốt nhận ra một sự thực se sót về sự hiện hữu mong manh của kiếp người:
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
“Bao nhiêu năm” và “một chiều” – một dài dặc, mênh mông với một khoảnh khắc ngắn ngủi. Nhưng trong cái ánh chớp của thời gian ngắn ngủi ấy, ta bừng ngộ ra được chân lý của cuộc sống này. Sự đối lập của hai phạm trù thời gian này càng làm sáng lên cái phút “đốn ngộ” và được khai sáng ấy. Bao năm sống vui vui, buồn buồn trong kiếp người người, ngợm ngợm, ta đâu ý thức được là ta đã, đang sống. Cuộc sống cứ trôi đi, thời gian cứ vô tình ra đi như nước qua cầu, như bóng câu qua cửa sổ. Ngoảnh lại, mọi thứ đã quá muộn màng. Thời gian phủ bụi mọi thứ, làm phôi pha, bào mòn đi mọi giá trị. Hình ảnh so sánh “tóc trắng như vôi” thật ấn tượng, giàu sức gợi và ý nghĩa biểu hiện. Nó là mái đầu của tuổi già sầm sập đến, của nhan sắc phai tàn. Và đồng thời mái tóc trắng ấy cũng là chứng nhân cho sự hủy hoại lớn lao, vô cùng của thời gian, của cái vô thường trong đời sống. Con người hiện lên chỉ là những mất mát, bi thương, là chứng nhân của sự phôi pha, của những tàn phai. Tất cả ra đi, tất cả xa rời tầm tay và tan biến trong chớp mắt. Nghe đoạn ca từ này ta lại gặp tâm tư của Vạn Hạnh Thiền Sư khi dặn dò đệ tử:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Bản dịch thơ của Ngô Tất Tố:
Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
Vẫn biết cuộc đời này là vô thường. Tất cả phải theo những quy luật muôn đời ấy. Muốn thoát khổ, muốn được “đốn ngộ” phải nắm được quy luật, sống thuận theo quy luật và vượt lên những xúc cảm thông thường. Khi đó, người ta sẽ thoát khỏi bể khổ trầm luân, vượt lên luân hồi, sống an nhiên tự tại. Nhưng khác với những vị chân tu thoát khỏi cái “ngã” và xóa bỏ cái “vô minh” trong lòng, con người chúng ta sống với đời sống người không an nhiên tự tại được như thế. Được sinh ra trong kiếp người, mỗi cái ngã đều muốn nếm trải hết mọi sắc vị của nó. Nhận biết được cái vô thường, cái mong manh, hữu hạn của kiếp sống cát bụi nhưng ta vẫn thất xót lòng, se dạ trước sự nghiệt ngã, sức phá hủy lạnh lùn của thời gian, của những quy luật sống. Và chính Trịnh Công Sơn cũng đã từng viết:
“Mười năm xưa đứng bên bờ đậu
Đường xanh hoa muối bay rì rào
Có người lòng như khăn mới thêu
Mười năm sau áo bay đường chiều
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
Có người lòng như nắng qua đèo”
 (“Có một dòng sông đã qua đời”)
Mười năm xưa và mười năm sau, một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ làm “Lòng như khăn mới thêu” thành “nắng qua đèo”. Mọi thứ bị biến đổi tận triệt, không cùng. Mọi dấu vết của cái tươi đẹp, lộng lẫy tan biến trong chớp mắt. Tự ta thấy được một cái ta đã vĩnh viễn ra đi, vĩnh viễn thuộc về thời quá khứ. Ta đã không còn là ta nữa. Ta sống trên đời với bao thay đổi cùng bao mặt nạ để thích ứng với những cái đổi thay ấy. Vì vậy, điều tất yếu sẽ đến là:
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
Ta không thể chống lại được, không thể vượt thoát được vì ta quá bẻ nhỏ, ta chỉ là một hạt cát bụi mà thôi. Ta sống trong cuộc đời cô đơn, lẻ loi, để hứng chịu những bi thương. Một hành trình đời dài dặc với bao thăng trầm kết cục cũng chỉ cho một ngày ta nằm xuống. Cái chết đã đặt một dấu chấm để kết thúc tất cả. Và như thế, ta lại thàn một hạt cát nguyên vẹn như khi ta đến. Đến và đi cũng chỉ là hạt bụi giữa hư vô mà thôi.
Tuy nhiên, trong mất mát con người vẫn gieo mầm hy vọng; trong tận cùng tuyệt vọng, ta vẫn tìm thấy niềm vui. Ta đi về trong cõi vô thường và hướn tới những điều tươi mới, đẹp đẽ; hay nói như Trịnh Công Sơn là “sống vừa là kẻ chiến thắng, vừa là kẻ chiến bại”. Trong đời sống ấy, ta cảm nhận được mọi ý nghĩa của đời sống hằng thường, ngắn ngủi:
Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui
Mặt trời mang ánh sáng minh triết đến cõi lòng thâm u. Đời là cát bụi nên tình yêu cũng “xay mòn thành đá cuội”. Bởi tình đến và đi, mất và còn cũng hư không như cát bụi cuộc đời. Tất cả xay tròn theo cái trớ trêu, theo cái trò đùa của con tạo. “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Tình yêu cũng không nằm ngoài cái quy luật vô thường nghiệt ngã. Cho nên tình yêu là mật ngọt trên môi và là mật đắng trong đời. Kết cục còn trơ lại cái ta lẻ loi trong bể khổ mênh mang, trong chút ít hy vọng. Nhưng chút ít hy vọng đó cũng là niềm vui, một sự an ủi và dư vị hạnh phúc lớn lao. Cho dù có bùi ngùi than tiếc, cho dù có mòn mỏi ngóng trông từng ngày tin vui đến, thì niềm hy vọng, sự chờ đợi bao giờ cũng mang lại cho ta những chân giá trị, những ánh sáng lung linh của mặt trời rực rỡ, xua tan cõi vô minh trong lòng.
Và khi ta đã được đốn ngộ thì ta cảm thấu được cuộc đời chỉ là một vết mực, kiếp người ta đang sống chỉ là cát bụi. Những thứ tưởng chừng hùng vĩ, vĩnh hằng nhưng cũng rất hữu hạn, cũng chỉ là hư ảnh tàn phai trong cuộc đời:
Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay
Rừng cây xơ xác lá, vực sâu mời gọi ta về với đáy cùng của nó. Những vực xoáy cuộc đời vẫn luôn luôn thường trực trực chờ bên ta. Lời mời của vực sâu đem ta đến với tuyệt vọng và hy vọng, đến những đối cực của đỉnh điểm và đáy sâu trong đời. Và như thế, ta đã sống trọn vẹn cái kiếp cát bụi tuyệt vời và cát bụi mệt nhoài. Xuống tận cùng dưới đáy hay lên đến đỉnh cao vinh quang chính là lúc ta thức nhận, hiểu sâu nhất, rõ nhất về ta, về cuộc đời, về phận người. Để rồi, ta biết chỉ có ta trong cuộc đời là thân cát bụi và có khi còn hư vô hơn nữa – chỉ là một vết mực nhòe mờ mà thôi. Tất cả đều vô thường, mong manh, hư hao. Ta đến và đi cũng chỉ là hạt cát bụi, chỉ là một vết mực không hình sắc. Rồi ta sẽ tan đi, biến mất giữa cái vô cùng, vô tận của sự đổi thay, trôi chảy. Sẽ không còn bất cứ một tỳ vết, hay một dư ảnh nào của ta hằn in trên cuộc đời này.
Thực và hư, tồn tại và tan biến, có và không, còn và mất, đến và về… đều quy tụ về đây, về thân cát bụi giữa chốn trần ai trong cái lẽ hợp tan, vô thường. Đường còn xa vạn dặm và đời còn bao hiu quạnh. Tất cả là những khả năng, những tiềm năng, là những ẩn số của số phận. Chỉ có một cách, ta hãy sống hết mình, hãy đi đến cùng cái cuộc đời cát bụi và cái phận người như vết mực nhòe ảo kia để biết mình đã được sinh ra, đã sống tuyệt vời, đã sống mệt nhoài. Và dù phù du, hư ảo thì một hạt cát bụi cũng có chút dư tình còn vương vấn giữa bãi cát dài vô tận của hành trình đi về một cõi bao la không có điểm kết. Biết là phu du, vô thường nhưng liệu ta có kết thúc được hành trình và thôi không làm cát bụi nữa không, khi mà ta mãi mãi muốn sống cuộc sống đích thực của một con người toàn vẹn với cái bản thể người muôn thuở, nguyên khối?!.

Cát Bụi Quang Dũng Lyric Loi bai hat | QbyW4pay4A - Nhaccuatui.com

Theo https://thanhhaingo1084.wordpress.com/


1 nhận xét:

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...