(Trao đổi về bài viết: “Thấy
gì qua một số bài viết về
văn học của Võ Tấn Cường?” của Trần Minh Tạo)
1. Phê bình kiểu so sánh nhưng thiếu… phương pháp so sánh.
Trần Minh Tạo so sánh phong cách ngôn ngữ trong bài phê bình: “Lê Đạt-người
phu chữ thanh xuân” của tôi ấn tượng giống phong cách ngôn ngữ của
F.Nietzsche khi viết “Zarathustra đã nói như thế”. Kiểu phê bình so sánh của
Trần Minh Tạo hoàn toàn mang tính chủ quan và không dựa vào phương pháp so sánh
mang tính khoa học.
Do không dựa vào sự tương đồng
về thể loại và không dựa trên cái trục lịch sử nên cách so sánh của Trần Minh Tạo
khập khiễng, không thuyết phục. Tác phẩm của F.Nietzsche có sự hòa trộn, dung
hòa giữa nhiều thể loại nhằm bộc lộ cái nhìn, quan điểm của ông về nhân sinh,
con người và vũ trụ. Bài viết của tôi thuộc thể loại phê bình thơ và chỉ nhằm
khám phá phong cách thơ của Lê Đạt. Hai phong cách ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau
và khác nhau về thể loại nên sự so sánh của Trần Minh Tạo đã rơi vào khiên cưỡng,
khập khiễng.
Tôi tâm đắc ý kiến của nhà
phê bình văn học Pháp Roland Barthes (1915-1980) đại ý rằng, người ta không thể
có cách nào khác, ngoài cách dùng vẻ đẹp văn chương để viết về vẻ đẹp văn
chương. Phê bình thơ đối với tôi chính là khám phá ý nghĩa hàm ẩn của ngôn từ,
sự biến đổi, chuyển động về tâm trạng, tư tưởng của chủ thể trữ tình (cái tôi
trữ tình của nhà thơ) và khám phá con người thẳm sâu của chính mình trong qúa
trình tiếp nhận thế giới của cái đẹp trong bài thơ. Tôi quan niệm viết phê bình
một bài thơ, một tập thơ hoặc một phong cách nghệ thuật của nhà thơ chính là tạo
dựng một bài-thơ-văn-xuôi dựa trên một hoặc nhiều phương pháp, hệ hình phê bình
văn học nào đó. Hầu hết các bài phê bình của tôi đều viết theo phương pháp phê
bình trực giác, phê bình phân tâm học và phê bình cấu trúc, thể hiện sự phát
ngôn tự tại của bản thân, ít hoặc không dựa vào quan điểm hoặc cách đánh giá của
một nhà tư tưởng hoặc một nhà lý luận phê bình nào. Tôi cảm thụ bài thơ và ký
mã ngôn ngữ trong bài phê bình một cách tức thời, ngẫu hứng, dựa vào trực giác
và ấn tượng của chính mình. Tôi tin vào những hình tượng vụt hiện, lóe sáng
trong tâm trí. Chính vì thế, dù hiểu nghĩa tự nguyên của từ ngữ nhưng trong qúa
trình viết phê bình thơ, tôi cho rằng người viết phải vượt qua nghĩa tiêu dùng
để tạo dựng, phát hiện lớp nghĩa phát sinh khi cho các từ ngữ kết hợp, hôn phối
với nhau. Tập thơ: “Ngực cỏ” của Lam Hạnh có nhiều bài thơ khắc họa sự sinh sôi
nảy nở của sự vật và sự giao hòa mang vẻ đẹp nhục thể trong tình yêu của con
người. Vẻ đẹp sinh sôi, nảy nở trong quan hệ tính giao của sự vật và con người ẩn
chứa vẻ đẹp phồn thực. Tôi viết: “Phồn thực cỏ, phồn thực yêu” và “Sự
phồn thực trong thơ Lam Hạnh” là hoàn toàn dựa trên ấn tượng của mình qua các
bài thơ của Lam Hạnh. Trần Minh Tạo cần đọc thơ của Lam Hạnh mới có thể chia sẻ
với cách diễn đạt của tôi...Ở đây, nghĩa phát sinh của từ: “Phồn thực” chính là
biểu hiện sự sinh sôi của sự sống, của tình yêu tuôn chảy trong thơ Lam Hạnh.
Tiến sĩ văn hoá học Đỗ Lai Thúy cũng từng viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương và sự
hoài niệm phồn thực. Trần Minh Tạo cho rằng: “anh đã đánh đồng một cách sai trật
nội dung nghĩa của nó với bản thể ái tình, với dục tính (Libido) nơi vạn vật
nói chung và loài người nói riêng” là hoàn toàn suy diễn và áp đặt. Sự phồn thực
trong thơ Lam Hạnh không hề bị đánh đồng với “bản thể ái tình” mà chỉ là đối tượng
để nhà thơ bộc lộ cảm hứng thẩm mỹ và khắc họa sự sinh sôi, nảy nở của sự vật,
tình yêu của con người trong thế giới thi ca mà thôi.
Trần Minh Tạo đã “viết lại”
phong cách phê bình thơ của tôi theo cách diễn đạt nôm na, dễ hiểu, dễ cảm và
theo cách nghĩ của anh. Trong bài: “Tuyết: Tinh khiết hồn-Tinh khiết thơ”, tôi
viết: “Thơ của ông giàu tính chiêm nghiệm, ngôn ngữ thơ cô đúc, dồn nén, và đều
hàm chứa năng lượng của tình thương đối với con người và nỗi niềm nhân thế. Ý
thức về sự đào thải nghiệt ngã của thời gian, nhà thơ Vũ Phán hướng cảm hứng
sáng tạo về vẻ đẹp thanh khiết, trinh trắng của tâm hồn và sự vật”.Trần Minh Tạo
cho rằng: “Theo tôi,Võ Tấn Cường cứ viết như sau: “Thơ ông giàu tính chiêm
nghiệm, ngôn ngữ thơ cô đúc, dồn nén, và đầy tình thương đối với con người và nỗi
niềm nhân thế ” thì vẫn đủ và rõ (dù có chút chưa sáng sủa về cách hành
văn ); cần gì phải vất vả gồng gánh trộn nhào bê-tông chữ nghĩa rồi đem đổ “tấm”
lên một ngôi nhà ý tưởng bé nhỏ, chỉ toàn vách lá với tràm làm kèo làm cột mà
thôi? Chẳng lẽ tư duy ngôn ngữ và đường lối diển đạt trong giao tiếp xã hội
của người cầm bút thời công nghiệp hóa -hiện đại hóa bây giờ là phải “bêtông
hóa”, “cao ốc hóa” như vậy hay sao..”. Rõ ràng, Trần Minh Tạo không
hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng giọng điệu trong bài văn, trong tác phẩm phê
bình và cách diễn đạt của mỗi tác giả hoàn toàn khác nhau, thể hiện nét độc đáo
riêng của mỗi người. Quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức của tác phẩm
nghệ thuật cho thấy: mỗi một hình thức nghệ thuật đều hàm chứa nhiều nội dung
khác nhau và mỗi một nội dung có thể diễn đạt bằng nhiều hình thức nghệ thuật
khác nhau. Thử hỏi, nếu Trần Minh Tạo yêu cầu Hoài Thanh phải diễn đạt giống Hải
Triều, Phương Lựu diễn đạt giống Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy diễn đạt như Đỗ Minh
Tuấn hay phải diễn đạt theo cách cảm, cách nghĩ của anh thì phong cách ngôn ngữ
của các nhà phê bình sẽ như thế nào? Đây là yêu cầu hoàn toàn vô lý và vô tình
trong qúa trình tiếp nhận văn bản của người khác, Trần Minh Tạo đã thủ tiêu
phong cách, giọng điệu của mỗi nhà phê bình .
Trong bài: “Nhận diện thơ
ĐBSCL” tôi viết: “Các nhà thơ ĐBSCL cần đào luyện và tạo dựng một hệ thống ý thức
triết học, quan niệm sáng tác và quan niệm thẩm mỹ riêng. Quan niệm thẩm mỹ
trong ca nhạc tài tử và vọng cổ không thể vận dụng vào thi ca bởi vì cái ước lệ
và uỷ mị có nguy cơ tổn hại đến cái đẹp của thi ca. Sự phóng khoáng, chịu chơi
và hào hiệp của con người tài tử Nam Bộ chỉ là chất liệu của bài thơ chứ
không thể hình thành nên tính cách và tầm vóc tư tưởng của nhà thơ. Những
thuật ngữ trong đoạn văn trên chỉ là thuật ngữ văn học, không phải thuật ngữ
triết học và cũng không có gì qúa cao xa, rắc rối cả. Thế mà, Trần Minh Tạo viết: “…
Xin phép nói thêm với anh rằng, sự diễn đạt ý tưởng như trên của anh là rất không sáng sủa vì sự cố ý rắc rối hóa nó bằng những thuật ngữ khái quát triết học quá cao xa mà lại không cần thiết, có khi còn rơi vào trường hợp không chuẩn về nghĩa nữa .Giá như anh bảo rằng: “Chúng ta cần nâng cao trình độ văn hóa các mặt, trong đó có lãnh vực triết học đông tây kim cổ để có thể nâng cao trình độ tư duy khái quát cao hơn, sâu hơn, rộng hơn về các mặt tồn tại của nhân thế và thế nhân, đồng thời ý thức hơn nữa về tính thẩm mỹ tương ứng trong tiến trình sáng tạo nghệ thuật thơ ca của mình” thì người đọc mới không phải cảm thấy phân vân nhiều thứ hơn....”. Trần Minh Tạo đòi viết lại đoạn văn của tôi theo cách diễn đạt của riêng anh. Kiểu phê bình của Trần Minh Tạo đã bỏ qua và bất chấp phong cách ngôn ngữ của tác giả mà anh viết bài phê bình. Anh chỉ cảm nhận ý nghĩa diễn đạt trong ngôn ngữ của người khác qua tấm lăng kính chủ quan của chính mình. Đây không phải là tư duy phê bình mà chỉ là sự độc đoán và thô bạo khi tiếp nhận văn bản phê bình của người khác.
Xin phép nói thêm với anh rằng, sự diễn đạt ý tưởng như trên của anh là rất không sáng sủa vì sự cố ý rắc rối hóa nó bằng những thuật ngữ khái quát triết học quá cao xa mà lại không cần thiết, có khi còn rơi vào trường hợp không chuẩn về nghĩa nữa .Giá như anh bảo rằng: “Chúng ta cần nâng cao trình độ văn hóa các mặt, trong đó có lãnh vực triết học đông tây kim cổ để có thể nâng cao trình độ tư duy khái quát cao hơn, sâu hơn, rộng hơn về các mặt tồn tại của nhân thế và thế nhân, đồng thời ý thức hơn nữa về tính thẩm mỹ tương ứng trong tiến trình sáng tạo nghệ thuật thơ ca của mình” thì người đọc mới không phải cảm thấy phân vân nhiều thứ hơn....”. Trần Minh Tạo đòi viết lại đoạn văn của tôi theo cách diễn đạt của riêng anh. Kiểu phê bình của Trần Minh Tạo đã bỏ qua và bất chấp phong cách ngôn ngữ của tác giả mà anh viết bài phê bình. Anh chỉ cảm nhận ý nghĩa diễn đạt trong ngôn ngữ của người khác qua tấm lăng kính chủ quan của chính mình. Đây không phải là tư duy phê bình mà chỉ là sự độc đoán và thô bạo khi tiếp nhận văn bản phê bình của người khác.
3. Tư duy phiến diện khi giải
mã ý nghĩa văn bản của người khác.
Trần Minh Tạo đã thể hiện
trong bài viết kiểu tư duy phiến diện, suy diễn lệch lạc khi giải mã ý nghĩa của
từng câu văn, từng đoạn văn trong các bài phê bình thơ của tôi. Tôi hoàn toàn
không yêu cầu các nhà thơ phải sáng tác theo quan niệm của các trường phái,
trào lưu thơ ca của phương Tây. Điều tôi muốn thổ lộ là các nhà thơ cần hướng cảm
hứng và khai thác các thủ pháp nghệ thuật của các trào lưu, trường phái để mở rộng
quan niệm sáng tác và làm phong phú phong cách sáng tạo của mình. Lịch sử thi
ca hiện đại của Việt Nam đã cho thấy, thành tựu thơ của phong trào Thơ Mới và
nhóm Xuân Thu Nhã Tập những năm nửa đầu thế kỷ XX chính là sự tiếp thu có sáng
tạo quan niệm sáng tác của các trào lưu, trường phái thơ Pháp và phương Tây.
Trong bài: “Nhận diện thơ ĐBSCL” của tôi có một đoạn như sau: “Theo tôi, các
nhà thơ ĐBSCL cần mở rộng không gian sáng tạo, hướng cảm hứng và tư tưởng đến
các trào lưu, trường phái thơ như: ấn tượng, tượng trưng, siêu thực, hậu hiện đại,
tân hình thức để khai thác thủ pháp sáng tạo nhằm tạo dựng những phong cách thi
ca độc đáo”.Thế mà, Trần Minh Tạo cho rằng: “Thông qua lời khuyên này, mới thấy
anh có một quan niệm về thơ nói chung và thơ hiện đại (trong quan niệm của anh)
nói riêng rất non cạn. Non cạn vì anh nghĩ rằng muốn có một “phong cách thi ca
độc đáo” thì cứ “khai thác thủ pháp sáng tạo” vốn đã và đang nằm sẵn
trong các trào lưu, trường phái thơ như: ấn tượng,tượng trưng, siêu thực, hậu
hiện đại, tân hình thức là xong. Có nghĩa là xúm nhau đi “bắt chước” thủ pháp
nghệ thuật của các trường phái này. Rõ ràng, anh không biết rằng, trong nghệ
thuật thơ ca, người ta không thể xây dựng phong cách cho mình bằng sự “bắt chước”
thủ pháp của người khác…”
Trần Minh Tạo cố tình không
hiểu rằng: nghĩa của cụm từ:”Khai thác thủ pháp sáng tạo” hoàn toàn khác
nghĩa của từ:”Bắt chước”. Điều tôi muốn diễn đạt ở đây là các nhà thơ cần
tiếp thu có sáng tạo các tinh hoa của các trào lưu, trường phái thi ca phương
Tây, chứ đâu phải “bắt chước” hoặc “rập khuôn”. Sự sáng tạo thi ca sẽ thụt lùi
hoặc đi vào ngõ cụt nếu nhà thơ lặp lại chính mình hoặc bắt chước các nhà thơ
đi trước. Trần Minh Tạo đã nông cạn khi hiểu việc tiếp thu và khai thác đồng
nghĩa với việc bắt chước. Chẳng có nhà thơ nào ngây thơ và dại dột theo kiểu Trần
Công Tạo nghĩ đâu…
Tôi không hề mâu thuẫn khi
cho rằng: “Khi ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Lê Đạt chỉ là trò chơi của tiềm thức
với sự kết hợp đơn thuần giữa các lớp vỏ âm thanh với nhau, không có sự thăng
hoa của cảm xúc và hình tượng thì những câu thơ của Lê Đạt bị sa vào "vết
lầy" của chủ nghĩa Đađa, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa siêu
thực. Trần Minh Tạo không hiểu rằng việc tôi đã dùng từ: “Vết lầy” nhằm
để nhấn mạnh rằng, ngoài những tinh hoa đã khẳng định, thử thách qua thời gian
thì vẫn còn những hạn chế hoặc lỗi thời của những trào lưu, trường phái thơ
phương Tây. Khi ngôn ngữ chỉ là trò chơi của tiềm thức thì nó sẽ là “vết lầy” và
là nó chỉ là trò chơi vô nghĩa….
Trần Minh Tạo viết phê bình
văn học mà lại dị ứng với những thuật ngữ văn học, triết học. Anh không hiểu hoặc
cố tình không hiểu rằng, ngôn ngữ hình tượng vừa là chất liệu vừa là mục đích
sáng tạo của nhà thơ và thuật ngữ văn học và triết học là phương tiện, chất liệu
của người viết phê bình. Chính vì thế, kết thúc bài viết, Trần Minh Tạo đã
khuyên tôi: “Riêng tôi, tôi thấy anh là người tiếp xúc với chữ nghĩa nơi sách vở
khá nhiều, nhưng tiếc rằng, khi đọc hay học xong, anh không chịu vứt hết nó đi,
để mọi hiểu biết còn lại mới có cơ hội trở thành máu thịt nơi chính
anh và trên cơ sở này, anh mới có cơ hội cảm và nghĩ trước mọi vấn đề bằng
chính những gì là của anh, ở trong anh, xuất phát từ anh...Bằng không, dễ
làm cái chong chóng chỉ biết xoay chiều theo những gì vừa thổi vào anh mà
thôi...”. Cám ơn Trần minh Tạo. Tôi sẽ suy ngẫm về lời khuyên của
anh. Tôi muốn chia sẻ với anh rằng, để viết được bài phê bình vừa mang tính
khoa học vừa mang tính nghệ thuật, anh cần trang bị cho mình một hệ thống lý luận
phê bình và các hệ hình lý luận phê bình văn học khác nhau, đồng thời cần tạo dựng
một hệ thống ngôn ngữ độc đáo của riêng mình. Có như vậy, khi viết phê bình văn
học anh mới không bị sa vào tư duy suy diễn và áp đặt, chủ quan vốn xa lạ với
tư duy của người viết phê bình văn học và mới có thể tạo dựng được thế giới
ngôn từ độc đáo của riêng mình.
Võ Tấn
Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét