Âm nhạc cổ truyền trong đời sống hôm nay
Dân tộc ta có nhạc từ rất sớm, nhạc đã tham
gia tích cực vào toàn bộ đời sống sinh hoạt xã hội của người Việt. Nếu chỉ lấy
bộ đàn đá Ndut Lieng Krak được tìm thấy đầu tiên ở VN năm 1949 có 5 âm trên 7
thanh đá, hoặc nếu chỉ lấy chiếc trống đồng Ngọc Lũ với khá đầy đủ những hình
thức sinh hoạt âm nhạc từ nhạc cụ đến cảnh hát đối đáp nam nữ, cảnh gõ nhịp đua
thuyền khắc trên mặt trống và tang trống thì cũng đã có quá đủ cứ liệu để chứng
minh dân tộc ta đã có một nền văn hoá âm nhạc từ rất sớm.
Nền văn hoá âm nhạc ấy đã phát triển liên tục
trong suốt chiều dài lịch sử có lúc thăng, lúc trầm, có lúc thịnh, lúc suy.
Song từ chính cái thăng - trầm, thịnh - suy ấy, cha ông chúng ta đã tạo dựng được
một nền âm nhạc truyền thống có nhạc ngữ riêng, có bản sắc riêng, phong phú về
hình thức, đa dạng về thể loại.
Về luật nhạc có Dương luật, Âm lữ. Về nhạc ở
triều đình có hai hình thức lớn là Nhã nhạc và Tụng nhạc. Nhã có nghĩ là chính
đính; Tụng có nghĩa là khen ngợi, ca tụng công đức của các vua đời trước, hát ở
nơi tông miếu. Về cấu trúc âm nhạc có Tiểu thành và Đại thành. Tiểu thành là những
khúc nhạc nhỏ, Đại thành là tập hợp nhiều khúc nhạc nhỏ thành khúc nhạc lớn. Về
tổ chức dàn nhạc lấy Bát âm làm trọng. Bát âm gồm Kim (tiếng chuông), Thạch (tiếng
khánh), Thổ (tiếng huyên), Cách (tiếng trống), Ti (tiếng đàn), Mộc (tiếng chúc
ngữ), Bào (tiếng sênh), Trúc (tiếng sáo). Khi chế nhạc phải cảm nhận quan hệ của
các âm như Kim ứng với Thạch, Ti ứng với Trúc, Trúc ứng với Bào, Bào ứng với Thổ...
Về kỹ thuật chơi đàn cũng đã được ông cha ta ghi chép rõ rệt: "Việc búng,
nhấn, bật dây khi đánh đàn cầm; việc vuốt, nắn, móc dây khi đánh đàn sắt; việc
thổi ống tiêu, huyên, trì song quản cùng việc đánh chúc ngữ, đánh chuông, đánh
trống đều đã có phương pháp và nhạc phổ".
Giai đoạn cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX đã
để lại cho chúng ta vốn di sản âm nhạc vô cùng phong phú. Vốn di sản âm nhạc
còn lại là sự kết tinh âm nhạc của tất cả các triều đại trước đó. Bao gồm đầy đủ
các họ, chi nhạc cụ từ họ nhạc cụ tự thân vang, họ nhạc cụ màng rung, họ nhạc cụ
dây rung và họ nhạc cụ hơi; bao gồm đầy đủ các hình thức dàn nhạc khác nhau
như: dàn nhạc biên chung, dàn nhạc biên khánh; dàn nhạc gõ; dàn đại nhạc, dàn
tiểu nhạc, dàn quân nhạc... Cùng với nhạc cụ và dàn nhạc là rất nhiều hình thức
âm nhạc và thể loại âm nhạc khác nhau từ nhạc không lời, nhạc có lời, nhạc cho
múa và sân khấu. Tất cả các hình thức âm nhạc này đều được qui định hết sức chặt
chẽ về tổ chức dàn nhạc, cách thức diễn tấu, chương trình bài bản và đặc biệt
là không gian biểu diễn.
Cuốn "Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ" ghi rất rõ: "Phàm buổi lễ thường triều, tấu các thứ nhạc nhỏ,
buổi lễ đại triều, nhạc lớn nhạc nhỏ cùng tấu. Đồ nhạc treo đặt ở phía nam bệ rồng,
đồ nhạc lớn đặt ở phía nam thềm rồng, đều đặt thành hai bên Đông Tây đối xứng với
nhau. Bọn ca sinh, nhạc sinh chiểu theo thứ tự bày hàng, đều chiểu từng tiết, tấu
nhạc đúng như nghi thức". Một chương trình bài bản được trình tấu trong những
ngày long trọng của triều đình, sách cũng ghi rõ:
- Khi Hoàng thái hậu lên bảo toạ, tấu các bài Bảo
thành, Bình thành, Doãn thành, Vũ gia thành. Lễ xong tấu bài Khánh
thành.
- Vua lên bảo toạ, tấu các bài: Nguyên
thọ, Trình thọ, Vĩnh thọ, Gia thọ, Hy thọ, Hiển thọ, Tuy thọ.
- Khi yến tiệc tại điện Cần chánh, tấu các
bài: Cảnh phúc, Hoằng phúc, Thuần phúc, Sùng phúc, Diễn phúc.
Xem thế cũng đủ biết chúng ta đã có quốc nhạc
từ rất lâu.
Về sau này, khoảng thời chúa Nguyễn Phúc Chu
(1691-1725) trở đi, một hình thức âm nhạc thưởng thức đã ra đời: đó là hình thức
ca nhạc thính phòng Huế. Dĩ nhiên là các triều đại trước đó, những hình thức âm
nhạc thưởng thức cũng đã có nhưng không ai còn nhớ, không sách nào ghi chép được
giai điệu của nó. Hình thức âm nhạc thính phòng Huế là sự hoà nhập giữa hai
dòng nhạc Việt (từ Bắc vào) và Chiêm (bản địa) mà hình thành. Dòng nhạc ra đời
đã góp một ý nghĩa quan trọng làm phong phú hình thức âm nhạc Việt Nam và khẳng
định bản sắc của nhạc ngữ VN. Thế là cùng với các hình thức âm nhạc thưởng thức
đã có sẵn ở miền Bắc như xẩm, hát ả đào, các điệu ngâm vịnh, hát chèo, nền âm
nhạc cổ truyền của chúng ta đã có thêm các điệu Nam ai, Nam bình, Nam
xuân, Nam thương, Qủa phụ, Phú lục, Cổ bản và hàng chục các điệu
"lý" có nhạc tính rất cao. Cũng chính những sáng tạo âm nhạc có giá
trị ấy đã tác động mạnh mẽ tới nhiều hoạt động sáng tạo âm nhạc cổ truyền của cả
nước. Nhiều bản hát chèo, hát văn, hát tuồng, hát quan họ ở miền Bắc có hơi
Nam, hơi Xuân của Huế, nhiều điệu hò, điệu vè miền Trung có pha hơi Nam, hơi Ai
của miền Nam. Nhưng đặc biệt nhờ vào sáng tạo âm nhạc thính phòng Huế đã làm nảy
sinh nhiều hình thức âm nhạc truyền thống phương Nam như ca đàn tài tử, sân khấu
cải lương - những hình thức âm nhạc mang tính chuyên nghiệp rất cao. Và có lẽ
phải đến giai đoạn khoảng 1700-1900 trở về sau, cha ông ta mới tìm ra được và
phân biệt được một cách tương đối rõ rệt về tính cơ bản trong cấu trúc âm nhạc
VN như những vấn đề cung, điệu, giọng, hơi, nhịp, phách, cùng những kỹ thuật sử
dụng các ngón bấm như vỗ, mổ, rung, nhấn, nhấn rung, cung sóc, cung liền, cung
vuốt, cung nhấn, cung luyến... để thể hiện tính chất âm nhạc trong từng loại bản
đàn, bài hát khác nhau. Đây cũng chính là những kết quả sáng tạo lớn để hình
thành nền nhạc cổ VN có tính mẫu mực.
Song song với những hình thức âm nhạc có tính
kinh điển này, chúng ta còn có một nền âm nhạc dân gian vô cùng phong phú của
54 dân tộc. Đây là nền âm nhạc gắn liền với cuộc sống lao động, đời sống tâm
linh, sinh hoạt cộng đồng. Có thể nói đó là một di sản khổng lồ, một minh chứng
hùng hồn cho diễn trình lịch sử sáng tạo âm nhạc cổ truyền VN.
Làm thế nào để bảo tồn được vốn di sản quý
báu mà cha ông để lại và đặc biệt làm thế nào để phát huy vốn di sản ấy trong đời
sống âm nhạc hiện nay, đó là vấn đề bức thiết. Đánh giá lại những kết quả
thu được, chúng ta vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.
Điều băn khoăn đầu tiên là con cháu chúng ta
đang xa dần, dị ứng với nghệ thuật và âm nhạc cổ truyền. Trong lúc đó, thì các
chương trình giáo dục âm nhạc cổ truyền lại bất cập.
Điều băn khoăn thứ hai là việc giảng dạy và
biểu diễn âm nhạc cổ truyền hiện nay trong các trường dạy nhạc không còn bảo
tồn được truyền thống nữa mà đã theo lối mới hoàn toàn. Thậm chí người ta
còn đang "hiện đại hoá" nghệ thuật và âm nhạc cung đình. Nhiều người
đã phải kêu lên: "Một dàn nhạc đông hơn hai chục người - kết quả của việc tổ
bộ hoá theo dàn nhạc giao hưởng. Trong đó, đàn nguyệt bass, trống dân tộc
cải biên theo lối nhạc nhẹ, tỳ bà gắn phím bình quân... Âm nhạc cung đình gì mà
lại như vậy! (bài hội thảo quốc tế về Âm nhạc cung đình Huế của
Yến Thanh). Còn Giáo sư Tô Ngọc Thanh khi tổng kết hội thảo về Nhã nhạc
cung đình đã nói: "Nếu chúng ta không thể chấp nhận việc bê tông hoá,
đánh bóng mạ kền, tân kỳ hoá Hoàng thành Huế thì tại sao lại chấp nhận việc cải
biên, cải tiến nghệ thuật cung đình Huế".
Thực trạng trong nhiều năm qua, công tác giáo
dục văn hoá truyền thống, giáo dục âm nhạc truyền thống của chúng ta trong cộng
đồng là rất yếu kém và thiếu đồng bộ; công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống
trong đào tạo làm không tốt, không có trường đào tạo nghệ thuật nào, không có
đoàn nghệ thuật ca múa nhạc nào của nhà nước có kế hoạch đào tạo bảo tồn, có
chương trình nghệ thuật bảo tồn mà hầu hết là đào tạo phát triển và hiện đại
hoá cổ truyền, các chương trình biểu diễn, sáng tác tác phẩm dựa trên cổ
truyền, phát triển cổ truyền, các nhà hát "nguỵ cổ truyền" chứ không
diễn theo cổ truyền mà diễn cách tân. (Chúng tôi không phản đối mà thậm chí hết
sức ủng hộ những sáng tạo nghệ thuật truyền thống đương đại, nhưng không thể
coi đấy là cổ truyền được). Để góp phần xây dựng nền văn hoá VN tiên tiến đậm
đà bản sắc dân tộc, ngành nhạc chúng ta còn quá nhiều công việc phải làm ngay.
Song có một việc nếu không được làm ngay, làm triệt để, làm toàn diện đó là Bảo
tồn và phát huy vốn di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống hôm nay thì đến
một ngày không xa, chúng ta sẽ đánh mất dần, làm mai một dần rồi mất hẳn một phần
ký ức dân tộc, bản sắc dân tộc trong âm nhạc. Sự mất mát ấy cũng không thua kém
gì sự mất đi tiếng nói và chữ viết - đó là sự mất mát văn hoá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét