Ngẫu hứng - Nét tương đồng giữa âm nhạc
Giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc hiên đại là
cả một khoảng cách rất lớn cả về không gian và thời gian. Một bên là những giá
trị truyền thống tồn tại lâu đời trong dân gian và mang đậm màu sắc dân tộc. Một
bên là những sáng tác hoàn toàn mới, mới bởi nó không theo hình thức nào, mà tự
tạo ra hình thức.
Thế nhưng thật bất ngờ, ở hai loại hình âm nhạc
này lại có nét tương đồng đặc biệt, đó là tính chất ngẫu hứng! Đây là một đặc
điểm mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân.
Nếu như ở âm nhạc dân gian, sự tự do sáng tạo
được coi là "những khoảng trống" do đặc trưng của thể loại, bởi âm nhạc
dân gian (không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Trung Quốc hay các nước Châu Á khác) đa
phần không theo văn bản mà chủ yếu là do truyền khẩu, truyền ngón, nên mỗi nghệ
nhân lại có cách thể hiện khác nhau, truyền nghề khác nhau. Và sự tiếp thu của
mỗi lớp nghệ nhân kế tiếp cũng khác nhau. Điều mà những người trong nghề đều biết
là: trừ những nguyên tắc chung bắt buộc phải tuân theo thì bên cạnh sự lĩnh hội
đầy đủ những "bí truyền" của "thầy", "trò"… có
quyền sáng tạo trong không gian của mình.
Trong âm nhạc dân gian, cùng với sự "ngẫu
hứng trong khuôn khổ", thì "sáng tạo tại chỗ" cũng
là một đặc điểm nổi bật. Đặc điểm này thể hiện rất rõ khi người nghệ sĩ biểu diễn
tại chỗ. Vì thế mà tới nay, cùng một tác phẩm lại có nhiều dị bản khác nhau của
bài bản, làn điệu. Ví dụ: ở một bản nhạc cổ truyền (chứ không phải là tác phẩm
dân ca cải biên, là đàn đệm cho ca như trong âm nhạc phương Tây) thì sự kết hợp
giữa khí nhạc và thanh nhạc có bản chất là hòa với ca. Bởi vậy mà phần khí nhạc
có thể tách rời để trở thành một bản hòa tấu hay độc tấu. Ở đây đã thấy rõ chức
năng sáng tạo tại chỗ trong mỗi nhạc công. Có thể gọi đây là đặc trưng ngẫu
hứng ứng tác.
Còn trong âm nhạc hiện đại thì sao? đã có ý
kiến cho rằng: âm nhạc hiện đại (hay còn gọi bằng một cái tên khác là nhạc
đương đại - contemporary music) là một dòng âm nhạc mang tính "mốt thời
thượng" ở Châu Âu đã học "thủ pháp" ngẫu hứng từ âm nhạc dân
gian. Điều này hẳn không sai bởi âm nhạc hiện đại ra đời sau âm nhạc dân gian.
Nó in đậm chất sáng tạo cá nhân vàmang tính ngẫu hứng cao. Song âm nhạc hiện đại
cũng có những nguyên tắc của riêng nó nhưng ngay cả nguyên tắc đó cũng có dấu ấn
của sáng tạo. Trong âm nhạc hiện đại, người nghệ sĩ được mặc sức thể hiện mình,
họ có thể tận dụng mọi phương tiện, nhạc cụ sẵn có để tạo ra những âm thanh phù
hợp với ý tưởng diễn đạt, với cảm xúc thực mà không lo phá vỡ cấu trúc tác phẩm.
Chất ngẫu hứng còn thể hiện rất cao ở những tác phẩm không có giọng điệu cụ thể,
không có giai điệu hay chủ đề xuyên suốt. Đây cũng có thể được gọi là những tác
phẩm mang đặc trưng ngẫu hứng ứng tác.
Không phải cho tới nay mà từ xưa, tính
ngẫu hứng đã được đánh giá như một thủ pháp âm nhạc huyền diệu bởi
nó không chỉ tạo nên sự biến hóa sinh động cho tác phẩm mà còn thể hiện tài
năng của người nghệ sĩ. Trong những bản cổ nhạc, các nghệ nhân đã cùng hòa tấu
ăn ý tới mức dường như họ đang trò chuyện với nhau thông qua tiếng đàn, đồng thời
rất tôn trọng "lòng bản" - một loại "sơ đồ" làm cái khung
cho cổ bản. Ở nhạc hiện đại, người soạn nhạc nhiều khi đã dành riêng những khoảng
trống trong tác phẩm cho nhạc công và nghệ sĩ biểu diễn mặc sức "tung
hoành" phô những ngón đàn điệu nghệ của mình, đôi khi nhà soạn nhạc đã yêu
cầu các nhạc công cùng tư duy cho một tác phẩm hòa tấu, mà ở đó người soạn nhạc
đã ghi sẵn một dạng "sơ đồ" tạo nền cho nghệ sĩ biến tấu trên đó.
Dẫu là ở âm nhạc dân gian hay âm nhạc hiện đại
thì đều cần đến yếu tố ngẫu hứng. Bởi ngẫu hứng cần cho sự sáng
tạo và chính nó cũng là một "sáng tạo". Điều đó rất cần thiết
cho sự phát triển của âm nhạc…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét