Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Nắng Tây Nguyên, trăng Tây Nguyên

Nắng Tây Nguyên, trăng Tây Nguyên 
Tôi về thăm quê đã từ nhiều năm, nhưng chưa có năm nào như năm nay cái cảm giác „Từ Thức về quê“ lại mạnh rõ ràng hơn hết. Một sự „cựa mình“ từ Bắc chí Nam, chỗ nào cũng có đường mới, cầu mới: Cựa mình vì cầu mới đường mới đếm không hết. Không có cầu đường giao thông thì làm sao có phát triển kinh tế?
Từ cây cầu Nhật Tân và đại lộ Võ Nguyên Giáp rất mới, hiện đại, to, rộng, cho đến những gầm cầu đầy cỏ xanh và hoa lá ở Hà Nội, cho đến cây cầu Sài Gòn mà bề rộng đã được nhân lên gấp hai, mỗi chiều bốn lằn xe hơi và một lằn xe hai bánh, cho đến cầu Ông Lãnh, cầu chữ Y đều được làm lại mới, cầu Đồng Nai, cầu Kênh Tẻ, cầu Nguyễn Văn Cừ, đại lộ Đông Tây chạy dài theo bờ kênh Bến Nghé, bến Chương Dương (nay là đường Võ Văn Kiệt) để về miền Tây hướng Tân An, Long An…nước xanh cá lội, khác hẳn những đẫy nhà sàn mọc trên cọc bên bờ kênh nước đặc quánh đen thui bốc mùi xú uế xưa kia…trong Nam, cho đến cảng T1 mới của phi trường Nội Bài mà hành lang từ cửa máy bay vào chỗ khám hộ chiếu thông hành dài lê thê thẳng tắp cả cây số, khiến du khách đang mệt mỏi vì những chuyến bay dài, thay đổi giờ giấc, chân thấp chân cao, vác, kéo, bưng, đeo khệ nệ hành lý xách tay đi muốn lả cả người. Không có một cái xe đẩy hành lý nào được đem ra khi khách xuống máy bay. Mà nếu có xe đẩy thì lại không sử dụng được thảm di dộng, thế mới là bất tiện đủ điều. Công bằng mà nói, cảng 2E của phi trường Paris-CDG còn « khủng » hơn, mệt hơn, toát mồ hôi hơn, hành khách phải đi bộ rất xa để lên máy bay, cũng như xuống máy bay phải đi bộ rất xa để vào đến nơi kiểm soát thông hành và lấy hành lý.
Sàigòn là một thành phố đêm không ngủ. Dòng triệu triệu người, triệu triệu xe thao thức suốt đêm ngày. Họ đi đâu mà cứ đi mãi, không ngưng nghỉ. Nếu có sống ở những thành phố rất đông dân cư và mùa nắng kéo dài như ở Sàigòn thì mới hiểu nỗi khổ, nỗi nhọc nhằn của những người phải di chuyển để kiếm sống, nhất là những người lái xe hai bánh. Bụi đường, khói xe tải, khói xe bus bốc mùi ngột ngạt hôi hám khó thở phủ đầy mặt mũi, tóc tai quần áo, còi xe nhà xịn, còi xe tải, còi xe bus thúc nhức nhối lỗ tai, mỗi khi chen chúc nhau, nhúc nhích từng phân, từng mét một, tay lái kề sát tay lái, khi phải nối đuôi nhau, chen lấn nhau trên đường, hay đan chéo nhau chằng chịt trên các ngã tư, các vòng xoay năm, sáu ngã đường…cả thành phố chìm trong những sự ô nhiễm môi trường nặng nề, gây ra nhiều bệnh tật trầm trọng. Vì thế, những công việc làm giảm mọi sự ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước sinh hoạt, nước uống, nước thải, ô nhiễm tiếng động, rác rưởi, giảm stress, giảm mầm bệnh tật, giảm thời gian dành cho di chuyển vì công ăn việc làm hàng ngày…là có ích lợi cho sự sống của con người.
Ngày xưa, ba tôi thỉnh thoảng theo bạn bè đi săn ở Buôn Ma Thuột hai ba ngày. Ba tôi biết bắn súng săn, cưỡi voi, cưỡi ngựa…Mỗi khi ba tôi về là có thịt nai, thịt heo rừng, mật gấu, mật ong rừng, ngà voi như vòng đeo tay, bông tai, răng heo…Có lần ba tôi đem về cả một tấm da nai, ông làm cho mình một cái ví đàn ông để đựng giấy tờ và tiền. Khi ba tôi chết, cái ví ấy đáng lẽ ra bị vất vào thùng rác nhưng may mắn cho tôi, là tôi xin được cái ví ấy để đem về làm kỷ niệm đặt lên bàn thờ. Nên, Buôn Ma Thuột đối với tôi trong trí nhớ vẫn là một bản làng có nhiều voi, thú rừng và những tiếng trống, tiếng chiêng trong rừng rậm núi đồi hoang sơ.
Khi anh tài bảo là khoảng cách từ Sài Gòn đi Buôn Ma Thuột chỉ có khoảng 380 cây số thôi, người ta đi 9 tiếng, nhưng anh chỉ cần lái 6 tiếng là tới, tôi đã thấy hãi hùng. Chúng tôi lên đường sau bữa cơm trưa. Có thể nói từ đầu con đường cho đến cuối con đường Sài Gòn – Ban Mê Thuột là một công trường dài suốt. Có khúc vừa mới làm xong, bánh xe lướt êm, có khúc gạch đá lổn nhổn, đầy ổ voi, gầm xe cứ đập mạnh xuống đường còn chúng tôi thì cụng đầu vào nóc xe, và tay lái anh tài thì cứ vòng vèo lách phải lách trái….may mà vợ chồng tôi không hề bị say xe. Những đoạn còn đang làm lại rùng rợn thêm khi nó nằm ở sống núi, hai bên là vực, thế mà các xe to, xe nhỏ, xe tải kiểu Mỹ, xe hai bánh cứ nối đuôi nhau tung bụi mà chạy. Vượt được khoảng nửa đoạn đường anh tài cho vào ăn trong một quán „xe tải“, cứ quán nào có nhiều xe đậu trước cửa là „ngon“, mình cũng tấp vào. Ngồi xuống bàn là chủ quán chỉ cần đếm đầu người để dọn cơm, không cần phải xem thực đơn, vì mâm nào cũng chỉ có bấy nhiêu món, 60.000 đồng một đầu người có tô canh, rau xào, thịt heo kho, thịt heo luộc, cơm trắng và nước trà miễn phí ! Tô phở bò to, bánh phở tươi chỉ có chẵn 30.000 đồng.
Đoạn đường gần đến cửa ngõ Buôn Mê Thuột, nay đã lên cấp thành phố, đã làm xong mặt đường nhựa, xe lướt vào êm ru. Trước mắt tôi là một đại lộ, ánh đèn đường sáng trưng, rồi đèn nhà, đèn quảng cáo sáng khắp nơi, tôi ngạc nhiên nhìn một „thành phố“ mới, hiện đại, đã lột xác từ một buôn làng. Vâng trăng rằm Nguyên Tiêu sáng tròn vằng vặc trên bầu trời xanh đen, chung quanh là mọi vì sao sáng nhấp nháy trong gió núi thổi mát rượi.
Ở Hà Nội chúng tôi chẳng thấy trăng mà cũng chẳng thấy sao đâu cả, chỉ thấy màn mây dày che phủ cả bầu trời. Ở miền Trung lác đác vài ngôi sao sáng hiện ra, đặc biệt có ngôi sao chỉ hướng Nam là hiện sáng nhất. Còn ỏ Tây Nguyên thì sáng trăng, sáng tất cả các vì sao sáng cả trời đêm.

Hoa cà phê mầu trắng ngà nở trong nắng cháy. Photo: MTT 2015
Sáng sớm hôm sau, mới 5 giờ sáng, loa phóng thanh đọc các bản tin thời sự đánh thức tôi dậy ăn sáng. Mới bảy giờ đã thấy nóng chảy mồ hôi, đến trưa thì nhiệt độ lên đến 38°, ánh nắng như thiêu đốt cháy da cháy thịt, nhức đầu, hoa mắt. Trăng Tây Nguyên đẹp chừng nào thì nắng Tây Nguyên nóng chừng ấy. Đồng ruộng khô cháy, nứt nẻ nhiều nơi. Vào vườn cà phê, nhìn những cây cà phê lá dài bản hẹp mầu xanh lá cây đậm rũ xuống, ngọn lá chĩa xuống đất, mới thấy lá cà phê thông minh tránh nắng, để cho hoa cà phê trắng ngà nở trong nắng, đất dưới chân cà phê đỏ như mầu máu, đỏ như mầu nắng cháy. Tây Nguyên đang trong mùa hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, nước cho đồng ruộng vườn tược, tình hình căng thẳng luôn cho các ruộng trồng hoa màu như ruộng lúa, ruộng mía, nguy cơ thất thu khá lớn, người dân Tây Nguyên lo lắng bối rối không biết tìm nước ở đâu. 1). Hiện nay tỉnh Đắk Lắk có gần 1.8 triệu dân định cư (thống kê 2009) của 40 dân tộc chung sống, đông nhất là người Kinh, rồi đến người Ê Đê.
Một GRU Tây Nguyên, dũng mãnh, oai hùng. Photo: 
Trần Tấn Vịnh, Heritage Fashion, Vietnam Airlines, số 3-4.2015.
Chúng tôi vào Buôn Đôn xem cho biết cách làm du lịch của người Tây Nguyên. Bản Đôn cũng ngập chìm trong nắng nóng. Dòng sông SêRêPok chảy dọc Buôn Đôn gần như hết nước, mực nước giảm cả đên 4, 5 thước, lòng sông lộ ra trỏng chơ dưới nắng. Đàn cò trắng tụ tập hết vào giữa lòng sông, nơi còn có ít nước, phía bên Vườn Quốc gia bên kia sông. Người Buôn Đôn, nhất là người gốc Lào có tài thuần voi, khiến cho voi chăm chỉ làm việc, kéo gỗ, khuân gỗ, chuyên chở người và hàng nặng… Người Mnông gọi những người thợ săn bắt voi rừng và thuần dưỡng voi là gru, như gru Ama Kông, một trong những «vua voi» nổi tiếng nhất. Gru ngồi trên đầu voi, cầm cái dùi móc (kreo), vật bất ly thân của gru, để điều khiển voi, người thợ phụ (gọi là rmắc) ngồi phía sau, cầm cái kuk để thúc con voi. Các gru luôn mặc trang phục truyền thống rất đẹp, áo «đại bàng dang cánh» dệt bằng thổ cẩm mầu đen trang trí hoa văn Kteh Mnga, có một mảng sợi dày mầu đỏ rực trước ngực, quấn khăn trên đầu, cầm kreo và tù và trên tay, dây buộc voi quấn ngang trên cổ, xem rất dũng mãnh và quắc thước, đúng là người hùng của rừng xanh! 2)
Một «ông» voi phục vụ du lịch ở Buôn Đôn. Photo: MTT 2015
Nhìn hai con voi đi loanh quanh chầm chậm trong Buôn Đôn chồng tôi lắc đầu không chịu cưỡi voi, bảo, nặng kí quá, leo lên ngồi thì tội nghiệp voi, nên chúng tôi không cưỡi, chỉ đứng chụp ảnh và nhìn voi ăn bó mía của du khách thưởng cho voi sau chuyến phục vụ. Hôm sau đọc báo được tin con voi già 40 tuổi chết khi đang phục vụ du lịch, chúng tôi bảo nhau, may sao là không phải mình quá nặng kí làm chết voi! Chủ voi và buôn làng làm lễ cúng voi theo phong tục truyền thống. 3)
Thú cưỡi voi đi dạo ở Buôn Đôn. Photo: MTT 2015
Đi qua các cầu treo đong đưa như đi trên võng, đến các nơi dừng chân, thì chúng tôi thất vọng vì hoàn toàn không có sinh hoạt văn nghệ gì cả, không có giao lưu văn hóa cồng chiêng, cũng không có nhà hàng đặc sản, cũng không có hướng dẫn trekking rừng đại ngàn…như trong quảng cáo du lịch. Chụp vài cái ảnh rồi đi về, chấm dứt cuộc viếng thăm Buôn Đôn ngắn ngủi. Nắng quá.
Cầu treo ở Buôn Đôn. Photo: MTT 2015
Một cô cháu phê chúng tôi rằng, các bác chỉ đi cưỡi ngựa xem hoa, chứ không hiểu gì về văn hóa Ê Đê của người đồng bào trên Buôn Mê. Dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ chủ nhà có chỗ ngồi danh dự trong nhà mình, bên bếp lửa. Nhiều gia đình Ê Đê đã giầu có lên, buôn làng trở thành những khu phố khang trang, hiện đại, họ xây nhà mới bằng bê tông, gạch ngói phía sau hay bên cạnh, và giữ ngôi nhà truyền thống cũ có hình dáng như một cái thuyền gỗ dài làm kỷ niệm phía trước.
Dọc đường về, đi ngang qua các vườn cà phê to nhỏ đủ cỡ, hoa cà phê đang nở trắng, nhưng có cây đã ra hạt xanh, mùa thu hoạch cà phê là từ tháng mười hàng năm cho đến hết tháng một tây… Trung tâm thành phố rất khang trang, nhiều nhà đẹp, viện bảo tàng xây ngay bên cạnh Biệt Điện của vua Bảo Đại khá đồ sộ và khá đẹp, theo kiến trúc văn hóa sở tại. Nơi đây, mọi người đang tấp nập dựng sân khấu và những gian hàng trưng bày cho lễ hội cà phê sắp diễn ra. Tiếc là chúng tôi lại đi trước ngày lễ hội. Có điều, tôi lại không mua một gói cà phê nào cả vì giá bán cà phê trực tiếp ở Buôn Ma Thuột quá đắt, so với mức giá bán cà phê tiêu thụ bình thường ở châu Âu, phần thì trọng lượng hành lý du lịch cũng bị hạn chế.
Đêm ở Buôn Ma Thuột rất mát khi gió núi nổi lên, dễ chịu nên thành phố nhấp nháy đèn đủ mầu sắc, nhộn nhịp người đi ăn uống, đi chơi, tiếng nhạc karaoke, nhạc sống vang lên ở nhiều nơi. Một số tiệm ăn ngon, sạch sẽ, giá cả phải chăng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và khách nước ngoài. Tiếc là chúng tôi tạm trú trong một khách sạn trong trung tâm thành phố mà nội thất đã cũ kỹ, chăn, nệm gối khăn đều rất cũ, giá lại khá đắt, dịch vụ kém, nên lần sau sẽ không trở lại địa chỉ này.

Dưới bóng cây Kơnia ở Buôn Đôn. Photo: MTT 2015
Chúng tôi rời Buôn Mê Thuột bằng máy bay, tại phi trường mới xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại mới tinh, sạch sẽ, chúng tôi chứng kiến một việc đáng buồn. Một đôi „vợ chồng“ trẻ đem một đứa con gái 15 tháng về Bắc, đi chuyến bay Buôn Ma Thuột-Hà Nội, không được cho lên máy bay vì lý do cháu bé chưa có khai sinh, mẹ cháu chỉ có giấy chứng sinh, và cha mẹ cháu chưa cưới nhau, chưa làm hôn thú, và vì người cha nghe lời bố, ông nội của cháu, chờ chuyến này đem cháu về quê ngoài Bắc thì mới làm khai sinh cho cháu. Cháu bé rất xinh xắn, dễ ghét, đã được cha và mẹ đặt tên là Trần Lê Bảo Ngọc. Hai người trẻ thay phiên nhau năn nỉ hết nhân viên này đến nhân viên khác, nhưng họ vẫn lạnh lùng từ chối. Cô gái khóc, chúng cháu ở cách Buôn Mê 80 cây số, Ở Gia Nghĩa, đi xe bus hơn ba tiếng mới đến được tận phi trường, hai vé mua của Vietjet Air không đổi ngày đi được, cũng không được hoàn trả, thế là mất 2 triệu tiền vé cô ạ.
Cuối cùng, cái gia đình nhỏ ba người ấy, với cháu bé xinh xắn, đành phải thuê taxi trở về thành phố để sáng sớm mai đón xe bus từ Buôn Ma Thuột ra tận Hà Nội. Chúng tôi hỏi nhau, tại sao những nhân viên Vietjet Air và nhân viên check-in của phi trường Buôn Ma Thuột lại vô cảm đến thế, hành hạ một gia đình trẻ với đứa con còn rất nhỏ ?! Nắng Tây Nguyên và trăng Tây Nguyên bỗng hết đẹp. MTT

Cháu bé Trần Lê Bảo Ngọc, 15 tháng, không được lên máy bay của Vietjet Air tại phi trường Buôn Ma Thuột, phải đi xe khách từ Buôn Ma Thuột ra tận Hà Nội, một đoạn đường rất dài, khoảng 1.600 cây số, ngồi xe nhọc nhằn hai đêm ba ngày mới đến. Photo Mathilde Tuyết Trần, Buôn Ma Thuột 2015.
Trăng rằm Nguyên Tiêu của mùa Tết Ất Mùi 2015 đang lên trên bầu trời Buôn Ma Thuột, ở một độ cao là 536 mét so với mặt nước biển, giờ đã là một thành phố lớn cấp 1, hiện đại, sống động với gần 350.000 dân định cư trong thành phố, thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột cách Hà Nội khoảng 1.500 km đường bộ, cách thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) 380 km đường bộ. Photo: Mathilde Tuyet Tran, BMT 2015, nhìn từ một khách sạn trong trung tâm thành phố.
Chú thích:
1) Bài Cà phê, hoa màu Tây Nguyên gặp hạn nặng“, báo Tuổi Trẻ ngày 08.03.2015.
2) Bài Trang phục của GRU, Trần Tấn Vịnh, Heritage Fashion, Vietnam Airlines, số 3-4.2015.
3) Bài „Voi chết khi đang phục vụ du lịch“, báo Tuổi Trẻ ngày 9.3.2015.

Tuyết Trần
Theo http://mttuyet.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...