Thời tiết tại châu Á đi trước châu Âu một
mùa. Bên này giữa thu thì bên nhà giữa đông. Trên quê hương là không khí sửa soạn
mùa Tết, cuộc chạy đua nước rút trước Tết như mọi năm, tất cả đều hướng về sự
kiện «ăn Tết». Đọc báo mạng đã thấy người ta đặt, mua vé tàu, vé xe,
vé máy bay trước hai, ba tháng. Một tháng trước Tết là hết cả mọi vé, để có thể
về quê ăn Tết. Năm nào cũng như năm ấy, Tết muôn thưở vẫn là một sự háo hức
chuyển mình từ năm cũ sang năm mới, dù mỗi năm mỗi người đều già đi một tuổi,
và hai chữ «về quê» vẫn luôn là một thôi thúc.
Nhưng, bây giờ và tại đây nơi phương trời Âu,
có những ngày lá thu rơi nhiều quá, rơi như mưa trong gió, làm cây đứng sững,
trơ cành, không còn ngả nghiêng đùa cợt với gió được nữa.
Nhà nông Pháp sốt ruột chờ đến ngày Saint
Catherine, tức là ngày trăng tròn 25-11-2015, để có thể dọn vườn mùa đông, cắt
cành, cắt ngọn, dọn đống lá úa, chặt củi khô thành khúc, xếp cho gọn gàng ngay
ngắn để đốt sưởi dần …Nhiều người vẫn còn biết giữ tục lệ làm ruộng, làm đồng,
làm vườn theo chu trình của trăng như thời xưa.
Chim chóc đi chơi xa suốt mùa hè đã trở về gần
nhà người ở, tìm chỗ làm tổ, trong những bụi cây lá vẫn xanh suốt đông qua
xuân, báo tin rằng đông này sẽ lạnh lắm. Hôm qua, đàn quạ bay tứ tung, la ó om
xòm, vì lá rụng hết từ ngọn cây, tổ của chúng bị phơi bày trơ trọi, cheo leo,
khiến cho mấy con ác điểu bay đến tấn công mục đích quá rõ ràng. Trong thiên
nhiên vẫn có loài mạnh ăn thịt loài yếu hơn, như thời ông bà cổ đại.
Hoa dã quỳ nở vào đầu thu tại Pháp
Mầu vàng là mầu của mùa thu, vàng đượm, óng ả
như mầu vàng của hoa dã quỳ mọc ven vườn, ven ruộng. Hoa dã quỳ nở vào đầu thu,
khi các loài hoa mùa hè đã héo úa tàn rụi. Thân dã quỳ cao mỏng mảnh, như người
mẫu «chân dài», đứng với nhau thành bụi, cứ hai năm mới cho hoa một
lần, điểm những mảnh sáng rực rỡ thu hút mắt nhìn.
Cuối hè đầu thu vừa qua, nhiệt độ xuống đột
ngột, lạnh ở 5°-6°, khiến cho một loạt dịch cảm cúm xảy ra vào tháng chín, nhiều
người bệnh suốt tháng.
Giữa thu năm nay lại tuyệt đẹp, ít mưa, khí hậu
chỉ hơi mát lạnh tròm trèm 15°, lá thu vẫn rơi, chỉ trong một tuần cuối tháng
mười là cây trơ trọi, nhưng các cụm hoa hồng đều nở thêm độ hoa thứ ba vào
tháng 11, sau độ xuân, độ hè, trổ nụ nở hoa trên thảm lá úa là một điều rất hiếm
trong năm.
Những ruộng hoa cải colza còn nở vàng rực đến
chân trời, một ánh vàng chanh khác hẳn ánh vàng đậm ngả sang cam như dã quỳ, những
đàn ong từ bốn phương chăm chỉ bay đến bay đi nhặt phấn hoa dự trữ qua đông.
Những ngày nắng thu vàng óng, trời xanh mây
bông gòn trắng lững lờ như hôm nay, tôi quét lá sân nhà vừa nhớ lại một câu hát
… «Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em… » vừa buồn cười, lá thu
vàng úa nhiều lắm, đếm không hết, xin có một chiếc thì yêu em ít quá mà thôi,
sao không xin nhiều thêm, lá úa có hàng triệu hàng tỷ. Con số một trong văn học
lãng mạn chỉ để nói lên hình tượng một sự đơn côi.
Lá thu đem đến nhiều việc cho người lao động
lắm. Từ những anh chàng cô gái công nhân quét lá, hốt lá, chở lá trong thành phố,
làm sạch vỉa hè, đường xe, cho đến ở nhà quê, nhà nào cũng tất bật vì lá thu,
nhiều cây thì nhiều lá úa hơn thành phố.
Nhiều người nhà quê, có lẽ không thích lắm
cái cảnh… «con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô…», nai thì đã
bị những người nhà quê đi săn, bắn về ăn mất rồi, mùa thu cũng là mùa săn bắn,
còn thảm lá úa đầy vườn chỉ thêm gai mắt.
Ở nhà quê, nhà nào nhà nấy sạch sẽ lắm, thu xếp
gọn gàng, ngăn nắp từ trong nhà ngoài ngõ cho đến sân sau, góc vườn. Nên họ hối
hả làm lụng cật lực suốt ngày, mau cho biến mất nhanh chóng cái thảm lá úa mùa
thu, nào cào, nào gom, nào đổ, nào đốt để trả lại mầu xanh thảm cỏ sạch sẽ cho
mảnh vườn.
Mùa thu cũng là mùa săn sóc cây, nhất là cây
ăn trái. Nhà nào cũng có người đổ ra vườn, cắt cành khô, tỉa cây, đốn củi, nhổ
nơi này trồng lại chỗ kia…Vài tuần nữa, mùa đông ngự trị trong không gian vạn vật
thì đứng sau khung cửa sổ ấm áp nhìn ra, mong cho mùa đông thật lạnh, để hè sau
có được nhiều hoa quả.
Trời chiều mùa thu long lanh rực rỡ từ hồng
cam sang tím thẫm…Mùa thu tặng loài người những mầu sắc thiên nhiên đẹp nhất
trong cả bốn mùa, như thể một « Happy End », một hồi kết cục có hậu,
tuyệt vời. Vì thu chuyển sang đông là chuyển từ sự sống qua sự an nghỉ.
Hàng ngày đọc lại những trang sử cũ, tôi
không khỏi chìm đắm trong quá khứ chung, rất to lớn, rất chi tiết. Người như
Jean Lacouture chỉ nhận mình là nhà báo, không là nhà sử học. Nhà sử học đi tìm
sự thật trong lịch sử, trong quá khứ đã qua vì luôn có những điều bí mật chính
trị, quân sự mà người dân bình thường mãi mấy chục năm sau mới được biết. Nhà
báo chính là nhà chép sử hàng ngày, ghi nhận lại những điều thời sự mắt thấy
tai nghe, trực tiếp và chuyển tải ngay thông tin đến người đọc.
Một anh bạn già quen từ hồi đi học cách đây
cũng đã mấy chục năm, một người bạn của quá khứ, gửi đến tôi công thức
«bây giờ và tại đây», nghe ra cũng có lý có tình lắm. Bạn ơi, ở tuổi
mình thì, quá khứ đã qua, hiện tại đang là vậy, tương lai thì hết rồi, sống được
ngày nào thì quý ngày đó, hạnh phúc ngày đó, đừng trở về với quá khứ nữa. Đóng
lại. Quên. Con người thay đổi với thời gian, tình người thay đổi với thời gian.
Trước thì thương, giờ thì quên, ghét, hờ hững, lạnh nhạt. Chỉ có người, xưa kia
thương mình, giờ vẫn còn thương mình mới là người chung thủy, trước sau như một,
đáng quý. Ai không nhớ mình nữa, không muốn nói chiện với mình nữa… thì mình
cũng «Tschüss» (chào tạm biệt) cho nhẹ gánh, thắc mắc trở đi trở lại
nữa làm gì. Cả những gì mình đã làm, mình đã mơ ước trong thời tuổi trẻ…mà bánh
xe lịch sử lại không quay theo ý của mình thì cười thôi! Đâu phải ai cũng có sức,
cũng có vận mệnh dời non lấp biển, cũng là anh hùng tạo ra được thời thế.
Ảnh: Trương Ngọc Giao, Đức
Đúng là ở cái tuổi mùa thu lá rơi thì nhìn
quanh mình đã bao nhiêu là lá rụng, bạn bè, hàng xóm, cha mẹ, người thân đều đã
rụng rồi, trở về với đất và bay lên trời. Mỗi ngày, cứ mở hộp thư điện tử ra,
tin vui có ít tin buồn lại nhiều, ông từ giữ đền « Bạn cũ » báo tin bạn
bè rụng như sung rụng, hỏi sao mình không trầm lắng sao được. Mình cũng không
còn giúp gì được con cháu, đàn chim con đã đủ lông đủ cánh bay theo ý của
chúng, như mình ngày xưa có bay theo ý của cha mẹ đâu. Ai cản được điều là nước
mắt chảy xuống.
Anh bạn tôi muốn sống theo «bây giờ và
tại đây» vì…đã chọn «nơi này làm quê hương», một sự trở về an
hưởng tuổi già đối với anh là không có thể. Anh nói thế, nhưng tôi biết lòng
anh không phải ở đây, mà lòng anh đang ở quê hương cách xa ngàn dặm. Anh vẫn cặm
cụi mỗi ngày chong đèn dịch sách chuyên môn từ tiếng Đức sang tiếng Việt, chị vẫn
chăm chỉ đi dạy tiếng Việt cho các thế hệ sau sinh đẻ và lớn lên ở Đức. Tình
yêu không bao giờ có biên giới, công việc của anh, của chị vẫn âm thầm lặng lẽ
góp sức.
Nhưng phải vui lên chứ, vui vì mình còn ngắm
cảnh mùa thu, mặt trời lặn, mặt trăng lên, áo ấm quấn cổ che lạnh…nghe gió lạnh,
ngắm chim bay về, vui vì được thêm một ngày bây giờ và tại đây là thêm một ngày
hạnh phúc. Vui vì có những người còn thương yêu, còn quý mến mình, vợ, chồng, bạn
bè, gia đình… Vui vì khi mình đến có người đón, về có người chờ và đi có người
tiễn. Vui vì công trình của mình, dù chỉ khiêm tốn là một cuốn sách, một bài viết,
một giáo án…đem lại ích lợi cho người Việt trên mảnh đất quê hương. Vui vì thế
hệ thứ ba của mình đã ra đời, những đứa cháu kháu khỉnh, thông minh, mới chính
là tương lai của mình để lại. Vui vì con đường xuyên Việt thông suốt tự do,
thong thả từ Lũng Cú đến Đất Mũi…Nếu có ra đi bất chợt thì không còn gì nuối tiếc
nữa.
Ấy vậy, mà một bài hát tình cờ nghe lại, kéo
tôi bất chợt thêm một lần chùng xuống cái vũng lầy tình cảm theo kiểu Lê Uyên
Phương ngày xưa, rất tê tái, rất tội lỗi. Bài hát này lại không phải của thời
Lê Uyên và Phương, nhưng chỉ với vài câu ca lắng đọng, tha thiết, tủi phận cũng
tê tái không kém, cuối bài là một câu hỏi bỏ ngỏ, câu hỏi như một tiếng than
van tuyệt vọng… «Có lẽ nào anh lại quên em?», phải viết với chấm hỏi
và chấm than mới đúng. Ôi, một bản nhạc mà không phải lúc nào tôi cũng có can đảm
nghe lại, nước mắt không chảy ra vì tình phụ, để chọc cho trái tim rỉ máu thêm
lần nữa. Ôi !
Con tôi về nhà, kêu lên mẹ chỉ giữ lại toàn
là «rác»! Đốt củi mùa thu, đốt luôn những kỷ niệm cũ nhọc nhằn, dư
âm tàn rụi ngày xưa, dù chỉ là trong tâm tưởng, là một điều thật nên làm.
Cho dù không muốn tin vào « định mệnh »
nhưng khi cuối đời là phải thấy đường đời của một người có nhiều khúc quanh bất
chợt, không muốn, ngoài ý, ngoài lý, ngoài tình, ngoài mong đợi của mình, nhưng
cũng phải vượt «cua» vì đã đi đến đấy rồi thì không còn trở lui được
nữa. Hình ảnh «vượt cua», vừa lo sợ, vừa khó khăn, vừa đau khổ lại
cứ phải cố gắng thêm, cố gắng hơn, kiên nhẫn, từ tâm vì chỉ có tiến không có
lui…là một ý rất hay của một anh bạn khác từ trong nước gửi cho tôi, an ủi tôi
khi gặp khó khăn, lo âu, không biết đường nào ra.
Ngày nào nghe lại những bài hát ủy mị ướt át
như bài Hoa Sữa, Mỹ Linh hát rất truyền cảm, da diết, hay có dịp may về Hà Nội
hay thành phố trong mùa hoa sữa nở trắng vào tháng chín mười khi bên này là mùa
thu, thưởng thức hương thơm của hoa sữa ngọt ngào mà chỉ mỉm cười thì ngày đó
cái tâm đã an lành, đã «vượt cua».
Tôi viết lá thư mùa thu này gửi chữ «Xả»
của Phật làm quà chúc lành đến những người bạn cũ, mới, trong buổi chuyển mùa
thu-đông và mùa đón Tết. Có lẽ, cái Tâm của mình mới là ngọn đèn đưa đường dẫn
lối trong suốt cuộc đời đã qua. Tâm lành thì hậu lành. Mùa Thu về lá rụng cũng
là nhắc mình phải để cho lá đời mình rụng hết, xả hết, ngủ như cành khô mùa
đông, để mùa Xuân sau về lại trỗi dậy lên một cuộc sống mới.
Trong siêu thị, hàng hóa tiêu thụ, quà cáp
cho Noël đã được chất ra, xếp lên thành núi chờ người trả tiền để đem về nhà….
Phần tôi muốn nghỉ, mà chưa nghỉ được…vì còn phải mua quà cho mấy đứa cháu rất
dễ ghét, bây giờ và tại đây, cũng như còn những món quà phải tặng cho quê nhà
trong mùa Xuân mới, bạn tôi đang chờ! MTT.
Ruộng hoa cải colza vẫn nở tươi thắm dưới ánh
nắng mùa thu tháng mười. Hoa cải colza là một cây nông nghiệp, tùy theo loại giống
mà cách sử dụng khác nhau như dùng làm mù tạt (moutarde), hay dầu nấu ăn, hay dầu
chạy máy trong công nghệ. Ảnh: Trương Ngọc Giao, Đức.
Tuyết Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét