Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Bản chất và nguồn gốc của chủ nghĩa hậu hiện đại âm nhạc


Bản chất và nguồn gốc của 
chủ nghĩa hậu hiện đại âm nhạc
Có phải chủ nghĩa hậu hiện đại âm nhạc vẫn đang đi tìm một định nghĩa cho chính nó, hay là thời gian của nó đã qua rồi? Liệu âm nhạc hậu hiện đại là độc đáo hay chỉ phục chế thứ âm nhạc đã già cỗi? Vậy thì nghệ thuật hậu hiện đại là nghiêm túc hay hời hợt? 
Chủ nghĩa hậu hiện đại âm nhạc là một khái niệm không được định nghĩa chính xác. Có phải thuật ngữ này là để chỉ một thời kì hay một quan niệm mĩ học, một thái độ nghe nhạc hay một phương thức thực hành sáng tác?
Thái độ hậu hiện đạ
Đơn giản, chủ nghĩa hậu hiện đại là gì? Ðối với một số nhà phê bình, phương thức thực hành sáng tác đang định hình của chủ nghĩa hậu hiện đại là một nỗ lực được cân nhắc kĩ lưỡng để nhằm vào người nghe, bằng cách sử dụng những qui trình và chất liệu được tin rằng mang lại thú vị. Thế nhưng, niềm nhung nhớ giai điệu của những ngày êm ái cũ và chủ âm thực ra tương phản với những khuynh hướng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Vậy, bước quan trọng đầu tiên trong việc lĩnh hội chủ nghĩa hậu hiện đại âm nhạc là việc tách nó ra khỏi những tác phẩm nghệ thuật luyến tiếc quá khứ.
Trái với những tác phẩm ấy, âm nhạc hậu hiện đại không bảo thủ. Những tác phẩm như Second Piano Concerto của Zygmunt Krauze, Violin Concerto của John Adam, Third Symphony của Henryk Górecki, First Symphony của Alfred Schnittke, Third Quartet của George Rochberg, Tehillim của Steve Reich, First Symphony của John Corigliano,...Body and Shadow... của Bernard Rands và Sinfonia của Luciano Berio thì không còn là duy trì mà là biến đổi triệt để quá khứ, khi mà - mỗi tác phẩm qua cung cách riêng của nó - bao gồm và cùng lúc thoái thác lịch sử.
Một lĩnh hội tinh tế hơn về hậu hiện đại hiện lên khi chúng ta xem nó không phải là một thời kì lịch sử mà là một thái độ - một thái độ không chỉ ảnh hưởng lên những phương thức thực hành sáng tác hôm nay mà còn lên cả cách thức chúng ta nghe và sử dụng âm nhạc của các thời kì khác. Jean-Francois Lyotard gợi ý: "Một tác phẩm có thể trở thành hiện đại chỉ khi nó là hậu hiện đại trước. Thế nên, cái hậu hiện đại được hiểu không phải là cái hiện đại ở chung cuộc của nó mà ở tình trạng đang sinh ra, và trạng thái này thì thường xuyên".

Lyotard hình như tin rằng trước khi một tác phẩm có thể được lĩnh hội là thực sự hiện đại, nó phải thách thức cái hiện đại trước đó. Cho nên, để lấy thí dụ của Lyotard, trong hội hoạ, Picasso và Braque là hậu hiện đại khi nghệ thuật của họ vượt trên cái hiện đại của Cézanne. Một khi nghệ thuật của họ đã hoàn tất  “sự cắt đứt hậu hiện đại với quá khứ”, nó trở thành hiện đại. Cũng thế, âm nhạc của Mahler, Ives và Nielsen... chẳng hạn, trở thành hậu-hiện đại bằng cách vượt trên những phương thức thực hành hiện đại của Berlioz, Liszt và Wagner...
Những tính chất của âm nhạc hậu hiện đại
Gọi tên âm nhạc đã có hàng trăm năm tuổi là hậu hiện đại không phải là ngang ngược mà là một hệ quả của việc xem chủ nghĩa hậu hiện đại như một thái độ hơn là một thời kì lịch sử. Lập trường phản lịch sử này dẫn đến sự xóa nhòa những phân biệt cứng nhắc giữa cái hiện đại, cái hậu hiện đại, và cái phản hiện đại, cho ra thuật ngữ "chủ nghĩa hậu hiện đại" mà không rơi vào sự khắt khe. Âm nhạc hậu hiện đại:
1. Không phải là một sự khước từ cái hiện đại hoặc sự tiếp nối nó, nhưng có những khía cạnh vừa là cắt đứt vừa là mở rộng;
2. Ở một mức độ và cung cách nào đó, có tính trào phúng;
3. Không tôn trọng ranh giới giữa những qui trình của quá khứ và hiện tại;
4. Không nhìn nhận rào cản giữa các phong cách "cao" và "thấp";
5. Biểu lộ sự xem nhẹ những giá trị thường được cho là không thể nghi ngờ của tính thống nhất cấu trúc;
6. Đặt nghi vấn về tính loại trừ của các giá trị đặc tuyển và đại chúng;
7. Tránh những hình thái toàn thống hóa. Ví dụ: không muốn toàn thể tác phẩm có tính chủ âm hoặc tính chuỗi (serial) hoặc đúc theo một cái khuôn về cấu thể đã được quy định;
8. Xem âm nhạc không có tính tự quyết mà tương quan với khung cảnh văn hóa, xã hội;
9. Bao gồm những trích dẫn hoặc tham chiếu âm nhạc của nhiều truyền thống và văn hóa;
10. Xem công nghệ không chỉ là một phương thức gìn giữ và truyền phát âm nhạc mà còn có liên can mật thiết đến việc sản xuất và thực chất của âm nhạc;
11. Chứa đựng những mâu thuẫn;
12. Không tin những đối kháng nhị nguyên;
13. Bao gồm những tính cách vụn rời và gián đoạn;
14. Gồm cả tính đa nguyên và tính chiết trung;
15. Bày tỏ nhiều ý nghĩa và nhiều cái tạm thời;
16. Nhận ra ý nghĩa và ngay cả kết cấu trong người nghe, hơn là trong nhạc bản, trong sự diễn tấu, hoặc trong nhà soạn nhạc.
Không nhiều tác phẩm biểu lộ tất cả những nét ấy, thế nên vô ích để dán nhãn hiệu cho một tác phẩm là hoàn toàn hậu hiện đại, cũng như khó mà xác định một tác phẩm nào không biểu lộ nét nào trong những nét ấy.
Chủ nghĩa hậu hiện đại và lịch sử
Nếu chủ nghĩa hậu hiện đại đơn giản chỉ là một thời kì, thì có lẽ sẽ có lí khi người ta đi tìm nguồn gốc của nó ở những thời sớm hơn và lĩnh hội nó như một phản ứng và/hoặc như một sự tinh hóa những ý tưởng mĩ học của những thời kì trước. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại, quan niệm như một thái độ, thì lại đề xuất những phương cách mà người nghe hôm nay có thể lĩnh hội âm nhạc của những thời đại khác nhau. Chính ở trong đầu người nghe hôm nay, hơn là trong lịch sử, mà chúng ta tìm ra những manh mối dẫn đến nguồn gốc của chủ nghĩa hậu-hiện đại. Nó đến từ hiện tại - từ chính chúng ta - hơn là từ quá khứ. Âm nhạc đã trở thành hậu hiện đại như chúng ta, những người nghe của thời chuyển thiên kỉ 20/21, đã trở thành hậu hiện đại.
Những nhà soạn nhạc tiền phong hồi đầu của chủ nghĩa hiện đại (như Luigi Russolo, Satie, Cowell, và Varèse) cố tìm cách thoát khỏi lịch sử, nhưng họ lại mắc kẹt trong tính liên tục của sự phát triển lịch sử. Thấy mình đứng trên cạnh dao sắc, những nhà tiền phong ấy (và ngay cả những nhà hiện đại sơ thời như Schoenberg, Webern và Stravinsky) đã phải chấp nhận lịch sử như một tiến triển tuyến tính. Nhưng những nhà soạn nhạc hậu-hiện đại gần đây đã rời xa tính cách biện chứng giữa quá khứ và hiện tại, vốn được những nhà soạn nhạc tiền phong và hiện đại sơ thời ấy quan tâm và tiếp tục chuyển xuống những hậu bối giữa thế kỉ của họ như Boulez, Stockhausen, Nono, Cage, Carter và Babbitt. Ðối với những nhà soạn nhạc hậu hiện đại, "Lịch sử như một quá trình khám phá lại những gì chúng ta đã là, hơn là một tiến triển tuyến tính vào trong cái chúng ta chưa bao giờ là."
Cho nên, chốn lí tưởng cho việc đi tìm nguồn gốc của chủ nghĩa hậu-hiện đại âm nhạc không phải là trong lịch sử âm nhạc. Chủ nghĩa hậu hiện đại là một hiện tượng gần đây. Chỉ lúc này - một khi nó hiện hữu, người ta mới trải nghiệm, và ở một mức độ nào đó tiêu hóa và lĩnh hội - là có nghĩa khi nghe các tác phẩm âm nhạc như Putnam's Camp của Ives, Seventh Symphonycủa Mahler, hoặc Sinfonia Semplice của Nielsen trong một cung cách hậu hiện đại.
Nguồn gốc của chủ nghĩa hậu-hiện đại trong văn hoá đương đại
Một nguồn phát sinh của chủ nghĩa hậu hiện đại hôm nay, chẳng gì ngạc nhiên, là ở cái sắc thái chung về tâm lí và xã hội học của thế giới kĩ thuật bão hòa hiện nay. Kĩ thuật đã sản sinh ra một khung cảnh vụn rời, những khoảng tập trung ngắn, dẫn đến tính gián đoạn liên tục và đa dạng - tất cả những tính chất không chỉ thuộc xã hội đương đại mà còn thuộc tư duy hậu hiện đại.
Tại sao các nhà soạn nhạc hôm nay 

viết nhạc hậu hiện đại?
Những nhà soạn nhạc có thể mang những cá tính được hình thành một phần qua những bối cảnh xã hội - và cũng như thế đối với người nghe - cảm thấy những cộng hưởng có nghĩa trong các tác phẩm phản ánh thái độ và phương thức thực hành hậu hiện đại.
Những nhà soạn nhạc khác nhau phản ứng lại nền văn hóa hậu hiện đại của họ một cách khác nhau. Dù họ có chấp nhận, từ chối cái hậu hiện đại, nó vẫn là không thể phủ nhận. Ngay cả những người tôn sùng cái hậu hiện đại, cũng có thể làm vậy, vì nhiều lí lẽ. Cho nên có thể liệt kê một số lí do tại sao những nhà soạn nhạc hôm nay được lôi cuốn bởi các giá trị hậuhiện đại:
1. Một số nhà s oạn nhạc phản ứng chống lại những phong cách và những giá trị hiện đại, đối với họ, đã trở thành áp bức.
2. Một số nhà soạn nhạc phản ứng chống lại tính định chế của chủ nghĩa hiện đại - chống lại, nói cách khác, vị trí quyền lực của nó trong định chế âm nhạc.
3. Một số nhà soạn nhạc phản ứng trước cái mà họ thấy là sự không thích hợp về văn hóa của chủ nghĩa hiện đại.
4. Một số nhà soạn nhạc được thúc đẩy bởi một ước muốn khép lại cái hố ngăn cách người viết nhạc / người nghe, mà họ tin rằng do tính đặc tuyển của chủ nghĩa hiện đại tạo ra.
5. Một số nhà soạn nhạc trẻ không thoải mái với những áp lực từ các vị thầy của họ về việc ưa thích và trọng vọng một loại âm nhạc (chủ âm) rồi lại viết một loại âm nhạc khác (vô chủ âm). Như những kẻ đang lớn lên trong thế giới của chủ nghĩa hậu hiện đại, họ chống lại những giá trị họ học ở trường. Họ muốn sáng tạo ra âm nhạc họ yêu thích, chứ không phải cái mà họ được dạy để yêu thích.
6. Một số nhà soạn nhạc hôm nay hiểu biết và thích thú âm nhạc dân gian, đánh giá cao nó, thấy rằng không có lí do gì để loại nó khỏi phạm vi phong cách của họ - sáng tạo những gì họ yêu thích, bất kể nó được tôn trọng hay không.
7. Một số nhà soạn nhạc ý thức rằng âm nhạc là một tiện nghi, một loại hàng hoá được tiêu thụ, và các nhà soạn nhạc là một thành phần tất yếu của một xã hội vật chất. Những nhà soạn nhạc ấy lĩnh hội cái hậu-hiện đại như một quan điểm mĩ học phản ánh điều đó. Họ thấy âm nhạc hậu hiện đại có chỗ đứng của nó trong nền kinh tế.
8. Một số nhà soạn nhạc muốn làm mới và khác, thất vọng với sự tìm tòi những âm thanh mới lạ, những qui trình cấu thể, và với vị thế thù địch với truyền thống. Ðúng ra, họ đi tìm tính độc đáo trong sự thừa nhận hậu hiện đại về quá khứ như một phần của hiện tại
9. Các nhà soạn nhạc đang sống trong một thế giới đa văn hóa. Trong lúc một số để riêng các loại âm nhạc - có mặt khắp nơi, đến từ mọi phía - ra khỏi tác phẩm của họ thì một số khác lại mê đắm khi được tiếp xúc với âm nhạc đến từ những truyền thống rất khác nhau và chấp nhận nó trong thủ pháp diễn đạt của mình.
10. Phần lớn các nhà soạn nhạc đương đại có ý thức về những giá trị hậu hiện đại trong văn hóa của họ. Những giá trị ấy không chỉ cho biết thứ âm nhạc mà họ sản xuất mà cả cung cách nó được nghe và sử dụng. Tuy nhiên, dù những biểu lộ âm nhạc của nó có đa dạng và những lí do mà nó hấp dẫn các nhà soạn nhạc và người nghe có khác nhau, chủ nghĩa hậu hiện đại âm nhạc không gì khác hơn là sự biểu hiện tất yếu của một nền văn minh kỹ thuật mà về mặt xã hội đã bão hòa.
Jonathan D. Kramer
Nguồn trích website talawas
Theo http://www.giaidieuxanh.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...