Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Văn hóa Việt Nam 2

Văn hóa Việt Nam 2
2. Người Việt Nam 
cũng không thuộc chủng Miêu 
Dân tộc Miêu, người Mèo, còn sống trên cao nguyên Việt Nam và Thượng Lào….
Chúng ta thuộc chủng Miêu chăng? Phần tự vệ lên cao sống, phần chịu thuần phục, là cha ông chúng ta, còn ở trung châu? Ông Bình Nguyên Lộc tự hỏi và giải thích:
“Miêu có phải là Việt hay không, như giáo sư Kim Định đã dùng làm căn bản lớn cho sách của ông. [1]
Xét chỉ số sọ của chủng Miêu, thấy nó không giống chủng nào khác hết, nó khác với Hoa chủng, mà cũng khác với Việt, với Mã Lai.
Có lai căn ba bốn chủng tộc, khoa chủng tộc học cũng biết được, mà chỉ lai một lần hay lai đi lai lại mãi, khoa đó cũng biết được một cách chính xác, lai mấy ngàn năm rồi, cũng cứ còn biết được như thường.
Như khoa đó xác nhận là Miêu thuộc một chủng riêng, rất lớn, có mặt khắp nước Tàu, mà không có mặt ở đâu nữa cả, trừ cuộc di cư cách đây hai ba trăm năm đến Thượng Lào và Thượng Du Bắc Việt…
… Miêu cũng bị đẩy lui dần từ Hoa Bắc đến Hoa Nam, và cuộc nhường đất của Miêu hoàn toàn xảy ra trên bộ, và dưới đời nhà Chu thì, theo Kinh Thư, Miêu đã bị đẩy xuống vùng đất giữa hồ Động Đình và hồ Bành Lải. Nhưng đến nay thì Miêu cũng mất luôn địa bàn đó và đất xa nhứt của họ ở phía Bắc là tỉnh Quý Châu….
Giáo sư Kim Định, dựa vào quyển sách Tàu Cổ sử nhân vi của Mông Văn Thông, là một người chưa học khoa chủng tộc học lần nào hết, để nói rằng Tàu gặp Viêm tộc trước nhứt, mà Viêm là Việt + Miêu.
… Bảo rằng Viêm = Việt + Miêu thì sai sự thật quá xa, vì sọ Miêu khác xa sọ Việt, lại không bao giờ có sọ lại Miêu + Việt.
…… Trong bức bản đồ ở trang 77, thì giáo sư lại cho vẽ Viêm-Việt gồm có: Anh-đô-nê, Môn, Chàm, Miến điện, Miêu, Lạc, v.v…. Tất cả các dân tộc đó, trừ Miêu, đều có sọ giống hệt nhau, nhưng không đặt tên nó là Viêm, vì nó đã tự xưng là Mã Lai từ 6 ngàn năm rồi (có chứng tích), còn Chàm, Miến Điện v.v… thì đều là danh xưng mới có về sau. Và Mã Lai = Anh-Đô-Nê. [2]
…… Người Tàu có quyền đặt tên một chủng, khác với khoa chủng tộc học. Nhưng danh xưng Viêm thì không thấy dùng để chỉ chủng tộc bao giờ cả, mà chỉ có dùng để trỏ vài dân tộc nho nhỏ ở phương Nam của Hoa Bắc, và chỉ có nghĩa mơ hồ là dân xứ nóng, chớ không trỏ hẳn ai.
…… Vậy thì gốc tổ tiên (chúng ta) là Mã Lai chớ không phải tên Viêm, mà Tàu cũng không bao giờ gọi nó là Viêm, chỉ có một ông Tàu đời sau là Mộng Văn Thông mới phịa ra đây thôi. Tàu gọi nó là LÔ, là LỈA, tức LAI đấy, vì Tàu độc âm, bỏ mất MÃ, hoặc vì Mã Lai cũng có thói quen tự bỏ bớt một âm, có nhóm chỉ tự xưng là MẠ mà thôi. [3] Nhưng  cái nhóm chánh cổ sơ nhất thì tự xưng rất dài là MALAYA (núi Hi-Malaya) và nhóm thứ nhì cổ sáu ngàn năm tự xưng là MALAYALAM, được kinh Phệ-đà phiên âm là M’leecha”. [4]
[15] Vài nét về Khảo Tiền Sử Việt Nam
Muốn biết về nguồn gốc, bà con của mình, người ta thường hỏi những người chung quanh. Khi cả vùng không biết, người ta đành cùng nhau tìm. Phong trào khảo cổ liên quốc gia tiến rất chậm, vì nó có vẻ không thiết thực với đời sống hằng ngày. Tuy vậy, nó rất quan trọng, không chỉ để biết xử trí trong quan hệ hiện tại, mà nó giúp rất nhiều cho những kế hoạch công tác tương lai.
Chính vì thế, chúng ta nên biết sơ qua, để nếu không có điều kiện tham gia, mình cũng không lạc lõng.
1.  Những chặng và mốc văn hoá trong khảo tiền sử
Thời tiền sử được coi như gồm ba chặng, theo mốc di tích văn hoá của con người tiền sử:
*   Thời đồ ĐÁ CŨ =                      Paléolithique
*   Thời đồ ĐÁ MỰC GIỮA              Mésolithique
*   Thời đồ ĐÁ MỚI                        Néolithique
Thời sơ sử chỉ gồm hai chặng:
*   Thời ĐỒ ĐỒNG                         Âge du bronze
*   Thời ĐỒ SẮT                             Âge du fer
Ngành khoa học này tương đối mới, còn nhiều cách dùng từ khác nhau giữa từng tác giả; tuy nhiên, phải nhận rằng những người Pháp là những người để lại tác phẩm đầu tiên về khảo tiền sử Việt Nam. Khi đọc họ, chúng ta lưu ý vài kiểu nói sau đây:
-  Paléolithe (Paléolith) = instrument en pierre taillé
            đồ dùng bằng đá đẽo.
-  Protonéolithe = Néolithe inférieur (= protoneolith)
            = instrument poli au tranchant seulement
            đồ dùng chỉ mài nhẵn phía đầu lưỡi.
-  Type de Sumatre (Sumatra type)
            = instrument taillé sur une seule face
            đồ dùng đẽo một mặt
-  Néolithe = instrument poli en entier
            đồ dùng mài nhẵn toàn diện
Rõ ràng ba loại trên đều thuộc thời kỳ đồ đá đẽo.
Loại thứ bốn mới thuộc thời Tân Thạch.
2. Mốc thời gian và mốc văn hóa
Thời gian không ấn định cho văn hoá được. Chúng ta dùng THỜI và dùng một mốc văn hoá nào cũng phải xác định toạ độ. Nghĩa là mốc văn hoá đó chỉ đúng trong thời gian đó (vị trí lịch sử) ở vị trí địa lý đó.
Thí dụ: Khi người Anh khám phá ra Úc châu và dùng làm nơi lưu đày phạm nhân, thế kỷ XVIII, thì người địa phương (thổ dân) còn sống trong văn hoá tiền sử.
Khi các nhà thừa sai công giáo đến Kotum thế kỷ XIX, còn thấy tộc Bahrour mài nhẵn đồ dùng bằng đá, như trong thời tiền sử các nơi khác.
3. Vài lát cuốc khảo cổ đầu tiên
“Chính Henri Mansuy, người thuộc Sở Địa Chất Pháp tại Việt Nam, là người đầu tiên chú trọng đến những di tích tiền sử. Năm 1902, Mansuy đã viết bài nghiên cứu về di tích vùng Sam Rong Sen (Kampuchia), năm 1906 Mansuy thấy những di tích trong hang núi phố Bình Gia (Lạng Sơn). Từ năm 1923, những di tích đào được trong các hang núi ở vùng Bắc sơn đã làm thay đổi hẳn những điều từ trước tới nay mà người ta vẫn thường nói về thời tiền sử của xứ Đông Dương. Mansuy tìm ra những đồ dùng bằng đá đẽo mà từ trước chưa ai sưu tầm được, những xương người đào được trong các hang núi, chứng tỏ là đã có các giống người khác nhiều với những giống hiện nay đang sống ở Đông Dương đã sinh sống trong thời tiền sử trên đất Đông Dương này.
Từ năm 1923, giáo sư E. Patte in những trang sách khảo cứu về các di tích tiền sử thuộc tỉnh Đồng Hới và Thanh Hoá. Đến năm 1935, giáo sư Patte có viết bài tổng quát nói về người thời tiền sử ở Đông Dương, đến năm 1966 có viết bài nghiên cứu kỹ lưỡng về các xác người thấy ở Đa Bút (Thanh Hoá).
Từ năm 1924, Madeleine Colani bắt đầu chuyên khảo về tiền sử. Colani tìm ra được thời đồ đá của vùng Hoà Bình. Colani đã làm nhiều công trình khảo cứu về thời tiền sử vùng Bắc Sơn, Hoà Bình, Vịnh Hạ Long và về những chum bằng đá ở vùng Chấn Ninh.
Jacques Fromaget viết chung với Mansuy năm 1924, với Edmond Saurin năm 1936 những công trình khảo cứu về các di tích tiền sử tại vài miền ở Trung Việt và ở Thượng Lào, Paul Lévy tìm được di tích tiền sử tại M’lu Pocei (Kampuchia) năm 1938, và ở bờ sống Mékong ở gần vùng Luang Brabang năm 1942.
Năm 1938, bác sĩ Gunnar Anderson một giáo sư Thuỵ Điển tìm di tích tiền sử ở các đảo vịnh Hạ Long. Sau vì phải về Thuỵ Điển, để Colani nối tiếp làm công việc đó.
Từ năm 1935-1939 mới bắt đầu có những công cuộc khai quật cổ tích thật đúng phương pháp khoa học do giáo sư Olor Jansé, cũng là người Thuỵ Điển, có khai quật những cổ mộ ở Bắc Việt và Bắc Trung Phần. Jansé có thấy những di tích về thời Đồ Đồng ở Thanh Hoá. Năm 1938, ông Saurin có viết bài khảo cứu về những di tích tiền sử ở Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1957 viết về di tích tiền sử ở Hòn Gay.
Ta cũng nên nhớ Saurin và Fromaget đã cho in những phát minh quan trọng về di tích ở Thượng Lào, vì những di tích này rất quan trọng cho biết rõ về niên sử của Việt Nam.
Năm 1952, G.Condominas nghiên cứu về nhạc cụ tiền sử tìm được ở gần Đà Lạt.
Năm 1956, các giáo sư J.B.Lafont có viết bài khảo cứu về đồ đá tìm được ở Pleiku.
Năm 1960, Nguyễn Văn Nghĩa có viết bài báo cáo về đồ di tích Cổ Nhuế (Huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).
Năm 1961, Lê Văn Lan có viết bài về những đồ dùng bằng đá đào được ở tình Phú Thọ.
Năm 1961, Viện Sử Học Hà Nội có in bản báo cáo về hai di tích tiền sử Đông Khối và Núi Đọ (Thanh Hoá).
Năm 1968, Nguyễn Văn Nghĩa có in sách nói về di tích tiền sử Lũng Hoà, và 1971 tại Sài-Gòn, Linh mục Fontaine viết bài về thời đại đồ đá mới ở chung quanh Sài-Gòn”. [5]
Tất nhiên sau ngày thống nhất đất nước, công việc khảo cổ được làm quy mô hơn và có tài trợ của chính quyền và những cơ quan ngoại quốc. Thành quả dồi dào hơn trước, tuy vẫn chưa đủ. Thiếu khảo cứu rộng khắp và thiếu phương tiện cũng như còn nghèo kiến thức chuyên môn.
4. Một thí dụ khảo tiền sử: tìm di tích Núi Đọ
Chúng ta đọc giáo sư Nghiêm Thẩm về việc tìm di tích Núi Đọ của nhóm đồng nghiệp với ông, mà ở Miền Bắc. Sau đó sẽ đọc một trong những người thuộc nhóm khảo cổ trên. Hy vọng có “hai tiếng chuông”, ta nhận xét khách quan hơn. Giáo sư Nghiệm Thẩm nói:
“Trong tháng 11.1960, có ba cơ quan văn hoá của Bắc Việt là Viện Bảo Tàng Lịch Sử, Viện Sử Học và trường Đại học Tổng hợp có tổ chức một cuộc khai quật cổ tích tại xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, để tìm những cổ tích đúc bằng đồng tại nơi này. Trong thời gian làm việc ở Thiệu Dương phái đoàn khảo cổ tìm được 2 di tích thuộc thời đại đồ đá. Di tích Đông Khối có các đồ đá mài nhẵn và di tích Núi Đọ có nhiều đồ đá đẽo, núi Đọ ở gần thôn Phú Ân xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hoá chừng 8km. Trong khi đi xem xét núi Đọ phái đoàn khảo cổ đã tìm thấy một địa điểm khảo cổ có một số mảnh vỡ của kỹ nghệ sản xuất đồ dùng bằng đá. Theo các nhà chuyên môn trong có giáo sư Borfskovski thì đó là những di tích của thời đại đồ đá cũ. Những đồ đá này đều ở ngay trên mặt đất, ở khắp các sườn núi, từ độ cao 20m tới 80m so với các ruộng lúa ở chung quanh núi. Những ruộng này cao hơn mặt bể 4,50m. Những đồ đá này nằm lẫn với rất nhiều mảnh đá không có dấu vết gì là do tay người tạo ra, và còn thấy cả những cổ vật của những thời kỳ tương đối là mới hơn.
Thật ra phái đoàn khảo cổ chưa đào hố để xem dưới đất có các cổ vật hay không, vì những cổ vật được thấy ngay ở trên mặt đất nên chắc chắn đã bị xáo trộn rất nhiều, vì nếu nó đã từ thời đồ đá cũ đến ngày nay đã bao nhiêu trăm nghìn năm rồi. Tuy vậy, các tác giả của bản báo cáo nói rằng: Tình trạng xáo trộn ở núi Đọ không phải là lớn lắm, và ngoài núi Đọ, các miền chung quanh đều không tìm thấy các cổ vật đó trừ một vài mảnh đất tước (édat) thấy ở núi Trành, cách núi Đọ chừng 1km. Và có lẽ là đã được Ngẫu nhiên đem tới đó. Các cổ vật ở núi Đọ đều được làm bằng Basalte hay đá Diabase, đó là thứ đá khai thác ngay ở núi Đọ. Loại đá này cũng cứng như đá lửa, đó là một thứ nguyên liệu rất tốt nên sau này đến thời đại đá mới người tiền sử cũng tìm đến núi Đọ để khai thác nguyên liệu và sản xuất dụng cụ.
Những đồ đá thời tiền sử tìm thấy ở núi Đọ đều có một lượt màu nâu mờ mờ phủ ngoài chất đen sẫm của đá Diabase, nhưng lớp ngoài này không chứng thực là những đồ đá đẽo là cổ xưa, vì những đồ đá mài nhẵn cũng thấy ở núi Đọ cũng có lớp màu phủ ngoài, như vậy có lẽ vì những dụng cụ tiền sử để phơi ở ngoài khí trời nên đã thay đổi màu nhiều và nhanh chóng như vậy. Những cổ vật ở núi Đọ đều bị bào mòn vì những dòng nước chảy trên núi xuống qua sườn núi. Nước chảy mang theo nhiều cát và những hạt đá nhỏ, bén, làm cho các cổ vật cọ sát vào nhau nên đã làm mòn các lưới và cạnh của cổ vật.
Những cổ vật tiền sử ở núi Đọ gồm có:
1. Những mảnh vỡ
2. Những khối đá
3. Rìu tay
4. Những dụng cụ để chặt
5. Những dụng cụ để nạo.
95% tổng số cổ vật ở núi Đọ là những mảnh vỡ có dấu vết của tay người tạo ra như mặt đề đập ra thành mảnh, u ghè. Những mảnh vỡ đầu tiên được đẽo và sửa để làm đồ dùng, đa số là mảnh vỡ lớn, có mảnh tới 15 hay 20cm. Những mảnh vỡ ở núi Đọ đều có những tính chất của những mảnh Clactonien ở Âu Châu, thô và dày. Ngoài ra còn có một số ít mảnh vỡ tương đối cân xứng hơn, dài và không dầy lắm như mảnh vỡ Levaloisien ở bên Pháp. Đa số các mảnh vỡ đều được sử dụng để làm các đồ dùng. Ở núi Đọ có thấy một chiếc rìu tay, dài 15cm. Rộng 10cm. Rìu tay này có những vết ghè, đẽo rất lớn hình hạt hạnh nhân, hình dáng thô sơ hơn rìu tay thời Chelléem archenléen. Ngoài chiếc rìu tay còn thấy những dụng cụ để chặt, đó là những chopper có thấy 7 chiếc và 1 chiếc đồ dùng để nạo.
Tóm tắt những dụng cụ ở núi Đọ rất nghèo nàn, thô sơ, nặng nề, hình dáng chưa được chính xác, có nhiều mảnh vỡ, có những mảnh vỡ dùng trong công việc. Việc xác định niên đại chính xác cho núi Đọ rất khó khăn. Đây là lần đầu tiên ở đất Việt Nam một di tích về thời đồ đá cũ thô sơ nhất, địa điểm này thiếu các tầng lớp đất cổ vật.
Trên đây là giáo sư Nghiêm Thẩm của Miền Nam Việt Nam ghi nhận ngay từ khi Việt Nam còn chia hai miền tranh đấu. Trong tác phẩm chính thức của Nhà Xuất Bản Văn Hoá Dân Tộc, Giáo sư Trần Đức Vượng của Đại học Tổng hợp Hà Nội viết lại thế này:
“Nếu ta không / chưa kể bộ ba di chỉ Núi Đọ – Nho quan Yên – Núi Nường (do tôi có góp phần phát hiện và nghiên cứu) có phải là di tích văn hoá sơ kỳ đá cũ vài chục vạn năm trước đây hay không (giới khảo cổ trong ngoài nước, người bảo phải người bảo không phải, đang tranh luận. Tôi thuộc phái bảo ba di tích đó, là những phức hệ gồm nhiều di chỉ có những niên đại sớm – muộn khác nhau nhưng có di tích đá cũ sơ kỳ). Nhưng từ đầu thập kỷ 30 – thời bà Madeleine Colani cho đến phát hiện của tôi cùng PTS. Lâm Mỹ Dung và ông Vũ Duy Trịnh (Bảo tàng Thanh Hoá) tháng 6 năm 1993, thì giới khảo cổ “chung khẩu đồng từ” đều xác nhận miền núi đá vôi Karstic và các thung lũng xứ Thanh (Cẩm Thuỷ, Ngọc Lạc, Thạch Thành) là một địa bàn quan trọng của hai nền văn hoá Hoà Bình và Bắc Sơn, nổi tiếng Đông Nam Á và Thế giới, niên đại C.14 trên dưới một vạn năm – và trước hai nền văn hoá đó, do phát hiện của tôi và ông Phạm Hổ Đấu (bảo tàng Thanh Hoá) thì xứ Thanh (cũng như Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên Huế) còn là những không gian văn hoá Sơn Vi cuối đá cũ, tiền Hoà Bình, có niên đại 12 vạn năm nữa kia!” Mà văn hoá Hoà bình, văn hoá Bắc Sơn sơ kỳ đá mới đã được xác nhận là màn dạo đầu (prélude) của cuộc cách mạng Đá mới – còn gọi là cách mạng đá nông (agrolithique), nghĩa là sự ra đời của Nông nghiệp. Thời Đá 60 vạn năm (Sơn Vi trở lên) hái lượm trội hơn săn bắt (bắn) thì từ thời đá mới trên dưới một vạn năm, nông nghiệp ở xứ Thanh cũng như toàn Việt Nam và Đông Nam Á bắt đầu nảy sinh ở miền chân núi (piémont) – hay cũng tức là miền thung lũng trung du, và trong nông nghiệp thì trồng trọt trội vượt hơn chăn nuôi….” [6]
5. Hai di chỉ Đồ Đá Cũ ở Miền Nam
Đã hết rồi lầm tưởng rằng chỉ miền Bắc Việt Nam là đất cũ, Miền Nam là đất mới, xin ghi lại hai di chỉ thời đồ đá cũ ở Đồng Nai, Long Khánh, và mới đây, ở chính rừng ngập mặn Cực Nam.
5.1. Di tích Dầu Giây 2
“Tại làng Hội Lộc, ở cây số 1.833 trên quốc lộ số 1 trong đồn điền cao su Suzannah, có thấy trên mặt đất, trên dốc để đi xuống suối Dầu Giây, có một dụng cụ bằng đá Basalte được đẽo hai mặt như kiểu các đồ dùng kiểu Acheulées. Dụng cụ này cũng giống như dụng cụ ở di tích Hàng Gòn 6, cách đó 15km, những dụng cụ của hai nơi này chứng thực là ta có thể thấy những di tích thuộc thời Acheulées tại vùng Xuân Lộc, và ở Nam Việt Nam. Theo giáo sư Saurin thì dụng cụ được đẽo hai mặt này có thể đã được phát hiện trên mặt đất vì công việc đào bới đất để trồng cao su.
5.2. Di tích Hàng Gòn 6 ở Xuân Lộc
“Ở dưới chân ngọn đồi 225, giáo sư Saurin có thấy một di tích thuộc thời đại đồ đá cũ, có thể liệt vào thời xưa nhất của thời Acheuléen bên Âu Châu. Bên bờ suối Lét, có những dụng cụ bằng đá Basalte, hoặc những dụng cụ được đẽo hai mặt, và những dụng cụ hình tròn (sphéroide) và cả những dụng cụ đẽo một mặt rất sơ sài.
Nhờ di tích này, ta có thể biết chắc chắn là tại Đông Dương cũng có những nền kỹ thuật sản xuất dụng cụ đẽo hai mặt như ở Âu châu, Phi châu và Tây Á châu. Cũng như di tích núi Đọ gần Thanh Hoá, di tích Hàng Gòn 6 cho ta biết là những kỹ thuật đẽo đá ở thời tiền sử Tây phương cổ xưa nhất cũng đã tìm thấy ở Việt Nam. Những dụng cụ được đẽo một mặt ở Hàng Gòn 6 là kiểu các dụng cụ để chặt mà các nhà tiền sử học thường thấy ở phía Nam Á châu, thường được gọi là Copper (chopping tool).
Theo giáo sư Saurin thì những dụng cụ ở Hàng Gòn 6 thuộc về thời Acheuléen cổ xưa và những dụng cụ Dầu Giây 2 cũng thuộc về Acheuléen mà tiến bộ hơn” [7]
5.3. Từ Vĩnh Phú tới An Giang
Mấy tuần lễ cuôi tháng 8.2004, ngưới ta chỉ đào một diện tích nhỏ, mà thâu lượm thực nhiều đồ đá cũ tại An Giang, ngay dưới rừng ngập mạn. Cũng những viên đá của con người đang bung ra ngoài tầm hái lượm, dùng làm dụng cụ “săn bắt’ vật xa hơn tầm tây, tới những hình dạng lưỡi búa đẽo hoặc mài sơ… đặc trưng của con người “văn hóa Sơn Vi”…
Chúng ta sẽ còn phải nhắc đến nhiều di chỉ khi nói về các thời đại Văn hoá Việt Nam.
[16] Dân Việt Nam và các dân bà con 
Biết về ông bà mình rồi, người ta muốn biết ông bà của anh chị bạn quanh mình. Gần chúng ta có một nước Thái-Lan và ngay trong nước chúng ta lại có tộc Thái.
1.   Việt và Thái bà con thế nào?
Thử hỏi: Anh em Thái trên Cao nguyên Việt Nam chúng ta và người Thái Lan bà con với nhau không? Giữa những người Thái ở Thái Lan và ở Cao Nguyên Bắc Việt có bà con với “người Kinh” chúng ta không?
Bà Pháp Colani cũng như ông Hoa Kỳ Wilhelm G. Solheim II đều cho rằng chúng ta và họ có chung nền văn hoá Hoà Bình, tất nhiên là Bà con rất gần. Giáo sư Max. Sorre cho rằng chúng ta và họ chung một CÁNH phương Đông.
Bình Nguyên Lộc với những chỉ số Sọ nhận thấy thế nào? Về dân tộc Thái trên cao nguyên Việt Nam và dân nước Thái lan (Thailand = đất của người Thái), Bình Nguyên Lộc viết:
“Chúng tôi tìm được một bức dư đồ rất hữu ích, tên là Ethnolinguistico Groups of mainland southest Asia do “Human relations Area files Yale university” xuất bản.
Theo tài liệu của Pháp thì bức dư đồ Huê Kỳ đó được giới khoa học Nga xác nhận là thật đúng, và ta dùng nó được một cách an lòng, vì hai nước nghịch nhau mà tán đồng nhau thì là đúng sự thật.
Theo bức dư đồ đó thì hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Nam Quý Châu là địa bàn hiện kim của dân Thái, một dân tộc rất cổ mà ngày xưa Tàu gọi là dân Âu. Chỉ bằng vào sự kiện địa bàn ta có thể kết luận rằng nước Tây Âu là nước của dân Thái ở ba tỉnh Trung Hoa ấy ngày nay….
Mặt khác, Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ cho biết một điều này rất quan trọng: là không có nhóm người Tàu nào gọi là người Quảng Tây hết. Ở cả hai tỉnh rưỡi đó có người Quảng Đông mà thôi. Chi tiết trên đây rất quan trọng vì nó chứng minh rằng không có chủng tộc, dân tộc thứ nhì nào làm chủ vùng đó cả từ đời Tần, mà chỉ có độc một thứ người là người Thái biến thành Tàu và được gọi là người Quảng Đông, và người Thái chưa biến thành Tàu, còn phân chia thành nhiều nhóm, như người Nùng (chữ nho là Nông) là một.
…Tại sao biết rằng họ là người Thái biến thành Tàu? …các giọng nói địa phương của Tàu ăn khớp với địa bàn của các “man di” đời xưa. Mân Việt nói tiếng Tàu khác giọng Quảng Đông, và cả hai nói khác giọng Triết Giang.
Hơn thế, đây mới là điều quan trọng, mỗi nhóm giọng đều có giữ được lối một trăm danh từ cổ để chỉ nguồn gốc của họ.
… Nội một trăm danh từ địa phương sống sót này đủ cho ta biết rằng người Quảng Đông gốc Thái và nước Tây Âu là một cường quốc Thái dưới đời Tần, mạnh ngang hàng với nước Sở, vì Tần Thỉ Hoàng đánh Sở đã dùng 600 ngàn quân, còn đánh Tây Âu cũng phải dùng đến 500 ngàn quân, và hao quân nhiều hơn lúc đánh Sở.
Dĩ nhiên là trong hai tỉnh rưỡi ấy cũng còn dân thiểu số, nhưng họ là thiểu số nên kể đến vì chủ đất phải là dân đa số, dầu cho họ đã biến thành Tàu hay mới biến nửa chừng như người Nùng, hoặc chưa biến chút nào hết như người Đồng, người Cầu Di, người Lương, người Bạch Di.
Trong các người thiểu số có người Mèo (thuộc chủng Miêu) và người Choang (thuộc chủng Mã-lai, nhưng chi Lạc, nhưng đó là Lạc bộ Mã, chớ không phải Lạc bộ Trãi, vì họ rất gần với người Phước Kiến). Lại còn một nhóm thiểu số nữa bị Hoa-hoá đến 99 phần trăm, đó là người Khách Gia mà Pháp gọi là Hakka và người miền Nam gọi là Hẹ, gốc Ba Thục, tổ tiên của An Dương Vương.
…. Thái là một danh tự xưng, mà họ chỉ mới lấy hồi thế kỷ 13 khi bị Hoa tộc lấn dữ dội, họ phải bỏ xứ mà Nam thiên xuống thượng du Bắc Việt và Thái Lan ngày nay, và có nghĩa là “thoát khỏi, tự do, thong thả”, không bị Tàu áp bức, còn trước đó họ tự xưng là NGU hoặc NGÊ-U. Quả thật thế, Quan Thoại phiên âm danh xưng đó là Ngê-U, tại các nhà nho ta đọc sai ra là Âu, chớ còn người Mường họ vẫn đọc đúng là Ngu…
Vậy cái bí mật cổ thời ấy ta đã biết: Nước Tây Âu là một quốc gia của chi Âu của chủng Mã-Lai, nằm sát các quốc gia của chi LẠC từ Hoa Bắc đến Hoa Nam (và chúng tôi càng tin mạnh rằng truyền thuyết LẠC Long Quân và ÂU Cơ bắt nguồn từ sự kiện này vì chi Âu luôn luôn chiếm địa bàn rừng núi, còn chi Lạc luôn luôn chiếm địa bàn ven biển, không có ngoại lệ, trừ nước Thái Lan chỉ mới thành lập 600 năm nay thì không kể)….
Người Thái ở Thượng du Bắc Việt khác hẳn người Thái Lan, vì người Thái Lan đã tới bờ biển và lập quốc từ nhiều trăm năm, theo văn hoá Ấn Độ và Phật giáo, còn người Thái Thượng du Bắc Việt còn giữ nguyên vẹn văn minh cổ thời của  họ….
… Bây giờ ta nên đặt ra một câu hỏi rất quan trọng và câu trả lời sẽ cho ta biết một sự thật lớn. Thượng du Bắc Việt ngày nay là đất Thái. Vậy nơi đó là đất Thái từ thời cổ đến nay, hay người Thái mới xâm lăng ta sau này, hoặc họ di cư đến đó sau này, vào thời nào?
…Truyền thuyết về các đời Hùng Vương có nói đến chiến tranh với Chàm, với An Dương Vương, mà không hề nói đến chiến tranh với Tây Âu, thì hẳn đó là một cuộc di cư êm thấm, không có đổ máu, mà khi nói đến di cư, tức Thượng du Bắc Việt không phải của Tây Âu.
Có di cư, nhưng di cư vào thời nào?
… Ta dám cả quyết rằng cho đến thời Triệu Đà, người Thái vẫn chưa có mặt tại Thượng Du Bắc Việt, vì chi tiết sau đây để tiết lộ ra sự kiện ấy.
Khi nhà Hán chia hai nước Nam Việt của Triệu Đà, một phần làm Giao Châu, một phần làm Quảng Châu, thì Thượng du Bắc Việt thuộc vào ta. Đừng tưởng người Tàu họ làm chủ một nơi rồi họ muốn chia cắt làm sao, tuỳ ý thích riêng của họ. Nhứt định họ phải theo một tiêu chuẩn nào, mà tiêu chuẩn đó là như thế này: hai thứ man-di không thể cùng trị được bằng một chính sách. Chính sách ấy phải mềm dẻo đối với mỗi châu, mỗi quận, tuỳ theo phong tục địa phương của mỗi nhóm “man-di”. Thế thì hẳn họ phải chú trọng đến dân tộc khi chia đất, chớ không thể dựa vào tiêu chuẩn nào khác hơn được.
Hai dân tộc Âu và Lạc bị Triệu Đà sáp nhập thì Triệu Đà có lý do riêng của y, nhưng nhà Hán tách ra, nhà Hán cũng có lý do của nhà Hán, cả hai lý do đều hữu lý, nhưng sự kiện vẫn cứ là có hai dân khác nhau, và thời điểm nhập và chia ra cho ta biết rõ địa bàn của hai dân tộc đó, vào thuở ấy.
Danh xưng VIỆT trong quốc hiệu NAM VIỆT làm cho các sử gia Pháp Việt ngộ nhận rất nhiều….
Lời phê của vua Tự Đức vào quyển Đại Việt sử ký Toàn thư N.K. của Ngô Sĩ Liên là sai. Khi thấy họ Ngô chép rằng có 6 quận của nước NAM VIỆT bị Trung Hoa lấy luôn làm đất Quảng Châu. Nhà vua phê: “Đất nước Việt Ta đã mất vào Trung Quốc hồ quá nửa!”…
… Từ sông Dương Tử đổ xuống, bất kỳ thổ dân nào cũng bị (Tàu) họ gọi là Việt tuốt hết…. Sáu quận đó là của nước Nam Việt, chớ không phải của nước VIỆT NAM. Mà NAM VIỆT thời Hán là Quảng Đông và Cổ Việt Nam thì còn biết sáu quận ấy là của dân nào thật sự, có thể là của dân Lạc, mà cũng có thể là của dân Thái; nhưng chắc chắn là của dân Thái, bằng vào tiêu chuẩn chia cắt nói trên. Tiêu chuẩn ấy không hề được ghi chép ở sách nào hết, nhưng vẫn phải có. Sự chia cắt của nhà Hán chỉ đi ngược chiều sự sáp nhập của Triệu Đà và các thành phần bị nhập và bị tách phải như nhau, cũng cứ vì cái tiêu chuẩn nói trên…
Tóm lại, lúc chia hai nước Nam Việt, nhà Hán phải nhớ đến hai nước cũ là Âu Lạc và Tây Âu, mà dân chúng còn nguyên vẹn vì mới có mấy trăm năm qua. Nhà Tần, rồi Triệu Đà, có muốn nhập hai thứ dân đó lại cũng không xong. Họ không dại mà cắt đất của nước nầy bỏ vào một châu khác, bởi làm như vậy họ khó cai trị hơn, vì một đơn vị hành chánh cần trùng với một nước cũ để mọi biện pháp cải cách mới, được thi hành, mà không gây xáo trộn nhiều cho dân phải bất mãn, luật cho Giao Châu phải khác luật cho Quảng Châu…” [8]
Chúng ta sẽ trở lại với các Tổ lập Quốc khi tìm về những đợt Văn Hoá khảo cổ học. Bây giờ nên nhìn rộng thêm một chút qua các nước Á-châu, nhất là các nước hiện nay thuộc “khối Asean”, cho biết anh em hoặc láng giềng.
2. Dân Việt Nam và các nước anh em
Tôi cho rằng trang này của Bình Nguyên Lộc là tóm kết nhiều nhất khi khẳng định “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam”. Ông nói theo cái nhìn khảo tiền sử và nhân chủng học:
“Đây, nguồn sáng từ dưới âm ty chiếu lên hay từ 5.000 năm trước chiếu lại, một khúc phim của quá khứ mà các cuộc đào bới cho thấy khá rõ ràng…
1. Các đây lối 5.000 năm, chủng Anh-đô-nê-diêng, từ Cổ Mã-Lai, từ đâu không biết , và không biết vì lẽ gì di cư đến Triều Tiên, đến Nhựt Bổn, đến Đài Loan, đến Cổ Việt và đến đảo Célèbes ở Nam Dương.
Đồng thời họ cũng di cư sang Đông Ấn Độ, rồi từ Đông Ấn Độ họ di cư sang Đông Dương (tức có cả Miến Điện và Thái Lan trong đó, và nên nhớ rằng dân của nước Thái Lan chỉ mới di cư tới nước Thái Lan nay kể từ thế kỷ thứ 8, thứ 9 . Và đến thế kỷ thứ 13 thì họ đã đủ đông để đuổi người Cao Miên, đang làm chủ ở đó, để dựng lên nước Xiêm. Vậy nếu ở  Thái Lan có dấu vết của bọn di cư nói trên thì bọn ấy cũng không phải là tổ tiên của nước Thái).
2. Sọ của bọn Cổ Mã Lai này cho thấy rằng họ có lai giống với một nhóm Mông Cổ, nhưng không biết là nhóm nào. (Khoa chủng tộc học dùng danh từ Mongoloide. Danh từ này có nghĩa là có tính cách Mông Cổ nhiều hay ít và chúng tôi đã trình ra hai thứ dân là Trung Mông-gô-lích, tức là người Hoa Bắc, và dân Nam Mông-gô-lích, tức là người Hoa Nam. Vậy danh từ Mongoloide có nghĩa rất rộng, có thể là lai thẳng với Mông Cổ, mà cũng có thể là lai với Tàu Hoa Bắc, nhưng không thể với Tàu Hoa Nam, vì cách đây 5.000 năm, chủng Nam Mông-gô-lích chưa có mặt trên quả địa cầu.)
3. Tại Miến Điện xưa và Cao Miên xưa, tức ở Trung Lào nay, bọn Cổ Mã Lai lai giống quá nhiều với dân thổ trước, thuộc chủng Mê-la-nê. Có lai nhiều vì ở những nơi đó chủng Mê-la-nê đã tiến bộ lắm, bắt đầu tiến tới thời đại Tân Thạch, giỏi gần bằng bọn mới đến. Thế nên bọn di cư ấy mới đen da.
Ở Cổ Việt Nam thì thổ trước Mê-la-nê chỉ còn ở trong thời đại Cựu Thạch, nên rất ít có hợp chủng Cổ Mã Lai + Mê-la-nê, thế nên người Việt Nam trắng da hơn Môn và Khơ Me.
4. Vũ khí và dụng cụ độc nhất của họ là lưỡi rìu đá mài có tay cầm.
5. Cạnh sọ Mã Lai và lưỡi rìu tay cầm không thấy dụng cụ xay, dã, nghiền hay tán gì hết để có thể kết luận rằng họ đã biết trồng trọt.
6. Nếu chỉ có một mình họ di cư mà thôi thì không cần đặt tên mới cho họ, nhưng còn một đợt di cư sau, cũng là của chủng Cổ Mã Lai, sau đó lối 2.500 năm, nên bọn trước đó đặt tên là AUSTRO-ASIATIQUES để phân biệt với bọn sau.
(Chú ý: Austro-asiatique chỉ có nghĩa là người Á Đông Phương Nam, chớ không có nghĩa gì là Úc-Á cả, như tất cả các sách Việt đều đã dịch sai như thế).
7. Cách đây tới 2.500 năm chủng Cổ Mã Lai từ cực Nam Hoa Nam đi thẳng xuống bán đảo Mã-lai-á, rồi từ đó sang Nam Dương quần đảo và từ Nam Dương sang Madagascar và Phi-luật-tân. Có một bọn lại đi ngược lên Nhựt Bổn.
8. Sọ của bọn sau, thuần chủng Cổ Mã-lai, không có lai giống với nhóm Mông Cổ nào hết.
9.Cạnh lưỡi rìu có nhiều dụng cụ cho thấy họ đã biết nông nghiệp và nhứt là biết làm đồ đất nung, biết nuôi súc vật…
…Với những người đã học khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỉ hiệu và có học cổ sử Tàu, thì đây là một cuộc thắp đèn thình lình, soi tỏ hết cả mọi mối manh rối nùi của lịch sử dân ta, và cả dân Tàu, dân Chàm, dân Cao-Miên, Miến-Điện, Mã-Lai và Thượng Việt…” [9]
Những nhận định của Bình Nguyên Lộc qua bao nhiêu năm nghiên cứu ấy có mạch lạc khá rõ về nguồn gốc các dân tộc chúng ta ở Nam Á Châu này. Tuy vậy, sánh với tuổi đời của di tích Văn Hoá Sơn Vi, thì trên những vùng đất này, đã có một chủng nào sống trước chủng Mã-Lai rồi?
[1] Cuốn «Việt Lý tố nguyên»
[2] Một số tác gia gọi là Chủng Nam Đảo
[3] Còn chừng 20.000 người thuộc Dân tộc MẠ, ở vùng Tây Nam  tỉnh Lâm Đồng  
[4] Theo Bình Nguyên Lộc sdd tr.82-86
[5] Giáo sư Nghiêm Thẩm, giáo trình «Khảo Cổ Học »Dại Học CG.Da Lạt
[6] Trần Quốc Vượng, sdd.tr.271-272
[7]  Nghiêm Thẩm. sdd. Tr.9-10
[8] Bình Nguyên Lộc, sdd tr. 290-296
[9] Bình Nguyên Lộc sdd tr.323-326
[17] Người Thượng
Sống cùng với chúng ta trên giang sơn này, còn nhiều dân tộc thiểu số. Vì họ sống trên cao, nên chúng ta gọi họ là Thượng, hoặc “Thượng” có một nghĩa nào khác ? Hầu hết các tác giả nói về người Thượng, chỉ nói về họ với từng “dân tộc” trong hiện tình, mà không truy về nguồn gốc.
Bình Nguyên Lộc cho chúng ta chỉ dẫn xa và sâu hơn:
“Ta có thể hiểu rằng người Thượng Việt là Mã Lai đợt I di cư bằng đường biển, cùng lúc với ta và chiếm địa bàn Trung Việt vì địa bàn Bắc Việt đã bị ta chiếm rồi.
Sứ Chiêm Thành nói rằng Chàm đã đánh đuổi thổ dân ở Trung Việt rồi lập quốc ở đó. Nhưng không có một ai mà biết thổ dân đó là ai cả, và rồi họ đi đâu.
Khi mà ta biết được rằng người Chàm là Mã Lai đợt II thì ta phải hiểu rằng dân ấy là Thượng Việt, chớ không còn ai vào đó nữa cả.
Dựa vào nhạc khí thời Bắc Sơn ở Darlac, ta kết luận được rằng Thượng Việt làm chủ Trung Việt và Cao nguyên rất lâu đời, chớ không phải chỉ làm chủ Trung Việt mà thôi….
Trạm Tam Toà không thể là dấu tích của đợt II, vì chỉ có đồ đá mài mà không có dụng cụ canh nông, cũng không thể là dấu tích của hai chủng Mê-la-nê và Negrito, vì hai chủng đó một quá kém cỏi, trên thế giới, nơi nào họ cũng không tiến lên đá mài được, đó là chủng Negrito, còn chủng Mê-la-nê thì riêng ở Việt Nam, chưa tiến lên thời đại đá mài.
Chỉ có một nhóm người mới có thể là tác giả của những cổ vật Tam Toà, đó là Mã Lai đợt I. Nhạc khí Darlac và đồ đá mài Tam Toà, tuy chỉ là hai dấu vết nghèo nàn, nhưng đủ sức vẽ ra được lộ trình của Mã Lai đợt I.
Darlac là địa bàn của Mã-Lai đợt I, nhưng ngày nay nó lại là địa bàn của người Rađê, tức Mã-Lai đợt II. Thấy quá rõ là Chàm, chẳng những đánh đuổi Mã Lai đợt I lên núi rừng, lại còn rượt theo họ nữa, và hai nhóm Rađê và Giarai là hai nhóm Mã Lai đợt II không lập quốc được như Chiêm Thành, vì ở núi rừng họ thiếu điều kiện hơn Chàm, nhưng thuở mới di cư đến Trung Việt thì Chàm, Rađê, Giarai đều có một nền văn minh giống nhau, đó là nền văn minh của Mã-Lai đợt II vào buổi ấy, mà có lẽ Radê và Giarai còn giữ cho đến ngày nay, không thay đổi gì hết, đại khái biết nuôi gia súc, biết làm kim khí, biết trồng trọt, nhưng không giỏi lắm…” [1]
Trên Tây Nguyên, người ta mới gặp thấy nhiều di tích tiền sử. Đó là của những chủ đất hiện nay, hoặc chủng khác ?
Xin đọc thêm bài của Hoàng Dũng [2]:
“Lung Leng làm đảo lộn lý thuyết về Tây Nguyên [3].
Cuối tháng 9-1999 di chỉ khảo cổ học Lung Leng (xã Sa Bình, Sa Thầy, Kontum) đã được tiến hành khai quật, và đây là di chỉ duy nhất ở Tây Nguyên.
Di chỉ Lung Leng do những người đào đãi vàng dọc sông Pô-Cô tình cờ phát hiện được đầu tháng 8-1999. Ngày 12.8.1999 ông Nguyễn Ngọc Kim, người xã Sa Bình, đã thu thập được trên 300 hiện vật trao cho Bảo tàng Kontum. Ngày 13.8.1999 bảo tàng tiến hành khảo sát di chỉ, thu thập một số đồ đá, đồ gốm, đồ đồng và xác nhận đây là di tích khảo cổ có tầng văn hoá và mộ táng của dân cư cổ. Ngày 9.9.1999 Bộ Văn Hoá - Thông Tin gấp rút cho phép khai quật di chỉ Lung Leng bởi di chỉ nằm trong vùng ngập lòng hồ Ea Ly.
Lung Leng là một bãi bồi cổ ven sông có diện tích rộng khoảng 15.500m2, ở độ cao 505 - 507m. Chỉ cao hơn mặt sông Pô-Cô từ 2 - 5m, nằm trong lưu vực của ba con sông lớn nhất bắc Tây Nguyên là sông Dak Bla, Pô Cô, Sa Thầy, và là nơi hợp lưu của sông Pô Cô, sông Dak Bla trước khi đổ vào sông Sê San. Vị trí này hợp với điều kiện cư trú của dân cư cổ. Thời gian qua dân đào vàng đã xâm hại nghiêm trọng đến di tích. Ở các hố đào vàng hiện còn ngổn ngang rất nhiều mảnh gốm cổ, dấu vết mộ chum cùng nhiều di vật khảo cổ khác. Hiện làng Lung Leng là nơi cư trú của người Gia Rai.
Theo phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, người chủ trì cuộc khai quật di chỉ Lung Leng, thì phát hiện này có giá trị đặc biệt quan trọng bởi quy mô di chỉ rộng lớn tầng văn hoá ken dày và xuyên suốt nhiều thời đại. Văn hoá Lung Leng có nhiều mối giao lưu với văn hoá Sa Huỳnh lần đầu tiên tìm thấy ở Tây Nguyên. Di chỉ Lung Leng với những hiện vật thu giữ và khai quật được làm bất ngờ ngay cả giới khảo cổ học. Lâu nay các nhà dân tộc học, khảo cổ và sử học cho rằng các cư dân Tây nguyên trôi dạt vào đây từ biến động lục địa có nguồn gốc từ Inđônêxia [4]. Những dấu vết về đồ đá cũ đã nói rằng Lung Leng là một trong những cái nôi của loài người thời tiền sử.  Đặc biệt việc phát hiện dọi se sợi khẳng định hàng nghìn năm trước người Tây nguyên đã biết đến dệt vải chứ không phải chỉ che thân bằng vỏ cây như ta vẫn nghĩ. Các công cụ tìm thấy được cho thấy chúng chỉ thích hợp với vùng đầm lầy, phù sa canh tác lúa nước chứ không phải nương rẫy. Việc phát hiện khuôn đúc đồng bằng đá và vết xỉ đồng đã chứng minh nghề khai quặng và luyện kim đã có từ lâu đời ở đây mà ngày nay dân tộc Sê Đăng thuộc loại siêu trong lĩnh vực này. Có thể nói ý kiến từ lâu cho rằng cồng, chiêng của các dân tộc Tây nguyên được du nhập từ nơi khác đến đã không còn đứng vững”.
Ai cũng quá rõ rằng : những hiện vật trên là thuộc nhiều thời đại khác nhau, có thể do nhiều dân tộc chủ nhân khác nhau. Nghĩa là các hiện vật đã bị xáo trộn rất nhiều rồi. Hình dạng chúng không đủ. Phải phân loại theo xét nghiệm C.14 để định tuổi.
Nếu tìm được sọ người tiền sử, đối chiếu với sọ cư dân hiện nay, mới khẳng định được phải chăng chủng tộc này vẫn từ xưa chiếm địa bàn này.
Dầu sao, những di chỉ ở vùng Tây Nguyên cũng cho chúng ta nhận thức rằng vùng đất ấy cũng không phải hoang dã đối với nhân loại từ bao nhiêu ngàn năm nay.
[1] Bình Nguyên Lộc. tr.716
[2] Tuổi Trẻ Chủ Nhật 42-99 trang 41
[3] Không hẳn như thế đâu. Chỉ giả thuyết của một số người bị đảo.
[4] Chắc Bình Nguyên Lộc và chúng ta không nghĩ thế (NTT).
PHẦN II
VĂN HOÁ VIỆT NAM
THỜI TIỀN SỬ
VÀ SƠ SỬ
4.      Hình Thể và sinh lý người VN hôm nay
5.      Văn hoá thời đồ đá
6.      Văn hoá thời đồ đồng
7.      Văn hoá thời Vua Hùng, Bà Trưng
4.
ĐẶC ĐIỂM
VỀ HÌNH THỂ và SINH LÝ
NGƯỜI VIỆT NAM hôm nay
Xem mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon
Trước khi tìm hiểu về những nền Văn Hoá trên đất nước này, chúng ta nhìn nhận chủ thể chính yếu của những giai tầng văn hoá mình tìm hiểu, đó là những người Việt Nam, nói chung. Nhờ nhân chủng học, chúng ta nhận định thêm một số nét cơ bản của Người Việt Nam.
[18] Chiều cao và trọng lượng
Chiều cao và sức nặng con người có thể biến đổi nhiều theo những điều kiện sống như chế độ dinh dưỡng, hoạt động, tình trạng kinh tế, bầu khí an ninh và thân thương trong gia đình, ngoài xã hội.
Tuy thế, một phần nền tảng vẫn theo Chủng tộc.
Chúng ta tạm lấy thành quả nghiên cứu có lẽ khách quan, vì của mấy bác sĩ người nước ngoài và nghiên cứu vào thời “thanh bình tiền chiến”:
Les caractéristiques anthropobiologiques des Indochinois
Những đặc điểm sinh lý nhân chủng của người Đông Dương” do giáo sư P. Huard và bác sĩ y khoa Bigot của viện cơ thể học Đại học Y khoa Hà Nội trình bày trong hội nghị y học nhiệt đới tại Hà Nội năm 1938-1962, mà Giáo sư Nghiêm Thẩm truyền đạt cho các sinh viên Đại học Sài-gòn và Đà-lạt vào đầu thập kỷ ’70.
            1. Chiều cao
Mấy nhà nhân chủng học xếp ba loại người Việt Nam hồi đó vào tầm vóc nhỏ, trung bình và lớn
*           Nhỏ      cao      1,50 m  tới        1,59 m  1.103 người
*           Trung bình         1,60      tới        1,69 m  2.069
*           Lớn                  1,70                  tới        1,79      147
Tính tỷ lệ bách phân là 32,2%     62,3%               4,4%
            2. Trọng lượng
Cũng trong thời gian tiền chiến, người ta tính trọng lượng của người trung niên Việt Nam.
Trong số 464 người Trung Việt, chỉ có 45 người, tức 09,6% nặng trên 60kg.
Các công chức ở Bắc Việt, 90% không nặng quá 55kg.
Tại Nam Việt, 42,2% nặng từ 50 đến 60kg.
Bác sĩ Huard và Bigot cũng cho cân các trẻ sơ sinh Việt Nam và nhận thấy:
13.723 trẻ sơ sinh ở Bắc VN có số cân là  2,900
2.657    ………    Trung   ……………        2,760
21.551  ………    Nam     ……………        3,020
[19] Một số đặc điểm trên thân thể
Không thể nói đặc điểm tỉ mỉ chung hoặc từng dân tộc sống trên đất nước này, chúng ta chỉ ghi lại nhận xét của một số nhà bác học về người Việt Nam (dân tộc Kinh)
            1. Ngón tay, ngón chân
Một số Người Việt Nam có ngón tay thứ sáu trong một bàn tay, tỉ lệ nhiều hơn ở các dân tộc da trắng. Ngón tay thừa đa số thuộc trường hợp di truyền.
Một số người có hai ngón chân cái nghiêng về nhau, mà có người coi như đặc điểm người Giao-Chỉ; người Mã-Lai-Á, người Vedda bên Ấn Độ cũng có những ngón “giao chỉ” như thế, nhân chủng học gọi đó là “hallus varus”.
            2. Đầu và Sọ
Như chúng ta đã biết: Sọ mang một chỉ dẫn không thể thay thế được trong khảo cổ tiền sử về chủng tộc. Chúng ta vẫn ghi ngay số đo của P. Huard và Bigot:
*           Dung lượng của 200 sọ được nghiên cứu
Trung bình là 1.341 cm3 48
Sọ lớn nhất được 1.640 cm3;  nhỏ nhất là 1.043 cm3
*           Chỉ số sọ
Đo 457 người Bắc Việt, chỉ số sọ trung bình là 81,24
Ít nhất là 73,40; nhiều nhất là 95,95
Bình Nguyên Lộc gom lại cho chúng ta mấy số đo của các nhà bác học khác như:
Breton đo người Hà Nội:                         81,60
……………                    Bắc Việt                                    84,22
Madrolle                                    Châu thổ Bắc Việt          82,03
Deniker                                     Bắc Việt (chung)            82,70
Holbé                            …………………             83,17
Bonifacy                        …………………             83,20
Trung bình, người Bắc Việt có sọ                        82, 49
Holbé đo người Việt Quảng Trị                            79,36
………………………Huế                         80,91
Madroll ……………        Nghệ An                        84,62
Bernarrc …………… Trung Việt               83,80
Trung bình số sọ người Trung                 82,14
Breton đo người Nam (Saigon)                82,12
Madrolle ………………………………        78,98
Mondrière ………………………….           83,33
P. Neis ……………………………….        81,50
Deniker ……………………………..          82,80
Holbé ………………………………..          84,40
Trung bình sọ người Nam VN.                 81,76
Tổng trung bình số sọ người VN          82,13
Tổng trung bình số sọ người Thái, Thổ, Lào, Lôlô là 82,25
Tổng trung bình số sọ người Mã Lai ở Malayá, Philippines, Nam Dương quần đảo là                               82,19
Chỉ số sọ người Camphuchea là             83,28
………………Hẹ, người Thục             79,98
………… Trung Hoa ở Hoa Bắc, Mông cổ là         78,27
………. Mường ở Bắc và Trung Việt là    79,98 [1]
            3. Da
Mầu da do chất pigment nằm ở tầng sâu nhất của da.
3.1. Lớp da
Người Việt Nam da vàng, mà là thứ vàng lạt (jaune pâle), cũng có người gọi đó là vàng nhờn. Số người giãi dầu nhiều, mầu da sang sẫm, phụ nữ vàng lạt hơn nữa, gần như trắng.
3.2. Vết chàm
Vết chàm (bớt) ở phía sau mông trẻ sơ sinh.
Những thế kỷ trước, các nhà quan sát thấy đa số dân miền Đông Nam Thái Bình Dương sinh ra có vết chàm xanh đậm này, nên gọi là tâche mongolique.
94,4% ấu nhi nam và 95,1% ấu nhi nữ người Việt Nam có vết chàm này ở mông. Từ năm tuổi thứ hai, vết này lạt dần. Coi như hết khi bé lên năm tuổi.
3.3. Mùi và mồ hôi
Mùi của mỗi người có là do các hạch mồ hôi ở dưới nách có các chất corporates-alcalins và acides gras volatile.
Người Phi châu và Âu châu thường có những mùi rất mạnh.
Người da vàng mùi nhẹ hơn nhiều.
Chúng ta có hai loại mồ hôi: Mồ hôi muối và mồ hôi dầu.
Khi mang y phục đen mà có mồ hôi nhiều, mồ hôi muối để lại vết trắng và mùi chua. Mồ hôi dầu để lại vết loang bóng như mỡ với múi tương đối khét và gây.
4. Tóc, râu và lông
Chủng Mã Lai có tóc gợn sóng, khi lai chủng Hoa, người Việt Nam đa số mang tóc thẳng và bóng. Sợi tóc của người Việt Nam mập và cứng, nếu sánh với tóc người Âu Mỹ. Tóc chúng ta mập từ 100-120 “muy”, trong khi tóc người Âu chỉ đạt 80 muy. Đối lại, 1cm2 da đầu người Âu có thể có 180 sợi tóc, mà người Việt Nam chỉ có 160. Nhưng người Việt và người Trung Hoa rất ít bị “hói”, Tây thì hói nhiều lắm.
Nam giới Việt Nam có ria từ 20 tuổi và râu cằm từ 22 tuổi. Râu ria người Việt đều thưa, nhưng tiết diện lớn từ 150 tới 155 muy.
Lông mọc trước. Con trai chừng 15 tuổi và con gái chừng 16 tuổi bắt đầu có lông ở nách và bộ phận sinh dục. Nói chung, người Việt Nam ít lông; có nhiều người nữ gần như không lông.
5. Ngũ quan
5.1. MẮT
Hẳn là mắt có thật nhiều hình dạng và màu sắc. Tuy thế, các nhà bác học thường xếp mắt người Việt Nam vào loại mắt mông cổ (oeil mongolique), gồm ba kiểu:
5.1.1. Mắt mông cổ nguyên bản: Ít người có kiểu mắt này: xếch, mi trên có một lớp mỡ làm mọng mắt, có khi chảy dài xuống che một phần lông mi.
5.1.2. Kiểu mắt thứ hai cũng ở nơi một số ít người: Giống mắt người Âu châu, không có chút gì của hai nét Mông-cổ trên.
5.1.3. Tuyệt đại đa số có kiểu mắt ở giữa hai kiểu trên: Mi mắt vừa xinh, không mỏng đét hoặc dầy cộm, tròng đen pha nâu đậm, ánh lên vẻ thông minh lanh lợi.
5.2. MŨI
Nhiều dân ở Nam Á-châu có dáng mũi tẹt = platirhinien
Người Âu châu và Ấn-Âu có mũi cao và hẹp: leptorhinien
Người Việt Nam thuộc loại mũi đẹp, trung: mesorhinien
5.3. TAI
Tai nhiều người quá dài và to, sánh với khuôn mặt, vì thế gọi tai lừa. Trái lại, người tai chuột có cặp tai vừa nhỏ, vừa cuộn. Trong khi đó, tai người Việt Nam được coi là đều đặn và xinh, nhưng tương đối nhỏ bé.
6. Máu
6.1. Một giọt máu đào
       Hơn ao nước lã
Người ta tin rằng con người thừa hưởng “khí huyết” của cha ông (không nói của Mẹ) nên có những truyền thống trong nhân gian như:
  • Khi nghi ngờ ấu nhi con của “bố” nào, người ta trích một hai giọt máu của ấu nhi cho hoà với vài giọt của từng “ông bố”. Nếu khi kết tinh thành một, thì hiểu là “bố con nó đó”. Nếu thành hai, thì không.
  • Hốt cốt một người cho là cha hoặc ông nội rồi, người đích tử tôn sẽ nhểu một giọt máu của tay mình trên xương. Nếu thấm máu vào xương, biến màu xương và máu đọng lại trên xương… thì đúng; nếu máu chảy luôn xuống đất… thì không phải người thân.
6.2. Nhóm máu
Thường trong đất nước nào cũng có người thuộc một trong ba bốn nhóm máu, nhưng đại đa số thuộc nhóm nào.
Người ta khó lượng giá về tỷ lệ nhóm máu O, nên thường lưu ý về nhóm máu A và AB cùng với Rhesus.
Ở Nam Trung Hoa và Việt Nam có đặc điểm của dòng máu mongoloide asiatique, trong dòng máu này, nhiều người thuộc nhóm máu B, ít người thuộc A, và không có người AB, rất ít khi có người Rhesus –, hầu hết là Rh +
Người Nam Trung Hoa, Việt Nam, Lào và Malasya cũng không có hémoglobine E (hbE) trong máu. Còn dân Khmer, cứ 3 người thì ít là 1 người có. Giáo sư Lucien Brumpt coi yếu tố HbE như đặc điểm dòng máu Austro asiatique primitive hoặc “Mã-lai đợt I” thiên cư đến vùng Nam Á này… Dòng máu này có cả trong người Thượng, người Mianmar, Thailand, Chăm và Java. Có nhà bác học cho rằng chính nhờ yếu tố HbE này mà họ chịu nổi muỗi mang bệnh sốt rét rừng cho chúng ta.
6.3. Kinh kỳ
Tuổi bắt đầu có “kinh” của người con gái Việt Nam trung bình là 14 tuổi + 10 tháng. Thời gian kéo dài 3-5 ngày.
Chu kỳ kinh nguyệt của 60% phụ nữ Việt Nam là 28-30 ngày.
60% phụ nữ được phỏng vấn tắt kinh vào tuổi 43-45; như vậy, trung bình 44 tuổi 10 tháng.
7. Ruột
Ruột non hoặc tiểu tràng của đàn ông Việt Nam dài 7,62m.
Ruột non hoặc tiểu tràng của đàn bà Việt Nam dài 6,48m.
Ruột già, hoặc đại tràng của người VN trung bình 1,42m.
Lester và Millo thấy tiểu tràng của người da trắng ngắn hơn của người da vàng; Loth cũng công nhận đại tràng người da màu dài hơn của người da trắng.
8. Răng
Răng thường từ từ biến đổi theo nhu cầu nghiền thực phẩm, mà thực phẩm thường biến đổi theo trình độ văn hoá. Do đó, răng theo toạ độ văn hoá, nếu nền văn hoá này biến đổi chậm và giữ nhiều tính truyền thống.
Nói chung, về răng, người VN không có nhiều biệt điểm.
Thường răng sữa mọc từ 8 tháng tuổi tới 30 tháng. Răng vĩnh viễn mọc từ 9 đến 12 tuổi.
Điểm đặc biệt làm kinh ngạc một số người là răng của một số người ở Bắc Việt Nam: Răng cửa và răng nanh có hình cái xẻng [2]. Răng tiền hàm tròn và thấp, có những trường hợp răng này chia hai ba chấu như răng hàm dưới.
Đó là mấy đặc điểm của răng người tiền sử, của loại hầu nhân. [3]
Mấy đặc điểm trên còn đó có thể là dấu chỉ cha ông họ tương đối thuần chủng và bảo thủ hơn những bộ tộc khác. Dầu sao, họ vẫn là đồng bào chúng ta, cùng chủng và cùng dân tộc.
[1] Bình Nguyên Lộc. sđd. 445-451
[2] Riche bảo “dent en pelle”
[3] singes anthropoides
5.
VĂN HOÁ VIỆT NAM
THỜI ĐỒ ĐÁ
Muốn thực đúng, không thể nói rằng “Văn hoá Việt Nam thời đồ đá”, mà phải nói rõ rằng: di chỉ nền văn hoá thời đồ đá trên vùng đất của Dân tộc Việt Nam hôm nay. Vì “ngã kim nhật tại toạ chi địa cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi ”.
[20] Những khởi đầu lởm chởm
Vạn vật luôn bị thời gian và tha vật xói mòn, cuốn trôi. Con người với những công trình vật chất cũng không thể thoát quy luật biến di đó.
Chính vì thế mà khi đi xa, thật xa về quá khứ để tìm khởi điểm, con người luôn gặp một vùng “lởm chởm”: Đây đó một vài mô lớn nhỏ nổi cao hơn nhiều ít trên mặt bằng quá khứ.
Tìm về di tích văn hoá lớp người tiên khởi trên vùng đất hiện nay mình sống, chúng ta phải gặp như thế thôi. Nhóm tác giả của cuốn VĂN HOÁ VIỆT NAM tổng hợp 1989-1995” [1] đã viết dưới tựa đề Những trang sử không tên tuổi”:
Kể từ khi con người xuất hiện trên trái đất cách đây đã 2 - 3 triệu năm cho đến khi Nhà nước đầu tiên ra đời cách đây mới 5 - 6 nghìn năm, một thời kỳ rất dài con người sống trong chế độ công xã nguyên thuỷ với những trang sử không tên tuổi. Trong lịch sử Việt Nam, những trang sử không tên tuổi như vậy cũng đã kéo dài hàng chục vạn năm, mở đầu với những người vượn nay hoá thạch tìm thấy trong động Bắc Sơn, những di tích sơ kỳ đá cũ ở Núi Đọ (Thanh Hoá) (có người đang nghi vấn?), ở lưu vực sông Đồng Nai, cho đến những di tích đầu thời đại đồng thau.
Từ năm 1960, với việc phát hiện di tích sơ kỳ thời đại đá cũ Núi Đọ (Thanh Hoá) đã khẳng định con người có mặt trên đất nước ta từ 30 ngàn năm trước. Song ở núi Đọ chưa tìm thấy di cốt người, mà chỉ có những công cụ lao động như rìu tay, công cụ chặt thô sơ bằng đá mà thôi.
Cũng trong những năm 60, nhiều cuộc khảo sát khai quật đã được tiến hành trong các hang núi đá vôi. Cùng với hàng ngàn mảnh xương răng động vật hoá thạch tìm thấy trong các cuộc khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 21 chiếc răng người hoá thạch trong năm hang. Đây là những tư liệu vô cùng quý giá để tìm hiểu quá trình hình thành con người trên đất nước ta.
Người vượn Thẩm Khuyên, Thẩm ồm
Dãy núi đá vôi dọc quốc lộ 13 từ Lạng Sơn đi Bình Giã, có hai hang đá liền nhau cách huyện lỵ khoảng 5km: Thẩm Khuyên và Thẩm Hai. Trong hai mùa khai quật 1964-1965, ta đã phát hiện được 10 chiếc răng người hoá thạch.
Qua quan sát cũng như qua các chỉ số đo đạc, các nhà khảo cổ cho biết những chiếc răng này vừa có những đặc trưng gần với người vượn Bắc Kinh (Sinanthropus), như răng nanh có dạng răng cưa, các răng đều có đai răng, mặt nhai răng hàm mòn phẳng, răng hàm dưới không có gò ngang và đều có năm núm, lớp men mặt ngoài thấp hơn mặt trong v.v. lại vừa có vài đặc trưng – tuy không rõ lắm – gần với người Néanderthal như: răng hàm dưới có xu hướng gần một hình khối vuông, núm metacunus và hypocunus có sự tiêu giảm rõ rệt.
Qua đó, các nhà khảo cổ và nhân chủng cho rằng những chiếc răng này là của người vượn thuộc loại hình người đứng thẳng (homa erectus), đang tiến hoá, tồn tại cùng thời với người vượn Bắc Kinh.
Cùng với những chiếc răng người hoá thạch này, còn phát hiện được nhiều răng của đười ươi (pongo), gấu tre (ailuropo da), voi răng kiếm (stegodon) và vượn khổng lồ (giganto pithecus) v.v. có niên đại trung kỳ Pleistocence cách ngày nay khoảng 30 vạn năm.
Đây là di tích của người vượn hiện biết sớm nhất trên nước ta. Muộn hơn người vượn Thẩm Khuyên là người vượn Thẩm Ôm. Trong lớp trầm tích màu đỏ ở hang Thẩm Ôm, thuộc huyện Quý Châu (Hà Tĩnh), các nhà khảo cổ đã phát hiện được 5 chiếc răng người hoá thạch.
Căn cứ vào hoá hoá thạch quần thể động vật ở đây, các nhà cổ sinh vật cho rằng những chiếc răng này cách ngày nay từ 14 đến 25 vạn năm.
Đây là những người vượn muộn nhất sống trên đất nước ta. Những tư liệu này vô cùng quan trọng để tìm hiểu quá trình chuyển biến từ Homo erectus sang homo sapiens là vấn đề đã và đang được các nhà nhân chủng học trên thế giới hết sức quan tâm.
Người cổ Hang Hùm
Hang Hùm ở dãy chân núi đá vôi thuộc huyện Lục Yên (Hoàng Liên Sơn), hiện nay nằm trong vùng ngập nước hồ Thác Bà.
Từ các mùa khai quật năm 1963-1964, các nhà khảo cổ Việt Nam và CHDC Đức đã phát hiện được trong lớp trầm tích màu vàng ở Hang Hùm 4 răng người hoá thạch gồm 2 răng hàm dưới, 2 răng hàm trên.
Những chiếc răng này có kích thước tương đối lớn, lớn hơn răng người Thẩm Ôm. Song về hình dáng lại rất gần với răng người khôn ngoan (homo sapiens).
Dựa vào hoá thạch quần động vật cùng phát hiện được ở đây, các nhà cổ sinh vật cho rằng những chiếc răng đó có niên đại hậu kỳ pleistocence, cách ngày nay từ 8 đến 14 vạn năm.
Đáng chú ý là những chiếc răng này cùng thời với người Néanderthal, mà có nhiều yếu tố của Homo sapiens.
Răng cổ Hang Hùm là hoá thạch người có nhiều yếu tố Homo sapiens sớm nhất trên đất nước ta. Tư liệu này rất có ý nghĩa trong việc tìm hiểu quá trình sapiens hoá của con người trên đất nước ta cũng như trên thế giới.
Người khôn ngoan Kéo Lèng
Kéo Lèng là một hang nhỏ cách Thẩm Khuyên 3km về phía huyện lỵ. Hang nằm sát ngay chân núi chứa đầy xương răng động vật hoá thạch, giống như là một “kho xương”.
Cuộc khai quật năm 1965 ở đây đã phát hiện 2 chiếc răng hàm trên một mảnh xương trán.
Xét về hình dáng và kích thước răng cũng như xương trán, người Kéo Lèng không khác biệt gì lắm so với người hiện đại và người thời đại đá mới.
Đây là hoá thạch người khôn ngoan (homo sapiens) thực sự. Dựa vào hoá thạch quần động vật ở đây, các nhà cổ sinh vật cho rằng người Kéo Lèng sống vào hậu kỳ Pleistocence cách ngày nay 2 - 3 vạn năm…” [2]
[21] Di tích thời Tân Thạch ở Lũng Hoà
Một buổi đào đất để xây dựng thêm lớp học, tháng Tư năm 1963, thày trò trường phổ thông cấp II Lũng Hoà nhặt được một số búa rìu bằng đá và những mảnh đồ gốm thô sơ, liền báo lên cấp trên và được lệnh ngưng việc để kịp thời nghiên cứu. Vì nhiều điều kiện khiến phải hoãn việc khảo cổ và vì ước tính diện tích khai quật rộng, nên trường được lệnh di tới nơi khác.
Từ 14.11.1965 đến 01.04.1966, hai ông Hoàng Xuân Chinh và Nguyễn Đình Tấn chịu trách nhiệm khai quật bốn hố, tổng diện tích 365 m2. Kết quả nhận thấy:
1. Những lớp đất
Lớp trên mặt, dày 0,10 - 0,15m phù sa pha cát mịn, màu xám trắng. Lớp đất này được cày bừa và bón phân rất tốt, rất tơi. Trong lớp này, phát hiện một số búa, rìu đá, vòng đá, đá cuội, một ít mảnh gốm thô và một số mảnh sứ hiện đại.
Hiển nhiên lớp đất này đã bị cày xới, đào nhiều lần, nên di chỉ cổ thời và hiện đại pha trộn.
Lớp đất màu xám đen, dày 0,20m - 0,40m. Trong lớp này thấy nhiều dụng cụ bằng đá như búa, rìu, đục, mũi tên, bàn mài đá cuội, đồ gốm. Cũng thấy 3 ngôi mộ gạch thời Bắc thuộc, hai ngôi mộ là những chum úp vào nhau – gọi là ủng quan táng – và một ngôi mộ đất. Ngoài ra còn thấy 12 ngôi mộ đào sâu xuống cát, 2 hố sâu tròn, trong đó chứa cổ vật, có lẽ là kho chứa lương thực hoặc nông cụ.
  • Lớp thứ ba màu hơi vàng xám, phân bố không đều. Cứng, dày từ 2cm đến 10cm. Không thấy có cổ vật nào.
2. Di chỉ ở Lũng Hòa
Di chỉ Lũng Hoà nói chung, thuộc thời kỳ đồ đá, gồm dụng cụ, vũ khí và đồ trang sức bằng đá, một số đồ gốm và những… hậu sự:
2.I. Dụng cụ
Gồm búa, rìu, đục, “chì lưới” v.v.
1. Búa rìu, có thể chia ba loại:
  • 115 chiếc búa kiểu tứ diện, chế tạo bằng đá spilite, ngoài có lớp màu xanh xám mỏng. Tất cả được mài rất nhẵn, nhưng phần lớn đã bị vỡ, gãy.
  • 2 chiếc rìu có tay để tra cán, hình dạng khác nhau.
  • 1 chiếc búa rìu lưỡi xéo. Kiểu này bằng đá thật hiếm thấy. Nhưng búa rìu đồng kiểu này thì gặp khắp vùng Đông Nam Á. Có thể thời kỳ đồ đồng đã lấy kiểu này.
2. Đục, phát hiện 4 chiếc đục, đều bằng đá spilite.
3. Đồ để ghè và đập. 4 chiếc làm bằng đá cuội, nắm rất vừa tay và dễ chịu.
4. “Chì lưới”, chỉ thấy một chiếc, có đục 4 đường lõm chung quanh để cột vào lưới cho chắc, khi thả chìm xuống nước.
5. Bàn mài, có tới 80 chiếc bàn mài làm bằng sa thạch, hầu hết đã bị vỡ. Có bàn nhám để mài phác, có bàn mịn để mài láng.
2.2. Vũ khí
   Gặp rất ít, gồm mũi tên và mũi dáo.
1.  Mũi tên bằng đá:
  • Một chiếc dài 5,5cm, rộng 1,5cm. Bằng đá màu trắng ngà, hình lá liễu mài nhẵn rất đẹp.
  • Một chiếc dài 6,30cm rộng 1,80cm, đá màu đen, cũng hình lá liễu.
  • Loại mũi tên hình tam giác, không có cán như hai mũi trên, giữa dày, hai cạnh mỏng, toàn thân mài nhẵn, dài 3,50cm, dày 0,20cm.
2.2.2.  Mũi dáo: hai chiếc làm bằng đá màu xanh, đã bị vỡ.
2.3.  Đồ trang sức
Từ những hầm khai quật khảo cổ, người ta lượm được 49 mảnh vòng bằng đá, không một chiếc nguyên vẹn, tất cả chỉ chừng 1/3 hoặc 1/4 vòng. Nguyên liệu là những loại đá khác nhau: amphibolite, quartzite, spilite. Chế tạo rất tinh vi, chứng tỏ kỹ thuật cao của thời kỳ đồ đá.
2.4. Đồ gốm
Đồ gốm di chỉ Lũng Hoà gồm chén bát có chân tương đối cao, nồi và suốt để se chỉ.
Hầu hết đồ gốm đây thuộc loại gốm thô, và bể nát gần hết. Đa số màu xám, một ít hồng sẫm. Tuy bể nát, nhưng đồ gốm Lũng Hoà vẫn rất cứng, nghĩa là người sản xuất đã có lò nung khá cao độ. Đa số cũng được sản xuất bằng bàn quay, đáy và miệng đồ dùng còn ghi dấu bàn quay. Hình dạng đều tròn; nhưng những hình trang trí lại rất phong phú.
2.5. Cổ Mộ
Đặc điểm di chỉ Lũng Hoà là những ngôi mộ cổ.
Ngoài những ngôi mộ thời Bắc thuộc hoặc mới hơn, người ta tìm được 12 ngôi mộ cổ thời đồ đá mới. Trong lớp đất thứ hai. Nói chung, các ngôi mộ này đều đào theo hình chữ nhật, hướng Tây Bắc, Đông Nam. Huyệt để táng những ngôi mộ này là loại có tầng cấp.
Có mộ dài 3,75m, rộng 2,30m và sâu 5,23m. Càng sâu, huyệt càng vào cấp nhỏ hơn; đáy hình lòng máng hoặc bằng phẳng.
Có huyệt dài 2,95m rộng 2,50m và sâu 3,70m.
Trung bình các mộ dài 3,20m, rộng 2,00m, sâu 2,50m đến 3,00m. Mỗi cấp rộng 15 - 30cm.
Không thấy quan tài trong huyệt. Có lẽ người xưa dùng vật gì để bao thi thể, hoặc đặt vào thân cây mềm, đã khoét vừa tử thi; nhưng hàng ngàn vạn năm đã làm tiêu hết. Hầu hết các xương cũng tiêu. Gần như chỉ còn lại xương ống chân, ống tay, vài đốt xương ngón và vài đốt xương sống. Rất ít huyệt còn một phần xương hông, sọ và xương hàm. Dầu không đủ để nhìn biết di hài của nam hoặc nữ, cũng biết đầu hướng về Đông Nam.
Trong mỗi mộ chỉ an táng một người.
Hầu hết trong đó còn chôn theo đồ đá, đồ gốm và đồ tuỳ táng. Người ta tổng hợp được:
2.5.1. Đồ đá:
44  búa rìu, 87 bàn mài , 40 vòng trang sức
4 chuỗi hạt, 03 đá cuội có dấu đẽo mài.
2.5.2. Đồ gốm
Không kể những mảnh bình, chén bát v.v. gặp thấy trong lớp đất trên mộ, ngay trong mộ cổ còn thấy chôn theo thi thể người quá cố:
Hầu hết các mộ, ở phía chân tử thi đều có 1-2-3 răng hàm dưới của heo.
Trong một ngôi mộ có tới 12 răng hàm bò.
2.5.3. Vật tuỳ táng
Các vật tuỳ táng thường gồm có:
- Đồ bằng đá: Búa, rìu, đục, bàn mài, vòng tay, hạt chuỗi
- Đồ gốm: nồi, bát, suốt se chỉ. Hầu hết đều được trang trí bằng răng lược, hoặc chấm chỉ.
[22]Con người của di chỉ Lũng Hoà, của Văn Hoá Phùng Nguyên
Những di vật giống như trên cũng gặp thấy ở Văn Điển, ở Cổ Nhuế, tức Phùng Nguyên. Do đó, một số nhà khảo cổ đề nghị đặt tên Văn hoá thời đó là Văn Hoá Phùng Nguyên. Cũng không thiếu người muốn một địa danh bao trùm hơn và minh bạch hơn: Nền văn hoá Sông Hồng. Vì sao? Vì thực ra các cổ vật này được tìm thấy rải rác trong cả vùng châu thổ sông Hồng, từ thượng nguồn Hoàng Liên Sơn xuống đồng bằng Thái Bình và lưu vực sông Mã, ra tận Hải Phòng.
Đọc qua các cổ vật, chúng ta nhận ra những nét nào về con người chủ thể của nền văn hoá đó?
1. Sinh hoạt
Di chỉ Lũng Hoà (văn hoá Phùng Nguyên) cho thấy đất phù sa và dụng cụ nông nghiệp, xương heo, xương bò: Con người rõ ràng đã ra khỏi cảnh chỉ biết hái lượm thực phẩm sẵn có. Họ đã tiến tới một bước dài tự chủ và làm chủ thiên nhiên. Người Phùng Nguyên làm nghề Nông và chăn nuôi gia súc. Họ cũng săn bắn và đánh cá, vì còn di tích mũi tên, lao, chì lưới và búa rìu v.v.
2. Kỹ thuật
Người Phùng Nguyên đã từ sơ kỳ tiến sang tân thạch. Họ có những dụng cụ được trau chuốt, khoan mài. Đồ gốm làm bằng bàn xoay, có trang trí hoa văn, nhất là các đồ trang sức bằng đá. Kỹ thuật biến sang mỹ thuật, người ta thích làm đẹp, vì thế, họ ưa dùng vòng. Tổng hợp, khảo cổ thấy:
117 mảnh vòng ơ           Lũng Hoà
390                                 Phùng Nguyên
567                                 Văn Điển
3. Tín ngưỡng
Không một biểu tượng thần thánh hoặc đền thờ nào khác những ngôi mộ cổ nói với chúng ta về tín ngưỡng tâm linh của họ.
  • Các ngôi mộ được đào thật sâu, rất tốn công nếu ta xét về đất và dụng cụ thời đó. Phải coi đó là cả một công trình dành cho từng người quá cố. Người thời đó tỏ ra kính tôn vong nhân.
  • Đào mộ quá sâu, đến độ phải có bậc cấp để đưa xuống, cùng với các đồ chôn trong mộ, cho các nhà nghiên cứu phỏng đoán là người quá cố được chôn ngay trong nhà hoặc sát cạnh nhà mình, để vẫn làm chủ, hoặc vẫn gần gụi thân nhân còn sống. Như vậy người cổ thời tin vong linh bất tử, hoặc tình yêu thương bất diệt?
  • Những đồ gốm chôn trong mộ là những dụng cụ thường ngày của một người: hai nồi, một bình, một hai bát chén và ba vật hình cốc nghiêng. Cạnh đó còn búa, rìu.
Tại sao? Vì người sống không dám dùng đồ mà người chết đã dùng trước đây? Hoặc vì người bên kia thế giới vẫn cần dùng, nên phải đưa theo?
  • Những mảnh vòng trang sức có trong tất cả các ngôi mộ. Vậy ra đàn ông, đàn bà đều trang sức? Hoặc những vòng đó có liên hệ gì với giao tế? với tín ngưỡng?
4. Thời đại và xuất xứ
Bằng phương pháp C 14, người ta biết được những di vật đồ đá kia hiện diện từ cuối thiên niên kỷ thứ 3 tới những thế kỷ gần Công nguyên. Đối chiếu lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy đồng thời các Hùng Vương và Nước Văn Lang gặp cuối dòng cổ thời đó.
Người Phùng Ngyên từ đâu tới? – Giáo sư Trần Quốc Vượng đặt câu hỏi và tự trả lời:
“Người Phùng Nguyên từ đâu tới? Trung Du? Đấy còn là một vấn đề nan giải. Đã có ý kiến (Hà Văn Tấn, Hoàng Xuân Chinh) cho rằng cái gốc Phùng Nguyên là từ vùng Thanh Nghệ [3]. Xứ Thanh có Cồn Chân Tiên ven núi Đọ. Xứ Nghệ có Lèn Vai v.v.
Trong nhiều di chỉ Phùng Nguyên (như Gò Ghệ, Gò Dạ… cũng như Gò Mả Đống bên Sơn Tây) có đồ gốm Hoa Lộc của vùng ven biển xứ Thanh.
Rất nhiều di chỉ Phùng Nguyên có gốm xốp Hạ Long cùng bôn có nấc Hạ Long vùng ven biển Đông Bắc. Nhưng trong nhiều di chỉ Phùng Nguyên lại cũng tìm thấy “qua đá”, “liễn đá” thời Thương-Ân (1600-1100 trước công nguyên) của văn hoá Trung Hoa.
Tôi thiên về ý kiến cho rằng người Phùng Nguyên tới trung du hay hội tụ về trung du từ các thung lũng phía Bắc (Tây Bắc, Việt Bắc và xa hơn nữa bên kia biên giới Việt Trung hiện tại) đem theo nghề nông trồng lúa nước vốn đã phát triển hàng ngàn năm trước đó ở các thung lũng và bồn địa giữa núi vùng Vân Quý, Quảng Tây – những ngày ấy còn là những lãnh thổ phi Hoa nhưng đã có giao lưu – tiếp xúc kinh tế văn hoá với miền Hoa Hạ ở Bắc (Hà Nam, Sơn Tây…)….
… Những chủ nhân Mã Lai cổ sinh sống ở ven biển Đông, chủ nhân các nền văn hoá Hạ Long (Đông Bắc) Hoa Lộc (Tây Nam, Thanh Hoá) đã đem tới trung du sau khi ngược sông Đáy, sông Lục Đầu – Cầu – Cà Lồ… những yếu tố Mã Lai cổ hay là Nam Đảo…” [4]
Hẳn là những di chỉ đồ đá rải rác thấy ở khắp nơi trong khu vực Đông Nam Á Châu này cũng có chung một chủng làm chủ nhân. Những ý kiến trên đều bỏ qua hướng mộ huyệt, mà người xưa gởi gấm tâm sự : Tất cả đều quay đầu về phía Đông Nam. Lá rụng về cội. Phải chăng họ muốn giờ chót hướng về vùng Đất Trời họ đã từ biệt để tới đất nước này ? Đó cũng là hướng di cư của cả hai đợt “chủng mông gô lích” hoặc “Mã Lai cổ “..Hoặc trái lại, đó là hướng mà những người ở đây lại muốn di cư tiếp sang Indonesia và Uc Châu? Những nơi này cũng còn nhiều di chỉ của Văn Hoá Hòa Bình.
[1] Ban Văn Hoá Văn Nghệ trung ương Hà-nội 1989, Trần Độ chủ biên.
[2] Văn hoá VN tổng hợp 1989-1995 trang 34-35
[3] Năm 1958, từ Sài Gòn, Hoàng Văn Chí (quê xứ Thanh) viết bài Nguồn gốc dân tộc việt Nam cực lực phản bác thuyết Amousseau – Đào Duy Anh cho người Việt là từ miền Trường Giang Hoa Nam di cư xuống. Ông cho rằng trung tâm văn hoá Đông Sơn là xứ Thanh và cho rằng tổ tiên người Việt-Mường từ xứ Thanh theo đường thượng đạo Thanh Hoá – Hoà Bình thiên di ra vùng Thác Bờ rồi xuôi dòng Đà-giang tới Trung du Vĩnh Phú, tạo nên miền Đất Tổ thứ hai (Đất tổ đầu tiên: xứ Thanh).
Cuối thập kỷ 70, từ Hà Nội, Phạm Đức Dương, Hà Văn Tấn, Hoàng Xuân Chinh, Bùi Văn Nguyên (đều quê Nghệ Tĩnh) sử dụng tổng hợp các tài liệu khảo cổ (gốm Phùng Nguyên, gốc từ hang động xứ Nghệ), truyền thuyết (Kinh Dương Vương Lạc Long Quân dựng đô ở chân núi Hồng Lĩnh [Ngàn Hống] đi tuần thú ra Bắc, lấy vợ lẻ, sinh ra vua Hùng ở Trung du Vĩnh Phú), ngôn ngữ (sắc thái tiếng Việt cổ được bảo tổn đậm đà ở vùng núi Nghệ Tĩnh Bình)… chủ trương sự thiên di của người Việt Mường cổ từ xứ Nghệ ra trung du Vĩnh Phú bao quanh vịnh Hà Nội.
Năm 1979, từ Paris, Michel Ferlus (ngôn ngữ học) phản bác việc đặt gốc gác tiếng Việt Mường ở Trung du và châu thổ sông Hồng và do việc xếp tiếng Việt vào ngữ hệ Tày-Thái.
Ông cho rằng cái nôi của tiếng Việt Mường là ở phía Tây Trường Sơn, miền thượng trung lưu Mê-Kông, giáp ranh Quảng Bình – Nghệ Tĩnh.
Năm 1990, từ New York (Mỹ) Gerard Difflot (ngôn ngữ học) cũng ủng hộ cái nhìn của Michel Ferlus trên cơ sở nghiên cứu tiếng Thà Vựng – một dạng tiếng Việt Mường cổ
[4]     Trần Quốc Vượng, sđd. Trang  47-50
6.
VĂN HOÁ HOÀ BÌNH VN.
VĂN HOÁ ĐÔNG NAM Á
“Ta có thể hình dung không gian văn hoá khu vực Đông Nam Á này như một hình tròn bao quát toàn bộ Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo…” [1]
[23] Phát hiện “Văn Hoá Hoà Bình”
Một trong những phát hiện lôi cuốn chú ý của các nhà khảo cổ học là phát hiện của bà Colani  khi vừa qua một phần tư thế kỷ XX. Nói về “cái nôi” của văn hoá loài người, khảo cổ học không chú mục vào Mesopotamia như trước, mà chú mục vào Hoà Bình Việt Nam.
1. Khởi hành với kinh nghiệm quý
Sau thời gian khảo cổ Bắc Sơn, Colani rút ra được kinh nghiệm bốn điểm:
1.1.  Những núi đá từ khi nổi lên trên mặt đất, mà thấy đã bị nước thấm vào xói mòn thành những hang động… đó là những “cái lỗ”, những nơi đầu tiên người tiền sử đã chọn nương náu trong thời “ăn lông ở lỗ”.
1.2.  Người sống trong các hang thời xưa ở miền châu thổ đều thuộc thời đồ đá mới.
1.3.  Thời Bắc Sơn về trước, người tiền sử khó có giao thông dễ dàng. Vậy họ phải ở gần những nơi có đá cứng để làm dụng cụ. Phải tìm họ ở những nơi có đá cứng; cựu phún thạch thuộc loại này.
1.4.  Tuy thế, con người cần nước luôn, nên cũng phải có ít nhiều nước cho họ. Nếu có đá cứng và lại gần sông thì tuyệt.
Tìm toạ độ trên địa đồ Việt Nam, Bắc VN thì đúng hơn, Colani chấm Hoà Bình.
2. Di chỉ Hoà Bình   
Tại Hoà Bình, Colani cho đào để tìm di chỉ và đã gặp ở bốn điểm: Sao Đông, Triêng Xen, Xuân Khan, Mương Khan. Bà nhận thấy:
  • Những đồ đá thô sơ và to lớn, nặng nề nhất, ở sâu nhất.
  • Những đồ nhỏ, mảnh và tinh xảo hơn ở gần mặt đất.
  • Loại có trọng lượng và phẩm chất trung bình, ở tầng giữa.
Theo đó, Bà Colani chia làm ba kỳ của thời đồ đá:
*  thời cổ xưa                période archaique
*  thời trung gian            période intermédiaire
*  thời ít xưa nhất           période moins ancienne
2.1. Về thời cổ xưa,
người ta tìm được những đồ dùng như trạng thái đá tự nhiên, hoặc chỉ ghé qua. Đại khái có:
  • những búa đập
  • những đá kim tự tháp để ném
  • đá hình hạch nhân
  • những chuỳ
  • những đồ để nạo
  • một ít búa ngắn.
Những đồ đá đó cổ kính hơn ở Bắc Sơn, người ta tìm được ở các hang Sao Đông và Xuân Khan.
Trong hang Triêng Xen, ngoài những đồ đá như thế, còn gặp xương nhiều động vật, có những loại ngày nay còn, như voi, tê giác.
2.2. Thời trung gian,
Những dụng cụ thuộc loại giống như xưa, nhưng nói chung thì kích cỡ nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn. Tuy thế, có những búa to hơn, có cái tới 20cm. Tất cả đều được mài một mặt.
Đã xuất hiện một số ít những đồ dùng mài hoặc đẽo hai mặt.
Đồ dùng hình bầu dục.
Nguyên liệu cũng gồm nhiều thứ đá hơn.
2.3. Thời ít xưa
Trong hang Sao Đông và Làng Neo, bên cạnh vài đồ dùng như thời xưa, mà tinh xảo hơn, còn xuất hiện những sáng chế mới: những đồ để cạo có khi nhỏ tới 5cm, những chày giã chừng 7cm. Tất cả đều được mài cạo, dầu chưa được láng như ở Bắc Sơn.
3. Chủ nhân của di chỉ Hoà Bình
Tuy không nói được nhiều về họ, chúng ta lưu ý hai điểm:
3.1. Họ đã để lại dấu vết tiến bộ của loài người: từ thời kỳ đá thô sang thời kỳ đá mài.
3.2. Họ thuộc chủng nào? Những xương đào được trong các di tích cho thấy họ thuộc người Indonésien và Mélanésien.
4. Ưu khuyết của khảo cổ Hoà Bình
Các nhà chuyên môn đều thấy rằng di chỉ Hoà Bình, do đó, công trình của Bà Colani thật quý, xét về những di chỉ phát hiện.
Tuy thế, người ta không thể hài lòng về hai điểm:
  • Bà không hề cho biết chiều sâu của ba tầng mà bà tạm chia như mốc ba thời kỳ đồ đá.
  • Bà không nhận định được các tầng đất kia rõ rệt.
Có lẽ chính vì thế mà nhiều người tiếp nối nghiên cứu hơn nữa về một kỷ nguyên mà người ta đồng ý gọi là Văn Hoá Hoà Bình.
[24] Văn hoá Hoà bình trong Khu Vực Đông Nam Á
Chúng ta tiếp đọc [2] nhận định của Giáo sư Wilheim G. Solheim II sẽ thấy phần nào ảnh hưởng “giây chuyền” của những phát hiện Văn Hoá Hoà Bình.
“Đến năm 1963, tôi tổ chức một phái đoàn hỗn hợp của bộ Mĩ Nghệ Thái Lan và trường Đại Học Hawai để tìm kiếm cổ vật trong những vùng sẽ bị chìm sâu dưới mặt nước do việc xây dựng các đập mới trên sông Mêkông và các nhánh của sông này tạo ra. Chúng tôi đã khởi công ở miền Bắc Thái Lan, nơi sẽ xây chiếc đập đầu tiên. Trước kia chưa có công cuộc đào xới quy mô nào để khảo cứu về tiền sử vùng này <…>
Kết quả cuộc đào xới này, cho đến nay đã vào năm thứ bảy, thật là kinh ngạc, nhưng chỉ tiến rất chậm so với những khám phá của chúng tôi trong phòng thí nghiệm ở Honolulu. Trong khi tiếp nhận tư liệu của các thời kỳ ước lượng bằng carbon 14, chúng tôi bắt đầu nhận thấy khu vực đào xới này quả đang đảo lộn hoàn toàn các điều khoa khảo cổ đã biết từ trước.
Trong một chỗ đất chỉ rộng chừng 2,5cm2 có một mảnh đồ gốm có in vết vỏ của một hạt lúa, có niên đại muộn nhất là 3.500 năm trước công nguyên. Như vậy có nghĩa là trước cả ngàn năm so với những hạt lúa tìm thấy ở Ấn Độ và Trung Hoa, cũng được xác định bằng phương pháp cacbon (mà trước đây dựa vào đó các nhà khảo cổ đã cho rằng con người tại đây biết trồng lúa trước tiên).
Cũng bằng phương pháp ước lượng thời gian với carbon đối với các cục than tìm thấy ở đó, chúng tôi được biết thêm là các rìu đồng được đúc trong các khuôn kép bằng đá, đã được chế tạo ít nhất là khoảng 2.300 năm trước công nguyên, có thể là trước cả năm 3000 trước công nguyên nữa. Như vậy là sớm hơn bất cứ một đồ đồng đầu tiên nào đã đúc tại Ấn Độ cả 500 năm và nó cũng còn lâu đời hơn cả những khu vực Cận Đông mà trước đây người ta đã tưởng là nơi xuất phát cách chế tạo đồ đồng đầu tiên. <…>
Khi đào nền hang, Goman tìm thấy những mành cây đã hoá than, cùng cả hai hạt đậu, một hạt đậu tròn dẹp, một hạt dẻ, một hạt tiêu sọ, nhiều mảnh bí và dưa leo, cùng với nhiều đồ dùng bằng đá rất đặc biệt của vùng Hoà Bình. Những mảnh xương súc vật, được chặt thành miếng nhỏ rõ ràng chứ không phải bị đốt, cho phép ta nghĩ rằng thịt được chế biến ở đây không phải bằng cách vùi hoặc nướng trên lửa, mà là được nấu trong một dụng cụ hẳn hoi, có lẽ là trong ống nứa giống như ngày nay người ta vẫn còn làm như vậy ở Đông Nam Á.
Việc xác định thời gian bằng cácbon 14 đối với một loạt những gì tìm được tại đây cho ta thấy một khoảng thời gian từ 6.000 năm đến 9.700 năm trước công nguyên, và hiện còn nhiều vật dụng khác nữa trong các lớp đất sâu hơn đang chờ xác định thời gian. Vào khoảng 6.600 năm trước công nguyên, có nhiều yếu tố mới đã xuất hiện tại nơi này. Đó là những đồ gốm tráng men bóng được khắc sâu và trang trí bằng cách in dấu các sợi dây thừng trong lúc chế tạo, những dụng cụ đồ đá một phía mài bằng và những con dao bằng đá mỏng. Những dấu vết đồ dùng và cây cối thời Hoà Bình đang tiếp tục được khám phá thêm. Như vậy ta có thể coi những khám phá ở Hang Thần ít nhất cũng phù hợp với thuyết của Carl Sauer và nhiều đoàn thám hiểm khác đang đi đến chỗ chứng minh rằng có một nền văn hoá Hoà Bình khá phức tạp đã được phổ biến tương đối sâu rộng. Ông Aung Thaw, giám đốc sở khảo cổ học Mianmar, năm 1968 đã đào được một số dụng cụ rất đáng chú ý về văn hoá Hoà Bình trong những hang Padh Lin ở phía Đông Mianmar. Ngoài nhiều vật dụng, còn tìm thấy cả những hình vẽ trên vách hang. Như vậy, đây là khu vực ở phía cực Tây của nền văn hoá Hoà Bình đã được tìm thấy.
Những cuộc đào xới ở Đài Loan do một đoàn thám hiểm hỗn hợp của trường Đại học Yale thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo sư Kuang Chih Chang thuộc Đại học Yale cũng cho thấy có một nền văn hoá đồ gốm có khắc và in hoa văn dây thừng đồ đá mài và dao nhọn mài, đã xuất hiện khá lâu trước năm 2.500 trước Công nguyên.
Căn cứ vào kết quả của các cuộc đào xới mới đây của các thời kỳ mà tôi đã tóm lược, và của những nơi khác có lẽ cũng quan trọng không kém mà tôi chưa ghi chép, có thể thấy rằng một ngày kia tiền sử Đông Nam Á sẽ được hiện ra một cách hết sức thú vị. Trong một số tài liệu tôi đã phác thảo những nét đầu tiên về vấn đề này. Đa số những ý kiến của tôi cần được xem như những giả thuyết hoặc nghi vấn, cần phải khảo cứu sâu hơn nữa mới có thể chấp nhận hay phủ nhận chúng. Trong số các ý kiến đó có những điểm sau:
1. Tôi đồng ý với Sauer rằng sắc dân Hoà Bình ở miền nào đó trong vùng Đông Nam Á là giống người biết trồng cây trước hết trên thế giới. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu thời kỳ đó bắt đầu khoảng 15.000 năm trước công nguyên.
2. Tôi cho rằng những đồ dùng bằng đá đẽo có cạnh sắc tìm thấy ở Bắc Úc Châu và được ước định bằng cacbon 14 là xuất hiện vào khoảng 20.000 năm trước công nguyên đều thuộc nguồn gốc Hoà Bình.
3. Trong khi người ta được biết hiện nay đồ gốm cổ xưa nhất tìm được ở Nhật có niên đại khoảng 10.000 năm trước công nguyên, tôi tin rằng khi người ta xác định được tuổi của loại đồ gốm có in hoa văn dây thừng thì ta nhận thấy rằng đồ gốm đó chính là do sắc dân Hoà Bình chế tạo rất lâu trước khoảng 10.000 năm trước công nguyên.
4. Theo truyền thống, người ta cho rằng trong thời kỳ tiền sử, kỹ thuật của miền Đông Nam Á là kết quả của những làn sóng di dân từ phương Bắc mang tới. Riêng tôi cho rằng văn hoá nguyên thuỷ thời đồ đá mới Ngưỡng Thiều (Yanshao) ở Trung Hoa mà người ta biết đến chính là kết quả của một nền văn hoá tiền Hoà Bình đã di chuyển từ miền Bắc Đông Nam Á lên phía Bắc vào khoảng 6 hay 7 ngàn năm trước công nguyên.
5. Tôi cho rằng văn hoá mà sau này được gọi là Văn hoá Long Sơn (Lungshan) vẫn thường được coi là phát triển từ Yangshao ở Bắc Trung Hoa rồi lan ra miền Đông và Đông Nam, thì trái lại, thực ra đã khai sinh ở Nam Trung Hoa và di chuyển lên phía Bắc. Cả hai nền văn hoá này đều bắt nguồn từ gốc Văn hoá Hoà Bình.
6. Xuồng đục từ thân cây có lẽ đã được sử dụng trên các sông rạch Đông Nam Á rất lâu trước 50 thế kỷ trước công nguyên. Rất có thể các bộ phận giữ thăng bằng lồi ra hai bên xuồng cũng được sáng chế tại Đông Nam Á khoảng 4.000 năm trước công nguyên, làm cho xuồng được vững chắc hơn trong khi cần vượt biển. Tôi tin rằng những đợt di chuyển ra khỏi khu vực Đông Nam Á bằng ghe thuyền bắt đầu khoảng 4.000 năm trước công nguyên đã tình cờ đưa cư dân Đông Nam Á lạc tới đất Đài Loan và Nhật Bản, và du nhập vào Nhật cách trồng sắn (khoai mì) và có lẽ cả các hoa màu khác.
7. Vào khoảng 3.000 trước công nguyên, các dân tộc Đông Nam Á bấy giờ đã thành thạo trong việc sử dụng thuyền bè đã đi vào các đảo Inđônêxia và Philippin. Họ mang theo nghệ thuật vẽ hình kỷ hà học gồm những hình xoắn ốc, những hình tam giác, tứ giác trong các dải đường viền trang trí khi chế tạo đồ gốm khắc gỗ văn minh, dệt vải bằng vỏ cây, và sau này là trên các trống đồng tìm thấy ở vùng Đông Sơn mà trước đây người ta vẫn giả thuyết là từ Đông Âu tới.
8. Các dân tộc Đông Nam Á cũng di chuyển về phía Tây tới Madagascar có lẽ vào khoảng 2.000 năm trước đây. Rõ ràng là họ đã đóng góp một phần quan trọng vào nền kinh tế Đông Châu Phi bằng cách trồng các loại hoa màu.
9. Cũng cùng vào khoảng thời gian đó, đã có sự tiếp xúc giữa Việt Nam và miền Địa Trung Hải, có lẽ bằng đường biển do sự phát triển thương mại đem lại. Người ta đã tìm thấy tại tàn tích Đông Sơn một số đông khác thường, rõ ràng bắt nguồn từ Địa Trung Hải… <…>
Lê Xuân Mai dịch [3]
Chúng ta đều nhận thấy rằng một số điểm mà tác giả trên còn do dự, thì những người như Bình Nguyên Lộc đã khẳng định. Thí dụ: Cuộc di cư đến các quần đảo Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia v.v. của cùng một chủng Mã Lai. Di chỉ đồ đồng Địa Trung Hải không chỉ ở Đông Sơn, mà cả ở “Trăm Phố” dưới rừng U minh hiện nay v.v.
Hiển nhiên ngành khảo cổ Việt Nam còn phải làm sáng tỏ rất nhiều giai đoạn, đặc biệt thời gian và nguyên nhân làm cho chúng ta bị chôn vùi mất quá khứ tiên tiến đó của những lớp người tiền sử vùng này.
Các nhà khảo cổ Việt Nam cũng như các nước Bạn đã và còn đang làm việc đó. Trong giáo trình 1997, giáo sư Trần Ngọc Thêm đã muốn nhận định về giai đoạn tiền sử này:
“Thành tựu lớn nhất ở giai đoạn văn hoá thời tiền sử của cư dân Nam Á là sự hình thành nghề nông nghiệp lúa nước.
Trong năm trung tâm xuất hiện cây trồng [4], Đông Nam Á là một. Theo nhà địa - thực vật học người Mỹ C.O.Sauer thì Đông Nam Á chính là trung tâm nông nghiệp cổ xưa nhất bởi lẽ nơi đây là một vùng nhiệt đới với tính đa dạng cao về động thực vật cũng như cảnh quan địa mạo, sinh thái mà không nơi nào sánh kịp. Việc cây lúa có nguồn gốc từ đây là điều không còn nghi ngờ gì. Cụ thể hơn, theo các tài liệu cổ thực vật học, trung tâm thuần dưỡng lúa tẻ (hạt dài) là vùng Đông Nam Himalaia, còn trung tâm thuần dưỡng lúa nếp (hạt tròn) là khu vực sông nước Đông Nam Á [5] [Gluzdakov, 1960.21; Chử Văn Tần 1988.37]. Vào thiên niên kỷ VI-V trước công nguyên, cùng với việc chuyển sang kinh tế sản xuất, cư dân Đông Nam Á cổ đại (người Indonésien) đã đưa cây lúa thuần dưỡng từ vùng núi xuống đồng bằng [Chesnov 1976:264]. Và ở vùng sông nước này, người Đông Nam Á xưa đã tạo ra cây lúa nước nổi tiếng và đã tích luỹ được một số vốn kỹ thuật trồng lúa nước phong phú. Người cổ Việt Nam sống trong các hang động với nghề săn bắt hái lượm, trong đó hái lượm là chính, và vào thời đá giữa (cách đây 10.000 năm), “trên cơ sở kinh tế hái lượm phát triển ở vùng rừng nhiệt đới, các bộ lạc Hoà Bình đã thực hiện một bước nhảy có ý nghĩa lớn lao trong đời sống nhân loại: phát minh nông nghiệp…. Đông Nam Á là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại” [6]. Ở các di chỉ khảo cố khác nhau của Việt Nam như Sũng Sàm, Tràng Kênh, Gò Bông, Đồng Đậu, Gò Mun… đã phát hiện được những dấu tích của bào tử phấn lúa, vỏ trấu, gạo cháy, mảnh chõ xôi… có niên đại xưa tới vài nghìn năm trước công nguyên [xem thêm Hà Văn Tấn 1994: 287-296].” [7]
“Trong cuốn Dân tộc học lịch sử các nước Đông Dương [1976: 265], Jaspers. V. Chesnov kết luận: “Ảnh hưởng của Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh tế thể hiện ở việc đưa cây lúa thâm nhập vào vùng Đông Á từ vài nghìn năm trước công nguyên. Đông Nam Á đóng vai trò rất lớn trong việc phổ biến lợn, trâu và gà. Đến năm 1450 trước công nguyên, gà đã xuất hiện ở Egíp”. Còn trong tác phẩm nổi tiếng Nguồn gốc các loài, E. Darwin đã khẳng định rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều bắt nguồn từ loài gà rừng Đông Nam Á (tên khoa học là Gallus Bamkiva)” [8]
Nhìn chung, chúng ta phải nhận định rằng Đông Nam Á là một trong những chiếc nôi quan trọng của văn minh nhân loại. Dân Việt Nam chúng ta may mắn là một trong các dân tộc hiện sống trong vùng này. Vì thế, chúng ta không thể đơn giản khẳng định rằng Văn Hoá Hoà Bình là của chúng ta. Nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Hoà Bình, là Phùng Nguyên v.v. thì thời Đồ Đá nhất định chưa có tên hoặc mang tên khác. Đến cả nền Văn Hoá Đông Sơn mà chúng ta sắp nhìn lại, cũng không là của riêng dân tộc Việt Nam chúng ta.
[1] Trần Ngọc Thêm, sđd, trang 68
[2] Xin xem lại số [13]
[3] Trích theo Trần Ngọc Thêm, sđd, trang 77-84
[4] Viện sĩ Nga N.I.Vavilov phân biệt 9 trung tâm, trong đó trung tâm Đông Nam Á (ông gọi là “Ấn Độ – Mã Lai”) là cái nôi cây trồng phong phú bậc nhất và là nơi thuần dưỡng lúa (T.N.Thêm)
[5] Các nhà nghiên cứu Nhật Bản gọi hạt dài là loại hình Bengal, còn loại hạt tròn là hình Mêkông.
[6] Phan Huy Lê … 1991: 20
[7] Trần Ngọc Thêm, sđd, trang 83-84
[8] nt, trang 85-86
7.
VĂN HOÁ ĐÔNG SƠN
và thời SƠ SỬ Việt Nam
“… Những vật dụng đã được đào lên và đem phân tích trong năm năm qua cho ta thấy rằng Con Người ở đây đã bắt đầu trồng cây, làm đồ gốm và đúc đồ dùng bằng đồng sớm hơn hết thảy mọi nơi trên trái đất… sớm hơn các dân tộc Cận Đông, Ấn Độ và Trung Hoa tới cả mấy ngàn năm” [1]
[25] Văn hoá Đông Sơn
Người ta thường nhận thấy ngay những trái thơm chĩu nặng cành, hoặc những bông hoa rực rỡ… rồi một số người mới chú trọng tới cây, tới gốc rễ và mầu đất trồng. Với văn minh và văn hoá cũng thế. Người ta tham quan những toà nhà hiện đại hoặc vài di tích hoang tàn, người ta thưởng thức chèo cổ, hát quan họ, thậm chí truyện cổ và truyền thuyết…. Còn lâu người ta mới tìm tới xã hội và văn hoá của những thành tựu đó.
1. Địa điểm
Hàng thế kỷ rồi, người ta nói đến trống đồng với thời văn hoá đồ đồng một cách mơ hồ, giả định. Chỉ mới mấy chục năm gần đây, khảo cổ mới đi tìm gốc rễ thời phát sinh kỹ nghệ luyện kim và đúc đồng, cũng như tìm cái nôi của nghề này.
Ngày nay gần như tuyệt đại đa số các nhà khảo cổ và tiền sử học đồng ý rằng: Cái nôi đó là vùng Đông Sơn và khai sinh chừng bốn năm thiên niên kỷ:
“Kỹ thuật luyện kim, đúc đồng của người Đông Sơn đã đạt đến trình độ điêu luyện đáng kinh ngạc. Trống đồng, thạp đồng là những di vật tiêu biểu nhất cho trình độ kỹ thuật và bàn tay tài hoa của những người thợ đúc Đông Sơn. Đỉnh cao không thể phủ nhận này đã khiến, trước đây, nhiều học giả phương Tây không thể tin vào nguồn gốc bản địa của văn hoá Đông Sơn nói chung, kỹ thuật luyện kim Đông Sơn nói riêng. Họ đi tìm nguồn gốc ở tận đất Trung Nguyên phương Bắc, thậm chí còn tìm ở nơi xa tít bên trời Tây…. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học vài thập kỷ qua đã chứng minh rằng nghề luyện kim đồng thau đã ra đời ở đất này từ rất lâu trước sự ra đời của văn hoá Đông Sơn. Luyện kim Đông Sơn là sự phát triển kế tục, không đứt quãng của luyện kim các giai đoạn văn hoá Tiền Đông Sơn” [2]
Định vị nền văn hoá Đông Sơn qua sản phẩm Trống Đồng, một chuyên viên Á Đông học của Nga là G. Stratanovich đã viết:
“Bốn kiểu trống đồng Đông Sơn mà các nhà nghiên cứu khác nhau đã phân ra và ba kiểu chuông Bắc và Tây Bắc của tôi thực ra chỉ là những biến thể của cùng một loại sản phẩm từ cùng một vùng sản xuất đồ đồng lớn nhất. Vùng này có thể hình dung dưới dạng một tam giác lớn, hai điểm tận cùng của cạnh đáy là Đông Sơn ở phía Đông và Mogaung (thuộc Bắc Mianmar… TNT.) ở phía Tây. Đỉnh của tam giác nằm ở sông Dương Tử, trong khoảng giữa hồ Động Đình và hồ Poan” [3]
2. Thời điểm
Văn hoá Đông Sơn được đặt vào điểm thời gian nào? Xã hội con người sống và tiến hoá, thành quả là văn hoá. Từ Văn hoá đồ đá, con người khám phá thêm công dụng của đồng và nghề đúc đồng từ từ hình thành khi dụng cụ đá mài đã thật trau chuốt.
Reina cho rằng: “Niên đại của Văn hoá Đông Sơn giờ đây được đẩy về khoảng giáp ranh giữa thiên kỷ III - II trước Công Nguyên” [4]
Chesnov nhìn về xa hơn: “Gần đây nhất, việc phân tích kỹ thuật luyện kim ở những đồ đồng vùng Kavkaz đã cho những kết quả thật bất ngờ rằng chúng ta chịu ảnh hưởng của những trung tâm luyện kim vùng núi Đông Dương, nơi mà, theo những kết quả đào xới gần đây, đồng đã tồn tại ít nhất là từ thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên ”.
Nhóm Trần Độ thì muốn bao gồm luôn thời gian, mà thu gọn luôn ranh giới cho tiện hoặc cho niềm tự hào dân tộc:
Quá trình phát triển văn hoá liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn được một số nhà khảo cổ học gọi là văn minh sông Hồng, văn minh của người Việt cổ.
Bằng phương pháp carbonic phóng xạ C.14 đã xác định quá trình phát triển này diễn ra từ cuối thiên niên kỷ thứ III trước công nguyên đến buổi đầu công nguyên phản ánh quá trình hình thành Nhà nước đầu tiên của dân tộc ta: Nước Văn Lang của các Vua Hùng”. [5]
[26] Con người của văn hoá Đông Sơn
Con người của văn hoá Đông Sơn là con người chúng ta chỉ mới gặp trong truyền thuyết.
1. Con người truyền thuyết
Theo Hồng Bàng Thị, một truyện trong tập Lĩnh Nam Chích Quái, thì Vua xứ Nóng – tức Viêm Đế Thần Nông – có người cháu ba đời là Đế Minh. Đế Minh đi tuần thú đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam), gặp và ăn ở với một nàng con bà Vũ Tiên núi Ngũ Lĩnh, sinh ra Lộc Tục. Khi Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc thì Lộc Tục, người con của dòng giống đồng ruộng và núi rừng lên ngai vua phương Nam vào khoảng năm Nhâm Tuất 2879 trước công nguyên. Lộc Tục nhận đế hiệu là Kinh Dương Vương. Ông vua thứ nhất của họ Hồng Bàng này đặt tên nước là Xích Quỉ [6]. Nước Xích Quỉ Bắc giáp hồ Động Đình, Nam giáp Hồ Tôn (thuộc Chiêm Thành), Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), Đông giáp Nam Hải.
Lãnh vực trên chúng ta đã biết chính là địa bàn của người Bách Việt, cũng là chủng Nam Á, những dân tộc sống gần gụi chúng ta, xuống cả các nước Đông Nam Á hiện nay, mà dân tộc Việt Nam chúng ta chính là Lạc Việt trong Bách Việt, là những chủ nhân của đất nước Văn Lang cổ đại.
2. Con người Văn Lang
2.1. Rồng Tiên
Truyền thuyết kể tiếp: Kinh Dương Vương, vua nước Xích Quỉ lấy Long Nữ, Công Chúa của Thần Long hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm. Khi Sùng Lãm lên ngôi xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, cháu ba đời của Đế Minh, con gái Đế Lai, sinh một bọc 100 trứng, nở ra 100 con trai.
Vì di truyền đòi hỏi môi sinh dị biệt, 50 con theo cha Long Quân về Thuỷ phủ, 50 con theo mẹ Âu Cơ vẫn sống trên đất. Âu Cơ dẫn các con tới Phong Châu và trưởng nam được tôn vua, là vua Hùng Vương, là Lạc Vương, đặt tên nước là Văn Lang.
2.2. Từ truyền thuyết sang suy luận khoa học.
Giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Vua Hùng là một trong những con theo dòng Mẹ và được suy tôn làm quân trưởng, làm VUA (VUA, theo từ điển A. de Rhodes (1651) trước đây đọc là BUA = BÔ = PÒ. Người đàn ông được kính trọng, là bậc già cả, giầu kinh nghiệm). Sơn Tinh là một trong “trăm con” của MẸ ÂU - BỐ LẠC của tộc người Việt cổ.
Lý thuyết địa chính học hiện đại cũng cho ta biết: Gần như trên toàn thế giới Miền đồi trung du là xuất phát điểm địa lý (point de départ géographique) của sự hình thành nhà nước sơ khai – đầu tiên kiểu như nhà nước Văn Lang của các vua Hùng với cấu trúc phân tầng xã hội như sau:
Vua Hùng
Lạc Hầu
Lạc Tướng
Lạc Dân
Dân Lạc Việt cổ lúc ấy, theo thống kê có khoảng 1/2 triệu đến 1 triệu dân. Và tương quan tam giác tính từ quan hệ giai tầng xã hội Việt cổ Sơn Tây – Vĩnh Phú là
Lạc tướng – Lạc hầu
Lạc dân       Lạc điền
Lạc điền – các dộc ruộng lúa ở Tây Sơn – Vĩnh Phú (cùng các nương rẫy trên đồi) vẫn là ruộng đất công. Lạc tướng coi như “Lang đạo”, quản lý dân và đất, thế kỷ VIII ở Đường Lâm Sơn Tây vẫn còn chế độ lang đạo: Quan Lang PHÙNG HƯNG (767-791). [7]
Nhân truyện “Vua Hùng kén rể ” giáo sư Vượng tiếp:
“Sơn Tinh là con của mẹ Âu Cơ, bố Lạc Long Quân, bố mẹ “ly thân”, chia 100 con làm đôi. Sơn tinh theo cha về miệt biển song rồi lại “nhớ mẹ” và ngược sông, ngược suối trở về Non theo Mẹ. Vua Hùng là người con trai trưởng của mẹ Âu Cơ. Huyền thoại – huyền tích ấy là biểu hiện của nguyên lý mẹ cội nguồn văn hoá Việt Nam. Và đồng thời nó cũng biểu hiện xuất phát điểm địa lý… của cộng đồng Việt – Mường chung là miền núi đồi ven Tây Nam châu thổ với trung điểm Ba Vì.
… Sơn Tinh là con mẹ Âu, vua Hùng cũng là con mẹ Âu (loạt đầu). Thế mà về sau lại có “mô típ” Sơn Tinh lấy Ngọc Hoa công chúa, con gái vua Hùng thứ 18 !
  • Về tư duy lịch sử, đấy là sự “thác ngộ thời gian” (nhầm lẫn thời gian – Anachronisme).
  • Nhưng tư duy huyền thoại, tư duy huyền tích lại không phải là tư duy lịch sử, theo thời gian đắp đổi nối nhau (lịch đại). Cái thời gian của tư duy huyền thoại, huyền tích là Xuyên đại (panchronique), nói nôm na là “liền tù tì”, chẳng có trước, chẳng có sau, mọi tích truyện đều đặt trên cùng một bình diện thời gian, không phân biệt trước / sau, sau / trước.
Nhà khoa học duy lý thường “không chịu nổi” cái kiểu thức thời gian này. Vậy khi sử dụng tư duy duy lý để biện giải một huyền thoại – huyền tích như truyện Sơn Tinh thì cần cẩn trọng!
“Đọc” huyền tích này. Y như “đọc” huyền tích “họ Hồng Bàng” ta thấy:
Viêm đế Thần nông      ‘
?     = Đế Minh = Vụ Tiên nữ                   Động Đình quân                   
Đế Nghi             Kinh Dương Vương        = Thần Long nữ    
Đế Lai   =          Âu Cơ   =          Lạc Long quân                                   
Đế Dũ                           các vua Hùng    Sơn Tinh                                
Chử Đồng Tử = Tiên Dung, Ngọc Hoa= Sơn Tinh, Thuỷ Tinh
Mô hình này “tố giác” rất nhiều “lộn xộn” trong “đại gia đình họ Hồng Bàng”, kể cả việc “loạn luân”, nếu ta chỉ quy chiếu vào hệ thân tộc phụ quyền kiểu Hoa Hạ. Vậy ở đây ta có thể “đọc ra” một thông điệp.
Người Việt cổ có hệ thân tộc khác người Hoa, kiểu Hán Thư viết: người Việt Âu, Việt Lạc “không biết đạo cha con, đạo vợ chồng (kiểu Hoa Hạ)”
Các nhà nho Việt Nam viết sử, đưa dã sử vào chính sử, đã cố “duy lý hoá” cổ sử Việt Nam theo kiểu Nho – Hoa, mà “không được”.
… Thực ra, ta có quyền nghi ngờ cái mô hình trên là một mô hình không dân gian, một mô hình được giới bác học VN dựa vào huyền tích dân gian phần nào rồi “phịa” thêm ra, để chứng tỏ “Nam Bắc cùng sánh vai” “vô tốn Hoa Hạ” (không thua kém Hoa Hạ), “bất dị Hoa Hạ” (không khác Hoa Hạ để bị Hoa Thượng xem là man di). Hai khái niệm “vô tốn”, “bất dị” là “chữ” của Lê Quý Đôn (XVIII), chứ Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo lại nhấm nhá vào hai chữ thù, dị (khác nhau giữa Nam và Bắc quốc).
Trong khoa Folklore học, như nhận xét của nhà Folklore học lớn nhất của Mỹ Alan Dundes, bao giờ cũng có Folklore thực và Folklore giả mà ông gọi là việc “chế tạo Folklore” (the Fabrication of Folklore) <>
“Muốn tìm thấy dung mạo tương đối nguyên thuỷ của Đức Thánh Tản Viên, ai trong chúng ta cũng thấy cần đào xuống lớp trầm tích văn hoá Bua Pa Ví (Vua Núi) và Bua Khú (Vua dưới nước). Thần Núi và Thần Nước, cùng các thần Cây, thần Thú khác (đặc biệt là thần Hổ = Hùm = Khái) là các vị nhiên thần của thời đại Đông Sơn tiền Bắc thuộc.” [8]
Có những biểu hiện cho thấy giáo sư Trần Quốc Vượng đã hơn một lần muốn nhìn và nhận định như người trí thức, tìm sự thật lịch sử; nhưng lại cứ phải nói những gì “hiện là hữu ích”! Thí dụ về Hùng Vương và Văn Lang, ông viết:
Từ năm 1968 tôi đã chủ trương rằng: Chỉ từ thế kỷ XV trở đi cho đến hôm nay, người Việt (Nam) mới thờ cúng Hùng Vương như vị Tổ của cả nước. Nói chính xác hơn, là từ khoảng thời Lê Thánh Tông, với một nước Đại Việt được tổ chức theo mô hình Nho giáo.
Trước thế kỷ XV, nghĩa là trong thời đại Lý - Trần, tôi đã “check in” (sưu tra) mãi, chỉ thấy có 01 tài liệu nói về vua Lý đi cúng tế Thánh Tản Viên (Sơn Tinh), tuyệt nhiên không có tài liệu nào khác nói các vua Lý - Trần đi giỗ Tổ Hùng Vương và coi đền Hùng là đền quốc tế.
Đây là sách Đại Việt Sử Lược (3 quyển), được coi là viết vào khoảng sau 1377, vì cuốn sách đó – được coi là sách tóm tắt cuốn Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, dâng vua Trần vào năm 1272. Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, như mọi người đều biết, chỉ viết sử Đại Việt mở đầu từ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) cho đến hết thời Lý Chiêu Hoàng (1226).
Sách Đại Việt Sử Lược cũng vậy, nhưng ở cuối sách có một tờ phụ lục ghi danh sách các vua Trần, kết thúc ở “vua nay” (Kim Vương) là Đế Nghiễn (cũng là Trần Phế Đế). Nói cho cùng, Nguyễn Trãi khi viết về Bình Ngô Đại Cáo (1428) cũng không có trong tâm thức về “Hùng Vương dựng nước” vì rõ ràng, khi viết thay vua đầu triều Lê, cụ Ức Trai đã mở đầu là:
Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang,
Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương”
Tạm dịch xuôi:
Như nước Đại Việt của ta
Thật là một nước văn hiến
Từ Triệu Đinh Lý Trần bắt đầu xây dựng lên nước ta
Cùng Hán Đường Tống Nguyên, mỗi bên làm đế một phương.
Đến sách Dư địa chí (1435) Ức Trai mới viết về Văn Lang và Hùng Vương sau Bách Việt và Kinh Dương Vương…
Nhà Việt Nam học người Pháp, ông Henri Maspéro (xem Le Royaume de Văn Lang. BEFEO XVIII, Hanôi 1918) khi nghiên cứu tên 15 bộ (lạc) của nước Văn Lang đã cho rằng: Danh sách ấy là do sự hỗn tạp của nhiều tên châu-quận-huyện của các thời sau – phần lớn là thời thuộc Đường (VII-X) thêm vào – đó là mấy tên trong tập truyền, như Văn Lang – Việt Thường Thị…
Tên Việt Thường Thị… thì thấy có từ Sử Ký Tư Mã Thiên đời Hán (Hán Vũ Đế), cùng với tên Bách Việt.
Tên Văn Lang cũng chỉ xuất hiện trong sử sách từ đời thuộc Đường - Tống (Thông điển q.184) “Phong châu có khe Văn Lang” – Thái Bình hoàn vũ ký (q.170) “Huyện Tân Xương có thành Văn Lang”…
Gần đây, GS. Người Anh dạy ở Đại học Cornel (Mỹ), cụ O.V.Wolters trong bài “kể chuyện về sự sụp đổ của nhà Lý và sự hưng khởi của nhà Trần” (Cornel 91) đã ngờ rằng sách Đại Việt Sử Lược thời cuối Trần được sửa chữa lại trong đời Hồ (1400-1407).
Ở giới sử nước ta, người đầu tiên đưa Hùng Vương vào chính sử là Hồ Tông Thốc/ Xác, với sách Việt Nam Thế Chí (đã mất). Ông (chưa rõ năm sinh, năm mất, xuất hiện trong sử sách năm 1372 với chức Hàn lâm viện học sĩ, rồi năm 1386, Hàn lâm viện phụng chí) biên soạn sách này vào năm nào không rõ, song theo Phan Huy Chú thì sách này có quyển I chép về thế phổ 18 đời Hùng Vương, quyển II mới chép nhà Triệu. Ông cũng là tác giả quyển Việt sử Cương mục (cũng đã mất).
Hiện tôi chỉ biết sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên đời Trần (1329) chép đến Hùng Vương qua truyện Tản Viên, chưa hề chép Đền Hùng hay nước Văn Lang thành một “truyện”.
Tên Văn Lang đầu tiên thấy chép ở sách ta cuối đời Trần ngoài Đại Việt sử Lược – đã dẫn trên – là ở trong thơ Phạm Sư Mạnh (chưa rõ năm sinh năm mất, đỗ Thái Học sinh đời Trần Minh Tông (1314-1329) năm 1345 đi sứ Trung Hoa….
Giáo sư O.W.Wolters đã từng hỏi tôi – từ 1981 – là: Vì sao Phạm Sư Mạnh hay nhắc đến Văn Lang?
Tôi trả lời: Ông làm tướng và làm thơ thời Trần Suy, Trần Mạt (Dụ Tông 1341-1357). Ông nhắc đến Văn Lang – thời Hùng như nhắc đến Một Thiên đường đã mất (Paradise perdu) – “thời vua tôi cùng cày, không đắp bờ phân ranh giới” như sau này Ngô Thì Sĩ (Việt sử tiêu án) chép! G.S. O.W.Wolters rất tâm đắc ý ấy của tôi…” [9]
Thế đấy ! Cần từ từ “giải huyền”.
Trong khi chờ đợi, mà phải nói đến Hùng Vương và Văn Lang, chúng ta cứ hiểu đó là những bậc tiền bối sống trên đất nước này và để lại di chỉ để chúng ta tìm hiểu văn hoá thời đó. Tuy vậy, không nên khẳng định thời Văn Lang – Âu Lạc đã Xác Lập bản sắc Văn hoá dân Việt !
3.  Bờ cõi nước Văn Lang
Nước Xích Quỉ, như đã ghi trên, là cả vùng Giang Nam, tức phía Nam sông Dương Tử, nghĩa là gồm Hoa Nam, Việt Nam tới Nghệ Tĩnh (ranh giới người Chiêm). Đó là giang sơn của cả Bách Việt. Có ba cuốn liên quan đến cổ sử Việt Nam: Việt sử lược * Lĩnh Nam trích quái * Dư địa chí (Nguyễn Trãi) nói về 15 bộ của nước Văn Lang [10]. Đi về chi tiết thì có những địa danh dị biệt; nhưng tất cả đều không ra ngoài vùng đất mà ngày nay Quảng Tây và Việt Nam tới Hoành Sơn. Nói cách khác: Đất nước Văn Lang chỉ nằm trên phần đất Lạc Việt. Những truyền thuyết về Hồng Bàng và mười tám đời vua Hùng… cũng chỉ diễn trên giang sơn Lạc Việt.
[27] Nếp Sống văn hoá của người Văn Lang
Cũng như về lịch sử chính trị, những nét văn hoá thời sơ sử này còn thật là mờ nhạt.
1.  Về Xã hội - chính trị,
thông qua những truyền thuyết của 15 bộ lạc, người ta nhận thấy: “bộ lạc Văn Lang mạnh nhất. Bộ lạc này có vị thủ lĩnh tài ba, thu phục được các bộ lạc khác và trở thành thủ lĩnh, liên minh các bộ lạc rồi chuyển thành người cầm đầu cả 15 bộ lạc. Vị thủ lĩnh lỗi lạc ấy gọi là vua Hùng, cha truyền con nối.
Cả nước hồi ấy chia làm 15 bộ. Đứng đầu mỗi bộ là Lạc tướng, cũng cha truyền con nối. Dưới là các công xã nông thôn. Đứng đầu là bố chính (già làng). Mỗi công xã có một ngôi nhà chung làm nơi hội họp và sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng…. Họ bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của cộng đồng trong việc làm thuỷ lợi, trao đổi sản phẩm và đấu tranh giữ gìn làng bản, đất nước”. [11]
Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương vừa nói lên thực tế chống ngoại xâm, vừa nói lên niềm tin tưởng ở Trời.
2. Về nghề nghiệp,
Đại Việt sử ký toàn thư, ngoại kỷ (q.1) cho biết: Người nước Văn Lang từ văn hoá hái lượm đi lên, vẫn còn có NGƯ NGHIỆP: “Bị thuồng luồng làm hại, bạch với vua, vua bèn bảo người ta lấy mực vẽ hình thuỷ quái lên mình, tự đấy thuồng luồng không làm hại nữa. Cái tục người Bách Việt vẽ mình là bắt đầu từ đó”.
Những lời trên cũng như di chỉ khảo cổ cho thấy ngư dân có thể bắt đầu dùng thêm lao, lưới cá và ghe thuyền.
NÔNG NGHIỆP, người dân Văn Lang thời Đông Sơn làm nghề nông đã có những tiến bộ vượt mức như:
  • Đa dạng hoá cây trồng, cây ăn trái cũng như các thứ rau, củ.
  • Nghề trồng lúa nước hẳn là phải mở rộng diện tích và mở rộng kinh nghiệm gieo trồng lúa theo mùa.
  • Nông cụ đã vượt xa đồ đá, những cuốc, xẻng, mai, lưỡi cày bằng đồng. Nghề chăn nuôi phát triển, người ta biết dùng sức trâu bò hỗ trợ và thay cho sức người.
  • Thành công nông nghiệp, người ta cũng từ từ biết chế biến các nông sản làm thực phẩm và dụng cụ.
SÁNG CHẾ NÔNG CỤ của thời này còn để lại nhiều di tích. “Đó là đồ gốm trang trí đẹp, rìu tứ giác mài nhẵn (lưu vực sông Hồng), rìu bằng đá có nấc buộc cán (vùng Đông Bắc Bộ), bình gốm miệng vuông hay tròn có trang trí vỏ sò (Thanh Hoá), rìu có vai, đồ gốm đáy tròn có hoa văn (đồng bằng miền Trung). Đặc biệt là các loại hình công cụ bằng đồng, số lượng nhiều, kích thước lớn, kỹ thuật cao, trang trí phong phú, tiêu biểu là thạp đồng, nhất là trống đồng Đông Sơn.
Những phẩm vật Đông Sơn của người Việt cổ mà bây giờ có thể coi là văn hoá Đông Sơn còn được chuyển đi xa hơn về phía Nam, ngoài phạm vi văn hoá Sa Huỳnh” (Hà Văn Tấn, sđd, trang 185[12]
3. Về sinh hoạt thường ngày
Trước hết là ăn: Trồng được nhiều lúa tẻ, người Văn Lang Đông Sơn dùng cơm gạo thường ngày, thứ gạo lúa dài thành lúa tẻ, gạo tẻ, để đối lập với thứ gạo hạt tròn. Nếp, chính là thứ gạo hạt tròn, được coi là dẻo ngon hơn, nhưng sản xuất tốn kém hơn, nên chỉ dùng trong những ngày vui: tết, cúng, giỗ, lễ hội…. Những chiếc cối và cách giã gạo còn thấy rõ trên trống đồng và trong điệu múa cổ truyền.
Truyện Hồng Bàng ghi nhận: Người Văn Lang lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy gạo làm rượu, lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm. Những di chỉ văn hoá Phùng Nguyên đã cho thấy những chiếc bàn đá để đập vỏ cây làm sợi (dệt hoặc đan áo), những dụng cụ se chỉ….
Không di chỉ nào cho thấy y phục người Đông Sơn rõ hơn hoa văn trống đồng: Nam giới dùng khố đơn giản, có thể quấn khăn đầu và trang trí lông chim. Phụ nữ dùng váy tương đối ngắn, áo ngắn tay, có thêu thùa và dùng lông chim.
Người ta di chuyển đường bộ, khiêng, cáng võng, dùng trâu, bò, lừa và voi. Hoặc đường thuỷ trên những chiếc bè, chậm mà vững, trên những chiếc ghe có mắt chim hoặc đầu chim.
4. Về nghệ thuật và Tư duy
Hơn một bộ đàn đá đã khẳng định rằng những con người sống trên giang sơn này rất sớm phát triển về nghệ thuật âm thanh. Những di chỉ thời Đông Sơn như trống, sênh, phách, khèn… cùng những điệu múa thời Đông Sơn cho biết nghệ thuật âm nhạc đã phát triển mạnh.
Người ta đang nghiên cứu những mẫu tự của thời Văn Lang còn tồn tại nơi dân tộc Mường ở Thanh Hoá.
5. Về tín ngưỡng
Những huyền tích, huyền thoại và di chỉ về tín ngưỡng của người thời Đông Sơn thật không ít.
Chi tiết Lạc Long Quân thuộc giống Rồng trong truyện họ Hồng Bàng và phong tục vẽ mình… liên quan đến tục thờ vật tổ Rồng, tục thờ Rắn và những chuyện về thần Rắn cũng thế. Bọc trăm trứng của người Việt liên quan với chuyện Đẻ Đất, Đẻ Nước của người Mường (Thanh Hoá). Những chi tiết đó có thể chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, mà thời Lý Trần mới tô đậm để tỏ rõ “Nam quốc sơn hà nam đế cư ”.
Tục thờ vật tổ Chim và tôn kính vong linh tiền nhân thì nhất định có ngay từ đầu, như chúng ta đã nhìn qua thời Văn hoá Sơn Vi.
Hầu hết hoa văn trống đồng Đông Sơn đều nói lên những chi tiết về bái vật tổ CHIM. Niềm tin này phải chăng liên hệ với tên bộ tộc LẠC VIỆT, từ LẠC viết với bộ CHUY trong chữ Nho…. Những nét hoa văn đó với Thuyền Chim, có thuyền không người lái, thêm vào những di vật nói lên cách an táng người quá cố cho thấy người Văn Lang còn cảm nhận như vong nhân vẫn còn sinh hoạt và gần gụi bà con…
Những điểm trên làm nên một phần bản sắc văn hoá Dân tộc Việt Nam, giữa những nét giao lưu văn hoá.
Khảo tiền sử với những di chỉ cũng nhận ra tín ngưỡng thờ Mặt trời, thần nông, tín ngưỡng phồn thực như ở bao nhiêu dân tộc cổ thời…. Chung qui đó là những biểu hiện lòng biết ơn và cầu khấn tới Nguồn Gốc sinh thành và Nuôi Dưỡng con người và vạn vật.
Những chi tiết phản ánh giáo lý Phật, Lão trong truyện Chử Đồng Tử, cũng như bao chi tiết của “Lĩnh Nam Chích Quái” hẳn là được thêu dệt thêm vào sau này, trong thời kỳ giao lưu văn hoá với Trung Hoa và Ấn Độ.
[1] Giáo sư W.G.Solheim II tài liệu đã dẫn
[2] Gs. Hà Văn Tấn “Văn hoá học đại cương và cơ sở văn hoá. 1996
[3] Reina, Lịch sử văn hoá Á Đông, nxb. Ngày Nay, 1977
[4] nt.
[5] Trần Độ, sđd, trang 36
[6] Xích = đỏ = phương Nam, Quỉ = thần
[7] Trần Quốc Vượng VN. cái nhìn địa - văn hoá, trang 54-55
[8] Trần Quốc Vượng, trang 74-79
[9] Trần Quốc Vượng, sđd, trang 24-28
[10] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư sau này thì theo Dư địa chí.
[11] Quỳnh Cư - Đỗ Đức Dùng “Các triều đại VN”, trang 12
[12] Giáo sư Lê Văn Chưởng, sđd, 1999, trang 58
PHẦN III
VĂN HOÁ VIỆT NAM
THỜI GIAO LƯU ĐÔNG Á
8.  Văn hoá Sa Huỳnh
     Và giao lưu Âu – Lạc
9.  Văn hoá Ấn-Việt-Trung
     indo-chine
10.     Văn hoá Ốc Eo Việt Ấn
11.    Văn hóa Việt Nam thời tự chủ
8.
VĂN HOÁ SA HUỲNH
GIAO LƯU ÂU – LẠC
Hùng Vương nói rằng: Ta có sức thần, nước Thục không sợ sao? Bèn bỏ không săn sóc vũ bị, ngày ngày chỉ uống rượu ăn tiệc làm vui. Quân Thục bước đến gần, Hùng Vương còn say mềm chưa tỉnh, hộc máu nhảy xuống giếng chết. Binh chúng trở giáo đầu hàng. Thục Vương gồm chiếm lấy nước, đổi tên là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê [1]
[28] Văn hoá Sa Huỳnh và Văn hoá Đồng Nai
Nếu ghi dấu tiến bộ của con người trong văn hoá Sơn Vi và Phùng Nguyên là đá thô và đá mài, nếu dấu ghi của văn hoá Đông Sơn là nghề luyện kim và chế tác đồ ĐỒNG, thì tiến bộ của con người văn hoá Sa Huỳnh và Đồng Nai là đồ SẮT.
1. Văn hoá Sa Huỳnh
Khảo cổ học phát hiện nhiều cổ vật giống nhau nằm từ Bắc Trung Bộ tới vùng tiếp giáp Đồng Nai, mà tập trung nhiều nhất ở Sa Huỳnh, nên đã gọi nền văn hoá có di chỉ đó là Văn Hoá Sa Huỳnh. Nền văn hoá này rõ ràng có quan hệ nguồn gốc với văn hoá Đông Sơn, mà “trẻ” hơn. Có thể đặt vào khoảng đệ nhị thiên kỷ trước công nguyên tới vài thế kỷ đầu công nguyên.

Những di chỉ đặc biệt tìm thấy ở đây hình thể vẫn là búa, rìu, dao, cuốc, có chăng là thêm một ít liềm… nhưng đặc điểm bắt ta phải nhìn nhận một tầng văn hoá mới đó là chất liệu chế tác: hàng trăm đơn vị bằng SẮT.
“Đặt trong tương quan với các cư dân văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc, văn hoá Đồng Nai ở phía Nam, số lượng và sự phổ biến rộng rãi đồ sắt của văn hoá Sa Huỳnh hơn hẳn” [2]
Cư dân Văn hoá Sa Huỳnh đã có nghề dệt vải, chế tác đồ gốm với nhiều hoa văn trang trí, nghề thuỷ tinh và làm đồ trang sức. Những đồ này không những có nét thẩm mỹ cao và đa dạng hơn trước, mà còn thêm loại vòng tai đầu thú. Họ còn làm nghề nông và ngư nghiệp không? Hiển nhiên còn, còn cho tới hôm nay và mãi mãi…. Chúng ta không thấy dấu vết thóc gạo hoá thạch, thì hoa văn bông lúa trang trí trên các đồ gốm cũng dư sức thuyết phục.
2. Văn hoá Đồng Nai
Cùng điểm thời gian với Văn hoá Sa Huỳnh miền Trung, miền Nam Việt Nam hôm nay, ngày ấy, sống trong Văn hoá Đồng Nai. Nền văn hoá này cũng mang niên đại thiên kỷ II trước Công nguyên. Di chỉ khảo cổ rải từ Đồng Nai xuống các tỉnh Đông Nam Việt như Biên Hoà, Gia Định, Định Tường…. Cũng như ở đâu, các dân tộc thời sơ sử bắt đầu luôn ở vùng trung nguyên. Riêng cư dân Văn hoá Đồng Nai thì hình như chỉ thích ở gò đồi, mặc dầu họ làm nông, trồng trọt và thủ công. Họ phát triển lúa rẫy hơn lúa nước.
Đặc điểm đó thêm vào tính chất đồng thô và nhỏ, như ở Dốc Chùa (Sông Bé), cho người thời nay nghĩ rằng cư dân đó ít lưu tâm tới mỹ thuật hơn dân miền Bắc và miền Trung. Tuy thế, khảo cổ cũng gặp thấy nhiều vòng đeo tay, bông tai thuỷ tinh, vật đeo đầu thú… ở khắp nơi trong vùng. Cũng không thiếu những công cụ bằng sắt như vũ khí, đồ trang sức ở Xuân Lộc (Đồng Nai).
Đúng hơn, phải nhận rằng trình độ văn hoá Đồng Nai vẫn tương đương với văn hoá Sa Huỳnh và hậu kỳ Đông Sơn, nhưng vì nghề nghiệp cư dân ở đây, miền cuối của dẫy Trường Sơn, nên cư dân không chuyên trồng lúa nước, mà chú trọng vào “nương rẫy” và săn bắt thú rừng. Cũng vì thế, họ vẫn sống trên những vùng cao, mà có nguồn nước, nơi ở lại đắp tường và đào hào bao quanh….
Một nếp sống như thế, đơn giản trong đồ dùng thường ngày, cũng đơn giản trong sinh hoạt trí thức và tâm linh. Vì thế người ta chỉ mới thấy dấu hiệu của tín ngưỡng bái vật, mà chưa có tài liệu gì về phụng thờ hoặc những ngày lễ hội. Khác hẳn sinh hoạt của người dân Lạc Việt với văn hoá lúa nước, có thời gian mùa màng và thời gian lễ hội.
[29] Âu - Lạc, một mốc giao lưu văn hoá
Muốn có giao lưu văn hoá, phải có hai nền văn hoá gặp nhau, xen kẽ nhau trong một đại chúng, trên một vùng đất. Vậy thì có nền văn hoá nào đến và xen vào văn hoá Lạc Việt lúa nước – trống đồng – và mộ chum?
Cần đọc lại trang sử Hùng Vương với nước Văn Lang [3] và Thục Phán An Dương Vương với Âu-Lạc.
1. Nước Văn Lang
Đào Duy Anh tra cứu và nhận thấy:
Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ (q.1) chép rằng: Người nước Văn Lang làm nghề đánh cá, ‘bị thuồng luồng làm hại, bạch với vua, vua bèn bảo người ta lấy mực vẽ hình thuỷ quái lên mình, tự đấy thuồng luồng không làm hại nữa. Cái tục người Bách Việt vẽ mình là bắt đầu từ đó’.
Xem thế thì thấy rằng các sử gia nước ta xưa kia cho rằng người nước Văn Lang vốn là người Bách Việt. Trước khi xét xem nước Văn Lang quả có liên hệ với toàn thể Bách Việt hay chỉ liên hệ với một số bộ phận Bách Việt, chúng ta hãy tìm xem địa bàn sinh tụ của người Bách Việt là ở đâu.
Cái tên Bách Việt hiện đầu tiên là trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, sách ấy chép rằng đời Chu An Vương, Sở Điệu Vương sai Bạch Khởi đánh dẹp Bách Việt ở miền Nam [4]. Bấy giờ là đầu thế kỷ IV trước công nguyên.
  • Sách Hậu Hán Thư, địa lý chí chép rằng: ‘Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, trên bảy tám nghìn dặm, người Bách Việt ở xen nhau, đều có chủng tinh’.
  • Sách Lộ Sử [5] ở đời Tống chép rằng: Việt Thường, Lạc Việt, Âu Việt, Âu Khả, Âu Nhân, Thả Âu, Cung Nhân, Hải Dương, Mục Thâm, Phù Xác, Cầm Nhân, Thương Ngô, Man Dương, Dương Việt, Quế Quốc, Tây Âu, Quyên Tử, Sản Lý, Hải Quì, Tây Khuẩn, Kê Từ, Bộc Cầu, Tử Đái (sửa là Bắc Đái), Khu Ngô, gọi là Bách Việt’.
Trong những nhóm Bách Việt linh tinh ấy, chúng ta thấy có những nhóm như Dương Việt ở miền hạ lưu sông Dương Tử, nhóm Thượng Ngô ở miền Nam tỉnh Quảng Tây, nhóm Sản Lý tức là Xà Lý ở tận miền Tây Nam tỉnh Vân Nam; Bắc Đái là những tên thuộc huyện thời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Có thể căn cứ vào những địa điểm ấy mà nói rằng Sử sách Trung Quốc xưa gọi là Bách Việt là những nhóm người Việt ở rải rác trên khắp miền Hoa Nam, phía Tây gồm cả đất Vân Nam, phía Nam gồm cả đất miền Bắc Việt Nam ta, sử sách thường gọi chung là miền Giang Nam (miền Nam sông Dương Tử) và miền Lĩnh Nam (miền Nam Ngũ Lĩnh). Trong những nhóm linh tinh ấy, các nhóm được chính sử Trung Quốc (Sử Ký và Tiền Hán Thư) chép tương đối kỹ càng là: Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt, Tây Âu.
  • Theo Sử Ký, Đông Việt truyện thì chúng ta biết rằng Đông Việt hay Đông Âu trong thời Tần Hán đóng đô ở Vĩnh Ninh, tức Vĩnh Gia, là miền Chiết Giang; Mân Việt thì ở đất Mân Trung, tức miền Phúc Kiến; Nam Việt đô ở Quảng Châu, tức miền Quảng Đông; Tây Âu ở phía Nam sông Ly, tức miền Quảng Tây; còn nhóm Lạc Việt thì ở đâu?
  • Theo Hậu Hán Thư (Mã Viện truyện, Nhâm Diên truyện) [6] chúng ta biết rằng người các quận Giao Chỉ và Cửu Chân là người Lạc Việt, như thế thì Lạc Việt là nhóm Việt tộc ở miền Bắc Việt Nam.
Bây giờ, hãy đối chiếu cương giới nước Văn Lang như chúng ta đã thấy ở trên với các nhóm Bách Việt ấy thì chúng ta thấy rằng phạm vi nước Văn Lang mà truyền thuyết cho rằng đến tận hồ Động Đình và đất Ba Thục là tương đương với địa bàn sinh tụ của toàn thể người Bách Việt ở Giang Nam và Lãnh Nam; nhưng xét phạm vi của 15 bộ tộc nước Văn Lang chép trong các sách sử cũ của ta thì lại thấy rằng phạm vi 15 bộ ấy gần như tương đương với địa bàn sinh tụ của người Lạc Việt, do đó chúng ta đã nhận định rằng nhân dân nước Văn Lang xưa chính là người Lạc Việt. Khảo cổ học đã cho chúng ta biết rằng người Lạc Việt ở miền Bắc Việt Nam đã xây dựng một nền văn hoá đồ đồng mà thời kỳ toàn thịnh ở vào khoảng thế kỷ III và thế kỷ IV trước C.N.” [7]
Chúng ta có thể nhận giải thích trên của Đào Duy Anh về nước Văn Lang và văn hoá Văn Lang, tức Lạc Việt. Còn dân ÂU, họ là ai và từ đâu tới để Thục Phán làm nên Âu Lạc?
2. Nước Âu-Lạc
Trong Bách Việt, có Tây Âu. Miền Bắc Việt Nam hôm nay; ở cao nguyên Cao Bằng lại còn dân tộc Tày. Phải chăng người Tày cũng là người Tây Âu? Dân gian Tày có truyền thuyết về nguồn gốc của họ, đi ngược lên tới tận nguồn gốc loài người:
“Truyền thuyết ấy đại khái nói rằng từ thuở xưa, khi người ta vừa mới biết ánh sáng, biết ăn chín, biết che thân, biết phát rừng trồng lúa, biết đào mương lấy nước, biết dựng nhà che mưa nắng, thì người ta cũng tụ tập thành bản mường, nhưng mỗi mường ở độc lập một phương. Về sau người ta tụ tập đông hơn, nhiều mường họp lại thành xứ, mỗi xứ có chúa trông coi. Các xứ họp lại thành bộ, đứng đầu là vua chủ trương mọi việc, đặt chữ cho dân, vỗ về dân chúng khiến họ làm ăn yên ổn….
Ở phía Nam Trung Quốc, đầu sông Tả Giang, về gần nước Văn Lang, có bộ Nam Cương hùng cứ một phương. Bộ này do Thục Chế tức An Trị Vương đứng đầu, đóng đô ở Nam Bình [8], do chín xứ họp thành. Các xứ cứ ba năm triều cống một lần…. Từ lúc An Trị Vương lên ngôi, nhân dân yên ổn, chín xứ đều thần phục cho nên dần dần trở nên hùng cường. Nước Trung Hoa mấy lần xâm lăng đều bị đánh lui, rồi từ đấy không dám quấy nhiễu nữa, hai bên kết tình giao hảo.
Thục Chế làm vua 60 năm, thọ 95 tuổi. Con là Thục Phán mới lên 10 tuổi, cháu họ là Thục Mô tạm lên cầm quyền. Chín chúa nghe tin ấy tưởng rằng Thục Mô cướp ngôi, bèn kéo quân về bao vây kinh đô. Thục Mô sợ, phải giao quyền lại cho Thục Phán, các vua mới chịu yên. Thục Phán còn nhỏ, sợ bị các chúa lấn át, nói rằng: Nay trong bộ có 10 xứ, chín chúa giữ chín xứ, còn lại một xứ cho vua, như vậy thì có đâu phải là vua. Nay hãy thi tài, ai có tài hơn người mà thắng tất cả mọi cuộc thì ta xin nhường ngôi cho cai trị cả bộ. Các chúa nghe theo. Thục Phán bèn tổ chức mười cuộc thi tài:
1.     Đấu võ
2.     Làm nghề tốt việc nhanh
3.     Sang Trung Quốc lấy trống đồng
4.     Bắn cung trúng lá đa
5.     Làm một nghìn bài thơ
6.    Nhổ mạ Phiêng Pha (gần Tinh Túc) cấy ruộng Tổng Chúp (Cao Bằng)
7.     Đóng thuyền rồng
8.     Đẽo đá làm guốc
9.     Nung vôi gạch xây thành
10.   Mài lưỡi cày thành kim.
Trong các cuộc thi ấy, Thục Phán đều dùng kế mỹ-nhân để phá, không cho chúa nào thắng được, nên cuối cùng Phán được các chúa tôn làm vua. Thục Phán ra sức củng cố cơ sở nước Nam Cương, làm cho dân giàu nước mạnh.
Nước Văn Lang láng giềng bấy giờ đang suy yếu, nhân dân xiêu tán đói rét, quân lính biếng lười, các tướng chỉ thích rượu thơ. Thục Phán nhớ lại đời tiên vương đất nước nhiều lần bị nước Văn Lang uy hiếp, cho rằng nay đã đến lúc phục thù, bèn cất quân sang đánh, Hùng Vương nhu nhược bại vong. Thế là nước Văn Lang bị gồm làm một với nước Nam Cương. Thục Phán đặt tên nước mới là Âu Lạc, đóng đô ở Loa Thành. Từ đó bốn phương yên ổn”. [9]
Tại sao Nam Cương lại do dân Âu làm chủ?
Trong Bách Việt, có dân Tây Âu sống ở vùng Quảng Tây với hai nhánh sông Tả Giang và Hữu Giang. Khi con cháu vua Thục, sử Tàu gọi là Quỳ Việt, bị Tần áp bức, di về Nam, tới Tây giang, gặp dân Tây Âu đồng ngôn ngữ và văn hoá, bèn liên hiệp thành mười bộ tộc của một nước Nam Cường, mà bờ cõi trải ra từ Tây giang xuống tận thượng lưu sông Lô, sông Gầm, sông Cầu, sông Đáy, sông Thái Bình và sông Mã, sông Lam, tức giáp biên giới Văn Lang. Tất cả họ thuộc Tây Âu, nên khi chiếm thêm được Văn Lang của bộ Lạc, Thục Phán bỏ ranh giới hai nước, mà đặt tên theo hai bộ tộc trong Bách Việt là ÂU + LẠC. Sau này, Triệu Đà lại chia hai nước Âu Lạc, cũng theo hai vùng văn hoá còn nhiều dị biệt đó. Tuy thế, khi đã thành một nước, một chính quyền, thì dân Tây Âu và Lạc Việt đương nhiên giao lưu và tiếp biến văn hoá. Chúng ta có nền văn hoá tiếp biến “đầu tiên” trong lịch sử dân tộc, nền Văn Hoá Âu Lạc.
Bình Nguyên Lộc [10] lại dẫn chứng cho thấy nước Thục đã bị Tần đánh diệt từ năm 316 TCN rồi Thục Phán chỉ là con cháu Thục Vương, lưu vong tại nước Sở, mượn quân của Sở Vương là Trạch Hu Tống để đánh Hùng Vương.
Như vậy thì không có đất nước Tây Âu nào để sáp nhập với Văn Lang. Hơn thế, nếu sáp nhập thì đó là nước của Trạch Hu Tống, không phải của Phán lưu vong. Vậy thì, chỉ có dân tộc Âu nhập với dân tộc Lạc: “Sự thật thì quả Âu Lạc hàm cái ý Âu với Lạc nhập lại, nhưng chỉ là nhập trong tư tưởng chớ không có nhập đất đai, vua An Dương Vương là người nước Thục, di cư xuống nước đồng chủng là nước Tây Âu, và sống ở đó hai thế hệ, nên ông tự xem ông là người Tây Âu. Hơn thế, lính mà ông mộ để xâm lăng Văn Lang của Hùng Vương toàn là người Tây Âu.
Như vậy, khi cải quốc hiệu Văn Lang thành Âu Lạc, ông chỉ muốn ngầm nói rằng đó là nước dân Lạc, nhưng do dân Âu lãnh đạo, nhưng không có sự kiện sáp nhập Âu Lạc vào Tây Âu bao giờ … [11]
Có thể nói rằng: Ngay sự kiện Thục Phán vẫn dùng Lạc Hầu, Lạc Tướng… làm cánh tay cai trị, cũng ủng hộ cho ý kiến của Bình Nguyên Lộc. Dầu theo giả thuyết nào trong hai chuyện lịch sử trên, chúng ta vẫn thấy có giao lưu văn hóa Âu và Lạc.
[30] Văn hóa Âu Lạc
Nói tới Văn hóa thời Âu Lạc, chúng ta cũng “nhìn lại” công trình kiến thiết thủ đô nước Âu Lạc, trước khi nhận xét về chính những nét văn hóa đương thời.
1. Thành Cổ Loa
Thử xem lại Cổ Loa hoặc Loa Thành và bối cảnh lịch sử đan dệt của nó. Trước hết, xin đọc qua lời giới thiệu tài liệu của nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội 25.2.1995:
… Nhà Xuất Bản  Thanh Niên cho tái bản có sửa chữa và bổ sung cuốn ‘Các triều đại Việt Nam’ do nhà sử học Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng biên soạn, nhằm giúp các bạn trẻ có thêm được những kiến thức lịch sử với những chi tiết sinh động. Đây là một tập biên khảo có hệ thống, tận dụng những thành tựu mới nhất của khoa học lịch sử kết hợp với tham khảo các bộ sách cổ nhất của các nhà sử học xưa và nay… [12]
Đây là những hàng mà tác phẩm vừa được giới thiệu đó ghi về công trình xây thành và tổ chức quân sự:
Thời ấy, tổ tiên ta chưa có gạch nung. Bởi vậy, thành Cổ Loa được xây bằng đất ở chính địa phương. Thành có 9 vòng. Chu vi vòng ngoài 8km, vòng giữa 6,5km, vòng trong 1,6km… Diện tích thành trung tâm lên tới 2 km2. Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5m, có chỗ 8-12m. chân rộng 20-30m. Khối lượng đất đào đắp ước tính tới 2,2 triệu mét khối. Xem vậy công trình Cổ Loa thật đồ sộ, trong khi khu vực Cổ Loa được coi là một nền đất yếu. Chính vì vậy, việc xây dựng thành Cổ Loa cực kỳ khó khăn. Thành bị đổ nhiều lần là dễ hiểu. Nhưng điều đáng tự hào là cuối cùng thành đã đứng vững. Thục An Dương Vương đã biết dựa vào những kinh nghiệm thực tế để gia cố nền, móng khắc phục khó khăn. Vết chân rùa thần chính là bí mật đã được tổ tiên khám phá, xử lý. Ngày nay, khi xẻ dọc thành để nghiên cứu, các nhà khảo cổ học thấy rõ chân thành được chẹn một lớp đá tảng. Hòn nhỏ có đường kính 15cm. Hòn lớn 60cm. Cần bao nhiêu đá để sử dụng cho công trình? Kỹ thuật xếp đá? Đây quả là một kỳ công.
Thành Cổ Loa chẳng những là một công trình đồ sộ, cổ nhất của dân tộc, mà còn là công trình hoàn bị về mặt quân sự. Xung quanh Cổ Loa, một mạng lưới thủy văn dày đặc, tạo thành một vùng khép kín, thuận lợi cho việc xây dựng một căn cứ thủy binh hùng mạnh. Thuở ấy sông Thiệp-Ngũ Huyền Hoàng giang thông với sông Hồng ở Vĩnh Thanh (Đông Anh). Bởi vậy, ngay sau khi xây thành, Thục An Dương Vương đã chiêu tập những thợ mộc giỏi, sử dụng gỗ ở địa phương đóng thuyền chiến. Với thuật đi sông vượt bể vốn là sở trường của người Lạc Việt, chẳng mấy chốc, các đầm phá quanh thành Cổ Loa biến thành quân cảng. Rồi nhân dân được điều tới khai phá vùng rừng Đa (Gia Lâm), rừng Mơ (Mai Lâm), rừng Dâu Da (Du Lâm)… thành ruộng. Những hiệp thợ chuyên rèn vũ khí cũng xuất hiện. Bên côn, kiếm, giáo, mác đủ loại, bàn tay sáng tạo của cha ông đã chế tạo nỏ liên châu, mỗi phát bắn hàng chục mũi tên. Cũng tại Cổ Loa, kỹ thuật đúc đồng cổ đã được vua Thục khuyến khích. Hàng chục vạn mũi tên đồng, những mũi tên lợi hại, có độ chính xác cao, kỹ thuật tinh vi, dùng cho nỏ liên châu đã được bàn tay thợ tài hoa sản xuất tại đây…[13]
2. Cái nhìn khảo cổ về văn hóa cổ Âu Lạc:
Chúng ta nhận xét qua văn hóa Âu Lạc về nghề nghiệp, hành chánh và tôn giáo.
2.1. Nghề Nghiệp
Nghề nghiệp và nếp sống nông dân, nhưng đã ghi lại nhiều tiến bộ hơn thời văn hóa Phùng Nguyên.
Các nhà khảo cổ học của trường Đại học Tổng hợp, của viện Khảo cổ học và tổ chức Át-lát Hà-nội đã cùng nhau xây dựng một bản đồ khảo cổ học Hà-nội, trên đó có trọng điểm khảo cổ học Cổ Loa - Đông Anh. Đã tìm thấy những di tích ‘cuội gia công’ thời cuối đá cũ cách ngày nay hơn một vạn năm ở miền chân núi Ba Vì cũng như trên những thềm sót cổ ở Cổ Loa - Dục Tú. Bẵng đi một thời đá mới, nước biển dâng, miền Cổ Loa - Đông Anh không tìm thấy bóng người xưa. Tới đầu thời đại đồng, ta lại thấy những xóm làng cổ mọc lên trên những dãi đất cao và thềm cổ đôi bờ Hoàng gia - Ngũ Huyện Khê. Trong phức hợp các di tích khảo cổ này, đã tìm thấy dấu ấn qua loại hình đồ gốm, rìu đá, chì lưới… của cư dân từ miền ven biển tiến vào và từ miền chân núi tiến xuống khoảng 3500 năm cách ngày nay. Từ Cổ Loa đến Tiên Sơn Hà Bắc là một vùng hỗn dung văn hóa từ thời đại đồng đến đầu thời đại sắt và hỗn dung tộc người, từ các yếu tố Môn cổ - Mã Lai cổ đến Tày cổ để tạo nên yếu tố Việt cổ…
Vua Thục (An Dương Vương của sử cũ) thay thế các vua Hùng, đã đưa trung tâm đất nước Việt cổ từ một miền đồi gò thuần trung du – đỉnh thứ nhất của tam giác châu sông Hồng – xuống Cổ Loa – Đông Anh là miền giáp ranh trung du – đồng bằng – đỉnh thứ hai của tam giác châu sông Hồng.
Thành Cổ Loa được xây dựng ở vị trí giáp ranh này, ở cái gờ miệng của trung du, cổ họng của đồng bằng. Sau lưng nó là miền trung du và rừng núi, là miền Âu Việt (Tày cổ); trước mặt nó là miền đồng trũng mênh mông nước ngập, mùa mưa lũ, phải đi lại bằng thuyền là miền Lạc Việt (Mã Lai cổ). Hệ thống phòng thủ ở Cổ Loa là lũy, đồn đắp dựa trên các thềm sót và doi đất cao giữa một miền lầy trũng, nhưng hệ thống ấy cũng là đê trị thủy. Nó được phối hợp chặt chẽ với một hệ thống phòng thủ khác… là các đường nước chảy dọc ngang miền đất trũng xen giữa các thềm cổ sót và doi đất cao, nhưng hệ thống ấy cũng là kênh mương tưới tiêu thủy lợi nối với sông con, và cũng là mạng lưới giao thông của toàn thể vùng kinh đô và ven đô (vùng ảnh hưởng của vua Thục). Cổ Loa là sự hòa hợp giữa Âu và Lạc, sự phối hợp giữa lũy và hào, giữa đê và mương. Nó là một đô thị nông nghiệp sông và thủy lợi cổ, trên bến dưới thuyền.
Chính ở đây, ở Cổ Loa – Đông Anh đã thể nghiệm thành công bước quá độ từ mô hình nông nghiệp lúa nước miền chân núi đến mô hình lúa nước miền đồng bằng; từ nông nghiệp 1 vụ lúa (mùa) sang nghề nông hai vụ lúa (mùa chiêm), từ vùng đất nghèo (bạc màu, phù sa cổ) sang vùng đất có độ phì lớn và có thể thâm canh (phù sa mới), từ việc trồng lúa nếp (và ăn xôi) sang việc ngày càng trồng nhiều lúa tẻ (và ăn cơm, ăn bún), từ việc kết hợp trồng trọt – săn bắn đến sự kết hợp trồng trọt – đánh cá, từ việc nuôi gà lợn đến việc nuôi thêm nhiều loại lông vũ ở nước (vịt, ngỗng, ngan), từ việc nuôi bò – voi sang việc nuôi ngày càng nhiều trâu nước. Nông nghiệp Cổ Loa – Đông Anh, xưa cũng như nay là đa canh và đa dạng. [14]
2.2..Nhà
Hẳn người Việt thời Âu Lạc còn làm nhà sàn. Cùng chủng Mã-Lai, nhưng khác tộc với chúng ta, người Chăm còn gọi là Thang Giơ. Người Nam Dương gọi là Tanga. Chúng ta gọi Thang. Nhà Sàn là nhà phải lên xuống bằng thang. Chúng ta đều rõ mục tiêu làm nhà sàn là để tránh thú dữ.
Cả chục thế kỷ sau, khi thú dữ và rừng đã bị khẩn hoang ngút ngàn, không cần sàn cao nữa, nhà người Việt thấp xuống thành nhà RẦM. Chính vì muốn có một đợt không khí ít chục phân, cách mặt đất và nền nhà, để tránh ẩm ướt.
Đặc điểm của loại nhà người Việt, cũng giống như của nhiều tộc trong chủng Mã-Lai, là nóc nhà cong oằn xuống mềm mại để hai đầu nhẹ vuốt lên. Cũng vì thế, mái nhà lợp phủ xuống thật thấp và người ta trổ cửa ra vào ở đầu hồi. Có lợp ngói thì ngói bằng, chứ không phải loại ngói ống “âm dương” như ở một số cung điện Huế hoặc mái chùa. Loại hình ngói âm dương là của dân Trung Quốc du nhập.
2.3. Làng
Người dân rõ ràng đã có tổ chức xóm làng. Có những người tưởng chính quyền Trung Quốc mang tổ chức này sang “dạy” dân Việt Nam. Chắc chắn không phải thế. Người Lạc Việt trong chủng Mã-Lai đã biết tổ chức làng từ rất sớm. Danh xưng Quan Lang thì chỉ có từ “quan” là của Hán tộc. Người Việt rất có thể đã gọi là Làng, Xà Làng, người Việt cổ gọi là Già Làng, trước kia chủng Mã-Lai gọi là T’lang. Tới ngày nay, người Mường vẫn gọi là Lang.
Mỗi làng đều có nhiều “quyền tự trị”, có “lệ làng”, mà nhiều khi “phép vua” cũng chào thua.
2.4. Tín Ngưỡng
Trống Đồng còn ghi lại cho chúng ta nhiều nét về Tín Ngưỡng của nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Âu Lạc. Trong đó gồm cả những nét chung của chủng Mã-Lai.
Ngoài vật tổ như Chim, Rồng, Rùa, người Âu Lạc thờ TRỜI mà tượng trưng là mặt trời. Nét này các nhà nhân chủng học còn gặp thấy ở Da đỏ Mỹ châu:
Đền đài Cung điện của Maya và Aztèques còn tráng lệ hơn là của hai thành phố chôn vùi Harappa và Mohanjo Daro của Mã-Lai ở Ấn Độ nữa, và cái vật quan trọng nhứt của thổ dân Mỹ châu cũng cứ là cái mặt trời.
Chính vì cái mặt trời ấy mà trước năm 1945 các nhà khảo cổ lầm tưởng nền văn minh rực rỡ của thổ dân Mỹ châu từ Ai Cập đến, bởi Ai Cập cũng thờ mặt trời [15]. Nhưng rồi họ nghiên cứu dân đó về dân tộc học, chủng tộc học, họ mới thấy rằng đó là dân da vàng từ châu Á di cư tới, nhưng chưa biết vào thời nào.
Một dân tộc đi bằng xuồng nhỏ từ Nam Dương đến Madagascar, vượt qua hết Ấn Độ Dương được thì dân tộc ấy cũng đã vượt Thái Bình Dương bằng xuồng nhỏ được dễ dàng, phương chi ở Thái Bình Dương lại có những đảo dọc đường mà Ấn Độ Dương không có…” [16]
Người Âu-Lạc cũng theo tín ngưỡng “phồn thực” và thờ Thần Nông. Do đó, thờ một số biểu tượng mà ngày nay gọi là “dâm thần” như Dương Vật, Âm Vật. “Cối, Chày” trong các điệu vũ giã gạo, không phải chỉ là để có gạo trắng cơm ngon, mà còn là điệu vũ tế thần phồn thực. Mà thần phồn thực không được hiểu nghĩa “dâm” như ngày nay. Tín ngưỡng đó là hướng về nguồn gốc sinh thành và cầu mong phát triển “con đàn cháu đống, sống ba bốn đời”.
2.5. Nghệ Thuật
Để tế thần hoặc để giải trí, có lẽ cả hai, người văn hóa Đông Sơn đã sử dụng nhiều nhạc khí: trống đồng lớn nhỏ nhiều cỡ, khèn ngắn, khèn dài, sáo, cồng chiêng, và lục lạc. Đủ thứ lục lạc, đính vào những loại vòng tay và chân. Những nhạc khi này rung lên, ngân vang với những cử động của vũ công…
Cùng với những bài ca dâng tiến thần thánh là những huyền thoại, thần thoại và anh hùng ca.
Hoa văn trống đồng, những di chỉ ở quan tài và mộ huyệt cho thấy người ta đã biết và ưa thích hội họa, điêu khắc… từ những sinh hoạt xã hội đến những cảnh thần tích và ước vọng theo chiều tín ngưỡng tâm linh. Nhũng nét nghẹ thuật trong phụng tự còn cho thấy người xưa tin rằng Thần Thánh của mình vẫn sống, vẫn là Thần Minh đày quyền năng và tình thương.
[1] “Đại Việt sử ký Toàn thư.” Chúng ta có thể “đọc lại nơi khác.
[2] Trần Quốc Vượng “Cơ sở Văn hoá Việt nam” 91
[3] Trên đây số [27] chúng ta đã đọc theo truyền thuyết
[4] Sử Ký, Bạch Khởi Vương Tiễn truyện (q.73) ĐDA.
[5] Gồm 47 quyển, tác phẩm của La Tất đời Tống chép từ đời Tam Hoàng Ngũ đế… ĐDA.
[6] Hậu Hán Thư, q.24, q.76
[7] Đào Duy Anh “Đất Nước VN qua các đời” 1994, trang 20-22
[8] Nam Bình châu là 1 châu của nhà Đường. Địa danh đại từ điển của Trung Quốc cho rằng châu Nam bình hiện nay ở trong lãnh thổ nước VN.ta.
[9] Đào Duy Anh, sđd. 25-26, theo tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 50-51 tháng 5 và tháng 6 năm 1963
[10] Sđd., tr. 258-265
[11] Sđd.,tr. 285
[12] Sđd. lời nhà Xuất bản
[13] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, sđd., tr. 17-19
[14] Trần Quốc Vượng, sđd., tr. 104-105
[15] Không chỉ Ai Cập, thần Marduk của Lưỡng Hà cổ đại cũng là thần Mặt Trời.
[16] Bình Nguyên Lộc, sđd., tr. 443-444.
Nguyễn Thế Thoại
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...