Tôi xin góp chuyện về vấn đề
nằm ngay trong chính tựa đề "Tình yêu, hạt mầm của ca khúc" - Ca khúc
là gì?
Nền âm nhạc của hầu hết các
dân tộc trên thế giới thường được chia ra làm hai lĩnh vực chính là thanh nhạc
và khí nhạc. Thanh nhạc là những loại hình tác phẩm do giọng người trình diễn
(đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hợp xướng...) có nhạc cụ đệm hoặc không có nhạc
cụ đệm; khí nhạc là những tác phẩm do nhạc cụ biểu diễn (độc tấu, song tấu, tam
tấu, hòa tấu...). Theo đà phát triển của âm nhạc thế giới, chúng ta còn thấy một
số loại hình kết hợp giữa thanh nhạc và khí nhạc như thể loại nhạc kịch, thanh
xướng kịch...
Ca khúc còn gọi là bài hát
(tiếng Pháp: chanson) thường dùng để chỉ một thể loại của thanh nhạc, hơn thế nữa
nó là một trong những thể loại đơn giản của thanh nhạc.
Đặc điểm đầu tiên của ca
khúc (cũng là đặc điểm chung của thanh nhạc) là có lời ca, nếu các tác phẩm khí
nhạc được thể hiện nội dung hoàn toàn bằng các hình tượng âm thanh thì thanh nhạc
còn có sự tham gia biểu diễn của ngôn từ (lời ca), vì vậy trong thanh nhạc nói
chung hay trong ca khúc nói riêng, ca từ giúp cho người nghe dễ tiếp thu tác phẩm,
có nơi, có lúc người ta thưởng thức lời ca là chính. Ca từ trong ca khúc là cả
một "nghệ thuật", là vấn đề gây nhiều tranh cãi, bàn luận đối với nhạc
Việt trong thời gian dài vừa qua.
Vì là tác phẩm viết cho giọng
người trình diễn nên ca khúc thường có âm vực (độ rộng) phù hợp với tầm cữ giọng
người - âm vực rất khiêm nhường so với âm vực các tác phẩm khí nhạc. Thông thường,
ca khúc viết cho thiếu nhi có âm vực trong vòng 1 quãng 8, với người lớn thông
thường là một quãng 12, với những giọng hát chuyên nghiệp âm vực có thể lớn
hơn, cá biệt có nhiều giọng có tầm cữ rất lớn.
Ca khúc thường có giai điệu
rõ ràng, mô phỏng âm điệu tiếng nói, ít trúc trắc, nhảy quãng như một số tác phẩm
khí nhạc, và để lời ca được ngân vang đầy đặn nhất là với tính chất đơn âm tiết
của tiếng Việt, sự nối tiếp các lời ca trong ca khúc thường không quá nhanh.
Những bài hát ru, những bài
dân ca gắn liền với sinh hoạt của con người là hình thức cổ xưa nhất của thể loại
ca khúc mà dân tộc nào cũng có, để lưu hành rộng rãi trong đời sống xã hội của
quần chúng, ca khúc thường ngắn gọn, nếu xét theo hình thức âm nhạc châu Âu, nó
thường ở hình thức một đoạn, hai đoạn hoặc ba đoạn đơn giản. Về nội dung diễn đạt,
tuy ca khúc đề cập đến nhiều đề tài phong phú nhưng do hạn chế về hình thức ca
khúc thường chỉ diễn tả một cảm xúc, một trạng huống tình cảm, một hình tượng
âm nhạc, diễn tả một khía cạnh của cuộc sống, thiên nhiên... không mấy phức tạp
nên âm nhạc thường không có những tương phản xung đột, mà chỉ mang tính đặc tả
(ngoại trừ một số ca khúc dùng trong opera thay thế cho loại aria một chủ đề).
Đó là những hạn chế của ca khúc trong việc chuyên chở, diễn đạt những nội dung
âm nhạc lớn, mang kịch tính sâu sắc, nhưng đồng thời đó cũng là những ưu điểm
giúp nó phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Ca khúc thường thể hiện những
xúc động điển hình, truyền đạt những thông điệp quan trọng với tình huống tiêu
biểu, đó là yếu tố làm cho nó gần gũi với đông đảo công chúng, với hàng triệu
nhịp đập của con tim. Có lẽ cũng chính đặc điểm đó mà với cùng một giai điệu,
có thể nó chuyên chở nhiều lời ca.
Giọng hát con người tuy có
những hạn chế về âm vực, độ vang, tốc độ... nhưng nhiều người cho rằng giọng
người là một nhạc cụ độc đáo nhất trong tất cả các nhạc cụ. Giọng hát con người
với tính chất mềm mại uyển chuyển, chân tình, truyền cảm... đã trở thành thế mạnh
của thể loại ca khúc, giúp cho ca khúc trường tồn mãi mãi trong đời sống âm nhạc.
Có lẽ do sự phổ cập rộng rãi
và dễ cảm thụ của ca khúc mà một số thể loại khí nhạc từ thế kỷ 19 đã "mô
phỏng" theo thể loại ca khúc. Chúng ta thấy có ca khúc không lời (romance
sans parole- tiêu biểu là các ca khúc không lời của Mendelssohn,Tchaikovsky,Rachmaninov); ru con (berceuse); bacarolle (khúc hát người chèo thuyền)...
Điều đó cho thấy rằng ca
khúc có một vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc của xã hội, nó cũng đóng một
vai trò khá quan trọng trong việc truyền tải những thông điệp thẩm mỹ đến với
đông đảo công chúng đối với âm nhạc thế giới và nhất là âm nhạc Việt Nam từ nửa
sau thế kỷ 20 đến nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét