Trong một chuyến đi công tác dự Hội
nghị giao ban Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) toàn
quốc và Hội thảo, tập huấn về công tác hội do Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh
Lâm Đồng đăng cai, phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức
tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đoàn chúng tôi gồm 05 thành viên, đến từ
Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang và Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh
Hòa Bình đã có chuyến đi thăm quan khảo sát thực tế và khám phá vùng đất du
lịch nổi tiếng Cao nguyên Lang Biang vô cùng xinh đẹp và quyến rũ.
Núi Lang Biang hay còn gọi là Cao nguyên Lâm Viên có
độ cao 2.167m so với mặt biển, nổi tiếng về vẻ đẹp hùng vĩ gắn liền với truyền
thuyết tình yêu của một đôi trai gái cảm động cả trời đất về lòng thủy chung
sắt son.
Cao nguyên Lang Biang nằm cách trung tâm thành
phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng 12 km về phía Bắc, thuộc địa phận thị trấn Lạc
Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Cao nguyên Lang Biang được du khách biết
đến là một khu du lịch sinh thái mang vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết nhất của vùng
sơn cước. Điều thú vị hơn là cùng một khu du lịch sinh thái, nhưng Lang Biang
lại được chia làm 5 khu vực du lịch khác nhau luôn làm hài lòng bất cứ du khách
nào đến với lang Biang.
Điểm đến Cao nguyên Lang Biang
Cao nguyên LangBiang gắn liền với một câu chuyện tình
cảm động của một chàng trai tên Lang và cô gái tên Biang. Truyền thuyết kể
rằng:
Ngày xưa, vùng La Ngư Thượng (tức Đà Lạt bây giờ) đất
đai rất màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây có nhiều bộ tộc sinh sống,
trong đó hai bộ tộc mạnh nhất là Lạch và Srê. Tộc Lạch có một tù trưởng đẹp
trai, hùng tráng với một sức mạnh phi thường, có thể hạ gục hàng ngàn con thú
dữ. Chàng tên là Lang. Ở bộ tộc Srê lại có một người con gái vô cùng xinh đẹp,
đến nỗi nhan sắc của nàng làm núi rừng phải nghiêng ngả, thú dữ phải bỏ chạy.
Vì sắc đẹp tuyệt trần đó, nên trong rừng có hai con rắn hồ tinh đem lòng ghen
ghét và tìm mọi cách hãm hại nàng. Một hôm, nàng vào rừng hái quả thì bọn chúng
bất ngờ tấn công. Ngay lúc ấy, chàng Lang đi săn, thấy người gặp nạn liền chạy
đến cứu, giết chết bọn yêu quái và giải thoát cho nàng. Cảm thương trước tấm
lòng hào hiệp của chàng trai trẻ, nàng cho biết tên là Biang. Từ đó, chàng Lang
và nàng Biang đem lòng yêu nhau. Tin này nhanh chóng được lan truyền và đến tai
Bạp (cha) của Biang. Ông không thể chấp nhận mối tình của con gái
với chàng Lang, mặc dù Biang khóc lóc, van xin rất thảm thiết. Nhưng ông vẫn
kiên quyết, vì trước đây người Lạch và Srê có thù oán với nhau, nên con gái Srê
không được bắt chồng người Lạch. Giàng (Trời) đã ghi trong luật tục, ông Bạp
không có quyền thay đổi. Biang tuyệt vọng cho mối tình với chàng Lang, vì thế
nàng kiên quyết không bắt ai làm chồng và thề rằng sẽ trọn đời mang trong mình
chiếc vòng cầu hôn của Lang. Ngày hôm sau, vì quá nhớ thương Lang, Biang vượt
qua nhiều cánh rừng để tìm gặp chàng và báo tin cho chàng biết. Họ đau khổ khôn cùng.
Biang khóc, nước mắt nàng hòa vào con thác, khiến nó gầm rú suốt ngày đêm như
khóc than cho mối tình tuyệt vọng của hai người. Lang và Biang ngồi suốt ngày
này qua ngày khác, mặc cho nắng gió sương đêm. Họ nguyện bên nhau đến khi trút
hơi thở cuối cùng. Một ngày kia, cả hai hóa thành tượng. Tình yêu của họ vì thế
mà trở nên bất tử. Cái tên gọi Langbiang cũng bắt đầu từ dạo ấy. Hiện trên đỉnh
khu du lịch Langbiang vẫn còn pho tượng của chàng Lang và nàng Biang.
Pho tượng của chàng Lang và nàng Biang trên
đỉnh núi Lang Biang
Huyền thoại về tình yêu sắt son của chàng Lang và nàng
Biang đến nay vẫn còn được lưu truyền. Vì thế, đỉnh Langbiang đã trở thành
nơi các cặp tình nhân tìm đến và trao lời thề non hẹn biển. Với vẻ đẹp hoang sơ
nhưng đầy sức quyến rũ, 10 năm trước, Lang Biang được công nhận là di tích
thắng cảnh quốc gia, và từ đó đến nay luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với
du khách trong và ngoài nước.
Từ thành phố Đà Lạt đến núi Lang Biang là con đường
nhựa mềm uốn khúc bắt đầu từ khu trung tâm thành phố Hòa Bình, theo đường 3
tháng 2, xuống đến ngã ba Hải Thượng - 3 tháng 2, tới vòng xoay, vòng lại và rẽ
trái vào đường Phan Đình Phùng tiếp tục đi thẳng đến cuối đường rồi rẽ phải
theo đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh, đường Dankia. Con đường nhiều khúc cong, uốn
lượn quanh vườn rau non xanh tươi và hoa sẽ đưa khách đến Cao nguyên Lang
Biang. Núi là điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học và du lịch dã
ngoại vì Lang Biang hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn như: hệ sinh thái, động
thực vật, môi trường.
Con đường đầy hoa đến với cao nguyên Lang
Biang
Do nằm ở độ cao được xem là một trong những đỉnh núi
cao nhất Đà Lạt, Cao nguyên LangBiang được xem là khu du lịch
đặc thù với loại hình du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu nét văn
hoá của người dân nơi đây. Lang Biang còn là điểm thu hút du khách có thú phiêu
lưu mạo hiểm với chương trình leo núi, chinh phục đỉnh cao. Từ dưới chân núi,
LangBiang có đầy đủ các dịch vụ du lịch: như nhà hàng, quán ăn, hang lưu niệm.
Đặc biệt, tại đây có dịch vụ xe Jeep đưa khách lên đỉnh khá thú vị. Ngay dưới
chân núi, có một thung lũng khá lớn, nơi tổ chức thành công lễ hội 100
năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Do đó, nó được gọi là Thung
lũng trăm năm, được thiết kế như một khu du lịch sinh thái, giải trí. Tại đây,
du khách có thể thưởng thức chương trình tour cồng chiêng Đà Lạt, đốt
lửa trại, uống rượu cần với đồng bào dân tộc, nghe họ kể những câu chuyện và
văn hoá của dân tộc. Lang Biang còn là điểm thu hút du khách có thú phiêu lưu
mạo hiểm với chương trình leo núi, chinh phục đỉnh cao. Nếu du khách không
thích đi bằng xe Jeep lên đỉnh núi, du khách có thể chinh phục đỉnh núi bằng
cách đi bộ mất 2 giờ theo con đường nhựa xuyên qua những cánh rừng thông và
những nhà dân tộc. Tại đỉnh núi LangBiang có các dịch vụ như nhà
hàng, quán cà phê và các dịch vụ khác như ống nhòm ngắm nhìn thành phố Đà
Lạt từ trên cao, cưỡi ngựa chụp hình. Đặc biệt, trên đỉnh núi còn
có vườn hoa, tượng chàng K’Lang và nàng HơBiang, khu bán hàng lưu niệm. Từ trên
đỉnh núi cao, du khách có thể nhìn thấy Suối Vàng và Suối
Bạc và toàn cảnh Đà Lạt trên cao với những màn sương mù
bay phất phơ trước mặt làm bạn cứ ngỡ như là đang ở trên mây vậy.
Trên đỉnh Cao nguyên Lang Biang
Hà Giang có rất nhiều cảnh đẹp hoang sơ và hùng vĩ gắn
với những câu chuyện truyền thuyết quyến rũ du khách đến trải nghiệm, có thể kể
đến như Núi Cô Tiên, Cột Cờ Lũng Cú, Dinh Nhà Vương, Nhà của Pao, Đỉnh Mã Pì
Lèng nằm trong khu Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Xong
chúng ta cần làm gì và làm thế nào để bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo cảnh đẹp thiên
nhiên, hùng vĩ để phát huy, phát triển kinh tế du lịch; đưa du lịch trở thành
nền kinh tế mũi nhọn của Hà Giang là bài toán đặt ra đối với người đứng đầu các
các cấp, các ngành của tỉnh phải đi tìm lời giải chứ không phải là vấn đề
nghiên cứu lý thuyết nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét