Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Hà Nội - Những câu thơ trong trí nhớ

Hà Nội - Những câu thơ trong trí nhớ
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, những tên gọi đó đã gợi biết bao nhiêu thi tứ. Có một nguồn cảm hứng vô tận vẫn từ lâu chảy suốt chiều dài lịch sử. Yêu Hà Nội, ta yêu những câu thơ viết về Hà Nội.
Hà Nội xưa - nay đã cách nhau hàng ngàn năm lịch sử, vẫn còn đây những lối cũ rêu phong. Màu thời gian ngưng đọng khiến ta nhớ đến câu thơ tiêu tao của người xưa:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
(Thăng Long thành hoài cổ- Bà Huyện Thanh Quan)
Thăng Long với Bà Huyện Thanh Quan chỉ còn trong hoài niệm. "Xe ngựa", "lâu đài" là những hình ảnh tượng trưng cho quyền uy và cơ đồ nguy nga của các tiên triều giờ chập chờn như trong giấc mộng: "hồn thu thảo", "bóng tịch dương". Cái ngày xưa hiện hữu, cái đương thời mong manh hư ảo. Đó là nỗi xót xa, luyến tiếc đến day dứt, khắc khoải. Vẫn biết rằng quy luật khắc nghiệt của lẽ thịnh suy là tất nhiên, nhưng những câu thơ này vẫn gợi buồn khôn tả. Người đọc nhớ những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan không chỉ bởi tình yêu Hà Nội mà còn bởi nó gợi nhắc những kỷ niệm huy hoàng trong quá khứ.
Nhắc đến thủ đô là nhắc đến Hồ Gươm. Hà Nội thật dấu yêu trong đôi mắt hồn nhiên, trẻ thơ, giàu sức tưởng tượng của Trần Đăng Khoa:
Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao.
(Hà Nội)
Giản dị như một chân lý, Hà Nội trở thành niềm tự hào của bao nhiêu bạn trẻ. Điều Trần Đăng Khoa muốn nói không phải là dáng uy nghi đường bệ của một thành phố lớn mà là chất thơ, nét văn hiến, tựa như mảng đất này bước ra từ những trang sách, tựa như Hà Nội là mảnh đất của những con người "lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa". Ý nguyện của người xưa gửi vào ba chữ "Tả thanh thiên" trên tháp bút là dấu ấn văn hoá một thời, đã được cháu con lĩnh hội. Những vần thơ nhỏ nhắn, xinh xắn của Trần Đăng Khoa thể hiện một nét bản sắc của dân tộc Việt Nam trước bạn bè năm châu, bốn biển.
Mùa thu đang về, Hà Nội bất chợt ngân vang trong ta những câu thơ Đất nước:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
(Nguyễn Đình Thi)
Cái chớm lạnh mùa thu, và hơi may (hơi may chứ không phải là heo may), thềm nắng, lá rơi đầy- những gì gần gũi thân quen mang theo linh hồn Hà Nội- đã trở thành hành trang của người đi xa. NHà thơ đã cảm nhận chúng không chỉ bằng trực cảm mà còn bằng linh cảm, bằng nhịp thức của trái tim hoài niệm. Không ồn ào, cầu kỳ, những vần thơ của Nguyễn Đình Thi lắng đọng, neo giữ vững bền trong tâm hồn người đọc.
Viết về Hà Nội, dường như các nhà thơ đều cố gắng nắm bắt những gì thật đặc trưng, mang nhiều chất thơ, chất hoạ nhất. Đó chính là những câu thơ chưng cất từ tình yêu tha thiết đối với mảnh đất này. Hà Nội trong ấn tượng của người đọc là một thành phố nghiêng về vẻ đẹp tinh thần hơn là vật chất. Vì thế không có sự hữu hình thuần tuý. Với Chiều Phủ Tây Hồ của Thái Thăng Long, người đọc bắt gặp Hà Nội ở một vẻ đẹp thật độc đáo:
Sương dăng đỉnh núi mờ xa
Phủ Tây Hồ bâng khuâng huyền thoại
Xa xa hạc trắng bay về
Hồn ta tĩnh lặng bên chùa nắng
Gió Tây Hồ thổi mãi mái rêu phong.
Hồn tĩnh lặng để lẵng nghe tất cả những thanh âm, màu sắc dội về từ một tâm thức xa xôi nào đó, như phút giác ngộ của một thiền nhân. Chiều Phủ Tây Hồ linh thiêng, hư ảo. Những câu thơ này không thể cảm nhận một cách thông thường trên bề mặt ngôn ngữ. Nó được cảm nhận bằng trường liên tưởng quá khứ- hiện tại, thực - mộng, bằng cả tình yêu thơ như một thứ tôn giáo. Thái Thăng Long thật tài hoa khi thể hiện cái thần của cảnh vật Phủ Tây Hồ. Vẻ đẹp ấy như được thoát thai từ một câu hát cổ, một triều đại nào đã xưa. Cánh hạc trắng ảo mộng hơn là thực. Quá khứ đang hiện về thực tại. Vẫn là một ý tưởng về Hà Nội ngàn năm văn hiến, Hà Nội cổ kính, thiêng liêng nhưng đã được nhà thơ khẳng định thêm một giá trị vĩnh hằng: "Gió Tây Hồ thổi mãi mái rêu phong".
Chiều Phủ Tây Hồ là một tứ thơ rất lạ trong rất nhiều bài thơ hôm nay. Đó là tứ thơ biểu đạt trạng thái phiêu du, thoát tục, bằng an và tĩnh tại. Không gian, thời gian như đang ngưng đọng để trầm tư mặc tưởng. Phủ Tây Hồ trở thành linh hồn được vật thể hoá của Hà Nội giống như Hồ Gươm và Tháp Bút...Trong dòng chảy ào ạt của cuộc sống dô thị hôm nay, những câu thơ của Thái Thăng Long tựa như một lời ru làm yên ả tâm hồn.
Đến với thơ Ngô Minh, ta lại gặp một mùa đông Hà Nội ngọt ngào trong se sắt. Khác hẳn mùa đông Nga đầy tuyết, mùa đông Luân Đôn sương mù phủ trắng, mùa đông Hà Nội được gợi nhắc bằng một con đường  "co ro", một dòng sông "đắp áo nằm mơ dáng kiều":
Co ro đường sấu nhớ mùa
Sông Hồng đắp áo nằm mơ dáng Kiều
Hương đưa gió ngọt xiêu xiêu
Cánh đồng Hà Nội trắng điều nhớ nhung.
(Mùa đông Hà Nội )
Quả là một cái nhìn thi vị, cảnh vật Hà Nội như một tình nhân say đắm. Có cái gì đó thật lãng đãng khi Ngô Minh gọi tên sự vật.
Qua bao nhiêu thăng trầm, Hà Nội giờ đây thật nhiều thay đổi. Có bao nhiêu câu thơ viết về Hà Nội? Bao nhiêu câu thơ đã đi vào trí nhớ? Thật khó có thể kể hết. Cảm ơn các nhà thơ đã viết nên những câu thơ làm say đắm lòng người. Yêu thơ hay về Hà Nội ta thêm yêu thủ đô ngàn năm văn hiến.
Lê Anh 
 Nguồn Văn học và tuổi trẻ, 
tập 52, H.2000, tr.14-16 
Theo http://web.hanu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...