Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Chữ của Truyện Kiều, chữ của Nguyễn Du

Chữ của Truyện Kiều, chữ của Nguyễn Du
Bản thảo nguyên tác Truyện Kiều nay không còn. Và cũng không hy vọng gì tìm thấy nữa. Chỉ tìm lại được những bản Kiều cổ, bản sớm nhất là bản in năm 1866, tức là sau hơn 50 năm ngày Kiều ra đời (1814). Tương truyền, Phạm Quý Thích có in Truyện Kiều, bản phường, và đề từ bằng một bài thơ. Đến đời Tự Đức (1829-1883) bản ấy đã không còn nữa. Đến nhà vua mà còn than: “Hoa Đường dĩ viễn, phá bích tiêu điều”.
Truyện Kiều ở thế kỷ 19, tuy có được in nhiều lần, nhưng nó được chuyển tải chủ yếu bằng truyền miệng. Người ta kể Kiều, chứ ít đọc Kiều. Vì chữ Nôm là loại chữ khó đọc, phải thông chữ Hán rồi mới “tìm âm đọc chữ Nôm - Do kể đi kể lại và in đi in lại như thế, số câu chữ khác biệt giữa các bản lên đến hàng ngàn. Thầy tôi, GS Nguyễn Tài Cẩn, trong bản in Tư liệu Truyện Kiều từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn Học xuất bản, 2004) đã công phu làm một bản tư liệu, trong đó ghi rõ những chữ khác biệt giữa các bản. Sau đó, cụ còn căn cứ vào đó thử đi tìm nguyên tác Truyện Kiều (phục nguyên). Đây là một việc khó, và cũng khó cả sự đồng tình đồng ý của những người yêu Kiều. Công việc chỉ là mới bắt đầu. Nhưng không thể thoái thác, nhất là khi chọn chữ để in vào văn bản (kể cả văn bản trích giảng trong nhà trường).
Dưới đây, chúng tôi nêu lên một vài trường hợp tiêu biểu đang có sự thảo luận và nêu ý kiến của mình để bạn đọc thưởng ngoạn, tham khảo. Cũng là việc vừa nghiêm túc mà cũng vừa “mua vui”, thư giãn…
1. Vàng hay vâng(1)? (Câu 648)
Đây là một đề tài “nóng” do có một cuộc tranh luận trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (số 836 ngày 1-11-2013 và số 838 ngày 20-11-2013). Trước đó, sách giáo khoa phổ thông dùng chữ vàng:
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Nhưng sau, khi mà các khảo sát trên các bản Nôm cổ nhất đều nhất loạt viết chữ vâng 
𠳐; thì sách giáo khoa lại chữa lại là:
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.
GS Nguyễn Khắc Phi, chủ biên cuốn sách giáo khoa ấy, có nói với tôi rằng: thật ra thì cũng tiếc chữ vàng; nghe nó hay hơn chữ vâng. Nhưng các bản Nôm cổ đã viết thế, thì biết làm thế nào!
Thế là chữ vâng được chọn, “lên ngôi” trong Truyện Kiều. Trong một bài viết sau đó, tôi giữ lập trường “nước đôi”, nhưng hơi nghiêng sang chữ vàng: vì hai lẽ: một là về âm vận, thì vàng nằm ở đó hay hơn vâng. Thử xem: ngã giá đã là hai âm trắc, thì hạ xuống một âm trầm, một thanh là vàng (ngoài) đọc lên nghe nó thuận, nó sướng tai, êm tai. Còn vâng thì cũng bình thanh, nhưng là một thanh không, nhất là khi đọc, có thể tách riêng ra/ vâng/, nó có hơi hướng “khứ thanh hóa”↑.
Hãy xem sự đối lập:
Ngã giá/ vàng ngoài
↑ ↑ - -
Tốt hơn:
Ngã giá/ vâng ngoài
↑ ↑ -
Sự đối lập rất tế nhị, mà bằng sự thẩm âm của người Việt mới dễ nhận ra sự khác biệt.

Nhưng đó là âm, còn nghĩa? Nàng Kiều là “quốc sắc”, phải được định giá bằng vàng. Chứ còn bạc, thì tuy có dùng phổ biến trong giao dịch, buôn bán thời ấy, nó cũng “bạc bẽo” lắm! Cái gì quý là vàng, “quý như vàng” (có ai nói: quý như bạc!). Những là “nhất tiếu thiên kim”, những là: kim ốc, những là “Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”…
Đã thế ngay trong Truyện Kiều, trong cảnh Kiều bán mình này, Nguyễn Du cũng viết:
Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao!
Thực ra thì, tuy đi vào con đường sáng tác của chủ nghĩa hiện thực phương Đông, Nguyễn Du vẫn còn là bước quá độ từ chủ nghĩa tượng trưng, ước lệ, lãng mạn… lên chủ nghĩa hiện thực. Cho nên chúng ta ngày nay chớ nên lấy những tiêu chí nghiêm ngặt của chủ nghĩa hiện thực phương Tây mà soi rọi vào chữ nghĩa, vào chi tiết Truyện Kiều (từ giờ giấc, trăng sao cho đến chuyện xài tiền…). Nguyễn Du vừa ước lệ, vừa hiện thực. Hiện thực chủ yếu là trong bản chất của quy luật đời sống, của tâm trạng…; còn câu chữ, hình ảnh rất nhiều tượng trưng. Cho nên về tiền nong, bạc vàng… Nguyễn Du dùng tương đối thôi: khi thì vàng, khi thì bạc, khi thì tiền… (Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn).
Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim Vân Kiều truyện bên cạnh tư duy của chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa hiện thực…; có ghi nhận là Kiều bán mình với hơn 400 lạng bạc! Nhưng Nguyễn Du không nhất thiết theo Thanh Tâm Tài Nhân, theo “nguyên truyện”. Ông có cách nhìn riêng, cách mô tả của ông. Nhất là khi ông viết một truyện thơ, một cuốn tiểu thuyết bằng thơ, ông phải chú ý nhiều đến từ ngữ, âm vận, và cũng chú ý đến tính cách nhân vật. Cho nên, chớ lấy Thanh Tâm Tài Nhân ra làm chuẩn, bắt Nguyễn Du phải theo. Nguyễn Du đã bỏ đi bao nhiêu là chi tiết dung tục tầm thường… của Thanh Tâm Tài Nhân.
Vậy theo tôi, nên lấy:
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Giữa 4 âm tiết đầu và 4 âm tiết cuối nên có ngắt nhịp, hoặc có hai chấm (:), theo chính tả hiện đại, cho rõ nghĩa.
Thế nhưng còn các bản Nôm cổ, tại sao lại có một sự nhất trí cao đến như thế về chữ vâng? Một là, các bản Nôm cổ thì cũng chỉ là truyền bản, là bản chép lại, chứ có phải là bản thảo, bản mà Nguyễn Du “định bản” rồi đâu? Thực ra thì cũng cần khảo sát, so sánh chứ có thể có nhiều bản thảo của tác giả về một tác phẩm. Huy Cận có 16 bản thảo về bài Tràng giang. Bản thảo cuối cùng được in ra như ta đọc.
Hai là, cho rằng vâng đúng là chữ của Nguyễn Du, còn vàng là các bản in quốc ngữ sau này chữa lại, thì cũng còn có điều biện bạch. Truyện Kiều truyền miệng là chính, “Lời quê chắp nhặt dông dài - Mua vui cũng được một vài trống canh”. Có lẽ là nói người ta kể Kiều trong vài trống canh, diễn ngâm “vài trống canh”… chứ đâu phải đọc trong một vài trống canh? Và trong quá trình “kể”, rồi san định văn bản đó, bao nhiêu người, kể từ các bà mẹ quê mùa kể Kiều, cho đến các bậc khoa bảng… mỗi người có thể theo ý mình mà nhuận sắc, mà san cải… Cho đến ngày nay, khi chúng ta tranh luận, thì cơ hồ văn bản Truyện Kiều đã định hình, đã “tuyệt diệu” như đòi hỏi của Nguyễn Du. Cho nên chữa lại là rất khó.
Có thể Nguyễn Du đã viết vâng: vâng ngoài bốn trăm, một cú pháp có vẻ hơi mới quá: thà là viết chịu(2), chứ biến một hô ngữ thành một động từ như thế, nghe không quen trong tiếng Việt. Nhưng cho dù thế, còn có thể có bậc nào đó đã chữa vâng thành vàng, thì vì hay quá, Nguyễn Du đành chịu!
Trong lịch sử văn học, có không ít trường hợp người đọc đã chữa như thế, mà rồi tác giả đành “tâm phục khẩu phục”.
Trường hợp thơ Nguyễn Bính với câu thơ: “Cho cha làm bức trường thành cho con”; anh thợ nhà in sắp: “cho con” thành “che con”, và Nguyễn Bính đã thốt lên: “nhân dân đúng là bậc thầy của nhà thơ”(3). Bức trường thành… che con thì hay quá, đúng quá!
Trường hợp nhà thơ Pháp Malherbe, với chữ Rosette - rose trong bài thơ Consolation à M. du Perrier:
Mais elle était du monde, où les plus belles
choses
Ont le pire destin;
Et Rosette a vécu ce que vivent les roses
L’espace d’un matin
Thợ nhà in đọc nhầm Rosette (tên của con gái đã mất của Perrier, bạn nhà thơ) thành rose elle và xếp chữ luôn câu thơ thứ 3 là:
Et, rose, elle a vécu ce que vivent les roses
L’espace d’un matin
(Vì là hoa hồng nên cháu đã sống cuộc đời của những hoa hồng
Trong khoảnh khắc một sớm một chiều)
khiến câu thơ trở thành tuyệt cú(4).
2. Nhẵn trụi hay nhẵn nhụi? (Câu 628)
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
Đó là câu thơ Nguyễn Du tả Mã Giám Sinh, xưa nay ai cũng đọc như thế. Thế nhưng GS Hoàng Xuân Hãn, một “đại gia”, lại đọc là:
Mày râu nhẵn trụi, áo quần bảnh bao
Cụ bảo: Ở Nghệ An, quê cụ, có giống gà trụi, không có lông. Nguyễn Du tả Mã Giám Sinh mày râu nhẵn trụi, như con gà ấy?
Thế mới biết, bậc đại gia nhiều khi cũng có cái nhầm!
Xét về mặt âm, tiểu đối trong câu, thì nhẵn trụi nh-tr làm sao đối với bảnh bao b-b? Hơn nữa, xét về từ láy âm, đã âm nh, thì theo luật đồng âm trong từ láy, từ sau cũng phải nh - nhụi, chứ trụi thế nào được?
Xét về mặt nghĩa; thì nhẵn nhụi và nhẵn trụi có hơi khác. Nhẵn nhụi nói lên tính cách của Mã Giám Sinh là cái anh chàng trang điểm, tô vẽ, có râu thì hắn cạo cho nhẵn nhụi để lừa người! Còn nhẵn trụi là trời sinh, mẹ đẻ, vốn thế, như con gà cụ Hãn nói, như người sinh ra “vô mao”, đâu có lỗi gì!
3. Lên thác xuống ghềnh hay Trên các dưới duềnh (5)? (Câu 1951)
Câu này của nhà nghiên cứu Truyện Kiều ở Bắc Ninh chủ trương.
Đúng là có bản Nôm cổ chép là trên các dưới duềnh. Có điển Giả Nghị (201-169 TCN) nhảy lầu tự vận, Khuất Nguyên (340-278 TCN) tự trầm Mịch La. Nguyễn Du cũng hay dụng điển. Dụng điển đã trở thành một thói quen, một tập quán của thơ văn cổ điển chịu ảnh hưởng sâu đậm của Hoa ngữ.
Thế nhưng ở đây ta có một “thoại” khác: lên thác xuống ghềnh. Đó là chữ, là hình tượng xuất tự ca dao:
Đôi ta lên thác xuống ghềnh
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào
nói lên cái cảnh “đồng thuận” của vợ chồng anh lái đò - làm ăn gian khó trên sông nước. Cụ Nguyễn Du là bậc đại trí thức, xem thơ chữ Hán của cụ thì thấy cụ thấm nhuần nền văn học cổ điển Trung Hoa, đọc thiên kinh vạn quyển và thông thuộc các điển tích. Nhưng cái cơ bản, cái quan trọng hơn là cụ xây lâu đài Kiều bằng tiếng Việt, bằng từ ngữ dân gian, bằng văn hóa dân gian qua trải nghiệm:


Thôn ca sơ học tang ma ngữ
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh
(Thanh minh ngẫu hứng 
-
Nguyễn Du)
(Trong tiếng hát nơi thôn xóm ta học lời ăn tiếng nói của người trồng dâu trồng gai,
Trong tiếng khóc dội lên từ đồng nội, ta nghe tiếng của chiến tranh).
Cụ lại nói tác phẩm của cụ là “lời quê”. Đó là tiếng Việt nhuần nhị, thuần thục, chọn lọc, trong sáng… thấm thía tự đáy lòng người xem. Cho nên, Truyện Kiều là “Nam âm tuyệt xướng” của tiếng Việt, Nguyễn Du là tập đại thành của tiếng Việt. Can cớ gì có cái điển dân gian “lên thác xuống ghềnh” hay như thế, thuận như thế, quyến rũ như thế mà cụ lại không biết, không dùng, bỏ qua; rồi lại đi chọn cái điển nhảy gác, nhảy duềnh cho nó mệt mỏi, cầu kỳ, nó ảnh hưởng đến sự trong sáng, đẹp, Việt Nam của câu thơ.
Vậy nên:
Đôi ta lên thác xuống ghềnh
mới là câu chữ của Nguyễn Du, hồn phách thần thái Nguyễn Du, ngữ điệu, phong cách Nguyễn Du. Chớ nên vì vài bản Nôm cổ nào đó mà “bái vật giáo” nó, để làm thay đổi diện mạo Truyện Kiều.
4. Đã hay mà (6)? (Câu 4)
Các bản Nôm cổ nhất chép:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy đã đau đớn lòng.
Bản Lâm Nọa Phu 1870, VNB-60 thấy in là mà. Sau này, tất cả các bản in quốc ngữ đều nhất loạt in mà.
Đã đau đớn… một loạt 3 âm trọc thanh, nặng, đi liền nhau, mà lại không có ý vị gì về ý nghĩa.
Nguyễn Du thiện nghệ, tinh tế về thẩm âm. Ông cũng đã dùng những “trọc âm” như thế trong Kiều.
Nam đình nghe động trống chầu đại doanh để nói về cái oai vũ của Từ Hải khi nổi lên chống triều đình, thiết lập một giang san riêng. Câu thơ với những phụ âm đ như thế đã tỏ rõ hiệu lực nghệ thuật: nó làm người ta hình dung ra tiếng trống đánh vang vọng vào không gian. Trường hợp đã đau đớn thì không thế. Đã đau đớn có thể là cách nói của Nghệ Tĩnh, để nhấn mạnh cái trạng thái đau đớn chứ đã không phải là một phân từ quá khứ (participe passé), để phân biệt với hiện tại.
Trong khi mà vừa nhẹ nhàng (môi - môi) - “khinh thanh” tránh được một loạt 3 âm đ (đầu lưỡi - lợi) - “trọc thanh” đi liền “khổ độc” rất khó ngâm, lại có ý vị đối nghịch nhẹ nhàng, có sự chuyển chiết giữa hai vế:
- Những điều trông thấy/ mà/ đau đớn lòng
(Truyện Kiều)
- Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau
(Văn chiêu hồn)
Nó gần như chữ nhi 
trong câu văn Hán ngữ cổ:
- Bất chiến nhi khuất

(Không đánh mà phải khuất phục)
- Khâm tam giang nhi đái ngũ hồ

(Ôm ba sông mà lại mang Ngũ hồ)
(Đằng Vương Các Tự - Vương Bột
滕王閣序 - 王勃)
5. Thấm hay thắm (7)? (Câu 712)


Bản Kiều Oánh Mậu 
viết là “thắm 𧺀
Khi trao duyên, Kiều thao thức, vật vã, khóc than, Nguyễn Du tả Kiều:
Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thắm (
𧺀) khăn.
Chữ trắng vế một chỉ màu, thì đối lại phải là màu. Màu đỏ: Kiều khóc rỏ huyết: “Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao”. Và cái màu đỏ máu ấy làm thắm (đỏ) cái khăn Kiều lau nước mắt. Cực tả nỗi đau.
Trước Nguyễn Du, Đỗ Phủ (712-780) viết:
Thử lão vô thanh lệ thùy huyết

(Không tiếng già này khóc rỏ huyết) cũng là ý tứ ấy, hình tượng ấy.
Chữ thắm thấy ba lần trong các bản Nôm: Duy Minh Thị 1872; Quan Văn Đường 1879; Kiều Oánh Mậu 1902. Bản Chiêm Vân Thị nói rằng cổ bản (?) là thắm.
Đó là chữ đáng tin.
Lâu nay, gần như tất cảcác bản đều in thấm / . Chữ thấm này tuy có trong nhiều bản Nôm nhưng vô nghĩa, hay đúng hơn, không đúng là chữ Nguyễn Du viết về Kiều. Nước mắt thấm khăn thìthường quá, có gì đáng nói! Nên chữa lại, in lại cho đúng cho hay là thắm khăn.
Khoảng 2.000 chữ khác biệt giữa các bản Nôm cổ, còn nhiều chữ đáng bàn. Nay hẵng tạm thời nêu ra một vài trường hợp để hầu chuyện bạn đọc nhân dịp chúng ta sắp kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du (1765-2015) tới đây, để bạn đọc thưởng ngoạn và chỉ giáo.
(1) Các bản: Duy Minh Thị 1872; Liễu Văn Đường 1871; Trương Vĩnh Ký 1875; Thịnh Mỹ Đường 1879; Quan Văn Đường 1879; Abel des Michels 1884; VNB-60 viết “vâng”.
(2) Các bản: Lâm Nọa Phu 1870; Kiều Oánh Mậu 1902 viết là“chịu”.
(3) Theo Giai thoại về Nguyễn Bính và theo nhà thơ Hồng Cầu, con gái Nguyễn Bính nói với tác giả bài báo này.
(4) Theo tư liệu của Nguyễn Minh Hoàng.
(5) Các bản: Duy Minh Thị 1872; Lâm Nọa Phu 1870; Liễu Văn Đường 1871; Thịnh Mỹ Đường 1879; Quan Văn Đường 1879; VNB-60 viết “trên gác dưới duềnh”.
Các bản: Trương Vĩnh Ký 1875; Kiều Oánh Mậu 1902 viết là“lên thác xuống ghềnh”.
Các bản Abel des Michels 1884 viết là “lên gác xuống duềnh”.
(6) Các bản: Duy Minh Thị 1872; Liễu Văn Đường 1871; Trương Vĩnh Ký 1875; Thịnh Mỹ Đường 1879; Quan Văn Đường 1879; Abel des Michels 1884; Kiều Oánh Mậu 1902 viết “đã”. Các bản: Lâm Nọa Phu 1870; VNB-60 viết là“mà”.
(7) Các bản: Duy Minh Thị1872; Quan Văn Đường 1879; Kiều Oánh Mậu 1902 viết “thắm”.
Các bản: Lâm Nọa Phu 1870; Liễu Văn Đường 1871; Trương Vĩnh Ký 1875; Thịnh Mỹ Đường 1879; Abel des Michels 1884; VNB-60 viết là “thấm”.
Mai Quốc Liên
Theo http://honvietquochoc.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm Quýt, quê xa

Xóm Quýt, quê xa… “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới ...