Ngọn tháp kỳ quan Chế Lan
Viên
Nhìn từ hôm nay
Đời thơ Chế Lan Viên là một
cuộc đời nghệ thuật đẹp. Ông thường dẫn ta từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên
khác, từ hứng thú này đến hứng thú khác. Bình sinh nhà thơ từng gây nỗi kinh dị
lớn, khi ra đi vĩnh viễn vẫn tạo ra niềm sửng sốt mới bằng dấu ấn ba tập Di cảo
thơ. Chế Lan Viên được tôn vinh rất cao với giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học
nghệ thuật đợt I, khi mất còn được đắp thêm bia mộ vinh quang bằng giải thưởng
Hội nhà văn Việt Nam.
Từ thi tài thần đồng, Chế
Lan Viên nhanh chóng bước lên ngôi thi bá một thời. Mười hai, mười ba tuổi mon
men ở “vườn thơ” – như tự bạch (Ngoại vi thơ). Đến mười lăm, mười sáu đã làm
thơ và cho ra mắt tập thơ gây kinh hoàng làng văn. Lúc ấy nhà thơ đứng trong “tứ
hữu” – “tứ quái” thi sĩ của thành Đồ Bàn. Sau này, Chế Lan Viên vẫn là một
trong số không nhiều – tốp 5 hoặc tốp 10 – các nhà thơ nổi tiếng trong thế kỷ
XX.
Hoài Thanh đã viết trong Thi
nhân Việt Nam: Chế Lan Viên xuất hiện như một ngọn tháp sừng sững, lẻ
loi, bí mật. Hình ảnh tuyệt vời đó còn đúng tới ngày nay: Chế Lan Viên vẫn là một
đỉnh tháp cao vời, đẹp một cách kỳ bí, như một trong rất ít kỳ quan của thơ ca
hiện đại Việt Nam, và biết đâu, còn là của thơ thế giới vì mang tính độc đáo về
vẻ đẹp và tầm vóc.
Nhà phê bình văn học, nhà
tiên tri đặc sắc Hoài Thanh cũng từng nói: con người ấy không thể lấy kích tấc
bình thường mà đo được. Ý tứ đã rõ: đây là một hồn thơ lớn lao, vô cùng khoáng
đạt có thể so sánh, trong tương quan những ngọn tháp cao, những bầu trời xa, những
vòm tinh tú lớn. Trong Hội thảo khoa học về Chế Lan Viên 1999, Bùi Mạnh Nhị nhắc
lại ý kiến đó với ý nghĩa xác nhận tầm cỡ hết sức cao vời của nhà thơ.
Ngày hôm nay, sau hai mươi
năm ngày mất Chế Lan Viên với chỗ lùi lịch sử khá xa và với dư luận ngày càng
công minh, một lần nữa ta có thể nhắc lại ý kiến đó với sự tôn vinh nhà thơ lên
tầm các tác gia lớn của Việt Nam và thế giới trong những thế kỷ mới của tương
lai. Có thể tổng hợp tầm vóc ấy bằng một danh xưng: NHÀ THƠ CÓ NHÂN CÁCH LỚN
CAO ĐẸP MANG TẦM VÓC VƯỢT TRỘI.
Trước hết đó là nhà thơ
tầm vóc lớn về phẩm chất. Tư chất thi sĩ thiên bẩm Chế Lan Viên qua một đời rèn
giũa, khổ luyện đã phát huy thành tài năng, trí tuệ, tâm hồn thơ siêu việt. “Ngọc
thơ anh” được luyện từ máu tâm hồn. Ngọc ấy là kết tinh một đời ngậm cát “nhân
– loại – bể” và uống “thuỷ – triều – người” để toả sáng mãi ánh hào quang dân tộc.
Bởi tâm hồn kia đã được Tổ quốc soi rọi vào. Khác nào:
Con ngọc trai đêm hè đáy bể
Uống thuỷ triều bỗng sáng hạt châu |
Chế Lan Viên là một nhà thơ
có tâm trí lớn: nhân văn cao cả, trí tuệ cao siêu.
Trái tim nhà thơ có sức chứa
tối đa mọi xúc cảm của nhân tình, có độ nhạy cảm với những rung động tinh tế
cao quý nhất của tình người.
Là người giàu yêu
thương, Chế Lan Viên trước hết thương thân mình qua “thời của thương đau”, “Thấy
người lại nghĩ đến ta” – từ số phận khổ đau của dân tộc suy ngẫm thân phận cá
nhân “cá chậu, chim lồng” tuy vậy chỉ dám gửi gắm tâm trạng qua nỗi đau mất nước
của dân Chàm (Điêu tàn).
Thấy mình đồng thời thấy người,
càng thương mình càng thương người. “Thương người như thể thương thân”, trái
tim được thức tỉnh ý thức xã hội lớn, ý thức truyền thống lớn.
Thương cảm dân tộc như một
tình cảm lớn xuyên suốt hành trình đi theo, đi cùng dân tộc trong cuộc vạn lý
trường chinh của đời thơ. Những năm chiến tranh gian nan, khốc liệt nhất là thời
chống Mỹ, nhà thơ đã tìm ra những Định nghĩa dân tộc chính xác nhất. Dân
tộc muốn sống giữa lửa chiến tranh và lũ lụt của người / Vỡ đê biển với vỡ đời…
/ Dân tộc có quá nhiều kẻ thù… / Dân tộc thiền tông. Tuy nhiên “Dân tộc trầm
luân trong sóng Tiền Đường” cũng được định nghĩa vô cùng tự hào “Hai tiếng Việt
Nam đồng nghĩa với anh hùng”.
Chế Lan Viên đứng giữa và Nguyễn Huy Tưởng đứng thứ 2 từ phải qua
Con người biết yêu thương,
trân trọng Nhân dân, Tổ quốc, Dân tộc đồng thời cũng lại biết yêu thương người
thân – từ gia đình đến xã hội – bạn bè đồng chí, đồng nghiệp. Trong lòng bè bạn,
Chế Lan Viên được cảm nhận là con người ân tình, hào hiệp, đôn hậu, khoan dung.
Mặc dù còn có người chưa hài lòng về tính trung thực nhưng nóng nảy, nhất là có
phần cực đoan hiếu thắng trong tranh luận. Sự thông cảm, sẻ chia, tri âm, tri kỷ
lớn gấp bội đố kỵ của người đời.
Như được thanh lọc tận cùng,
tinh thần an nhiên, tự tại lạc quan, yêu đời và tận hiến hoàn thành đúc kết “ngọc
tâm hồn” nhà thơ.
Chế Lan Viên là người trí lực, có
trí tuệ minh mẫn, có ý chí lớn lao. Đó là con người có sức mạnh tinh thần nhờ
biết thâu tóm mọi tinh hoa trí tuệ để trở thành uyên bác. Ông có sự hiểu biết
sâu sắc các tôn giáo – đặc biệt là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, các triết học nhất
là triết học Mác-xít, lại có những tri thức cơ bản của xã hội tri thức. Nhà thơ
hầu như đi qua các nền văn học đặc sắc của thế giới trong các thế kỷ – nhất là
thơ ca cổ điển Trung Quốc, văn học phục hưng phương Tây và các nền thơ cách mạng
Âu – Mỹ. Ông lại có những hiểu biết rành rẽ nhiều ngành nghệ thuật trong biểu
hiện của quan điểm mỹ học tiên tiến thời đại. Đầu óc Chế Lan Viên biết chưng cất
mọi tinh tuý để làm nên mình. Nhờ vậy, nhà thơ rất mạnh về tư duy khoa học –
trong đó có triết học nổi bật; lại biết phương thức tư duy tổng hợp, cả tư duy
logic và tư duy hình tượng với con mắt – cái nhìn đa chiều, đa phương đa cực –
mà như Chế Lan Viên nói là “cái nhìn kép, nhìn chùm, cái nhìn đa hướng”. Bộ óc
nhà thơ gợi ta hình dung là một “bộ óc điện tử” vì ông đã viết “tư duy phải làm
nghìn triệu phép tính, bộ óc phải vận dụng từ quan sát, sự phán đoán, tự tưởng
tượng” (Suy nghĩ và bình luận).
Trí tuệ Chế Lan Viên vừa là
thành quả của tư tưởng lớn thời đại, vừa là đúc kết trải nghiệm một đời, nên có
tầm vóc lớn của một nhà thơ – tư tưởng, nhà thơ – triết học, nhà thơ – văn hoá.
Nó có sức cảm nhận, phân tích chính xác “ngày hôm nay” cũng đủ sức tiên tri,
tiên đoán cho “ngày mai” của nghệ thuật. Trong Di cảo thơ đã có Thơ
thế kỷ 20, Đoạn cuối thế kỷ lại có Thơ thế kỷ 21. Nhưng “đời đẻ
ra thơ” nên quý hơn là tiên tri cho lịch sử, cho cuộc sống trôi chảy. Rất lãng
mạn bay bổng là cảnh “ngày mai” với những con “tàu đỏ”, “tàu xanh”, “Ôi tương
lai như hải cảng lắm tàu” lại hiện thực đến nghiệt ngã là mặt trái của cơ chế
thị trường “Vì có bọn người thoái hoá / Khiến cho thắng trận rồi – mà vẫn còn
nhặt lá – kẻ làm thơ”. Một cảnh báo tầm xa của một nhà thơ lớn!
Chế Lan Viên là một nhà thơ có
đức quả cảm lớn, có khí phách cao cường.
Con người ấy vào đời bằng một
chữ DÁM và đi suốt đời với bản lĩnh đó. Cách mạng tới, dám làm lại mình và từ
đó suốt đời dám cải tạo mình. Không có nghị lực quyết tâm ấy không thể hoàn
thành cuộc đổi đời, đổi thơ. Từ đó, nhà thơ Chế Lan Viên dám nhập cuộc vào sự
nghiệp cách mạng và kháng chiến, dám dấn thân thật sự vào mọi gian khó, hiểm
nguy: đi chiến dịch, vào chiến trường, ra mặt trận, thâm nhập thực tế lao động
sản xuất và xây dựng. Ánh sáng và phù sa và các tập thơ tiếp theo
trong nước sôi lửa bỏng ghi dấu bước chân nhà thơ trên mọi nẻo đường tổ quốc
cũng ghi dấu tầm vóc ngày càng cao của tư tưởng nghệ thuật Chế Lan Viên. Cho đến
cuối đời vẫn là cuộc “ngụp lặn” vào đời thường và đào sâu tận thăm thẳm tâm hồn
để tìm ra cái Tôi chân chính cũng là cái Ta cần có giữa cuộc
đời và nghệ thuật.
Chế Lan Viên dám đấu tranh
dũng cảm cả trong cuộc chiến tranh của hệ tư tưởng, ý thức chính trị, đạo đức
và thẩm mỹ. Riêng về nghề và nghiệp những suy tư Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ,
nghĩ… như không có kết thúc.
Nhìn chung lại, đó là con
người kiên nghị, dám nhìn sự thật, dám nhìn mình và dám vượt lên mình.
Chế Lan Viên còn là nhà
thơ tầm vóc lớn về tư cách.
Như đã nói, ông biết kết hợp
được nhiều nhân cách văn hoá. Là nhà thơ – nhà chính trị, nhà thơ – nhà tư
tưởng, nhà thơ – nhà đạo đức, nhà thơ – nhà giáo dục, nhà thơ – nhà văn hoá…
Sự kết hợp ấy là tuyệt diệu
trong nhiều trường hợp: thi nhân – triết nhân – tình nhân, nhà thơ – nghệ sĩ –
chiến sĩ…
Ông kết tụ được nhiều
con người trong con người, cũng lại phát hiện ra con người trong con người:
con người đa đoan, đa sự, con người không trùng khít với chính nó Một cuộc
đời mà biết mấy đa đoan.
Trên hành trình sáng tạo nghệ
thuật, Chế Lan Viên đã “Mang số phận vào người” như một định mệnh, với những
vai trò lịch sử.
Nếu như Tố Hữu là người mở
đường cho thơ ca cách mạng thì Chế Lan Viên cũng tiệm cận qua tìm đường, “nhận
đường”, để sau cách mạng chậm hơn, trở thành người đồng hành trên đại lộ ấy.
Con đường thơ của Chế Lan Viên rất tiêu biểu. Trước đây từng là đường “ngược
chiều”. Sau này Khi đã có hướng rồi, nhà thơ tiến nhanh, tiến mạnh và có
vai trò nguời mở đường đại diện cho thế hệ các nhà Thơ mới. Mở
đường trong không gian bao la: “Khi đã có gió rồi, cuộc sống tự nhiên lên”, nhà
thơ cất cánh “Bay theo đường dân tộc đang bay”.
Chống Mỹ, Chế Lan Viên trở
thành ca sĩ hào hùng bậc nhất của thời đại. Như song hành với Tố Hữu, nhà thơ –
chiến sĩ Chế Lan Viên mặc nhiên đóng vai trò người dẫn đường. Ấy là lúc cả
đội ngũ các nhà thơ – nghệ sĩ đã lên tuyến lửa: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến
luỹ”. Và cũng đương nhiên, hấp thụ phẩm chất anh hùng, họ trở thành dũng sĩ chiến
đấu trên mặt trận văn nghệ.
Riêng Chế Lan Viên, nhà thơ
tạo ra một đường nhánh cùng chiều và đồng hành với đại lộ thơ ca chung. Đó là
con đường thơ trữ tình, công dân với nét đặc sắc độc đáo, tân kỳ mang khuynh hướng
chính luận và triết luận rõ rệt. Là người rất coi trọng cá tính sáng tạo, nhà
thơ từng phát biểu: “Nền thơ thống nhất về tư tưởng của ta lại chấp nhận, hơn
thế đòi hỏi sự đa dạng, phong phú cá tính, phong cách, giọng điệu” và “Mỗi nhà
thơ có một cách riêng và cộng nghìn cách ấy ta có diện mạo chung của một nước,
một thời” (Nghĩ cạnh dòng thơ – Văn học, Hà Nội, 1981). Trong Sổ tay thơ có
một ý rất hay Dù là ngọc thì cũng nhiều viên ngọc, chứ phải đâu cứ xanh
xanh vĩnh viễn một màu trời. Con đường riêng của Chế Lan Viên là con đường thơ
hiện đại – dân tộc, kéo theo đó một đội ngũ trên đường. Với ý nghĩa sáng tạo
đó, Chế Lan Viên thực sự có vai trò người dẫn đường tiên phong.
Hôm nay đây, chiêm nghiệm lại
thơ, chiêm ngưỡng lại một hồn thơ lớn, ta thấy Chế Lan Viên vẫn là một ngọn
tháp đồ sộ. Ngọn tháp thơ ấy là một công trình kiến tạo đẹp đến mức kỳ lạ hiếm
thấy – NGỌN THÁP KỲ QUAN CHẾ LAN VIÊN.
Ngọn tháp ấy chắc chắn vì
được kiến trúc bằng nhiều kiệt tác, bằng thành tựu to lớn một đời.
Ngọn tháp ấy hiếm hoi vì
rất ít có, vì là công trình duy nhất, là sáng tạo độc nhất, vừa do thiên bẩm, vừa
do tự tạo.
Ngọn tháp ấy kỳ bí vì
sự khác lạ độc đáo đầy bí ẩn như chưa từng và không bao giờ có thể khám phá hết.
Thiên tài là một bí ẩn,
không thể nào “giải mã” triệt để.
Trên đây, thêm những lý do để
chúng ta càng yêu mến, kính trọng, ngưỡng mộ và tôn vinh nhà thơ lớn Chế Lan
Viên lên TẦM VÓC SIÊU VIỆT.
Đoàn Trọng Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét