Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Con đường tuổi trẻ 2

Con đường tuổi trẻ 2 
34.TRƯỜNG DẠY NGHỀ
Bố mẹ tôi muốn tôi vào một trường đại học, nhưng tôi thích thử một cái gì đó như là một trường dạy nghề.
Bạn thật may mắn có được những bậc bố mẹ như thế!
Những trường dạy nghề và những trường đại học theo chương trình 4 năm, mỗi loại trường đều có những ưu điểm của nó. Trong xã hội hiện nay, những người có khả năng chuyên môn, có thể có một thuận lợi trong khi tìm chỗ làm. Nhưng tôi cũng nghĩ, thật là tuyệt vời nếu bạn theo học chương trình đại học 4 năm, và rồi về sau, theo một ngành chuyên môn nào đó.
Theo học một trường đại học là tự phô mình ra trước một phạm vi rộng gồm nhiều khóa học, đây  là một cách tốt để trau dồi tri thức và phát triển chính mình như là một con người. Ngành giáo dục sau đại học cũng còn là một công cụ quan trọng cho việc xây dựng tính cách nữa.
Sống trong ký túc xá, tự nó cũng đã là một bài học trong đời – một cơ hội để cho bạn học cách rèn đúc những mối dây của tình bạn, và xây dựng những quan hệ bền vững giữa người với người.
Những cá nhân được giáo dục và rèn luyện tốt khắp thế giới, đều chia sẻ một mẫu số chung : kiến thức rộng và sự uyên bác trong học thuật. Giáo dục cung cấp cơ hội để con người tự nâng mình lên một mức cao hơn trong sự phát triển cá nhân.
Nó giống như việc leo một ngọn núi. Bạn càng leo lên cao, thì tầm nhìn của bạn càng rộng thêm, và thế giới càng trải rộng ra trước mắt bạn. Bạn bắt đầu thấy những điều mà trước đây bạn không thể thấy.
Dù thế nào đi nữa, thì câu hỏi về việc bạn học ở đâu – tại một trường dạy nghề, một trường cao đẳng 2 năm, hay một đại học 4 năm – là một cái gì đó mà chỉ có bạn mới có thể quyết định, dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả hoàn cảnh gia đình của bạn, khả năng học vấn và những ước vọng cá nhân của bạn. Dĩ nhiên, trong khi quyết định phải làm cái gì, điều  quan trọng là bạn nên hội ý với những người khác – bố mẹ bạn, các thầy cô, bạn hữu. Nhưng một khi bạn đã quyết định và bắt tay vào hành động, thì đừng nhìn lui phía sau. Bạn không được phép sống đời mình với quá nhiều sự lưỡng lự và tiếc nuối dai dẳng.
Thành công hay thất bại trong đời, thì được quyết định trong chương cuối [của đời bạn], chứ không phải trong chương mở đầu.
35.TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH
Tôi chưa bao giờ quan tâm đến việc đọc sách. [1]
Nhiều người xem đọc sách là một công việc vặt vãnh  ở nhà. Có lẽ TV kéo nhiều người xa khỏi những cuốn sách. Hay có thể là computer hay trò chơi điện tử, thì hấp dẫn hơn. Dù sao đi nữa, một số người trẻ thích đọc sách và một số khác thì không. Nhưng có một điều rõ ràng: Những ai mà biết đến niềm vui của việc đọc sách, họ có một cuộc sống phong phú hơn và có tầm nhìn rộng hơn. [2]
Sách giới thiệu bạn với những bông hoa của đời, những dòng sông, những con đường, và những cuộc phiêu lưu. Bạn có thể tìm thấy những ngôi sao và ánh sáng, cảm nhận sự sảng khóai, hay phẫn nộ trước sự bất công. Bạn được thả trôi dạt trên một đại dương bao la của cảm xúc trong một con tàu của lý tính, lay động bởi làn gió mát vô hạn của thi ca. Những giấc mơ và những vở tuồng dần dần diễn ra. Toàn bộ thế giới sống dậy.
Đọc sách là một đặc quyền mà chỉ con người mới có được.  Không có sinh vật nào trên hành tinh này có thể đọc sách. Gặp một cuốn sách hay, thì giống như gặp một vị thầy vĩ đại. [3] Qua đọc sách, ta tiếp xúc với hằng trăm hằng ngàn cuộc đời và giao cảm, trò chuyện với những hiền nhân và triết gia từ hơn hai ngàn năm trước.
Đọc sách là một cuộc hành trình. Bạn có thể du hành về phía đông hay phía tây, bắc hay nam, và khám phá ra những con người và những địa danh mới mẻ.
Việc đọc sách vượt lên thời gian. Bạn có thể làm một chuyến viễn chinh với Alexander Người Hy Lạp, hay kết bạn với Socrates và Victo Hugo, và đối thoại với họ.
Gần như không có ngoại lệ, những vĩ nhân qua suốt lịch sử đều có một cuốn sách mà họ nâng niu yêu quý trong suốt thời trẻ tuổi của họ – một cuốn sách mà đóng vai một người hướng đạo, một nguồn động viên, một người bạn thân và nhà cố vấn.
Để được sự thoả mãn thực thụ từ bất cứ cái gì, cần phải thực tập, rèn luyện và nỗ lực. Bạn không thể trở thành một vận động viên trượt tuyết hay lướt ván mà không rèn luyện nó. Chơi piano hay sử dụng computer cũng vậy. Tương tự như thế, muốn thưởng thức sách, cần phải kiên trì và nhẫn nại.
Việc đọc sách đưa bạn tiếp cận với những kho tàng của tinh thần con người – từ mọi thời đại và khắp mọi vùng đất của thế giới. Kẻ nào nhận biết điều này, sẽ sở hữu sự giàu có vô song. Nó giống như làm chủ vô số ngân hàng, mà từ đó bạn có thể rút ra một cách vô hạn. Và những ai đã nếm được niềm vui này, xem những cuốn sách như những người bạn, họ là những người mạnh mẽ.
36.HỌC CÁCH THƯỞNG THỨC VIỆC ĐỌC SÁCH
Bằng cách nào tôi có thể thưởng thức việc đọc sách nhiều hơn?
Bước đầu tiên, là tập thói quen đọc sách. Bạn có thể khởi đầu bằng cách tìm một cuốn sách về một chủ đề gây hứng thú cho bạn. Một tiểu thuyết gây hồi hộp, là một cuốn sách tốt để giữ cho bạn có thói quen đọc sách. Những thư viện và nhà sách, thì có vô số những cuốn sách với những tình tiết hấp dẫn, mà một khi đã đọc vào, tự nhiên bạn cứ muốn đọc tiếp để xem cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Sau khi bạn đã chọn ra một danh sách, hằng ngày hãy để ra một vài khoảnh khắc rảnh rỗi để đọc, có thể trong khi bạn đang ngồi xe buýt tới trường hay đang xếp hàng đợi, hay trước khi đi ngủ. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình tiến bộ nhanh chóng ra sao.
Việc đọc sách là điều kiện cốt yếu cho tư duy. [4] Có lẽ, bạn thậm chí có thể nói răng, đọc sách là một dấu hiệu [biểu lộ] nhân tính của ta. Ta không nên giới hạn đời mình vào một lãnh vực, và loại trừ mọi thứ khác. Bất luận người ta có địa vị xã hội cao tới đâu, nếu họ chưa đọc những tiểu thuyết vĩ đại của những tác giả nổi tiếng của thế giới, thì họ không bao giờ có thể hy vọng trở thành một lãnh tụ xuất chúng. Xây dựng một xã hội nhân đạo, nơi mà người ta sống với phẩm cách, đòi hỏi những lãnh tụ cần phải am hiểu những tác phẩm văn học vĩ đại. Điều này là hết sức quan trọng. [5]
37.TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỬ HỌC
Tại sao chúng ta cần học lịch sư? Những giờ học lịch sử thật là chán, với những danh sách dài những sự kiện và nhật kỳ phải học thuộc lòng.
Môn sử quan trọng, bởi vì nó cho ta một điểm nhìn rộng hơn.
Hãy xem xét điều này: Nếu ta luôn nhìn xuống đất khi ta bước đi trên phố, ta có thể bị lạc đường. Bằng cách nhìn lên và chọn những dấu mốc nhất định để định hướng, ta có thể chắc chắn là ta đang đi đúng hướng. Hoặc, hãy tưởng tượng ta đang nhìn xuống từ một ngọn núi cao. Từ một lợi thế trên cao, thật dễ chọn con đường để tiến bước.
Cuộc đời cũng tương tự như vậy. Nếu bạn luôn có một tầm nhìn nông cạn và chỉ chú ý đến những chi tiết nhỏ sát bên mình, chắc chắn bạn sẽ sa lầy trong những quan tâm bé tí teo và không bao giờ tiến về phía trước. Ngay cả những cái rào cản tương đối nhỏ, cũng sẽ trông có vẻ như không thể nào vượt qua được. Nhưng nếu bạn có một tầm nhìn rộng lớn về cuộc đời, thì bạn sẽ tự nhiên phát hiện ra đáp số cho những vấn đề – bất luận chúng thuộc phạm vi cá nhân, xã hội, hay thậm chí liên quan đến toàn thế giới.
Bạn có càng nhiều vấn đề, bạn càng nên đọc lịch sử. Học lịch sử đưa bạn trở lại với những biến cố và cuộc đời của những người mà họ có thể soi sáng cuộc đời của riêng bạn. Bạn gặp những nhà cách mạng nhiệt thành và những kẻ phản bội đáng khinh bỉ, những kẻ độc tài kiêu ngạo và những anh hùng với kết cục bi thảm. Bạn sẽ biết đến những con người tìm kiếm một cuộc sống hòa bình, nhưng bị buộc phải lang thang qua miền hoang dã. Bạn trải qua những khoảnh khắc ngắn ngủi của hòa bình, giống như một bóng mát dịu êm giữa mặt trời cháy bỏng, giữa những giai đoạn dường như dài vô tận của chiến tranh.
Bằng cách học lịch sử, bạn sẽ thấy vô số những người bị hy sinh cho cái mà bây giờ chúng ta biết là sự mê tín điên rồ; bạn cũng thấy những người đàn ông và phụ nữ với lý tưởng của họ - họ hy sinh đời mình vì thương yêu những người đồng thời với họ. Bạn gặp những con người vĩ đại, họ tự kéo mình lên từ vực thẳm khổ đau để làm cho cái bất khả trở thành hiện thực. Bạn có thể quan sát cái “tấn tuồng” này từ xa, hay tưởng tượng rằng bạn đang ở giữa nó. Quan sát tấn tuồng này, nhìn nó diễn ra trong trí bạn, bạn tự nhiên học cách nhìn cuộc đời từ một điểm nhìn bao quát. Bạn có thể thấy chính mình đang nhấp nhô trên đỉnh sóng của dòng sông lớn của lịch sử. Chúng ta thấy từ đâu mà chúng ta đến, ta đang ở đâu, và ta sẽ đi về đâu.
Hiểu biết lịch sử, tức là hiểu biết chính mình. Ta càng hiểu biết chính mình và bản chất con người, thì bức tranh ta có về lịch sử càng chính xác. Theo quan điểm Phật giáo, lịch sử là một bản ký lục, nó ghi chép những xu hướng con người, của nhân và quả. Nó là khoa học của hoạt động con người, là ngành thống kê về chủng loại người.
Chẳng hạn, mặc dù ta không thể dự báo thời tiết với sự chính xác hoàn toàn, ta có thể dự báo những xu thế dựa trên tính xác suất và thống kê. Trái tim con người cũng không thể dự đoán trước, nhưng lịch sử cho phép chúng ta thấy những xu hướng và những con số thống kê, chúng  cho ta cái nhìn sâu vào trong tương lai.
Do vậy, học lịch sử là học về con người. Lịch sử là một tấm gương hướng dẫn ta trong việc định hình tương lai. Lớp trẻ là những nhân vật chính, là những người sẽ viết những trang sử mới của ngày mai. Bạn cần một tấm gương để thấy khuôn mặt của chính mình. Tương tự như vậy, trang bị với tấm gương của lịch sử, bạn có thể thấy cái gì cần được làm trong thế giới xung quanh bạn.
Người cố vấn tinh thần của tôi, Josei Toda, dạy rằng, lịch sử là một tấm biển chỉ đường giúp ta di chuyển với sự chắc chắn lớn hơn – từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai, về phía những mục đích của chúng ta: hòa bình, và sự sống chung hòa điệu của toàn nhân loại.
Bởi vì lịch sử được ghi lại như thế thì quá phong phú, nên không thể trông đợi một người có thể am hiểu được hết thảy mọi cái trong đó. Điều cốt yếu là đạt được một tầm nhìn bao quát, một sự hiểu biết về những nguyên lý lịch sử cơ bản. Nếu ta có thể học bằng cách nghiên cứu lịch sử, về những khuynh hướng tiêu cực của nhân loại, thì ta có thể cảnh giác và tránh khỏi việc lặp lại một khứ đen tối, thảm khốc. Lặp lại những những điều kinh tởm của lịch sử, có nghĩa là ta đã không học được những bài học của nó. Như triết gia George Santayana [6] đã nói, “Những ai không thể nhớ quá khứ , họ bị kết án phải lặp lại nó.”
38.CHÂN LÝ VÀ LỊCH SỬ
Càng học lịch sử, tôi càng phát hiện ra rằng, cái mà tôi đã được dạy là không đúng với sự thực.
Lịch sử không phải là cái rõ ràng, dứt khóat. Nó có thể được giải thích trong nhiều cách, đó là lý do tại sao ta không được phép mù quáng tin cái mà ta đọc trong những cuốn sách lịch sử. Napoleon mô tả lịch sử như là một câu chuyện được người ta đồng tình chấp nhận. Cái đó đúng trên vài phương diện – lịch sử được viết từ một nhãn quan đặc thù và không phản ánh chân lý tuyệt đối, khách quan.
Dĩ nhiên, chúng ta biết những nhật kỳ của những biến cố nhất định nào đó; đó là những sự kiện không thể tranh cãi. Song những kết luận dựa trên những nhật kỳ này thì không đáng tin cậy lắm. Đôi khi, chính cái trái ngược với sự thật, lại trở thành ý kiến thắng thế. Và những sự thật quan trọng hơn nhiều, thì không được ghi lại chút nào cả.
Thí dụ, hãy nhìn vào những cuộc Thập Tự Chinh, được phát động bởi những người Ky tô giáo Âu Châu chống lại những thế lực Hồi giáo trong suốt thời Trung Cổ, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Những bản tường thuật của châu Âu và Hồi giáo về những cuộc Thập Tự Chinh hầu như không có điểm nào chung! Đương nhiên, những cuốn sách lịch sử của Hồi giáo không dùng từ “thập tự chinh” – một từ nghe có vẻ anh hùng; sử Hồi giáo mô tả những ai xâm lăng những vùng đất của họ như là những kẻ gây hấn.
Thật ra, vào thời Thập Tự Chinh, nền văn minh Hồi giáo thì tiên tiến hơn nhiều so với nền văn minh châu Âu. Đạo quân Thập Tự Chinh xâm lăng những vùng đất của người Hồi giáo, tước đoạt và cướp bóc, để lại đằng sau một dấu vết của sự hủy diệt. Những cuốn sử Hồi giáo ghi chép những hành động dã man kinh hoàng mà những đạo quân Thập Tự Chinh đã gây ra.
Học về Thập Tự Chinh cũng không phải chỉ là một vắn đề hiểu quá khứ. Thành kiến và lòng thù hận giữa những nền văn minh Kytô và Hồi giáo vẫn còn tồn tại đến hôm nay, đổ một cái bóng đen lên những cơ may hòa bình thế giới của chúng ta. Đó là vấn đề của hôm nay. Nó là một vấn đề cho tương lai.
Một thí dụ khác: Cách đây không lâu, học sinh đã được dạy rằng, Christopher Columbus đã khám phá ra Châu Mỹ. Nhưng thực ra, người ta đã sống ở đó từ rất lâu rồi. Nói “khám phá”, chỉ là cách nói theo cái nhãn quan của châu Âu. Vấn đề là, khái niệm về sự “khám phá” đã mặc nhiên hạ thấp những thổ dân nguyên thủy của châu Mỹ. Một vài kẻ chinh phục của cái mệnh danh là “Thế Giới Mới”, thậm chí còn không xem những dân tộc bản xứ như là những con người!
Trong khi những người châu Âu giong thuyền từ một đảo thuộc biển Caribbe tới một hòn đảo khác, họ tàn sát những thổ dân hoặc bố ráp họ để làm lao động nô lệ, và gần như xoá sạch toàn bộ dân số. Những cư dân bản địa đã chào đón họ với vòng tay rộng mở, và những kẻ xâm lược của châu Âu đáp lại bằng bạo lực. Chúng ta có thể nói gì về cái “sự thật lịch sử” này? Cái quan điểm rằng, Columbus khám phá ra châu Mỹ đã hợp pháp hóa những kẻ “khám phá”, và do vậy,  hợp pháp hóa những hành động tương tự bởi những người khác. Bên trong từ “khám phá”, là một quan điểm lịch sử tự-thị, [7] một quan điểm về nhân loại (humanity) mà rất thường khi, biện minh cho sự nô dịch hóa những dân tộc khác vì quyền lợi của những kẻ chinh phục.
Cái này được gọi là quan điểm thực dân, là cái mà đã gây ra vô số bi kịch khắp thế giới từ bình minh của lịch sử nhân loại. Đây là lý do tại sao việc hiểu lịch sử là quan trọng. Lịch sử của nhân loại về “khám phá” trở thành một tương lai của sự thống trị dẫn tới khốn khổ và bi kịch.
Nằm đằng sau sự xâm lăng châu Á của nước Nhật, là cái quan điểm thực dân hẹp hòi về lịch sử. Từ thời  Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji), bắt đầu vào năm 1868, những người Nhật chúng ta kiên quyết bắt kịp châu Âu và [nhắm vào việc] trở thành những người châu Âu của châu Á. Chúng ta ngược đãi những người châu Á bạn bè của chúng ta tương tự như cách mà những người châu Âu đối xử với những dân tộc bản địa của châu Mỹ sau khi Columbus đến. Chúng ta đã trở thành nô lệ và nịnh bợ những người da trắng, trong khi ngạo mạn và tàn nhẫn với tất cả những chủng tộc khác.
Cố nhiên, cái mà lẽ ra chúng ta đã phải làm, là xây dựng những mối dây thân ái với những bạn bè châu Á của chúng ta và làm việc với họ để đạt tới hòa bình thế giới. Nếu những nhà lãnh đạo Nhật đã có cái nhãn quan ấy – và tầm nhìn về tương lai – thì lịch sử gần đây của nước Nhật có lẽ đã hoàn toàn khác.
Bởi vậy, bạn thấy đó, một biến cố lịch sử riêng lẻ có thể mặc lấy những ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào cách nó được thuyết minh, tùy thuộc vào việc bạn ở phe nào. Cả hai hình ảnh, hai cách thuyết minh này có thể hiện ra như thể là chúng có cơ sở lý luận vững chắc ngang nhau, nhưng chân lý thì lại nằm một nơi nào đó ở giữa.
39.NGHỆ THUẬT CÓ KHẢ NĂNG CHUYỂN HÓA TRÁI TIM
Người ta đã bảo tôi rằng nghệ thuật rất là quan trọng, song những lớp dạy về thưởng ngoạn nghệ thuật lại có vẻ rất ngột ngạt và dọa dẫm.
Đúng là việc giáo dục thẩm mỹ chính quy trong nhà trường có vẻ là như  vậy. Nhưng chắc chắn, không ai xem một khúc hát của một con chim như là “chính quy” hay đáng sợ. Tôi cũng không chắc rằng, có ai cảm thấy khiếp sợ khi ngắm nhìn một cánh đồng hoa. Ai lại không bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của những bông anh đào đang nở rộ dưới ánh trăng? Và vào một ngày nắng vàng rực rỡ, tất cả chúng ta nhìn lên bầu trời xanh và nghĩ, “Tuyệt vời biết bao!” Tiếng róc rách của một dòng suối làm sảng khóai đôi tai, làm tươi mát giác quan ta. Tất cả những cái đó đều là những thí dụ của lòng yêu cái đẹp của ta, nó hồn nhiên, có tính trực giác.
Nghệ thuật là cái đẹp. Những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, y như cái đẹp nội tại trong thiên nhiên, là một chất nhựa thơm của tinh thần – một nguồn sức sống. Nghệ thuật có thể làm an tịnh, và xoa dịu tâm hồn ta – nó  không khiến ta phải tự vệ hay làm ta khó chịu. Nó có thể động viên ta khi ta buồn nản, nâng tinh thần ta lên khi ta căng thẳng.
Nhiều hình thức sinh hoạt hằng ngày của ta thì đầy chất nghệ thuật và văn hóa. Chẳng hạn, khi ta cố gắng để hiện ra đẹp nhất trong mắt người khác, hay làm sạch bóng căn phòng bẩn của ta, là ta đang phấn đấu để tạo ra cái đẹp. Một bông hoa riêng lẻ trong một bình hoa có thể hoàn toàn biến đổi một căn phòng, đem lại cho nó một nét ấm áp, dịu dàng. Đó là quyền lực của cái đẹp .
Nghệ thuật là sự giải phóng nhân tính bên trong bạn[8]
Những thiết chế xã hội đối xử với ta như thể ta là một cái máy. Chúng giao phó cho ta những địa vị, thứ bậc và đặt một áp lực đáng kể trên ta, buộc ta phải chu toàn những vai trò đã được xác lập của ta. Ta cần một cái gì đó để giúp ta thu hồi lại nhân tính đã mất và bị làm méo mó. [9] Mỗi người trong chúng ta đã đè nén những cảm xúc, và điều này đã tạo nên một tiếng kêu không lời tận đáy linh hồn ta, đợi chờ sự biểu lộ. Nghệ thuật, cả trong sự sáng tạo lẫn trong thưởng ngoạn, đem lại cho những cảm xúc này giọng nói và hình thể.
Để cho những cảm xúc đó thóat ra bằng sự theo đuổi lạc thú, điều đó có thể đủ trong chốc lát. Nhưng về lâu về dài, những trò tiêu khiển như thế không mang lại sự thoả mãn thực thụ nào, bởi vì bản ngã thực của ta, những đòi hỏi chân thực của trái tim ta, chưa được giải phóng. Nghệ thuật là tiếng kêu của linh hồn từ đáy sâu bản thể của một người.
Khi ta sáng tạo hay thưởng ngoạn nghệ thuật, ta giải phóng cái linh thức (spirit) bị kẹt bẫy ở bên trong. Đó là lý do tại sao nghệ thuật khơi dậy niềm vui như thế. Nghệ thuật – dù có được thực hiện khéo hay không – là cảm xúc, niềm vui thích của việc biểu đạt cuộc sống như nó là. Những ai thưởng ngoạn nghệ thuật đều được lay động bởi niềm đam mê và sức mạnh của nó, cường độ và vẻ đẹp của nó. Đó là lý do tại sao không thể nào tách rời cuộc đời ra khỏi nghệ thuật. Có thể là những diễn biến chính trị và kinh tế dường như thống trị trên các bản tin thời sự, nhưng văn hóa và giáo dục mới thực sự là những lực lượng định hình một thời đại, bởi vì chúng chuyển hóa trái tim con người. [10]
Mỗi loài hoa có hương sắc khác nhau, chẳng hạn, hoa anh đào, hoa mận, hoa lan…; cũng vậy, mỗi người nên sống nghiêm chỉnh, đúng với cá tính độc đáo của mình; khái  niệm này có nhiều cái chung với văn hóa và nghệ thuật. Văn hóa là sự nở hoa của nhân tính đích thực của mỗi cá nhân, đây là lý do tại sao nó vượt lên những ranh giới quốc gia, giai đoạn  lịch sử và những phân biệt khác. Cũng tương tự, một kết quả của sự luyện tâm, là ta có thể sống một cuộc đời thực sự có văn hóa và biến mình thành một nguồn cảm hứng cho những người khác.
40.THƯỞNG NGOẠN NGHỆ THUẬT [11]
Làm thế nào tôi có thể thưởng ngoạn nghệ thuật ngay cả khi không theo những lớp học chuyên ngành?
Chắc chắn rồi. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chỉ đơn giản thưởng thức nghệ thuật. Đó là bước đầu tiên quan trọng nhất. Hãy xem những tác phẩm hội họa đẹp. Hãy nghe âm nhạc hay. Việc trải nghiệm nghệ thuật hay, sẽ phát triển và nuôi dưỡng tâm hồn bạn.
Hãy biết điều này: Nếu bạn bắt đầu tiếp cận nghệ thuật bằng cách phân tích hay theo kiểu học giả, rốt cục bạn rất có thể bối rối không biết nghệ thuật thực sự là cái gì. Tôi không tin rằng, những người lắng nghe một khúc hát của chim hay nhìn một đồng cỏ đầy hoa, mà lại  đi phân tích nó.
Một tác phẩm nghệ thuật lớn là một tác phẩm gây cảm hứng cho bạn. Khi bạn trải nghiệm nó, chính bạn bị xúc động. Đừng nghe nhạc với đôi tai của người khác. Hãy phản ứng lại một tác phẩm nghệ thuật với những cảm xúc của riêng bạn, với trái tim và khối óc bạn. Nếu bạn tự cho phép mình bị dao động bởi những ý kiến của người khác – “Nó phải hay, bởi vì mọi người khác thích nó,” “Nó phải dở vì không ai khác thích nó” – thì những cảm xúc của bạn, tính nhạy cảm (sensibility) của bạn (mà đây  chính là cốt lõi của kinh nghiệm nghệ thuật), sẽ lụi tàn và chết.
Muốn thưởng thức nghệ thuật cho tới mức đầy đủ, bạn phải từ bỏ tất cả những khái niệm có trước. Hãy tiếp xúc với tác phẩm một cách trực tiếp, với toàn thể tồn tại (being) của bạn. Nếu bạn bị xúc động sâu xa, thì tác phẩm đó, đối với bạn, là một tác phẩm nghệ thuật lớn.
Những tác phẩm nghệ thuật lớn đều có giá trị phổ quát. Chúng nó sống động, được thấm nhuần sức sống và tinh thần mạnh mẽ của nhà sáng tạo. Nhà điêu khắc nổi tiếng của Pháp, Rodin, làm việc vào những năm ’80 của thế kỷ 19, nói rằng điều quan trọng cho những nghệ sĩ là, “cảm nhận,  yêu thương, hy vọng, run rẩy, sống. Nghĩa là, là một con người trước khi là một nghệ sĩ.” Những cảm xúc con người này – hy vọng, yêu thương, giận dữ, sợ hãi – được truyền thông tới chúng ta qua tác phẩm của nhà nghệ sĩ. Những rung động của tinh thần nhà nghệ sĩ khơi dậy  những rung động tương tự bên trong trái tim của riêng ta. Đây là kinh nghiệm của nghệ thuật. Nó là một cảm xúc được chia sẻ, nối kết nhà sáng tạo và người thưởng ngoạn, vượt qua những biên giới thời gian và không gian.
Dĩ nhiên, để thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật lớn, ta cần tập trung. Nhưng sự thưởng ngoạn bắt đầu với việc đơn giản trải nghiệm tác phẩm. Với âm nhạc, chẳng hạn, ta bắt đầu bằng cách lắng nghe. Với hội hoạ, ta bắt đầu bằng cách nhìn. Với văn học, ta bắt đầu bằng việc đọc. Tôi e rằng, nhiều người quá chú tâm đến việc phân tích nghệ thuật đến nỗi họ không thực sự nhìn thấy nó. [12]
Chắc hẳn cách tốt nhất là xem hay nghe càng nhiều những kiệt tác được công nhận rộng rãi của nghệ thuật thế giới càng tốt, điều ấy sẽ trau dồi và tinh lọc cảm quan của bạn. Bạn sẽ tự nhiên học được cách phân biệt tác phẩm hay với tác phẩm dở.
Tiếp xúc với thứ nghệ thuật hạng hai hoặc hạng ba, sẽ không giúp bạn hiểu thứ nghệ thuật hạng nhất, nhưng nó sẽ dạy cho bạn thấy sự khác biệt. Con mắt phê phán của bạn sẽ xuất hiện. Đó là lý do tại sao bạn nên làm một nỗ lực để trải nghiệm thứ nghệ thuật hay nhất ngay từ đầu.
Bạn có thể thấy nghệ thuật lớn trong những cuốn sách, dĩ nhiên, nhưng nhìn cái thực, thì hoàn toàn khác. Nó là sự khác biệt giữa việc xem một tấm hình của một ai đó và con người bằng xương bằng thịt của người ấy. Nghệ thuật đích thực, văn hóa đích thực, sẽ làm giàu cá nhân, khích lệ việc tự biểu hiện, và mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, không liên quan gì tới danh vọng hay giàu sang. Nghệ thuật và văn hóa đích thực nuôi dưỡng cái tinh thần đó, chúng làm phong phú đời ta và làm cho nó thực sự đáng sống. Bởi vậy, sẽ là rất tuyệt vời, nếu bạn có thể tìm thấy thời gian để theo những lớp học – cả trong việc thưởng ngoạn nghệ thuật lẫn trong sáng tạo nghệ thuật – bởi vì chúng có thể làm tăng trưởng con người chúng ta.
[1] Hiện nay, do sự “xâm lấn” của TV, và nhất là Internet, việc đọc sách đã bị … “quên lãng” rất nhiều! Đây là một hiện tượng toàn cầu. Nhiều người đã tỏ ra quan ngại về sự sa sút của “văn hóa đọc.” Sự quan ngại đó là có cơ sở. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng phải thừa nhẫn rằng, trừ một thiểu số rất ít, đa phần các bạn trẻ hiện nay đều rất hiếm khi đọc sách [hay nếu có, thì đó cũng chỉ là một số sách chuyên môn cần thiết cho ngành nghề của họ]. Quả thực, sự suy thoái của văn hóa đọc – nhất là trong giới trẻ – là một hiện tượng rất đáng lo ngại!
[2] Bạn đã bao giờ thấy vui khi đọc được một cuốn sách hay? [Dĩ nhiên, không kể các sách chuyên ngành!] Nếu có, thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng, bạn đã có sự tăng trưởng trong đời sống nội tâm của bạn.
[3] Cầu mong cho bạn sẽ gặp được vài cuốn sách như vậy!
[4] Rất đúng! Nếu ta không chịu đọc sách, thì tư duy của ta thường hời hợt, thiếu cơ sở.
[5] Câu này không chỉ dành cho các bạn trẻ, mà còn dành cho những… lãnh tụ!
[6] George Santayana (1863-19520: Nhà thơ, triết gia Mỹ.
[7] Tự thị: [Self-important] Tự  cho là mình quan trọng hơn người khác.
[8] Đây là một nhận xét rất sâu sắc.
[9] Đây là một trong những tác dụng của nghệ thuật mà có lẽ ít ai ngờ tới.
[10] Nhận xét này rất đúng: Kinh tế và chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người, nhưng chính văn hóa và giáo dục mới là những lực lượng định hình một thời đại. Thêm vào đó, văn hóa và giáo dục có tác dụng rất lâu dài.
[11] Các bạn lưu ý: Có loại nghệ thuật đích thực, và loại nghệ thuật… “dỏm”! Các bạn cần phân biệt được hai loại đó! Hiện nay trên các phương tiện truyền thông đại chúng [sách báo, TV…]  đều cùng tồn tại hai loại “nghệ thuật” nói trên. Bên cạnh đó, dĩ nhiên cũng có những “thần tượng đích thực” và  những “thần tượng dỏm”! Có một câu cách ngôn phương Tây: “Hãy nói cho tôi biết, bạn giao du với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn là người như thế nào.” Cũng tương tự, ta có thể nói: “Hãy nói cho tôi biết thần tượng của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn là người như thế nào.” Do vậy, bạn hãy cẩn thận: Nếu “thần tượng” của bạn thuộc loại “dỏm,” thì bạn cũng có nguy cơ thuộc loại… “dỏm”!
[12] Nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận sự phân tích, phê bình văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu chú trọng quá nhiều đến việc phân tích mà bỏ quên cảm xúc hồn nhiên, thì không chừng, đó là cách tốt nhất để… giết chết nghệ thuật!
PHẦN V:LÀM VIỆC
41.CHỌN MỘT NGHỀ
Tôi bối rối không biết nên theo nghề nào.
Nhà thơ Nhật Bản Takuboku Ishii – thơ ông ông xuất hiện vào giai đoạn bước ngoặt của thế kỷ 20 – đã một lần viết bài thơ này, mà tôi ghi lại trong nhật ký khi tôi còn trẻ:
Ước gì tôi có một thiên chức
để thành tựu với niềm vui.
Một khi tôi đã chu toàn nó
tôi ước mong được chết.
Ông đang nói về sứ mệnh của ông, công việc mà vì nó ông sinh ra đời. Tuy nhiên, ít người đủ may mắn để biết sứ mệnh của họ ngay từ đầu. Tôi thường hay nghe những học sinh nói những điều như, “Bố mẹ tôi muốn tôi trở thành bác sĩ, nhưng tôi không chắc là tôi muốn làm cái gì,” hay, “Tôi đã muốn là một nhà báo, nhưng tôi không nghĩ rằng tôi có điều kiện để trở thành,” hay, “ Những chọn lựa của tôi thì bị giới hạn bởi vì những môn học mà tôi đã chọn,” hay, “Tôi không đặc biệt thích cái gì cả, nhưng tôi muốn nổi tiếng,” hay, “Hễ cứ gặp một người mới, là những giấc mơ của tôi lại thay đổi.” Một vài người cũng đã nói với tôi, “Đôi khi tôi đâm ra sợ hãi, bởi vì tôi không có ý niệm nào về cái tôi muốn làm trong tương lai.”
Ờ, đời thì dài. Kết quả thực thụ của những phấn đấu hằng ngày [của bạn] để tìm ra sứ mệnh của bạn, có thể nó sẽ không được tiết lộ ra với bạn cho đến khi bạn bước vào tuổi 40, 50, và 60. Do vậy, điều hệ trọng, là mỗi người trong các bạn tìm thấy một cái gì đó – bất luận là cái gì – để thử thách chính mình trong khi bạn còn trẻ. Hãy xem tuổi trẻ của bạn như là thời gian để học tập và rèn luyện bản thân.
Mỗi người có một sứ mệnh – hay mục đích – độc đáo mà chỉ riêng người ấy mới có thể chu toàn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên ngồi yên và không làm gì cả, đợi câu trả lời đến với bạn,  hay đợi một ai đó nói với bạn nó là cái gì. Bằng cách thử thách chính mình, sau cùng, bạn sẽ có thể tự mình khám phá ra sứ mệnh của bạn.
Bạn giống như một ngọn núi chôn giấu một viên ngọc quý. Viên ngọc quý ban đầu bị chôn sâu dưới đất. Và nếu nó không được mài giũa khi nó được đào lên, thì nó sẽ cứ mãi còn thô ráp. Thật đáng tiếc nếu cho đến hết đời, mà bạn vẫn chưa khai quật được viên ngọc bên trong của bạn. Bởi vậy, khi những bậc bố mẹ hay cô thầy bảo bạn nên học chăm chỉ, thực ra họ đang nói, bằng cách dấn thân vào trong lãnh vực mà bạn quan tâm, bạn có thể khai quật cái viên ngọc trong đời bạn và tìm thấy sự thỏa mãn bằng cách làm cho nó sáng lấp lánh.
Tính kiên trì là tối hệ trọng. Bạn không thể làm cho viên ngọc bên trong bạn chiếu sáng với những nỗ lực nửa vời.
Bạn có quyền quyết định loại công việc mà bạn muốn làm; những chọn lựa thì rộng mở. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, nhiều công việc đòi hỏi một trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trường lớp nào đó. Một số người bắt đầu làm việc ngay sau khi rời trung học, hoặc do tự chọn hoặc do hoàn cảnh gia đình. Những người khác đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, những người khác trở thành nội trợ, ở nhà chăm sóc gia đình. Một số người phấn đấu để trở thành công chức, và những người khác, [phấn đấu] để đạt năng lực kỹ thuật trong lãnh vực nào đó. Về cơ bản, có nhiều tùy chọn, tất cả trong số đó bạn đều có tự do chọn lựa.
Nếu bạn không thể quyết định loại công việc mà bạn muốn làm, tại sao không bắt đầu với công việc mà bạn kiếm được một cách dễ dàng, một cái gì đó mà bạn quen thuộc với? Bằng cách đó, bạn có thể đạt được kinh nghiệm thực tiễn và phát hiện ra cái mà bạn có sở trường. Trong bất cứ trường hợp nào, đừng lo lắng.
Kiếm một việc làm chỉ là khởi điểm trong việc khai mở cái năng lực của bạn; nó hoàn toàn không phải là mục đích cuối cùng. Không cần phải mất kiên nhẫn. Điều hệ trọng là bạn leo lên ngọn núi cuộc đời một cách vững chắc, mà không vội vàng và không bỏ cuộc.
Khi bạn quyết định cái mà bạn sẽ làm trong tương lai, hãy dũng mãnh tiến về phía trước một cách có chủ đích. Đừng nửa vời. Khi bạn theo đuổi một cái gì đó với quyết tâm mạnh mẽ, bạn sẽ không có gì phải hối tiếc ngay cả nếu rủi bị thất bại. Và bất luận bạn thất bại hay thành công, những nỗ lực đều đặn sẽ dẫn bạn tới con đường kế tiếp.
42.TÌM RA SỨ MỆNH CỦA BẠN
Làm thế nào tôi khám phá ra sứ mệnh của tôi trong đời?
Trước hết, tôi muốn lặp lại rằng, bạn sẽ không tìm ra nó bằng cách đứng im. Điều quan trọng là bạn thử thách chính mình trong một cái gì đó, bất luận là cái gì. Rồi, bằng cách nỗ lực đều đặn, kiên định, cái hướng mà bạn nên theo sẽ mở rộng ra trước mắt bạn một cách tự nhiên. Do vậy, thật quan trọng để mà tự hỏi mình:  tôi nên đang làm cái gì bây giờ, chính khoảnh khắc này?
Nói khác đi, cái chìa khóa của vấn đề, là leo lên ngọn núi nằm ngay trước mặt bạn. Trong khi bạn đi lên những sườn núi của nó, bạn sẽ phát triển những bắp thịt của bạn, tăng cường sức mạnh và sức chịu đựng của bạn. Sự rèn luyện như thế sẽ khiến cho bạn có thể thử thách với những ngọn núi cao hơn. Điều tối quan trọng là bạn tiếp tục làm những nỗ lực như thế.
Hãy trèo lên ngọn núi ở trước mặt bạn. Khi bạn lên tới đỉnh, những chân trời bát ngát sẽ trải dài ra trước mắt bạn. Từng chút một, bạn sẽ hiểu sứ mệnh của mình.
Những ai nhớ rằng họ có một sứ mệnh độc đáo, là những người mạnh mẽ. Bất luận những vấn đề của họ là gì, họ sẽ không bao giờ bị đánh bại. Họ có thể chuyển hóa tất cả những vấn đề của họ thành ra những chất xúc tác cho sự tăng trưởng hướng về một tương lai đầy hy vọng.
Mục đích của cuộc đời là leo lên một ngọn núi, rồi đối mặt với ngọn kế tiếp, và cứ tiếp tục như vậy. Những ai kiên trì và sau cùng thành công trong việc chinh phục ngọn núi cao nhất, họ là những kẻ chiến thắng trong cuộc đời. Ngược lại, những ai trốn tránh những thử thách như thế và đi theo lộ trình dễ dàng – đi xuống thung lũng – họ sẽ kết thúc trong sự bại trận. Nói một cách đơn giản, ta có hai lựa chọn trong đời: hoặc leo lên ngọn núi trước mặt mình hoặc đi xuống thung lũng.
43.TÀI NĂNG
Tôi cảm thấy mình tầm thường, như thể là tôi không có khả năng hay tài năng nào đặc biệt.
Điều đó không đúng. Vấn đề nằm ở chỗ là người ta tự giới hạn cái năng lực của mình. Mọi người đều có một loại năng khiếu nào đó. Có tài năng không chỉ đơn giản có nghĩa là bạn phải là một nhạc sĩ, nhà văn hay nhà điền kinh giỏi – có nhiều loại tài năng. Chẳng hạn, bạn có thể là một người nói chuyện tuyệt vời, kết bạn dễ dàng, hay có tài làm cho mọi người thoải mái dễ chịu. Hoặc bạn có năng khiếu về điều dưỡng, có tài kể chuyện khôi hài, bán hàng hay tiết kiệm. Có thể là bạn luôn đúng giờ, kiên nhẫn, đáng tin cậy, nhân ái hay lạc quan. Có thể bạn yêu những thử thách mới, hoặc tận tụy cho hòa bình, hoặc mang lại niềm vui cho người khác.
Như Nicheren đã nói, mỗi người trong chúng ta thì độc đáo như một bông hoa anh đào, hoa mận, hay hoa lan. Mỗi bông hoa thì tuyệt vời một cách độc đáo; bởi vậy, mỗi bông hoa nở trong cách mà chỉ nó mới có thể nở.
Không nghi ngờ gì nữa, mỗi người có một tài năng bẩm sinh. Câu hỏi là: Làm thế nào bạn khám phá ra tài năng đó? Cách duy nhất là tự nỗ lực tới cùng giới hạn trong bất cứ cái gì ở phía trước bạn. Tiềm năng thực thụ của bạn sẽ hiện lên khi bạn dành hết mọi thứ mà bạn có cho việc học tập của bạn, cho những môn thể thao của bạn, những sinh hoạt ngoài chương trình của bạn, hay bất cứ cái gì mà bạn dấn thân vào.
Điều quan trọng là, bạn hãy tập thói quen tự thử thách mình cho tới hết giới hạn khả năng mình. Trên một phương diện nào đó, những kết quả mà bạn đạt được thì không quan trọng. Những điểm số thực sự mà bạn nhận được tại trung học, chẳng hạn, sẽ không quyết định phần còn lại của đời bạn. Nhưng cái thói quen tự thúc đẩy mình tới cùng giới hạn, không sớm thì muộn sẽ mang lại hoa trái. Nó sẽ phân biệt bạn với kẻ khác một cách không sai chạy. Nó sẽ khiến cho tài năng của bạn tỏa sáng.
44.VIỆC LÀM PHÙ HỢP
Tôi nên tìm kiếm cái gì khi cố tìm công việc phù hợp?
Tsunsaburo Makiguchi, vị chủ tịch đầu tiên của Soka Gakkai, nói rằng có 3 loại giá trị: cái đẹp, cái lợi, và cái thiện. Trong lãnh vực lao động, thì việc tìm một chỗ làm mà bạn thích,  tương ứng với giá trị về cái đẹp; có một công việc đem lại tiền lương mà có thể chu cấp cho cuộc sống hằng ngày của bạn thì tương ứng với giá trị của cái lợi; giá trị của cái thiện có nghĩa là tìm một công việc có thể giúp những người khác và đóng góp vào xã hội.
Không mấy ai có thể tìm thấy công việc hoàn hảo ngay từ đầu. Một số người có thể có một công việc mà họ thích, nhưng nó không mang lại lợi ích vật chất; hoặc, công việc của họ có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng họ ghét nó. Đôi khi, đó là cách những sự việc diễn ra. Một số người cũng phát hiện ra rằng, họ đơn giản không được sinh ra để làm cái nghề mà họ đã mơ ước.
Vị cố vấn tinh thần của tôi, Josei Toda, nhấn mạnh rằng, điều tối quan trọng là: trước tiên, bạn phải trở nên một nhân vật cần thiết không thể thiếu, bất cứ nơi nào mà bạn có mặt. Thay vì than vãn rằng, công việc đó không đúng với cái mà bạn đang muốn làm, ông nói, hãy trước hết, hãy trở thành một cá nhân hạng nhất ở công việc đó. Điều này sẽ mở ra lối đi dẫn đến giai đoạn kế tiếp trong đời, và trong giai đoạn đó bạn cũng nên tiếp tục làm việc hết sức. Những nỗ lực liên tục chắc chắn sẽ đưa bạn tới một công việc mà bạn thích, nó nuôi sống bạn, và cho phép bạn đóng góp vào xã hội.
Rồi, khi sau này bạn nhìn lui, bạn sẽ thấy tất cả những nỗ lực của bạn đã trở thành những tài sản quý giá như thế nào đối với lý tưởng của bạn. Bạn sẽ nhận thức rằng, không có nỗ lực và khó khăn nào của bạn đã bị uổng phí.
45.ĐỔI NGHỀ
Nếu ban đầu ta theo đuổi một ước mơ, nhưng rồi đổi ý, và muốn theo một con đường khác, thì sao?
Cái đó hoàn toàn không sao cả. Chỉ có một ít người sau cùng làm được cái mà họ đã hoạch định hay mơ được làm, từ lúc ban đầu.
Trong trường hợp của tôi, tôi đã muốn trở thành một phóng viên nhật báo, nhưng do sức khỏe kém, tôi không thể theo đuổi nghề đó. Hôm nay, tuy vậy, tôi trở thành một nhà văn.
Có một dạo tôi làm việc cho một công ty xuất bản. Vì tại đó quá ít nhân viên, tôi phải làm việc rất vất vả – nhưng, vì thế, tôi đã có được nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Sau chiến tranh, tôi làm việc cho một cơ sở nhỏ khác, nhưng cái kinh nghiệm đó đã cho tôi một cơ hội để thực sự nhìn vào chính mình. Khi nhìn lại, thì mọi sự thuở đó rất có giá trị với đời tôi hiện nay. Điều quan trọng là tự phát triển chính mình trong tình huống hiện tại của bạn và kiểm soát sự tăng trưởng của bạn.
Một khi bạn đã quyết định làm một công việc nào đó, tôi hy vọng rằng, bạn sẽ không là loại người dễ dàng bỏ việc khi gặp một trở ngại bé nhỏ, hay luôn cảm thấy bất an  và ưa than vãn. Tuy nhiên, nếu sau khi bạn đã dành cho nó tất cả, bạn quyết định rằng, công việc này không phù hợp với bạn và tiếp tục thay đổi, thì cũng không sao cả.
Tìm một chỗ đứng trong xã hội, là một thử thách; để sống còn, là một cuộc phấn đấu. Nhưng dù bạn ở đâu, đó chính xác là nơi mà bạn cần phải có mặt; bởi vậy, hãy phấn đấu ở đó, tới mức tốt nhất của khả năng bạn.
Một cái cây không cao lên và trở nên mạnh mẽ trong một hai ngày. Cũng tương tự như vậy, những người thành đạt, họ phải mất nhiều thời gian mới có được sự thành đạt, chứ không chỉ sau một vài năm. Điều này áp dụng cho mọi sự.
46.KHÔNG LÀM VIỆC
Nếu được chọn lựa, tôi thích đừng phải làm việc hơn.
Một số người xem lao động như là một công việc vặt vãnh không thú vị, mà họ phải làm để kiếm tiền chi tiêu cho những sinh hoạt nhàn rỗi của họ. Nhưng một nhân vật trong tác phẩm Dưới Đáy, của Maxim Gorky,  đã nói, “Khi lao động là một thú vui, đời là một niềm vui! Khi lao động là một bổn phận, đời là một sự nô lệ.” Thái độ của bạn đối với công việc – ngay cả công việc học hành của bạn ở đại học – chi phối một cách quyết định chất lượng đời bạn.
Một người bạn của tôi, giáo sư triết học quá cố David Norton, đã có lần nói:
“Nhiều sinh viên bị vướng trong khái niệm rằng, mục đích duy nhất của nghề nghiệp là kiếm tiền, rằng hạnh phúc có nghĩa là có tiền để thoả mãn những dục vọng của họ. Nhưng bởi vì những dục vọng này là vô hạn, họ sẽ không bao giờ có thể cảm thấy thỏa mãn. Hạnh phúc thực thụ được tìm thấy trong chính công việc. Qua công việc, ta có thể phát triển, hiện thực hóa mọi tiềm năng của mình, và đem ra ngoài cái giá trị độc đáo vốn nằm bên trong – và chia sẻ cái giá trị đó với xã hội. Công việc mang lại niềm vui – niềm vui đến từ việc sáng tạo ra một cái gì đó có giá trị.
Ông nói đúng. Công việc của một ngươì cần phải mang lại hạnh phúc cho người khác. Cuộc đời là thực sự tuyệt vời khi bạn được cần đến ở một nơi nào đó. Đời sẽ tẻ nhạt và trống rỗng biết bao, nếu chỉ vì ta có những phương tiện, mà ngày nào ta cũng chỉ theo đuổi những trò giải trí nhàn rỗi, và không làm gì khác nữa.
47.KIẾM TIỀN
Tôi nên quan tâm như thế nào với lương tiền?
Nhất là với những người trẻ, điều hệ trọng là đừng đặt quá nặng về mức lương. [1] Bên cạnh làm việc hết sức mình ở nơi mà bạn đang làm, tốt nhất là có cái tinh thần của câu nói này, “Tôi sẽ làm nhiều hơn so với mức lương!” Đây là cách mà bạn có thể tự rèn luyện mình.
Dĩ nhiên, có lương cao thật là tốt, nhưng 100 Mỹ kim kiếm được qua công việc vất vả và nỗ lực, là một kho bằng vàng– trái lại, ăn cắp Mỹ kim hay thu được nó qua những phương tiện phi pháp, thì không có giá trị gì hơn là rác rưởi hay phân động vật. Đồng tiền ăn cắp hay trấn lột là dơ bẩn. Nó sẽ không mang đến hạnh phúc. Như một câu cách ngôn, “của phù vân để ngoài ngõ.” Những quan chức chính phủ mà đã một lần có uy tín lớn, nhưng bị bắt quả tang nhận hối lộ, họ phải sống phần đời còn lại của mình trong ô danh, bị liệt vào hàng tội phạm.
Sau cùng, hạnh phúc lớn nhất thì được tìm thấy trong việc dốc hết sức mình – với lòng tự tin và sự khôn ngoan – tại nơi làm việc,  như là một thành viên gương mẫu của xã hội, làm việc chăm chỉ để đạt tới một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc của gia đình bạn. Những ai làm như thế, là những kẻ chiến thắng trong đời.
48.LÀM VIỆC VÌ CHÍNH NGHĨA
Có phải làm việc cho một lý tưởng cao cả thì tốt hơn là chỉ có một chỗ làm nào đó?
Có nguyện vọng hiến mình cho một lý tưởng vì con người,  xiển dương quyền con người và hành động dựa trên ước muốn làm việc cho hạnh phúc và an vui của kẻ khác, đó thực sự là một hoài bão đáng ca ngợi.
Tuy nhiên, nó không hề có nghĩa là bạn không thể đóng góp vào nền hòa bình và sự cải thiện xã hội nếu bạn không ở trong một nghề nghiệp hay tổ chức đặc biệt. Trong khi tôi đánh giá cao bất cứ ai làm việc cho một hội từ thiện hay trở nên một kẻ tình nguyện, [tôi biết] có nhiều người phấn đấu cho hòa bình trong khả năng khiêm nhường của riêng họ.
Tôi đã gặp nhiều người như thế, giống như Rosa Parks, người mẹ của phong trào dân quyền Mỹ, bà là một người bán hàng trong một cửa hàng may mặc; sau đó, bà khởi xướng cuộc tẩy chay xe buýt nổi tiếng tại Montgomery, Alabama, vào năm 1955. Và Adolfo Pérez Esquivel của Argentina, một nhà điêu khắc và kiến trúc sư, người đã đoạt giải Nobel Hòa Bình về những hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Điều chính yếu, là tự hào về công việc mà bạn làm, sống trung thực với chính mình. Hoạt động là một tên gọi khác của hạnh phúc. Cái quan trọng, là bạn để cho những tài năng độc đáo của bạn được tự do biểu hiện; rằng bạn sống với sự toả sáng trọn vẹn của hiện hữu mình. Sống một cách đích thực  có nghĩa là như vậy.
[1] Trong câu này, cần nhấn mạnh chữ “quá.” Có nghĩa, mức lương cũng quan trọng, nhưng đừng quá” chú trọng đến nó và đặt nó lên ưu tiên hàng đầu. Chẳng hạn, nếu có thể chọn giữa một công việc có lương rất cao, nhưng không phù hợp với khuynh hướng và sở thích của bạn, và một công việc có lương tương đối thấp hơn, nhưng lại phù hợp với khunh hướng và sở thích của bạn, thì bạn  nên chọn công việc thứ hai. Bạn cũng nên biết, nếu phải làm một công việc mà bạn cảm thấy chán, bạn sẽ dễ bị stress; nếu lâu ngày, thì stress sẽ gây ra nhiều bệnh tâm thần – đó là điều mà các nhà tâm lý học đã khẳng định với những bằng chứng cụ thể, khoa học.
PHẦN V:ƯỚC MƠ &  MỤC ĐÍCH
49.NHỮNG GIẤC MƠ LỚN
Đôi khi, những ước mơ của tôi có vẻ như không thể nào thực hiện được.
Đó là điều có thể hiểu được. Cố vấn tinh thần của tôi, ông Toda, đã một lần bảo tôi, “Việc giới trẻ nâng niu những giấc mơ mà có vẻ như hầu như quá lớn, là hoàn toàn tốt đẹp.  Cái mà chúng ta có thể thành tựu trong một kiếp người, luôn luôn là một mảnh nhỏ của cái mà ta muốn thành tựu. Bởi vậy, nếu bạn khởi hành với những hy vọng quá nhỏ bé, thì, có thể, sau cùng bạn sẽ không thành tựu được gì cả.”
Dĩ nhiên, nếu bạn không làm những nỗ lực nào, thì những giấc mơ của bạn sẽ không đưa lại cái gì ngoài những mộng tưởng đơn thuần. Nỗ lực, sự làm việc chăm chỉ, cái đó là chiếc cầu nối những giấc mơ của bạn với thực tại. Những ai nỗ lực đều đặn, họ sẽ ngập tràn hy vọng. Và hy vọng, đến lượt nó, khởi sinh từ những nỗ lực không ngừng. Hãy ôm giữ những giấc mơ của bạn, và tiến về phía trước càng xa càng tốt. Hãy khởi hành bây giờ, trong khi bạn còn trẻ.
50.ĐẠT TỚI TIÊU ĐIỂM
Tôi không chắc về cái mà tôi muốn làm với đời tôi. Làm thế nào tôi có thể trở nên tập trung hơn?
Mặc dù không chắc chắn về tương lai của bạn, đó là điều tự nhiên; song điều hệ trọng, là bạn hãy cố đạt được một cái gì đó – bất cứ cái gì. Ý nghĩ về cái đó có thể gây cảm giác bị tràn ngập. Nhưng như một câu châm ngôn cổ xưa, “ Cuộc hành trình một vạn dặm bắt đầu với một bước đi đơn lẻ.” Việc khám phá ra những cùng đích và những giấc mơ của chúng ta bắt đầu với bước đầu tiên: quyết định tìm kiếm chúng. Từ đó, ta tiến hành từng bước một – nhích dần từng chút qua những nỗ lực hằng ngày.
Ngôi sao chạy bộ Emil Zatopek của Tiệp Khắc, người đoạt giải cuộc đua Marathon Olympic dành cho nam vào năm 1952, thấy sự luyện tập của mình quá vất vả, đến nỗi nhiều lúc anh ta thường nhủ thầm, “Mình chỉ cần chạy tới được tới cái cột điện kế tiếp.” Rồi, khi tới đó, anh ta lại tự nhủ thầm, “Ồ, mình chỉ cần tới được cái cột điện kế tiếp,” và tự đẩy mình xa thêm một chút nữa. Những nỗ lực kiên trì này, để tự thách thức mình, sau cùng dẫn anh đến thắng lợi.
Bởi vậy, hãy làm một cái gì đó! Hãy bắt đầu một cái gì đó! Trong khi nỗ lực kiên trì, bạn sẽ bắt đầu thấy những mục đích của bạn hiện như là tiêu điểm. Bạn sẽ khám phá ra sứ mệnh của bạn – cái sứ mệnh mà chỉ riêng bạn mới có thể chu toàn.
Thật là quan trọng, chẳng hạn, để phát triển những kỹ năng trong những lãnh vực mà bạn ưa thích. Cái chìa khóa là có một cái gì đó mà bạn có thể tự hào về, một cái gì đó mà bạn sẵn sàng thử thách. Nó có thể là việc xuất sắc trong toán học, một ngoại ngữ, một môn thể thao, một hoạt động ngoài chương trình, kết bạn hay làm công việc tình nguyện. Những người xung quanh bạn thường biết bạn nhiều hơn bạn tự biết mình. Do vậy, nếu bạn có đủ dũng cảm để hỏi xin lời khuyên của họ, thì bạn có thể tìm thấy những cánh cửa dẫn vào những khả tính mới, mở ra một cách không mong đợi.
Người có những mục đích vững chắc, là người ở phía trước rất xa so, với người không có mục đích nào. Đặt ra những mục đích, là khởi điểm mà từ đó bạn bắt đầu kiến tạo đời bạn. Cho dù những mục đích của có bạn thay đổi trong khi bạn bước đi, thì chúng cũng không kém phần quan trọng. Tuổi trẻ là thời gian phấn đấu để phát triển và tự định hình mình, một thời để thử thách và rèn luyện về mặt tâm linh, tri thức, và thể lực.
Một nền tảng vững chắc là cốt tủy cho mọi sự. Không có tòa nhà nào có thể đứng được, nếu không có một nền móng. Trong cuộc đời, điều tương tự cũng đúng. Và thời gian để xây dựng cái nền móng đó là bây giờ, trong tuổi trẻ của bạn. Như nhà văn Pháp Romain Rolland đã ghi nhận rằng, một kim tự tháp không thể được xây từ chóp xuống.
51.ĐỦ TRÍ LỰC
Nếu tôi không đủ trí lực để thực hiện những giấc mơ của tôi, thì sao?
Người ta nói rằng, tối đa chúng ta chỉ dùng khoảng ½ trong số những tế bào não của ta trong suốt đời ta. Vài học giả thậm chí còn chủ trương rằng, chúng ta chỉ dùng dưới 10% trong số chúng. Nói khác đi, hầu như không có ai dùng bộ não của mình đến hết tiềm năng của nó.
Tôi cũng đã nghe nói rằng, bộ não tiếp tục tăng trưởng cho đến những năm đầu của tuổi 20. Về mặt đó, thì ta phát triển trí năng của ta được bao nhiêu trước độ tuổi 20,  việc ấy sẽ ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của đời ta – mà việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của những năm niên thiếu của ta.
Dĩ nhiên, toàn bộ tương lai ta không tùy thuộc vào những điểm số của ta tại trường, cũng như những con điểm tốt của ta không tự động bảo đảm hạnh phúc, và những con điểm tồi không chắc là sẽ đưa tới sự bất hạnh.
Bạn không được phép tự hạ thấp chính mình. Tiềm năng con người là một điều kỳ diệu. Nếu bạn tự nhủ thầm rằng, bạn không đủ trí lực, thì bộ não của bạn sẽ thực sự trở nên lười biếng. Thay vào đó, hãy tự nhủ với xác tín rằng, “Bộ não của tôi đang ngái ngủ bởi vì tôi hầu như không sử dụng nó. Do vậy, nếu tôi chỉ cần làm một nỗ lực nào đó, tôi có thể làm bất cứ điều gì.” Trong thực tế, điều này đúng. Bạn càng sử dụng bộ não của mình, bạn càng trở nên thông minh hơn.
52.HÃY ĐI THEO TIẾNG GỌI TRÁI TIM BẠN
Đôi khi tôi đâm ra bối rối giữa cái mà những người khác muốn cho tôi và cái tôi muốn cho chính mình.
Nhiều lần bố mẹ – hay bạn hữu có thiện ý – có thể cố thuyết phục bạn đặt ra một mục đích mà với nó bạn không cảm thấy thoải mái. Mặc dù họ có thể có trong trí những điều mà bạn quan tâm nhất – và rất cần phải biết cám ơn họ và xem xét cái mà họ nói – nhưng bạn phải lắng nghe trái tim của chính bạn.
Điều quan trọng nhất, là bạn có thể hiện thực hóa những tiềm năng của bạn tới mức nào, và bạn có thể đóng góp bao nhiêu vào hạnh phúc của kẻ khác. Để làm điều này, bạn phải rèn đúc một cá tính mạnh mẽ. Bạn cần xây dựng cho mình một nền tảng và trở nên mạnh mẽ.
Bạn có thể nói rằng, bạn muốn có một gia đình hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không phải được đặt xuống cho bạn trên một cái đĩa. Bạn sẽ trở nên hạnh phúc chừng nào bạn phát triển được một cái “lõi nội tâm” (inner core) mạnh mẽ. Bạn có thể nói rằng, bạn muốn trở thành một người nhân ái, nhưng để thể hiện lòng nhân ái thực thụ, bạn phải mạnh mẽ.
Thật là quan trọng, nếu bạn nếm trải niềm vui có được do sống với những nguyện vọng tươi mới, và thường xuyên tăng trưởng, trong khi bạn phấn đấu để thực hiện những giấc mơ và những mục đích mà bạn đã quyết tâm theo đuổi. Nói khác đi, ta phấn đấu để đạt tới cái bản ngã tốt đẹp nhất của mình khi theo đuổi một mục đích vốn cho phép ta phát triển viên mãn và tận dụng cá tính độc đáo của ta.
Ta có thể sống một cuộc sống viên mãn khi ta làm việc để tiến về một mục đích lớn. Lãnh tụ chính trị và tinh thần của Ấn Độ, Mahatma Gandhi, là một tấm gương tuyệt vời. Khi còn là cậu bé, Gandhi rất hay cả thẹn. Luôn bị ám ảnh bởi những tên trộm, những bóng ma, và những con rắn tưởng tượng, ông không thể ngủ mà không để đèn sáng. Hướng nội, luôn lo lắng rằng người ta sẽ trêu cợt mình, ông phấn đấu để thóat khỏi nó trong nhiều năm, và đã gặp nhiều thất bại. Và tuy thế, như chúng ta đã biết, Gandhi tiếp tục con đường của mình, và trở thành lãnh tụ vĩ đại của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, và cũng là biểu tượng toàn cầu cho việc đạt tới hòa bình bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động.
53.ĐỪNG BAO GIỜ BỎ CUỘC                                      
A. Một đôi khi, tôi thật khó mà tiếp tục bước đi khi vấp phải quá nhiều trở ngại.
Nếu có những giấc mơ lớn, bạn sẽ không bị bị chao đảo bởi những cú va vấp nhỏ trên đường. Ngay cả khi bạn chịu một thất bại, nếu bạn có thể giữ những mục đích của mình,  thì bạn vẫn có thể có những lý do để không bỏ cuộc. Hãy tiếp tục tiến lên, cho dù nhiều lúc bạn cảm thấy, “ Tôi không thể đi xa hơn được nữa.”
Sự “bại trận” trong đời là gì? Nó không chỉ đơn giản là phạm một sai lầm; bại trận có nghĩa là bỏ cuộc giữa khó khăn. Thành công thực thụ trong đời là cái gì? Thành công thực thụ có nghĩa là chiến thắng trong cuộc chiến với chính bạn! Những ai kiên trì trong sự theo đuổi những giấc mơ của mình, bất luận những rào cản nào, là những kẻ thắng cuộc trong đời, bởi vì họ đã khắc phục được những nhược điểm của họ.
Từ chối đứng lên có nghĩa là bại trận. Những kẻ chiến thắng thực thụ, là những người đứng lên mỗi lần họ ngã xuống.
Bạn tôi, Orlando Cepeda, là một vận động viên bóng chày xuất sắc, nổi tiếng trong nhiều năm, chơi chủ yếu cho San Francisco Giants. Vào năm 1958, anh là vận động viên trẻ xuất sắc của năm; và năm, 1967, là vận động viên xuất sắc của hiệp hội bóng chày quốc gia. Anh đạt thành tích tổng cọng 379 home run [1] và được chọn 11 lần để chơi trong  trận đấu toàn ngôi sao (all – star game).   Anh là một trong những cầu thủ “đáng gờm” nhất trong những hiệp hội bóng chày có đẳng cấp vào những năm ’60. Mọi người đã nghĩ rằng, anh sẽ vào được Nhà Danh Dự (The Hall of Fame). [2] Nhưng sau khi giải nghệ,  có một bước ngoặt đã đưa anh tới chỗ tồi tệ. Anh bị bắt vì tội sử dụng ma túy
Bạn không thể vào Nhà Danh Dự chỉ đơn giản bằng cách có một kỷ lục bóng chày siêu đẳng. Phẩm chất, nhân cách cũng được xem xét trong quá trình bình chọn và xét duyệt. Sau khi bị bắt giữ, Orlando hoàn toàn bị bỏ quên bởi hội đồng xét duyệt của Nhà Danh Dự.
Vào năm 1982, một người bạn giới thiệu tư tưởng của Nichiren cho anh. Một thử thách mới bắt rễ trong đời anh khi anh học cách đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ từ bỏ những giấc mơ của mình. Anh không chỉ dốc sức vào việc thay đổi đời riêng của mình, để trở thành tốt hơn, mà còn giúp những người trẻ bắt đầu lại đời mình. Anh không bao giờ đánh mất ước mơ sẽ vào được Nhà Danh, nhưng cái lý do đằng sau nó đã thay đổi. Anh muốn vào trong Nhà Dan Dự như là một tấm gương để động viên người khác cải thiện đời mình. Orlando kết giao với nhiều bạn và có nhiều đóng góp cho The Giants như là một loại đại sứ thiện chí, nhất là anh khuyến khích nhiều cầu thủ trẻ thuộc khối Latin. Những nỗ lực kiên trì  của anh để cải thiện đời mình được công nhận bởi Hội Đồng Nhà Danh Dự – hội đồng này gồm một nhóm chủ yếu là những nhà báo thể thao, cầu thủ bóng, và ủy viên chấp hành các đội bóng – và vào năm 1999, anh được vẻ vang có tên trong Nhà Danh Dự.
B. Tôi có thể nói gì với những bạn tôi, họ bỏ cuộc khi đối mặt với một vấn đề?
Trước hết, bạn có thể động viên họ rằng, nếu họ biết vấn đề [khó khăn] của họ là cái gì, thì họ đã đi được nửa đường trong việc giải quyết nó.
Người ta có khuynh hướng thiếu ý chí. Đi theo con đường ít trắc trở nhất, đó là bản chất con người. Một phương pháp mà bạn có thể gợi ý cho những ai thiếu ý chí hay động cơ nội tại,  là mỗi lúc hãy tập trung trên một nhiệm vụ – nó có thể là bất cứ cái gì – và bám theo nó cho đến khi họ đã tuyệt đối thoả mãn rằng, họ đã làm hết sức mình. Bước đầu tiên dẫn đến bước kế tiếp.
Cuộc đời là một cuộc đấu tranh trường kỳ với chính mình. Nó là một trò kéo co giữa việc tiến về phía trước hay quay lại phía sau, giữa hạnh phúc và bất hạnh. Những cá nhân xuất chúng, họ không trở nên vĩ đại qua một đêm. Họ tự đặt mình vào kỷ luật để vượt qua những nhược điểm, khắc phục sự thiếu nhiệt tình và thiếu động lực cho đến khi họ trở thành những kẻ chiến thắng thực thụ trong đời.
54.CỦNG CỐ QUYẾT TÂM CỦA BẠN
Tôi cảm thấy có sự giảm sút trong quyết tâm và sự sốt sắng làm việc chăm chỉ của mình.
Bất cứ ai mà đã từng làm một quyết tâm,  thì họ cũng dễ thấy rằng, sức mạnh của lòng quyết tâm đó phai nhạt đi với thời gian. Cái khoảnh khắc mà bạn cảm thấy sự quyết tâm của mình bị sa sút, hãy làm một quyết tâm mới. Hãy tự nhủ thầm, “Không sao, mình sẽ khởi đầu lại từ bây giờ!” Nếu bạn ngã xuống 7 lần, hãy đứng dậy lần thứ 8 để tiếp tục. Đừng bỏ cuộc khi bạn cảm thấy nản chí – hãy đơn giản tự vực mình lên và làm mới quyết tâm của bạn. Quyết tâm của ta đôi khi có thể chao đảo, nhưng điều quan trọng là ta không đâm ra nản chí và bỏ cuộc mỗi lần như vậy. Nhận thức rằng mình đã trở nên lười biếng, là bằng chứng rằng ta đang phát triển.
55.TẦM QUAN TRỌNG 
CỦA LÒNG DŨNG CẢM
Đôi khi tôi sợ phải theo đuổi điều tôi muốn.
Lòng dũng cảm là rất quan trọng. Việc ta có lòng dũng cảm  hay không,  có một ảnh hưởng rất to lớn trên tương lai đời ta. Người có lòng dũng cảm là người hạnh phúc.
Nói thẳng ra với một người bạn mà bạn cảm thấy họ đã phạm một sai lầm, giúp một người đang gặp khó khăn, thậm chí nêu những câu hỏi trong lớp – những điều này có vẻ như chỉ là những điều vặt vãnh, nhưng thực ra, chúng rất hệ trọng. Những điều nhỏ bé cũng có tầm quan trọng của chúng. Tuy vậy, cái có vẻ như là một hành vi dũng cảm bé nhỏ, cũng là lòng dũng cảm. Điều quan trọng là sẵn lòng đi một bước về phía trước.
Nếu người lớn có những vấn đề, thì giới trẻ cũng vậy. Chừng nào mà ta còn sống, ta sẽ đối mặt với đủ loại vấn đề. Nhưng bất luận cái gì xảy ra, ta chỉ đơn giản phải sống với lòng dũng cảm và dũng mãnh tiến lên, luôn hướng về tương lai. Không ai có thể thóat khỏi những thực tế của đời thường. Cuộc đời và thế giới mà ta đang sống, giống như một biển cả bão táp; ta phải làm con đường của mình qua đó, bị va đập bởi bởi đủ loại kinh nghiệm. Đây là một phần không thể tránh của số phận con người..
Tất cả chúng ta đều có những hy vọng và ước mơ của riêng ta, cách sống của riêng ta, những lý tưởng và niềm vui riêng, những nỗi khổ, những nỗi đau, phiền muộn của riêng ta. Cho dẫu những giấc mơ của ta có tuyệt vời đến mấy đi chăng nữa, những lý tưởng của ta có cao cả mấy đi chăng nữa, những niềm hy vọng của ta có lớn mấy đi chăng nữa, thì, sau cùng, ta cần lòng dũng cảm để biến nó thành một hiện thực – khi đối mặt với những khổ đau và trở ngại. Bất luận cái gì xảy ra, ta phải tiếp tục sống, và tiếp tục làm việc để tiến về phía những lý tưởng và những mơ ước của mình. Những ý tưởng hay những kế hoạch lớn nhất của ta, lòng từ bi vô biên của ta đối với người khác – tất cả những điều này sẽ không đi tới đâu, trừ phi ta có lòng dũng cảm đưa nó vào hành động. Không có hành động, thì như thể là chúng chưa bao giờ hiện hữu.
Những người dũng cảm là những người có sức mạnh để dũng mãnh tiến về phía trước, một cách trầm tĩnh băng qua những thăng trầm của đời, và tiến một cách vững chắc về chóp đỉnh của những mục đích và ước mơ mà họ đã chọn. Lòng dũng cảm là một tài sản hùng mạnh. Những ai thiếu dũng cảm, sẽ đi lạc khỏi con đường đúng đắn và ngã quỵ trước sự vô cảm, tính tiêu cực và những lối đi có tính hủy hoại. Họ chạy trốn khó khăn, chỉ tìm cách sống cuộc đời tiện nghi dễ dãi. Do vậy, những ai thiếu lòng dũng cảm, sẽ không thể tận tụy cho hạnh phúc của người khác, cũng như không thể tự cải thiện mình, hay thành tựu cái gì quan trọng hay bền vững. Có thể nói, cái đầu máy của họ đã bị hỏng.
Nhà thơ Goethe của Đức tuyên bố rằng, mất tài sản và thanh danh thì không quan trọng, bởi vì bạn luôn có thể bắt tay vào việc thu hồi lại chúng; trái lại, mất lòng dũng cảm  là mất hết mọi thứ. Trong một bài thơ nhan đề, “Zahme Xenien VIII”, ông viết:
Tài sản bị mất – mất ít!
Chỉ tự mình phản tỉnh
Và kiếm những cái mới.
Danh dự bị mất – bị mất nhiều!
Chỉ cần kiếm một danh tiếng tốt
và người ta sẽ đổi cách nhìn của họ.
Lòng dũng cảm bị mất  -  mất tất cả!
Tốt hơn, thà đừng bao giờ được sinh ra đời.
Nếu bạn huy động lòng dũng cảm của bạn để thử thách một cái gì đó, bạn sẽ không bao giờ hối tiếc. Sẽ buồn biết bao, nếu bạn trải qua đời mình, với niềm mong ước, “Ước chi tôi đã có thêm một chút dũng cảm.” Bất luận cái kết quả như thế nào, điều quan trọng là đi một bước về phía trước trên con đường mà bạn tin là đúng. Không cần phải lo lắng về những gì mà kẻ khác có thể nghĩ về bạn. Dù thế nào đi nữa, đó là cuộc đời của bạn. Hãy sống thực với chính mình.
Triết gia và nhà thơ Đức thế kỷ thứ 18 Friedrich Schiller đã nói, “ Những ai mạnh mẽ khi đứng một mình, họ có lòng dũng cảm thực thụ.” Tôi đã trân quý những lời đó từ khi tôi còn trẻ.
Mù quáng đi theo đám đông thì thật là sai lầm. Đi theo một cái gì đó mà không có suy nghĩ chín chắn, chỉ vì mọi người đang làm nó, dẫn đến sự lười biếng và sự vô cảm tinh thần. Và cái đó thật là nguy hiểm.
Chúng ta không được phép để cho mình bị dẫn đi lạc lối. Không bao giờ ta được phép từ bỏ sự cam kết của ta với hòa bình, lòng mong ước học hỏi và lòng yêu nhân loại của mình. Đưa những lý tưởng này vào thực hành và quảng bá chúng rộng ra những người khác, là một hành vi dũng cảm. Lòng dũng cảm nằm sâu bên trong chúng ta. Chúng ta phải huy động nó từ đáy sâu của đời mình.
56.DŨNG CẢM & LÒNG TỪ ÁI
Một cách chính xác, lòng dũng cảm là gì?
Chúng ta có thể tìm thấy biểu hiện của lòng dũng cảm trong nhiều lãnh vực của nỗ lực con người, như dũng cảm để tham gia vào một cuộc mạo hiểm; dũng cảm để đạt thành tích xuất sắc trong thể thao, nhưng đây chỉ là một khía cạnh của lòng dũng cảm. Thực hiện những trò nhào lộn liều lĩnh hay là một chiến binh, là một kiểu dũng cảm rất khác với cái mà ta đang nói tới. Một sự trình diễn nguy hiểm, có thể trông giống như sự dũng cảm, nhưng nó không có nền tảng đạo đức nào cả. Sự bạo động thể xác là thiếu trí tuệ, thiếu sự ân cần với người khác và [thiếu] tinh thần hợp tác, là những cái cốt yếu cho mọi con người. Nó hoàn toàn xa lạ với cái mà con người nên phấn đấu để đạt tới.
Dũng cảm là sức mạnh để sống đời mình theo cách đúng đắn, đi theo con đường đúng. Nó có thể mang nhiều hình thức – chẳng hạn, nghĩ về cách tốt nhất để đạt tới hòa bình cho đất nước và thế giới,  và rồi hành động để làm cho điều đó thành hiện thực. Đó là lòng dũng cảm sinh ra từ niềm xác tín. Hay nghĩ về cái mà bạn có thể làm để góp phần vào hạnh phúc của nhân dân và rồi làm việc để đạt tới mục đích đó. Đó là lòng dũng cảm của tình yêu nhân loại. Trên cương vị là một bậc bố mẹ hay một thầy (cô) giáo, khám phá ra cái mà bạn có thể làm cho những đứa trẻ mà bạn có trách nhiệm phải chăm sóc, và rồi thực hiện nó; hay, nghĩ về cách làm thế nào bạn có thể hỗ trợ bằng hữu của mình và theo đến cùng – đó là lòng dũng cảm không phô trương  của đời sống hằng ngày.
Loại dũng cảm quan trọng nhất, là lòng dũng cảm được cần đến để sống tốt mỗi ngày. Thí dụ, dũng cảm để học chăm chỉ hay để tạo lập hoặc nuôi dưỡng tình bạn tốt, bền vững – loại dũng cảm này hướng đời ta theo một hướng tích cực. Loại dũng cảm này có thể không hào nhoáng, nhưng nó thực sự quan trọng.
Những người đang có vị trí nổi bật, trong ánh đèn mầu, những người luôn có vẻ như đang làm những điều lớn lao, quan trọng, thì không luôn luôn dũng cảm. Và không cần phải nói rằng, chiến tranh [3] và áp bức không phải là những hành động dũng cảm,  mà là của sự hèn nhát.
Những ai mà không có lòng dũng cảm, họ dễ trở thành những kẻ ăn cắp, áp bức, giết người và gây thương tật, đe dọa con người bằng vũ khí, khiêu chiến. Họ làm những điều xấu ác bởi vì họ là những kẻ hèn nhát. Sự hèn nhát thì nguy hiểm. Lòng dũng cảm chân chính có nghĩa là thực hiện những hoạt động công chính và lợi lạc; nó có nghĩa là sống một cách lương thiện. Đây là loại dũng cảm quý giá nhất.
Về cơ bản, dũng cảm là một vấn đề của lòng kiên nhẫn. Niềm mong ước của người mẹ muốn nuôi con lớn lên thành người tốt, bất luận khó khăn nào bà phải làm để thực hiện nó, là một hình thức dũng cảm cao thượng. Phía bên kia của lòng dũng cảm, là lòng từ bi. Chúng là hai mặt của một đồng tiền. Dũng cảm chân chính thì luôn được hỗ trợ bởi lòng từ bi; không có gì xấu ác hay nham hiểm đằng sau nó. Nếu có một ý định xấu nào, bạn có thể chắc rằng, nó không phải là lòng dũng cảm thực thụ. Một tình cảm của người mẹ dành cho con mình, là một thí dụ hoàn hảo của lòng dũng cảm và lòng từ bi.
Và thực ra, nếu ta hành động với lòng dũng cảm, ta thấy rằng lòng từ bi của ta dành cho kẻ khác thực sự trở nên sâu sắc hơn. Lòng dũng cảm là đức hạnh tối hậu cần phấn đấu để đạt tới.
PHẦN VII:LÒNG TỰ TIN
57.GIỮ HY VỌNG
Đôi khi tôi cảm thấy quá vô vọng và bi quan. Tôi phải làm gì để tăng cường lòng tự tin của mình?
Trước hết, xin hiểu rằng đời thì dài! Bây giờ mọi sự có ra sao, thì nó cũng sẽ không kéo dài mãi mãi. Cho dù bạn có những vấn đề, cho dù bạn đã phạm những sai lầm hay làm những điều mà bạn hối tiếc, thì toàn bộ tương lai của bạn vẫn nằm phía trước bạn. Đừng lo lắng quá về mọi trở ngại hay vấn đề. Trên hết, đừng tuyệt vọng hay bị ngã gục do sự thiếu kiên nhẫn của bạn.
Không có cái gì là vô vọng cả. Sai lầm tệ hại nhất mà bạn phạm phải khi còn trẻ, là từ bỏ một ước mơ, không dám tự thử thách mình vì sợ thất bại. Quá khứ là quá khứ và tương lai là tương lai. Hãy tiếp tục tiến về phía trước, nhắm vào mục tiêu và tự nhủ thầm, “Mình sẽ khởi sự từ hôm nay!”, “Mình sẽ bắt đầu lại từ khoảnh khắc này!” Hạnh phúc trong đời không tùy thuộc vào việc mọi sự tiến hành tốt đẹp ra sao trong tuổi trẻ của bạn. Bất luận bạn phạm bao nhiêu sai lầm, bạn luôn luôn có một cơ hội khác. Hãy nuôi tham vọng và tiếp tục phấn đấu tiến về tương lai. Nếu bạn không vui với những kết quả của bạn tại trung học, hãy cố hết sức tại đại học. Nếu kết quả tại đại học cũng không thỏa mãn bạn, vẫn còn hy vọng sau khi tốt nghiệp, trong khi bạn tự thử thách mình ở cương vị là một thành viên tích cực của xã hội. Thành công thực thụ trong đời, nó sẽ không tự phát lộ ra cho, đến khi bạn tới tuổi 40 hay 50. Nếu bạn gặp những thất bại trên đường đời, hãy tiếp tục với một tinh thần chiến đấu ở độ tuổi 40, 50, 60 và 70.
Kinh nghiệm của tôi sau hơn 27 năm, đã dạy cho tôi nhận thức được một cách rõ ràng những khuôn mẫu con người (human pattern), mà từ đó, sự chiến thắng hay chiến bại được quy định.
Nhiều trong số những người nổi tiếng nhất trong lịch sử, họ không hề có dấu hiệu xuất chúng trong tuổi trẻ của họ. Người ta biết rõ rằng, Winston Churchill đã gặp nhiều thất bại tại trường. Mahatma Gandhi cũng không phải là một học sinh xuất sắc; ông có tính rụt rè, lại diễn thuyết dở.
Bởi vậy, đừng quá nghiêm khắc với chính mình. Bạn vẫn còn trẻ – một công trình đang diễn tiến và vẫn còn đang phát triển. Phát triển và cải thiện, là một quá trình tuyệt vời. Hãy chỉ đơn giản tiếp tục tiến lên một cách ngoan cường, để tìm con đường của bạn về phía trước, mặc dù sự khổ và nỗi đau: khổ đau là một phần của tuổi trẻ và quá trình trưởng thành của bạn. Thật vậy, đó là cách duy nhất để phát triển.
Điều quan trọng là đừng mất hy vọng. Mất hy vọng, về một phương diện, cũng giống như sống trong mùa đông của tâm hồn. Nhà thơ lãng mạn Shelley đã nói, “Nếu mùa đông đến, thì có thể nào mùa xuân còn ở xa đằng sau?” Cho dẫu mùa đông có dài và khắc nghiệt tới đâu chăng nữa, mùa xuân luôn đến theo sau. Đây là quy luật của vũ trụ, quy luật của sự sống.
Điều tương tự cũng đúng với chúng ta. Giả sủ rằng, ta đang chịu đựng một mùa đông vô tận, thì chúng ta cũng không được phép từ bỏ hy vọng. Bao lâu mà chúng ta có hy vọng, thì mùa xuân vẫn đang ở gần. Nó nhất định sẽ đến.
Mùa xuân là mùa nở hoa. Tất cả mọi sự có một vẻ đẹp độc đáo riêng và một sự phát triển riêng. Mỗi người có một sứ mệnh riêng, cá tính riêng, và cách sống riêng. Thật quan trọng để nhận ra chân lý đó và tôn trọng nó. Đây là trật tự tự nhiên của vạn hữu. Đó là cách mà thiên nhiên làm việc trong thế giới của những loài hoa – và trong thế giới của con người – những loại hoa khác nhau nở hoa một cách hòa điệu trong sự phong phú đa dạng và đẹp đẽ của chúng.
58.TIỀM NĂNG THỰC THỤ
Tôi thường hay so sánh mình với người khác và cảm thấy nản lòng.
Vâng, những người trẻ thường rơi vào thói quen này. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều sau đây: Đừng tự so sánh bản thân mình với những người khác. Hãy sống thực với con người của bạn và tiếp tục học tập với tất cả sức lực của bạn. Cho dù bạn bị chế nhạo, cho dù bạn chịu những thất vọng và thất bại, hãy tiếp tục tiến lên và không ngã gục. Khi bạn phát huy nghị lực và có cái quyết tâm mạnh mẽ, tức là bạn đã đi được nửa đường tới chiến thắng. Thay vì tự so sánh mọi niềm vui và nỗi sầu của bạn với người khác, hãy tập trunng vào việc vượt qua những hạn chế của bạn trong tình huống hiện thời của bạn. Những ai có thể thực hiện được điều này suốt cuộc đời, họ là những kẻ chiến thắng thực thụ, những thiên tài thực thụ.
Khi bạn giữ vững những niềm tin của bạn và sống thực [4] với chính mình, thì nhân phẩm và giá trị của bạn sẽ tỏa sáng. Khái niệm về “hiện thực hóa tiềm năng bẩm sinh của bạn” nói đến cá tính được tinh lọc nhất của bạn. Nói khác đi, nó có nghĩa là, làm hiển lộ bản chất thực của bạn và trở thành ngọn lửa soi sáng cho đời.
59.ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ
Khi tôi đối mặt với những vấn đề, sự chạy trốn đôi khi có vẻ như là giải pháp dễ dàng nhất.
Dĩ nhiên, bạn có thể chạy trốn. Bạn có tự do làm như vậy. Nhưng đó là một tự do rất nhỏ, rất tí hon. Nó chỉ đưa tới một cuộc sống rất khó khăn, một cuộc sống mà trong đó bạn sẽ bất lực, yếu đuối và hoàn toàn thất chí.
Tuy nhiên, bên cạnh sự “tự do” này, còn có một tự do lớn hơn. Tiểu thuyết gia Nhật Eiji Yoshikawa viết, “ Nhân cách lớn được rèn qua gian nan.” Chỉ bằng cách tự mài giũa mình qua những khó khăn lặp đi lặp lại, mà bạn có thể dựng xây một bản ngã lấp lánh, chói sáng như viên ngọc. Khi bạn đã phát triển một trạng thái hiện hữu như vậy, sẽ không có gì làm bối rối bạn. Bạn sẽ tự do. Bạn sẽ chiến thắng. Sự gian nan, thậm chí, sẽ trở nên thú vị . Dám chấp nhận những thử thách cam go – cái đó tự thân nó đã là một tự do bao la.
Tự do là tương đối. Bạn có thể chạy trốn công việc và những khó khăn, tự tuyên bố mình là một tâm hồn tự do, nhưng bạn không thể chạy khỏi chính mình – khỏi những nhược điểm, nhân cách và số phận của chính bạn. Nó giống như cố chạy trốn cái bóng của chính bạn. Càng không thể chạy khỏi sự khổ của lão, bệnh, tử, vốn có trong số phận con người. Bạn càng cố tránh gian nan, chúng càng theo đuổi bạn một cách ngoan cố, giống như những con chó săn đuổi theo sau gót chân bạn. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn nên quay đầu lại và đối mặt trực diện với những rắc rối của bạn. Muốn mọi sự tuyệt đối tiến hành theo cách của mình, đó là điều bất khả. Thực ra, nếu không có những trở lực mà cuộc đời đưa lại, thì chắc hẳn ta sẽ không biết là tự do có giá trị như thế nào.
Bạn nên sống tuổi xuân của bạn như hoa hướng dương quay mặt về phía mặt trời. Như là một mùa của sự tăng trưởng, tuổi trẻ là một thời của cả niềm vui lớn lẫn nỗi khổ lớn. Nó đầy rẫy những vấn đề và những lo lắng đủ loại. Nhưng thay vì chạy trốn chúng, chìa khóa là hãy tiếp tục tìm kiếm mặt trời, thách thức nỗi đau và nỗi thống khổ, vì khổ đau là một phần của việc trưởng thành.
Đừng bao giờ đầu hàng trước thất bại. Để cho một hạt giống nẩy mầm, nó phải huy động một nỗ lực khổng lồ để bứt ra khỏi cái vỏ bọc cứng của nó. Cái mầm đó phải dũng cảm nỗ lực xuyên qua lớp đất dày, để vươn lên tiếp xúc với bầu trời xanh trên cao. Những gian lao mà bạn trải qua bây giờ, sẽ góp phần vào sự tăng trưởng của bạn. Bởi vậy, điều quan trọng là tiếp tục dũng mảnh tiến về phía trước, bất luận con đường có trở nên gian khổ và đau đớn đến mấy đi chăng nữa.
Tuổi trẻ là thời gian để phát triển một tinh thần kiên trì. Và những ai tiếp tục phấn đấu cho sự cải thiện, họ sẽ mãi thanh xuân, bất kể họ là ai. Ngược lại, những ai không làm như vậy, thì cho dù họ đang ở tuổi thanh xuân, sẽ vẫn là những kẻ già nua và yếu đuối trong tâm hồn.
Đời là một chiến trường, bạn phải chiến đấu để chiếm được sự tự do tối hậu và vô hạn. Ta nên sử dụng những xu hướng tiêu cực và những khổ đau như là bệ phóng để đạt tới hạnh phúc, để tự rèn đúc đời ta, tiến về một trạng thái tự do bao la.
60.HÃY PHÁT TIẾT TINH HOA CỦA BẠN
Tôi không thích nhân cách của tôi. Có thay đổi được không?
Nhiều người tin rằng nhân cách được quy định bởi số phận hay di truyền, và chúng ta không thể thay đổi gì nó được. Sự thực là, hầu hết mọi người đều đau khổ về một mặt nào đó của nhân cách mình. Nhưng bạn phải nhận thức rằng, chỉ đơn giản lo lắng về những vấn đề của bạn, sẽ không thay đổi được gì. Khi bạn nhận biết về những thiếu sót của bạn, bạn sẽ bắt đầu biết cách kiểm soát chúng và thay đổi hành vi của mình.
Thật vậy, nhân cách của con người rất đa dạng. Có một kho từ vựng để mô tả những nét nhân cách và tính cách. Người ta nói rằng, tiếng Anh có tới 18 ngàn danh từ và tính từ mô tả tính cách.
Không ai có nhân cách hoàn hảo cả. Tất cả chúng ta, không có ngoại lệ, đều có những khuyết, nhược điểm. Không thể tránh được, bạn sẽ không thích những mặt nào đó của nhân cách mình. Nhưng thật rồ dại khi bị ám ảnh bởi những cảm tưởng như thế và đâm ra tự ghét mình, hay cảm thấy mình bất xứng. Điều này chỉ ngăn cản sự tăng trưởng của bạn mà thôi.
Sự hướng nội không khiến cho người ta bất lực, cũng y như tính nóng nảy, dễ nổi cáu không khiến cho người ta trở thành vô dụng. Thí dụ, sự rụt rè của một người có thể được chuyển hóa thành những phẩm chất quý giá như tính thận trọng và sự khôn ngoan,  trong khi sự thiếu kiên nhẫn có thể khiếu người ta hoàn tất công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ta nên sống đúng với bản chất của mình. Bởi vậy, cho dù nhân cách căn bản của ta có thể khó thay đổi, ta có thể có những nét tích cực của nó.
Nhân cách của bạn giống như một dòng sông. Tại một điểm nhất định nào đó, những bờ của dòng sông thì hơi bị cố định. Cũng cách tương tự, cá tính của một người không thay đổi nhiều. Nhưng chất lượng của nước trong dòng sông có thể thay đổi. Nó có thể cạn hay sâu, bị ô nhiễm hay trong sạch, có nhiều cá hay không có cá. Trong khi dòng sông của ta không thể trở nên một loại sông hoàn toàn khác, ta có thể, qua làm việc chăm chỉ, thanh tẩy nó để nhiều loại cá sẽ vui sướng bơi trong nó.
Tính cách của ta không quy định hạnh phúc hay bất hạnh của ta. Đúng hơn, chính bản chất của đời ta và cách mà ta đã sống, mới là cái quyết định hạnh phúc của ta. Mục đích của giáo dục, cũng như tất cả nỗ lực của ta hướng về sự tự cải thiện và phát triển, là phát huy cái bản chất đó. Đó là mục đích của cuộc đời. Một dòng sông chảy quanh co, nhưng không bao giờ ngừng chảy. Đây là cái cách vận hành tự nhiên của sự vật. Tương tự như vậy, nếu bạn nỗ lực liên tục, thì nhân cách của bạn sẽ cải thiện dần dần, vững chắc. Chìa khóa là tiếp tục tiến về phía trước và không bao giờ ngừng lại.
Tất cả mọi dòng sông, bất luận những khác biệt của chúng, đều chảy không ngừng và không yếu đi – để , sau cùng, ra tới biển. Nếu chúng ta cũng tiếp tục nỗ lực kiên trì, rốt cục chúng ta sẽ tới đại dương hạnh phúc của chúng ta và kẻ khác. Ta sẽ nếm được mùi vị của tự do vô biên và hiện thực hóa tiềm năng của chính mình, trong khi ta cổ xúy và động viên cá tính của người khác.
Điều quan trọng, là làm mọi sự mà bạn có thể làm. Bạn sẽ ngạc nhiên hơn bất cứ ai trước mức độ thành tựu của bạn. Bạn sở hữu tiềm năng vô hạn như thế.
61.TỰ NHIÊN & DƯỠNG DỤC
Có phải con người của chúng ta thì bị quy định bởi gene, môi trường, hay cả hai?
Tôi nghĩ rằng, đó là một tổng hợp, một chút của cả hai. Và, dĩ nhiên, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên chủ đề này. Tuy nhiên, về cơ bản, chúng ta là kiến trúc sư đời riêng của  mình. Quan trọng hơn, là biết rằng chúng ta là kiến trúc sư cho phần còn lại của đời mình.
Từ “tính cách” (character) phát sinh từ chữ “charakter”, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “khắc chạm” hay “gây ấn tượng trên.” Từ một quan điểm khoa học, nhân cách và cấu tạo thể xác có thể bị quy định – ở chừng mực nào đó – bởi những gene di truyền. Nhưng chỉ biết chừng đó thôi, thì sẽ không thay đổi được gì. Điều quan trọng là ta làm gì để tự cải thiện mình.
Hiện tại và tương lai là những cái quan trọng. Đó là lý do tại sao những cái mà ta làm ngay bây giờ, thì lại  quan trọng đến như vậy. Nhân cách cũng được những nhà tâm lý học nhìn bằng nhiều cách khác nhau. Một quan điểm nhìn nhân cách như những vòng tròn đồng tâm. Bản chất cơ bản nhất của ta nằm tại cái “lõi” của ta. Xung quanh nó [cái lõi] là nhân cách cơ bản được hình thành suốt thời thơ ấu bởi thói quen và tập quán. Bao quanh cái vòng tròn đó, là cái phần mà ta tạo lập ra để đương đầu với những hoàn cảnh khác nhau.
Mặc dù cốt lõi của nhân cách ta có thể giữ nguyên không thay đổi, những khía cạnh khác đôi khi có thể thay đổi, nhiều đến mức những người xung quanh ta có thể nhận xét rằng, ta có vẻ như đã trở thành một người hoàn toàn khác. Trong bất cứ trường hợp nào, ta phải sống thực với chính mình. Ta phải theo con đường của ta và cố hết sức mình để đóng góp vào xã hội. Giáo dục trang bị cho ta cái mà ta cần để làm điều đó.
62.CHUYỂN NGHIỆP[5]
Chuyển nghiệp có nghĩa là gì? Há chẳng phải là mọi thứ đều bị tiền định hay sao?
Luật nhân quả nhấn mạnh khái niệm “nghiệp.” Nguyên lý này giải thích rằng, cuộc sống vào khoảnh khắc này bị chi phối bởi những quả tích lũy của những nhân được tạo ra trong quá khứ. Cái ta làm, cái ta nói, và cái ta nghĩ đều là những nguyên nhân. Cái khoảnh khắc mà ta làm một cái gì đó, nói một cái gì đó hay nghĩ một cái gì đó, một hiệu ứng được ghi lại trong đáy sâu của bản thể chúng ta. Rồi, khi gặp những hoàn cảnh thích hợp, hạt giống ấy trở nên hiển lộ. Những nét nhân cách thì được kết nối mạnh mẽ với nghiệp của ta. Điều đáng mừng là, không giống như định mệnh, nghiệp của ta có thể được thay đổi bởi những nhân mà chúng ta gieo từ khoảnh khắc này trở đi. Thực vậy, sự luyện tâm cơ bản là để liên tục chuyển đổi nghiệp của mình.
Ta có thể cải thiện một cách đáng kể tình huống hiện tại của mình, bằng cách làm một quyết tâm mạnh mẽ để tạo những nhân tốt hơn, từ nay về sau. Ta không cần phải tuyệt vọng, bởi vì tất cả những nhân tốt của ta sẽ, qua thời gian, mang lại một cải thiện đáng kể trong hoàn cảnh của ta.
63.NHÌN VƯỢT LÊN NHỮNG LỖI LẦM
Làm thế nào tôi có thể tập trung trên những ưu điểm thay vì trên những lỗi lầm của tôi?
Những người hay phê phán chính mình, thường lo lắng về điều này – nó là dấu hiệu của một tính cách chân thành, đáng ngợi khen.
Thật khó mà nhìn chính mình một cách khách quan. Nhưng, hãy nhớ rằng, không ai chỉ có lỗi lầm hay chỉ có những điều tốt đẹp. Tất cả chúng ta có cả hai. Do vậy, ta nên phấn đấu để phát triển và trau dồi những phẩm chất  tích cực. Trong khi chúng ta phấn đấu như vậy, những thiếu sót sẽ dần giảm đi cho đến khi chúng không còn hiển lộ  nữa.
Có lẽ bạn có thể hỏi một ai đó mà biết rõ bạn – một  một người bạn, bố mẹ hay anh em – xem là theo họ nghĩ, thì bạn có những ưu điểm nào cần phát triển. Tôi chắc là họ sẽ kể tên nhiều phẩm chất đáng ngưỡng mộ. Cũng vậy, nếu một ai đó thân thiết (gần gũi) với bạn chỉ ra những lỗi lầm của bạn, thay vì trở nên bị xúc phạm hay bực bội, sẽ lợi lạc cho bạn, nếu lắng nghe một cách trầm tĩnh và khách quan những điều họ nói, và nỗ lực để xem nó như là sự phê bình xây dựng. Một khi bạn có được một chỗ đứng trong xã hội, sẽ không có nhiều người trung thực như vậy với bạn.
64.HÀNH XỬ VỚI SỰ CHỈ TRÍCH
Tôi thật khó mà không nghĩ về những điều làm đảo lộn tôi – nhất là khi tôi cảm thấy bị chỉ trích hay bị hạ nhục.
Tính nhạy cảm là một nét nhân cách. Trong tự thân, nó không tốt hay xấu. Nhưng nếu bạn có nét đó, bạn có thể biến nó thành tích cực.
Chẳng hạn, giả sử có một người bạn chỉ trích bạn, bạn có thể biến nó thành một điều tích cực, bằng cách nghĩ cặn kẽ về điều đã được nói, để sửa chữa một lỗi lầm có thể xảy ra. Tuy nhiên, bất luận người ta đã nói gì, thì chắc chắn đó không phải là một điều mà bạn cần phải lo lắng về. Nếu bạn cảm thấy bị tổn thương, hãy dành ra một khoảnh khắc để chúc mừng chính bạn về việc đã có năng lực tự phản tỉnh và chịu đựng sự nhục nhã. Những người thờ ơ với lời chỉ trích, thường hay bỏ mất cơ hội để tự cải thiện.
Cố vấn tinh thần của tôi, Josei Toda, đã dạy tôi về điều này, cho tôi thấy rằng, cách tốt nhất để tránh mất lòng tự tin hay rơi vào trong sự tuyệt vọng không cần thiết khi gặp sự chỉ trích, là học cách trở nên một người biết lắng nghe. Thay vì trở nên phòng thủ hoặc suy nghĩ ngay rằng đời bạn đã trở nên vô vọng, hãy tự khích lệ để phát triển bản thân. Hãy lắng nghe một cách chủ động, để tìm thấy những gì thực sự hữu ích.
Sau khi đã sàng lọc kỹ càng, để rút ra những lợi lạc có thể có, điều hệ trọng là bạn quyết tâm không ủ ê nghiền ngẫm về nó, hay rút lui vào trong cái vỏ ốc của mình.
65.TÍNH RỤT RÈ CẢ THẸN
Tôi quá rụt rè trong giao tiếp, và tôi không thích tự cưỡng bách chính mình.
Nếu bạn là kẻ ít nói, sao không làm một người lắng nghe tuyệt vời? Bạn có thể nói với những người khác, “Xin nói với tôi về chính bạn. Tôi muốn nghe mọi thứ về bạn.” Nếu bạn cố làm cho người ta nghĩ rằng, bạn là một cái gì đó mà bạn không là, thì việc phát ngôn không gì khác hơn là một sự tra tấn. Bạn đang như thế nào, bạn cứ sống thực như vậy. Hãy để cho người ta biết con người thật của bạn – mọi thứ, thậm chí cả những cái mụn cóc  của bạn.
Một số người có tật ưa nói nói lan man một cách vô tâm, mà không nói điều gì ra hồn cả. Hình như một ngưới ít lời, thì khi họ nói ra, lời nói của họ có nhiều thực chất và chiều sâu hơn một người mà nói ra chỉ để nghe giọng nói của chính mình! Một người hành động một cách nhanh nhẹn và hữu hiệu, thì đáng tin hơn nhiều, so với người chỉ toàn nói suông thôi.
Bạn ít nói hay nói nhiều, điều ấy không quan trọng nhiều cho bằng nội tâm của bạn có phong phú và có thực chất hay không. Nụ cười duyên dáng hay một cử chỉ hồn nhiên, nhỏ bé của một người với một trái tim phong phú, cho dù người ấy im lặng, sẽ “nói” một cách hùng biện nhiều hơn bất cứ lời nói nào. Và thường khi, những người như thế,  sẽ nói ra với thẩm quyền và sự tự tin vào khoảnh khắc hệ trọng.
Ta luyện tâm để chính mình trở nên hạnh phúc. Nhưng ta cũng luyện tâm vì hạnh phúc của những người khác. Điều này cho phép ta tiếp cận họ với lòng từ bi. Rồi, hoàn toàn tự nhiên, ta phát triển năng lực để nói – một cách tự do và tự tin – cái mà ta muốn nói.
66.SỰ NGƯỢNG NGÙNG BỐI RỐI
Tôi bị bối rối, dễ bị “khớp”, và tôi thường lo lắng về cái mà những người khác nghĩ về tôi.
Sự rụt rè và cả thẹn là dấu hiệu của một bản chất nhạy cảm, dịu dàng. Có lẽ bạn đã nghe nói về Eleanor Roosevelt, một trong những phụ nữ được kính trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong cuốn sách của bà, Học từ kinh nghiệm sống, bà viết, “ Nhìn về quá khứ, tôi thấy khi còn là một cô gái, tôi đã rụt rè và cả thẹn một cách bất thường ra sao. Bao lâu mà tôi để cho tính rụt rè cả thẹn của tôi thống trị, tôi bị tê liệt một nửa.”
Qua việc tự khép mình vào kỷ luật, bà Roosevelt khắc phục điểm yếu này. Giống như phần lớn những người có tính cả thẹn, bà luôn cảm thấy lo sợ cho chính mình; do vậy bà quyết tâm bẻ gãy những gông cùm này. Bằng cách liên tục thử thách chính mình, bà Roosevelt dần dần đạt được lòng tự tin. Bà đã có những biện pháp cụ thể nào? Hôm nay, những biện pháp tương tự sẽ giúp bạn.
Bà ngừng việc cố tạo một ấn tượng, ngừng bị ám ảnh bởi những điều mà những người khác nghĩ về bà. Thay vào đó, bà bắt đầu quan tâm đến sự an vui của người khác. Bà cũng hết lòng theo đuổi những sở thích của mình. Khi làm như vậy, bà học được rằng, người ta không hơi đâu mà chú ý cái mà những người khác đang làm;  và rằng, chú ý đến chính mình quá nhiều, đây thực sự là kẻ thù lớn nhất của ta. Sau khi nhận thức được điều này, sự ngượng ngùng bối rối của bà giảm bớt.
Thứ ba, bà nuôi dưỡng một cảm thức về mạo hiểm và một ước vọng được trải nghiệm cuộc đời. Bà duy trì một tinh thần linh hoạt để khám phá những cái mà đời ban tặng.
Điều quan trọng là, hãy đi cái bước đầu tiên đó. Việc dũng cảm vượt qua một nỗi sợ nhỏ, sẽ cho bạn lòng dũng cảm để đi bước kế tiếp.
Hãy vạch ra những mục đích. Dù mục đích nhỏ hay lớn, hãy làm việc để dần dần thực hiện chúng. Xin hãy nghiêm túc và tận tụy với những mục đích của bạn; bạn sẽ không đi tới đâu, nếu bạn xem nhẹ chúng. Một tinh thần tận tụy, nghiêm túc sẽ toả sáng như kim cương và làm xúc động lòng người. Đó là một ngọn lửa rực rỡ cháy bên trong.
Thật là vô lối nếu để bị dính kẹt trong cái vẻ bề ngoài. Nếu ta chân thành, người khác sẽ hiểu những ý định của ta, và những phẩm chất tích cực của ta sẽ tỏa sáng.
Hành động có nghĩa là như vậy. Nếu mục đích của bạn là bơi qua một đại dương mênh mông, mà bàn chân bạn đã cảm thấy lạnh trước khi thậm chí bạn phóng xuống nước,  thì bạn sẽ chẳng làm được gì. Thay vào đó, bạn cần tiến về phía trước, dán mắt vào cái đích của bạn ở đằng xa. Việc nhận thức muộn, sau khi sự việc đã xảy ra, có thể là quý giá, nhưng chấp nhận thất bại thậm chí trước khi bắt đầu, đó là tự đánh bại chính mình.
Nhà thơ Đức Goethe đã viết, “Người ta trở nên hiểu biết chính mình bằng cách nào? Không bao giờ bằng sự trầm tư, suy ngẫm, mà thật ra, chỉ bằng hành động. Hãy tìm cách làm bổn phận của bạn, và bạn sẽ biết ngay lập tức nó như thế nào với bạn.”
[1] (bóng chày): Một cú đánh đưa bóng lọt qua hàng phòng ngự  của đối phương, cho phép đồng đội ghi bàn.
[2] Nhà kỷ niệm tại thành phố New York (Mỹ), có những pho tượng bán thân để tôn vinh những người Mỹ danh tiếng trong một hoạt động đặc thù nào đó. Cứ 5 năm, lại có 5 cái tên được chọn đưa vào.
[3]  Ở đây, chắc hẳn tác giả muốn nói đến chiến tranh phi nghĩa, xâm lược.
[4] True to yourself. Ở đây, có lẽ tác giả muốn nói: hãy sống với “phần tốt đẹp nhất” của riêng mình, không cần bắt chước ai khác. Tuy nhiên, ta cần biết, “sống thực với chính mình” không phải là dễ. Bởi vì, trước hết, ta phải tìm hiểu để biết  “Ta là ai?” Đây là một vấn đề rất quan trọng, không thể nói trong một vài câu được. Bạn đã bao giờ đặt ra cho mình câu hỏi này chưa? Nếu chưa, thì bạn hãy thử đặt cho mình câu hỏi đó – vì đó là câu hỏi cơ bản mà bạn phải trả lời, và phải trả lời một cách cấp bách hơn cả! [Dĩ nhiên, không ai có thể trả lời một cách triệt để câu hỏi đó. Nhưng một khi đã đặt cho mình câu hỏi đó, thì ta mới có cơ hội tìm hiểu mình để hiểu mình hơn].
[5] Karma. Đây là một thuật ngữ của Phật giáo. Từ này có ý nghĩa rất sâu sắc và phong phú. Ở đây, tạm hiểu: Nghiệp là những hành động mà ta đã làm trong quá khứ và hiện tại, kể cả những ý nghĩ của ta…” Nghiệp vận hành theo nguyên lý nhân quả.
67.NHÌN NGƯỜI KHÁC MỘT CÁCH TÍCH CỰC
Phần lớn những bạn học của tôi và những người lớn mà tôi biết, đều có vẻ như ngớ ngẩn và sai lầm.
Sẽ tốt hơn nhiều, nếu tìm kiếm những ưu điểm trong người khác – bạn không gặt hái được gì từ việc chỉ trích những cái bất toàn của người khác.
Thật vậy, thật là hữu ích nếu mỗi ngày bạn bước lùi lại,  thậm chí một khoảnh khắc, và cố xem xét những tình cảm và những phẩm chất của những người khác, những kẻ mà bạn chỉ trích. Ta nên cầu nguyện cho cho hạnh phúc của những người mà, vì bất cứ lý do nào, không làm ta vừa lòng, làm ta tức giận, hay làm tổn thương ta. Thường khi, điều này không dễ dàng. Nhưng, ta nên tìm cách thấy mặt tốt đẹp của phần lớn mọi người.
Bởi vì bao lâu mà ta tiến về phía trước và tiếp tục phát triển, ta không thể không đối mặt với những vấn đề và những đấu tranh nội tâm. Ta không thể thay đổi hoàn cảnh và môi trường của ta – bao gồm cả những người xung quanh ta – nếu không thay đổi chính mình. Nếu ta tiếp tục tự thử thách mình mà không bỏ cuộc, thì dứt khoát ta sẽ trau dồi lòng khoan dung và tâm hồn rộng mơ, và nhờ đó mà trở nên hạnh phúc.
PHẦN VIII:LÒNG TỪ ÁI
68.QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC
Có vẻ như hiện nay người ta quá đê tiện với nhau. Ngay cả giữa những người cùng trang lứa với tôi, tôi thấy phần lớn trong số họ không quan tâm đến sự an vui của những người khác.
Cách người ta đối xử với người khác, nhất là những kẻ ít may mắn hơn, biểu lộ nhiều về tính cách. Một cử chỉ ân cần duy nhất, có thể để lại một ấn tượng không phai mờ.
Khi tôi vào khoảng 12 tuổi, tôi đi đưa báo. Tôi muốn làm bất cứ cái gì có thể để giúp gia đình, bởi vì  các anh trai tôi đã đi chiến đấu trong Thế Chiến II. Gia đình chúng tôi sống bằng nghề nuôi trồng rong biển; bởi vậy có nhiều công việc nhà, bắt đầu từ sáng sớm. Về sau, trong khi thị trấn còn đang ngủ, tôi thường ở trên lộ trình đi đưa báo. Tôi nhớ, là đã ngồi trên xe đạp trong gió lạnh căm căm, hơi thở phả ra thành những luồng khói trắng, những ngón tay tê cóng. Trên lộ trình đưa báo của mình, tôi hiếm khi thấy mặt ai trong những gia đình mà tôi đưa báo, nhưng trong một lần duy nhất mà tôi thấy, thì họ tỏ vẻ không thân thiện. Thậm chí, những con chó của họ thường gây khó khăn cho tôi.
Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên sự ấm áp và ân cần mà một đôi vợ chồng trẻ đã biểu lộ ra với tôi. Một hôm, người vợ trẻ đang mang một cái lò nấu bằng than đá vào trong hành lang để nấu cơm. Tôi chào buổi sáng và trao cho cô tờ báo. Chào tôi với một nụ cười ấm áp, cô cám ơn tôi và nhận xét rằng tôi luôn vui vẻ. Trao cho tôi một gói gồm những miếng khoai lang khô dày (một món ăn ưa thích của người Nhật), cô giải thích rằng, chúng đã được gởi đến từ thành phố quê hương của cô tại miền Bắc nước Nhật ngày hôm trước. Cô nói, “Cô hy vọng là cháu sẽ thưởng thức những lát khoai này” và gởi lời thăm hỏi đến bố mẹ tôi.
Vào một dịp khác, sau khi tôi đã hoàn tất việc đưa báo buổi chiều, đôi vợ chồng này mời tôi ở lại dùng bữa tối. Họ hỏi thăm về gia đình tôi. Tôi nói với họ về bố tôi, ông đã lâm trọng bệnh và nằm liệt giường. Người chồng, để động viên tôi, nói, “ Những người phấn đấu khi họ còn trẻ, thực sự là những người may mắn. Hãy học hành chăm chỉ và cháu sẽ đạt được những điều vĩ đại.” Mặc dù chuyện này xảy ra 60 năm về trước, nhưng lòng nhân ái và sự quan tâm to lớn mà họ bày tỏ với tôi vẫn khắc sâu trong tim tôi cho đến ngày nay.
69.LÒNG NHÂN ÁI ĐÍCH THỰC
Tôi cố gắng đối xử với người khác một cách công bằng. Phải chăng chừng ấy là chưa đủ?
Sự ân cần là một phẩm chất của trái tim. Từ “ân cần” trong ngôn ngữ Nhật được thành lập bởi những chữ tượng hình – gồm chữ “người” và “sự quan tâm.” Như thế, ân cần là quan tâm về người khác, cảm thông với họ nhất là khi họ đang phấn đấu chống lại nỗi buồn, nỗi đau và nỗi cô đơn. Những chữ tượng hình này cũng có thể có nghĩa là “vượt trội, xuất sắc.” Một người thực sự ân cần, một người hiểu trái tim một người khác, là một con người phi thường, một học viên danh dự của cuộc đời. Có mối quan tâm như thế đối với người khác là sống trong cách nhân đạo nhất. Nó là một dấu hiệu của một tính cách xuất chúng.
Tuy nhiên, có trái tim nhân ái không tương tự như ân cần. Ân cần có nghĩa là hành động dựa trên những tình cảm nhân ái của bạn. Điều ấy đặc biệt đúng khi sự bất công xảy ra. Thật vậy, chúng ta biểu lộ sự yếu đuối bằng cách không hành động vào một khoảnh khắc hệ trọng.
Ân cần có nghĩa là: khi một cá nhân càng đau khổ, càng nhiều khó khăn, thì tình yêu thương mà bạn bày tỏ với họ càng nhiều. Khi làm như vậy, ta có lòng dũng cảm để giúp nhau. Ân cần cũng có nghĩa là nhận ra sự bất hạnh của người khác đúng như nó là, cố gắng hiểu và chia sẻ nỗi khổ của người ấy. Điều này sẽ khiến cho bạn có khả năng phát triển bản thân và đồng thời giúp người khác trở nên mạnh mẽ. Ân cần thì có tính chủ động; đó là việc tự rèn luyện mình trong nghệ thuật khích lệ kẻ khác.
Điều quan trọng là không chỉ thông cảm hay thương hại người khác, mà còn phải hiểu những gì mà họ đang trải qua. Sự thấu cảm [1] là hệ trọng. Đôi khi sự thấu cảm của ta có thể cho người khác sức mạnh để tiến bước.
Nhiều người trân quý sự ân cần ở người khác và muốn bày tỏ sự ân cần, nhưng đồng thời, không muốn quá bị dính líu. Những người này đã có một ý tưởng sai lầm về bản chất của sự ân cần; họ cứ mãi giữ một khoảng cách an toàn để không làm tổn thương kẻ khác, hay không bị kẻ khác làm tổn thương. Nhưng, trái lại, ân cần có nghĩa là tự cho phép mình gần gũi với những người khác, trân quý và tôn trọng phẩm cách của mỗi người.
Tôi nhớ lại một câu chuyện về một thầy giáo tốt bụng, được tất cả học sinh của ông yêu quý. Khi được hỏi về khúc ngoặt quyết định trong đời ông, ông nói về một sự việc xảy ra từ thời thơ ấu của mình. Một mùa đông lạnh, một người mẹ và con gái của bà – họ họ biểu diễn trên đường phố để kiếm chút tiền độ nhật – đến nhà ông. Người mẹ chơi một cây đàn dây và hát trong khi đứa bé gái nhảy múa. Tuyết đang rơi nhẹ, và ông vừa về nhà từ cửa hàng, với một túi bánh ngọt. Ông ngồi ăn bánh trong khi xem hai mẹ con trình diễn. Khi bài ca chấm dứt, một cách hà tiện, ông cho đứa bé gái nửa cái bánh đang ăn dở.
Thấy vậy, bố ông giận dữ chạy tới bên ông và đánh đòn ông. Người cha quay sang hai mẹ con, cúi chào một cách lễ phép, và xin lỗi về sự thiếu hào phóng của con trai mình. Ông cũng nhất quyết yêu cầu con trai phải cúi đầu xin lỗi. Sau khi trao cho người mẹ và đứa bé gái những túi gạo nhỏ, ông lấy những cái bánh còn lại của con trai và trao cho bé gái.
Người cha muốn con trai mình hiểu rằng, tất cả mọi người đều bình đẳng và đáng trọng. Khi cậu bé lớn lên, cậu không bao giờ quên bài học này, và trở nên nổi tiếng về lòng nhân ái đối với người khác.
Tôi cũng nhớ lại vị chủ tịch của tổ chức của chúng ta, Tsunesaburo Makiguchi, người đã trở thành một vị hiệu trưởng nổi tiếng tại Tokyo. Khi ông còn là một thầy giáo tiểu học tại Hokkaido, trong những trận bão tuyết, ông thường đi ra ngoài để gặp những học sinh của mình khi chúng đến. Ông cũng luôn để sẵn nước nóng trong phòng học, dịu dàng nhúng những bàn tay lạnh cóng của lũ trẻ vào nước ấm và hỏi chúng, “Thế nào? Có đỡ lạnh không?”
Về sau, ông Makiguchi dạy học tại một trường nơi mà những học sinh đến từ những gia đình nghèo. Bên cạnh việc săn sóc 8 thành viên gia đình riêng của mình, trước khi rời nhà, ông thường chuẩn bị bữa ăn trưa cho những đứa trẻ đến trường mà không được ăn. Ông thường đặt thức ăn trưa tại một chỗ kín đáo, ở đó, những đứa trẻ nghèo có thể lấy thức ăn mà không cảm thấy ngượng ngùng..
Trái tim con người có năng lực để trở nên từ ái, và năng lực đó là rất lớn.
70.DŨNG CẢM GIÚP ĐỠ KẺ KHÁC
Nếu ta bị từ khước hay thậm chí bị chế nhạo vì cố giúp một ai đó, thì sao? Hoặc, nếu nhã ý đó lại khiến họ phật lòng, thì sao?
Chắc chắn ta không biết được là một người khác sẽ đáp ứng như thế nào. Đôi khi những ý định thành khẩn của bạn sẽ hoàn toàn bị từ khước, hay bạn có thể bị trêu chọc hay thậm chí bị chế nhạo. Dù vậy, hãy nhớ rằng nếu điều này xảy ra, thì quay lại giận người mà bạn đang cố giúp, cũng không có lợi cho ai cả. Để cho nỗi sợ hãi làm tê liệt bạn, cũng là điều dại dột..
Sau cùng, điều đáng kể là ý định của bạn. Xin bạn hãy có lòng dũng cảm đi theo những mách bảo của lương tâm mình, khi có dịp giúp đỡ kẻ khác. Đời bạn sẽ mở rộng, chỉ bao lâu mà bạn có hành động vì người khác, bất luận là họ có thể phản ứng như thế nào trước lòng tốt của bạn. Sự ân cần tương đương với sức mạnh; bởi vậy, bạn càng ân cần với người khác, bạn càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Tsunesaburo Makiguchi, vị chủ tịch đầu tiên của Soka Gakkai, không ưa thấy người khác chỉ đứng nhìn và không làm gì cả. Ông tin rằng người tốt mà nhát gan, không chiến đấu chống lại cái ác, thì sau cùng sẽ bị nó đánh bại. Ông Makkiguchi thường hay nói:
“Không làm điều tốt, thì có hiệu quả tương tự như làm điều xấu. Giả sử, một ai đó đặt một tảng đá lớn giữa đường lộ. Điều này là xấu ác, bởi vì nó sẽ gây rắc rối cho những ai đi qua. Rồi, một ai đó đi tới và thấy vật cản lớn đó, nhưng – ngay cả khi biết rằng nó sẽ gây khó khăn cho giao thông – vẫn cứ để nó ở đó với thái độ, “ờ, mình không đặt nó ở đây.” Điều này dường như là một đáp ứng vô hại, nhưng, thực ra, không di chuyển tảng đá, là đang gây ra sự bất tiện cho những người qua đường tương lai, tác dụng cũng xấu như việc đặt nó lúc ban đầu.
Phần lớn mọi người đều có một tia lửa của hơi ấm hay lòng nhân ái trong trái tim họ. Không ai sinh ra đời mà có trái tim lạnh. Nhưng nếu, khi thời gian trôi qua, người ta chôn vùi hơi ấm của họ sâu trong tim mình vì sợ bị tổn thương, họ sẽ trở nên lạnh lùng và khô cứng. Một cách tương tự, những ai vị kỷ và nghĩ rằng mọi người khác đều chống lại họ, sẽ có khuynh hướng tự vũ trang với sự chai lì vô cảm hay tính tự phụ. Hành vi như thế là hành vi thiếu nhân tính.
71.BÀY TỎ SỰ ÂN CẦN CỦA BẠN
Cách tốt nhất để giúp người khác là gì?
Điều hệ trọng là niềm mong ước chân thành muốn nhìn thấy người khác hạnh phúc. Và đó là một điều mà mỗi ngày ta nên nỗ lực để đạt tới. Ông Miiguchi thường phân loại hành vi tốt đẹp thành 3 loại: hành vi nhỏ, vừa và lớn. Điều này cũng áp dụng cho sự ân cần: nhỏ, vừa và lớn.
Giả sử rằng bạn có một người bạn thường xuyên cần tiền. Biếu tiền cho bạn hữu là một hành vi của cái tốt nhỏ, còn giúp bạn hữu tìm một chỗ làm, là một hành vi của cái tốt vừa.
Nếu bằng hữu của bạn đang đau khổ do sự vô trách nhiệm và lười biếng, thì cả một món quà lẫn một chỗ làm, cả hai đều không giúp ích được gì. Số tiền sẽ bị phung phí, và chắc chắn người bạn đó sẽ mất việc do những thói quen tiêu cực của mình. Cái tốt lớn, trong trường hợp này, có nghĩa là giúp người đó đối mặt và nhổ bật rễ cái bản chất lười biếng, là một nguồn gốc gây ra sự khổ của người bạn đó – nói cách khác, biểu dương và giúp vào việc truyền đạt một hệ thống niềm tin đúng.
Chúng ta đều biết rằng, chỉ làm việc để riêng bản thân mình có hạnh phúc, là chưa đủ. Không ai trong chúng ta có thể hạnh phúc trọn vẹn, nếu những người khác xung quanh ta đang vùng vẫy phấn đấu. Bởi vậy, sự ân cần và quan tâm nhất mà ta có thể làm, là chia sẻ những lời dạy bổ ích với người khác.
Thường khi, những nỗ lực để làm cái tốt lớn dễ bị hiểu lầm. Không nghi ngờ gì, cả bạn nữa, cũng có thể gặp một sự oán giận nào đó khi bạn cố giúp một ai đó một cách quá ân cần. Nhưng, mặc dù những nỗ lực của bạn có thể không được trân trọng ngay bây giờ, bao lâu mà bạn hành động với sự chân thành tối đa, sau cùng, người ta sẽ tin cậy bạn. Chẳng sớm thì muộn, họ sẽ thật sự biết ơn về tình yêu thương, lòng nhân ái và hành vi ân cần to lớn mà bạn đã bày tỏ ra với họ.
72.TIẾP CẬN ĐỜI NGƯỜI KHÁC
Tôi muốn là loại người mà thực sự có thể tiếp cận đời người khác bằng cách nào đó.
Sự cao cả của một người được biểu lộ qua lòng từ ái đối với người khác. Lòng nhân ái và sự ân cần với người khác cọng hưởng với cả khái niệm về từ bi của Phật giáo lẫn khái niệm cốt lõi của Kytô giáo về  tình yêu. Nhìn từ một viễn cảnh rộng hơn, chúng ta hiện hữu ở đây là nhờ hơi ấm, lòng nhân ái và sự hỗ trợ không chỉ của những người xung quanh ta, mà còn của mọi sự trên Trái Đất này và trong toàn vũ trụ.
Tất cả mọi sinh vật – hoa, chim, mặt trời, đất – nâng đỡ lẫn nhau trong một bản giao hưởng đẹp đẽ của sự sống. Từ sự ra đời của hành tinh này hơn 4 tỷ năm về trước, hình thức sự sống này theo sau hình thức sự sống kia đã được thai nghén và nuôi dưỡng. Cuộc sống con người là một phần của cái chuỗi tiến hóa đó. Nếu tại bất cứ điểm nào, một mắt xích bị thiếu từ cái chuỗi đó, thì không ai trong chúng ta được sống còn hôm nay. Tất cả chúng ta là bằng chứng rằng, xâu chuỗi này đã không bị đứt đoạn.
Sự sống sản sinh ra sự sống mới – chắc chắn đây là sự ân cần trong hình thức căn bản nhất của nó. Đào sâu hơn vào trong ý tưởng này, tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể nói Trái Đất tự thân nó là một cơ thể sống khổng lồ tràn đầy sự ân cần. Hoạt động của toàn vũ trụ cốt yếu là một vận hành  của lòng từ bi.
Những người thực sự đáng ca ngợi đều có tinh thần tự cải thiện và phát triển; và liên tục phấn đấu để trên hết tự phát triển chính mình, đó là sự ân cần đích thực đối với người khác.
73.ĐỐI MẶT VỚI SỰ VÔ CẢM
Tôi luôn luôn bị trêu cợt bởi vì tôi bị khuyết tật.
Những ai cười nhạo hay chế giễu bạn, họ tàn nhẫn và sai quấy. Họ tạo ra một gánh nặng của nghiệp bất thiện cho chính họ bằng cách phớt lờ cái quyền của bạn: quyền được được tôn trọng và được đối xử như một con người. Nhưng để cho những lời chế nhạo của họ chạm tới bạn, là một sự bại trận. Tuy nhiên, sức mạnh của bạn là một chiến thắng.
Bởi vậy, một cách cốt yếu, bạn phải trở nên mạnh mẽ hơn. Bảo vệ quyền của bạn cũng là một phần của cuộc đấu tranh cho nhân quyền. Làm cho những quyền của bạn được người khác công nhận, không phải chỉ là làm cho họ hành xử một cách thông cảm. Hãy tự hào về chính bạn như là một cá nhân, bất kể cái khuyết tật của bạn. Hãy tự hào về sứ mệnh của bạn trên đời. Muốn ân cần với người khác, ta cần phải mạnh mẽ. Ta cũng cần phải mạnh mẽ để bảo vệ nhân quyền, không chỉ của chúng ta, mà còn của những người khác nữa.
74.CHẬN ĐỨNG SỰ BẮT NẠT
Tôi thấy quá nhiều kỳ thị và sự bắt nạt trong môi trường quanh tôi.
Sự bắt nạt là chiến tranh thu nhỏ. Tính nhỏ nhen, cao ngạo, ghen tỵ, và ích kỷ – tất cả những cảm xúc hèn hạ và có tính hủy hoại đó đều vi phạm nhân quyền. Trên một qui mô lớn hơn, chúng biểu hiện như là chiến tranh và tội ác.
Bất luận vì lý do gì, sự bắt nạt là sai trái. Có thể là những kẻ bắt nạt có những cái cớ của họ – có thể họ muốn trút nỗi đau của họ lên người khác. Nhưng dù lý do hay động cơ nào, thì sự bắt nạt và kỳ thị là không thể biện minh được.
Nói cho cùng, sự bắt nạt là một tội ác chống lại nhân loại. Một phần của cuộc đấu tranh cho nhân quyền, là đứng lên chống lại những ai đang làm những điều có tính hủy hoại và gây đau đớn cho người khác. Một phần khác của cuộc chiến đấu đó, là bảo vệ những người tốt.
Khi bạn không thể làm cho những kẻ bắt nạt ngừng xâm phạm người khác qua những nỗ lực của riêng bạn, hãy nói với ai đó mà bạn tin cậy. Hãy nghĩ thật kỹ về một cách nào đó để cải thiện tình huống.
Bất luận cái gì xảy ra, xin đừng tự ty nếu bạn không thể giải quyết vấn đề. Ngay giờ đây, cho dẫu bạn không thể làm hay nói một cái gì đó thích đáng, thật là quan trọng để thừa nhận rằng, sự chế nhạo hay bắt nạt, đều là hành vi sai trái.
Nếu bạn lao vào trong cuộc tranh chấp để rồi bị đánh bại, điều đó sẽ không giải quyết được gì cả. Thay vì nghĩ rằng mình vô dụng, tốt hơn bạn nên tập trung vào việc tự phát triển chính mình, để có thể có một tác dụng tích cực trong tương lai.
75.HÀNH XỬ VỚI BẠO ĐỘNG
Nhiều người trẻ đang trở nên bạo động. Một vài người thậm chí còn tự hào về điều đó. Tôi có thể làm được gì không?
Tôi được biết rằng theo sau thảm kịch bang Colorado tại trường trung học Columbine, mà trong đó 13 học sinh bị bắn chết, tổng thống Clinton đã nói, “Chúng ta phải gần gũi với con cái chúng ta và dạy chúng biết biểu lộ cơn giận dữ của chúng và hóa giải những xung đột của chúng bằng lời nói, chứ không phải bằng vũ khí.” Tôi hoàn toàn đồng ý. Không gì làm trái tim tôi đau nhói hơn là sự kiện rằng những người trẻ, những người sở hữu tiềm năng vô hạn cho tương lai, lại hủy hoại chính đời họ và đời những người khác.
Khi tôi còn trẻ, tôi mất người anh trai cả cho Thế Chiến II. Anh là một người nhân hậu, bất đồng một cách dữ dội với đường lối hành động của nước Nhật. Đau đớn về việc Nhật xâm lược Trung Quốc, anh nói, “Quân đội Nhật tàn nhẫn. Tôi cảm thấy vô cùng tiếc cho nhân dân Nhật.”
Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi từ phía sau, cái lưng nhỏ bé của bà run rẩy trong sầu khổ trước hung tin về cái chết của người con trai cả trong chiến tranh. Ngay cả lúc ấy, tôi cảm thấy một cách sâu sắc rằng, chúng ta nên bãi bỏ chiến tranh và bạo động khỏi trái đất này, bất luận điều gì xảy ra.
Dĩ nhiên, điều hệ trọng là phải kiểm soát những yếu tố bên ngoài của bạo động bằng cách giải trừ vũ khí, bổ sung thêm những đạo luật và ký kết những hòa ước giữa những dân tộc; tuy vậy, sau cùng, cần phải hiểu rằng, bạo động khởi lên từ thú tính bẩm sinh, một phần trong bản chất của con người. Đó một trạng thái nơi mà người ta bị chao đảo bởi những ham muốn bản năng, và không có cảm thức nào về lý tính hay đạo đức. Cho dù chúng ta có thể đã xóa sạch tất cả những khí giới khỏi hành tinh này, thì bạo động sẽ không bao giờ chấm dứt, trừ phi ta kiểm soát được thú tính bên trong ta. Vì chính lý do này, ta cần thay đổi con người của từ bên trong.
Tôi vẫn thường kêu gọi một cuộc “thi đua nhân đạo”, trong đó mọi tôn giáo, vốn dạy sự khoan dung và sự quan tâm, hãy thi đua để xem mỗi tôn giáo có thể vun trồng được bao nhiêu cá nhân quan tâm tới người khác. Trong bất cứ trường hợp nào, cây chìa khóa là một nền giáo dục đặt nền tảng trên phẩm giá của mỗi cá nhân.
Bạo động là điều xấu tuyệt đối. Bất luận điều mà bạn nói có đúng ra sao, nhưng nếu bạn dùng tới bạo lực để chứng tỏ nó, thì bạn là một kẻ thua cuộc. Cho dẫu nhờ hành động bạo lực, bạn có vẻ như đang chiến thắng, rốt cùng, bạn sẽ kết thúc trong chiến bại.
Mọi sự sống đều có liên quan với nhau. Chính vì giác quan ta có khả năng hạn chế, mà ta đặt quá nhiều tầm quan trọng vào sự chia cách giữa “họ” và “chúng ta.” Do sự tương liên này, cho nên, nếu dùng bạo lực, thì bạn không chỉ làm tổn thương hay hủy hoại người khác, mà còn chính bạn nữa. Những ai dùng bạo lực và hạ thấp đời người khác, những người ấy thực sự tự hạ thấp và làm hỏng chính đời mình.
Thật là quan trọng để hiểu rằng, yếu tính của bạo động là sự hèn nhát. Bởi vì một người hèn nhát, y mới quay sang dùng bạo động. Y thiếu lòng dũng cảm để đối thoại. Mahatma Gandhi đã nói một cách hùng biện rằng, “Bất bạo động không phải là một bình phong cho sự hèn nhát, mà nó là đức hạnh tối cao của những người dũng cảm… Sự hèn nhát hoàn toàn không tương thích với bất bạo động. Bất bạo động tiền giả định khả năng để đánh trả.”
Khả năng đối thoại là bằng chứng cho trí năng của mỗi người. Dĩ nhiên, những lãnh tụ tối cao của dân tộc phải chịu trách nhiệm chính cho hiện trạng của xã hội đương đại, nơi mà bạo động đang phổ biến. Những người nhận trọng trách trong lãnh vực chính trị, giáo dục, và truyền thông đại chúng cùng chia sẻ trách nhiệm. Tuy vậy, chỉ đơn giản chỉ trích họ, sẽ không thay đổi được gì cả. Bạn không có cách nào khác hơn, là từng người một đứng lên, tin rằng những nỗ lực của bạn có thể đóng góp vào việc xây dựng một xã hội tốt hơn từ nay về sau. Bạn có thể bắt đầu bằng cách mở rộng cái phạm vi bất bạo động trong môi trường trực tiếp của bạn.
Trong khuôn khổ của tổ chức Soka Gakkai Quốc Tế, tuổi trẻ Hoa Kỳ đã và đang thực hiện những hoạt động để kêu gọi chấm dứt bạo động. Họ đang đưa 3 lời cam kết này vào thực hành:
1. Tôi trân quý cuộc đời của riêng tôi.
2. Tôi sẽ tôn trọng mọi sự sống.
3. Tôi sẽ truyền cảm hứng tới những người khác.
Khi mỗi chúng ta có khả năng trân quý đời ta, chúng ta sẽ tự nhiên có khả năng trân quý đời của người khác, nữa.
Điều quan trọng là bạn làm một cái gì đó. Phải bắt đầu bằng bước chân đầu tiên. Zero là zero, cho dù được nhân bởi một con số khác. Nhưng nói như như câu ngạn ngữ phương Đông, “Một là mẹ của hằng vạn.”
76.BẠO HÀNH VỚI PHỤ NỮ
Hiện nay, hình như có sự gia tăng trong bạo hành thể xác và tình dục đối với phụ nữ. Phải làm gì?
Không có gì thô tục cho bằng bạo hành với phụ nữ. Không được phép khoan hồng với bạo động. Tất cả đàn ông nên nhớ điều này, và nên xem những phụ nữ (đồng thời với mình) như chị em gái, mà cuộc đời của họ phải được nâng niu trân trọng. Thật xấu hổ cho phái mạnh, nếu họ không hành xử dịu dàng.
Mặc dù vậy, thật hệ trọng là phụ nữ phải biết tự bảo vệ mình với sự khôn ngoan và cẩn trọng. Nhiều hội đoàn tự nguyện giúp phụ nữ. Khi bạn nhận thức được là đời bạn quý giá ra sao, bạn sẽ làm mọi thứ có thể được để bảo vệ nó. Một điều cũng rất quan trọng, là chú ý lắng nghe lời khuyên của bố mẹ và bằng hữu mà bạn có thể tin cậy.
Những nạn nhân của bạo hành thường hay bị thương tổn sâu sắc về tinh thần cũng như thể xác. Họ mất niềm tin vào nhân tính của họ và thường hay cảm thấy bị hoen ố như thể đời họ đã bị hủy hoại. Nếu bạn là một nạn nhân của bạo hành, xin hãy nhớ rằng, bất luận thế nào đi nữa, thì phẩm giá của bạn sẽ không bao giờ thay đổi. Hãy dốc hết nghị lực, hãy vững vàng. Hãy tự nói với mình, “Tôi không phải là một người mà sẽ cho phép một chuyện như thế hủy hoại đời mình.” Ở mức độ sâu xa nhất, không ai có thể hủy hoại đời bạn. Bất luận bạn đã bị thương tổn đến đâu, bạn vẫn có thể duy trì cái phẩm giá nền tảng của bạn – không ai có thể lấy đi cái đó từ bạn mà không có sự đồng ý của bạn.
Ta biết rằng hoa sen trắng thanh khiết mọc trong một cái ao bùn lầy. Tương tự như vậy, một trạng thái tối cao của sự sống có thể mọc lên trong khi ta đang sống trong một thực tại đau đớn nhất.
Bất luận bạn có thể cảm thấy xuống tinh thần đến đâu, thì ở một nơi nào đó, đang có một ai đó cũng đang đau khổ một cách tương tự; và bạn, nhất là bạn, có thể giúp người đó, vì bạn hiểu được tâm trạng của họ. Và trong trái tim người khác, có tình yêu mến chân thực mà bạn có thể khám phá ra.
Bạn có thể không cảm thấy mấy ưa thích việc kể những ưu phiền của mình với người khác, nhưng chỉ cần có một người mà bạn có thể tham vấn về những kinh nghiệm của bạn, cũng sẽ tạo ra sự khác biệt toàn diện trong thế giới quan của bạn. Bạn không nên chịu khổ một mình. Có một tiềm năng khó tin, ẩn giấu bên trong đời bạn. Nếu bạn tự mình bỏ cuộc, thì sự việc thậm chí càng kinh khủng hơn, bởi vì nó sẽ phóng đại sự hư hại đã có. Đừng bao giờ để cho sự đau khổ khiến cho bạn từ bỏ bản ngã thực của mình.
Nói ra thì có vẻ như kỳ lạ, nhưng mà những ai đã đau khổ nhiều nhất, hay những ai bất hạnh  nhất, họ có thể trở nên những kẻ hạnh phúc nhất. Với những giọt lệ bạn nhỏ xuống, bạn có thể thanh tẩy đời bạn và làm cho nó chiếu sáng. Dũng mãnh tiến lên, đó là điều cốt tủy của sự sống.
[1] Thấu cảm [empathy]: Sự đồng cảm sâu sắc. Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc thường nói, trong mối quan hệ giữa bác sỹ và bệnh nhân, phải có sự thấu cảm. Ông chủ trương nhìn “bệnh nhân” như một “con người”– chứ không như một  “cái máy” cần sửa chữa. Quan niệm này không có gì mới mẻ, vì đó cũng là quan niệm của mọi vị lương y đích thực xưa nay. Nhưng phải thừa nhận rằng, trong thời buổi hiện nay, khi mà số bác sỹ có lương tâm hình như không nhiều lắm, thì tiếng nói của ông là rất đáng trân trọng!.
THE WAY OF YOUTH
Daisaku Ikeda
Đỗ Tư Nghĩa dịch
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...