Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Dấu chân chúa Nguyễn bên bờ sông Thạch Hãn

Dấu chân chúa Nguyễn 
bên bờ sông Thạch Hãn
Nguyễn Hoàng (1525 - 1613), tức là Chúa Tiên, là người tiên phong mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của chín đời Chúa Nguyễn, lập nên vương triều nhà Nguyễn.
Nguyễn Hoàng (sinh tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa) là con trai thứ hai của Nguyễn Kim (1468 - 1545) và bà Nguyễn Thị Mai (quê ở Hải Dương). Theo phả hệ họ Nguyễn ở Gia Miêu, ông là hậu duệ của Nguyễn Bặc.
Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, Nguyễn Kim phải tránh sang Lào, xây dựng lực lượng, tìm cách khôi phục nhà Lê. Lúc ấy Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi, Nguyễn Kim để Nguyễn Hoàng lại cho em ruột là Nguyễn Ư Dĩ nuôi dưỡng.
Lúc Nguyễn Hoàng 20 tuổi, Nguyễn Ư Dĩ thường khuyên Nguyễn Hoàng lập công danh sự nghiệp. Nguyễn Hoàng làm quan dưới triều Lê, lập nhiều công lớn, được vua Lê Trung Tông phong tước Thái úy Đoan Quốc Công.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đầu độc, quyền lực trong triều đình Hậu Lê rơi vào tay Trịnh Kiểm, anh trai Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, Nguyễn Hoàng cho người tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin lời khuyên, Trạng Trình nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Ông nhờ chị ruột mình là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Chúa Trịnh cho vào trấn thủ đất Thuận Hoá (từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế ngày nay). Trịnh Kiểm thấy Thuận Hóa là nơi xa xôi, đất đai cằn cỗi nên Trịnh Kiểm đã đồng ý, bèn tâu vua Lê Anh Tông nên cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ (1558).
Năm 1558, Nguyễn Hoàng đem gia quyến cùng các tướng Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Cảnh Huống, Văn Nham, Thạch Xuyên, Tường Lộc, Thường Trung, Vũ Thì Trung, Vũ Thì An và hàng nghìn đồng hương thân tín Thanh - Nghệ xuống thuyền vào nam. Đoàn thuyền đã đi vào cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt), đóng trại tại Gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và đã chọn nơi này để lập thủ phủ gọi là dinh Ái Tử.
Năm 1569, Trịnh Kiểm phong cho Nguyễn Hoàng làm Tổng Trấn Tướng Quân kiêm quản cả Xứ Quảng Nam và Xứ Thuận Hóa. Tháng 01 năm 1570, Nguyễn Hoàng dời dinh về làng Trà Bát, nằm gần Ái Tử, chếch về phía đông bắc, cạnh bờ tây sông Thạch Hãn (nay là làng Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong). Gọi là Dinh Trà Bát. Năm 1600, ông mới dời dinh sang phía đông của dinh Ái Tử, gọi là Dinh Cát.
Làng Trà Liên Tây
Nơi xưa kia, chúa Tiên lập dinh Trà Bát.
Sông Thạch Hãn chảy qua làng Hậu Kiên (cạnh làng Cổ Thành và chợ Sãi xưa) thì uốn cong 90 độ về hướng tây một đoạn lại quanh 90 độ tiếp vè hướng bắc. Ở khúc quan thứ hai, dòng sông bị xói lở (dù đã bị đập Trấm ngăn sức nước chảy từ nguồn về). Ảnh chụp ngày 26/4/2016 ở vị trí làng Tiền Kiên, nơi bờ sông có những mảnh vỡ bằng sành, có thể là dấu tích của vùng sản xuất gốm xa xưa. Tả Kiên và Tiền Kiên nằm về phía nam của làng Trà Liên Tây, vị trí của dinh Trà Bát ngày xưa.
Am nhỏ, nơi đặt tượng ngài Nguyễn Ư Dĩ nằm trong khuôn viên đình làng Tà Liên Tây hiện nay.
Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.
Vùng Trà Bát xưa, đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại và một số di tích sau hơn 400 năm và những thời gian chiến tranh ác liệt tàn phá. Các bạn có thể đọc thêm một số thông tin từ báo chí, như:
http://www.doisongphapluat.com/
http://daidoanket.vn/xa-hoi/
http://www.doisongphapluat.com/
Rải rác ở khu vực làng Tiền Kiên ngày nay vẫn còn dấu tích những ngôi mộ cổ của những người Chăm (châu Ô, châu Rí) từ trước khi Chúa Tiên vào đây dựng nghiệp.


Mai Lĩnh - Nguyễn Hiếu
Theo http://www.vncgarden.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đọc lại trường ca của Hữu Thỉnh: ‘Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình’ Kỷ niệm 46 năm thống nhất đất nước, tôi muốn trở lại với một ...